Nhà đầu tư cần biết trước phiên giao dịch ngày 10/05

Ngày đăng : 10/05/2012 - 8:31 AM

 

STOX -- Từ 10 giờ tối 9-5, giá xăng A92 giảm 500 đồng/lít, dầu diesel giảm 300 đồng/lít. Như vậy, giá bán lẻ xăng A92 mới là 23.300 đồng/lít và giá bán lẻ dầu diesel mới là 21.600 đồng/lít. Các mặt hàng xăng dầu khác vẫn giữ nguyên giá cũ. 

 

 

Thế giới:

 

Vàng tiếp tục giảm mạnh trong phiên giao dịch ngày hôm nay khi "Đồng vốn chạy đến nơi nó được an toàn, và vàng đang không an toàn. Hiện tại đôla Mỹ là vua." Vàng giảm xuống mức thấp nhất 4 tháng. Đồng đôla đã tăng 1,6% trong tháng này so với rổ 6 loại tiền tệ.

 

Do số liệu tồn kho dầu của Mỹ tăng cao và Hy Lạp đang cố gắng thành lập chính phủ mới đã tạo ra những lo ngại về kinh tế thế giới điều này đã làm cho giá dầu liên tục giảm trong các ngày qua.

 

Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm phiên thứ 6 liên tiếp do nhà đầu tư lo sợ cuộc khủng hoảng nợ châu Âu sẽ bẻ gãy nền kinh tế khu vực này và kéo lùi đà tăng trưởng toàn cầu 

 

Trong nước:

 

Xăng giảm 500 đồng/lít, như được dự doán trước giá xăng chính thức giảm giám từ 10 giờ tối ngày hôm qua khi mà xăng dầu trên thế giới liên tục giảm trong các ngày vừa qua.

 

Trên thị trường tiền tệ, tăng trưởng tín dụng đang âm tới 1,71% cụ thể,theo thông tin từ Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, tính lũy kế từ đầu năm đến ngày 16/4/2012, tín dụng vẫn đang tăng trưởng âm tới 1,71%.

 

Đồng thời chủ trương của NHNN sẽ đẩy mạnh niêm yết cổ phiếu các ngân hàng TMCP trên thị trường chứng khoán, tăng tính đại chúng của ngân hàng TMCP nhằm mục đích nâng cao năng lực quản trị ngân hàng trong thời gian tới.

 

Hôm qua (9/5) một loạt các doanh nghiệp niêm yết trên sàn HOSE thông báo ngày đăng ký cuối cùng trả cổ tức năm 2011 như: MCPNHSDPRBMIBHSVRC... 

 

Ngoài ra cũng có các tin nổi bật khác như NTB đã chi 500 tỷ đồng để cứu Bianfishco và Chồng Phó Chủ tịch STB đăng ký bán 2 triệu cổ phiếu. Thông tin kết quả kinh doanh của PLC được quan tâm khi Quý I, lãi hợp nhất gần 50 tỷ đồng, tăng 25% cùng kỳ.

 Stox

 

Họ tên :

Email :

Nội dung :

Tin cùng chủ đề

Băn khoăn T+3

Ngày đăng : 09/05/2012 - 2:57 PM

 

Với hệ thống giao dịch vẫn chưa đồng bộ, liệu các công ty chứng khoán đã đáp ứng được về mặt công nghệ như VSD yêu cầu?

Cùng với độ nóng dần của thị trường chứng khoán gần đây, việc rút ngắn thời gian thanh toán từ T+4 xuống T+3 đang được nhiều người mong đợi. 

Thông tin về khả năng rút ngắn thời gian thanh toán từ T+4 xuống trước 9h sáng ngày T+3 trong quý II/2012 đã được đại diện của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) xác nhận. Tuy nhiên, nói thì dễ, nhưng việc triển khai liệu có thuận lợi? 

Hiện nay, để mua cổ phiếu niêm yết, nhà đầu tư phải có 100% tiền ký quỹ trong tài khoản. Nếu khớp lệnh, tiền sẽ được phong tỏa và “cắt” chuyển khỏi tài khoản của nhà đầu tư ngay trong ngày. Nhưng phải đến 4h chiều ngày thứ ba sau ngày mua (T+3), cổ phiếu mới về đến tài khoản và đến sáng ngày thứ tư (T+4), nhà đầu tư mới có thể bán số cổ phiếu đã mua. 

Điều đáng nói là quy trình thanh toán T+4 này vẫn được duy trì kể từ phiên giao dịch đầu tiên năm 2000. Thời gian đầu, có thể do điều kiện công nghệ, kỹ thuật hạn chế nên nhà đầu tư chấp nhận. Nhưng cho đến nay, sau hơn 10 năm hoạt động, cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, quy trình T+4 vẫn không có gì thay đổi. 

Với quy trình này, dù nhà đầu tư có muốn bán để cắt lỗ 5% (biên độ giao dịch ±5%/ngày đối với sàn TP.HCM) thì mức lỗ đã có thể lên tới 15-20%. Điều này đã gây nên rủi ro và tổn thất lớn cho nhà đầu tư, đồng thời là rào cản ngăn những đợt tạo sóng trên thị trường. Trong khi đó, ở nhiều nước trên thế giới, sau khi mua cổ phiếu, nhà đầu tư có thể bán ngay sau đó nếu muốn. 

Tiến sĩ Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ Phát triển Thị trường (thuộc SSC), cho biết SSC đã có văn bản trình Bộ Tài chính để có thể triển khai các giải pháp hoàn thiện hệ thống thanh toán bù trừ, lưu ký chứng khoán. Theo đó, sẽ rút ngắn chu kỳ thanh toán T+4 từ 4h chiều ngày T+3 lên trước 9h sáng ngày T+3 (nếu chu kỳ thanh toán được rút ngắn thì từ sau 9h sáng ngày T+3 trở đi, nhà đầu tư đã được bán chứng khoán trong tài khoản). Điều này đòi hỏi tất cả các công ty chứng khoán cam kết hoàn tất chuyển tiền cho Trung tâm Lưu ký Chứng khoán (VSD) trước 4h chiều ngày T+2 và ngân hàng lưu ký đảm bảo vận hành thông suốt. Được vậy, cơ quan quản lý sẽ chấp thuận việc rút ngắn xuống T+3. 

Việc thời gian giao dịch kéo dài sang cả buổi chiều như hiện nay chính là điều kiện thuận lợi cho các công ty chứng khoán tăng vòng quay tài sản, nhà đầu tư tăng lợi nhuận, giảm rủi ro, cải thiện tình hình giao dịch trên thị trường. Đặc biệt, ngoài việc có cơ hội thu thêm phí giao dịch, công ty chứng khoán còn có thể quản trị rủi ro tốt hơn, nhất là đối với các giao dịch ký quỹ. 

Hiện nay, SSC và VSD đang kiến nghị Bộ Tài chính sớm cho phép rút ngắn thời gian thanh toán tiền về tài khoản từ T+3 xuống T+2. Theo đó, các công ty chứng khoán thành viên sẽ chuyển tiền cho VSD trước 4h chiều ngày T+2. Tuy nhiên, một số người lo ngại việc rút ngắn thời gian thanh toán trước 4h chiều ngày T+2 sẽ khiến nhiều công ty chứng khoán khó đảm bảo được tiền mặt, nhất là trong bối cảnh không ít đơn vị đang có vấn đề về sức khỏe (khoảng 70% công ty chứng khoán thua lỗ trong năm 2011). 

Mối băn khoăn lớn nhất là với hệ thống giao dịch vẫn chưa đồng bộ, liệu các công ty chứng khoán đã đáp ứng được về mặt công nghệ như VSD yêu cầu. Hơn nữa, khi chuyện thiếu hụt chứng khoán hoặc thiếu tiền dẫn đến việc hủy giao dịch vẫn thường xảy ra như hiện nay thì việc áp dụng giải pháp rút ngắn thời gian thanh toán đối với các công ty chứng khoán thành viên liệu có khả thi? 

Những điều nói trên sẽ làm cho thị trường không minh bạch, thậm chí dẫn đến việc làm giá chứng khoán. Chẳng hạn, có những “đội lái” cố tình đặt lệnh mua hoặc bán chứng khoán với khối lượng rất lớn nhưng sau đó do họ thiếu tiền hoặc chứng khoán nên giao dịch bị hủy. Trong khi đó, kết quả giao dịch lại được đưa vào tính chỉ số của thị trường. Vì vậy, nếu cơ quan quản lý xử lý không khéo vấn đề này thì có thể tạo hiệu ứng ngược đến thị trường chứng khoán. 

Theo bà Phương Hoàng Lan Hương, Tổng Giám đốc VSD, chưa thể thực hiện T+2 lúc này, vì thiếu 2 yếu tố cơ bản. Thứ nhất là sức khỏe tài chính của các thành viên chưa ổn định. Trên thực tế, với quy trình thanh toán T+4, VSD đã nhiều lần phải hỗ trợ công ty chứng khoán để đảm bảo thanh khoản cho toàn hệ thống. Thứ hai là thiếu cơ chế quản lý rủi ro thanh toán khi thành viên thiếu tiền, thiếu chứng khoán. 

Tuy nhiên, bà cho biết khả năng T+3 là có thể thực hiện được với điều kiện các công ty chứng khoán phải hoàn tất việc thanh toán tiền mua trước 4h chiều ngày T+2. Dù vậy, điều này cũng không dễ thực hiện. Bởi lẽ, đã có một số công ty chứng khoán bị VSD cảnh báo do thiếu khả năng thanh toán, thậm chí bị xử phạt vi phạm hành chính. Vì thế, để vận hành hệ thống thanh toán mới, đòi hỏi sự thận trọng và các giải pháp rõ ràng để đảm bảo khả năng thanh toán thông suốt toàn hệ thống. 

Còn có một băn khoăn khác là liệu các ngân hàng lưu ký (đang quản lý tiền của nhà đầu tư nước ngoài) có ủng hộ và chuẩn bị cho T+3 hay không, khi từng có khách hàng nước ngoài lo ngại về vấn đề chênh lệch múi giờ, nên sẽ khó thanh toán sớm hơn 1 ngày so với hiện tại. Chưa kể việc rút ngắn thời gian giao dịch sẽ ảnh hưởng đến lợi ích của ngân hàng lưu ký khi mất nguồn thu từ khoản cho vay qua đêm. 

Theo Nhịp cầu đầu tư

 


Nhà đầu tư cần biết trước phiên giao dịch ngày 09/05

Ngày đăng : 09/05/2012 - 9:27 AM

 

Những lo ngại toàn cầu về khủng hoảng chính trị dâng cao tại Hy Lạp, Stephen J. Carl, người đứng đầu bộ phận môi giới chứng khoán tại The Williams Capital Group đã có nhận định. “Tôi nghĩ làn sóng bán ra sẽ tăng tốc so với hiện nay.” 

 

Thế giới:

 

Những điều quan ngại trên đã đẩy chỉ số Standard & Poor’s 500 xuống mức thấp của hai tháng khi các nhà đầu tư thờ ơ với sự đi lên của tâm lý của các kinh doanh nhỏ tại Mỹ.

 

Trên thị trường chứng khoán thế giới, hầu hết các chỉ số đều giảm mạnh khi đồng Euro suy sụp vì Hy Lạp.

 

Bên cạnh đó một quốc gia đang đối mặt với cuộc khủng hoảng nợ công tiếp tục tiến hành cải tổ hệ thống ngân hàng bằng chương trình giải cứu Bankia SA với giá trị lên tới 10 tỷ EUR. Tuy điều này sẽ tạo ra tín hiệu tích cực trong hệ thống ngân hàng nước này những đồng thời làm gia tăng tăng mức nợ công/GDP.

 

Tiếp đà giảm của vàng trong phiên giao dịch ngày hôm trước, phiên giao dịch hôm nay giá vàng giảm mạnh trong vòng 1 tháng xuống dưới 1.600 USD/ounce.

 

Trước sự sụt giảm mạnh của giá vàng, tài sản của quỹ đầu tư tín thác bằng vàng số 1 thế giới SPDR Gold Trust sụt gần 1,7 tỷ USD sau 1 đêm.

 

Đi ngược lại với những kênh đầu tư tài chính không ổn định nhà đầu tư quay trở lại với kênh đầu tư hàng hóa nông nghiệp khiến giá đường, cà phê, cacao đều tăng.

 

Hiện nay, giá dầu, giá gas trên thế giới đều giảm. Về chủ đề này Stox đã có một loạt bài phân tích về xu thế giảm của giá gas và giá dầu.

 

Trong nước:

 

Một thông tin được giới đầu tư hết sức quan tâm trong ngày hôm qua là thời gian thực hiện giao dịch T+3, cụ thể theo thông tin chính thức từ Ủy ban Chứng khoán Nhà Nước thì chu kỳ thanh toán sẽ được rút ngắn 9h00 ngày T+3 thay vì 15h30 như hiện nay, phương án này được bắt đầu thực hiện từ 4/9.

 

Trong ngày hôm qua một số thông tin về doanh nghiệp quan trọng đã được đưa ra, cụ thể THV: Quý I, Công ty mẹ lỗ gần 53 tỷ đồng, PVC: Quý I lãi 17 tỷ đồng, chỉ bằng 1/2 cùng kỳ.

 

Trong khi đó, ở trong nước, mấy ngày gần đây câu chuyện về vinalines đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Lợi nhuận của Vinalines: Những con số "nhảy múa"; Vinalines: Lỗ và lãng phí trên 2.000 tỷ đồng; Vinalines đã làm đắm bao nhiêu tiền.

 

Chung nhịp đập với giá vàng thế giới, vàng trong nước đã giảm xuống còn 41 triệu đồng/lượng. Như vậy, chỉ còn cao hơn giá vàng thế giới 700.000 đồng/lượng, điều này được rất nhiều nhà đầu tư trong nước quan tâm vì tập quán giữ tài sản bằng vàng.

 

Tiếp đà giảm của CPI, giá thực phẩm tiếp tục giảm nhưng nguyên nhân không bắt nguồn từ chính sách mà bắt nguồn từ thời tiết. Tại cuộc họp giao ban về tình hình các loại dịch bệnh trên gia súc, gia cầm do Bộ NN-PTNT tổ chức chiều 8-5 tại Hà Nội, Cục Chăn nuôi cho biết hiện nay giá nhiều loại thực phẩm và nông sản đang giảm do xảy ra nắng nóng và dịch bệnh.

 

Một điều ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống của người dân Hà nội được thông tin trong sáng nay, chi tiết lãnh đạo Công ty nước sạch Hà Nội cho biết, hiện đang đề nghị UBND TP chỉ đạo sớm có phương án điều chỉnh giá nước, theo đó giá nước sẽ tăng 30-35%. 

 

 Stox


Chứng khoán hứng khởi với tin cứu doanh nghiệp

Ngày đăng : 08/05/2012 - 12:00 PM

 Chứng khoán hứng khởi với tin cứu doanh nghiệp

http://cafef.vcmedia.vn/thumb_w/252/Images/Uploaded/Share/2012/05/08/6744133093063072nguoiduatinchungkhoan.jpg

Tuy không phải là một gói kích cầu như năm 2009 nhưng nhiều chuyên gia cho rằng gói giải pháp 29.000 tỷ đồng vừa công bố sẽ có tác động tích cực trong trung hạn với thị trường chứng khoán.

Từ đầu năm đến nay, chỉ số Vn-Index đã tăng khoảng 100 điểm, từ mốc 390 điểm lên trên 490 điểm. Trong khi đó, các chỉ báo khác như HNX-Index hay VN30 cũng tăng 20 – 30%.

Cùng với các chỉ số, giao dịch chứng khoán trên các sàn cũng ổn định ở mức cao (tổng giá trị giao dịch có phiên đạt trên 2.600 tỷ đồng). Thống kê trên 2 sàn cho thấy trong số hơn 700 mã niêm yết tại 2 Sở Hà Nội và TP HCM, có 597 cổ phiếu tăng giá trong 4 tháng đầu năm, trong đó mã tăng mạnh nhất lên tới 173% thị giá.

Ông Nguyễn Quang Bảo, Phó tổng giám đốc Công ty chứng khoán Bản Việt cho rằng, nhiều cổ phiếu tăng giá mạnh có nguyên nhân từ thông tin đồn đoán Ngân hàng Nhà nước sẽ áp trần lãi suất cho vay. Cũng vì thế, tác động của việc áp trần lãi suất vay là 15% một năm với một số lĩnh vực đã phản ánh vào giá cổ phiếu từ trước đó chứ không đợi đến khi công bố giá mới tăng.

Tuy nhiên, khi gói giải pháp cứu doanh nghiệp trị giá 29.000 tỷ đồng được công bố cuối tuần trước, thị trường bắt đầu phản ứng mạnh và tăng theo hướng bền vững hơn. Nhà đầu tư hào hứng mua vào vì họ kỳ vọng thị trường sẽ hồi phục như năm 2009 khi Chính phủ tung ra gói kích cầu. “Theo tôi dự đoán thị trường chứng khoán sẽ có triển vọng tốt trong trung hạn”, ông Bảo nhận định

Lãnh đạo một công ty chứng khoán lớn tại Hà Nội lưu ý, trong những ngày gần đây, giá nhiều cổ phiếu đồng loạt tăng trần chủ yếu do ảnh hưởng tin tốt vĩ mô chứ không do các ngành đó có tín hiệu tốt trực tiếp. “Bất động sản và chứng khoán đâu nằm trong danh sách được ưu đãi lãi suất hoặc ưu đãi về thuế nhưng giá cổ phiếu vẫn tăng trần ầm ầm vì nhiều mã nằm trong danh mục của ‘đội lái’. Khi có tin tốt, nhiều nhà đầu tư tin rằng giá sẽ lên nên ào vào mua”, ông này nói.

Còn Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, giá tăng do một thời gian dài cổ phiếu giảm liên tục, xuống dưới giá trị sổ sách. Bên cạnh đó, vốn gián tiếp nước ngoài vào thị trường tăng mạnh nên chứng khoán cũng đi lên. Tuy nhiên, ông Doanh cho rằng, chỉ khi kinh tế phục hồi thì giá cổ phiếu mới tăng bền vững.

Trong khi đó, Tổng giám đốc Công ty chứng khoán Bảo Việt – ông Nhữ Đình Hòa nhận xét, việc tung ra gói giải pháp 29.000 tỷ đồng là một tín hiệu tích cực đối với thị trường. Khi doanh nghiệp được cứu, hoạt động kinh doanh khởi sắc thì giá cổ phiếu đương nhiên sẽ được hỗ trợ. “Làn sóng tăng giá cổ phiếu vài ngày gần đây có nguyên nhân quan trọng từ tin tốt lành này”, ông Hòa nói.

Phó tổng giám đốc phụ trách phân tích một công ty chứng khoán lớn tại Hà Nội chia sẻ, nhà đầu tư nhiều khi không cần đọc gói kích thích đó có tác động vào lĩnh vực nào, mà cứ nghe tin tốt là mua bừa. Đây là lý do khiến nhiều cổ phiếu không thuộc nhóm ngành được Chính phủ ưu tiên cứu vẫn tăng trần nhiều phiên. “Cần cẩn thận với nhóm cổ phiếu chứng khoán, bất động sản. Không phải kích thích là giá cổ phiếu chứng khoán bất động sản bay lên trời”, ông này nhận định

Theo dõi của một số công ty chứng khoán cho thấy, dòng tiền những ngày gần đây có dấu hiệu chảy mạnh vào các cổ phiếu dẫn dắt, đặc biệt là “họ” dầu khí. Trong quý một, các doanh nghiệp này phần lớn có kết quả kinh doanh tốt hơn mặt bằng chung, đồng thời chưa tăng giá mạnh trong thời gian trước đó.

Nhận định về làn sóng tăng giá của các cổ phiếu chứng khoán, bất động sản, ông Phạm Đức Thắng - Tổng giám đốc Công ty chứng khoán FLC cho rằng, đó là những mã chứng khoán giảm mạnh nhất khi thị trường đi xuống. Do vậy, theo nguyên tắc cung cầu, khi thị trường phục hồi, những cổ phiếu này sẽ có sức bật mạnh hơn. Sự tăng giá mạnh mẽ của nhóm chứng khoán này cũng không liên quan nhiều đến tình hình kinh doanh hiện tại.

Tuy nhiên, ông Thắng cũng lưu ý, khi đầu tư vào nhóm cổ phiếu chứng khoán, bất động sản tăng giá mạnh cần xem xét kỹ tình hình của từng công ty. "Với thị trường có nhiều nhà đầu tư tổ chức, việc định giá sẽ tốt hơn và mức tăng khi thị trường có xu hướng tốt cũng không quá mạnh. Còn với thị trường mà hầu hết là nhà đầu tư cá nhân thì mức tăng sẽ lớn hơn nhiều nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro tương ứng", Tổng giám đốc Chứng khoán FLC khuyến cáo.

Theo Nhật Minh
VNExpress

 


Nhà đầu tư cần biết trước phiên giao dịch ngày 08/05

Ngày đăng : 08/05/2012 - 9:35 AM

 

Trong tháng 4 vừa qua, NHNN đã bơm ra thị trường mở (OMO) ở nghiệp vụ cho vay thế chấp là 9.055 tỷ đồng (kỳ hạn 7 ngày với lãi suất 12% - 13%/năm) và hút về 10.962 tỷ đồng. 

 

 

Thế giới:

 

Gạt bỏ những lo lắng sau kết quả bầu cử tại châu Âu sang một bên. Cổ phiếu tài chính của Mỹ, vốn nhạy cảm với những biến động gây ảnh hưởng đến ổn định tài khóa của eurozone, đã không chỉ tăng mạnh nhất mà khối lượng giao dịch cũng lớn nhất. Kết thúc phiên S&P500 phục hồi, bất chấp khả năng giải quyết khủng hoảng nợ công châu Âu vẫn không chắc chắn.

 

Đi ngược lại với thị trường chứng khoán, giá vàng thế giới đã giảm giá trong phiên giao dịch đầu tuần sau khi kết quả bầu cử ở Pháp và Hy Lạp được công bố, trong khi giá dầu thô có lúc xuống 95,35 USD/thùng.

 

Trước tình hình biến động của giá vàng trong thời gian vừa qua, một chuyên gia trong nước là TS Alam Phạm đã có những phân tích về xu hướng và những yếu tố ảnh hưởng tới giá vàng trong thời gian tới. Theo TS Alam Phạm vàng là một trận đấu giữa lực mua và lực bán.

 

Trong nước:

 

Sau phiên giao dịch ngày hôm qua thị trường có phiên tăng điểm hưng phấn trên cả hai sàn khi VN-Index bứt phá thành công qua đỉnh ngắn hạn tại xấp xỉ 480 điểm hầu hết cách công ty chứng khoán đã có những nhận định tích cực trong phiên giao dịch ngày hôm nay. So sánh với các chỉ số chứng khoán thế giới VN-Index làm á quân thế giới trong 4 tháng đầu năm

 

Thông tin về tài chính ngân hàng cho hay trong tháng 4 vừa qua, NHNN đã bơm ra thị trường mở (OMO) ở nghiệp vụ cho vay thế chấp là 9.055 tỷ đồng (kỳ hạn 7 ngày với lãi suất 12% - 13%/năm) và hút về 10.962 tỷ đồng. Điều đó cho thấy "Ngân hàng đang thừa quá nhiều tiền".

 

Hôm nay (8-5), các ngân hàng (NH) thương mại sẽ bắt đầu áp dụng lãi suất cho vay ngắn hạn bằng lãi suất tiền gửi VNĐ có kỳ hạn từ 1 tháng trở lên cộng với 3%/năm đối với 4 lĩnh vực ưu tiên. Vậy tình trạng tín dụng tại các ngần hàng sẽ diễn ra như thế nào đã được phân tích qua bài viết "Ứng phó với trần lãi vay".

 

Bên cạnh đó có một số thông tin về doanh nghiệp quan trong ra sáng nay, cụ thể SHI lợi nhuận Quý I giảm khá sâu,SHN: Kiểm toán chưa xác nhận khả năng tiếp tục hoạt động, nổi bật lên với kết quả kinh doanh của PPC lợi nhuận trong quý đạt 132,72 tỷ đồng

 Stox

 


Nút thắt bất ngờ trước quyết định triển khai T+3

Ngày đăng : 07/05/2012 - 9:09 AM

 

Tưởng như tất cả các CTCK và nhà đầu tư Việt Nam đều đồng thuận với ý tưởng T+3 là làm được, nhưng một nút thắt bất ngờ xuất hiện. 

 

 

Nút thắt này đến từ khối nhà đầu tư nước ngoài khi khối ngoại tỏ ra khó chấp nhận phương án này. Đại diện cho các nhà đầu tư ngoại - các ngân hàng lưu ký toàn cầu đang hiện diện tại Việt Nam như HSBC, Citibank, Deutsche bank, Standard Chartered bank đồng loạt phản ánh mối quan ngại của nhà đầu tư ngoại nếu Việt Nam dự kiến triển khai ý tưởng T+3 do Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD) nêu ra mới đây.

 

VSD đưa ra ý tưởng T+3 tức là cho phép nhà đầu tư được bán chứng khoán ngày T+3 với điều kiện các thành viên phải hoàn tất việc chuyển tiền thanh toán giao dịch chứng khoán trước 4h chiều ngày T+2. Với quy trình thanh toán hiện nay, các thành viên được chuyển tiền vào sáng T+3, chiều T+3 chứng khoán mới về tài khoản và phải đến ngày T+4, chứng khoán mua ngày T mới đủ điều kiện để bán.

 

Nhà đầu tư ngoại khó chấp nhận chuyển tiền T+2, nhận chứng khoán T+3

 

Khác với giao dịch từ xa hay giao dịch trực tuyến, hoạt động thanh toán chứng khoán có một đặc thù là để triển khai được T+3, điều kiện tiên quyết là phải có sự đồng thuận của tất cả các thành viên lưu ký (102 CTCK và các ngân hàng lưu ký).

 

Chính đặc thù này khiến cơ quan quản lý, cụ thể là Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Trung tâm Lưu ký chứng khoán đang phải nỗ lực tìm sự đồng thuận của nhà đầu tư ngoại thông qua các đại diện là khối ngân hàng lưu ký nước ngoài, khi mà khối nhà đầu tư ngoại đưa ra nhiều lý lẽ khác nhau.

 

Ngân hàng Deutsche bank cho biết, khó khăn lớn nhất của họ là làm cách nào để thuyết phục được khách hàng (nhà đầu tư ngoại) chấp thuận phương án chuyển tiền thanh toán giao dịch chứng khoán vào T+2 và nhận chứng khoán về tài khoản vào T+3.

 

Theo Deutsche bank, hoạt động thanh toán giao dịch chứng khoán của Việt Nam thực hiện theo nguyên tắc tiền và chứng khoán chuyển giao đồng thời, nên nếu cơ quan quản lý TTCK thay đổi quy trình thanh toán, trong đó ngày chuyển tiền và nhận chứng khoán khác nhau là rất khó được nhà đầu tư ngoại chấp nhận.

 

Ngân hàng HSBC cho biết, với nhà đầu tư nước ngoài, thì rủi ro chuyển tiền trong ngày và rủi ro chuyển tiền qua ngày là 2 việc hoàn toàn khác nhau. Ở đây xin nói thêm là với chu kỳ thanh toán hiện tại, dù thực hiện phong tỏa khoản tiền mua chứng khoán trên tài khoản nhà đầu tư ngay khi đặt lệnh mua, nhưng trước 11h T+3, các ngân hàng lưu ký chứng khoán mới ghi nợ vào tài khoản tiền của nhà đầu tư và đến chiều cùng ngày (T+3), sẽ ghi có vào tài khoản chứng khoán.

 

HSBC cho rằng, nếu thực hiện thanh toán tiền trước 4h chiều T+2, nhưng chứng khoán phải đến sáng T+3 mới nhận được thì nhà đầu tư nước ngoài sẽ đặt ít nhất 3 câu hỏi.

 

Thứ nhất, nguyên tắc tiền và chứng khoán chuyển giao đồng thời tại Việt Nam ở đâu?

 

Thứ hai, việc chuyển tiền thanh toán qua đêm sang ngân hàng chỉ định thanh toán BIDV lấy gì đảm bảo sự an toàn khi BIDV đã là ngân hàng cổ phần, chứ không phải là ngân hàng trung ương như các thị trường tiên tiến khác?

 

Thứ ba, chuyển tiền trước 1 ngày, xử lý quyền lợi của nhà đầu tư (lãi suất qua đêm) sẽ như thế nào?... HSBC còn quan ngại rằng, gần 2 tháng nay, sự quan tâm của nhà đầu tư ngoại đến TTCK Việt Nam đang ấm trở lại, nhưng việc triển khai T+3 với các đặc thù thanh toán như dự kiến, thì nếu không có lời giải thích phù hợp cho khối ngoại, có thể sẽ dẫn đến khả năng chuyển dịch của dòng vốn ngoại khỏi Việt Nam.

 

Phía Citibank bank cũng đưa ra những lo ngại về phương án T+3. Theo ngân hàng này, dù triển khai T+3 là cho phép nhà đầu tư được bán chứng khoán sớm 1 ngày, nhưng nhà đầu tư nước ngoài sẽ không hài lòng khi họ bị ghi nợ vào tài khoản tiền sớm hơn ghi có vào tài khoản chứng khoán 1 ngày. Với nhà đầu tư ngoại, nguyên tắc quản trị rủi ro là quan trọng nhất và họ sẽ khó chấp nhận đặc thù thanh toán tiền và chứng khoán khác ngày nhau tại Việt Nam.

 

Để tìm sự đồng thuận của nhà đầu tư ngoại, các ngân hàng lưu ký đưa ra 2 sáng kiến cho vấn đề T+3. Sáng kiến thứ nhất là thay vì yêu cầu chuyển tiền thanh toán chứng khoán trước 4h chiều T+2 thì VSD nên cho phép các thành viên chuyển tiền trước 9h sáng T+3 và ngay trong buổi sáng T+3, VSD sẽ hoàn tất các thủ tục thanh toán bù trừ đa phương để đến đầu giờ chiều T+3 sẽ chuyển chứng khoán về tài khoản nhà đầu tư, cho phép họ được giao dịch vào phiên chiều. Sáng kiến thứ hai là thay vì phương án T+3, UBCK và VSD nên cải tổ đồng bộ hệ thống thanh toán trên thị trường để áp dụng T+2, thậm chí T+0 trong thời gian tới.

 

Tuy nhiên, ở khía cạnh nhà quản lý, những sáng kiến này đặt trong môi trường Việt Nam hiện nay là chưa thể thực hiện ngay được, vì nhiều lý do khác nhau.

 

Ngân hàng lưu ký cần tới 3 đến 9 tháng để chỉnh sửa hệ thống

 

Không chỉ nhà đầu tư ngoại chưa đồng thuận với phương án T+3, mà các ngân hàng lưu ký cũng tỏ ra không mặn mà với phương án này vì cho rằng, đây chỉ là phương án tạm thời, trong khi để họ có thể thực hiện được sẽ mất từ 3-9 tháng hoàn tất quy trình kỹ thuật.

 

Vì sao lại cần nhiều thời gian như vậy, trong khi bản chất của việc chuyển sang thanh toán T+3 chỉ là ngân hàng lưu ký thực hiện bút toán chuyển tiền thanh toán trước 1 ngày so với hiện nay?

 

Theo tìm hiểu của ĐTCK được biết, về mặt kỹ thuật, ngân hàng lưu ký chỉ cần cập nhật 2 trường: chứng khoán là T+3, tiền là T+2, nhưng để có sự thay đổi trong hệ thống, họ phải qua nhiều vòng xem xét, chấp thuận của các bộ phận như bộ phận pháp chế, bộ phận kinh doanh, bộ phận quản trị rủi ro…

 

“Nếu UBCK kiên quyết thực hiện T+3 và yêu cầu các thành viên lưu ký phải thay đổi thời gian chuyển tiền thanh toán sang T+2 thì chúng tôi cần ít nhất 4 tháng mới có thể đáp ứng được sự thay đổi này. Khoảng thời gian đó là để giải thích cho các bộ phận hiểu, xin phép các cấp quản lý, rồi mới đến xử lý kỹ thuật và áp dụng”, Deutsche bank cho biết.

 

Ngân hàng HSBC cho rằng, thời gian cần thiết để thay đổi trường T+2, T+3 trong thanh toán giao dịch chứng khoán không phải để lo thủ tục kỹ thuật hay hành chính, mà họ cần thời gian để xử lý quy trình quản trị rủi ro, không chỉ tại ngân hàng địa phương (Việt Nam), mà là HSBC trên toàn cầu.

 

Với những lý lẽ từ các ngân hàng lưu ký về phương án T+3, rõ ràng việc triển khai T+3 trong 1-2 tháng tới là không thể thực hiện được. Làm thế nào để thuyết phục được nhà đầu tư ngoại và các ngân hàng lưu ký nước ngoài đồng thuận, ủng hộ phương án T+3 và định lượng được một khoảng thời gian hợp lý để họ chỉnh sửa hệ thống? Đó là 2 vấn đề thách thức mà VSD và UBCK phải nỗ lực vượt qua trong quyết tâm triển khai T+3 trên TTCK Việt Nam. 

 

Tường Vi

 ĐTCK

 


 

Tin mới cập nhật