Ngày đăng :
11/05/2012 - 3:19 PM
"Gói hỗ trợ 29.000 tỉ đồng tung ra với những giải pháp đi kèm không thực sự cứu vớt được DN. Không sản xuất thì không có việc làm, không việc làm thì không thu nhập, không thu nhập thì không có tiền mua sắm…
Doanh nghiệp chết thì nền kinh tế cũng chết theo".TS Bùi Kiến Thành đã chia sẻ cùng Kienthuc.net.vn.
Doanh nghiệp đang giãy chết mới cần cứu
Theo đánh giá của ông thì gói giải pháp 29.000 tỉ đồng có giúp vực dậy được các doanh nghiệp?
TS Bùi Kiến Thành: Hiện doanh nghiệp đứng trước tình trạng khó khăn: Không tiếp cận được nguồn vốn vay, lãi suất quá cao, hàng hóa đắp chiếu, máy móc ngừng hoạt động, công nhân thất nghiệp... Vấn đề là phải tạo điều kiện và môi trường cho doanh nghiệp phát triển vững vàng đi lên. Lúc này, chính sách tiền tệ phải đứng hàng đầu.
Gói giải pháp là cần thiết, nhưng cách làm cụ thể thì tôi không đồng tình. Ví dụ như cho phép doanh nghiệp được giãn thời gian nộp thuế VAT từ tháng 4 - 12 mới phải nộp. Thực sự điều này không giúp được nhiều cho doanh nghiệp. Cái doanh nghiệp cần là hàng tồn kho quá nhiều, phải có giải pháp tiêu thụ.
Về việc giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp thì sao thưa ông?
Bất hợp lý. Bao nhiêu doanh nghiệp làm ăn có lãi để mà nộp thuế? Doanh nghiệp đang giãy chết là bao nhiêu? Số doanh nghiệp xin giải thể tăng gấp mấy lần năm vừa rồi. Việc giảm 30% thuế không thể giúp các doanh nghiệp đang cần giải cứu. Doanh nghiệp còn có khả năng đóng thuế là họ đã làm ăn kha khá rồi, họ đâu cần giải cứu.
Vậy làm thế nào để giải cứu doanh nghiệp?
Nhà nước phải cần giúp họ ổn định sản xuất kinh doanh để phát triển. Gói cứu trợ có thể hiểu là mình đã bị tai nạn rồi, giờ mình mới đem ra để cứu chữa. Không nên để người ta bị bệnh rồi mới cho uống thuốc. Phải có giải pháp giúp họ không bệnh, khoẻ để làm việc và đóng thuế cho nhà nước. Để người ta chết rồi mới đem tiền đến viếng thì không hiệu quả.
Cứu doanh nghiệp: Không cần một xu!
Ý ông là gói giải pháp này chưa đưa ra được giải pháp hiệu quả?
Tổng thể các giải pháp ước khoảng 29.000 tỉ đồng. Nhưng nó chưa đưa ra được giải pháp căn cơ nhất. Nhưng theo tôi, Chính phủ không cần phải dùng một xu nào mà vẫn có thể cứu nền kinh tế. Ngược lại Ngân hàng nhà nước có thể thu được lợi nhuận về cho ngân sách.
Bằng cách nào thưa ông?
Ngân hàng nhà nước cho các ngân hàng thương mại vay với lãi suất 3 - 4% để các ngân hàng thương mại cho các doanh nghiệp vay với lãi suất 7 - 8%. Không dựa vào vốn huy động của hệ thống ngân hàng thương mại với lãi suất 15% như hiện nay. Chính phủ không tốn đồng xu nào mà ngân hàng trung ương còn thâu tóm được 3 - 4% lãi suất từ ngân hàng thương mại.
Nhưng Ngân hàng Nhà nước lấy đâu ra tiền để cho vay?
Ngân hàng Nhà nước là ngân hàng trung ương. Ngân hàng trung ương để điều tiết lưu lượng tiền tệ cho nền kinh tế phát triển ổn định bền vững, không gây ra lạm phát hay thiểu phát.
Cùng với trách nhiệm điều tiết lưu lượng tiền tệ cho nền kinh tế phát triển bền vững, ngân hàng trung ương có quyền phát hành giấy bạc, tiền tệ, tín dụng để đảm bảo lưu lượng tiền tệ cần thiết cho nền kinh tế phát triển. Thế nên, tiền ở trong tay ngân hàng trung ương.
Khi đó phải làm thế nào để không xảy ra lạm phát thưa ông? Hẳn là không thể thích in bao nhiêu tiền cũng được?
Lạm phát là khi trong nền kinh tế có quá nhiều tiền lưu thông, nhiều phương tiện thanh toán chạy theo một số lượng hàng hóa có hạn.
Tăng trưởng tín dụng của ta hiện nay không được vượt quá 17% so với năm trước. Giảm vấn đề tăng tín dụng để hãm lưu lượng tiền tệ khỏi sinh ra lạm phát. 17% trong tổng lượng tín dụng của Việt Nam hiện nay khoảng 2 triệu 2 trăm ngàn tỷ đồng thì tính ra khoảng hơn 400 nghìn tỷ đồng.
Trong hạn mức 400 nghìn tỷ đồng này, Ngân hàng trung ương có thể dành 200 nghìn tỷ đồng cho các ngân hàng thương mại cho doanh nghiệp vay để sản xuất kinh doanh. Còn ngân hàng thương mại vẫn được quyền huy động lãi suất trong dân đến 17% để cho vay lĩnh vực tiêu dùng có thể chấp nhận mức lãi suất cao. Với hạn mức đã định, khống chế tăng trưởng tín dụng, thì không thể lạm phát được.
Nhưng làm thế nào để kiểm soát đúng đối tượng được vay?
Phải cho vay đúng mục tiêu chứ không cho vay theo đối tượng. Vay tiền phải có dự án khả thi. Ngân hàng phải giám định từng dự án một để mà cho vay đúng theo mục tiêu của chương trình. Anh nào vi phạm thì phải chịu trách nhiệm về dân sự và hình sự. Việc đó không có gì là khó cả.
Theo ông thì những người đứa ra gói giải pháp có biết điều này không?
Có lẽ phải hỏi Ngân hàng Nhà nước.
Ông có bao giờ đề đạt ý kiến này của mình?
Tôi có nói, nhưng họ cho rằng điều kiện ở Việt Nam mình khác nên chưa thể áp dụng được. Có lẽ là những người có trách nhiệm không hiểu, hoặc hiểu nhưng không dám trình bày ý kiến của mình.
Một vế của nền kinh tế bị chết
Chỉ số giá tiêu dùng quý 1 năm nay được công bố gần như không tăng, ở mức 0,05%, tức là giá cả không tăng, nhưng vì sao không ai vui?
Hàng hóa không có ai mua thì giá cả nó đâu thể tăng được. Làm sao mà vui được. Xưa thấy cái ti vi mới đẹp là mua về để chơi, bán hoặc cho đi ti vi cũ. Nhưng giờ thì không. Từ cái nồi cơm điện đến cái quạt người ta cũng hạn chế mua. Các siêu thị điện máy ế ẩm...
Dường như khó khăn đã ảnh hưởng đến từng cá nhân trong xã hội?
Đúng vậy, thay vì mua những thứ người ta thích thì người ta chỉ mua những thứ mình cần.
Từ trước đến giờ, đã khi nào xuất hiện những giai đoạn kinh tế khó khăn tương tự như hiện nay chưa thưa ông?
Có. Nhưng không nguy hiểm như bây giờ.
Vậy tình huống xấu nhất của thực trạng kinh tế này có thể là gì?
Tổng sản phẩm quốc nội sẽ thấp, kinh tế đình đốn, không có sản xuất...
Theo ông, khi nào chúng ta có thể hy vọng nhìn thấy một bức tranh kinh tế sáng sủa hơn?
Đến khi nào mà cái đà phá sản của doanh nghiệp được phanh lại, doanh nghiệp bắt đầu làm ăn được. Doanh nghiệp sản xuất ra hàng hóa, tạo ra việc làm, việc làm tạo ra thu nhập. Kinh tế là sản xuất và tiêu dùng chứ có gì đâu. Giờ anh sản xuất bị kẹt chết thì một vế của nền kinh tế bị chết.
Xin cảm ơn ông!
Năm 2009, Chính phủ cũng đã đưa ra gói cứu trợ 20 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ 4% lãi suất cho doanh nghiệp. Khi đó, lãi suất trên thị trường là 150% lãi suất cơ bản của ngân hàng nhà nước (lãi suất cơ bản lúc đó là 8%). Nhà nước trả 4% đó cho ngân hàng giúp doanh nghiệp. Sau 2 năm thì tăng trưởng tín dụng lên đến hơn 60%, lạm phát bùng phát. Năm 2010 ta mới hoảng hồn về lạm phát, đến 2011 mới thực hiện kiềm chế lạm phát.
Gói cứu trợ này ảnh hưởng đến nền kinh tế ở chỗ không cho vay theo dự án mà cho vay theo đối tượng. Người ta vay về mà không có nghĩa vụ phải dùng đồng tiền đó vào việc gì, mà nó là vốn lưu động nên họ làm gì cũng được. Một số công ty cho vay lại với lãi suất đến 15 - 16%. Thế nên nó mới tạo ra biết bao nhiêu dự án nhà mọc lên xây mọc lên nhan nhản rồi để đó.
|
Theo Tô Hội
Kiến Thức.Net
|
Ngày đăng :
10/05/2012 - 1:55 PM
Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, Tổng công ty Hàng hải VN (Vinalines) mua sắm rất nhiều tàu cũ, tàu già.
Bên cạnh đó, việc tàu bị bắt giữ liên tục ở nước ngoài không những khiến Vinalines không khai thác được tàu mà còn “ngốn” của tổng công ty này những khoản tiền khổng lồ để giải cứu.
Dù khai thác không hiệu quả nhưng chi phí bỏ ra để rước về những con tàu “tuổi cao sức yếu” của Vinalines lên tới hơn 1 tỉ USD! Tàu mua về rồi đem cho thuê đã khiến các doanh nghiệp thành viên của Vinalines gặp nhiều rủi ro.
Cho thuê tàu, bị bắt và tốn hàng triệu USD tiền phạt!
Nhiều công ty trực thuộc Vinalines hoặc do Vinalines nắm cổ phần chi phối hiện đang khai thác đội tàu bằng phương thức cho thuê định hạn (cho thuê trong một thời gian nhất định). Theo giới kinh doanh vận tải, cách làm này có ưu điểm là chủ tàu rất khỏe, nhưng rủi ro lại lớn. Tình trạng cho thuê tàu, không thu được cước, tàu bị bắt và phải đóng tiền phạt đã xảy ra không ít. Theo thông tin từ Ủy ban kiểm tra thuộc Đảng ủy khối doanh nghiệp trung ương, tháng 9-2011 Công ty CP vận tải Biển Bắc (Vinalines nắm cổ phần lớn) cũng đã rơi vào tình huống cho một công ty nước ngoài thuê tàu định hạn nhưng khó thu hồi được số tiền cho thuê tàu khoảng 307.448 USD.
Bán tàu cũng có nhiều “nghi vấn”
Trong giai đoạn 2005-2010, Vinalines đã bán 55 tàu, tổng năng lực vận tải là 664.093 tấn, tuổi tàu bình quân là 27,1 năm. Việc bán tàu cũng có nhiều nghi vấn. Cụ thể là việc lưu trữ hồ sơ bán tàu của Công ty mẹ, Công ty cổ phần vận tải biển Đông Đô, Vinaship, Inlaco Hải Phòng không tốt. Có một số hồ sơ chưa đầy đủ như biên bản mở thầu, báo cáo thực hiện, nội dung tờ trình sơ sài. Thực tế khi bán tàu chỉ có một đơn vị tham gia dự thầu và trúng thầu, giá bán tàu chênh rất ít so với giá chào thầu bán tàu ban đầu. Việc thực hiện bán ba tàu Phú Tân,VNL Japphire, VNL Dynamic do Vinalines thực hiện chưa được chuẩn bị kỹ, giải quyết tình huống phát sinh chưa tốt, dẫn đến phát sinh khiếu nại và dư luận không tốt.
|
Theo một chuyên gia trong ngành hàng hải, việc cho thuê định hạn nhưng chủ tàu không thu được cước thường xuyên xảy ra. Người thuê định hạn lợi dụng chủ tàu thiếu năng lực kiểm soát trong thời gian cho thuê tàu nên đã phát hành vận tải đơn với điều kiện trả trước. Sau khi thu được cước từ bên thứ ba là người thuê chuyến, phía thuê định hạn có thể tuyên bố phá sản công ty để không phải trả tiền nợ cước cho chủ tàu. Khi đó, nếu chủ tàu giữ hàng là phạm luật nên buộc lòng vẫn phải giao hàng theo đúng vận tải đơn. Vị chuyên gia này cho biết Vinalines từng rơi vào tình cảnh tương tự như trên. Đó là trường hợp của tàu Vinalines Global.
Vinalines Global hiện nay đã 18 tuổi do chi nhánh Vinalines TP.HCM quản lý. Tháng 4-2011, tàu Vinalines Global bị bắt giữ tại Trung Quốc 28 ngày do tranh chấp thương mại. Cụ thể, tàu này được cho một đối tác đến từ Ấn Độ thuê định hạn. Tuy nhiên, phía đối tác Ấn Độ đã không thanh toán tiền thuê đầy đủ nên Vinalines quyết định giữ hàng trên tàu. Điều không may mắn là số hàng này của bên thứ ba là người Trung Quốc thuê lại theo hình thức thuê chuyến đã trả tiền cước. Do đó, việc giữ hàng của Vinalines bị tòa án Trung Quốc phán quyết là sai luật. Trong vụ việc này, để giải phóng được Vinalines Global, Vinalines phải nộp 800.000 USD tiền phạt. Chưa kể, khi tàu Vinalines Global bị bắt giữ, các chi phí cho luật sư, chi phí đi lại để giải quyết vụ kiện lên tới 239.400 USD.
Không lâu sau đó, lại một con tàu có tải trọng thuộc hàng “top” trong đội tàu của Vinalines cũng khai thác bằng hình thức cho thuê bị bắt giữ. Đó là tàu Vinalines Trader có tải trọng 69.614 tấn. Đây là loại tàu rời, đóng năm 1996 tại Nhật Bản, mang quốc tịch VN. Vinalines Trader bị bắt giữ tại cảng Tearn (Hàn Quốc) cuối năm 2011. Để giải quyết vụ việc, hội đồng thành viên Vinalines đã phải bỏ ra 1,59 triệu USD đặt cọc vào tòa án theo yêu cầu của bên thuê mới giải phóng được tàu.
Trước đó, Công ty TNHH vận tải biển Viễn Dương (Vinashinlines) dính vào một vụ kiện tụng với một công ty của Hàn Quốc. Để giải quyết vụ kiện này, Vinashinlines cần một khoản tiền lên tới 4,15 triệu USD. Tuy nhiên, do kéo dài từ tháng 8-2010 đến tháng 5-2011, Vinashinlines vẫn chưa nhận được số tiền 4,15 triệu USD do Vinalines bảo lãnh vay nên phía Hàn Quốc đã quyết định bắt giữ tàu Hoa Sen và tàu Cái Lân 4. Sau khi tàu bị bắt, số tiền cần vay để giải quyết vụ việc đã lên tới 5,562 triệu USD.
Giữa tháng 5-2011, ông Nguyễn Cảnh Việt - tổng giám đốc Vinalines - đã chấp thuận phương án ký quỹ vào tòa án Hàn Quốc số tiền 4,278 triệu USD để tòa án phát lệnh giải phóng tàu Hoa Sen. Sau đó, Vinashinlines vẫn phải tiếp tục thực hiện các tranh tụng còn lại để giải phóng tàu Cái Lân 4. Tuy nhiên, dù được giải phóng với số tiền khổng lồ, tàu Hoa Sen bị chấm dứt hợp đồng cho thuê. Khoảng một năm trở lại đây, tàu Hoa Sen vẫn nằm ụ tại một cảng ở Trung Quốc.
Khốn đốn vì đội tàu già
Trước đề án chi tới 100.000 tỉ đồng cho Vinalines mua thêm tàu từ năm 2012-2020, nhiều ý kiến lo ngại số tiền đầu tư quá lớn có thật sự hiệu quả, trong khi các công ty thành viên Vinalines đã bị thua lỗ lớn vì mua tàu cũ, tàu già. Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, trong giai đoạn 2005-2010, Vinalines đã mua 73 tàu, đa số các tàu mua ở nước ngoài đã qua sử dụng với năng lực vận tải hơn 2 triệu tấn, tổng vốn đầu tư 22.853 tỉ đồng.
Đáng chú ý, dự án mua tàu nào cũng được “vẽ ra” hiệu quả kinh tế cao, thời gian thu hồi vốn nhanh, nhưng thực tế có 5/27 tàu đóng mới và 34/73 tàu mua về đưa vào khai thác trong giai đoạn 2005-2010 bị lỗ, thậm chí có tàu lỗ nặng phải bán. Điển hình trong số 34 tàu kinh doanh bị lỗ 1.571,9 tỉ đồng có tàu VNL Galaxy mua năm 2007 với giá hơn 973 tỉ đồng, kết quả kinh doanh tính đến cuối năm 2010 lỗ 192 tỉ đồng; tàu Đại Việt mua năm 2005 với giá 745 tỉ đồng tính đến cuối năm 2010 lỗ 181 tỉ đồng; tàu VNL Glory mua năm 2006 với 873 tỉ đồng tính đến cuối năm 2010 lỗ 115,5 tỉ đồng... Theo các chuyên gia về vận tải biển, thực trạng thua lỗ như trên là điều không thể chấp nhận được.
Điều tệ hại hơn, Vinalines đã mua tàu có nhiều năm tuổi. Trong đó có 17 tàu trên 15 tuổi, thậm chí còn mua tàu Lively Falcon đã sử dụng 30 năm. Bất ngờ là các tàu “quá tuổi” trên được Bộ Giao thông vận tải cho phép đăng ký và treo cờ nước ngoài như cờ Mông Cổ, Panama để né quy định về độ tuổi của tàu treo cờ VN (không được quá 15 tuổi). Điển hình là các tàu do Công ty cổ phần Vận tải dầu khí VN (Falcon) mua có tuổi bình quân 26 năm sử dụng và hiện tại có 7/10 tàu treo cờ nước ngoài.
Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, việc mua tàu quá tuổi quy định, không được phép đăng ký tại VN, phải đăng ký và treo cờ nước ngoài làm xấu hình ảnh đội tàu quốc gia, giảm sức cạnh tranh. Một trong những nguyên nhân khiến hiệu quả khai thác đội tàu thấp là do chủ yếu sử dụng tàu để cho thuê. Việc này làm lệch hướng phát triển vận tải biển, chưa bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để phát triển thị trường vận tải biển phục vụ nền kinh tế quốc dân.
Theo Bạch Hoàn - Ngọc Ẩn
Tuổi trẻ
|
Ngày đăng :
09/05/2012 - 1:33 PM
Kết quả khảo sát của Bộ KH & ĐTvà Tổng cục Thống kê đã đưa ra một loạt những chi tiết bất ngờ về tình hình "sức khỏe" thực tế của cộng đồng DN trong bối cảnh sản xuất, tiêu thụ khó khăn hiện nay.
Đúng như hứa hẹn của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã đưa ra tại cuộc họp Ủy ban Thường vụ kỳ thứ 7 hồi tháng 4, đến nay các cơ quan chuyên trách đã có những con số thống kê khá đầy đủ về tình hình hoạt động của các doanh nghiệp trong 4 tháng đầu năm.
Cụ thể, bên cạnh những thông tin tại báo cáo VCCI đã được Dân trí đăng tải trước đó, cơ quan Tổng cục Thống kê và Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) cũng có những khảo sát riêng của mình.
Xu hướng thành lập thì ít, thu hẹp, phá sản thì nhiều
Theo nhận xét của Bộ chủ quản hoạt động đầu tư thì trong 4 tháng đầu năm 2012, chỉ số tồn kho doanh nghiệp tiếp tục tăng cao, số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động cao hơn so với cùng kỳ năm trước.
Thống kê của Bộ cho thấy, 4 tháng vừa rồi có 23.971 doanh nghiệp được thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 130.044 tỷ đồng, giảm 10,5% về số lượng doanh nghiệp và giảm 14,1% về tổng vốn đăng ký so với cùng kỳ.
Tổng số doanh nghiệp đã thực hiện việc giải thể và dừng hoat động tiếp tục tăng nhanh chóng lên 17.735 doanh nghiệp, tăng 9,5% so cùng kỳ năm 2011. Trong đó, thành phố Hồ Chí Minh có 5.822 doanh nghiệp với 808 doanh nghiệp đã giải thể, 5.014 doanh nghiệp dừng hoạt động. Hà Nội có 3.538 doanh nghiệp với 319 doanh nghiệp đã giải thể, 3.219 doanh nghiệp dừng hoạt động.
Các doanh nghiệp hoạt động chính trong lĩnh vực bán buôn, bán lẻ, xây dựng, chế biến chế tạo, vận tải kho bãi và bất động sản.
Báo cáo nêu rõ, trong số các doanh nghiệp gặp khó khăn giải thể, có nhiều doanh nghiệp năng lực tài chính yếu, sản phẩm kém khả năng cạnh tranh cần phải được cơ cấu lại, đồng thời bổ sung một lượng mới doanh nghiệp đang tìm kiếm các cơ hội kinh doanh mới, qua đó nâng cao hiệu quả đầu tư của khu vực doanh nghiệp và của toàn bộ nền kinh tế.
Như vậy, tính đến hết ngày 30/4/2012, trong tổng số 647.627 doanh nghiệp đã được thành lập, cả nước còn 463.802 doanh nghiệp đang hoạt động, chiếm tỉ lệ 71,6%, có 81.929 doanh nghiệp đã giải thể, 16.075 doanh nghiệp đã đăng ký dừng hoạt động và 85.821 doanh nghiệp dừng hoạt động nhưng không đăng ký. Mức 71,6% doanh nghiệp còn hoạt động trên tổng số đã thành lập từ khi đổi mới kinh tế cho đến nay, theo Bộ KHĐT là tỷ lệ chấp nhận được ở mức trung bình so với thế giới.
Tại Anh, tỷ lệ doanh nghiệp còn tồn tại sau 3 năm hoạt động cũng chỉ 70%; còn tại Mỹ, tỷ lệ doanh nghiệp tồn tại sau 5 năm hoạt động là dưới 50%.
Tuy nhiên, theo bộ KHĐT thì vấn đề đang lo ngại hiện nay là xu thế doanh nghiệp thành lập mới liên tục giảm sút, trong khi đó số lượng các doanh nghiệp đã phải thu hẹp, ngừng, thậm chí chấm dứt hoạt động sản xuất kinh doanh liên tục tăng cao đã cho thấy khu vực doanh nghiệp nước ta đang gặp nhiều khó khăn.
Doanh nghiệp không nộp thuế không phải không có tiền để nộp!
Còn theo như “Kết quả điều tra thực trạng và tình hình khó khăn của doanh nghiệp” do Tổng cục Thống kê thực hiện với mẫu là 10.120 doanh nghiệp thuộc các loại hình sở hữu thì sau 1 năm, 3 tháng hoạt động, số doanh nghiệp thực tế còn hoạt động chiếm 91,6%, số doanh nghiệp phá sản, giải thể và doanh nghiệp ngừng sản xuất kinh doanh, đang hoàn thành thủ tục phá sản, giải thể chiếm 8,4%.
Tỷ lệ doanh nghiệp ngoài nhà nước phá sản, giải thể chiếm cao nhất với 9,2%, tiếp đến là khu vực doanh nghiệp nhà nước với 2,7% và thấp nhất là khu vực doanh nghiệp FDI với 2,6%.
Riêng ở lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, 4 tháng đầu năm, tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập là 239 doanh nghiệp, tăng 24,5% so với cùng kỳ. Tỷ lệ giải thể, ngừng hoạt động tăng 32,9% so cùng kỳ, chiếm 5,7% trên tổng số doanh nghiệp đang hoạt động.
Trong tổng số 706 (8,4%) doanh nghiệp phá sản, giải thể thuộc mẫu điều tra có đến 69,4% là do sản xuất kinh thua lỗ, 28,4% doanh nghiệp thiếu vốn để sản xuất kinh doanh, 15,1% doanh nghiệp không tiêu thụ được sản phẩm; 11,7% doanh nghiệp khó khăn về địa điểm sản xuất kinh doanh; 4,4% doanh nghiệp phải đóng cửa để thành lập doanh ngiệp mới/chuyển đổi ngành nghề sản xuất kinh doanh và 4,7% doanh nghiệp đóng cửa để sáp nhập với doanh nghiệp khác.
Những doanh nghiệp phá sản, giải thể có đến 89,7% cho biết sẽ không tiếp tục thành lập doanh nghiệp mới.
Cũng tại bản báo cáo khảo sát lần này của Tổng cục Thống kê cho hay, năm 2011, tỷ lệ doanh nghiệp không nộp thuế VAT và thuế tiêu thụ đặc biệt là 22,1%. Khu vực FDI có tỷ lệ doanh nghiệp không nộp thuế giá trị gia tăng/thuế tiêu thụ đặc biệt cao nhất với 38,4%.
Lý do chính khiến 92,5% số doanh nghiệp không nộp thuế là do không phải nộp thuế theo quy định. Chỉ có 7,5% doanh nghiệp trong số này thuộc diện phải nộp thuế nhưng không có khả năng nộp.
Một nửa doanh nghiệp vừa và nhỏ mù mờ chính sách hỗ trợ
Khi được hỏi về tình hình vay vốn, có tới 46,1% doanh nghiệp vừa và nhỏ không biết về những chính sách cho vay vốn với lãi suất ưu đãi cho đối tượng doanh nghiệp mình.
Báo cáo của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, tới 41,9% doanh nghiệp không vay vốn. Trong số những doanh nghiệp đang vay vốn, đáng chú ý là có tới 75,3% doanh nghiệp nhà nước vay vốn từ ngân hàng quốc doanh trong khi doanh nghiệp FDI chỉ 25,4%.
Về vấn đề lao động, theo kết quả điều tra, hiện tại, khu vực doanh nghiệp nhà nước có số doanh nghiệp dư thừa lao động cao nhất với 13,8%. Tiếp đến là khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước 8,2% trong khi doanh nghiệp FDI chỉ 3,9% là thừa lao động. Ngược lại doanh nghiệp FDI có tỉ lệ thiếu lao động cao nhất với 23,2%, đến khu vực doanh nghiệp nhà nước với 14,4% và thấp nhất là doanh nghiệp ngoài nhà nước với 10,7%.
Có tới 54,8% số doanh nghiệp đang dư thừa lao động cho biết nguyên nhân do đang gặp khó khăn nên phải thu hẹp sản xuất kinh doanh.
Báo cáo cũng đặc biệt lưu ý đến 6 yếu tố gây cản trở lớn nhất đối với sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Theo thứ tự, các yếu tố này được sắp xếp lần lượt: lãi suất vốn quá cao (27,5%), lạm phát cao và biến động thất thường (19,2%), tiếp cận vốn khó khăn (17,5%), chi phí vận tải cao (9,6%), điện cung cấp không ổn định (7%).
Với những con số thống kê cụ thể như trên, nhà điều hành chính sách sẽ có cái nhìn toàn cảnh và chân thực hơn về bức tranh kinh tế, thị trường hiện nay. Bởi, có hiểu, có “bắt đúng bệnh” thì “phương thuốc” đưa ra mới phù hợp và hiệu quả.
Theo Bích Diệp
Dân trí
|
Ngày đăng :
08/05/2012 - 2:44 PM
Sau Vinashin, những vết trượt của TCty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) cho thấy thêm một trụ cột của ngành vận tải biển đang chao đảo. >> Đổ 100.000 tỉ đồng vào Vinalines
Những kết luận mới của Thanh tra Chính phủ (TTCP) cho thấy, các tồn tại cũ như mua tàu cũ, nhiều tàu cũ tới mức không thể đăng kiểm được ở Việt Nam, phải treo cờ nước ngoài và việc đầu tư dàn trải... làm TCty lỗ tới trên 1.685 tỉ đồng...
Lặp lại điệp khúc mua tàu cũ, thiệt hại lớn
Kết thúc thanh tra việc chấp hành pháp luật trong công tác quản lý và sử dụng vốn, tài sản tại Vinalines giai đoạn 2007 - 2010, TTCP chỉ ra hàng loạt những tồn tại, sai phạm. Hai trọng tâm trong chiến lược phát triển của TCty là "phát triển nhanh, vững chắc đội tàu biển và hệ thống cảng biển" đều mắc lỗi cơ bản, khiến cho mục tiêu "sớm trở thành tập đoàn hàng hải mạnh trong khu vực... " trở nên xa vời.
Năm 2009, Vinalines lỗ 412,325 tỉ đồng; năm 2010 lỗ 1.273,892 tỉ đồng (không bao gồm 5 đơn vị chuyển từ Vinashin sang). Năm 2007 nợ phải trả là 17.071 tỉ đồng chiếm 65,8%, năm 2010 là 36.599,7 tỉ đồng chiếm 91,4% tổng nguồn vốn. Hiệu quả sử dụng vốn giảm mạnh, tỉ suất sinh lời của vốn chủ sở hữu từ 14,15% năm 2007 xuống còn âm 14,8% năm 2010.
|
Để thực hiện kế hoạch phát triển, Vinalines được Chính phủ cho phép áp dụng nhiều chính sách, giải pháp ưu đãi về vốn, về thị trường cũng như được thực hiện cơ chế đặc thù trong đầu tư đăng ký, mua bán tàu biển...
Từ năm 2005 - 2010, Vinalines đầu tư mua 73 tàu, đa số các tàu mua là của nước ngoài, đã qua sử dụng, với năng lực vận tải 2.004.961 DWT, tổng số vốn là 22.853 tỉ đồng. 85% vốn mua tàu là vay thương mại, thậm chí dự án mua tàu Sky, Ocean, Global sử dụng 100% vốn vay...
Qua thanh tra, TTCP kết luận, cơ cấu đội tàu của Vinalines chưa phù hợp với quy hoạch được duyệt, chủ yếu là tàu vận chuyển hàng khô, tàu tải trọng lớn, ít chú ý đến tàu chuyên dùng. Tiến độ đóng mới tàu chậm so với kế hoạch 7 năm, làm tăng chi phí đầu tư.
Hầu hết các dự án được lập sơ sài, nội dung và thực tế thực hiện không thống nhất. Dự án nào cũng nêu hiệu quả kinh tế cao, thời gian thu hồi vốn nhanh, nhưng thực tế có 5/27 tàu đóng mới, 34/73 tàu mua về đưa vào khai thác lỗ, thậm chí có tàu lỗ nặng phải bán.
Ngoài ra, kết luận của TTCP cho thấy Vinalines đã đi vào đúng "vết xe đổ" của Vinashin khi mua hàng loạt tàu cũ. Có 17 tàu trên 15 tuổi không đủ điều kiện đăng ký tại Việt Nam, thậm chí tàu Lively Falcon 30 tuổi vẫn được mua và được Bộ GTVT cho phép đăng ký treo cờ nước ngoài (Mông Cổ, Panama). Điển hình trong số này có đội tàu của Cty cổ phần vận tải dầu khí Việt Nam (Falcon) mua tuổi bình quân là 26 năm và hiện 7/10 tàu treo cờ nước ngoài. Theo TTCP, việc mua tàu cũ không thể đăng ký tại ViệtNam làm xấu đi hình ảnh đội tàu quốc gia, giảm sức cạnh tranh.
Theo xác định của TTCP thì đội tàu của Vinalines thời điểm cao nhất có 149 tàu, thời điểm ít nhất có 100 tàu, nhưng được phân bố dàn trải, phân tán và manh mún ở 18 đơn vị khai thác, trong đó cá biệt có đơn vị chỉ có 1 tàu. (Xem tiếp trang 3)
Đội tàu trên lại chủ yếu để cho thuê định hạn, làm lệch hướng phát triển vận tải biển, chưa bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để phát triển thị trường vận tải biển phục vụ nền kinh tế quốc dân.
Hậu quả của những bất cập trên không chỉ làm kết quả khai thác đội tàu thấp. Trong giai đoạn 2005 - 2010, riêng việc khai thác của Cty mẹ lỗ 935 tỉ đồng. Ngoài ra, chính việc tổ chức vận tải phân tán, thiếu kinh nghiệm trong điều hành, dẫn đến tình trạng tàu của Vinalines bị nước ngoài bắt giữ phải ngừng hoạt động, người thuê tàu hủy hợp đồng, phát sinh chi phí nộp phạt, tranh tụng. Chỉ mới tính riêng hai vụ việc với tàu Việt NamL Global và tàu từ Vinashin chuyển sang đã gây thiệt hại gần 6 triệu USD.
Để xảy ra những tồn tại trên, TTCP khẳng định trách nhiệm trực tiếp thuộc Chủ tịch HĐQT nay là Hội đồng thành viên và Tổng Giám đốc Vinalines qua các thời kỳ từ 2007 - 2010.
Đầu tư dàn trải, ngập trong lãng phí và vi phạm
Giai đoạn 2007 - 2010, Vinalines đã quyết định đầu tư 14 dự án xây dựng cảng gồm 1 cảng cạn, 1 cảng sông và 12 cảng biển. Quá trình thanh tra, TTCP phát hiện hầu hết các dự án đều xảy ra vi phạm.
Trong đó, đáng chú ý có dự án xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong. Đây là dự án nhóm A, có tổng mức đầu tư điều chỉnh là 6.177,6 tỉ đồng. Đến nay, dù chưa có tổ chức tài chính nào bảo đảm vốn đầu tư cho dự án, tuy nhiên Vinalines đã tổ chức lễ khởi công hoành tráng từ ngày 31.10.2009. Điều đáng nói là trong khi quyết định của Thủ tướng chỉ cho phép chi phí tối đa cho việc tổ chức lễ khởi công dự án là 50 triệu đồng thì TCty đã vung tay chi tới 4,114 tỉ đồng (vượt trên 80 lần) cho lễ khởi công này.
Cũng theo xác định của TTCP thì trong dự án này, Vinalines đã chỉ đạo, quản lý việc thiết kế, thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán và quản lý thi công các hạng mục công trình không chặt chẽ, trái quy định, làm tăng vốn đầu tư như điều chỉnh dự toán gói thầu số 1 từ 14 tỉ đồng lên 21,6 tỉ đồng và chỉ định đơn vị trúng thầu trong cùng một quyết định; thiết kế không chính xác về chiều dài cọc, quản lý thi công thiếu kiên quyết, dẫn đến khi thi công đóng 115 cọc, thừa từ 2 - 10/cọc, gây lãng phí trên 2 tỉ đồng; nguy cơ mất 146 tỉ đồng tiền tạm ứng thực hiện hợp đồng nhập cọc...
Dự án đầu tư nhà máy sửa chữa tàu Vinalines phía Nam cũng được xác định là có nhiều sai phạm, gây lãng phí lớn. Đây là dự án có tổng mức đầu tư lên đến 3.854 tỉ đồng, nhưng Vinalines quyết định đầu tư khi chưa có quy hoạch. TTCP kết luận việc Vinalines quyết định đầu tư không đúng thẩm quyền.
Chỉ tính riêng việc mua ụ nổi No83M đã 43 tuổi, vượt 28 tuổi so với quy định đã gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Sau khi mua về phải sửa chữa nhiều lần. Tính đến ngày 30.4.2010, tổng số tiền lãng phí từ phi vụ được xác định là có dấu hiệu làm trái quy định này đã lên tới 489,6 tỉ đồng.
Theo TTCP, chỉ tính hai thương vụ đầu tư Cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong và nhà máy sửa chữa tàu Vinalines phía nam, số tiền lãng phí đã lên đến trên 520 tỉ đồng.
Dự án đầu tư cảng Sài Gòn - Hiệp Phước; các dự án đầu tư xây dựng cảng liên doanh đều được xác định có tồn tại, vi phạm.
Ngoài ra theo TTCP, trong giai đoạn 2007 - 2010, Vinalines đã đầu tư và có vốn góp vào 158 doanh nghiệp. Tuy nhiên vốn đầu tư dàn trải và hiệu quả thấp. Sử dụng 1.000 tỉ vốn trái phiếu trái mục đích...
Theo TTCP, để xảy ra những tồn tại, sai phạm trên, ngoài nguyên nhân khách quan do tình hình khủng hoảng kinh tế toàn cầu, có nguyên nhân chủ quan từ sự yếu kém trong công tác quản lý. Đầu tư dàn trải, không đồng bộ. Đến nay, có khoảng 1.836 tỉ đồng đầu tư dang dở không phát huy hiệu quả, gây lãng phí lớn. Trách nhiệm thuộc về tập thể lãnh đạo TCty, đứng đầu là Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc và giám đốc, trưởng các ban quản lý dự án của Vinalines qua các thời kỳ từ 2005 - 2010.
TTCP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ GTVT và Bộ Nội vụ tổ chức, hướng dẫn các thành viên HĐQT (HĐTV) và Tổng Giám đốc Vinalines thời kỳ 2007 - 2010 kiểm điểm trách nhiệm, tự đề xuất hình thức xử lý để Thủ tướng xem xét, xử lý trách nhiệm người để xảy ra khuyết điểm sai phạm trên.
TTCP cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ liên quan rà soát, sửa đổi nhiều quy định liên quan, khắc phục khoảng trống pháp lý liên quan đến việc xử lý trách nhiệm cũng như quản lý vốn tài sản nhà nước. Đồng thời, chuyển hồ sơ sang Bộ Công an để tiếp tục điều tra làm rõ những vi phạm trong việc đầu tư mua nổi No83M thuộc dự án xây dựng nhà máy sửa chữa tàu biển Vinalines phía nam.
Xung quanh đề án đầu tư 100.000 tỉ đồng phát triển đội tàu biển:
Vấn đề không phải là đầu tư bao nhiêu tiền!
Theo danh mục đầu tư đội tàu biển để phục vụ mục tiêu CNH-HĐH trong đề án đã được Bộ GTVT phê duyệt, giai đoạn 2012 - 2015 cần đầu tư 67 tàu trị giá 30.000 tỉ đồng. Số lượng tàu cần đầu tư trong giai đoạn 2016 - 2020 là 95 tàu với giá trị ước tính lên đến 70.000 tỉ đồng. Danh mục đầu tư đội tàu biển kể trên sẽ "ngốn" đến 100.000 tỉ đồng trong giai đoạn 2012 - 2020. Một số chuyên gia trong lĩnh vực này đã có ý kiến về câu chuyện đầu tư "khủng" này.
Mục tiêu của Bộ GTVT trong đề án CNH - HĐH ngành GTVT là đến năm 2015 có tổng trọng tải tàu đạt xấp xỉ 15 triệu tấn với các đội tàu vận tải quốc tế đủ các chủng loại. PGS-TS Nguyễn Văn Thụ - nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch và Quản lý GTVT - đặt nghi vấn: "Đến hết năm 2011, tổng đội tàu biển của Việt Nam mới đạt trọng tải chưa đến 7 triệu tấn dù đã được đầu tư nhiều trong những năm qua. Trong khi, hầu hết hàng xuất - nhập khẩu (XNK) của Việt Nam do các hãng tàu biển nước ngoài đảm nhận, hãng tàu Việt Nam không cạnh tranh được. Làm thế nào chỉ trong vòng 3 năm đạt được đến năng lực 15 triệu tấn?".
Còn ông Đỗ Xuân Quỳnh - Tổng Thư ký thường trực Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam - cho rằng: "Chính phủ đã hoạch định chính sách, chiến lược phát triển vận tải biển. Vận tải biển phải đứng hàng đầu trong đóng góp GDP cả nước, phấn đấu đến năm 2030, các hãng tàu trong nước vận chuyển được 30% hàng hóa XNK của Việt Nam. Vì vậy, theo tôi Bộ GTVT phải làm sao để đạt được những mục tiêu đó chứ không phải đề ra giai đoạn này cần đầu tư bao nhiêu tiền, giai đoạn kia cần đầu tư bao nhiêu tiền".
|
Theo Duy Thanh
Lao động
|
Ngày đăng :
07/05/2012 - 2:21 PM
Gói giải pháp “miễn, giảm, giãn thuế” với tổng trị giá khoảng 25.000 tỉ đồng vừa được Bộ Tài chính nghiên cứu đề xuất để cứu doanh nghiệp sau khi đánh giá tình trạng sức khỏe của doanh nghiệp.
Kinh tế - Chính trị - Xã hội :
- Tại cuộc họp mới đây, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu các ngành nghiên cứu có thể lùi thu quỹ bảo trì đường bộ đến 1/1/2013. Lý do là đời sống của người dân đang gặp nhiều khó khăn, nếu thu phí từ ngày 1/6 tới sẽ ảnh hưởng đến dân.Xem thêm
- Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, cải cách thủ tục hành chính là công việc trọng tâm của ngành, đến nay đã đơn giản hóa được 52%.
- Tăng lương tối thiểu chung lên 1.050.000 đồng/tháng; phụ cấp công vụ là 25%; xử lý kỷ luật viên chức tự ý nghỉ việc sai quy định... là những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 5/2012. Xem thêm
- Bộ KH& ĐT trình Thường vụ Quốc hội cuối tháng 3, tổng vốn trái phiếu Chính phủ thu xếp trong giai đoạn 2012 – 2015 là 180.000 tỷ đồng. Chính phủ đề xuất chi 5.500 tỷ đồng trong trong số này cho các dự án thủy lợi và gần 4.500 tỷ cho các dự án hạ tầng khác. Xem thêm
- Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh tại phiên thảo luận về phương án phân bổ sử dụng nguồn dư dự toán chi và vượt thu ngân sách "Tình hình đang rất xấu, suy giảm đã rất rõ rồi, giảm phát đã rất rõ rồi",
Với tờ trình của Chính phủ, 80,3% nguồn vượt thu (46.500 tỷ đồng) sẽ được dành để giảm bội chi ngân sách, tăng chi trả nợ và chuyển nguồn để đảm bảo cân đối ngân sách nhà nước năm 2012. Xem thêm
- Báo cáo của VCCI , trong quý 1 năm nay có hơn 18.700 doanh nghiệp mới được thành lập, điều này cho thấy các DN vẫn duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh và có khả năng mở rộng quy mô.
-Gói giải pháp “miễn, giảm, giãn thuế” với tổng trị giá khoảng 25.000 tỉ đồng vừa được Bộ Tài chính nghiên cứu đề xuất để cứu doanh nghiệp sau khi đánh giá tình trạng sức khỏe của doanh nghiệp.
-Tổng cục Thống kê, doanh thu thuần bưu chính, viễn thông 4 tháng đầu năm của cả nước khoảng 45.800 tỷ đồng. Con số này riêng trong tháng 4 ước đạt 13.200 tỷ đồng .
-Mặc dù nhập siêu 4 tháng là 176 triệu USD, nhưng để đạt được kim ngạch xuất khẩu 108 tỷ USD của năm 2012 vẫn còn nhiều thách thức, kim ngạch xuất khẩu tháng 4 ước đạt 8,6 tỷ USD, giảm 9,3% so với tháng 3 và tăng 14,3% so với tháng 4/2011.
-Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến tính đến thời điểm 1/4 đã tăng hơn 32% trong khi chỉ số tiêu thụ xét cùng thời điểm chỉ tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2011 cho thấy sức mua vẫn chưa được cải thiện và tổng cầu vẫn giảm một cách đáng ngại.
Đầu tư:
-Ngày 4/5, UBND TP Hà Nội quyết định đầu tư dự án xây dựng đường Trần Phú - Kim Mã, dài 450 m với tổng vốn 225 tỷ đồng, trong đó chi phí bồi thường tái định cư lên tới 150 tỷ đồng.
-Từ nay đến năm 2015 tỉnh Đồng Tháp sẽ dành khoảng 1.786 tỷ đồng đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng các khu, điểm du lịch.
-Tại hội chợ lớn nhất miền Tây, các tỉnh thành khu vực này đã cấp phép đầu tư cho trên 20 dự án với tổng vốn đầu tư 10.000 tỷ đồng. Xem thêm
Hồng Cúc
Theo TTVN
|