TS Cao Sỹ Kiêm: Để triển khai Nghị quyết 13/NQ-CP của Chính phủ đạt hiệu quả cao

Ngày đăng : 24/05/2012 - 3:01 PM

 

 

Đánh giá về các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong Nghị quyết số 13/NQ-CP của Chính phủ, TS.Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.

 

Cho rằng gói giải pháp sẽ góp phần giải quyết được rất nhiều vấn đề giúp doanh nghiệp khắc phục khó khăn, phát triển sản xuất và mở rộng tiêu thụ sản phẩm... 



Gói giải pháp hỗ trợ theo Nghị quyết 13/NQ-CP của Chính phủ đang được coi là cú hích cho các doanh nghiệp để trụ vững và phát triển. Ông có đánh giá như thế nào về gói hỗ trợ này trong thời điểm hiện nay, thưa ông?

 

TS Cao Sỹ Kiêm: Gói giải pháp hỗ trợ lần này của Chính phủ giải quyết được rất nhiều vấn đề. Trước đây chúng ta chỉ có giãn, hoãn thuế thu nhập doanh nghiệp nhưng bây giờ bao gồm cả thuế giá trị gia tăng, thuế sử dụng đất và hỗ trợ, tạo điều kiện để doanh nghiệp tiêu thụ nguyên, nhiên vật liệu, giải quyết hàng tồn kho.

Đây là những điểm rất mới, số lượng hỗ trợ tương đối nhiều, mức độ, phạm vi cũng tương đối rộng, sẽ góp phần giúp cho doanh nghiệp vừa trụ vững, vừa giữ được lao động và có điều kiện chuẩn bị những yếu tố cần thiết để khi tình hình tốt lên thì tập trung phát triển sản xuất. Đối với một số doanh nghiệp sản xuất bình thường thì cũng là điều kiện để bứt lên và phát triển. Đấy là những yếu tố tích cực trong gói hỗ trợ của Chính phủ.

 

Theo ông, các doanh nghiệp đón nhận sự hỗ trợ này của Chính phủ như thế nào?

 

Theo tôi các doanh nghiệp rất phấn khởi khi đón nhận sự hỗ trợ này vì đã cónhững tiêu chí cụ thể để doanh nghiệp tự soi vào, thấy được mình cần gì, để từ đó sẽ có cách tiếp cận.

Tuy nhiên, cần phải xác định cụ thể gói hỗ trợ này sẽ giải quyết cho ai, như thế nào vì doanh nghiệp nợ thuế hoặc gặp khó khăn không đều nhau và ngành nghề khác nhau nên cần phải được đánh giá đầy đủ, xác định một cách rõ ràng, trên cơ sở đó đưa ra những tiêu chí hợp lý kể cả nội dung và mức độ giải quyết. Từ đó mới áp vào đúng địa chỉ để tránh không bị tổn thất và rủi ro, tạo lòng tin cho doanh nghiệp.

Tuy không thể giải quyết tất cả những vấn đề mà các doanh nghiệp hiện nay đang gặp phải nhưng đây chính là “huyệt” đúng chỗ để doanh nghiệp có thể trụ vững và phát triển được. Nó có tính lan tỏa, tạo động lực, yếu tố vật chất mới cho doanh nghiệp. Điều đó rất có ý nghĩa trong tình hình hiện nay.

 

Có ý kiến cho rằng nhiều doanh nghiệp thời gian qua chỉ sống dựa vào nguồn vốn ngân hàng hay thành lập ra chỉ để tranh thủ những lợi thế ngắn hạn nên lúc thị trường gặp khó khăn thì tất yếu cũng lâm vào hoàn cảnh khó khăn, ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?

 

Chính điều đó nên mới cần phải đánh giá rất sát, rất cụ thể tình hình của doanh nghiệp để chúng ta có giải pháp, có chính sách cụ thể. Nếu đánh đồng thì sẽ có doanh nghiệp không khó khăn thực sự cũng được hỗ trợ, gây lãng phí trong việc sử dụng nguồn lực này. Thứ hai là tạo ra sự mất công bằng và mất lòng tin đối với doanh nghiệp cũng như hiệu quả của chính sách sẽ không đạt được.

 

Ông đánh giá điểm yếu của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong thời điểm hiện nay là gì?

 

Đó chính là việc thành lập quá nhanh nên yếu tố chuẩn bị không được đầy đủ, không đáp ứng được những vấn đề như chất lượng nguồn lực, hiểu biết về luật pháp, phương pháp quản lý hay những yếu tố trong việc khai thác và giới thiệu thị trường.

Chúng ta phải phân loại cụ thể khó khăn của doanh nghiệp. Khó khăn nào do khách quan thì phải có trách nhiệm giúp đỡ, những khó khăn do chủ quan, do yếu kém không quản lý, không thích nghi được có cứu cũng không cứu được thậm chí kéo cả tình hình chung xuống thì cần phải xử lý triệt để. Quan trọng nhất vẫn là đánh giá cho chính xác để xác định doanh nghiệp nào xứng đáng hỗ trợ.

 

Ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước, doanh nghiệp cần phải làm gì tự cứu mình trong những thời điểm khó khăn, thưa ông?

 

Hỗ trợ của Nhà nước chỉ là một phần để động viên, khích lệ còn quan trọng nhất là doanh nghiệp phải tự đánh giá lại mình, xác định được điểm mạnh, điểm yếu của mình và phải tự vươn lên, tự tiếp thu thì mới có kết quả.

 

Còn nếu “cứ yếu là xin, thiếu là kêu”, không năng động, chủ quan, không có chiến lược rõ ràng, không có tư duy sáng tạo, không có công nghệ, công nhân lành nghề và trình độ quản lý tốt mà đòi hỏi phải giúp đỡ thì chắc chắn là sẽ gặp khó khăn và cũng không nên giúp đỡ những đối tượng này nhiều.

 

Theo ông, làm thế nào để triển khai gói hỗ trợ này một cách hiệu quả nhất?

 

Có ba việc phải làm, một là đánh giá cho rõ thực trạng, hai là phải cụ thể hóa giải pháp và công khai hóa giải pháp, ba là phải có lộ trình thực hiện một cách nghiêm minh và phải kiểm tra, kiểm soát thường xuyên, kịp thời xử lý các vi phạm.

 

Theo Thủy Liên

Chinhphu.vn

 

 

Họ tên :

Email :

Nội dung :

Tin cùng chủ đề

UBKT nghị bổ sung tập trung phát triển nhanh hơn, hiệu quả hơn TTCK

Ngày đăng : 22/05/2012 - 2:56 PM

 

 

Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế cần tập trung làm rõ việc tái cấu trúc thị trường vốn để phục vụ đầu tư phát triển trong điều kiện đầu tư công giảm.

 

Trong buổi chiều đầu tiên của Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII, ngày 21/05/2012, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Bùi Quang Vinh, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế. 



Việc tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng đã trở nên cần thiết và cấp. Tuy nhiên, chúng ta có thể kỳ vọng “Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế” hay; 12 nhóm giải pháp chủ yếu tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng có khả thi hay không. Trong bài viết này, CafeF trích đăng ý kiến của Ủy ban Kinh tế Quốc hội về Đề án này với nội dung kiến nghị liên quan 2 nhóm giải pháp: (i) ổn định kinh tế vĩ mô và tái cơ cấu thị trường tài chính; và (ii) tái cơ cấu doanh nghiệp. 



Nhóm tái cơ cấu thị trường tài chính, ổn định vững chắc kinh tế vĩ mô, thúc đẩy, hỗ trợ tái cơ cấu ngành và vùng kinh tế, góp phần tăng trưởng bền vững.



Theo Ủy ban Kinh tế Quốc hội nhóm giải pháp này cần có Đề án chung về tái cơ cấu thị trường tài chính và lộ trình phù hợp, cụ thể:



+ Tập trung xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, đảm bảo quyền lợi chính đáng của người gửi tiền; quyền lợi và trách nhiệm của chủ sở hữu. Làm rõ nguồn tài chính thực hiện việc tái cơ cấu hệ thống NHTM, các tổ chức tài chính và phải có các biện pháp cụ thể để tránh thất thoát tài sản của nhà nước.



+ Phát triển song song cả thị trường tiền tệ và thị trường vốn, trong đó tập trung phát triển nhanh hơn, hiệu quả hơn thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu, giảm dần việc huy động vốn đầu tư chủ yếu từ tín dụng ngân hàng. Tái cơ cấu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế để những dịch vụ này phát triển bền vững, phục vụ hiệu quả nhu cầu của người dân. 



+ Tái cơ cấu NHTM, Nhà nước cần gắn với tái cơ cấu DNNN; tăng cường năng lực giám sát thị trường tài chính; nâng cao vai trò, trị trí của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam với tư cách là Ngân hàng Trung ương, nhất là trách nhiệm công bố mục tiêu chính sách, minh bạch thông tin và trách nhiệm giải trình. Từng bước xây dựng Ngân hàng Trung ương theo hướng độc lập thực thi chính sách tiền tệ.



Đối với nhóm giải pháp này, UBKT cho rằng cần xây dựng Chiến lược nợ Chính phủ và nợ quốc gia mang tính dài hạn, bảo đảm hiệu quả trong đầu tư và khả năng trả nợ hàng năm. 



Bên cạnh các biện pháp nêu trên, Ủy ban Kinh tế đề nghị Đề án cần tập trung làm rõ việc tái cấu trúc thị trường vốn để phục vụ đầu tư phát triển trong điều kiện đầu tư công giảm. 



Theo Ủy ban Kinh tế, việc tạo điều kiện cho TTCK phát triển bền vững là một kênh huy động vốn đầu tư rất phù hợp với yêu cầu phát triển bền vững, vừa giảm áp lực đối với hệ thống tổ chức tín dụng trong việc đáp ứng vốn đầu tư của xã hội. 



Đồng thời TTCK phát triển tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình cổ phần hóa DNNN, thực hiện IPO các tập đoàn, tổng công ty đã cổ phần hóa để thực hiện thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo đề án tái cơ cấu DNNN. 


Mặt khác khi doanh nghiệp đã tham gia TTCK thì tạo thêm một kênh giám sát của xã hội, của nhà đầu tư đối với tài chính doanh nghiệp, làm hạn chế phát sinh tiêu cực.



Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế sẽ được thảo luận tại Hội trường Quốc Hội ngày 08/06/2012.


Q. Nguyễn

Theo TTVN/Lược ghi theo Quốc Hội

 

 


5 tháng, Hà Nội nhập siêu 5,1 tỷ USD, Tp. HCM xuất siêu 264,3 triệu USD

Ngày đăng : 21/05/2012 - 2:47 PM

 

Chưa có con số thống kê xuất nhập khẩu cả nước 5 tháng, Thành phố Hà Nội tiếp tục báo nhập siêu tháng 5 nâng nhập siêu 5 tháng lên 5,1 tỷ USD.

Hà Nội: Nhập siêu 5,1 tỷ USD 5 tháng

Kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn tháng Năm đạt 924,6 triệu USD, tăng 3% so tháng trước và tăng 21,3% so cùng kỳ, trong đó, xuất khẩu địa phương tăng 3,3% và tăng 25,2%. Hầu hết các nhóm hàng đều xuất khẩu tăng so tháng trước, một số nhóm hàng tăng trên mức bình quân chung như: Hàng nông sản (tăng 6,1%), hàng điện tử (tăng 4,1%), than đá (tăng 4,3%)…

Kim ngạch nhập khẩu tháng Năm đạt 2.066,3 triệu USD, tăng 9,6% so tháng trước và bằng 95,9% so cùng kỳ, trong đó, nhập khẩu địa phương tăng 8,5% và 2,1% so cùng kỳ. Vật tư, nguyên liệu vẫn là mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong Tổng kim ngạch nhập khẩu (chiếm trên 47%).

Dự kiến 5 tháng, kim ngạch xuất khẩu đạt 3.903,4 triệu USD, tăng 9,7% so cùng kỳ, trong đó, xuất khẩu địa phương tăng 11,3%. Kim ngạch nhập khẩu đạt 9.002,8 triệu USD, bằng 86,7% so cùng kỳ, trong đó, nhập khẩu địa phương bằng 90,1%.

Thành phố Hồ Chí Minh: Xuất siêu 5 tháng đạt 264,3 triệu USD

Tổng kim ngạnh xuất nhập khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố 5 tháng đầu năm (không tính dầu thô) đạt 18.552,2 triệu USD, tăng 1.092,2 triệu USD so với 5 tháng đầu năm 2011 (tăng 6,3%). Khu vực kinh tế trong nước chiếm 65,7%, tăng 2,7%; khu vực có vốn nước ngoài chiếm 34,3%, tăng 13,9%.

Xuất khẩu: Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 5 ước thực hiện 2.342,2 triệu USD, tăng 1,2% so với tháng trước; Nếu không tính giá trị dầu thô, trị giá xuất khẩu đạt 1.693,2 triệu USD, tăng 1,2% so với tháng trước và tăng 6,3% so với tháng 5/2011.

Năm tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước thực hiện 10.875,6 triệu USD, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước; Loại trừ dầu thô, trị giá xuất khẩu đạt 7.910,9 triệu USD, tăng 9%; khu vực kinh tế có vốn nước noài chiếm 41,2% trong mức xuất khẩu của thành phố.

Nhập khẩu: Kim ngạch nhập khẩu hàng hoá tháng 5 uớc thực hiện 2.201,7 triệu USD, tăng 4,3% so tháng trước; khu vực kinh tế trong nước chiếm 70,8% và khu vực kinh tế nước ngoài chiếm 29,2%. So với tháng 5/2011, kim ngạch nhập khẩu hàng hoá tăng 6,7%.

Năm tháng đầu năm, kim ngạch hàng hoá nhập khẩu ước thực hiện 10.611,3 triệu USD, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm trước.

Theo TTVN/Cục TK Hà Nội/TP. HCM


Đề xuất miễn thuế của Chính phủ bị “bác”: Có thực sự đáng ngại?

Ngày đăng : 18/05/2012 - 2:45 PM

 

Đây là một trong những thông tin khiến TTCK ngày 17/05 lùi sâu vào cuối phiên. Nên nhận định vấn đề này như thế nào cho phù hợp?

Vừa xuất hiện thông tin trên báo chí cho thấy nội dung đề xuất miễn thuế của Chính phủ theo Nghị quyết 13 bước đầu đã không được Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội; trái ngược với đồng ý đối với đề xuất giảm thuế.

TTCK đã phản ứng một cách khá tiêu cực khi thông tin này xuất hiện. Nên nhận định vấn đề này như thế nào cho phù hợp?

Tinh thần miễn thuế đề xuất theo Nghị quyết 13 và của Bộ Tài chính là “Miễn thuế khoán giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2012 đối với cá nhân, hộ kinh doanh nhà trọ, phòng trọ cho thuê đối với công nhân, người lao động, sinh viên, học sinh; hộ, cá nhân chăm sóc trông giữ trẻ; hộ, cá nhân, tổ chức cung ứng suất ăn ca cho công nhân với điều kiện giữ ổn định mức giá cho thuê phòng trọ, nhà trọ, giá trông giữ trẻ và giá cung ứng suất ăn ca như cuối năm 2011”.

Nội dung này khá giống với một biện pháp được đưa ra trong gói kích thích tài khóa năm 2011. Nhận định lúc đó và cũng như đối với gói kích thích tài khóa năm nay, chúng tôi đã không đề cập đến nội dung này, vì tác động nói chung là quá nhỏ.

Thực vậy, thông tin cho thấy tổng số thuế các loại được giảm cho các nhóm đối tượng trên trong gói kích thích tài khóa năm 2011 chỉ vỏn vẹn khoảng 12 tỷ đồng.

Trong tương quan so sánh, mục giảm 30% thuế TNDN năm 2012 đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động sẽ có tác động nhiều hơn. Tuy vậy, như đã đề cập, thuế TNDN là thuế đánh trên lợi nhuận và như vậy chỉ có những doanh nghiệp “khỏe mạnh”, làm ra lợi nhuận mới được hưởng lợi.

Như chúng tôi nhận định trước đây, biện pháp được cơ quan quản lý áp dụng quyết liệt nhất sẽ là kéo giảm lãi suất và tăng mức độ tiếp cận vốn giá rẻ của doanh nghiệp, không loại trừ bằng cả những biện pháp hành chính.

Khác với những năm trước, động thái hỗ trợ lần này không mang tính “tác động mạnh” ngay tức thì; và vì vậy, kỳ vọng một sự khởi sắc đột biến trong hoạt động của doanh nghiệp là không phù hợp.

Theo Phòng Nghiên cứu Vietstock


Ngâp ngừng giá điện: Khi nào và tăng bao nhiêu?

Ngày đăng : 17/05/2012 - 1:21 PM

 

 

Trong khi thông tin về 3 phương án giá điện được đồng loạt đăng tải từ cuối tuần qua thì lãnh đạo EVN lại bác bỏ thông tin này.

Dư luận vẫn thấp thỏm giá điện sẽ tăng khi biết rằng, có hàng nghìn tỷ đồng đã được tính toán chực chờ "bổ" vào giá điện. 

"Chưa trình" không có nghĩa là không tăng 

Hôm 11/5, nhiều kênh thông tin bắt đầu loan truyền về 3 phương án giá điện mà "EVN đang tính toán", cụ thể giá điện sẽ tăng trên dưới 5%, phương án thứ hai tăng khoảng 10% và phương án còn lại nằm ở mức 5% đến 10%. Thông tin này được một số kênh truyền thông dẫn nguồn từ cuộc trao đổi bên lề với báo chí tại Bộ Tài chính về vấn đề xăng dầu.

Tuy nhiên, hôm 15/5, ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã lên tiếng bác bỏ thông tin trên, đồng thời nhấn mạnh, EVN chưa trình phương án giá điện nào tới Bộ Tài chính và có thể, sẽ điều tra xem kênh nào đã tung tin như vậy.

Tiếp đó, chia sẻ với PV Diễn đàn Kinh tế Việt Nam, báo VietnamNet, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý giá cũng bất bình không kém về nguồn tin này. Ông khẳng định: "Tôi đã nói rất rõ ràng với báo chí là chúng tôi chưa nhận được phương án giá điện nào của EVN".

Liên quan vấn đề giá thành điện, ông Thỏa xác nhận, tính tới tháng 5, các yếu tố đầu vào của giá điện đều đã có biến động, làm giá thành sản xuất điện tăng khoảng 3,29%, tương đương 42,85 đồng/kWh. Trong đó, tỷ giá tăng khoảng 0,6%, giá nhiên liệu khí tăng 10,4%, dầu madut tăng hơn 40%, riêng nhiên liệu than giảm 0,3%.

Trên thực tế, giá điện bị đồn đoán sắp phải tăng như mấy ngày qua cũng đã trở thành chuyện cũ nói lại, lâu lâu lại dấy lên một đợt gây ồn ào dư luận rồi lại chìm xuồng sau một vài tuyên bố của chính EVN.

Đơn cử như cuối năm 2011, tại cuộc họp báo công bố giá thành điện ngày 19/11 của Bộ Công Thương, các câu hỏi về giá điện có tăng hay không đã bị từ chối khéo. Lãnh đạo Bộ Công Thương khi đó bày tỏ, đây là chuyện Chính phủ quyết, Bộ không thể công bố gì lúc này và khi nào tăng thì biết thôi. Đây là giai đoạn mà cơ chế điều chỉnh giá điện tự động theo 3 thông số đầu vào bắt đầu được áp dụng.

Tròn 1 tháng sau đó, ngày 19/12/2011, đột ngột, bất ngờ, EVN gửi thông cáo tăng 5% giá điện bình quân, đưa giá bán lẻ điện bình quân lên mức 1.304 đồng/kWh.

Đầu tháng 3/2012, dư luận lại xôn xao "EVN đang tính tăng giá điện" trích dẫn từ một cuộc hội thảo kinh tế trong Nam. "Vô tình hay hữu ý", ngày 14/3, Học viện Tài chính thuộc Bộ Tài chính mở hội thảo về quản lý điều hành giá điện ở Việt Nam. Ngay lập tức, sự kiện này được nhìn nhận như một động thái lobby dư luận chuẩn bị cho việc tăng giá điện. Và chỉ 2 ngày sau, 16/3, EVN lại ra thông cáo dẹp loạn thông tin với lời khẳng định chắc nịch "chưa hề có đề xuất tăng giá điện".

Lần này, câu chuyện loạn thông tin giá điện cũng diễn biến tương tự như vậy. Nhưng tâm lý e sợ, lo lắng giá điện tăng vẫn cứ hiện hữu trong nhân dân. Bởi thế, dù EVN chưa trình phương án điều chỉnh giá điện nào tới Liên bộ Tài chính- Công Thương thì điều này đâu có nghĩa rằng, giá điện trong 7 tháng nữa của năm 2012 sẽ không một lần tăng?

Lỗ ngàn tỷ đồng sẽ phân bổ vào giá điện

Thấp thỏm lo giá điện tăng! Vì rằng, ba lý do cơ bản đã được xác nhận: một là giá thành điện năm 2012 đã tăng tới 3,29%, hai là có hàng chục nghìn tỷ đồng lỗ, chi phí phát sinh còn treo lại của năm 2010 chưa được phân bổ vào hai đợt tăng giá điện ở năm 2011, ba là thời gian kể từ khi tăng giá điện lần gần đây nhất tới nay đã qua 5 tháng, thừa 2 tháng so với giới hạn cách nhau tối thiểu 3 tháng giữa hai lần điều chỉnh giá điện.

Quyết định 24 của Thủ tướng đã cho phép EVN được quyền điều chỉnh giá trong phạm vi 5% mà chỉ cần thông báo tới Liên Bộ Tài chính - Công Thương. Nếu tăng trên 5%, EVN mới phải báo cáo Bộ Tài chính thẩm định và quyền quyết định thuộc cấp Thủ tướng.

Vì thế, giả sử có chuyện EVN đang tính toán tăng giá điện cũng là lẽ thường.


Tuy nhiên, nguyên tắc điều chỉnh giá điện tưởng chừng rất tường minh nhưng thực tế, dư luận vẫn bức xúc vì bản chất, cơ chế giá điện vẫn còn tù mù, thiếu minh bạch.

EVN và các cơ quan quản lý thường kín tiếng quá mức về giá điện khi mà tương lai "sẽ phải tăng" đã được tái khẳng định nhiều lần.

Đơn cử như, ngày 25/11/2011, Bộ Tài chính đã công khai cho biết, giá bán điện năm 2012 sẽ phải tăng trên 10% nhưng không tăng quá mức 15,28% của lần điều chỉnh hồi tháng 3/2011. Trong đó, giá điện sẽ được phân bổ một phần các khoản chi phí như số lỗ sản xuất kinh doanh điện năm 2010 do phát điện giá cao, chênh lệch tỷ giá tính đến 31/12/2010, chi phí tiếp nhận lưới điện nông thôn từ 2010 trở về trước,..

Điều chưa rõ ràng ở đây là con số cuối cùng cho chi phí còn treo lại phải đưa vào giá điện là bao nhiêu? Năm 2012 và các năm sau đó, lộ trình các khoản này sẽ được tính vào giá điện ở mức bao nhiêu?

Thống kê lại thì thấy, các con số này rất khổng lồ. Đầu tiên, theo Kiểm toán Nhà nước, có tới 12.306 tỷ đồng chi phí treo lại của năm 2010 chưa được tính vào đợt tăng giá điện tới 15,28% ngày 1/3/ 2011. Nếu để bù đắp đủ chi phí này thì giá điện 2011 khi đó sẽ phải tăng thêm khoảng 143,63 đồng/kWh.

Công bố giá thành điện năm 2010 của EVN, Bộ Công Thương cho biết thêm, Tập đoàn còn bị treo cả khoản lỗ chênh lệch tỷ giá tới 15.463 tỷ đồng. Đây cũng là năm EVN chịu lỗ kinh doanh điện lớn nhất lên tới 10.162 tỷ đồng.

Kế đến, Tập đoàn Than Khoáng sản chia sẻ, giá than bán cho điện mới chỉ bằng 50-60% giá thành và tương lai, sẽ phải tăng để bù đắp chi phí theo nguyên tắc thị trường hóa. Nếu tăng đủ, giá điện 2012 sẽ gánh thêm 8.500 tỷ đồng tiền mua than.

Sau tất cả các thông tin trên, giá điện mới chỉ tăng thêm 5% từ ngày 20/12/2011, lãnh đạo EVN cho biết chỉ ước thu thêm được 6.000 tỷ đồng.

Nếu áp dụng nguyên tắc không tăng quá mức 15,28% thì EVN hiện đang có dư địa tăng thêm 10,28% so với giá điện bình quân thực hiện năm 2011. Người dân đồn đoán tăng giá điện là hoàn toàn dễ hiểu.

Câu chuyện giá điện giờ đây còn khúc mắc thêm ở chỗ, không phải bây giờ thì khi nào thì EVN sẽ trình việc tăng giá điện? Thủ tướng sẽ quyết định khi nào giá điện tăng tiếp và tăng ở mức nào?

Thực tế, người ta có thể hiểu, khi rò rỉ thông tin tăng giá xăng dầu, cơ quan quản lý Nhà nước và doanh nghiệp đầu mối e sợ đầu cơ, găm hàng, ảnh hưởng tới lưu thông nên cố giữ kín thông tin tới phút chót. Nhưng với giá điện, nếu có công khai trước kế hoạch tăng thì các công ty điện lực cũng không thể... đầu cơ, găm hàng. 

Có chăng, tác động thiết thực nhất là cộng đồng doanh nghiệp có thêm thông tin để chủ động kế hoạch sản xuất kinh doanh của mình, người dân bớt đi đồn đoán, lo âu. Phải chăng, sự lo ngại xáo trộn tâm lý tiêu dùng làm ảnh hưởng tới công tác điều hành kinh tế vĩ mô dường như là hơi thái quá so với thực tế có thể diễn ra? 

Theo Phạm Huyền  

Vietnamnet


Kinh tế VN rơi vào giảm phát

Ngày đăng : 16/05/2012 - 2:05 PM

 

Dấu hiệu nền kinh tế đi xuống, rơi vào giảm phát đang ngày càng lộ rõ khi hàng loạt doanh nghiệp (DN) phá sản, dừng hoạt động, thất nghiệp gia tăng.

Tính tới 30.4.2012, trong tổng số hơn 600.000 DN đã có gần 82.000 DN giải thể, hơn 16.000 DN đăng ký dừng hoạt động. Riêng 4 tháng đầu năm 2012 đã có gần 18.000 DN phá sản, tăng gần 9,5% so với cùng kỳ 2011. Lo ngại về giảm phát đã được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cảnh báo tại phiên họp gần đây của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Vấn đề trở nên nghiêm trọng

TS Đinh Thị Mỹ Loan, Phó chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ VN, cho rằng nguy cơ giảm phát đang là vấn đề thách thức của nền kinh tế hiện nay. Bán lẻ vốn là ngành rất sôi động cũng đã trầm lắng, rơi xuống vùng tăng trưởng âm trong những tháng gần đây khi các nhà bán buôn, bán lẻ là đối tượng phá sản nhiều nhất. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4.2012 chỉ tăng 0,05%, mức thấp nhất trong 2 năm qua và giảm tháng thứ 9 liên tiếp, riêng Hà Nội và TP.HCM thì CPI có mức tăng trưởng âm.

Đi sâu vào những vấn đề cụ thể, TS Lê Đăng Doanh chỉ ra nguy cơ đáng lo ngại của tình trạng giảm phát "ẩn" trong những biểu hiện tưởng chừng như tích cực. Chẳng hạn lạm phát giảm, nhập siêu được kiềm chế, xuất khẩu ổn định… nhưng nhập siêu giảm bởi vì DN phần lớn không tiếp tục nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất, đem lại kết quả xuất siêu cho nền kinh tế. DN không sử dụng ngoại tệ để nhập khẩu khiến quỹ ngoại tệ tăng lên.

"Nền kinh tế tăng trưởng thì lạm phát có thể được giải quyết, nhưng không có tăng trưởng thì vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn. Vì từ đây sẽ xuất hiện sản xuất đình đốn, thất nghiệp tràn lan, việc làm thiếu thốn và gây ra các hậu quả khó lường về mặt xã hội", TS Lê Đăng Doanh nói.

Đồng quan điểm này, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng con số tăng trưởng tín dụng âm (-2,13%) trong 3 tháng đầu năm là sự bất thường trong nhiều năm trở lại đây. Nó thể hiện nền kinh tế đang đình đốn và chuyển sang giảm phát. Căn bệnh giảm phát sẽ khó chữa hơn lạm phát bởi khi giảm phát các DN đã chết thì không thể cho uống thuốc gì để cứu sống được.

Nên miễn thuế GTGT, nhận thế chấp hàng tồn kho...

 

Chính phủ cần nhìn nhận thẳng thắn về sự trì trệ của nền kinh tế và cần phải có biện pháp hữu hiệu để giúp nền kinh tế thoát khỏi thực trạng này. Ngoài biện pháp giảm lãi suất, cần khơi thông bế tắc để DN được tiếp cận nguồn vốn của ngân hàng


TS Lê Đăng Doanh

 

Đó là một trong những giải pháp để hãm đà giảm phát hiện nay. Theo các chuyên gia, giải pháp thời gian qua như gói cứu trợ về chính sách thuế 29.000 tỉ đồng, giảm lãi suất chưa đánh trúng vào khó khăn của DN. Một mình Ngân hàng Nhà nước không thể kích thích tín dụng được. Gói cứu trợ thuế cũng chỉ như “thêm ít gia vị” về mặt tinh thần là chính. Muốn giải quyết tình trạng hiện nay, phải có sự phối hợp đồng bộ của nhiều cơ quan, bộ, ngành...

TS Bùi Kiến Thành đề xuất, trọng tâm chính sách trong thời gian tới phải hỗ trợ cho xuất khẩu mạnh mẽ hơn nữa. Vừa qua, Trung Quốc hỗ trợ toàn diện cho xuất khẩu từ hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT), giảm LS, tạo điều kiện xây dựng nhà xưởng, kho hàng, giảm phí vận tải… nhờ đó hàng hóa xuất khẩu giá thành rẻ, cạnh tranh được thị trường nước ngoài. 

Vì vậy, theo ông Thành, cái gì làm được phải làm ngay, hàng tồn kho phải giải quyết để DN tiếp tục quay vòng vốn sản xuất thông qua miễn thuế GTGT chứ không chỉ là hoãn. Bởi giảm giá bán rất quan trọng, nó có thể thúc đẩy được phần nào tiêu thụ. Nếu thuế GTGT chỉ giãn ra thì 4-5 tháng sau cũng không thể giảm giá bán được.

Đồng thời, ngân hàng phải lấy hàng tồn kho đó làm tài sản thế chấp cho DN vay tiếp, giúp họ có đầu ra thì mới tiếp tục sản xuất, và tạo điều kiện sản xuất với chi phí rẻ hơn song song với việc kéo lãi vay xuống thấp hơn nữa. “Hiện nhiều DN có đơn đặt hàng nhưng không dám làm vì không có vốn lưu động sản xuất, lãi suất quá cao và không đáp ứng được thị trường. Cái gì có thể được cố gắng làm, gói hỗ trợ của Bộ Tài chính không đáp ứng được nhu cầu thực sự, DN đang chết rồi phải có chính sách đồng bộ tiền tệ - tài khóa và Bộ Công thương phải vào cuộc”, ông Thành nói thêm.

Theo TS Lê Đăng Doanh, Chính phủ cần nhìn nhận thẳng thắn về sự trì trệ của nền kinh tế và cần phải có biện pháp hữu hiệu để giúp nền kinh tế thoát khỏi thực trạng này. Ngoài biện pháp giảm lãi suất, cần khơi thông bế tắc để DN được tiếp cận nguồn vốn của ngân hàng. Một khi nguồn vốn được khơi thông, tín dụng tăng lên, người dân có tiền mua hàng, sức mua được kéo theo, giải tỏa được hàng tồn kho, DN tiêu thụ được hàng hóa và sản xuất sẽ khôi phục.

“Có một điều rất mâu thuẫn là ngân hàng thừa vốn nhưng DN không tiếp cận được vốn. Mâu thuẫn này cần được giải quyết để có thể mua lại nợ xấu của DN, giúp DN hoạt động trở lại và trả lãi suất khi bán được hàng; hoặc sử dụng quỹ bảo lãnh tín dụng cứu các DN có khả năng. Nếu mâu thuẫn, bế tắc này không được tháo gỡ thì trì trệ của nền kinh tế sẽ kéo dài”, ông Doanh nói.

Theo A.Vũ - M.Phương - T.Tâm

Thanhnien

 

 


 

Tin mới cập nhật