Ngày đăng :
12/12/2011 - 4:16 PM
Techcombank là ngân hàng duy nhất được đánh giá là có triển vọng phát triển ổn định (Stable) trong thời gian từ 6 đến 24 tháng tới.
Ngày 08/12/2011, tổ chức xếp hạng tín dụng hàng đầu thế giới Standard & Poor (S&P, Mỹ) vừa công bố mức xếp hạng tín dụng cho 44 ngân hàng thuộc khu vực châu Á Thái Bình Dương, trong đó có 3 ngân hàng của Việt Nam là Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank).
Kết quả của việc thực hiện xếp hạng tín dụng của tổ chức S&P được thực hiện theo yêu cầu của các ngân hàng nói riêng và các doanh nghiệp nói chung trên tòan thế giới để có được sự đánh giá khách quan về hoạt động của tổ chức nhằm hướng đến sự minh bạch và họach định hướng phát triển theo những quy chuẩn của thông lệ quốc tế.
Tại Việt Nam tới thời điểm hiện tại mới chỉ có 3 ngân hàng được đưa vào hệ thống đánh giá của S&P đó là: Vietcombank, BIDV và Techcombank. Trước tình hình kinh tế thế giới đang có nhiều biến động, kết quả đánh giá của S&P trong năm nay cho thấy phần lớn các ngân hàng trên thế giới được xem xét đánh giá đều bị hạ bậc tín nhiệm. Một trong những nguyên nhân là do S&P thay đổi phương pháp đánh giá mới. Theo đó, kết quả đánh giá môi trường kinh tế vĩ mô và hệ thống ngân hàng của mỗi quốc gia sẽ là một trong những cơ sở quan trọng tác động đến kết quả đánh giá các ngân hàng tại quốc gia đó. Năm 2011, với xu thế khó khăn kinh tế chung, chỉ số đánh giá của Việt Nam bị giảm nên kết quả đánh giá dành cho các ngân hàng họat động tại Việt Nam cũng bị điều chỉnh giảm tương ứng.
Dựa trên nhưng tiêu chí hoạt động của mỗi ngân hàng như: vị thế kinh doanh, cơ cấu vốn và khả năng sinh lợi, mức độ rủi ro, khả năng huy động vốn, thanh khoản, S&P đã hạ mức tín nhiệm tín dụng dài hạn của 3 ngân hàng Việt Nam xuống 1 bậc, từ mức BB- còn B+ so với năm 2010, trong khi mức tín nhiệm tín dụng ngắn hạn vẫn duy trì ở mức B. Đặc biệt Techcombank là ngân hàng duy nhất được đánh giá là có triển vọng phát triển ổn định (Stable) trong thời gian từ 6 đến 24 tháng tới.
Phát biểu về kết quả đánh giá của S&P, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng Giám đốc Ngân hàng Techcombank, cho biết: “Kết quả đánh giá, nhận xét của S&P cho những hoạt động phát triển của ngân hàng sẽ là một cơ sở rất có giá trị để Techcombank đánh giá được họat động của mình một cách khách quan theo quy chuẩn và quan điểm của các chuyên gia đầu ngành của thế giới. Thêm nữa kết quả đánh giá giúp các ngân hàng Việt Nam thấy rõ rằng trong môi trường kinh tế khó khăn, rất cần có chiến lược và hoạt động quản trị chặt chẽ và phù hợp hơn, riêng với Techcombank sẽ có những điều chỉnh chiến lược nhất định và nỗ lực nhiều hơn để củng cố và nâng cao vị thế của ngân hàng trên thị trường quốc tế”.
Để đạt được điểm tín nhiệm cho triển vọng phát triển ổn định trong thời gian từ 6 đến 24 tháng tới, theo nhận xét của S&P, Techcombank đã áp dụng chiến lược “phòng thủ” để bảo đảm an toàn hoạt động, giảm thiểu những ảnh hưởng tiêu cực từ ngoại cảnh trong bối cảnh nhiều khó khăn như hiện nay. Từ nhiều năm qua, Techcombank đã cơ cấu lại nguồn thu, tăng doanh thu từ dịch vụ và giảm sự phụ thuộc vào nguồn thu từ các hoạt động tín dụng. Hơn nữa khả năng huy động của Techcombank tốt hơn mặt bằng chung của thị trường, tính thanh khoản ổn định, tỷ lệ dư nợ / huy động ở mức an toàn thanh khoản cao là 66% và nhận được sự đánh giá tốt của các tổ chức quốc tế. Chiến lược “phòng thủ” này sẽ góp phần làm giảm lợi nhuận của TCB nhưng đồng thời cũng giúp giảm chi phí tín dụng tiềm ẩn, giảm áp lực từ tỉ lệ nhóm vốn chứa rủi ro (risk-weighted capital) khi chuyển hướng sang ưu tiên những tài sản có rủi ro thấp mà có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận trong giai đoạn khủng hoảng tín dụng này.
Techcombank là một trong số ít các Ngân hàng Việt Nam đã và đang được nhiều tổ chức tài chính lớn trên thế giới chọn làm đối tác tại Việt Nam thông qua việc cung cấp những khỏan tín dụng lớn nhằm tăng cường nguồn vốn cho Techcombank để hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam trong hoạt động và phát triển bền vững. Chỉ trong 2 tuần vừa qua, Techcombank đã liên tiếp nhận được các khoản tín dụng trung hạn lên đến 65 triệu USD từ Tổ chức tài chính phát triển của Hà Lan – FMO và Tổ chức Đầu tư và Phát triển của Đức – DEG. Đây cũng là khoản tín dụng lớn nhất mà DEG cam kết trong năm 2011 tại khu vực châu Á và là lần thứ 2 mà FMO cung cấp tín dụng cho Techcombank. Trong thời gian tới, sẽ tiếp tục có thêm các khoản vốn đầu tư dài hạn của các tổ chức tài chính uy tín nữa.
Bên cạnh đó, Techcombank đã nhận được sự đánh giá rất cao từ các tạp chí tài chính quốc tế thông qua 9 giải thưởng lớn như: 3 giải thưởng hàng đầu từ tạp chí Finance Asia và 3 giải từ tạp chí tài chính khu vực Đông Nam Á - Alpha Southest Asia; giải thưởng “Ngân hàng bán lẻ tốt nhất Việt Nam năm 2011” từ tạp chí Asian Banking & Finance; giải thưởng “Ngân hàng cung cấp dịch vụ ngoại hối tốt nhất Việt Nam năm 2011” do tạp chí Asia Money trao tặng và mới nhất là giải thưởng “Ngân hàng nội địa tốt nhất Việt Nam năm 2011” do tạp chí The Asset trao tặng.
Các đánh giá của Standard&Poor về Techcombank dựa trên các tiêu chí:
CÁC ĐÁNH GIÁ CỦA STANDARD & POOR VỀ TECHCOMBANK DỰA TRÊN CÁC TIÊU CHÍ CỤ THỂ
Đánh giá vị thế kinh doanh của Techcombank:
Vị thế kinh doanh của Techcombank ở Việt Nam được đánh giá là mạnh với chiến lược chú trọng thị trường bán lẻ cùng hỗ trợ đắc lực của mạng lưới phân phối rộng lớn và nền tảng khách hàng cá nhân và doanh nghiệp vừa và nhỏ tốt. Đội ngũ lãnh đạo của Techcombank được S&P đánh giá là có năng lực thích nghi tốt với những thay đổi ngoại cảnh và đang từng bước vững mạnh. Lãnh đạo đã chọn chiến lược “phòng thủ” bằng cách giảm tăng trưởng tín dụng và phát huy khai thác những tài sản có rủi ro thấp dựa trong bối cảnh môi trường kinh doanh đang gặp nhiều khó khăn. S&P cho rằng Techcombank có được nhiều lợi ích thiết thực từ mối quan hệ hợp tác chiến lược với ngân hàng HSBC (AA-/ổn định/A-1+) thông qua việc chuyển giao kinh nghiệm và nhân sự. Chiến lược mở rộng thị trường miền Nam của Techcombank. Cũng được S&P đặt nhiều kỳ vọng tích cực.
Đánh giá về cơ cấu vốn và lợi nhuận của Techcombank
S&P nhận định cơ cấu vốn và lợi nhuận của Techcombank ở mức yếu, mức cao nhất trong các NH Việt Nam được đánh giá. Tỉ lệ vốn sau khi điều chỉnh cho rủi ro (risk-adjusted capital ratio) sẽ duy trì ở mức 3.5% theo phương pháp của S&P trong 12 đến 18 tháng tới. Chiến lược “phòng thủ” sẽ giảm lợi nhuận thuần do lợi nhuận biên thấp hơn. Tuy nhiên điều này cũng giúp giảm chi phí tín dụng tiềm ẩn có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận trong giai đoạn khủng hoảng tín dụng này. Sự chuyển hướng sang ưu tiên những tài sản có rủi ro thấp cũng làm giảm áp lực từ tỉ lệ nhóm vốn chứa rủi ro (risk-weighted capital).
Đánh giá về mức độ rủi ro của Techcombank
Mức độ rủi ro của Techcombank được đánh giá ở mức vừa đủ. Mô hình kinh doanh của Techcombank khá đơn giản, phần lớn doanh thu có từ các sản phẩm cho vay đơn thuần. Mặc dù môi trường kinh doanh vẫn đầy thử thách trong giai đoạn này nhưng chiến lược “phòng thủ” của Techcombank sẽ giảm thiểu những ảnh hưởng tiêu cực từ ngoại cảnh. Sự hỗ trợ từ HSBC cũng góp phần nâng cao năng lực của hệ thống quản trị rủi ro và quy trình thẩm định tín dụng của Techcombank.
Đánh giá về nguồn vốn và thanh khoản của Techcombank
Nguồn vốn của Techcombank được đánh giá ở mức trên trung bình và thanh khoản ở mức vừa đủ. Tỉ lệ cho vay trên huy động (loan-to-customer deposit ratio) ở mức 66% là cao hơn mức trung bình của ngành ngân hàng, kể cả đối với các ngân hàng lớn hơn và có hệ thống chi nhánh rộng hơn. Điều này thể hiện những nỗ lực để thu hút tiền gửi và hiệu quả hoạt động của hệ thống chi nhánh của Techcombank. Số lượng và chất lượng của những tài sản “lỏng” (liquid assets) đủ để trả những khoản nợ ngắn hạn. Techcombank hiện nay cũng đang là “chủ nợ” trên thị trường liên ngân hàng.
Theo TTVN/Techcombank
|
Ngày đăng :
12/12/2011 - 9:44 AM
Các ngân hàng cần có tỷ lệ vốn nòng cốt, chỉ số đo khả năng ứng phó với các cú sốc tài chính, khoảng 9% trước thời điểm tháng 6/2012.
Theo Ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS), tổ chức của các Ngân hàng Trung ương trên thế giới, ở thời điểm châu Âu tiếp tục khó khăn với khủng hoảng nợ, nhiều ngân hàng thuộc châu lục đang đối đầu với tình trạng chi phí tài chính ngày một cao và khó tiếp cận với nguồn tiền mặt cần thiết.
Trong báo cáo công bố ngày hôm nay, BIS cho biết một số ngân hàng châu Âu, trong đó bao gồm ngân hàng Commerzbank của Đức, BNP Paribas của Pháp và tập đoàn ngân hàng Lloyds của Anh đang bán tài sản và nâng lãi suất để thu hút tiền gửi của khách hàng.
Động thái này được đưa ra ở thời điểm Cơ quan quản lý ngành ngân hàng châu Âu (EBA) đã yêu cầu các ngân hàng thực hiện tỷ lệ vốn bắt buộc mới cao hơn.
Tuần trước, cơ quan quản lý châu Âu thông báo các tổ chức tài chính cần thêm khoảng 153 tỷ USD vốn, con số này cao hơn so với con số 141 tỷ USD theo tính toán trước đó. Các ngân hàng cần có tỷ lệ vốn nòng cốt, chỉ số đo khả năng ứng phó với các cú sốc tài chính, khoảng 9% trước thời điểm tháng 6/2012.
Ông Stephen Cecchetti, trưởng bộ phận tiền tệ, kinh tế tại BIS, nhận xét: “Ngân hàng và nhiều tổ chức tài chính đang trong tình thế khó khăn. Trên phương diện tài sản, họ chịu thiệt khi nắm giữ trái phiếu chính phủ nước ngoài. Trên phương diện nợ, họ huy động vốn ngày một khó.”
Việc khó huy động vốn sẽ khiến các ngân hàng khốn khổ. Đến cuối năm 2014, tổng các khoản nợ ngân hàng khoảng 2 nghìn tỷ USD cần phải được thanh toán.
Các ngân hàng châu Âu sẽ gặp khó khăn ở mức độ khác nhau trong huy động nguồn vốn mới. Bởi kinh tế Đức tăng trưởng tốt, ngân hàng Đức dễ huy động vốn hơn. Tuy nhiên tình hình tại Pháp không dễ dàng như vậy, Pháp có thể dễ dàng mất xếp hạng AAA, ngân hàng Pháp sẽ vất vả hơn.
Theo Minh Ngọc
TTVN
|
Ngày đăng :
12/12/2011 - 8:43 AM
Trong số nợ này, 1.600 tỷ đồng sẽ được chuyển qua Vinalines. BIDV dự kiến trích dự phòng rủi ro cho khoản nợ Vinashin năm nay là 1.500 tỷ đồng.
Theo thông tin tại buổi roadshow công bố thông tin về kế hoạch phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) của ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam tại TPHCM ngày 11/12, tổng dư nợ của tập đoàn Công nghiệp và Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) tại BIDV hiện là 6.600 tỷ đồng, trong đó 1.600 tỷ đồng sẽ được chuyển qua Tổng công ty Hàng Hải Việt Nam (Vinalines).
Sau khi chuyển nợ, dư nợ Vinashin tại BIDV còn lại khoảng 5.000 tỷ đồng, chiếm 2,4% tổng dư nợ.
Trong tổng dư nợ nói trên của Vinashin tại BIDV, Chủ tịch BIDV Trần Bắc Hà cho biết, có khoảng hơn 2.000 tỷ đồng là dư nợ cho vay, còn lại cho vay dưới dạng bảo lãnh theo chỉ định. Dự kiến trong năm nay BIDV trích dự phòng rủi ro cho khoản nợ Vinashin là khoảng 1.500 tỷ đồng, trong 6 tháng đầu năm sau dự kiến là 3.000 tỷ đồng.
Một thông tin khác được đưa ra tại roadshow là CTCP Hoàng Anh Gia Lai, mã HAG, hiện cũng nợ các tổ chức tín dụng khoảng 5.000 tỷ đồng, riêng tại BIDV là 1.300 tỷ đồng.
Trong đó, dư nợ đối với lĩnh vực bất động sản của HAGL tại BIDV tính đến thời điểm này là 500 tỷ đồng; đáng chú ý là HAGL cam kết dư nợ này sẽ giảm xuống bằng 0 vào quý 1/2012.
“Hướng đầu tư của HAGL hiện nay là tập trung vào cây công nghiệp. Đến 2014, HAGL trồng được 100.000 ha cao su tại Lào và Campuchia. Mặt khác, HAGL đang phát triển các dự án thuỷ điện và khoáng sản. HAGL đã chuyển hướng đầu tư nhanh từ bất động sản sang các lĩnh vực khác và dòng tài chính của HAGL hiện rất tốt”, ông Hà cho biết.
Chủ tịch BIDV cũng khẳng định rằng, “không nên quá lo lắng” về khoản nợ của Vinashin và Hoàng Anh Gia Lai tại BIDV.
Theo Vneconomy
|
Ngày đăng :
12/12/2011 - 8:39 AM
Theo OECD, vốn vay của chính phủ các nước công nghiệp đã tăng vượt 10 nghìn tỷ USD trong năm nay và dự báo tăng cao hơn nữa trong năm 2012.
Thị trường và các chính phủ đang đối mặt với tình trạng khó khăn về nguồn vốn trong năm tới do tình trạng bất ổn tại khu vực đồng euro và kinh tế toàn cầu.
Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), đại diện cho các nước công nghiệp hàng đầu, sẽ đưa ra cảnh báo trong báo cáo triển vọng vay vốn mới nhất trong tháng này, dự kiến cho thấy tình trạng khó khăn về tài chính có thể tiếp diễn với tình trạng khó lường của các thị trường - mối đe dọa tới sự ổn định của nhiều chính phủ đang cần tái tài trợ cho các khoản nợ.
Hans Blommestein, người đứng đầu quản lý nợ công tại OECD cho rằng, những sự kiện dường như phản ánh tình huống hỗn loạn đang chi phối động thái thị trường, do đó việc tăng lãi suất vay chính phủ có thể mang tới những hậu quả nghiêm trọng cho tính bền vừng của nợ công.
Trong tương lai gần, điều đó sẽ là thách thức lớn với nhiều nước OECD khi tăng quy mô của thị trường tư nhân, với rủi ro tái đầu tư trở thành vấn đề lớn cho sự ổn định của nhiều chính phủ và nền kinh tế.
Rủi ro tái đầu tư là mối đe dọa một quốc gia không có khả năng tái cấp vốn hay tái đầu tư nợ của mình, buộc phải quay sang tìm kiếm hỗ trợ từ Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) trong trường hợp là một nước khu vực đồng euro hay từ các khoản vay cứu trợ khẩn cấp, như đã xảy ra với Hy Lạp, Ireland và Bồ Đào Nha.
OECD cho rằng tổng khoản vay mà các chính phủ OECD dự kiến là 10,4 nghìn tỷ USD trong năm 2011 và sẽ tăng lên 10,5 nghìn tỷ USD trong năm sau - tăng 1.000 tỷ USD so với năm 2007 và gần gấp đôi mức vay năm 2005. Điều này nhấn mạnh những nguy cơ đối với ngay cả những nền kinh tế phát triển nhất trong nhiều trường hợp, như tại Italia và Tây Ban Nha, khi thị trường tư nhân gần như bị đóng cửa.
Khi các khoản vay cao hơn trong năm 2009 và 2010, những rủi ro thậm chí còn lớn hơn bao giờ hết bởi chi phí vay tăng cao tại những thị trường hỗn loạn khó đoán.
OECD cho rằng phần của việc phát hành nợ ngắn hạn tại khu vực OECD vẫn ở 44%, cao hơn so với trước khủng hoảng tài chính năm 2007. Điều này, theo một số nhà đầu tư, là vấn đề do nó đồng nghĩa với việc các chính phủ phải tái cấp vốn, thường là hàng tháng, thay vì có thể khóa nhiều nợ hơn trong dài hạn để giúp ổn định tài chính công.
OECD cũng cảnh báo rằng một vấn đề lớn hơn là thiệt hại của nhiều khoản nợ công vốn được cho là phi rủi ro như tại Italia và Tây Ban Nha, và thậm chí là cả Pháp và Áo - hai nước vẫn được xếp hạng tín dụng AAA nhưng các nhà đầu tư cũng không còn coi chúng là phi rủi ro.
Theo FT/DVT.vn
|
Ngày đăng :
10/12/2011 - 9:45 PM
Sáng 10/12, Ngân hàng Kỹ thương Techcombank chính thức lên tiếng về việc tổ chức xếp hạng tín dụng Standard & Poor (S&P, Mỹ) hạ bậc tín nhiệm.
Cụ thể, ngày 8/12, S&P công bố mức xếp hạng tín dụng cho 44 ngân hàng thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có 3 ngân hàng của Việt Nam là Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank).
Techcombank cho biết, kết quả của việc thực hiện xếp hạng tín dụng của tổ chức S&P được thực hiện theo yêu cầu của các ngân hàng nói riêng và các doanh nghiệp nói chung trên toàn thế giới để có được sự đánh giá khách quan về hoạt động của tổ chức, hướng đến sự minh bạch và họach định hướng phát triển theo những quy chuẩn của thông lệ quốc tế.
Tại Việt Nam tới thời điểm hiện tại mới chỉ có 3 ngân hàng được đưa vào hệ thống đánh giá của S&P đó là : Vietcombank, BIDV và Techcombank. Trước tình hình kinh tế thế giới đang có nhiều biến động, kết quả đánh giá của S&P trong năm nay cho thấy phần lớn các ngân hàng trên thế giới được xem xét đánh giá đều bị hạ bậc tín nhiệm bao gồm cả những ngân hàng lớn như HSBC, Citibank..
“Một trong những nguyên nhân là do S&P thay đổi phương pháp đánh giá mới. Theo đó, kết quả đánh giá môi trường kinh tế vĩ mô và hệ thống ngân hàng của mỗi quốc gia sẽ là một trong những cơ sở quan trọng tác động đến kết quả đánh giá các ngân hàng tại quốc gia đó. Năm 2011, với xu thế khó khăn kinh tế chung, chỉ số đánh giá của Việt Nam bị giảm nên kết quả đánh giá dành cho các ngân hàng họat động tại Việt Nam cũng bị điều chỉnh giảm tương ứng”, Techcombank lý giải.
Trên cơ sở đó, dựa trên nhưng tiêu chí hoạt động của mỗi ngân hàng như: vị thế kinh doanh, cơ cấu vốn và khả năng sinh lợi, mức độ rủi ro, khả năng huy động vốn, thanh khoản, S&P đã hạ mức tín nhiệm tín dụng dài hạn của ba ngân hàng Việt Nam xuống 1 bậc, từ mức BB- còn B+ so với năm 2010, trong khi mức tín nhiệm tín dụng ngắn hạn vẫn duy trì ở mức B.
Riêng Techcombank là ngân hàng duy nhất được đánh giá là có triển vọng phát triển ổn định (Stable) trong thời gian từ 6 đến 24 tháng tới.
Về kết quả đánh giá của S&P, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc Techcombank, nói rằng: “Là tổ chức xếp hạng tín dụng uy tín và lớn nhất của thế giới, kết quả đánh giá, nhận xét của S&P cho những hoạt động phát triển của ngân hàng sẽ là một cơ sở rất có giá trị để Techcombank đánh giá được họat động của mình một cách khách quan theo quy chuẩn và quan điểm của các chuyên gia đầu ngành của thế giới. Thêm nữa kết quả đánh giá giúp các ngân hàng Việt Nam thấy rõ rằng trong môi trường kinh tế khó khăn, rất cần có chiến lược và hoạt động quản trị chặt chẽ và phù hợp hơn, riêng với Techcombank sẽ có những điều chỉnh chiến lược nhất định và nỗ lực nhiều hơn để củng cố và nâng cao vị thế của ngân hàng trên thị trường quốc tế”.
Để đạt được điểm tín nhiệm cho triển vọng phát triển ổn định trong thời gian từ 6 đến 24 tháng tới, theo nhận xét của S&P, Techcombank đã áp dụng chiến lược “phòng thủ” để bảo đảm an toàn hoạt động, giảm thiểu những ảnh hưởng tiêu cực từ ngoại cảnh trong bối cảnh nhiều khó khăn như hiện nay.
Techcombank cho biết, từ nhiều năm qua ngân hàng này đã cơ cấu lại nguồn thu, tăng doanh thu từ dịch vụ và giảm sự phụ thuộc vào nguồn thu từ các hoạt động tín dụng. Hơn nữa khả năng huy động của Techcombank tốt hơn mặt bằng chung của thị trường, tính thanh khoản ổn định, tỷ lệ dư nợ/huy động ở mức an toàn thanh khoản cao là 66% và nhận được sự đánh giá tốt của các tổ chức quốc tế.
Chiến lược “phòng thủ” này sẽ góp phần làm giảm lợi nhuận của Techcombank nhưng đồng thời cũng giúp giảm chi phí tín dụng tiềm ẩn, giảm áp lực từ tỉ lệ nhóm vốn chứa rủi ro (risk-weighted capital) khi chuyển hướng sang ưu tiên những tài sản có rủi ro thấp mà có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận trong giai đoạn khủng hoảng tín dụng này.
Theo Kim Thu
VnEconomy
|