Sướng như ... kinh doanh xăng dầu

Ngày đăng : 05/12/2011 - 9:51 PM

Chi đậm thù lao cho đại lý vượt cả khung quy định; hoạt động kinh doanh có lãi nhưng luôn kêu than để đòi tăng giá.

     

                                 

 

Chính vì thế mà dư luận đang chờ tiếng nói minh bạch từ Bộ Tài chính khi mà cơ quan này đã tiến hành đợt kiểm tra tình hình kinh doanh tại các doanh nghiệp xăng dầu, nhưng đến nay vẫn đang... chờ kết quả.

Sướng... như kinh doanh xăng dầu

Theo công bố mới nhất của Bộ Tài chính thì trong nhiều năm qua, hoạt động của DN kinh doanh xăng dầu, trong đó “đại gia” Petrolimex luôn luôn có lãi. Trong đó năm 2008: Kinh doanh xăng dầu lãi 642 tỉ đồng; các hoạt động khác lãi 376 tỉ đồng; tổng hợp chung lãi 1.018 tỉ đồng. Năm 2009: Kinh doanh xăng dầu lãi 2.660 tỉ đồng; các hoạt động khác lãi 557 tỉ đồng; tổng hợp chung lãi 3.217 tỉ đồng. Năm 2010: Kinh doanh xăng dầu lỗ 172 tỉ đồng; các hoạt động khác lãi 486 tỉ đồng; tổng hợp chung lãi 81 tỉ đồng.

Nhìn vào đây cũng đủ thấy là sướng... như kinh doanh xăng dầu. Bởi lẽ nếu bóc tách thì trong 3 năm, riêng kinh doanh xăng dầu của Petrolimex có 2 năm lãi lớn (2008 + 2009) tới hơn 3.300 tỉ đồng. Nếu lấy số lãi lớn này trừ đi số lỗ trong năm 2010 là 172 tỉ đồng thì vẫn còn tới hơn 3.100 tỉ đồng.

Tuy nhiên cần lật lại để xem thị trường kinh doanh xăng dầu mà Petrolimex... vận hành lúc bấy giờ. Cú “châm ngòi” đáng nhớ của việc tăng giá xăng kỷ lục do Petrolimex thực hiện là vào ngày 21.7.2008. Vào thời điểm đó, giá mỗi lít xăng A92 là 19.000đ, tăng tới 4.500đ/lít (30%) so với mức cũ. Tất cả các loại nhiên liệu khác cũng đồng loạt lên giá trong đó diesel tăng 2.000đ/lít, dầu hỏa tăng 6.100đ/lít, madút tăng 3.500đ/lít. Cú tăng giá này khiến cho hầu hết các dịch vụ trong đó có vận tải phải tăng giá theo. CPI năm 2008 của VN là 22,97% còn Petrolimex lãi 642 tỉ đồng.

Sang năm tiếp theo tính đến tháng 10.2009 Petrolimex thực hiện tới 9 lần điều chỉnh, trong đó chỉ có 1 lần giảm giá còn lại có tới 8 lần tăng giá xăng dầu. Sau những lần tăng này, xăng A92 đã tăng từ 11.500đ lên thành 16.300đ/lít. Các mặt hàng diesel, dầu hỏa và madút cũng tăng cao hơn 4.000đ/lít. Và, Petrolimex lãi trong năm 2009 tới 2.660 tỉ đồng.

Có quá khó để minh bạch?

Thời điểm như năm 2008 - 2009, DN kinh doanh xăng dầu liên tục kêu ca để đòi tăng giá xăng dầu. Sự kêu ca này đã “thấu” các cơ quan quản lý và thực tế là các DN này đã liên tục tăng giá bán xăng dầu. Thế nhưng, điều trớ trêu là gánh nặng khó khăn vào thời điểm đó đổ lên cả nền kinh tế - xã hội; trong khi đến nay các DN này... đột nhiên lại lãi lớn. Vấn đề đặt ra là nếu ở những thời điểm đó, sự minh bạch được thực hiện kịp thời hơn thì liệu kinh tế - xã hội có phải chịu gánh nặng lớn như thế?

Sang đến năm 2011, dù chưa có kết quả kiểm tra chung; song trong 6 tháng đầu năm kinh doanh xăng dầu của Petrolimex lỗ 1.840 tỉ đồng. Theo phân tích của Bộ Tài chính thì nếu không có những nguyên nhân chủ quan như việc trả thù lao cho đại lý, tổng đại lý vượt chi phí kinh doanh định mức theo quy định và nguyên nhân khách quan là tỉ giá ngoại tệ tăng thì kinh doanh xăng dầu không lỗ lớn như vậy. Theo Bộ Tài chính thì trong 6 tháng đầu năm Petrolimex đã chi vượt so với chi phí kinh doanh định mức theo quy định tới hơn 516 tỉ đồng. Thậm chí có thời điểm Petrolimex chi thù lao cao hơn mức chi phí kinh doanh xăng dầu định mức (600đ/lít với xăng, diesel, dầu hỏa; 400đ/kg với madút). Câu hỏi đặt ra là tại sao Petrolimex lại bất chấp các quy định hiện hành để trả thù lao lớn cho đại lý, trong khi bản thân kinh doanh bị lỗ? Phải chăng Petrolimex đã chủ động “nuôi” đại lý và “tạo lỗ” tới 616 tỉ đồng?

Được biết ngày 16.11, Bộ Tài chính từng cho hay báo cáo đang được hoàn thiện và “tuần sau sẽ công bố kết quả”. Đến nay kết quả này vẫn chưa được công bố. Một lần nữa, dư luận chờ đợi sự minh bạch kịp thời.

 

Theo Thế Hải - Đức Long

Lao động


 

Họ tên :

Email :

Nội dung :

Tin cùng chủ đề

Doanh nghiệp chế biến thủy sản đói nguyên liệu

Ngày đăng : 05/12/2011 - 11:21 AM

Hàng trăm nhà máy chế biến thủy hải sản ở miền Trung đã buộc phải đóng cửa vì thiếu nguyên liệu. Nhiều tháng nay các nhà máy chỉ đủ nguyên liệu hoạt động 50% công suất.
 

 

 

Trước tình trạng khan hiếm nguyên liệu, đa số doanh nghiệp (DN) thủy sản chọn giải pháp nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài để đáp ứng hợp đồng với bạn hàng và ổn định sản xuất. Tuy nhiên, việc nhập khẩu cũng không dễ dàng vì thủ tục rất phức tạp.

DN Trung Quốc vét sạch hàng

Bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết hàng trăm nhà máy chế biến thủy hải sản dọc theo bờ biển miền Trung đã buộc phải đóng cửa vì tình trạng thiếu nguyên liệu.

Thậm chí một số DN đã phải nhập khẩu nguyên liệu để duy trì sản xuất trong hai năm qua. Nhiều tháng nay, các nhà máy chỉ đủ nguyên liệu hoạt động khoảng 50% công suất. Có khi nhà máy buộc phải đàm phán với khách hàng để giãn thời gian giao hàng hoặc giảm sản lượng. Các thương nhân Trung Quốc là những đối thủ cạnh tranh chính, những người đã mua hầu hết nguyên liệu thô của Việt Nam.

Ông Dương Đức Phước, phụ trách nguyên liệu của Công ty CP Thực phẩm Nông sản Xuất khẩu Sài Gòn (Agrex SaiGon), cho biết nguồn nguyên liệu tôm để xuất khẩu của DN thiếu trầm trọng. Nguồn nguyên liệu từ nuôi trồng hầu như không có do đã vào cuối vụ thu hoạch tôm.

Còn nguồn nguyên liệu từ khai thác, đánh bắt lại chịu sự tranh mua rất lớn từ phía các DN Trung Quốc. DN Trung Quốc sẵn sàng trả giá cao cho ngư dân khi tàu vừa cập bến, vơ vét sạch bất kể chất lượng, kích cỡ.

Ông Phước cho biết một nguyên nhân nữa là hiện nay giá tôm nguyên liệu của Việt Nam đang cao hơn các nước trong khu vực 12.000-14.000 đồng/kg. Tuy giá cao nhưng muốn mua cũng rất khó. Sản lượng tôm nuôi bị sụt giảm vì dịch bệnh, thời tiết… không chỉ đẩy giá tôm nguyên liệu tăng cao mà còn ảnh hưởng lớn đến kế hoạch chế biến xuất khẩu của các nhà máy. Hiện giá tôm nguyên liệu ở đồng bằng sông Cửu Long đang ở mức cao kỷ lục.

Chung cảnh ngộ, ông Nguyễn Ngọc Đức, Giám đốc Công ty Chế biến Thủy sản Đệ Khang Phú Thành, cho biết DN đang chật vật tìm kiếm nguồn nguyên liệu thủy sản từ khai thác nhưng rất khó khăn để mua được hàng.

DN Trung Quốc đã dùng chiêu tranh mua hàng ở các lò hấp, chỉ cần độ ẩm của cá 29%-30% là được, trong khi yêu cầu chất lượng cá DN mua phải đạt độ ẩm 25%. Các lò hấp ham cá được giá, lại rút ngắn thời gian hấp, chi phí thấp... nên họ bán nhanh nguyên liệu cho DN Trung Quốc.

Nhập khẩu: Thủ tục hoàn thuế nặng nề

Ông Dương Đức Phước, Công ty Agrex SaiGon, cho biết hai tháng cuối năm DN chỉ dám nhập khoảng 50 tấn nguyên liệu mực nang, mực ống từ Mỹ. Các thủ tục thuế khi nhập khẩu nguyên liệu rất phức tạp và tốn nhiều thời gian, DN phải vay tiền tạm đóng thuế, xuất khẩu xong mới được làm hoàn thuế.

Ông Nguyễn Văn Hòa, Tổng Giám đốc Công ty Saigon Food, cho biết DN hiện nay chủ yếu là nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài về chế biến xuất khẩu. Giá nguyên liệu tương đương giá trong nước, chất lượng, kích cỡ đảm bảo.

Thế nhưng với quy định hoàn thuế trước 275 ngày, các DN không dám nhập khẩu nhiều nguyên liệu thủy sản vì sợ nợ đọng thuế khi chưa xuất được hàng trước 275 ngày. DN đang nóng lòng đợi sự hỗ trợ giảm thuế nhập khẩu, kéo dài thời gian hoàn thuế từ cơ quan quản lý để nhập khẩu giải quyết khó khăn kịp thời cho DN.

Theo một DN tại miền Trung, một DN cỡ vừa nhưng thuế ghi nợ thường dao động 60-70 tỉ đồng. DN phải chịu lãi suất cao với khoản tiền thuế ứng trước và nếu không đóng kịp, DN sẽ phải chịu kiểm tra 100% lô hàng và những lô hàng sau phải đóng thuế ngay khi nhập khẩu.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP, cho biết thuế nhập khẩu làm tăng chi phí đầu vào, tăng giá sản phẩm xuất khẩu khiến DN khó cạnh tranh với các nước trong khu vực. Hầu hết DN chế biến xuất khẩu thủy sản hiện nay hạch toán đều lỗ, DN nào quản lý kinh doanh tốt mới có thể đạt lợi nhuận khoảng 3%, trong khi nếu phải chịu mức thuế nhập khẩu nguyên liệu 5% thì DN đó sẽ bị rơi vào tình trạng lỗ.

Ông Hòe cho biết VASEP đã đề nghị Bộ Tài chính và Bộ NN&PTNT xem xét cho phép áp dụng thuế nhập khẩu nguyên liệu thống nhất bằng 1% cho các loại nguyên liệu thuộc nhóm gồm tôm sú, tôm chân trắng, tôm biển, bạch tuộc và mực các loại. Bộ NN&PTNT cũng đã nhất trí với đề nghị của VASEP về phương án miễn, giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu thủy sản để tăng cường nhập khẩu nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu.

 

Quang Huy

 Pháp luật Tp.HCM


 


Giá ca cao giảm tới 27% so với đầu năm 2011

Ngày đăng : 04/12/2011 - 12:00 AM

Tuần qua, giá ca cao đã sụt xuống mức thấp trong 32 tháng do triển vọng nguồn cung gia tăng từ Cốt Đivoa và Gana, hai nước sản xuất ca cao hàng đầu thế giới.

 


Trong niên vụ bắt đầu từ 1/10, lượng ca cao được chuyển tới các cảng của Cốt Đivoa đã tăng 6%. Theo ông Kwabena Asante Poku, Phó giám đốc Cơ quan Ca cao Gana, lượng ca cao mà các doanh nghiệp Gana thu mua của nông dân cũng tăng 21% trong 5 tuần đầu của vụ thu hoạch mới.

 

                          

 

Nhà phân tích Sterling Smith từ Country Hedging tại St. Paul, Minnesota, nhận định thị trường ca cao đang được cung ứng tốt. Giá ca cao đang được giao dịch thấp trên thị trường hơn báo hiệu tình trạng sản lượng sẽ rất lớn.

 

Tại Sàn giao dich hàng hóa Niu Yok (NYBOT) giá ca cao giao tháng 3/2012 đã hạ 2,6% xuống còn 2.228 USD/tấn sau khi có lúc rớt xuống 2.218 USD/tấn, mức thấp nhất kể từ tháng 3/2009. Tính chung sau 7 phiên liên tiếp xuống giá, tới chốt tuần qua giá ca cao đã giảm khoảng 6,4%, đưa mức giảm từ đầu năm tới nay lên 27%.

 

Tại Sàn giao dịch hàng hóa Luân Đôn (LIFFE), giá ca cao cũng giảm xuống 1.466 bảng Anh/tấn so với 1.532 bảng Anh/tấn cuối ngày 25/11.

 


Theo Hoàng Hà - Tin tức



 


Vì sao NHNN cần độc quyền sản xuất kinh doanh vàng miếng?

Ngày đăng : 04/12/2011 - 12:00 AM

Gần đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình đã tuyên bố vàng SJC sẽ trở thành nhãn hiệu vàng của NHNN, đơn vị này phải độc quyền quản lý, sản xuất vàng miếng, điều này không những đúng về lý thuyết mà còn đúng cả về thực tế.

 
 
Ông Bình khẳng định, NHNN sẽ làm việc với Thành ủy TP HCM (hiện đang là đơn vị chủ quản của SJC) để chuyển Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn SJC sang trực thuộc NHNN và vàng miếng SJC sẽ trở thành nhãn hiệu vàng của NHNN. Điều này đã thể hiện rõ quan điểm: NHNN sẽ giữ độc quyền trong sản xuất kinh doanh vàng miếng vì SJC hiện đã chiếm 90% thị phần.
 
Thương hiệu vàng miếng SJC sẽ thuộc về ngân hàng nhà nước
 
Trên thực tế, tại Việt Nam, vàng miếng từ lâu đã được coi là thứ hàng hóa đặc biệt, có đầy đủ các thuộc tính tiền tệ. Vàng được coi là “vịnh tránh bão” trong bối cảnh lạm phát cao, đồng tiền bị mất giá, các kênh đầu tư khác bấp bênh, giá vàng lại liên tục tăng.
 
Thói quen tích trữ vàng của người dân cũng có từ lâu, cộng với các yếu tố đầu cơ, lũng đoạn thị trường làm cho tình trạng vàng hóa càng thêm trầm trọng. Nếu Nhà nước không quản lý được thị trường vàng, tình trạng vàng hóa sẽ ảnh hưởng tới việc điều hành chính sách tiền tệ và gây mất ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, gây mất ổn định tỷ giá.  Chưa kể, thay vì dồn vốn vào sản xuất kinh doanh, người dân lại đổ xô tích trữ vàng sẽ gây lãng phí nguồn vốn trong xã hội.
 
Trên thế giới, vai trò tiền tệ của vàng từ lâu đã được coi trọng. Trong bối cảnh đồng USD liên tục mất giá trong rổ tiền tệ thì giá vàng thế giới vẫn tăng phi mã. Nói cách khác, thời điểm khủng hoảng kinh tế toàn cầu, chỉ có vàng mới có đủ vai trò và trọng lượng làm thay đổi quy luật lệ thuộc vào đồng USD của các nền kinh tế mới nổi. Giá vàng thế giới tăng mạnh không những thể hiện giá trị của vàng mà còn cho thấy vàng đang phục hồi lại chức năng tiền tệ vốn có của nó. Vai trò tiền tệ của vàng còn thể hiệu qua việc các ngân hàng trung ương có xu hướng tăng mua vàng dự trữ.
Theo số liệu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), từ đầu năm 2011 đến nay, Ngân hàng Trung ương các nước đã mua vào 208,9 tấn vàng, riêng quý III/2011 đã mua 150 tấn vàng. Gần đây, các ngân hàng Trung ương châu Á liên tục dự trữ ngoại tệ bằng vàng. Đặc biệt là cú “gây sốc” từ Chính phủ Trung Quốc đột ngột cho công bố về trữ lượng dự trữ vàng của nước này đã tăng đột biến, cải thiện vị trí dự trữ vàng của họ từ thứ sáu với tổng lượng dự trữ lên tới gần 745 tấn.  
 
Không những thế, tại nhiều nước chỉ có Ngân hàng Trung ương mới được phép sản xuất vàng miếng, việc mua bán vàng miếng phải tuân theo các điều kiện khắt khe và chịu sự giám sát đặc biệt của Nhà nước. 
 
Còn tại Việt Nam, thực tế cho thấy, những động thái điều hành của cơ quan quản lý hay định hướng của các chính sách quản lý đều tác động mạnh đến sự biến động của giá vàng.
 
Khẳng định vàng là thứ hàng hóa đặc biệt có dấu hiệu tiền tệ, ông Phí Đăng Minh, nguyên Vụ phó Vụ Quản lý ngoại hối (NHNN) cũng khẳng định, Nhà nước cần quản lý vàng miếng như quản lý tiền tệ. Tiền đồng do NHNN độc quyền phát hành, do vậy vàng miếng cũng cần phải do NHNN độc quyền sản xuất, quản lý. Điều đó là phù hợp với xu thế mới của các nước trên thế giới, phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện cụ thể của Việt Nam.
 
Theo phân tích của một số chuyên gia, nếu theo hướng độc quyền quản lý có lẽ sẽ là một lựa chọn “khôn ngoan” hơn của NHNN. Thay vì trực tiếp kiểm soát việc xuất – nhập khẩu vàng miếng, NHNN sẽ cho phép nhiều doanh nghiệp thực hiện việc này. Nhưng khác với việc có nhiều nhãn hiệu vàng miếng khác nhau như hiện nay, tất cả các doanh nghiệp sản xuất vàng miếng đều chung một nhãn hiệu SJC. Hay nói cách khác, SJC trở thành một nhãn hiệu tập thể về vàng miếng của Việt Nam chất lượng được kiểm soát hoàn toàn bởi NHNN Việt Nam.
 
Với cách thức quản lý này, NHNN sẽ không phải trực tiếp tham gia kinh doanh nhưng vẫn nắm được đầy đủ thông tin về thị trường vàng miếng như số lượng vàng miếng đang lưu thông trên thị trường, bao nhiêu vàng miếng được sử dụng cho mục đích sản xuất trang sức hay công nghiệp, và bao nhiêu vàng miếng được sử dụng cho mục đích đầu tư. 
 
Trong khi đó, các doanh nghiệp hoàn toàn chủ động trong việc mua – bán vàng tài khoản ở nước ngoài trên thế giới để phòng ngừa rủi ro. 
 
Thêm nữa, với khả năng quản lý khác nhau, các doanh nghiệp sản xuất vàng miếng mang nhãn hiệu tập thể SJC hoàn toàn có thể cạnh tranh với nhau để cung ứng cho thị trường mức giá tốt nhất. Rõ ràng, với cách thức quản lý này, người dân sẽ thực sự được hưởng lợi, trong khi NHNN vẫn có khả năng quản lý và điều tiết được thị trường.
 
Theo Phương Trâm
Đất Việt

Loạn giá vàng

Ngày đăng : 03/12/2011 - 12:00 AM
Thử nhìn lại tình trạng loạn giá vàng trong những tuần vừa qua để xem ai sẽ là người hưởng lợi từ việc này và mục tiêu bình ổn giá vàng của Ngân hàng Nhà nước có thực hiện được không?
 
Tuần qua, ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thông báo vẫn cho các loại vàng miếng khác tồn tại sau khi Nghị định quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh vàng có hiệu lực, giá vàng SJC đột ngột hạ hơn một triệu đồng mỗi lượng. Động thái này là nhằm thực hiện quyết định bán vàng bình ổn của NHNN, theo thừa nhận của cả SJC lẫn các ngân hàng tham gia bình ổn.
 
Giá vàng SJC - nhảy loạn xạ vì bình ổn
 
Để hiểu rõ hơn việc này có lẽ cần quay lại diễn biến trước đó một chút. Sau khi NHNN trình Chính phủ dự thảo nghị định nói trên trong đó ngụ ý rằng chỉ cho phép duy nhất SJC được sản xuất, gia công vàng miếng, một số thương hiệu vàng miếng đã “đại hạ giá” lên đến gần một triệu đồng/lượng so với giá bán của SJC.
 
Những diễn biến này làm cho nhiều chuyên gia suy đoán rằng, có thể xem việc một số thương hiệu “đại hạ giá” là cơ hội để bình ổn giá vàng. Mặc dù vậy, thực tế cho thấy đây không phải là một cơ hội tốt bởi vì ngay khi SJC đột ngột giảm giá vàng hơn 1 triệu đồng/lượng và thu hẹp khoảng cách với giá vàng thế giới còn khoảng 800.000 đồng/lượng thì các nhà đầu tư vàng ngay lập tức xếp hàng rồng rắn để mua “vàng bình ổn”. Lực mua quá lớn đã đẩy giá vàng SJC tăng mạnh trở lại, kéo giãn khoảng cách giá vàng SJC với giá vàng thế giới lên 1,5 triệu đồng/lượng. Như vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, giá vàng SJC liên tục giảm rồi tăng với biên độ lên đến cả triệu đồng/lượng do tác động của một bên là lực mua của nhà đầu tư và một bên là lực bán các doanh nghiệp, ngân hàng bình ổn. Nhưng cuối cùng mức giá “vàng bình ổn” vẫn luôn cao hơn giá thế giới trên một triệu đồng/lượng và mục tiêu bình ổn vẫn không đạt được.
 
Trong khi giá vàng SJC nhảy múa theo hoạt động bình ổn thì các thương hiệu khác cũng nhanh chân bám sát giá vàng SJC chứ không còn đại hạ giá như trước nữa. Kết quả giá vàng của các thương hiệu vẫn bám sát nhau và bỏ xa vàng thế giới đến 1,5 triệu đồng/lượng. Một lần nữa người mua vàng trong nước vẫn phải mua vàng giá cao và khả năng bình ổn thị trường vàng trong nước của NHNN bị nghi ngờ. Trong khi đó, các nhà đầu cơ đã thu về một khoản lợi nhuận lớn nhờ động thái “đại hạ giá” vàng của một số thương hiệu và người chịu thiệt không ai khác chính là người dân mua vàng nhỏ lẻ.
 
“Đại hạ giá” vì sợ độc quyền hay có dấu hiệu làm giá?
 
Trước khi SJC hạ giá bán vàng, một trong những doanh nghiệp tiên phong hạ giá vàng miếng là Bảo Tín Minh Châu, lúc đầu mức hạ chỉ là 200.000- 300.000 đồng/lượng sau đó mức hạ giá mạnh dần và có lúc thấp hơn giá vàng SJC một triệu đồng/lượng. Tiếp sau Bảo Tín Minh Châu là thương hiệu AAA của Công ty Vàng Agribank, mức hạ giá của doanh nghiệp này cũng vào khoảng một triệu đồng/lượng. Quan sát diễn biến giá của một số thương hiệu “đại hạ giá” cho thấy có cơ sở để tin rằng các thương hiệu vàng đã bị làm giá trong “cơn loạn giá vàng”.
 
Thứ nhất, giá vàng các thương hiệu không giảm giá ngay sau khi có thông tin NHNN trình dự thảo nghị định về quản lý thị trường vàng mà phải sau đó một khoảng thời gian tương đối dài, khi doanh nghiệp đầu tiên hạ giá bán ở mức thấp chỉ khoảng 200.000-300.000 đồng/lượng, lực bán của nhà đầu tư mới bắt đầu tăng mạnh làm cho giá vàng các thương hiệu giảm mạnh và mức giảm được nâng đến gần một triệu đồng/lượng. Điều này đặt ra giả thuyết rằng phải chăng đã có “bàn tay vô hình” kích thích việc đẩy giá vàng các thương hiệu này đi xuống?
 
Thứ hai, trong khi các nhà đầu tư phải nhận khoản lỗ lớn do đã trót mua vàng với giá cao trước đó thì các doanh nghiệp kinh doanh vàng đã mua được một lượng lớn vàng với giá thấp hơn nhiều so với giá vàng SJC. Lượng vàng này hứa hẹn mang đến khoản lợi nhuận không nhỏ cho các doanh nghiệp, bởi vì nếu các thương hiệu này bị xóa sổ thì họ chỉ cần đem số vàng “có xuất xứ rõ ràng” này gia công lại thành vàng SJC với chi phí vài chục ngàn đồng/lượng là có thể thu được lợi nhuận từ khoản chênh lệch giá. Ngược lại, nếu các thương hiệu vẫn được tồn tại, giá vàng của các thương hiệu này sẽ nhanh chóng tăng trở lại và do đó các doanh nghiệp cũng sẽ thu được lợi nhuận. Như vậy, trong cả hai trường hợp, doanh nghiệp mua vào đều là người hưởng lợi
 
Mặt khác, cho dù đã hạ giá bán rất mạnh so với thương hiệu SJC nhưng mức giá của các thương hiệu vàng này vẫn cao hơn giá vàng thế giới trên 500.000 đồng/lượng, tức vẫn nằm trên mức mà NHNN xem là đang có dấu hiệu làm giá. Nếu mức giá giảm về vùng giá tương đương với giá vàng thế giới thì lực mua của nhà đầu tư sẽ tăng trở lại và lúc này tương quan giữa lực mua và bán sẽ tương đồng. Điều này có nghĩa là các doanh nghiệp này sẽ không mua ròng được vàng từ nhà đầu tư và do đó sẽ chẳng thu được lợi ích từ việc giá vàng giảm. Nói cách khác, mức hạ giá vàng có vẻ như nằm trong sự tính toán của các nhà đầu cơ để thu được lợi ích lớn nhất.
 
Thứ ba, nếu so sánh giá vàng của các thương hiệu này với giá của “vàng chợ” trong thời gian “đại hạ giá”, chúng ta có thể thấy giá vàng của các thương hiệu này thậm chí còn thấp hơn giá của “vàng chợ”. Đây là điều hết sức phi lý và có thể là dấu hiệu trực quan nhất chứng minh các thương hiệu vàng này đang bị làm giá.   
 
Đâu là nguyên nhân?
 
Như vậy, tình trạng “loạn giá vàng” trong thời gian vừa qua đã cho thấy hai vấn đề:
 
Thứ nhất, sự biến động giá vàng của một vài thương hiệu cho thấy khoảng trống thông tin sau khi NHNN trình dự thảo nghị định vàng không được xử lý một cách đúng đắn đã gây ra tâm lý bất ổn đối với nhà đầu tư, tạo cơ hội cho các nhà đầu cơ làm giá trên thị trường vàng. Điều này đòi hỏi NHNN cần có cơ chế thông tin minh bạch, kịp thời và lường trước được phản ứng của thị trường trước các động thái chính sách của mình. Hơn nữa, NHNN cần phải mạnh tay hơn trong việc chống nạn đầu cơ, làm giá để lập lại trật tự trên thị trường vàng.
 
Thứ hai, quyết định bán vàng bình ổn có vẻ như chưa tính toán lực cung - cầu của thị trường một cách hợp lý. Hoạt động bán hàng bình ổn như vậy chỉ làm lợi cho các nhà đầu cơ bởi họ có thể mua thấp bán cao để thu lợi nhuận. Điều này có thể làm cho hiệu lực chính sách và uy tín của NHNN trong hoạt động bình ổn thị trường giảm sút đáng kể.
 
Theo Hoàng Xuân Huy
TBKTSG

Phát hành chứng chỉ vàng: Không đơn giản!

Ngày đăng : 03/12/2011 - 12:00 AM
Một trong những đề án được NHNN đưa ra để huy động vàng trong dân là phát hành chứng chỉ vàng. Vậy chứng chỉ vàng là gì? Người dân và các NHTM được, mất gì khi chứng chỉ vàng được phát hành?
 
Không phải lo bảo quản vàng trong nhà, vàng được gửi có định danh, có địa chỉ cụ thể, có thể mang đi giao dịch mua bán như vàng miếng…là những ưu thế của chứng chỉ vàng. Vậy chứng chỉ vàng là gì?     
 
Chuyên gia kinh tế Cao Sỹ Kiêm cho rằng: "Chứng chỉ vàng là một giấy chứng nhận chứng thực vàng của người dân khi họ muốn gửi vào Ngân hàng Nhà nước. Thay vì vàng, mình đưa cho họ một chứng chỉ, chứng nhận họ có một số lượng vàng. Với chứng chỉ này, họ có quyền mang ra TTCK để họ giao dịch. Ngoài ra, họ có thể đưa cho ngân hàng để thế chấp vay tiền. Đó gọi là chứng chỉ vàng".
 
Đối với các ngân hàng thương mại, việc phát hành chứng chỉ vàng cũng giúp huy động được một lượng vốn lớn trong bối cảnh khó khăn hiện nay.   
  
Ông Đỗ Minh Phú, Tổng Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji cho biết: "Trước hết là kênh huy động vốn, chúng ta sẽ không phải áp lực trả số vàng khi người dân có nhu cầu, mà người dân có chứng chỉ đó có thể thực hiện việc mua bán cần thiết đối với lượng vàng có đã được ghi trong chứng chỉ. Thứ 2, chúng ta có 1 lượng vàng được huy động hoàn toàn chủ động được nguồn, khi chủ động được nguồn, xét về mặt dự trữ quốc gia, đây là một lượng vàng rất lớn, khi cần sẽ có để bình ổn thị trường".
 
Tuy nhiên, việc phát hành chứng chỉ vàng không hề đơn giản, đặc biệt là tại thời điểm này, khi mà hàng loạt thông tin về tái cơ cấu, sát nhập các ngân hàng và tình hình thiếu thanh khoản đang gây sụt giảm mạnh mẽ niềm tin trong nhân dân. Người dân đang nghĩ đến chuyện rút tiền để mua vàng, giờ lại gửi vàng vào Ngân hàng để lấy chứng chỉ. Đây quả là một điều không dễ thay đổi. Hơn thế nữa, trong luật Bảo đảm tài sản tiền gửi, cho đến nay, cơ quan soạn thảo mới chỉ đặt vấn đề bảo hiểm tiền gửi với tiền đồng, trong khi đó, vàng cũng là một tài sản cần đảm bảo, lại chưa được nhắc đến trong Luật.     
 
"Một điều nữa là người dân có thói quen giao dịch vàng ở bất cứ điểm nào khi cần thiết. Khi họ có nhu cầu, có thể đến bất cứ cửa hàng vàng nào được phép kinh doanh vàng miếng, không chỉ ngày trong tuần mà còn ngày nghỉ. Nếu như tại thời điểm này, nếu triển khai chứng chỉ vàng, chúng ta phải nghĩ đến việc liệu thứ 7, Chủ nhật các ngân hàng thương mại có hoạt động", ông Đỗ Minh Phú cho biết thêm.
 
Phát hành chứng chỉ vàng là một trong những đề xuất được Ngân hàng nhà nước đưa ra nhằm huy động vàng trong dân. Nếu việc phát hành chứng chỉ vàng thành công, sẽ huy động được một lượng vàng lớn trong dân, biến nó thành một nguồn vốn lớn giúp phát triển sản xuất, lưu thông nền kinh tế. Tuy nhiên còn rất nhiều vấn đề xung quanh vấn đề này đang chờ được NHNN giải quyết. 
 
Theo Minh Hằng
VTV

 

Tin mới cập nhật