TS. Trần Hoàng Ngân: Duy trì lãi suất huy động ở mức 8-9% là hợp lý

Ngày đăng : 05/06/2012 - 9:06 AM

 

Ông Ngân cho rằng, không nên làm vội vàng giảm lãi suất ngay lúc này mà có thể chờ tới cuối tháng 6.

Theo thông tin từ cuộc họp giữa Ngân hàng Nhà nước cùng 14 ngân hàng thương mại, từ nay đến hết 2012, nếu kinh tế vĩ mô không có những biến động bất thường, lạm phát duy trì mức tăng thấp như thời gian vừa qua, lãi suất huy động sẽ được đưa về mức 9%/năm để tạo điều kiện hạ lãi suất cho vay, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp.

PGS. TS Trần Hoàng Ngân, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia đã có cuộc trao đổi với phóng viên xung quanh vấn đề này. 

- Thưa ông, có thông tin sắp tới trần lãi suất huy động sẽ được giảm xuống còn 9%/năm. Vậy ông nhận định thế nào về thông điệp này?

Ông Trần Hoàng Ngân: Theo tôi, điều hành lãi suất của chúng ta nên có một thông điệp rõ ràng và minh bạch. Ví dụ nước Pháp thường công bố lộ trình trước khi triển khai khoảng vài năm. Vì vậy, việc giảm lãi suất huy động thời gian tới theo mục tiêu của lạm phát năm nay, cũng như mục tiêu lạm phát mà Nghị quyết Quốc hội thông qua là đến 2015 chỉ ở mức 5-7%. Điều đó có nghĩa là lãi suất huy động chỉ ở mức 8-9% là hợp lý và cần phải duy trì.

Quan trọng là chúng ta phải có thông điệp, lãi suất phải đi theo một tiêu chí, tức là lãi suất sẽ đi theo lạm phát cơ bản. Nếu chúng ta đi theo CPI (chỉ số giá tiêu dùng) thì chúng ta sẽ chạy theo "cơn sóng" vì giá xăng dầu thế giới bùng phát sẽ làm CPI tăng lên, lúc đó lãi suất sẽ lại phải tăng theo. Khi lãi suất tăng trở lại, nhà đầu tư sẽ không dám mạnh dạn chi tiền nữa.

Hiện nay nền kinh tế suy giảm là do những người có tiền không dám đầu tư vì họ chưa biết chính sách có nhất quán hay không. Vì vậy cần phải đưa ra thông điệp rõ ràng là lãi suất theo lạm phát cơ bản.

- Theo ông, việc giảm mạnh lãi suất lần tới này có ý nghĩa như thế nào với nền kinh tế?

Ông Trần Hoàng Ngân: Theo tôi, việc giảm lãi suất có ý nghĩa rất rộng, không chỉ có ý nghĩa làm tăng dư nợ. Một là giúp cho những doanh nghiệp có dự án đầu tư họ tính tỷ suất lợi nhuận ở mức khoảng 13-14%. Vậy khi lãi suất giảm, doanh nghiệp thấy dự án này triển khai được lúc đó họ mới thực hiện dự án.

Hai là, chúng ta tái cấu trúc lại thị trường tài chính để cho các doanh nghiệp huy động vốn trên thị trường chứng khoán. Điều mong muốn lâu nay của chúng ta là làm sao vốn hóa thị trường chứng khoán lên để doanh nghiệp bớt lệ thuộc vào ngân hàng. Và như vậy doanh nghiệp có thể phát hành cổ phiếu và trái phiếu. Lãi suất huy động 8-9%/năm thì những doanh nghiệp có tỷ suất lợi nhuận khoảng 13% là có thể huy động được. Còn nếu để lãi suất huy động cao thì những doanh nghiệp có tỷ suất lợi nhuận 13-14% không thể huy động được. Bên cạnh đó, mức lãi suất hợp lý sẽ giúp cho doanh nghiệp có thể tăng lượng phát hành cổ phiếu và trái phiếu để tăng mức vốn hóa.

Ba là, thúc đẩy quá trình tái cấu trúc các doanh nghiệp Nhà nước, các tổng công ty để cổ phần hóa. Như vậy doanh nghiệp sẽ bán cổ phiếu. Nhà đầu tư họ thấy kênh gửi tiết kiệm không phải là kênh duy nhất nữa nên sẽ đầu tư cổ phiếu.

Bốn là, việc phát hành trái phiếu của Chính phủ để triển khai các dự án đầu tư công, lãi suất giảm Chính phủ sẽ phát hành dễ hơn và với mức lãi suất thấp hơn. Nếu như năm nay dự kiến sẽ phát hành trên 100 nghìn tỷ đồng mà lãi suất từ 11-12% xuống còn 10% thì ngân sách Nhà nước sẽ tiết kiệm được từ một đến hai nghìn tỷ đồng. Nếu nguồn tiền này lại được đưa vào xây dựng trường học thì đây là kích cầu đầu tư.

Như vậy giảm lãi suất mang lại nhiều ý nghĩa chứ ko phải thuần túy tăng dư nợ.

Tôi phản đối chuyện để tăng dư nợ mà giảm nguyên tắc cho vay, như vậy thì nguy kịch lắm. Vì nền kinh tế hiện nay đang bị rủi ro là do nợ xấu. Nợ xấu là tác nhân nghiêm trọng đến suy giảm kinh tế. Nợ xấu được ví như khối u và nếu để nó thành khối u lớn và di căn lên, tàn phá nền kinh tế thì rất nguy hiểm. Và khi nới điều kiện cho vay thì nợ xấu lại tăng. Do đó, mục tiêu của Chính phủ cần hình thành nên một công ty, Ban, tổ liên Bộ để giải quyết nhanh “cục” nợ xấu. Cái nợ xấu này có thể khoảng 5-6% GDP và nếu mình kiên quyết xử lý thì sẽ giảm. Đó là điểm nghẽn nền kinh tế hiện nay.

- Theo ông có nên giảm lãi suất huy động ngay trong thời điểm này không?

Ông Trần Hoàng Ngân: Cũng không nên làm vội vàng. Cuối tháng 6 có thể giảm được. Nhưng thông điệp của Chính phủ đưa ra một cách chắc chắn thì bản thân các ngân hàng thương mại cũng sẽ giảm trước. Còn nếu thông điệp mà đưa ra còn cân nhắc, còn xem xét CPI ra sao thì sẽ tạo tâm lý không ổn định từ nhà đầu tư.

- Nhưng hạ lãi suất xuống thấp liệu có lo ngại người dân không gửi tiền vào ngân hàng?

Ông Trần Hoàng Ngân: Điều này cũng tốt thôi, nếu người dân chi tiêu vào tiêu dùng thì giải quyết được hàng tồn kho, còn đầu tư vào bất động sản thì sẽ tốt cho thị trường này. Ngoài ra, nếu người dân đầu tư vào chứng khoán thì sẽ thúc đẩy tái cấu trúc thị trường tài chính.

Nhà đầu tư xoay vòng kiểu gì cũng tốt, chứ không nên cố thủ quá. Với lại mình nhìn số lượng người đang thất nghiệp chứ không nên chỉ nghĩ tới người có tiền gửi ngân hàng.

- Theo ông, việc đưa lãi suất về mức thấp như vậy liệu có ổn định và lâu dài được không?

Ông Trần Hoàng Ngân: Theo cá nhân tôi là ổn định và thông điệp đó Thống đốc cần đưa ra./.

- Xin cảm ơn ông!

Theo Thúy Hà
TTXVN
 

Họ tên :

Email :

Nội dung :

Tin cùng chủ đề

Thống đốc sắp quyết định nhiều vấn đề quan trọng

Ngày đăng : 04/06/2012 - 9:55 AM

 

Sẽ có khoảng hơn 17 Thông tư và các văn bản khác được NHNN ban hành trong tháng 6/2012. Trong đó có TT về Quy trình đánh giá, xếp hạng các tổ chức tín dụng; TT về tổ chức lại tổ chức tín dụng …

Đây là một trong những tháng được NHNN ban hành nhiều văn bản quan trọng nhất trong năm.

Thêm những văn bản về tái cơ cấu hệ thống ngân hàng

Theo kế hoạch hành động của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ ngày 3/1/2012 về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2012, NHNN sẽ ban hành hàng loạt Thông tư liên quan tới hoạt động của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Sẽ có khoảng hơn 17 Thông tư và các văn bản khác được NHNN ban hành trong tháng 6/2012. Trong số 17 Thông tư có rất nhiều những vấn đề quan trọng liên quan tới quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, trong đó phải kể đến Thông tư về Quy trình đánh giá, xếp hạng các tổ chức tín dụng; Thông tư về tổ chức lại tổ chức tín dụng …

Sau Thông tư số 04/2010/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước quy định việc sáp nhập, hợp nhất, mua lại tổ chức tín dụng, NHNN tiếp tục sẽ ban hành Thông tư về tổ chức lại tổ chức tín dụng.

Phạm vi điều chỉnh theo dự thảo thông tư là điều kiện, hồ sơ, trình tự, thủ tục chấp thuận việc tổ chức lại tổ chức tín dụng thành lập và hoạt động tại Việt Nam. Việc tổ chức lại tổ chức tín dụng được hướng dẫn tại dự thảo thông tư chỉ bao gồm việc sáp nhập, hợp nhất, thay đổi hình thức pháp lý của tổ chức tín dụng.

Theo Dự thảo Thông tư, các hình thức sáp nhập tổ chức tín dụng được xác định ở 5 trường hợp gồm: ngân hàng, công ty tài chính sáp nhập vào một ngân hàng; công ty tài chính sáp nhập vào một công ty tài chính; công ty cho thuê tài chính sáp nhập vào một công ty cho thuê tài chính; quỹ tín dụng nhân dân sáp nhập vào một quỹ tín dụng nhân dân; tổ chức tài chính vi mô sáp nhập vào một tổ chức tài chính vi mô.

Các hình thức hợp nhất tổ chức tín dụng được xác định ở 5 trường hợp: ngân hàng hợp nhất với ngân hàng, công ty tài chính thành một ngân hàng; các công ty tài chính hợp nhất thành một công ty tài chính; các công ty cho thuê tài chính hợp nhất thành một công ty cho thuê tài chính; các quỹ tín dụng nhân dân hợp nhất thành một quỹ tín dụng nhân dân; các tổ chức tài chính vi mô hợp nhất thành một tổ chức tài chính vi mô.

Nhiều vấn đề quan trọng khác sẽ được công bố 

Ngoài 2 Thông tư trên còn có các Thông tư quan trọng khác như: Hai Thông tư quy định điều kiện, hồ sơ, thủ tục thành lập, thay đổi tên, địa điểm và chấm dứt hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện , đơn vị sự nghiệp của NHTM và tổ chức tín dụng phi ngân hàng; Thông tư về giám sát, đánh giá và cảnh báo sớm rủi ro tín dụng đối với các tổ chức; Thông tư liên tịch quy định việc phối hợp hoạt động thanh tra, giám sát giữa NHNN và Bộ Tài chính; Thông tư về các tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng phi ngân hàng;

Thông tư quy định về trình tự, thủ tục thanh tra ngân hàng và giám sát ngân hàng cũng sẽ được ban hành trong tháng 6. Bên cạnh đó, NHNN sẽ ban hànhThông tư thay thế Quyết định 58/2006/QĐ-NHNN về mức lưu ký giấy tờ có giá tại NHNN và Thông tư hướng dẫn về việc cấp, thu hồi giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán đối với các hoạt động không phải là ngân hàng; Thông tư quy định chi tiết việc thi hành hỗ trợ lãi suất đối với tổ chức, cá nhân vay vốn trung, dài hạn tại Quỹ đầu tư phát triển địa phương,…

Một trong những mục tiêu và nhiệm vụ của NHNN trong năm 2012 là tăng cường công tác thanh tra, giám sát hoạt động của các tổ chức tín dụng đảm bảo hoạt động an toàn, đúng quy định của pháp luật về tiền tệ và hoạt động ngân hàng, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; theo dõi chặt chẽ biến động thanh khoản của toàn hệ thống và của từng TCTD; giám sát chặt việc thực hiện chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng; triển khai từng bước lộ trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, giảm số lượng ngân hàng và TCTD yếu kém.

Hồi quý I.2011, NHNN đã có cuộc họp báo công bố Chỉ thị 01 về tổ chức thực hiện chính sách tiền tệ và đảm bảo hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả năm 2012. Hầu hết các vấn đề nêu trên đều nằm trong mục tiêu và nhiệm vụ của Chỉ thị 01 và cũng là kế hoạch hành động của NHNN thực hiện Nghị quyết 01/NQQ-CP của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2012.

Theo Khổng Nhung

Vnmedia
 


Họp “G14” để bàn về tín dụng?

Ngày đăng : 01/06/2012 - 9:32 AM

 

Dự kiến sáng 31/5 Ngân hàng Nhà nước sẽ họp nhóm với lãnh đạo 14 ngân hàng thương mại hàng đầu hệ thống.

 

Đây là cuộc họp mang tính định kỳ của nhà điều hành chính sách tiền tệ với 14 thành viên, hoặc có thể là họp đột xuất để chủ động và tạo sự đồng thuận thực thi chính sách trước các vấn đề nảy sinh trong hoạt động của hệ thống…

Trước đây, Ngân hàng Nhà nước xác định các ngân hàng tham dự là 12 thành viên lớn nhất trong hệ thống, hay nhiều người vẫn quen gọi là “G12”. Gần đây, nhóm này có thêm sự góp mặt của hai thành viên mới là Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) và Ngân hàng Đông Nam Á (SeABank).

Hiện nội dung dự kiến của cuộc họp sáng 31/5 chưa được công bố. Tuy nhiên, có thể dự đoán sẽ tập trung vào các vấn đề chính yếu hiện nay: định hướng điều hành lãi suất, đặc biệt là lãi suất cho vay, thực tế cơ cấu lại nợ tại các ngân hàng và phát triển tín dụng…

Trước thêm cuộc họp này, Ngân hàng Nhà nước vừa tiến hành đợt cắt giảm các lãi suất điều hành lần thứ ba kể từ đầu năm. Trần lãi suất huy động VND theo đó được ấn định tối đa là 3%/năm đối với kỳ hạn dưới 1 tháng và 11%/năm từ 1 tháng trở lên. Lãi suất cho vay VND tối đa đối với 4 nhóm đối tượng, lĩnh vực theo đó xuống còn 13%/năm.

Trần lãi suất huy động liên tiếp giảm như vậy, song việc mở rộng tín dụng lãi suất thấp cho nhiều đối tượng vẫn là một vấn đề được đặt ra lúc này. Bên cạnh đó, tín dụng tăng trưởng âm kéo dài cũng là một bài toán có thể sẽ được Ngân hàng Nhà nước và nhóm “G14” tập trung thảo luận và tính toán tháo gỡ.

Trong những thông tin đưa ra vừa qua, Ngân hàng Nhà nước cho biết thanh khoản hệ thống đã được cải thiện tốt, thậm chí có hiện tượng dư thừa vốn khả dụng. Một phần phản ánh tình hình đó, lãi suất giao dịch trên thị trường liên ngân hàng liên tục sụt giảm, thậm chí trong tuần này ghi nhận cả mức thấp kỷ lục dưới 1%/năm.

Ở một nội dung khác, việc xem xét khả năng mở rộng đối tượng áp dụng trần lãi suất cho vay cũng đã được đề cập. Không loại trừ khả năng này cũng sẽ được thảo luận.

Và hiện tại, Ngân hàng Nhà nước cũng đang hoàn thiện một loạt dự thảo các văn bản với những nội dung quan trọng để điều chỉnh hoạt động của hệ thống, như về các tỷ lệ an toàn trong Thông tư 13, cơ chế phân loại nợ, giao dịch ngoại hối, các nghiệp vụ phái sinh… Và mới nhất là dự thảo về khung pháp lý bổ sung cho việc tái cơ cấu các tổ chức tín dụng.

 

Theo Hồng Nhung
Vneconomy

 


Công ty tài chính có thể “kết hôn” với ngân hàng

Ngày đăng : 31/05/2012 - 10:02 AM

 

 

Ngân hàng Nhà nước đang xây dựng dự thảo thông tư hướng dẫn việc tổ chức lại tổ chức tín dụng, tạo thêm cơ sở pháp lý để thúc đẩy quá trình tái cơ cấu hệ thống.

 

Khi hoàn thiện và ban hành, đây là văn bản quan trọng tiếp sau Thông tư số 04/2010/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước quy định việc sáp nhập, hợp nhất, mua lại tổ chức tín dụng.

Phạm vi điều chỉnh theo dự thảo thông tư là điều kiện, hồ sơ, trình tự, thủ tục chấp thuận việc tổ chức lại tổ chức tín dụng thành lập và hoạt động tại Việt Nam. Việc tổ chức lại tổ chức tín dụng được hướng dẫn tại dự thảo thông tư chỉ bao gồm việc sáp nhập, hợp nhất, thay đổi hình thức pháp lý của tổ chức tín dụng.

Theo đó, các hình thức sáp nhập tổ chức tín dụng được xác định ở 5 trường hợp gồm: ngân hàng, công ty tài chính sáp nhập vào một ngân hàng; công ty tài chính sáp nhập vào một công ty tài chính; công ty cho thuê tài chính sáp nhập vào một công ty cho thuê tài chính; quỹ tín dụng nhân dân sáp nhập vào một quỹ tín dụng nhân dân; tổ chức tài chính vi mô sáp nhập vào một tổ chức tài chính vi mô.

Các hình thức hợp nhất tổ chức tín dụng được xác định ở 5 trường hợp: ngân hàng hợp nhất với ngân hàng, công ty tài chính thành một ngân hàng; các công ty tài chính hợp nhất thành một công ty tài chính; các công ty cho thuê tài chính hợp nhất thành một công ty cho thuê tài chính; các quỹ tín dụng nhân dân hợp nhất thành một quỹ tín dụng nhân dân; các tổ chức tài chính vi mô hợp nhất thành một tổ chức tài chính vi mô.

Ngoài ra dự thảo cũng xác định cụ thể nhiều trường hợp và hướng dẫn chi tiết vực thực hiện các hình thức chuyển đổi hình thức pháp lý của tổ chức tín dụng.

Đối với việc sáp nhập, hợp nhất tổ chức tín dụng, dự thảo thông tư xác định là chỉ được thực hiện sáp nhập, hợp nhất giữa các tổ chức tín dụng có cùng hình thức pháp lý; trừ trường hợp ngân hàng được sáp nhập, hợp nhất với công ty tài chính, tổ chức tín dụng chỉ được sáp nhập, hợp nhất với các tổ chức tín dụng cùng loại hình hoạt động.

Theo ban soạn thảo, quy định như trên vừa đảm bảo kế thừa các quy định tại Thông tư số 04/2010/TT-NHNN quy định về việc sáp nhập, hợp nhất, mua lại tổ chức tín dụng; phù hợp với nội dung quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng, Luật doanh nghiệp đồng thời tránh được những rắc rối pháp lý có thể phát sinh từ việc sáp nhập, hợp nhất giữa các tổ chức tín dụng có loại hình hoạt động khác nhau.

Việc tổ chức lại tổ chức tín dụng được hướng dẫn tại Thông tư này (dự kiến sau khi được ban hành) là dựa trên nguyên tắc tự nguyện đối với các bên có liên quan. Đối với việc sáp nhập, hợp nhất bắt buộc đối với các tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt sẽ thực hiện theo quy định riêng của Ngân hàng Nhà nước.

Theo Thùy Duyên
Vneconomy

 

 


20%, mức lãi suất "giết chết" doanh nghiệp Việt Nam!

Ngày đăng : 30/05/2012 - 9:35 AM

 

Theo chuyên gia Bùi Kiến Thành, hiện nền tài chính Việt Nam vẫn đang “vất vưởng” với mức lãi suất “chết” trên 20%/năm, mức lãi suất này đang “hủy diệt” hàng loạt doanh nghiệp và gây nguy hiểm cho nền kinh tế.

Bên lề Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) diễn ra sáng nay (29/5), chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành đã có cuộc trao đổi với báo giới một số vấn đề xung quan điều hành tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong bối cảnh hiện nay.

Trước khuyến nghị của Ngân hàng Thế giới (WB) ngày hôm qua cho rằng, tốc độ giảm lãi suất vừa qua của Việt Nam là quá nhanh và đáng lo ngại, ông Thanh ngay lập tức phản bác: “Tôi thấy không hề nhanh chút nào, giảm lãi suất như hiện nay vẫn chưa thực sự đáp ứng nhu cầu tăng trưởng của nền kinh tế”.

Theo lý giải của ông, hiện nền tài chính Việt Nam vẫn đang “vất vưởng” với mức lãi suất trên 20%/năm, đó là lãi suất chết, “hủy diệt” hàng loạt doanh nghiệp và gây nguy hiểm cho nền kinh tế.

Vị chuyên gia tài chính ngân hàng lưu ý, với vai trò là chủ nhà, hiểu rõ nhất nội tình, các nhà điều hành Việt Nam phải chủ động và đưa ra những quyết định đáp ứng đúng nhu cầu nhu cầu nền kinh tế và giữ được thái độ tiếp thu độc lập với những kiến nghị, đánh giá của các chuyên gia quốc tế.

Theo nhìn nhận của ông, mức lãi suất 13-14% (trên lý thuyết - NV)hiện nay của doanh nghiệp Việt Nam chưa thể đảm bảo được lợi thế cạnh tranh với các doanh nghiệp trong khu vực. Cụ thể, chi phí vay mà các doanh nghiệp đối thủ chỉ phải chịu từ 4-7%, do vậy, lãi suất hợp lý phải được kéo xuống dưới 10%thì doanh nghiệp Việt Nam mới phát triển tốt được.

Tuy nhiên, cho đến hiện tại, lãi suất vẫn ở mức cao theo ông Thành, là do Chính phủ chưa thật sự quản lýtốt hoạt động của hệ thống NHTM. Ông cho rằng, trách nhiệm của Chính phủ và NHNN là phải tạo được một mặt bằng lãi suất cho nền kinh tế phát triển ổn định bền vững chứ không thể chiều theo hoạt động của các NHTM, đẩy lãi suất huy động, lãi suất cho vay lên cao rồi bây giờ lại phải kéo xuống từ từ trong khi nền kinh tế thì đang “chết.

Chúng ta phải coi trọng quyền lợi của cả nền kinh tế hơn quyền lợi của các ngân hàng. Ngân hàng phải phục vụ cho quyền lợi của nền kinh tế chứ ngân hàng không phải phục vụ riêng cho quyền lợi của mình.Rõ ràng là chúng ta chưa thực sự quan niệm rõ ràng vấn đề trách nhiệm của hệ thống ngân hàng cũng như nhiệm vụ của NHNN” – ông Thành bày tỏ quan điểm.

Đã hạn chế tăng trưởng tín dụng, hạ lãi suất không gây lạm phát

Theo ông, NHNN phải biết được mức lãi suất mà doanh nghiệp cần. “Nếu chúng ta chần chừ, doanh nghiệp chết hết. Doanh nghiệp chết hết rồi thì không sống lại được. Nền kinh tế có sản xuất và tiêu thụ, doanh nghiệp chết thì không có sản xuất, không có tiêu thụ, không có nhân công, giết cả hai đầu. Quản lý lãi suất không phù hợp có thể gây ra hệ lụy đó”.

Ông phân tích, nếu không chịu nổi “nhiệt”, doanh nghiệp mà “chết” thì ngân hàng cũng “chết” chứ không được lợi gì. Đến lúc không còn ai vay, ngân hàng ôm vốn phải trả lãi suất cho huy động thì lợi nhuận cũng không còn.

Ông Thành cũng phản bác việc cho rằng, nếu hạ lãi suất xuống 6-7% cho doanh nghiệp sẽ dẫn tới lạm phát. “Không có đâu. Vì chúng ta đã có dùng biện pháp hạn chế tăng trưởng tín dụng thì làm gì có vấn đề lạm phát nếu lãi suất thấp. Nếu lãi suất thấp, cùng với tăng trưởng tín dụng nóng, quá cao thì mới xảy ra lạm phát. Ở đây, ta đã hãm tăng trưởng tín dụng thì chúng ta cho vay lãi suất nào cũng không tạo ra vấn đề lạm phát được.”

Đồng thời phủ nhận quan điểm, bối cảnh khó khăn hiện tại cũng là cơ hội để tái cấu trúc doanh nghiệp, tái cấu trúc nền kinh tế. Bởi, với mức lãi suất cao thế thì không doanh nghiệp nào tồn tại được. “Đừng nói đó là cơ hội tái cơ cấu. Doanh nghiệp tốt xấu gì cũng chết cả, vì điều kiện bị bóp cổ không cho anh thở thì sao anh không chết”.

Căn cứ vào dự án để cho vay thay vì tài sản thế chấp

Chuyên gia Bùi Kiến Thành cho rằng, vấn đề đặt ra cho nền kinh tế hiện nay là khả năng hấp thụ nguồn vốn vay của các ngân hàng. Các doanh nghiệp đã “kiệt sức”, không còn có đủ tài sản để thế chấp, trong khi các khoản nợ vay quá hạn khiến ngân hàng không cho phép doanh nghiệp vay tiếp.

Do vậy, theo ông, thời gian tới cơ quan điều hành sẽ phải xem lại, phải cơ cấu lại những khoản nợ xấu, nợ khó đòi, giúp doanh nghiệp vẫn tiếp tục được vay vốn và tiếp cận được nguồn vốn.

Theo đó, chính sách khoanh nợ của ngân hàng phải giúp được các doanh nghiệp có triển vọng, có thị trường tốt, sản phẩm tốt song đang khó khăn tạm thời có thể có vốn phát triển.

Thay vì cho vay dựa trên tài sản thế chấp, ngân hàng nên căn cứ vào dự án và giám sát theo tiến độ dự án để đảm bảo dòng tiền đi đúng hướng được ưu tiên.

Đồng thời, ông cũng lưu ý, quản lý nhà nước phải tạo công bằng cho tất cả mọi người, tạo được bình đẳng giữa cả doanh nghiệp vừa và nhỏ và cả doanh nghiệp lớn. Phải tạo cho mọi người có thể tiếp cận nguồn vốn với lãi suất hợp lý.

“Không có lý do gì các doanh nghiệp lớn không được hưởng những chính sách bình đẳng với doanh nghiệp nhỏ và ngược lại. Cũng không có lý do các doanh nghiệp tư nhân lại không được bình đẳng với DNNN” - theo chuyên gia Bùi Kiến Thành.

Theo Bích Diệp
Dân trí

Chủ tịch UBGSTC: Việt Nam có đủ nội lực để thực hiện tái cấu trúc ngân hàng

Ngày đăng : 28/05/2012 - 2:42 PM

 

 

Công khai và minh bạch về nợ xấu không chỉ là cần thiết khi thực hiện tái cấu trúc mà nó là điều luôn đòi hỏi trong hoạt động của hệ thống tài chính ngân hàng.  

 

Theo ước tính của IMF, chi phí cho việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng khoảng 5% GDP, tức gần 5 - 6 tỷ USD. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Vũ Viết Ngoạn – Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho rằng, các nguồn lực trong nước hoàn toàn có thể “gánh vác” được số tiền này, xong điều quan trọng là số nợ xấu của các ngân hàng phải được công khai và minh bạch. 

 

Theo ông nguồn nội lực hiện nay của Việt Nam có đủ sức để thực hiện việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng hay không?

 

Học tập kinh nghiệm thực hiện tái cơ cấu hệ thống ngân hàng của các nước trên thế giới và trong khu vực là điều cần thiết, tuy nhiên khi áp dụng nó sẽ phụ thuộc vào tình hình và điều kiện cụ thể của từng quốc gia đó.

 

Năm 2000 Việt Nam cũng thực hiện tái cơ cấu lĩnh vực ngân hàng và đã rất thành công mà không cần sử dụng nhiều nguồn ngoại lực từ bên ngoài. Mặc dù, trước đó đã có rất nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam cần phải có sự tham gia giúp đỡ của các tổ chức tài chính quốc tế như: IMF, WB…

Hiện nay cũng thế, Việt Nam có thể thực hiện việc tái cấu trúc lĩnh vực ngân hàng mà không phải phụ thuộc quá nhiều vào các nguồn vốn từ bên ngoài. Tôi cho rằng, nội lực của chúng ta hoàn toàn thực hiện được điều đó. Điều quan trọng là lựa chọn bước đi và cách thức như thế nào để đạt hiệu quả cao nhất mà thôi. 

 

Nhiều người cho rằng, nợ xấu đang là nút thắt của việc tái cấu trúc. Vậy ông đánh giá như thế nào về tình hình nợ xấu của các ngân hàng hiện nay?

 

Nợ xấu của Việt Nam hiện nay bị đánh giá là cao. Nhưng tôi cho rằng, khi nhìn sang những nước xung quanh khi mà khủng hoảng kinh tế xảy ra thì hầu hết các nước này cũng gặp tình trạng tương tự.

Chẳng hạn, Đài Loan đầu năm 2000 tỷ lệ nợ xấu cũng hơn 10%, Nhật Bản những năm 90 cũng cao hơn 10%, thậm chí một số ngân hàng yếu kém của các nước ngày tỷ lệ này còn lên đến 17 – 18%. 

Ngay cả ở Việt Nam những năm 2000 tỷ lệ nợ xấu trung bình cũng vào khoảng 15 – 20%, nhiều ngân hàng tỷ lệ nợ xấu lên đến 30%... nhưng rõ ràng là chúng ta đã giải quyết được việc đó và thực hiện tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thành công.

 

Nếu nợ xấu không phải là điều đáng lo ngại nhất, thì ông có cho rằng phải công khai và minh bạch về số liệu nợ xấu mới là vấn đề cần phải bàn không?

 

Đúng thế. Công khai và minh bạch về nợ xấu không chỉ là cần thiết khi thực hiện tái cấu trúc mà nó là điều luôn đòi hỏi trong hoạt động của hệ thống tài chính ngân hàng. 

Chính vì thế việc thực hiện tái cấu trúc tới đây, một trong những nội dung phải thực hiện được đó là tính minh bạch của thông tin, những chuẩn mực về an toàn tài chính phải được đảm bảo và công bố thường xuyên. 

 

Các cơ quan quản lý, cơ quan giám sát phải được tiếp cần với các thông tin đó một cách đầy đủ, chính xác và kịp thời. Từ đó, tính an toàn hệ thống mới được củng cố và duy trì. 

 

Một số thương vụ M&A trong lĩnh vực ngân hàng đã và đang được tiến hành, theo ông điều đó có giúp cho hệ thống ngân hàng trở nên khỏe mạnh hơn không? 

 

Mua bán sáp nhập (M&A) là một trong các phương thức của việc tái cấu trúc. Tuy nhiên, phương thức đó có được đánh giá là tốt, là hiệu quả đối với từng tổ chức hay cả hệ thống thì nó lại phụ thuộc phần lớn vào đơn vị thực hiện việc đó.

 

Nếu một ngân hàng khỏe về tài chính, tốt về quản trị khi M&A với một ngân hàng yếu; giúp ngân hàng yếu tái cơ cấu lại và hoạt động hiệu quả thì đó là điều rất tốt và không ai có thể phủ nhận.

 

Hoặc hai ngân hàng có hai sở trường khác nhau và khi sáp nhập sẽ giúp họ phát huy các lợi thế riêng có để trở thành một định chế mạnh hơn cũng là việc nên cổ vũ.

 

Tuy nhiên, nếu hai ngân hàng đều yếu kém và không có lợi thế riêng mà lại hợp nhất thì sẽ không giải quyết được vấn đề gì, mà trái lại đó còn là bước lùi của việc tái cấu trúc.

Xin cảm ơn ông!

 

Khánh Linh (thực hiện)

Theo TTVN

 

 


 

Tin mới cập nhật