Thông tư 226: Hợp lý nhưng chưa quyết liệt

Ngày đăng : 14/05/2012 - 4:04 PM

 

Thẳng thắn mà nói, có đến 99% các CTCK nằm trong diện kiểm soát đặc biệt không thể tự cứu mình được nữa.

Theo Thông tư 226/2010/TT-BTC (TT 226), quy định chỉ tiêu an toàn tài chính (ATTC) và các biện pháp xử lý đối với CTCK không đáp ứng chỉ tiêu này có đề ra một số phương án để khắc phục tình trạng kiểm soát đặc biệt như: bán tài sản có rủi ro cao, cắt giảm chi phí, thu hẹp hoạt động… 

Nhưng thực tế, với những CTCK đã rơi vào dạng kiểm soát đặc biệt hiện nay, các phương án TT 226 nêu ra gần như không có tính khả thi. 

TT 226 có hiệu lực vào ngày 1-4-2011, nhưng các quy định về kiểm soát, kiểm soát đặc biệt mới bắt đầu “siết” vào ngày 1-4-2012. Có thể tạm hiểu rằng, TT 226 đã cho các CTCK “có vấn đề” trước 1 năm để giải quyết trước khi siết vào khuôn khổ. 

Theo lẽ thường, sẽ không có một CTCK nào đợi đến ngày 1-4 năm nay mới đi tìm phương án khắc phục, vừa bị động lại vừa bị các cơ quan quản lý công bố danh tính, xấu mặt, mà đã tìm cách khắc phục từ khi TT 226 xuất hiện. Và như vậy, có thể hiểu được rằng 7 CTCK nằm trong danh sách kiểm soát đặc biệt UBCKNN công bố mới đây đã không thể xoay trở được gì trong hơn 1 năm qua. 

Theo Khoản 4 Điều 14 của TT 226, thời hạn kiểm soát đặc biệt tối đa 6 tháng, nếu CTCK không khắc phục được tình trạng kiểm soát đặc biệt và có lỗ gộp vượt 50% vốn điều lệ thì bị đình chỉ hoạt động. 

Trong 6 tháng, trước quyết định này liệu CTCK bị kiểm soát đặc biệt có thể làm những gì để cứu số phận của mình? Bán các tài sản có độ rủi ro cao? Có lẽ các CTCK này cũng chẳng còn tài sản gì đáng giá để bán, mà nếu có để bán cũng đã thực hiện từ trước. 

Tương tự như vậy là các việc như thu hồi nợ, cắt giảm chi phí, thu hẹp phạm vi hoạt động cũng là những việc khi tổ chức mới bắt đầu gặp khó khăn đều phải chọn lựa chứ chưa cần TT 226 phải “nhắc”. Các giải pháp khác như tăng vốn điều lệ, hợp nhất, sáp nhập với các CTCK cũng gần như không khả thi vì chẳng ai muốn bỏ vốn hoặc “dây” vào những CTCK “sắp chết”. 

Thẳng thắn mà nói, có đến 99% các CTCK nằm trong diện kiểm soát đặc biệt không thể tự cứu mình được nữa. Như vậy cần phải khẳng định rằng, những phương án khắc phục trong TT 226 là sát sườn và hợp lý, nhưng lại không hợp thời điểm. 

Các phương án này chỉ có tác dụng trong trường hợp CTCK mới “chớm” có những dấu hiệu xấu trong hoạt động, khi đó vẫn còn tài sản, uy tín, thương hiệu để có thể triển khai các biện pháp khắc phục. Muốn điều này có thể thực thi một cách hiệu quả, các chế độ giám sát phải thực sự chặt chẽ để từ đó nhanh chóng phát ra những tín hiệu cảnh báo cho CTCK. 

Nhưng nhìn vào danh sách chỉ có 6 và mới đây có thêm 1 CTCK rơi vào diện kiểm soát đặc biệt, nhiều người sẽ hồ nghi về khả năng có thể kiểm soát chặt các CTCK của UBCKNN. 

Trở lại với Khoản 4 Điều 14 của TT 226, ngoài chuyện không thể khắc phục tình trạng kiểm soát đặc biệt còn “thòng” thêm việc có lỗ gộp vượt 50% vốn điều lệ thì bị đình chỉ hoạt động. Câu hỏi đặt ra ở đây là tỷ lệ lỗ gộp vượt 50% vốn điều lệ có vai trò như thế nào trong chỉ tiêu ATTC của CTCK? 

Tại sao đã có tỷ lệ vốn khả dụng giờ lại có thêm tỷ lệ lỗ gộp. Liệu có xảy ra trường hợp CTCK dù không khắc phục được tình trạng kiểm soát đặc biệt nhưng lỗ gộp lại không vượt quá 50% vốn điều lệ hay không? Và lúc đó, các cơ quan quản lý có thể đình chỉ hoạt động của CTCK chưa? 

Theo quan điểm của cá nhân tôi, hoặc TT 226 đã chưa lường trước được những kịch bản có thể xảy ra trong thực tế, hoặc đã bỏ sót những "chiêu trò" các CTCK có thể sử dụng để tiếp tục câu giờ nhằm cứu sống hoạt động của mình. Một thí dụ đơn giản: Theo quy định thời hạn kiểm soát tối đa là 1 năm, trong trường hợp xét thấy cần thiết, theo đề nghị của CTCK UBCKNN kéo dài thời hạn kiểm soát nhưng không quá 6 tháng. 

Vậy nếu qua 6 tháng "ân hạn", CTCK vẫn không thoát khỏi tình trạng kiểm soát, UBCKNN sẽ xử lý như thế nào? Điều này không thấy ghi rõ. Hay như thời hạn kiểm soát đặc biệt tối đa 6 tháng, giả sử CTCK vượt qua được và thăng hạng thành "kiểm soát", một thời gian sau đó lại bị hạ xuống thành kiểm soát đặc biệt trở lại. 

Nếu kịch bản này xảy ra, rõ ràng những quy định về kiểm soát, hay kiểm soát đặc biệt của UBCKNN sẽ mất đi tính nghiêm khắc vốn có, mà cho đến giờ vẫn chưa thấy một giải pháp cụ thể. 

Theo Trương Công Mạnh

Sài gòn đầu tư tài chính

Họ tên :

Email :

Nội dung :

Tin cùng chủ đề

Nhà đầu tư cần biết trước phiên giao dịch ngày 14/05

Ngày đăng : 14/05/2012 - 8:50 AM

 

(STOX) Một số CTCK nhận định, thị trường sẽ mang dấu “trừ” trong ngắn hạn, nhưng xu hướng dài hạn vẫn sẽ là tăng điểm. 

 

 

Thế giới:

 

Trong diễn biến giao dịch tuần qua, đồng Euro mất giá đang gây lo lắng cho Trung Quốc và Mỹ. Nếu đồng euro sụp đổ sẽ là tin tức đặc biệt xấu với Trung Quốc, vì 18% lượng xuất khẩu của Trung Quốc là sang châu Âu.

 

Tin đồn mới đây nhất lan truyền giữa các nhà quản lý quỹ châu Âu đồng euro sẽ được neo chặt giá trị bằng với đồng đôla Mỹ, một cú rớt giá ngoạn mục từ mức tỷ giá gần 1,3 đôla ăn một euro hiện tại, và kéo theo việc phải in thêm hàng trăm tỷ euro.

 

Đồng thời một thông tin đáng chú ý nhất trong tuần vừa qua liên quan tới hai định chế tài chính lớn nhất thế giới khi lần đầu tiên, Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED), với tư cách là ngân hàng trung ương đã đồng ý cho phép một ngân hàng lớn của Trung Quốc mua lại một ngân hàng của Mỹ. Điều này cho thấy sự bành trướng không ngừng của các Ngân hàng Trung Quốc.

 

Đi ngược lại quan điểm trên các nhà phân tích thế giới cũng chỉ ra những điểm yếu kém của các ngân hàng nước này ví von khi đạt ra câu hỏi Ngân hàng lớn của Trung Quốc chỉ là "hổ giấy"? và chỉ ra sự thực đằng sau những con số ấn tượng của các ngân hàng Trung Quốc.

 

Trên thị trường vàng thế giới, một số nhà quan sát cho rằng nếu vàng được giao dịch quanh ngưỡng 1.580 USD/oz,thị trường kim loại quý sẽ có thể bật lại trong tuần này.

 

Trong nước:

 

Sau một tuần giao dịch cả 3 chỉ số đều có dấu hiệu bước vào nhịp điều chỉnh, Mặc dù giữ được mức tăng nhẹ theo chu kỳ tuần, nhưng cả hai chỉ số chứng khoán đều cho thấy những tín hiệu xấu đi khi liên tục giảm trong những phiên giao dịch cuối tuần. Một số CTCK nhận định, thị trường sẽ mang dấu “trừ” trong ngắn hạn, nhưng xu hướng dài hạn vẫn sẽ là tăng điểm.

 

Đang được sự chú ý của các nhà đầu tư sau tuần sụt giảm mạnh nhất kể từ cuối năm 2011, nhà đầu tư giờ đây khá thận trọng trong dự báo về xu hướng thị trường, đặc biệt là ngắn hạn. Nhà đầu tư đang đặt ra câu hỏi tuần tới, giá vàng 38 triệu hay 41 triệu/lượng?

 

Tiếp tục với thông tin hạ lãi suất trong tuần khi một ngân hàng lớn như ACB vừa tiếp tục giảm lãi suất vay lần thứ 3 trong vòng 4 tháng đầu năm nay, theo đó ACB sẽ giảm lãi suất vay cá nhân xuống mức 17%.

 

Ngoài ra, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Campuchia (BIDC)  - chi nhánh TP.HCM công bố giảm lãi suất cho vay với mức lãi suất tối thiểu là 13,5%/năm.

 

 Stox

 


FPTS: Thị trường đang trong giai đoạn cuối của sự phân hóa sóng 5

Ngày đăng : 11/05/2012 - 3:23 PM

 

Xét về kỹ thuật thị trường trong thời gian tới sẽ điều chỉnh ở cả 2 sàn. Các thông tin tích cực từ vĩ mô hầu hết đã phản ánh trong mức tăng giá ở tháng 04 vừa qua.

Tháng vừa qua là một tháng của sự biến động tăng giá sau sự điều chỉnh mạnh hồi tháng 03. Thị trường thật sự đã có sự gia tăng mạnh, so với đầu năm VNIndex tăng 35,36% ; HNX tăng 40,6%.

Thị trường đang thật sự hưng phấn, tuy nhiên nhìn từ góc độ biến động giá từ đầu năm đến nay, thị trường cần có sự điều chỉnh để đạt được sự tăng trưởng bền vững trong 8 tháng cuối năm. Các thông tin tích cực từ vĩ mô hầu hết đã phản ánh trong mức tăng giá ở tháng 04 vừa qua.

Dưới góc độ PTKT, hiện nay thị trường đang trong giai đoạn cuối của sự phân hóa sóng 5, các chỉ báo kỹ thuật RSI, MACD đang cho dấu hiệu phân kỳ cho thấy xu hướng tăng đang yếu dần. Ngưỡng kháng cự gần nhất và khá mạnh dành cho VNIndex ở mức 483-486; còn HNX sẽ là ngưỡng 81. Ngưỡng hỗ trợ của 2 chỉ số lần lượt tại 465 và 76.

Nhìn chung, xét về kỹ thuật thị trường trong thời gian tới sẽ điều chỉnh ở cả 2 sàn. Trong đầu tháng 05 sẽ có thể xuất hiện một vài phiên tăng điểm nhằm khẳng định sự kết thúc của sóng này, tiếp theo sẽ chuyển sang trạng thái điều chỉnh và giảm sau đó.


Theo FPTS


Nhà đầu tư cần biết trước phiên giao dịch ngày 11/05

Ngày đăng : 11/05/2012 - 8:50 AM

 

(STOX)“NHNN sẽ tái cấp vốn tối đa 60% nhằm hỗ trợ khả năng chi trả tạm thời hoặc tối đa 80% nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế từng thời kỳ” đó là thông tư mới nhất của NHNN vừa ban hành tái cấp vốn dưới hình thức cho vay lại theo hồ sơ tín dụng. 

 

 

Thế giới:

 

Cắt đà giảm điểm 6 phiên liên tiếp Dowjones bắt đầu tăng điểm trở lại sau khi chính phủ Mỹ công bố báo cáo cho thấy số người thất nghiệp tuần qua ở tình trạng tốt hơn so với mong đợi.

 

Giá vàng thế giới cũng đã tăng trở lại, chấm dứt chuỗi 3 ngày giảm mạnh liên tiếp, nhờ nhu cầu mua vào ở vùng giá thấp của các nhà đầu tư.

 

Cùng tín hiệu lạc quan trên giá dầu tăng lần đầu tiên trong 7 phiên sau khi Mỹ công bố số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu giảm xuống thấp nhất 1 tháng.

 

Thông tin từ sáng nay cho hay JPMorgan Chase, ngân hàng lớn nhất nước Mỹ, thông báo lỗ 2 tỷ USD với danh mục đầu tư tín dụng tổng hợp. 

 

Trong nước:

 

Về thị trường tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa ban hành Thông tư quy định về việc Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn dưới hình thức cho vay lại theo hồ sơ tín dụng đối với các tổ chức tín dụng, cụ thể NHNN sẽ tái cấp vốn tối đa 60% nhằm hỗ trợ khả năng chi trả tạm thời hoặc tối đa 80%.

 

Trước tình hình bất ổn kinh tế thế giới, vàng đã phản ứng theo cách không còn là hầm trú ẩn an toàn cho các nhà đầu tư, để có câu trả lời chi tiết các bạn xem chi tiết tại.

 

Về thị trường chứng khoán trong nước đang có dấu hiệu tiếp tục bùng nổ với hàng loạt mã từ lớn tới nhỏ, từ khoáng sản cho tới nông nghiệp và chứng khoán đang cùng nhau tăng trần. Từ đây đã xuất hiện những cảnh báo: Cổ phiếu chứng khoán: Cẩn thận với bong bóng.

 

Theo các CTCK, xác suất thị trường giảm điểm là cao và nhà đầu tư cần chú ý rủi ro nếu thanh khoản thị trường giảm mạnh.

 

Thị trường thủy sản trong nước đang có những biến động không ổn định của giá cả khi hơn 1 tháng trở lại đây, giá cả các mặt hàng nông thủy sản ở ĐBSCL rất thất thường, diễn biến theo chiều hướng giảm.

 

Thông tin mới nhất từ Bộ KH-ĐT cho hay chỉ còn 71,6% số doanh nghiệp đã thành lập hoạt động, cụ thể trong báo cáo tình hình doanh nghiệp 4 tháng đầu năm 2012 thì hoạt động sản xuất - kinh doanh của một số ngành hàng được cải thiện đáng kể như thủy sản, nông nghiệp, sản xuất hàng tiêu dùng và một số ngành hàng xuất khẩu. 

 

 Stox

 


Nhà đầu tư cần biết trước phiên giao dịch ngày 10/05

Ngày đăng : 10/05/2012 - 8:31 AM

 

STOX -- Từ 10 giờ tối 9-5, giá xăng A92 giảm 500 đồng/lít, dầu diesel giảm 300 đồng/lít. Như vậy, giá bán lẻ xăng A92 mới là 23.300 đồng/lít và giá bán lẻ dầu diesel mới là 21.600 đồng/lít. Các mặt hàng xăng dầu khác vẫn giữ nguyên giá cũ. 

 

 

Thế giới:

 

Vàng tiếp tục giảm mạnh trong phiên giao dịch ngày hôm nay khi "Đồng vốn chạy đến nơi nó được an toàn, và vàng đang không an toàn. Hiện tại đôla Mỹ là vua." Vàng giảm xuống mức thấp nhất 4 tháng. Đồng đôla đã tăng 1,6% trong tháng này so với rổ 6 loại tiền tệ.

 

Do số liệu tồn kho dầu của Mỹ tăng cao và Hy Lạp đang cố gắng thành lập chính phủ mới đã tạo ra những lo ngại về kinh tế thế giới điều này đã làm cho giá dầu liên tục giảm trong các ngày qua.

 

Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm phiên thứ 6 liên tiếp do nhà đầu tư lo sợ cuộc khủng hoảng nợ châu Âu sẽ bẻ gãy nền kinh tế khu vực này và kéo lùi đà tăng trưởng toàn cầu 

 

Trong nước:

 

Xăng giảm 500 đồng/lít, như được dự doán trước giá xăng chính thức giảm giám từ 10 giờ tối ngày hôm qua khi mà xăng dầu trên thế giới liên tục giảm trong các ngày vừa qua.

 

Trên thị trường tiền tệ, tăng trưởng tín dụng đang âm tới 1,71% cụ thể,theo thông tin từ Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, tính lũy kế từ đầu năm đến ngày 16/4/2012, tín dụng vẫn đang tăng trưởng âm tới 1,71%.

 

Đồng thời chủ trương của NHNN sẽ đẩy mạnh niêm yết cổ phiếu các ngân hàng TMCP trên thị trường chứng khoán, tăng tính đại chúng của ngân hàng TMCP nhằm mục đích nâng cao năng lực quản trị ngân hàng trong thời gian tới.

 

Hôm qua (9/5) một loạt các doanh nghiệp niêm yết trên sàn HOSE thông báo ngày đăng ký cuối cùng trả cổ tức năm 2011 như: MCPNHSDPRBMIBHSVRC... 

 

Ngoài ra cũng có các tin nổi bật khác như NTB đã chi 500 tỷ đồng để cứu Bianfishco và Chồng Phó Chủ tịch STB đăng ký bán 2 triệu cổ phiếu. Thông tin kết quả kinh doanh của PLC được quan tâm khi Quý I, lãi hợp nhất gần 50 tỷ đồng, tăng 25% cùng kỳ.

 Stox

 


Băn khoăn T+3

Ngày đăng : 09/05/2012 - 2:57 PM

 

Với hệ thống giao dịch vẫn chưa đồng bộ, liệu các công ty chứng khoán đã đáp ứng được về mặt công nghệ như VSD yêu cầu?

Cùng với độ nóng dần của thị trường chứng khoán gần đây, việc rút ngắn thời gian thanh toán từ T+4 xuống T+3 đang được nhiều người mong đợi. 

Thông tin về khả năng rút ngắn thời gian thanh toán từ T+4 xuống trước 9h sáng ngày T+3 trong quý II/2012 đã được đại diện của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) xác nhận. Tuy nhiên, nói thì dễ, nhưng việc triển khai liệu có thuận lợi? 

Hiện nay, để mua cổ phiếu niêm yết, nhà đầu tư phải có 100% tiền ký quỹ trong tài khoản. Nếu khớp lệnh, tiền sẽ được phong tỏa và “cắt” chuyển khỏi tài khoản của nhà đầu tư ngay trong ngày. Nhưng phải đến 4h chiều ngày thứ ba sau ngày mua (T+3), cổ phiếu mới về đến tài khoản và đến sáng ngày thứ tư (T+4), nhà đầu tư mới có thể bán số cổ phiếu đã mua. 

Điều đáng nói là quy trình thanh toán T+4 này vẫn được duy trì kể từ phiên giao dịch đầu tiên năm 2000. Thời gian đầu, có thể do điều kiện công nghệ, kỹ thuật hạn chế nên nhà đầu tư chấp nhận. Nhưng cho đến nay, sau hơn 10 năm hoạt động, cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, quy trình T+4 vẫn không có gì thay đổi. 

Với quy trình này, dù nhà đầu tư có muốn bán để cắt lỗ 5% (biên độ giao dịch ±5%/ngày đối với sàn TP.HCM) thì mức lỗ đã có thể lên tới 15-20%. Điều này đã gây nên rủi ro và tổn thất lớn cho nhà đầu tư, đồng thời là rào cản ngăn những đợt tạo sóng trên thị trường. Trong khi đó, ở nhiều nước trên thế giới, sau khi mua cổ phiếu, nhà đầu tư có thể bán ngay sau đó nếu muốn. 

Tiến sĩ Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ Phát triển Thị trường (thuộc SSC), cho biết SSC đã có văn bản trình Bộ Tài chính để có thể triển khai các giải pháp hoàn thiện hệ thống thanh toán bù trừ, lưu ký chứng khoán. Theo đó, sẽ rút ngắn chu kỳ thanh toán T+4 từ 4h chiều ngày T+3 lên trước 9h sáng ngày T+3 (nếu chu kỳ thanh toán được rút ngắn thì từ sau 9h sáng ngày T+3 trở đi, nhà đầu tư đã được bán chứng khoán trong tài khoản). Điều này đòi hỏi tất cả các công ty chứng khoán cam kết hoàn tất chuyển tiền cho Trung tâm Lưu ký Chứng khoán (VSD) trước 4h chiều ngày T+2 và ngân hàng lưu ký đảm bảo vận hành thông suốt. Được vậy, cơ quan quản lý sẽ chấp thuận việc rút ngắn xuống T+3. 

Việc thời gian giao dịch kéo dài sang cả buổi chiều như hiện nay chính là điều kiện thuận lợi cho các công ty chứng khoán tăng vòng quay tài sản, nhà đầu tư tăng lợi nhuận, giảm rủi ro, cải thiện tình hình giao dịch trên thị trường. Đặc biệt, ngoài việc có cơ hội thu thêm phí giao dịch, công ty chứng khoán còn có thể quản trị rủi ro tốt hơn, nhất là đối với các giao dịch ký quỹ. 

Hiện nay, SSC và VSD đang kiến nghị Bộ Tài chính sớm cho phép rút ngắn thời gian thanh toán tiền về tài khoản từ T+3 xuống T+2. Theo đó, các công ty chứng khoán thành viên sẽ chuyển tiền cho VSD trước 4h chiều ngày T+2. Tuy nhiên, một số người lo ngại việc rút ngắn thời gian thanh toán trước 4h chiều ngày T+2 sẽ khiến nhiều công ty chứng khoán khó đảm bảo được tiền mặt, nhất là trong bối cảnh không ít đơn vị đang có vấn đề về sức khỏe (khoảng 70% công ty chứng khoán thua lỗ trong năm 2011). 

Mối băn khoăn lớn nhất là với hệ thống giao dịch vẫn chưa đồng bộ, liệu các công ty chứng khoán đã đáp ứng được về mặt công nghệ như VSD yêu cầu. Hơn nữa, khi chuyện thiếu hụt chứng khoán hoặc thiếu tiền dẫn đến việc hủy giao dịch vẫn thường xảy ra như hiện nay thì việc áp dụng giải pháp rút ngắn thời gian thanh toán đối với các công ty chứng khoán thành viên liệu có khả thi? 

Những điều nói trên sẽ làm cho thị trường không minh bạch, thậm chí dẫn đến việc làm giá chứng khoán. Chẳng hạn, có những “đội lái” cố tình đặt lệnh mua hoặc bán chứng khoán với khối lượng rất lớn nhưng sau đó do họ thiếu tiền hoặc chứng khoán nên giao dịch bị hủy. Trong khi đó, kết quả giao dịch lại được đưa vào tính chỉ số của thị trường. Vì vậy, nếu cơ quan quản lý xử lý không khéo vấn đề này thì có thể tạo hiệu ứng ngược đến thị trường chứng khoán. 

Theo bà Phương Hoàng Lan Hương, Tổng Giám đốc VSD, chưa thể thực hiện T+2 lúc này, vì thiếu 2 yếu tố cơ bản. Thứ nhất là sức khỏe tài chính của các thành viên chưa ổn định. Trên thực tế, với quy trình thanh toán T+4, VSD đã nhiều lần phải hỗ trợ công ty chứng khoán để đảm bảo thanh khoản cho toàn hệ thống. Thứ hai là thiếu cơ chế quản lý rủi ro thanh toán khi thành viên thiếu tiền, thiếu chứng khoán. 

Tuy nhiên, bà cho biết khả năng T+3 là có thể thực hiện được với điều kiện các công ty chứng khoán phải hoàn tất việc thanh toán tiền mua trước 4h chiều ngày T+2. Dù vậy, điều này cũng không dễ thực hiện. Bởi lẽ, đã có một số công ty chứng khoán bị VSD cảnh báo do thiếu khả năng thanh toán, thậm chí bị xử phạt vi phạm hành chính. Vì thế, để vận hành hệ thống thanh toán mới, đòi hỏi sự thận trọng và các giải pháp rõ ràng để đảm bảo khả năng thanh toán thông suốt toàn hệ thống. 

Còn có một băn khoăn khác là liệu các ngân hàng lưu ký (đang quản lý tiền của nhà đầu tư nước ngoài) có ủng hộ và chuẩn bị cho T+3 hay không, khi từng có khách hàng nước ngoài lo ngại về vấn đề chênh lệch múi giờ, nên sẽ khó thanh toán sớm hơn 1 ngày so với hiện tại. Chưa kể việc rút ngắn thời gian giao dịch sẽ ảnh hưởng đến lợi ích của ngân hàng lưu ký khi mất nguồn thu từ khoản cho vay qua đêm. 

Theo Nhịp cầu đầu tư

 


 

Tin mới cập nhật