Ngày đăng :
05/01/2012 - 9:26 PM
Thủ tướng Hy Lạp cảnh báo kinh tế Hy Lạp sụp đổ vào tháng 3/2012
IMF cho rằng thâm hụt ngân sách năm 2011 của Hy Lạp lên đến 9% GDP từ mức 10,6% GDP năm 2010. Kinh tế Hy Lạp được dự báo tăng trưởng âm khoảng 6% trong năm 2011.
Thủ tướng Hy Lạp, ông Lucas Papademos, phát biểu với người Hy Lạp rằng việc giảm bớt thu nhập là cách duy nhất để tồn tại trong khu vực đồng tiền chung châu Âu và nhận thêm tiền từ các chủ nợ quốc tế để ngăn khả năng kinh tế sụp đổ. Nhiều người dự báo kinh tế Hy Lạp có thể sụp đổ vào tháng 3/2012.
Ông nói: “Chúng ta sẽ phải từ bỏ đôi chút để không mất quá nhiều. Nếu không đạt được thỏa thuận với EU, IMF và nhận được nguồn tiền tiếp theo, Hy Lạp có thể sẽ vỡ nợ vào tháng 3/2012.”
Được bầu làm Thủ tướng vào đầu tháng 11/2011 để lãnh đạo chính phủ tạm quyền nhằm đảm bảo nhận được gói giải cứu thứ 2, ông Papademos đang chạy đua để hoàn thành được gói hoán đổi nợ tự nguyện với trái chủ tư nhân. Theo thỏa thuận quy định trong gói giải cứu thứ 2, nhà đầu tư chấp nhận giảm 50% nợ.
Chỉ số ASE của TTCK Hy Lạp tăng 0,1% vào đầu phiên giao dịch ngày hôm nay tại thị trường Athens, Hy Lạp. Lợi suất trái phiếu chính phủ Hy Lạp thời hạn 10 năm tăng 9 điểm cơ bản lên 34,96%. Lợi suất trái phiếu chính phủ thời hạn 2 năm tăng 19 điểm cơ bản lên 134,49%.
Bất chấp việc chính phủ Hy Lạp đã giảm lương và tăng thuế suốt 2 năm, IMF cho rằng thâm hụt ngân sách năm 2011 của Hy Lạp lên đến 9% GDP từ mức 10,6% GDP năm 2010. Kinh tế Hy Lạp được dự báo tăng trưởng âm khoảng 6% trong năm 2011, theo tính toán của IMF.
Ông Thomas Costerg, chuyên gia kinh tế tại ngân hàng Standard Chartered tại London, nhận xét: “Rủi ro đang tăng cao hơn, chính phủ các nước Bắc Âu mệt mỏi với việc giải cứu còn chính phủ các nước Nam Âu mệt mỏi với các chính sách thắt chặt chi tiêu, đặc biệt Hy Lạp, GDP liên tục sụt giảm xuống những mức mới.”
Ông Papademos, 64 tuổi, đã chính thức lên làm Thủ tướng Hy Lạp sau khi vào năm 2011 chính phủ Pháp và Đức cảnh báo họ sẽ cắt toàn bộ chương trình hỗ trợ cho Hy Lạp cho đến khi nước này ký vào thỏa thuận giải cứu do châu Âu thông qua tại Brussels vào ngày 26/10/2011.
Cựu Thủ tướng Hy Lạp George Papandreou trước đó đã từ chức sau khi đảng của ông không còn nhận được sự ủng hộ sau khi đưa ra 5 chương trình thắt chặt ngân sách khắc khổ.
Theo Minh Ngọc
TTVN
|
Ngày đăng :
04/01/2012 - 10:38 PM
Ngân hàng JPMorgan Chase vừa ra một báo cáo dự báo về tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong năm nay.
Trong đó, các chuyên gia của ngân hàng này nhận định, kinh tế Việt Nam sẽ có khả năng đạt được mức độ ổn định cao hơn so với năm 2011.
Với quan điểm đánh giá cao những nỗ lực chính sách thời gian qua của Việt Nam, báo cáo của JPMorgan Chase cho rằng, các biện pháp thắt chặt chính sách cuối cùng đã bắt đầu phát huy hiệu quả, thể hiện qua sự giảm tốc của lạm phát kể từ tháng 8 và sự thu hẹp của thâm hụt thương mại.
“Với lạm phát được kỳ vọng sẽ giảm thêm nhiều và việc Chính phủ đề cao mục tiêu ổn định kinh tế thay vì chính sách “tăng trưởng bằng mọi giá”, chúng tôi dự báo các yếu tố cơ bản của nền kinh tế Việt Nam sẽ được cải thiện”, báo cáo của JPMorgan Chase có đoạn viết. Theo báo cáo, sự cải thiện này đồng nghĩa với việc lạm phát của Việt Nam sẽ hạ nhiệt, cán cân thanh toán được hỗ trợ tốt hơn và dự trữ ngoại hối của Việt Nam sẽ cao hơn trong năm 2012.
Tuy nhiên, JPMorgan Chase cho rằng, chất lượng tài sản của các ngân hàng hiện vẫn đang là một trong những vấn đề đáng lo ngại đối với nền kinh tế Việt Nam, dù khả năng xảy ra một cuộc khủng hoảng trong hệ thống ngân hàng ở thời điểm này là thấp. Ngoài ra, báo cáo của JPMorgan Chase còn đề cập tới khả năng Chính phủ Việt Nam nới lỏng chính sách quá sớm.
Theo báo cáo, lạm phát, thay vì thâm hụt thương mại, mới là yếu tố có tác động mạnh nhất tới cán cân thanh toán của Việt Nam. “Việt Nam đã ở trong tình trạng thâm hụt thương mại kéo dài, nhưng thâm hụt này được bù đắp bởi dòng kiều hối và vốn FDI… Khi lạm phát cao hoặc kỳ vọng giảm giá đồng nội tệ tăng, người Việt Nam thường chuyển từ nắm giữ VND sang vàng và USD. Còn khi lạm phát giảm tốc, quy trình diễn ra ngược lại”, báo cáo lý giải. Báo cáo cũng cho rằng, với mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm ở mức gần 14%/năm hiện nay, các tài sản tính bằng VND sẽ sớm trở nên hấp dẫn hơn.
Về dự trữ ngoại hối của Việt Nam, JPMorgan Chase cho rằng, dự báo này đã tăng trong năm 2011, nhưng vẫn ở mức thấp, tương đương khoảng 1 tháng rưỡi nhập khẩu. Cụ thể, theo dự báo của JPMorgan Chase, dự trữ ngoại hối của Việt Nam năm 2011 ở mức 12,561 tỷ USD và tăng lên 15,811 tỷ USD vào năm 2012.
Nếu lạm phát của Việt Nam giảm xuống như dự báo, dự trữ ngoại hối của Việt Nam sẽ tăng do người dân chuyển các khoản tiết kiệm sang đồng nội tệ, báo cáo nhận định. Báo cáo chỉ rõ, rủi ro lớn đối với dự trữ ngoại hối là khi “Chính phủ Việt Nam nới lỏng chính sách sớm, khiến mức lãi suất giảm xuống, đòi hỏi lạm phát phải giảm mạnh hơn để lãi suất đạt giá trị thực dương”.
Theo Phương Anh
NDHMoney
|
Ngày đăng :
04/01/2012 - 10:23 PM
Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) ngày 3/1 dự báo kinh tế Mỹ sẽ dần tăng trưởng trở lại trong các năm 2012 và 2013, trong khi tỷ lệ thất nghiệp sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao hiện nay.
Trong biên bản cuộc họp cuối năm 2011 của Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC)- cơ quan hoạch định chính sách của FED- được công bố ngày 3/1, FED cho biết nền kinh tế Mỹ sẽ dần lấy lại đà tăng trưởng trong hai năm tới nhờ việc điều chỉnh các chính sách tiền tệ, nguồn vốn tín dụng tăng cũng như lòng tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp được cải thiện.
Theo FED, hoạt động kinh tế của Mỹ trong thời gian tới tăng không đáng kể. Trong năm 2012 và năm 2013, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ có thể phần nào giúp giảm bớt tình trạng ảm đạm trên thị trường lao động và tiêu dùng, đồng thời lạm phát có thể tạm lắng xuống trong hai năm này.
Tuy nhiên, FED cũng cảnh báo tỷ lệ thất nghiệp sẽ tiếp tục kéo dài và có khả năng duy trì ở mức cao trong năm 2012 và 2013 do các cơ hội việc làm tại các bang tiếp tục giảm, không có nhiều doanh nghiệp lên kế hoạch tuyển dụng nhân viên.
Bên cạnh đó, hoạt động giao dịch trên thị trường bất động sản tiếp tục trầm lắng do sự tồn đọng lớn các tài sản thế chấp và tịch biên cũng như nhu cầu ít ỏi của các nhà đầu tư trong lĩnh vực này. Điều đó cho thấy các điều kiện tín dụng đối với các khoản vay thế chấp vẫn đang được thắt chặt và sự bất ổn về giá nhà đất trong tương lai.
Nhằm nỗ lực cải thiện tính minh bạch, FED thông báo sẽ cập nhật 4 lần một năm về những kế hoạch chính sách tiền tệ thích hợp trong tương lai cùng với việc phát hành bản Tóm tắt Dự báo kinh tế (SEP) dự đoán về tăng trưởng kinh tế, thất nghiệp và lạm phát của nền kinh tế Mỹ.
Cuộc họp tiếp theo của FOMC dự kiến sẽ diễn ra trong hai ngày 24-25/1 tới./.
Theo Vietnamplus
|
Ngày đăng :
04/01/2012 - 10:10 PM
Đưa tiền lãi gửi ngân hàng vào thu nhập chịu thuế doanh nghiệp sẽ giảm dần việc gửi tiền, góp phần kích thích vốn chảy vào sản xuất kinh doanh
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 122/2011/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 124/2008/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp (DN). Theo đó, DN có thu nhập từ lãi tiền gửi ngân hàng (NH), lãi cho vay vốn dưới mọi hình thức đều phải đóng thuế.
Khó làm ăn nên đem tiền gửi lấy lãi
Thông thường, DN gửi tiền không kỳ hạn tại các NH chủ yếu là để thanh toán cho đối tác, theo quy định lãi suất được hưởng phổ biến 3%/năm. Nếu chỉ gửi trong vài ngày, số tiền lãi thu về sẽ không đáng kể. Nhưng thực tế, nhiều DN lớn, có nguồn vốn dồi dào, vì khó làm ăn nên gửi tiền vào NH dưới nhiều hình thức để kiếm lãi lớn.
Cầm trong tay hàng chục, thậm chí cả trăm tỉ đồng, nhiều DN đã gây áp lực để hưởng lãi suất vượt trần. Ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), cho biết: Mới đây, một khách hàng yêu cầu khoản tiền gửi tái tục 600 tỉ đồng của họ phải được hưởng lãi suất 16,5%/năm (vượt 2,5% so trần quy định), nếu không họ sẽ rút đi gửi nơi khác. Với số tiền lớn như vậy, thu nhập từ lãi “tiết kiệm” sẽ là 99 tỉ đồng/năm. Khách gây áp lực nhưng vì không thể nâng lãi suất cao trái quy định nên BIDV buộc phải từ chối.
Một số công ty chứng khoán cũng tranh thủ tiền của nhà đầu tư để gửi tiết kiệm, thu về số tiền lãi rất lớn. Đồng thời những NH dồi dào vốn cũng lách quy định cho NH bạn vay tiền không quá 20% nguồn vốn huy động bằng cách giao tiền các công ty con đến gửi tại các NH khác để kiếm lời cao.
Kích thích nguồn vốn chảy trực tiếp vào nền kinh tế
Thực tế các năm gần đây cho thấy nhiều NH luôn căng thanh khoản nên phải huy động vốn bằng mọi giá, có thời điểm các NH tăng lãi suất tiền gửi tiết kiệm lên 18%-20%/năm khiến lãi suất cho vay cán mức 22%-24%/năm. Thậm chí có NH tung ra thị trường sản phẩm tiền gửi kỳ hạn 24 giờ, hai ngày, một tuần, hai tuần với mức lãi suất tối đa 14%/năm để nhanh chóng thu hút vốn bù đắp thiếu hụt thanh khoản, càng kích thích DN gửi tiền vào NH.
Theo TS Lê Thẩm Dương, Trưởng Khoa Quản trị kinh doanh Trường Đại học Ngân hàng TPHCM, nhiều DN “ném” hàng trăm tỉ đồng vào NH rồi ngồi chơi, hưởng lãi suất 14% - 16%/năm.
Do đó, số tiền lãi mà DN có được là một hình thức đầu tư nên phải chịu thuế thu nhập. Với việc Nhà nước bổ sung tiền lãi gửi NH vào thu nhập chịu thuế, DN sẽ không còn mặn mà với gửi tiền “tiết kiệm” nữa mà tập trung vốn cho sản xuất kinh doanh, góp phần kích thích nguồn vốn chảy trực tiếp vào nền kinh tế. Mặt khác, với quy định thu nhập từ tiền gửi NH, các NH thương mại cũng sẽ giảm bớt việc cho NH bạn vay tiền, dồn vốn cung ứng cho DN.
Theo Thy Thơ
NLĐ
|
Ngày đăng :
04/01/2012 - 9:41 PM
Thủ tướng vừa ký ban hành Nghị quyết 01 về những giải pháp điều hành thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước 2012.
Thứ nhất, tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô
Điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng, linh hoạt. Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều hành chủ động và linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, nhất là chính sách lãi suất, cho vay tái cấp vốn và nghiệp vụ thị trường mở.
Kiểm soát mức tăng trưởng tín dụng cả năm 2012 khoảng 15% - 17%, tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 14% - 16%, bảo đảm thanh khoản của các tổ chức tín dụng, giảm mặt bằng lãi suất ở mức hợp lý với diễn biến kinh tế vĩ mô.
Tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, hiệu quả. Thực hiện các biện pháp thích hợp để tiết kiệm chi, tăng thu ngân sách nhà nước, phấn đấu giảm bội chi 2012 xuống dưới 4,8%. Bộ Tài chính nghiên cứu, trình Chính phủ định hướng, giải pháp cải cách tiền lương khu vực hành chính nhà nước.
Tăng cường kiểm soát thị trường, giá cả, tổ chức tốt thị trường trong nước. Trong đó, Bộ Xây dựng nghiên cứu, trình Chính phủ các chính sách thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh.
Khuyến khích xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu, hạn chế nhập siêu. Thủ tướng yêu cầu, trong quý II/2012, Bộ Công thương hoàn thành việc xây dựng chương trình thực hiện chiến lược xuất khẩu hàng hóa giai đoạn 2011 - 2020, định hướng đến 2030.
Quản lý, giám sát chặt chẽ và cơ cấu lại nợ công, nợ Chính phủ, nợ quốc gia, bảo đảm nợ trong giới hạn an toàn. Kiểm soát chặt các khoản vay về cho vay lại và bảo lãnh của Chính phủ. Bố trí nguồn trả nợ các khoản vay nước ngoài đến hạn.
Thứ hai, tập trung tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao hiệu quả, khả năng cạnh tranh.
Thủ tướng yêu cầu, trong quý I/2012, Bố Kế hoạch và Đầu tư trình đề án tái cơ cấu đầu tư, trọng tâm là đầu tư công theo hướng nguồn vốn Nhà nước tập trung để đầu tư các công trình, dự án cơ sở hạ tầng trọng yếu.
NHNN đẩy mạnh thực hiện các giải pháp và lộ trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng. Bộ Tài chính chủ trì lựa chọn thí điểm tái cơ cấu tài chính một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước.
Ngoài ra, thực hiện chuyển đổi cơ cấu kinh tế gắn với mô hình tăng trưởng, trình Chính phủ trong quý II/2012 về đề án này; tập trung nguồn lực để phát triển nông nghiệp, nông thôn; bảo đảm cung ứng điện cho sản xuất và tiêu dùng.
Thứ ba, nâng cao chất lượng nhân lực, đẩy nhanh ứng dụng khoa học và công nghệ. Trong quý II/2012, trình Chính phủ đề án đổi mới cơ bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trước khi trình Ban Chấp hành Trung ương để có Nghị quyết về nội dung này.
Thứ tư, bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe, bảo đảm đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân.
Thứ năm, tăng cường phòng, chống thiên tai, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Thứ sáu, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tăng cường phòng chống tham nhũng.
Thứ bảy, tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại.
Để thực hiện được 7 nhóm giải pháp trên, Chính phủ yêu cầu người đứng đầu các Bộ, ngành, địa phương phải khẩn trương xây dựng, ban hành và triển khai chương trình hành động cụ thể ngay trong tháng 1/2012.
Theo Chinhphu.vn
|