Loạn giá vàng

Ngày đăng : 03/12/2011 - 12:00 AM
Thử nhìn lại tình trạng loạn giá vàng trong những tuần vừa qua để xem ai sẽ là người hưởng lợi từ việc này và mục tiêu bình ổn giá vàng của Ngân hàng Nhà nước có thực hiện được không?
 
Tuần qua, ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thông báo vẫn cho các loại vàng miếng khác tồn tại sau khi Nghị định quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh vàng có hiệu lực, giá vàng SJC đột ngột hạ hơn một triệu đồng mỗi lượng. Động thái này là nhằm thực hiện quyết định bán vàng bình ổn của NHNN, theo thừa nhận của cả SJC lẫn các ngân hàng tham gia bình ổn.
 
Giá vàng SJC - nhảy loạn xạ vì bình ổn
 
Để hiểu rõ hơn việc này có lẽ cần quay lại diễn biến trước đó một chút. Sau khi NHNN trình Chính phủ dự thảo nghị định nói trên trong đó ngụ ý rằng chỉ cho phép duy nhất SJC được sản xuất, gia công vàng miếng, một số thương hiệu vàng miếng đã “đại hạ giá” lên đến gần một triệu đồng/lượng so với giá bán của SJC.
 
Những diễn biến này làm cho nhiều chuyên gia suy đoán rằng, có thể xem việc một số thương hiệu “đại hạ giá” là cơ hội để bình ổn giá vàng. Mặc dù vậy, thực tế cho thấy đây không phải là một cơ hội tốt bởi vì ngay khi SJC đột ngột giảm giá vàng hơn 1 triệu đồng/lượng và thu hẹp khoảng cách với giá vàng thế giới còn khoảng 800.000 đồng/lượng thì các nhà đầu tư vàng ngay lập tức xếp hàng rồng rắn để mua “vàng bình ổn”. Lực mua quá lớn đã đẩy giá vàng SJC tăng mạnh trở lại, kéo giãn khoảng cách giá vàng SJC với giá vàng thế giới lên 1,5 triệu đồng/lượng. Như vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, giá vàng SJC liên tục giảm rồi tăng với biên độ lên đến cả triệu đồng/lượng do tác động của một bên là lực mua của nhà đầu tư và một bên là lực bán các doanh nghiệp, ngân hàng bình ổn. Nhưng cuối cùng mức giá “vàng bình ổn” vẫn luôn cao hơn giá thế giới trên một triệu đồng/lượng và mục tiêu bình ổn vẫn không đạt được.
 
Trong khi giá vàng SJC nhảy múa theo hoạt động bình ổn thì các thương hiệu khác cũng nhanh chân bám sát giá vàng SJC chứ không còn đại hạ giá như trước nữa. Kết quả giá vàng của các thương hiệu vẫn bám sát nhau và bỏ xa vàng thế giới đến 1,5 triệu đồng/lượng. Một lần nữa người mua vàng trong nước vẫn phải mua vàng giá cao và khả năng bình ổn thị trường vàng trong nước của NHNN bị nghi ngờ. Trong khi đó, các nhà đầu cơ đã thu về một khoản lợi nhuận lớn nhờ động thái “đại hạ giá” vàng của một số thương hiệu và người chịu thiệt không ai khác chính là người dân mua vàng nhỏ lẻ.
 
“Đại hạ giá” vì sợ độc quyền hay có dấu hiệu làm giá?
 
Trước khi SJC hạ giá bán vàng, một trong những doanh nghiệp tiên phong hạ giá vàng miếng là Bảo Tín Minh Châu, lúc đầu mức hạ chỉ là 200.000- 300.000 đồng/lượng sau đó mức hạ giá mạnh dần và có lúc thấp hơn giá vàng SJC một triệu đồng/lượng. Tiếp sau Bảo Tín Minh Châu là thương hiệu AAA của Công ty Vàng Agribank, mức hạ giá của doanh nghiệp này cũng vào khoảng một triệu đồng/lượng. Quan sát diễn biến giá của một số thương hiệu “đại hạ giá” cho thấy có cơ sở để tin rằng các thương hiệu vàng đã bị làm giá trong “cơn loạn giá vàng”.
 
Thứ nhất, giá vàng các thương hiệu không giảm giá ngay sau khi có thông tin NHNN trình dự thảo nghị định về quản lý thị trường vàng mà phải sau đó một khoảng thời gian tương đối dài, khi doanh nghiệp đầu tiên hạ giá bán ở mức thấp chỉ khoảng 200.000-300.000 đồng/lượng, lực bán của nhà đầu tư mới bắt đầu tăng mạnh làm cho giá vàng các thương hiệu giảm mạnh và mức giảm được nâng đến gần một triệu đồng/lượng. Điều này đặt ra giả thuyết rằng phải chăng đã có “bàn tay vô hình” kích thích việc đẩy giá vàng các thương hiệu này đi xuống?
 
Thứ hai, trong khi các nhà đầu tư phải nhận khoản lỗ lớn do đã trót mua vàng với giá cao trước đó thì các doanh nghiệp kinh doanh vàng đã mua được một lượng lớn vàng với giá thấp hơn nhiều so với giá vàng SJC. Lượng vàng này hứa hẹn mang đến khoản lợi nhuận không nhỏ cho các doanh nghiệp, bởi vì nếu các thương hiệu này bị xóa sổ thì họ chỉ cần đem số vàng “có xuất xứ rõ ràng” này gia công lại thành vàng SJC với chi phí vài chục ngàn đồng/lượng là có thể thu được lợi nhuận từ khoản chênh lệch giá. Ngược lại, nếu các thương hiệu vẫn được tồn tại, giá vàng của các thương hiệu này sẽ nhanh chóng tăng trở lại và do đó các doanh nghiệp cũng sẽ thu được lợi nhuận. Như vậy, trong cả hai trường hợp, doanh nghiệp mua vào đều là người hưởng lợi
 
Mặt khác, cho dù đã hạ giá bán rất mạnh so với thương hiệu SJC nhưng mức giá của các thương hiệu vàng này vẫn cao hơn giá vàng thế giới trên 500.000 đồng/lượng, tức vẫn nằm trên mức mà NHNN xem là đang có dấu hiệu làm giá. Nếu mức giá giảm về vùng giá tương đương với giá vàng thế giới thì lực mua của nhà đầu tư sẽ tăng trở lại và lúc này tương quan giữa lực mua và bán sẽ tương đồng. Điều này có nghĩa là các doanh nghiệp này sẽ không mua ròng được vàng từ nhà đầu tư và do đó sẽ chẳng thu được lợi ích từ việc giá vàng giảm. Nói cách khác, mức hạ giá vàng có vẻ như nằm trong sự tính toán của các nhà đầu cơ để thu được lợi ích lớn nhất.
 
Thứ ba, nếu so sánh giá vàng của các thương hiệu này với giá của “vàng chợ” trong thời gian “đại hạ giá”, chúng ta có thể thấy giá vàng của các thương hiệu này thậm chí còn thấp hơn giá của “vàng chợ”. Đây là điều hết sức phi lý và có thể là dấu hiệu trực quan nhất chứng minh các thương hiệu vàng này đang bị làm giá.   
 
Đâu là nguyên nhân?
 
Như vậy, tình trạng “loạn giá vàng” trong thời gian vừa qua đã cho thấy hai vấn đề:
 
Thứ nhất, sự biến động giá vàng của một vài thương hiệu cho thấy khoảng trống thông tin sau khi NHNN trình dự thảo nghị định vàng không được xử lý một cách đúng đắn đã gây ra tâm lý bất ổn đối với nhà đầu tư, tạo cơ hội cho các nhà đầu cơ làm giá trên thị trường vàng. Điều này đòi hỏi NHNN cần có cơ chế thông tin minh bạch, kịp thời và lường trước được phản ứng của thị trường trước các động thái chính sách của mình. Hơn nữa, NHNN cần phải mạnh tay hơn trong việc chống nạn đầu cơ, làm giá để lập lại trật tự trên thị trường vàng.
 
Thứ hai, quyết định bán vàng bình ổn có vẻ như chưa tính toán lực cung - cầu của thị trường một cách hợp lý. Hoạt động bán hàng bình ổn như vậy chỉ làm lợi cho các nhà đầu cơ bởi họ có thể mua thấp bán cao để thu lợi nhuận. Điều này có thể làm cho hiệu lực chính sách và uy tín của NHNN trong hoạt động bình ổn thị trường giảm sút đáng kể.
 
Theo Hoàng Xuân Huy
TBKTSG

Họ tên :

Email :

Nội dung :

Tin cùng chủ đề

Vàng rớt giá, dầu thô vẫn trên 100 USD/thùng

Ngày đăng : 02/12/2011 - 12:00 AM

Sau nhiều ngày tăng mạnh, giá vàng và dầu thô đã đồng lọat quay đầu giảm giá.

 

                         

 

Giá vàng đã điều chỉnh giảm hôm thứ Năm sau 3 ngày tăng giá liên tục, đặc biệt là sau phiên tăng mạnh một ngày trước đó. Hơn nữa, nhiều nhà đầu tư cũng bắt đầu hạn chế giao dịch chờ thông tin về báo cáo việc làm tháng 11, dự kiến sẽ được công bố vào phiên cuối tuần, rồi mới hành động.

Trong ngày giao dịch, giá vàng không có nhiều biến động khi dao động trong vùng 1.732,8-1.755,4 USD/oz. Mặc dù giá vàng giảm nhưng có thể thấy lực mua vàng vẫn rất lớn, luôn xuất hiện mỗi khi giá vàng giảm. Điều này đã giúp giá vàng chỉ giảm nhẹ khi kết thúc phiên.

Chốt phiên, giá vàng giao ngay giảm 0,2% xuống 1.742,49 USD/oz, dù đầu phiên đã lên 1.754 USD/oz, mức cao nhất trong 2 tuần.

Trong khi đó, giá vàng tương lai giao tháng 12 giảm 10,5 USD xuống 1.739,9 USD/oz. Tuy nhiên, đến 6h15 theo giờ Việt Nam, giá vàng đã phục hồi lên vùng 1.748,8 USD/oz.

Giới phân tích nhận định, các chỉ báo kỹ thuật đang hỗ trợ giá vàng tăng với nền tảng vững chắc của đường giá 100 ngày. Do đó, trong ngắn hạn, giá vàng được đánh giá có khả năng vẫn còn tăng.

Trong tháng 11 qua, giá vàng đã tăng được 2%, đánh dấu tháng tăng giá thứ 7 trong 11 tháng của năm nay, tuy nhiên giá vàng hiện vẫn thấp hơn 9% so với kỷ lục 1.923 USD/oz lập hồi tháng 9/2011.

Trong phiên giao dịch ngày 1/12, Quỹ tín thác vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust đã bán ra 0,6 tấn vàng, giảm mức nắm giữ xuống 1.297,93 tấn vàng, tương đương 41.729.700,42 ounce, trị giá 73,085 tỷ USD.

Chuyển qua tin tức đáng chú ý khác, giá dầu thô Brent tại thị trường London đã giảm 1,53 USD xuống 108,99 USD/thùng hôm 1/12.

Tại thị trường New York, giá dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 1/2012 cũng giảm 16 cent xuống 100,2 USD/thùng, kết thúc chuỗi 4 ngày tăng giá trước đó.

 

Nhật Bình - Theo CNBC


 


Bộ Tài chính: Nếu có giảm cũng chỉ 288 đồng/lít xăng

Ngày đăng : 01/12/2011 - 12:00 AM

Theo giá cơ sở quy định tại Thông tư 234 thì giá cơ sở mặt hàng xăng thấp hơn giá bán hiện hành là 288 đồng/lít.

 


Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 11 diễn ra chiều nay (1/12), Thứ trưởng Bộ Tài Chính, bà Vũ Thị Mai cho biết, hiện nay giá cơ sở của mặt hàng xăng đang thấp hơn giá bán ra thị trường là 288 đồng/lít, nhưng nếu xăng có giảm giá với mức này thì cũng còn rất thấp.

Thời gian gần đây, giá xăng dầu trên thế giới liên tục giảm mạnh, cụ thể theo bảng giá của Petrolimex, nửa đầu tháng 11/2011, giá xăng thành phẩm trung bình nhập khẩu từ Singapore đứng ở mức 114,27 USD/thùng.

Trong khi đó, tính từ 15/11 tới nay, giá xăng A92 nhập khẩu luôn dao động xung quanh ngưỡng 107 USD/thùng, thậm chí hôm 21/11 rớt xuống còn 105 USD/thùng (thời điểm ngày 26/8 giá xăng bán lẻ được điều chỉnh giảm từ 21.300 đồng xuống 20.800 đồng/lít, giá nhập khẩu xăng A92 ở mức 122,3 USD/thùng).

Tuy nhiên, ngày 28/11, Cục trưởng Cục quản lý giá (Bộ Tài chính) đã ra thông báo không giảm giá bán xăng ra thị trường, giữ ổn định giá bán các loại xăng, dầu, và tăng mức trích quỹ bình ổn giá đối với xăng thêm 250 đồng/lít, như vậy tổng mức trích quỹ BOG với mặt hàng xăng là 550 đồng/lít, giữ ổn định trích quỹ BOG đối với dầu ở mức 300 đồng/lít.

Thời gian gần đây, giá xăng dầu thế giới đã có biến động giảm, nhưng tính theo bình quân 30 ngày từ ngày 27/10 đến 25/11, theo giá cơ sở quy định tại Thông tư 234 thì giá cơ sở mặt hàng xăng thấp hơn giá bán hiện hành là 288 đồng/lít và với mức này doanh nghiệp đã có lợi nhuận.

Tuy nhiên, giá cơ sở của các mặt hàng dầu như: dầu hỏa, dầu diesel và dầu mazut thì vẫn cao hơn giá bán hiện hành từ 1.204 - 1.334 đồng/lít. Vì vậy, tổ điều hành liên bộ Tài chính - Công thương đã cân nhắc, được sử dụng quỹ bình ổn giá  đối với mặt hàng dầu để giảm mức lỗ cho doanh nghiệp đối với mặt hàng này, tăng mức trích quỹ bình ổn giá  đối với xăng.

“Tăng trích quỹ bình ổn giá để tăng thêm nguồn sử dụng quỹ bình ổn giá cho mặt hàng dầu, nhằm ổn định giá, đảm bảo kiềm chế lạm phát theo đúng tinh thần của Nghị quyết 11 của Chính phủ. Việc giảm 288 đồng/lít này, nếu có giảm vào giá xăng thì cũng rất thấp”, bà Mai nói.

Cũng theo Thứ trưởng Mai, tồn quỹ bình ổn giá hiện nay là không nhiều, vì thế, phải tăng trích quỹ bình ổn giá để có nguồn bù đắp nhằm bình ổn cho các mặt hàng khác.

“Quyết định vừa rồi được đưa ra căn cứ vào giá thị trường thế giới, căn cứ vào thông tư 234 về tính giá cơ sở, trên cơ sở đảm bảo ổn định vĩ mô, kìm chế lạm phát, đảm bảo lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân”, bà Mai nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo ý kiến của một số chuyên gia kinh tế, mức giảm 288 đồng/lít với người dân đúng là không nhiều. Song với những doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh vận tải dùng nguyên liệu xăng, dầu thì lại là một con số không hề nhỏ.

Đặc biệt, đối với doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, mức chênh lệch 288 đồng/lít này là một số tiền rất lớn.

“Bên cạnh đó, việc giảm giá mặt hàng xăng dầu còn tạo được tâm lý tốt đối với người tiêu dùng và giảm áp lực tăng giá bán lên nhiều mặt hàng khác”, vị chuyên gia kinh tế cho biết.

 

Theo Châu Anh - VTC News




 


Cảnh giác với chiêu gian lận mới của nhân viên xăng dầu

Ngày đăng : 01/12/2011 - 12:00 AM

Không cần dùng con chip điện tử, mà lợi dụng sự chủ quan, thiếu cảnh giác của khách hàng, nhiều nhân viên ở các cây xăng tại TP.HCM dễ dàng gian lận để “móc túi” khách hàng một cách trắng trợn.

 

 

Mỗi ngày có hàng trăm nghìn lượt người mua xăng bị nhân viên các cây xăng ngang nhiên “diễn” để lấy tiền bằng những chiêu thức hết sức đơn giản nhưng lại vô cùng hiệu quả như đứng che chắn khuất tầm nhìn của khách hàng để qua mặt khi bấm số tiền trên đồng hồ điện tử thấp hơn số tiền của khách đổ xăng. Số tiền chêch lệch bỏ vào túi riêng này thường từ 5-10 nghìn đến vài ba chục nghìn đồng/khách hàng. 

 
Có mặt chứng kiến và ghi nhận tại một số cây xăng trên QL.1A, thuộc địa bàn quận 12 và quận Bình Tân, vô số khách hàng tấp xe vào đổ xăng mà chẳng hề phát hiện mình đang bị các nhân viên bơm xăng nơi đây qua mặt khi đong xăng.
 
Điển hình như trường hợp của một nữ sinh dừng xe máy ngay phía trước của một trụ bơm xăng và đổ 60.000 đồng nhưng nhân viên nam ở đây không sử dụng trụ bơm cạnh chiếc xe máy (mặc dù trụ bơm này không có nhân viên nào sử dụng) mà đi lại trụ bơm khác cách đó chừng chục mét để bấm số hiển thị trên đồng hồ chỉ có 45.000 đồng. Khi nữ sinh đang loay hoay mở ví lấy tiền cũng là lúc một nhân viên này chạy nhanh đến trụ bơm bấm vội số tiền hiển thị trên đồng hồ điện tử cho khách hàng tiếp theo nhằm xóa số tiền hiển thị ban đầu.
 
Hành vi gian dối này cứ lặp đi, lặp lại để qua mặt khách hàng, số tiền công khai “lừa đảo” thu lợi bất chính của các nhân viên bơm xăng ở đây bình quân không dưới 1 triệu đồng/ngày. 
 
Theo thứ tự là người chờ đợi thứ năm để bơm xăng cũng đã đến lượt, tôi hô to: “Đổ 50.000 đồng”. Cũng xài cái chiêu cũ, nhân viên không dùng vòi bơm của trụ xăng cạnh xe máy tôi mà đi lại phía xa, ở vị trí khuất ánh sáng sử dụng trụ xăng khác để bơm. Giả vờ lúi húi với chiếc ba lô như chẳng hề để ý, khi vòi bơm xăng dừng lại cũng là lúc tôi chạy sang liếc mắt nhìn lên đồng hồ điện tử chỉ hiển thị có 40.000 đồng.
 
“Bơm xăng cái kiểu gì kỳ vậy, đổ 50 nghìn mà bấm có 40 chục nghìn sao?” - tôi hỏi. Nhân viên nam vẻ mặt cáu gắt đáp nhanh: “Bấm lộn, trả lại 10 nghìn đồng còn ý kiến, ý cò gì nữa”. Với “chiêu” này khách hàng rất khó “bắt” nhân viên vì mỗi khi có phản ứng của “thượng đế” thì các nhân viên chỉ trả lời là “bấm nhầm” rồi hoàn tiền lại.
 
Anh Lê Bá Ân, nhân viên kinh doanh một công ty ở quận Gò Vấp bức xúc nói: “Trước kia không cẩn thận bị lừa đong thiếu xăng như ăn cơm bữa nên giờ nhiều kinh nghiệm lắm, khi đổ xăng là hai mắt tôi cứ chăm chú nhìn kỹ từng thao tác của nhân viên, đồng thời phải luôn dõi theo hoạt động của đồng hồ điện tử nữa. Cảnh giác như vậy mới hạn chế được những chiêu “phù phép” ăn chặn chiếm đoạt tiền khách hàng công khai”.
 
Thời điểm tấp nập khách hàng dừng đổ xăng nhất cũng là lúc các nhân viên bơm xăng ở đây tha hồ phối hợp nhau để gian lận móc tiền khách. Những khách hàng chủ quan, không kiểm soát đồng hồ điện tử ở trụ bơm, hay đứng quá xa, hoặc bị nhân viên che khuất tầm nhìn nên sẽ trở thành nạn nhân của trò lừa đảo này.
 
Theo Hải Thọ - Lữ Nguyễn 
Lao động

Vàng tăng gần một triệu đồng

Ngày đăng : 01/12/2011 - 12:00 AM
Thị trường quốc tế chốt ngày tăng hơn 30 USD mỗi ounce, đẩy giá vàng miếng trong nước sáng nay đắt thêm 800.000 đồng mỗi lượng, bật qua 45,55 triệu đồng.
 
Đầu ngày, các doanh nghiệp Hà Nội công bố mỗi lượng vàng miếng tăng vọt 800.000 đồng một lượng lên mức 45,35-45,57 triệu đồng. Tuy nhiên, nếu so với sáng 30/11, giá hiện chỉ đắt hơn 450.000 đồng thu gom và bán ra. Còn tại TP HCM, giá mua vào sáng nay tương đương Hà Nội, nhưng bán ra rẻ hơn 20.000 đồng, tại 45,55 triệu đồng.
 
Tuy nhiên, nửa tiếng đồng hồ sau, giá được các doanh nghiệp điều chỉnh giảm 100.000 đồng, xuống còn 45,25-45,45 triệu đồng mỗi lượng.
 
Hệ thống DOJI đến 9h sáng nay, mua bán lẻ vàng miếng ở mức 45,10-45,30 triệu đồng. Trong khi bán buôn của đơn vị này là 45,15-45,25 triệu đồng. Tương tự, vàng miếng Sacombank-SBJ công bố giá mua bán tại 45,25-45,35 triệu đồng lúc 9h.
 
Theo đại diện Sacombank-SBJ, thời gian qua lực mua và bán khá cân bằng. Tuy Thống đốc đã tuyên bố SJC sẽ trở thành thương hiệu vàng của Ngân hàng Nhà nước nhưng không có tình trạng đổ xô mua hoặc bán một chiều.
 
Trong phiên giao dịch ngày hôm qua, tại khu vực Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, tổng lượng giao dịch của Tập đoàn DOJI cũng chỉ đạt khoảng 800 lượng.
 
Theo các chuyên gia, hiện mãi lực yếu nên thời gian tới giá vàng trong nước sẽ bám khá sát giá thế giới.
 
Trên thị trường quốc tế, phiên giao dịch ngày 30/11, quỹ đầu tư tín thác bằng vàng lớn nhất thế giới đã trở lại thị trường khi có động thái mua vào 1,21 tấn vàng, đưa lượng nắm giữ lên 1.298,53 tấn.
 
Lực mua tăng cùng với sự suy yếu của đồng bạc xanh đã thúc giá kim loại quý tăng mạnh. Theo đó, vàng giao ngay chốt phiên tăng 31,50 USD lên 1.748 USD một ounce. Cùng lúc, giá vàng giao tháng Giêng trên sàn Comex của New York cũng có thêm 31,50 USD, lên chốt ngày tại 1.750 USD.
 
Đến sáng nay tại thị trường châu Á, giá kim loại quý chưa xác định rõ xu hướng. Tính đến 8h40 (giờ Hà Nội) mỗi ounce giao dịch quanh mức 1.749,10 USD một ounce. Nếu căn cứ theo tỷ giá 21.350 đồng, mỗi lượng vàng quy đổi có giá tương đương 45,02 triệu đồng (chưa bao gồm các loại phí).
 
Giá USD trong ngân hàng hiện vẫn giao dịch quanh 21.005-21.011 đồng, khi tỷ giá bình quân liên ngân hàng đang neo ở 20.803 đồng.
 
Theo Lệ Chi
VnExpress

Vàng miếng “phi SJC” được yêu cầu ngừng sản xuất

Ngày đăng : 30/11/2011 - 12:00 AM

Thời gian gần đây, các thương hiệu vàng không phải vàng SJC đã ngừng dập vàng nguyên liệu thành vàng miếng, theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước.

 

                                    

 

Đã mấy tháng nay, chỉ có SJC được nhập vàng nguyên liệu, và đến nay, các doanh nghiệp không phải SJC lại nhận được yêu cầu ngừng gia công vàng miếng. Một số thương hiệu vàng “sinh sau đẻ muộn” đang lo ngại sẽ thua lỗ, vì chưa kịp khấu hao hết dây chuyền. Theo thông tin từ một số công ty kim hoàn sản xuất vàng miếng như Sacombank-SBJ và PNJ thì từ hơn một tháng nay, hệ thống máy móc dập vàng của họ đã nằm im.

 

Ông Tôn Thế Vĩnh Quyền, Giám đốc kinh doanh của Sacombank-SBJ cho hay, công ty này hiện không dập vàng miếng cho nhu cầu kinh doanh của riêng công ty hay theo yêu cầu gia công của phía ngân hàng, cho dù nguyên liệu chính thống là có. “Chúng tôi đang thực hiện nghiêm ngặt chỉ thị của Ngân hàng Nhà nước về ngừng sản xuất vàng miếng”, ông Quyền cho biết. Cũng theo ông Quyền, văn bản này đến tay công ty từ hơn một tháng trước.

 

Hôm 25/11 vừa qua, khi trả lời chất vấn tại Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đã cho biết, sắp tới, khi điều kiện cho phép, vàng miếng mang thương hiệu SJC sẽ được đổi thành SBV - tên viết tắt tiếng Anh của Ngân hàng Nhà nước. “Sau một thời gian hoạt động, SJC hiện đã chiếm 90% thị phần. Đây là đơn vị thuộc UBND Tp.HCM. Chúng tôi đã bàn với UBND Tp.HCM và theo đó SJC sẽ trực thuộc Ngân hàng Nhà nước, qua đó Nhà nước vẫn giữ được yêu cầu độc quyền trong quản lý và sản xuất vàng miếng, tiết giảm được chi phí trong sản xuất”, Thống đốc giải thích và nói, “nên hiểu nhãn vàng SJC là nhãn vàng của Ngân hàng Nhà nước, khi điều kiện cho phép chúng tôi sẽ chuyển đổi thương hiệu đó và in lên vàng miếng là SBV”.

 

“Siết sản xuất và kinh doanh vàng miếng theo nguyên tắc Nhà nước độc quyền. Nếu có nhóm lợi ích ở chỗ này, thì các nhóm lợi ích đó là đi trái lại lợi ích của quốc gia, không được chấp nhận và không tồn tại trong thời gian tới”, Thống đốc Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh.

 

Lãnh đạo một doanh nghiệp vàng lớn phía Nam cho hay, trước đây, Ngân hàng Nhà nước vẫn áp dụng song song hai loại hạn ngạch là hạn ngạch nhập khẩu vàng nguyên liệu và hạn ngạch dập vàng miếng. Thông thường, hạn ngạch dập vàng miếng chỉ được cấp sau khi doanh nghiệp được cấp hạn ngạch nhập khẩu vàng nguyên liệu. Tuy nhiên, đã mấy tháng nay, chỉ có SJC được nhập vàng nguyên liệu, và đến nay, các doanh nghiệp không phải SJC lại nhận được yêu cầu ngừng gia công vàng miếng.

 

Trả lời phỏng vấn kênh VTV1 trưa ngày 30/11, bà Cao Thị Ngọc Dung, Tổng giám đốc PNJ cũng cho biết công ty này đã chấp hành yêu cầu ngừng gia công vàng miếng. Thông tin ngừng sản xuất vàng AAA cũng đã được ông Nguyễn Thanh Trúc, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Vàng bạc đá quý Agribank, xác nhận.

 

Trong khi đó, việc dập vàng miếng SJC tại SJC vẫn diễn ra bình thường. “Hoạt động sản xuất và kinh doanh vàng miếng của chúng tôi không có gì xáo trộn”, ông Nguyễn Công Tường, Phó phòng kinh doanh SJC cho biết.

 

Như vậy, việc sản xuất vàng miếng ngoài SJC đã ngừng lại, cho dù nghị định mới về quản lý kinh doanh vàng chưa được ban hành. Các thương hiệu vàng “phi SJC” hiện vẫn được các doanh nghiệp phát hành giao dịch bình thường, tuy một số loại bị áp dụng mức giá thấp hơn đáng kể so với giá vàng SJC như hai thương hiệu vàng AAA hay vàng Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu.

 

Ngừng sản xuất vàng miếng đồng nghĩa với việc một hệ thống máy móc, con người không nhỏ của các đơn vị bị “xếp xó”. Theo bà Cao Thị Ngọc Dung, PNJ hoạt động đã lâu năm nên khấu hao dây chuyền sản xuất vàng miếng đã gần hết. Bởi thế, việc ngừng sử dụng dây chuyền này sẽ không gây ảnh hưởng lớn về kinh tế.

 

Trong khi đó, ông Tôn Thế Vĩnh Quyền cho biết, để đầu tư cho thương hiệu vàng SBJ, Sacombank-SBJ đã chi ra khoảng 30 tỷ đồng, bao gồm các chi phí cho nhập khẩu máy móc, kỹ thuật, đào tạo nhân viên, xây dựng thương hiệu… “Doanh nghiệp chúng tôi đi vào hoạt động chưa lâu, nên có thể lãng phí toàn bộ số tài sản này nếu không được tiếp tục sản xuất vàng miếng nữa”, ông Quyền nói.

 

Ông Quyền kiến nghị, sau khi cho ngưng sản xuất các thương hiệu vàng miếng ngoài SJC, Ngân hàng Nhà nước có thể mua lại dây chuyền sản xuất của các thương hiệu này để dập vàng miếng thương hiệu quốc gia. “Làm như vậy, Ngân hàng Nhà nước sẽ giúp các doanh nghiệp hạn chế thiệt hại”, ông Quyền nói.

 

Theo Kiều Oanh

VnEconomy




 


 

Tin mới cập nhật