5 tháng, Hà Nội nhập siêu 5,1 tỷ USD, Tp. HCM xuất siêu 264,3 triệu USD

Ngày đăng : 21/05/2012 - 2:47 PM

 

Chưa có con số thống kê xuất nhập khẩu cả nước 5 tháng, Thành phố Hà Nội tiếp tục báo nhập siêu tháng 5 nâng nhập siêu 5 tháng lên 5,1 tỷ USD.

Hà Nội: Nhập siêu 5,1 tỷ USD 5 tháng

Kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn tháng Năm đạt 924,6 triệu USD, tăng 3% so tháng trước và tăng 21,3% so cùng kỳ, trong đó, xuất khẩu địa phương tăng 3,3% và tăng 25,2%. Hầu hết các nhóm hàng đều xuất khẩu tăng so tháng trước, một số nhóm hàng tăng trên mức bình quân chung như: Hàng nông sản (tăng 6,1%), hàng điện tử (tăng 4,1%), than đá (tăng 4,3%)…

Kim ngạch nhập khẩu tháng Năm đạt 2.066,3 triệu USD, tăng 9,6% so tháng trước và bằng 95,9% so cùng kỳ, trong đó, nhập khẩu địa phương tăng 8,5% và 2,1% so cùng kỳ. Vật tư, nguyên liệu vẫn là mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong Tổng kim ngạch nhập khẩu (chiếm trên 47%).

Dự kiến 5 tháng, kim ngạch xuất khẩu đạt 3.903,4 triệu USD, tăng 9,7% so cùng kỳ, trong đó, xuất khẩu địa phương tăng 11,3%. Kim ngạch nhập khẩu đạt 9.002,8 triệu USD, bằng 86,7% so cùng kỳ, trong đó, nhập khẩu địa phương bằng 90,1%.

Thành phố Hồ Chí Minh: Xuất siêu 5 tháng đạt 264,3 triệu USD

Tổng kim ngạnh xuất nhập khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố 5 tháng đầu năm (không tính dầu thô) đạt 18.552,2 triệu USD, tăng 1.092,2 triệu USD so với 5 tháng đầu năm 2011 (tăng 6,3%). Khu vực kinh tế trong nước chiếm 65,7%, tăng 2,7%; khu vực có vốn nước ngoài chiếm 34,3%, tăng 13,9%.

Xuất khẩu: Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 5 ước thực hiện 2.342,2 triệu USD, tăng 1,2% so với tháng trước; Nếu không tính giá trị dầu thô, trị giá xuất khẩu đạt 1.693,2 triệu USD, tăng 1,2% so với tháng trước và tăng 6,3% so với tháng 5/2011.

Năm tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước thực hiện 10.875,6 triệu USD, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước; Loại trừ dầu thô, trị giá xuất khẩu đạt 7.910,9 triệu USD, tăng 9%; khu vực kinh tế có vốn nước noài chiếm 41,2% trong mức xuất khẩu của thành phố.

Nhập khẩu: Kim ngạch nhập khẩu hàng hoá tháng 5 uớc thực hiện 2.201,7 triệu USD, tăng 4,3% so tháng trước; khu vực kinh tế trong nước chiếm 70,8% và khu vực kinh tế nước ngoài chiếm 29,2%. So với tháng 5/2011, kim ngạch nhập khẩu hàng hoá tăng 6,7%.

Năm tháng đầu năm, kim ngạch hàng hoá nhập khẩu ước thực hiện 10.611,3 triệu USD, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm trước.

Theo TTVN/Cục TK Hà Nội/TP. HCM

Họ tên :

Email :

Nội dung :

Tin cùng chủ đề

Đề xuất miễn thuế của Chính phủ bị “bác”: Có thực sự đáng ngại?

Ngày đăng : 18/05/2012 - 2:45 PM

 

Đây là một trong những thông tin khiến TTCK ngày 17/05 lùi sâu vào cuối phiên. Nên nhận định vấn đề này như thế nào cho phù hợp?

Vừa xuất hiện thông tin trên báo chí cho thấy nội dung đề xuất miễn thuế của Chính phủ theo Nghị quyết 13 bước đầu đã không được Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội; trái ngược với đồng ý đối với đề xuất giảm thuế.

TTCK đã phản ứng một cách khá tiêu cực khi thông tin này xuất hiện. Nên nhận định vấn đề này như thế nào cho phù hợp?

Tinh thần miễn thuế đề xuất theo Nghị quyết 13 và của Bộ Tài chính là “Miễn thuế khoán giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2012 đối với cá nhân, hộ kinh doanh nhà trọ, phòng trọ cho thuê đối với công nhân, người lao động, sinh viên, học sinh; hộ, cá nhân chăm sóc trông giữ trẻ; hộ, cá nhân, tổ chức cung ứng suất ăn ca cho công nhân với điều kiện giữ ổn định mức giá cho thuê phòng trọ, nhà trọ, giá trông giữ trẻ và giá cung ứng suất ăn ca như cuối năm 2011”.

Nội dung này khá giống với một biện pháp được đưa ra trong gói kích thích tài khóa năm 2011. Nhận định lúc đó và cũng như đối với gói kích thích tài khóa năm nay, chúng tôi đã không đề cập đến nội dung này, vì tác động nói chung là quá nhỏ.

Thực vậy, thông tin cho thấy tổng số thuế các loại được giảm cho các nhóm đối tượng trên trong gói kích thích tài khóa năm 2011 chỉ vỏn vẹn khoảng 12 tỷ đồng.

Trong tương quan so sánh, mục giảm 30% thuế TNDN năm 2012 đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động sẽ có tác động nhiều hơn. Tuy vậy, như đã đề cập, thuế TNDN là thuế đánh trên lợi nhuận và như vậy chỉ có những doanh nghiệp “khỏe mạnh”, làm ra lợi nhuận mới được hưởng lợi.

Như chúng tôi nhận định trước đây, biện pháp được cơ quan quản lý áp dụng quyết liệt nhất sẽ là kéo giảm lãi suất và tăng mức độ tiếp cận vốn giá rẻ của doanh nghiệp, không loại trừ bằng cả những biện pháp hành chính.

Khác với những năm trước, động thái hỗ trợ lần này không mang tính “tác động mạnh” ngay tức thì; và vì vậy, kỳ vọng một sự khởi sắc đột biến trong hoạt động của doanh nghiệp là không phù hợp.

Theo Phòng Nghiên cứu Vietstock


Ngâp ngừng giá điện: Khi nào và tăng bao nhiêu?

Ngày đăng : 17/05/2012 - 1:21 PM

 

 

Trong khi thông tin về 3 phương án giá điện được đồng loạt đăng tải từ cuối tuần qua thì lãnh đạo EVN lại bác bỏ thông tin này.

Dư luận vẫn thấp thỏm giá điện sẽ tăng khi biết rằng, có hàng nghìn tỷ đồng đã được tính toán chực chờ "bổ" vào giá điện. 

"Chưa trình" không có nghĩa là không tăng 

Hôm 11/5, nhiều kênh thông tin bắt đầu loan truyền về 3 phương án giá điện mà "EVN đang tính toán", cụ thể giá điện sẽ tăng trên dưới 5%, phương án thứ hai tăng khoảng 10% và phương án còn lại nằm ở mức 5% đến 10%. Thông tin này được một số kênh truyền thông dẫn nguồn từ cuộc trao đổi bên lề với báo chí tại Bộ Tài chính về vấn đề xăng dầu.

Tuy nhiên, hôm 15/5, ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã lên tiếng bác bỏ thông tin trên, đồng thời nhấn mạnh, EVN chưa trình phương án giá điện nào tới Bộ Tài chính và có thể, sẽ điều tra xem kênh nào đã tung tin như vậy.

Tiếp đó, chia sẻ với PV Diễn đàn Kinh tế Việt Nam, báo VietnamNet, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý giá cũng bất bình không kém về nguồn tin này. Ông khẳng định: "Tôi đã nói rất rõ ràng với báo chí là chúng tôi chưa nhận được phương án giá điện nào của EVN".

Liên quan vấn đề giá thành điện, ông Thỏa xác nhận, tính tới tháng 5, các yếu tố đầu vào của giá điện đều đã có biến động, làm giá thành sản xuất điện tăng khoảng 3,29%, tương đương 42,85 đồng/kWh. Trong đó, tỷ giá tăng khoảng 0,6%, giá nhiên liệu khí tăng 10,4%, dầu madut tăng hơn 40%, riêng nhiên liệu than giảm 0,3%.

Trên thực tế, giá điện bị đồn đoán sắp phải tăng như mấy ngày qua cũng đã trở thành chuyện cũ nói lại, lâu lâu lại dấy lên một đợt gây ồn ào dư luận rồi lại chìm xuồng sau một vài tuyên bố của chính EVN.

Đơn cử như cuối năm 2011, tại cuộc họp báo công bố giá thành điện ngày 19/11 của Bộ Công Thương, các câu hỏi về giá điện có tăng hay không đã bị từ chối khéo. Lãnh đạo Bộ Công Thương khi đó bày tỏ, đây là chuyện Chính phủ quyết, Bộ không thể công bố gì lúc này và khi nào tăng thì biết thôi. Đây là giai đoạn mà cơ chế điều chỉnh giá điện tự động theo 3 thông số đầu vào bắt đầu được áp dụng.

Tròn 1 tháng sau đó, ngày 19/12/2011, đột ngột, bất ngờ, EVN gửi thông cáo tăng 5% giá điện bình quân, đưa giá bán lẻ điện bình quân lên mức 1.304 đồng/kWh.

Đầu tháng 3/2012, dư luận lại xôn xao "EVN đang tính tăng giá điện" trích dẫn từ một cuộc hội thảo kinh tế trong Nam. "Vô tình hay hữu ý", ngày 14/3, Học viện Tài chính thuộc Bộ Tài chính mở hội thảo về quản lý điều hành giá điện ở Việt Nam. Ngay lập tức, sự kiện này được nhìn nhận như một động thái lobby dư luận chuẩn bị cho việc tăng giá điện. Và chỉ 2 ngày sau, 16/3, EVN lại ra thông cáo dẹp loạn thông tin với lời khẳng định chắc nịch "chưa hề có đề xuất tăng giá điện".

Lần này, câu chuyện loạn thông tin giá điện cũng diễn biến tương tự như vậy. Nhưng tâm lý e sợ, lo lắng giá điện tăng vẫn cứ hiện hữu trong nhân dân. Bởi thế, dù EVN chưa trình phương án điều chỉnh giá điện nào tới Liên bộ Tài chính- Công Thương thì điều này đâu có nghĩa rằng, giá điện trong 7 tháng nữa của năm 2012 sẽ không một lần tăng?

Lỗ ngàn tỷ đồng sẽ phân bổ vào giá điện

Thấp thỏm lo giá điện tăng! Vì rằng, ba lý do cơ bản đã được xác nhận: một là giá thành điện năm 2012 đã tăng tới 3,29%, hai là có hàng chục nghìn tỷ đồng lỗ, chi phí phát sinh còn treo lại của năm 2010 chưa được phân bổ vào hai đợt tăng giá điện ở năm 2011, ba là thời gian kể từ khi tăng giá điện lần gần đây nhất tới nay đã qua 5 tháng, thừa 2 tháng so với giới hạn cách nhau tối thiểu 3 tháng giữa hai lần điều chỉnh giá điện.

Quyết định 24 của Thủ tướng đã cho phép EVN được quyền điều chỉnh giá trong phạm vi 5% mà chỉ cần thông báo tới Liên Bộ Tài chính - Công Thương. Nếu tăng trên 5%, EVN mới phải báo cáo Bộ Tài chính thẩm định và quyền quyết định thuộc cấp Thủ tướng.

Vì thế, giả sử có chuyện EVN đang tính toán tăng giá điện cũng là lẽ thường.


Tuy nhiên, nguyên tắc điều chỉnh giá điện tưởng chừng rất tường minh nhưng thực tế, dư luận vẫn bức xúc vì bản chất, cơ chế giá điện vẫn còn tù mù, thiếu minh bạch.

EVN và các cơ quan quản lý thường kín tiếng quá mức về giá điện khi mà tương lai "sẽ phải tăng" đã được tái khẳng định nhiều lần.

Đơn cử như, ngày 25/11/2011, Bộ Tài chính đã công khai cho biết, giá bán điện năm 2012 sẽ phải tăng trên 10% nhưng không tăng quá mức 15,28% của lần điều chỉnh hồi tháng 3/2011. Trong đó, giá điện sẽ được phân bổ một phần các khoản chi phí như số lỗ sản xuất kinh doanh điện năm 2010 do phát điện giá cao, chênh lệch tỷ giá tính đến 31/12/2010, chi phí tiếp nhận lưới điện nông thôn từ 2010 trở về trước,..

Điều chưa rõ ràng ở đây là con số cuối cùng cho chi phí còn treo lại phải đưa vào giá điện là bao nhiêu? Năm 2012 và các năm sau đó, lộ trình các khoản này sẽ được tính vào giá điện ở mức bao nhiêu?

Thống kê lại thì thấy, các con số này rất khổng lồ. Đầu tiên, theo Kiểm toán Nhà nước, có tới 12.306 tỷ đồng chi phí treo lại của năm 2010 chưa được tính vào đợt tăng giá điện tới 15,28% ngày 1/3/ 2011. Nếu để bù đắp đủ chi phí này thì giá điện 2011 khi đó sẽ phải tăng thêm khoảng 143,63 đồng/kWh.

Công bố giá thành điện năm 2010 của EVN, Bộ Công Thương cho biết thêm, Tập đoàn còn bị treo cả khoản lỗ chênh lệch tỷ giá tới 15.463 tỷ đồng. Đây cũng là năm EVN chịu lỗ kinh doanh điện lớn nhất lên tới 10.162 tỷ đồng.

Kế đến, Tập đoàn Than Khoáng sản chia sẻ, giá than bán cho điện mới chỉ bằng 50-60% giá thành và tương lai, sẽ phải tăng để bù đắp chi phí theo nguyên tắc thị trường hóa. Nếu tăng đủ, giá điện 2012 sẽ gánh thêm 8.500 tỷ đồng tiền mua than.

Sau tất cả các thông tin trên, giá điện mới chỉ tăng thêm 5% từ ngày 20/12/2011, lãnh đạo EVN cho biết chỉ ước thu thêm được 6.000 tỷ đồng.

Nếu áp dụng nguyên tắc không tăng quá mức 15,28% thì EVN hiện đang có dư địa tăng thêm 10,28% so với giá điện bình quân thực hiện năm 2011. Người dân đồn đoán tăng giá điện là hoàn toàn dễ hiểu.

Câu chuyện giá điện giờ đây còn khúc mắc thêm ở chỗ, không phải bây giờ thì khi nào thì EVN sẽ trình việc tăng giá điện? Thủ tướng sẽ quyết định khi nào giá điện tăng tiếp và tăng ở mức nào?

Thực tế, người ta có thể hiểu, khi rò rỉ thông tin tăng giá xăng dầu, cơ quan quản lý Nhà nước và doanh nghiệp đầu mối e sợ đầu cơ, găm hàng, ảnh hưởng tới lưu thông nên cố giữ kín thông tin tới phút chót. Nhưng với giá điện, nếu có công khai trước kế hoạch tăng thì các công ty điện lực cũng không thể... đầu cơ, găm hàng. 

Có chăng, tác động thiết thực nhất là cộng đồng doanh nghiệp có thêm thông tin để chủ động kế hoạch sản xuất kinh doanh của mình, người dân bớt đi đồn đoán, lo âu. Phải chăng, sự lo ngại xáo trộn tâm lý tiêu dùng làm ảnh hưởng tới công tác điều hành kinh tế vĩ mô dường như là hơi thái quá so với thực tế có thể diễn ra? 

Theo Phạm Huyền  

Vietnamnet


Kinh tế VN rơi vào giảm phát

Ngày đăng : 16/05/2012 - 2:05 PM

 

Dấu hiệu nền kinh tế đi xuống, rơi vào giảm phát đang ngày càng lộ rõ khi hàng loạt doanh nghiệp (DN) phá sản, dừng hoạt động, thất nghiệp gia tăng.

Tính tới 30.4.2012, trong tổng số hơn 600.000 DN đã có gần 82.000 DN giải thể, hơn 16.000 DN đăng ký dừng hoạt động. Riêng 4 tháng đầu năm 2012 đã có gần 18.000 DN phá sản, tăng gần 9,5% so với cùng kỳ 2011. Lo ngại về giảm phát đã được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cảnh báo tại phiên họp gần đây của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Vấn đề trở nên nghiêm trọng

TS Đinh Thị Mỹ Loan, Phó chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ VN, cho rằng nguy cơ giảm phát đang là vấn đề thách thức của nền kinh tế hiện nay. Bán lẻ vốn là ngành rất sôi động cũng đã trầm lắng, rơi xuống vùng tăng trưởng âm trong những tháng gần đây khi các nhà bán buôn, bán lẻ là đối tượng phá sản nhiều nhất. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4.2012 chỉ tăng 0,05%, mức thấp nhất trong 2 năm qua và giảm tháng thứ 9 liên tiếp, riêng Hà Nội và TP.HCM thì CPI có mức tăng trưởng âm.

Đi sâu vào những vấn đề cụ thể, TS Lê Đăng Doanh chỉ ra nguy cơ đáng lo ngại của tình trạng giảm phát "ẩn" trong những biểu hiện tưởng chừng như tích cực. Chẳng hạn lạm phát giảm, nhập siêu được kiềm chế, xuất khẩu ổn định… nhưng nhập siêu giảm bởi vì DN phần lớn không tiếp tục nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất, đem lại kết quả xuất siêu cho nền kinh tế. DN không sử dụng ngoại tệ để nhập khẩu khiến quỹ ngoại tệ tăng lên.

"Nền kinh tế tăng trưởng thì lạm phát có thể được giải quyết, nhưng không có tăng trưởng thì vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn. Vì từ đây sẽ xuất hiện sản xuất đình đốn, thất nghiệp tràn lan, việc làm thiếu thốn và gây ra các hậu quả khó lường về mặt xã hội", TS Lê Đăng Doanh nói.

Đồng quan điểm này, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng con số tăng trưởng tín dụng âm (-2,13%) trong 3 tháng đầu năm là sự bất thường trong nhiều năm trở lại đây. Nó thể hiện nền kinh tế đang đình đốn và chuyển sang giảm phát. Căn bệnh giảm phát sẽ khó chữa hơn lạm phát bởi khi giảm phát các DN đã chết thì không thể cho uống thuốc gì để cứu sống được.

Nên miễn thuế GTGT, nhận thế chấp hàng tồn kho...

 

Chính phủ cần nhìn nhận thẳng thắn về sự trì trệ của nền kinh tế và cần phải có biện pháp hữu hiệu để giúp nền kinh tế thoát khỏi thực trạng này. Ngoài biện pháp giảm lãi suất, cần khơi thông bế tắc để DN được tiếp cận nguồn vốn của ngân hàng


TS Lê Đăng Doanh

 

Đó là một trong những giải pháp để hãm đà giảm phát hiện nay. Theo các chuyên gia, giải pháp thời gian qua như gói cứu trợ về chính sách thuế 29.000 tỉ đồng, giảm lãi suất chưa đánh trúng vào khó khăn của DN. Một mình Ngân hàng Nhà nước không thể kích thích tín dụng được. Gói cứu trợ thuế cũng chỉ như “thêm ít gia vị” về mặt tinh thần là chính. Muốn giải quyết tình trạng hiện nay, phải có sự phối hợp đồng bộ của nhiều cơ quan, bộ, ngành...

TS Bùi Kiến Thành đề xuất, trọng tâm chính sách trong thời gian tới phải hỗ trợ cho xuất khẩu mạnh mẽ hơn nữa. Vừa qua, Trung Quốc hỗ trợ toàn diện cho xuất khẩu từ hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT), giảm LS, tạo điều kiện xây dựng nhà xưởng, kho hàng, giảm phí vận tải… nhờ đó hàng hóa xuất khẩu giá thành rẻ, cạnh tranh được thị trường nước ngoài. 

Vì vậy, theo ông Thành, cái gì làm được phải làm ngay, hàng tồn kho phải giải quyết để DN tiếp tục quay vòng vốn sản xuất thông qua miễn thuế GTGT chứ không chỉ là hoãn. Bởi giảm giá bán rất quan trọng, nó có thể thúc đẩy được phần nào tiêu thụ. Nếu thuế GTGT chỉ giãn ra thì 4-5 tháng sau cũng không thể giảm giá bán được.

Đồng thời, ngân hàng phải lấy hàng tồn kho đó làm tài sản thế chấp cho DN vay tiếp, giúp họ có đầu ra thì mới tiếp tục sản xuất, và tạo điều kiện sản xuất với chi phí rẻ hơn song song với việc kéo lãi vay xuống thấp hơn nữa. “Hiện nhiều DN có đơn đặt hàng nhưng không dám làm vì không có vốn lưu động sản xuất, lãi suất quá cao và không đáp ứng được thị trường. Cái gì có thể được cố gắng làm, gói hỗ trợ của Bộ Tài chính không đáp ứng được nhu cầu thực sự, DN đang chết rồi phải có chính sách đồng bộ tiền tệ - tài khóa và Bộ Công thương phải vào cuộc”, ông Thành nói thêm.

Theo TS Lê Đăng Doanh, Chính phủ cần nhìn nhận thẳng thắn về sự trì trệ của nền kinh tế và cần phải có biện pháp hữu hiệu để giúp nền kinh tế thoát khỏi thực trạng này. Ngoài biện pháp giảm lãi suất, cần khơi thông bế tắc để DN được tiếp cận nguồn vốn của ngân hàng. Một khi nguồn vốn được khơi thông, tín dụng tăng lên, người dân có tiền mua hàng, sức mua được kéo theo, giải tỏa được hàng tồn kho, DN tiêu thụ được hàng hóa và sản xuất sẽ khôi phục.

“Có một điều rất mâu thuẫn là ngân hàng thừa vốn nhưng DN không tiếp cận được vốn. Mâu thuẫn này cần được giải quyết để có thể mua lại nợ xấu của DN, giúp DN hoạt động trở lại và trả lãi suất khi bán được hàng; hoặc sử dụng quỹ bảo lãnh tín dụng cứu các DN có khả năng. Nếu mâu thuẫn, bế tắc này không được tháo gỡ thì trì trệ của nền kinh tế sẽ kéo dài”, ông Doanh nói.

Theo A.Vũ - M.Phương - T.Tâm

Thanhnien

 

 


Đừng vội mừng với những con số!

Ngày đăng : 15/05/2012 - 2:18 PM


 

Sau khi lướt qua những con số về KTVN trong 4 tháng đầu năm tại cuộc họp báo chiều 4-5, như chỉ số lạm phát, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu, dự trữ ngoại tệ và sự cân bằng trong cán cân thương mại...

 

Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam kết luận: “Tất cả những chỉ số đạt được cho thấy chúng ta đang đi đúng hướng”. Đây cũng là nhận định trong báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình bày tại phiên họp thường kỳ trước đó của Chính phủ.

Tuy vậy, ông Trần Xuân Giá, nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, có nhìn nhận hơi khác, nhất là trong bối cảnh doanh nghiệp đang phải đối phó với muôn vàn khó khăn như hiện nay. Theo ông, kết quả lạm phát tính cho từng quí hay một năm không có nhiều ý nghĩa. 

 

Điều ông thực sự quan tâm là kết quả mang tính ổn định căn bản và lâu dài, nhằm tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế. Với kinh nghiệm 10 năm làm công tác kế hoạch của Chính phủ, ông cảnh báo nếu mức tăng trưởng kinh tế giảm sâu và tiếp tục kéo dài, sẽ gây ra nhiều hệ lụy mà một trong số đó là các cân đối vĩ mô sẽ bị phá vỡ.

 

Nếu chỉ nhìn vào những con số, không thể phủ nhận kinh tế Việt Nam đang chuyển biến theo hướng tích cực. Nhưng tìm hiểu sâu hơn đằng sau những con số đó, thì khó có thể tự tin chúng ta đang đi đúng hướng.

 

Bốn tháng đầu năm nay, lạm phát của Việt Nam chỉ là 2,6%. Đây là mức lạm phát thấp nhất trong nhiều năm gần đây. Nhưng đằng sau kết quả đáng mừng đó là khó khăn chồng chất của cộng đồng doanh nghiệp. Bất kể các chi phí đầu vào tăng, rất nhiều ngành công nghiệp đã không thể tăng giá bán tương ứng để bù đắp chi phí, mà thậm chí còn phải giảm giá mạnh, dù lỗ nặng, với hy vọng có thể tạm thời duy trì sản xuất và giải phóng được hàng tồn kho. 

 

Trong nhóm hàng lương thực - thực phẩm, nhóm có quyền số cao nhất trong rổ hàng hóa để tính chỉ số giá, hầu hết các sản phẩm nông nghiệp, bao gồm các sản phẩm xuất khẩu chủ lực, từ lúa gạo, cà phê, mía, cao su cho đến cá tra, thịt heo... đều giảm giá mạnh và thu nhập của nông dân bị thiệt hại nghiêm trọng.

 

Bất kể các chi phí đầu vào tăng, rất nhiều ngành công nghiệp đã không thể tăng giá bán tương ứng để bù đắp chi phí.

Còn về xuất khẩu, nếu chỉ nhìn vào con số tăng trưởng 22,1% thì có thể xem đó là kết quả khả quan. Nhưng nếu tách riêng nhóm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, sẽ thấy xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước chỉ còn tăng 4,3% - một tín hiệu đáng lo.

 

Tháng 2 năm ngoái, khi Chính phủ đưa ra các gói giải pháp chống lạm phát thông qua Nghị quyết 11, một trong những trọng tâm của chương trình là hướng vào cắt giảm đầu tư công, chi tiêu công, bao gồm đầu tư và chi tiêu của khối doanh nghiệp nhà nước, nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn này. 

 

Đó là hướng đi rất chính xác. Nhưng nhìn lại sau hơn một năm, thực tế lại rất khác. Năm 2011, đầu tư công vẫn tăng tới 27,5% so với dự toán. Bốn tháng đầu năm nay, dù dư nợ tín dụng của cả nền kinh tế tăng trưởng âm, mức đầu tư công vẫn tăng khoảng 3% so với cùng kỳ.

 

Có thể thấy giải pháp siết chặt chính sách tiền tệ, tín dụng để chống lạm phát hầu như không ảnh hưởng gì đáng kể tới lĩnh vực đầu tư công. Trong khi theo phân tích của nhiều chuyên gia kinh tế, hiệu quả kém trong sử dụng vốn đầu tư và chi tiêu công, kể cả của khối doanh nghiệp nhà nước, mới là nguyên nhân chính gây ra lạm phát phi mã trong những năm qua.

 

Ông Nguyễn Ngọc Tân, một chuyên gia Việt kiều về năng lượng gió, đã rất khó hiểu khi phát hiện ra suất đầu tư cho điện gió của Việt Nam cao gấp gần hai lần so với ở châu Âu. Tương tự, ông Nguyễn Xuân Thành, Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright, cũng chỉ ra chi phí đầu tư xây dựng đường cao tốc ở Việt Nam cao gấp 1,5-2 lần các nước trong khu vực, thậm chí cao hơn cả ở Mỹ. Ấy là mới so sánh thuần về suất đầu tư cứng. Nếu xem xét cả yếu tố chất lượng, chắc chắn khác biệt còn lớn hơn nhiều.

 

Từ một vài ví dụ trên, chúng ta không thể không tự hỏi liệu tình trạng này có diễn ra tương tự ở các lĩnh vực khác, vốn chủ yếu thực hiện bằng vốn nhà nước hoặc do doanh nghiệp nhà nước thực hiện? Hy vọng rồi đây Chính phủ sẽ làm rõ nguyên nhân của các chênh lệch về đầu tư trong lĩnh vực điện gió, đường cao tốc nói riêng và tất cả các lĩnh vực tiếp nhận vốn đầu tư nhà nước nói chung. Nhưng một khi tình trạng khó hiểu này còn tiếp diễn, thì chúng ta không thể nói rằng chương trình chống lạm phát đã đi đúng hướng.

 

Chắc chắn rằng, doanh nghiệp, nhất là ngành công nghiệp, không thể bán sản phẩm dưới giá thành mãi. Nông dân cũng không thể sống được nếu giá nông sản hàng hóa không đủ giúp họ bù đắp chi phí và có được mức lợi nhuận tối thiểu. Và nếu vấn đề hiệu quả đầu tư công, chi tiêu công cũng như đầu tư và chi tiêu của doanh nghiệp nhà nước chưa được cải thiện, thì kết quả chống lạm phát sẽ vẫn mong manh và hy vọng về sự ổn định có tính căn cơ và lâu dài sẽ càng trở nên xa vời. 

Theo Tấn Đức

TBKTSG 


Tổng hợp kinh tế vĩ mô tuần từ 7/5 - 13/5

Ngày đăng : 14/05/2012 - 2:19 PM

 

EVN trình ba phương án tăng giá điện là: Tăng dưới 5%; tăng 10%; tăng trong khoảng 5%-10%. Chính phủ phải tung nhiều gói giải pháp cứu DN nếu giá điện điều chỉnh tăng thì DN không chịu đựng nổi.

Kinh tế - Chính trị - Xã hội :

- Sáng ngày 7/5, Hội nghị lần thứ năm BCHTW Đảng khoá XI đã khai mạc, tập trung thảo luận nhiều vấn đề quan trọng như: Tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992, cho ý kiến về chính sách xã hội, tiền lương, lãng phí... Xem thêm 

- Báo cáo điều tra kinh tế- xã hội khu vực Châu Á- Thái Bình Dương, về tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2012 sẽ đạt khoảng 5,8%, lạm phát sẽ giảm xuống mức một con số trong nửa cuối 2012. Xem thêm 

- Standard Chartered cho rằng, lạm phát của Việt Nam sẽ xuống 10,9% trong quý II và 7,9% trong quý IV. Với lạm phát đang trên đà giảm, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng. Xem thêm

- Theo đại diện Tổng cục Hải quan, hiện một số địa phương vẫn đang tiếp tục tổng hợp phân loại báo cáo cụ thể theo từng danh mục DN, đến nay có khoảng trên dưới 100 DN nợ thuế bỏ trốn, tập trung chủ yếu ở địa bàn phía Nam. Xem thêm

- Gói giải cứu doanh nghiệp trị giá 29.000 tỷ (không phải kích cầu) đã được tung ra. Một liều thuốc tổng hợp bao gồm thuốc bổ cực mạnh đã được tiêm vào cơ thể kinh tế đang nhuốm bệnh và hiệu quả sẽ ra sao?

Gói giải cứu này bao gồm 5 nhóm giải pháp có thể tóm tắt thành 3 chữ: Giãn, giảm, lùi (Giãn nợ, giảm thuế, lùi thuế). Xem thêm  

- Trong 4 tháng đầu năm, Ngân sách Nhà nước đã thất thu 4.360 tỉ đồng do giá trị ô tô nguyên chiếc nhập khẩu giảm 51%. Xem thêm 

- Thu ngân sách nhà nước tháng 4 tương đối khả quan, nhưng tốc độ tăng chi gấp đôi tốc độ tăng chi, vì vậy, mức bội chi năm 2012 khó có thể kéo xuống thấp bằng năm 2011 là 4,4%. Xem thêm

- Sau khi dư luận đặt dấu hỏi lớn về việc liệu có cần thiết phải chi 100.000 tỉ đồng đầu tư đội tàu trong khi thua lỗ nặng, hoạt động kém hiệu quả, ngày 10/5/2012, Vinalines đã đưa ra kế hoạch điều chỉnh .Xem thêm

- EVN trình ba phương án tăng giá điện là: Tăng dưới 5%; tăng 10%; tăng trong khoảng 5%-10%. Chính phủ phải tung nhiều gói giải pháp cứu DN nếu giá điện điều chỉnh tăng thì DN không chịu đựng nổi. Xem thêm 

Đầu tư:

- Tập đoàn DNP đã quyết định chọn Khu công nghiệp Mỹ Phước3 -  tỉnh Bình Dương để đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất các loại tấm film ghép tổng hợp dùng trong ngành bao bì đóng gói với tổng vốn đầu tư giai đoạn một là 35 triệu USD. Xem thêm 

- Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, đầu tháng 5/2012, phía Itochu (Nhật Bản) cùng với Vinatex quyết định đầu tư một nhà máy công suất lớn, sản xuất sợi 5 vạn cọc, sợi chi số 200; dệt kim, dệt thoi với tổng mức đầu tư 120 triệu USD. Xem thêm 

- Dự án sản xuất linh kiện điện tử, gia công linh kiện và các sản phẩm điện tử dân dụng của Chi nhánh Công ty trách nhiệm hữu hạn Điện tử Foster Đà Nẵng tại Quảng Ngãi. Với vốn đầu tư gần 174 tỷ đồng, quy mô 480 triệu sản phẩm/năm. Xem thêm 

- Thông cáo báo chí của Đại sứ quán Australia tại Việt Nam ngày 9/5 cho biết trong tài khóa 2012 - 2013, Chính phủ Australia sẽ dành khoảng 150,4 triệu AUD (tương đương 3.200 tỷ đồng) viện trợ phát triển chính thức cho Việt Nam.

Hồng Cúc 

Theo TTVN


 

Tin mới cập nhật