Bộ Tài chính: Nếu có giảm cũng chỉ 288 đồng/lít xăng

Ngày đăng : 01/12/2011 - 12:00 AM

Theo giá cơ sở quy định tại Thông tư 234 thì giá cơ sở mặt hàng xăng thấp hơn giá bán hiện hành là 288 đồng/lít.

 


Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 11 diễn ra chiều nay (1/12), Thứ trưởng Bộ Tài Chính, bà Vũ Thị Mai cho biết, hiện nay giá cơ sở của mặt hàng xăng đang thấp hơn giá bán ra thị trường là 288 đồng/lít, nhưng nếu xăng có giảm giá với mức này thì cũng còn rất thấp.

Thời gian gần đây, giá xăng dầu trên thế giới liên tục giảm mạnh, cụ thể theo bảng giá của Petrolimex, nửa đầu tháng 11/2011, giá xăng thành phẩm trung bình nhập khẩu từ Singapore đứng ở mức 114,27 USD/thùng.

Trong khi đó, tính từ 15/11 tới nay, giá xăng A92 nhập khẩu luôn dao động xung quanh ngưỡng 107 USD/thùng, thậm chí hôm 21/11 rớt xuống còn 105 USD/thùng (thời điểm ngày 26/8 giá xăng bán lẻ được điều chỉnh giảm từ 21.300 đồng xuống 20.800 đồng/lít, giá nhập khẩu xăng A92 ở mức 122,3 USD/thùng).

Tuy nhiên, ngày 28/11, Cục trưởng Cục quản lý giá (Bộ Tài chính) đã ra thông báo không giảm giá bán xăng ra thị trường, giữ ổn định giá bán các loại xăng, dầu, và tăng mức trích quỹ bình ổn giá đối với xăng thêm 250 đồng/lít, như vậy tổng mức trích quỹ BOG với mặt hàng xăng là 550 đồng/lít, giữ ổn định trích quỹ BOG đối với dầu ở mức 300 đồng/lít.

Thời gian gần đây, giá xăng dầu thế giới đã có biến động giảm, nhưng tính theo bình quân 30 ngày từ ngày 27/10 đến 25/11, theo giá cơ sở quy định tại Thông tư 234 thì giá cơ sở mặt hàng xăng thấp hơn giá bán hiện hành là 288 đồng/lít và với mức này doanh nghiệp đã có lợi nhuận.

Tuy nhiên, giá cơ sở của các mặt hàng dầu như: dầu hỏa, dầu diesel và dầu mazut thì vẫn cao hơn giá bán hiện hành từ 1.204 - 1.334 đồng/lít. Vì vậy, tổ điều hành liên bộ Tài chính - Công thương đã cân nhắc, được sử dụng quỹ bình ổn giá  đối với mặt hàng dầu để giảm mức lỗ cho doanh nghiệp đối với mặt hàng này, tăng mức trích quỹ bình ổn giá  đối với xăng.

“Tăng trích quỹ bình ổn giá để tăng thêm nguồn sử dụng quỹ bình ổn giá cho mặt hàng dầu, nhằm ổn định giá, đảm bảo kiềm chế lạm phát theo đúng tinh thần của Nghị quyết 11 của Chính phủ. Việc giảm 288 đồng/lít này, nếu có giảm vào giá xăng thì cũng rất thấp”, bà Mai nói.

Cũng theo Thứ trưởng Mai, tồn quỹ bình ổn giá hiện nay là không nhiều, vì thế, phải tăng trích quỹ bình ổn giá để có nguồn bù đắp nhằm bình ổn cho các mặt hàng khác.

“Quyết định vừa rồi được đưa ra căn cứ vào giá thị trường thế giới, căn cứ vào thông tư 234 về tính giá cơ sở, trên cơ sở đảm bảo ổn định vĩ mô, kìm chế lạm phát, đảm bảo lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân”, bà Mai nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo ý kiến của một số chuyên gia kinh tế, mức giảm 288 đồng/lít với người dân đúng là không nhiều. Song với những doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh vận tải dùng nguyên liệu xăng, dầu thì lại là một con số không hề nhỏ.

Đặc biệt, đối với doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, mức chênh lệch 288 đồng/lít này là một số tiền rất lớn.

“Bên cạnh đó, việc giảm giá mặt hàng xăng dầu còn tạo được tâm lý tốt đối với người tiêu dùng và giảm áp lực tăng giá bán lên nhiều mặt hàng khác”, vị chuyên gia kinh tế cho biết.

 

Theo Châu Anh - VTC News




 

Họ tên :

Email :

Nội dung :

Tin cùng chủ đề

Vàng miếng “phi SJC” được yêu cầu ngừng sản xuất

Ngày đăng : 30/11/2011 - 12:00 AM

Thời gian gần đây, các thương hiệu vàng không phải vàng SJC đã ngừng dập vàng nguyên liệu thành vàng miếng, theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước.

 

                                    

 

Đã mấy tháng nay, chỉ có SJC được nhập vàng nguyên liệu, và đến nay, các doanh nghiệp không phải SJC lại nhận được yêu cầu ngừng gia công vàng miếng. Một số thương hiệu vàng “sinh sau đẻ muộn” đang lo ngại sẽ thua lỗ, vì chưa kịp khấu hao hết dây chuyền. Theo thông tin từ một số công ty kim hoàn sản xuất vàng miếng như Sacombank-SBJ và PNJ thì từ hơn một tháng nay, hệ thống máy móc dập vàng của họ đã nằm im.

 

Ông Tôn Thế Vĩnh Quyền, Giám đốc kinh doanh của Sacombank-SBJ cho hay, công ty này hiện không dập vàng miếng cho nhu cầu kinh doanh của riêng công ty hay theo yêu cầu gia công của phía ngân hàng, cho dù nguyên liệu chính thống là có. “Chúng tôi đang thực hiện nghiêm ngặt chỉ thị của Ngân hàng Nhà nước về ngừng sản xuất vàng miếng”, ông Quyền cho biết. Cũng theo ông Quyền, văn bản này đến tay công ty từ hơn một tháng trước.

 

Hôm 25/11 vừa qua, khi trả lời chất vấn tại Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đã cho biết, sắp tới, khi điều kiện cho phép, vàng miếng mang thương hiệu SJC sẽ được đổi thành SBV - tên viết tắt tiếng Anh của Ngân hàng Nhà nước. “Sau một thời gian hoạt động, SJC hiện đã chiếm 90% thị phần. Đây là đơn vị thuộc UBND Tp.HCM. Chúng tôi đã bàn với UBND Tp.HCM và theo đó SJC sẽ trực thuộc Ngân hàng Nhà nước, qua đó Nhà nước vẫn giữ được yêu cầu độc quyền trong quản lý và sản xuất vàng miếng, tiết giảm được chi phí trong sản xuất”, Thống đốc giải thích và nói, “nên hiểu nhãn vàng SJC là nhãn vàng của Ngân hàng Nhà nước, khi điều kiện cho phép chúng tôi sẽ chuyển đổi thương hiệu đó và in lên vàng miếng là SBV”.

 

“Siết sản xuất và kinh doanh vàng miếng theo nguyên tắc Nhà nước độc quyền. Nếu có nhóm lợi ích ở chỗ này, thì các nhóm lợi ích đó là đi trái lại lợi ích của quốc gia, không được chấp nhận và không tồn tại trong thời gian tới”, Thống đốc Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh.

 

Lãnh đạo một doanh nghiệp vàng lớn phía Nam cho hay, trước đây, Ngân hàng Nhà nước vẫn áp dụng song song hai loại hạn ngạch là hạn ngạch nhập khẩu vàng nguyên liệu và hạn ngạch dập vàng miếng. Thông thường, hạn ngạch dập vàng miếng chỉ được cấp sau khi doanh nghiệp được cấp hạn ngạch nhập khẩu vàng nguyên liệu. Tuy nhiên, đã mấy tháng nay, chỉ có SJC được nhập vàng nguyên liệu, và đến nay, các doanh nghiệp không phải SJC lại nhận được yêu cầu ngừng gia công vàng miếng.

 

Trả lời phỏng vấn kênh VTV1 trưa ngày 30/11, bà Cao Thị Ngọc Dung, Tổng giám đốc PNJ cũng cho biết công ty này đã chấp hành yêu cầu ngừng gia công vàng miếng. Thông tin ngừng sản xuất vàng AAA cũng đã được ông Nguyễn Thanh Trúc, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Vàng bạc đá quý Agribank, xác nhận.

 

Trong khi đó, việc dập vàng miếng SJC tại SJC vẫn diễn ra bình thường. “Hoạt động sản xuất và kinh doanh vàng miếng của chúng tôi không có gì xáo trộn”, ông Nguyễn Công Tường, Phó phòng kinh doanh SJC cho biết.

 

Như vậy, việc sản xuất vàng miếng ngoài SJC đã ngừng lại, cho dù nghị định mới về quản lý kinh doanh vàng chưa được ban hành. Các thương hiệu vàng “phi SJC” hiện vẫn được các doanh nghiệp phát hành giao dịch bình thường, tuy một số loại bị áp dụng mức giá thấp hơn đáng kể so với giá vàng SJC như hai thương hiệu vàng AAA hay vàng Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu.

 

Ngừng sản xuất vàng miếng đồng nghĩa với việc một hệ thống máy móc, con người không nhỏ của các đơn vị bị “xếp xó”. Theo bà Cao Thị Ngọc Dung, PNJ hoạt động đã lâu năm nên khấu hao dây chuyền sản xuất vàng miếng đã gần hết. Bởi thế, việc ngừng sử dụng dây chuyền này sẽ không gây ảnh hưởng lớn về kinh tế.

 

Trong khi đó, ông Tôn Thế Vĩnh Quyền cho biết, để đầu tư cho thương hiệu vàng SBJ, Sacombank-SBJ đã chi ra khoảng 30 tỷ đồng, bao gồm các chi phí cho nhập khẩu máy móc, kỹ thuật, đào tạo nhân viên, xây dựng thương hiệu… “Doanh nghiệp chúng tôi đi vào hoạt động chưa lâu, nên có thể lãng phí toàn bộ số tài sản này nếu không được tiếp tục sản xuất vàng miếng nữa”, ông Quyền nói.

 

Ông Quyền kiến nghị, sau khi cho ngưng sản xuất các thương hiệu vàng miếng ngoài SJC, Ngân hàng Nhà nước có thể mua lại dây chuyền sản xuất của các thương hiệu này để dập vàng miếng thương hiệu quốc gia. “Làm như vậy, Ngân hàng Nhà nước sẽ giúp các doanh nghiệp hạn chế thiệt hại”, ông Quyền nói.

 

Theo Kiều Oanh

VnEconomy




 


Nhà đầu cơ bán vàng lần đầu tiên trong 5 tuần

Ngày đăng : 29/11/2011 - 12:00 AM

Vị thế mua với 18 hàng hóa nguyên liệu thô thấp nhất trong 28 tháng. Đồng bị bán nhiều gấp đôi tuần trước. Có 645 triệu USD bị rút khỏi các quỹ phi kim loại quý.

 



Các nhà đầu cơ giảm đặt cược vào thị trường hàng hóa bằng cách đưa vị thế mua xuống thấp nhất kể từ tháng 7/2009 do lo ngại khu vực đồng Euro sẽ sụp đổ, kìm hãm nhu cầu hàng hóa nguyên liệu thô.

Theo dữ liệu của Bloomberg, trong tuần đến ngày 22/11, các nhà quản lý tiền tệ đã giảm 25% vị thế mua ở 18 loại hàng hóa trên thị trường kỳ hạn và quyền chọn, xuống còn 562.508 hợp đồng. Đây là mức sụt nhiều nhất kể từ 14/7/2009. Đầu tư vào ngô sụt 25% - nhiều nhất kể từ tháng 6/2010, trong khi vị thế bán với đồng tăng gấp đôi.

Trong tháng 11, có 19 trong số 24 hàng hóa sụt giảm. Chỉ số GSCI theo dõi thị trường hàng hóa hạ 0,5%, với mức giảm mạnh nhất ở đường, ca cao, niken và bông, khi giảm trên 10%. Giá dầu thô tăng 5,1% trong tháng này, cùng đà tăng với thịt, thức ăn gia súc, gia súc sống và cà phê.

Trên thị trường chứng khoán, chỉ số MSCI của chứng khoán toàn cầu mất 7% và có thêm 4,6 nghìn tỷ USD bị xóa sổ khi nỗi lo châu Âu tạo nên làn sóng bán tháo ồ ạt.

So với thời điểm giá hàng hóa ở mức đáy năm 2008, vị thế mua của nhà đầu cơ hiện cao gấp 8 lần. Số tiền đổ vào hàng hóa tuy nhiên lại thấp hơn 64% so với mức kỷ lục 1,56 triệu hợp đồng của tháng 9 năm ngoái.

Trong tuần tổng hợp số liệu, JPMorgan, ngân hàng lớn nhất của Mỹ về tài sản, đã giảm triển vọng vào giá hàng hóa, khi cho rằng chỉ số GSCI chỉ tăng 10% trong năm tới, từ mức 15% đưa ra cách đây 1 tháng, và bày tỏ bi quan về tương lai giá trong vòng 3 – 6 tháng tới.

Goldman Sachs trong khi đó hạ dự báo giá hàng hóa xuống mức tăng 15%, từ 20% đưa ra hôm 14/11. Ngân hàng này cũng tỏ ra e ngại về tương lai giá hàng hóa trong nửa năm tới.

Trong tuần qua, nhà đầu cơ đã tăng vị thế bán đồng lên 7.731 hợp đồng. Vàng bị nhà đầu cơ bán lần đầu tiên trong 5 tuần, với vị thế mua giảm 13% xuống 149.246 hợp đồng.

Nhà đầu cơ cũng giảm tới 34% vị thế mua ở 11 nông sản, xuống còn 261.477 hợp đồng. Vị thế mua ca cao, khô đậu tương, dầu đậu tương, lúa mì giảm mạnh nhất, riêng đậu tương đã mất vị thế mua và ở vị thế bán lần đầu tiên kể từ tháng 7/2010 với 8.622 hợp đồng.

Theo dữ liệu của công ty theo dõi hoạt động của các quỹ EPFR Global, thì trong tuần đến ngày 23/11 nhà đầu tư đã đổ 1,26 tỷ USD là vào kim loại quý và rút 645 triệu USD khỏi các quỹ phi kim loại quý.

 

Nguyễn Hằng

Theo TTVN/Bloomberg
 


Quốc gia nào là 'trùm' dự trữ vàng thế giới?

Ngày đăng : 22/11/2011 - 12:00 AM

Các ngân hàng trung ương đang đóng góp vào nhu cầu vàng thế giới. Các dữ liệu mới nhất từ Hội đồng Vàng Thế giới cho thấy, ngày càng có nhiều thay đổi về dự trữ vàng giữa các quốc gia. Một vài quốc gia trong số đó đang vật lộn trong cuộc khủng hoảng nợ ở châu Âu.

24/7 WallSt. đưa ra danh sách 13 quốc gia và hai tổ chức có dự trữ vàng cao nhất, để xem làm thế nào các quốc gia và tổ chức này có thể ảnh hưởng đến nhu cầu vàng trong tương lai.

Trong khi nhu cầu đầu tư là động lực chính khiến nhu cầu vàng tăng trong quý vừa qua, chính việc các ngân hàng trung ương mua và bán vàng cũng đang là yếu tố chủ đạo ảnh hưởng đến nhu cầu vàng. Hội đồng vàng Thế giới dự kiến nhu cầu của các ngân hàng trung ương sẽ tăng khi khủng hoảng tín dụng của các chính phủ phương Tây thêm trầm trọng. Hội đồng Vàng thế giới cũng dự báo xu hướng dự trữ vàng của các ngân hàng trung ương sẽ còn tiếp tục trong năm 2012.

Khủng hoảng nợ châu Âu và sự non yếu của các thị trường mới nổi dường như không ảnh hưởng nhiều đến nhu cầu dự trữ vàng của các ngân hàng trung ương. Tổng nhu cầu vàng đã tăng 6% trong quý 3 chỉ sau một năm, lên con số 1.053,9 tấn, tương đương 57,7 tỉ USD, con số cao nhất mọi thời đại. Đầu tư là nguyên nhân lớn nhất khiến nhu cầu vàng tăng, trong khi nhu cầu về trang sức rất ít ảnh hưởng.

13. Venezuela: 365,8 tấn



Venezuela tăng dự trữ vàng lên gần 5%. Tổng thống Hugo Chavez dường như không kết bạn với Mỹ, nhưng sản lượng dầu và xu thế quốc hữu hóa doanh nghiệp tiếp tục làm giàu thêm cho chính phủ nước này. Dân số Venezuela chỉ khoảng 27 triệu người và đây là quốc gia Mỹ Latin duy nhất trong số 13 quốc gia trong danh sách này. Theo Hội đồng vàng Thế giới, trong năm 2010, Venezuela đã mua 3,1 tấn vàng, sau khi mua 4,1 tấn tại địa phương trong năm 2009. Venezuela vẫn tiếp tục bổ sung dự trữ vàng.

 

 

 

 

 

 

 

12. Bồ Đào Nha: 382,5 tấn

Đáng ngạc nhiên, thuộc nhóm PIIGS (Bồ Đào Nha, Ý, Ireland, Hy Lạp, Tây Ban Nha), Bồ Đào Nha cũng là một "trùm" dự trữ vàng. Quốc gia châu Âu này có dân số xấp xỉ 11 triệu người. Có lẽ người châu Âu nên bắt đầu yêu cầu Bồ Đào Nha cam kết dùng một phần dự trữ vàng để cải thiện tình hình tài chính của mình. Bồ Đào Nha đã tham gia một phần vào Hiệp định Vàng Ngân hàng Trung ương từ trước đó, với vai trò người bán trong những năm gần đây. Do đó, có vẻ hợp lý khi cho rằng quốc gia này sẽ tiếp tục bán vàng để thanh toán nợ và các nghĩa vụ liên quan.

11. Đài Loan: 423,6 tấn



Đài Loan là một bất ngờ khác trong danh sách các quốc gia dự trữ vàng lớn nhất thế giới. Đài Loan có lĩnh vực điện tử lớn, và có thể việc nắm giữ số lượng vàng lớn có thể giúp quốc gia này duy trì nguồn tài chính trong cuộc đối đầu liên tục lâu dài với Trung Quốc. Tính theo đầu người, quốc gia này đã được coi là giàu có hơn nhiều nước láng giềng.

10. Ấn Độ 557,7 tấn




Lượng vàng của Ấn Độ chính thức vẫn chỉ ở mức như hồi đầu năm nhưng dường như lượng vàng mà các ngân hàng trung ương Ấn Độ sẽ tăng. Quốc gia này có 1,2 tỉ dân với nền kinh tế đang phát triển, mặc dù chính phủ Ấn Độ phải ra sức chiến đấu với lạm phát suốt năm 2011. Tích trữ vàng là truyền thống trong văn hóa Ấn Độ và có nhiều khả năngẤn Độ sẽ tiếp tục tích lũy vàng nhiều hơn nữa. Gần 1/3 nhu cầu đồ trang sức của thế giới đến từ Ấn Độ. Đây cũng là nước mua lại 200 tấn vàng từ IMF vào cuối năm 2010. Ấn Độ có vẻ sẽ là nhà tích trữ vàng không chỉ riêng trong năm 2012, mà còn trong nhiều năm tới.

9. Hà Lan: 612,5 tấn



Một quốc gia khá nhỏ với chỉ có 16,6 triệu người nhưng là một trong những trùm dự trữ vàng thế giới là Hà Lan. Quốc gia này thậm chí từng nắm giữ nhiều vàng hơn. Từ năm 2003 đến 2008, Hà Lan cũng là nhà bán theo Hiệp định vàng Ngân hàng Trung ương ở châu Âu. Hà Lan có thể giúp tạo ra một gói cứu trợ của Hà Lan cho các nước "con nợ" thuộc nhóm PIIGS ở châu Âu. Dự trữ vàng của nước này dường như không thay đổi nhiều trong năm 2012.

8. Nhật Bản: 765,2 tấn



Nhật Bản đã phải đương đầu với tình trạng nền kinh tế phát triển chậm chạp trong suốt hai thập kỷ và đồng Yên Nhật hiện được coi là một nơi ẩn náu an toàn cho các nhà đầu tư quốc tế. Người dân Nhật Bản thường giữ tiền mặt trong nhà. Đồng Yên đang tăng giá cùng với mớ nợ tính theo GDP đang ở mức "khủng" và tăng trưởng ở con số 0. Giá hàng hóa Nhật Bản đang trở nên quá đắt đối với người nước ngoài do sức mạnh của Yên. Nhật cũng vẫn đang phục hồi từ sau thảm họa sóng thần và sự cố hạt nhân từ tháng 3/2011. Có lẽ Nhật Bản sẽ chứng minh được mình là một người bán vàng vào năm 2011 thay vì cố gắng để thúc đẩy dự trữ ngoại tệ.

7. Nga: 851,5 tấn



Trong quá khứ, Nga từng ngấu nghiến dự trữ vàng để củng cố đồng rúp trong quá khứ và năm nay tình trạng này lại tái diễn. Nga hiện dự trữ 851,5 tấn vàng, con số này hồi đầu năm là 784,1 tấn. Với trữ lượng dầu và dự trữ hàng hóa lớn, Nga nhắm tới việc tăng ảnh hưởng của mình trên thế giới như một cỗ máy tài chính. Có vẻ Nga sẽ là một nhà mua vàng vào năm 2012.

6. Thụy Sỹ: 1.040,1 tấn



Năm nay, Thụy Sỹ đã có các biện pháp ngăn chặn sự lên giá của đồng franc Thụy Sỹ. Thụy Sỹ đã bán vàng theo Hiệp định vàng Ngân hàng Trung ương từ năm 2003 đến 2008. Với chỉ khoảng 7,6 triệu người, quốc gia này thực sự cần bao nhiêu vàng? Thụy Sỹ có thể dễ dàng làm tăng dự trữ vàng mà không làm ảnh hưởng đến đồng tiền chính thức của mình.

5. Trung Quốc: 1.054,1 tấn




Trung Quốc đã bổ sung nhiều vào dự trữ vàng quốc gia. Không có lí do nào để hy vọng dự trữ vàng này sẽ giảm, đặc biệt khi Trung Quốc đang tìm kiếm một đồng tiền dự trự trong thời gian tới. Trung Quốc có khoảng 1,3 tỉ dân và có nền kinh tế phát triển nhanh. Quốc gia này đang mua thêm hơn 450 tấn vàng từ năm 2003 đến 2009 và trong năm 2010, đã mua hơn 200 tấn vàng.

4. Pháp: 2.435,4 tấn



Pháp không trong tình trạng như Ý và các quốc gia còn lại trong nhóm PIIGS, nhưng để tiên đoán chuyện gì sẽ xảy ra với dự trữ vàng của Pháp là rất khó. Với mức sụt giảm tín nhiệm nợ có thể xảy ra trong thời gian tới, Pháp vẫn là nền tảng lớn thứ hai châu Âu của khu vực đồng Euro và Liên minh châu Âu. Pháp là một thành viên trong Hiệp định Vàng Ngân hàng Trung Ương, đóng vai trò như bên bán vàng và tình trạng tài chính của Pháp cũng đang chao đảo trong khủng hoảng nợ châu Âu. Có thể Pháp sẽ tiếp tục bán vàng, mặc dù quốc gia này cần nhiều tài sản bền vững hơn để dự trữ.

3. Ý: 2.451,8 tấn



Ý là nhà bán vàng trong Hiệp định Vàng Ngân hàng Trung ương nhưng hiện là lại đang mối quan ngại lớn nhất của châu Âu và nhóm PIIGS. Dường như người Ý sẽ bán tháo dự trữ vàng của mình. Quốc gia này vừa có một chính phủ mới và tăng trưởng kinh tế của Ý được dự kiến sẽ bị giới hạn ở tốc độ an toàn nhất. Bán vàng có thể giải quyết một số khoảng trống trong ngân sách của Ý và giải quyết được một số vấn đề kinh tế. Bởi các vấn đề nợ của Ý là khá lớn, có khả năng Ý sẽ là nhà bán vàng vào năm 2012.

2. Đức: 3.401,8 tấn

Đức vẫn là nền tảng của Liên minh châu Âu và khu vực đồng euro. Quốc gia này là nhà bán vàng trong Hiệp định Vàng Ngân hàng trung ương từ năm 2003 đến 2008 nhưng doanh số bán vàng cũng không đủ để giải quyết các vấn đề lớn. Rất khó để xem Đức là nhà mua vàng nhưng cũng không thể coi là đây như nhà bán vàng. Bán vàng quá nhiều có thể tiếp tục gây áp lực khiến đồng euro gặp khó khăn. Tuy nhiên, quỹ cứu trợ đồng euro phải có một nền tảng nào đó và Đức có thể bán bớt một số vàng nữa để đảm trách vai trò này mà không bị đe dọa mất vị trí số 2 trong số các quốc gia nắm giữ dự trữ vàng hàng đầu thế giới.

1. Mỹ:  8.133,5 tấn



Mỹ đã mất đánh giá xếp hạng tín dụng AAA và đã tạo ra một số lượng lớn USD để hỗ trợ các gói cứu trợ và kích thích kinh tế. Mỹ có thể luôn luôn cố gắng bán đỡ một số vàng để chống lại áp lực giá cả hàng hóa trong tương lai, nhưng quốc gia này hiện đã đạt tới đỉnh điểm của khủng hoảng và thâm hụt khiến Mỹ phải tích trữ các tài sản cố định khác để chống lại thác thức khác đối với đống USD như đồng tiền dự trữ số 1 thế giới.

Hai tổ chức dự trữ vàng lớn nhất: IMF và Ngân hàng trung ương Châu Âu

Các số liệu về dự trữ vàng của IMF trong báo cáo tháng 11 của Ủy ban Vàng thế giới đã chỉ ra rằng IMF nắm giữ 2.814 tấn vàng trong khi Ngân hàng Trung ương châu Âu nắm giữ 502,1 tấn, nhiều hơn Đài Loan, ít hơn Ấn Độ.
 


Giá vàng giao dịch tại 37,84 triệu đồng/lượng, đôla Mỹ trượt xuống 22.150 đồng Việt Nam

Ngày đăng : 21/02/2011 - 12:00 AM

Tỷ giá đôla Mỹ tại Hà Nội ở mức 22.050 – 22.150 đồng Việt Nam/USD. Giá vàng thế giới đến cuối năm 2011 được dự báo tăng thêm tối đa 15%.

 3h chiều ngày 21/02, giá vàng SJC giao dịch ở mức 37,75 – 37,84 triệu đồng/lượng, tăng 100 nghìn đồng/lượng so với lần cập nhật gần nhất nhưng giảm 380 nghìn đồng/lượng so với cuối tuần trước.

Giá vàng SBJ ở mức 37,75 – 37,85 triệu đồng/lượng.

Tỷ giá đồng đôla Mỹ và đồng euro không thay đổi nhiều so với lần cập nhật gần nhất.

1h15 phút chiều ngày 21/02, giá vàng SJC giao dịch ở mức 37,62 – 37,74 triệu đồng/lượng, giảm 480 nghìn đồng/lượng so với cuối tuần trước.

Giá vàng SBJ ở mức 37,56 – 37,74 triệu đồng/lượng.

Tỷ giá đôla Mỹ tại Hà Nội ở mức 22.050 – 22.150 đồng Việt Nam/USD.

Tỷ giá đồng euro tại Hà Nội ở mức 30.100 – 30.300 đồng Việt Nam/euro.

Hội đồng vàng thế giới (WGC) dự báo giá vàng thế giới năm 2011 có thể tăng thêm từ 8 đến 15% so với mức giá hiện tại. Giá vàng thế giới hiện đang giao dịch ở mức khoảng 1.396USD/ounce.

10h sáng, giá vàng SJC ở mức 37,80 - 37,97 triệu đồng/lượng.

Giá vàng SBJ ở mức 37,71 – 37,89 triệu đồng/lượng.

Như vậy giá vàng trong nước trong xu thế giảm từ đầu giờ sáng giao dịch đến nay. Trong khi đó trên thị trường thế giới, giá vàng thế giới đang giao dịch ở mức 1.395USD/ounce, tiến gần đến mức 1.400USD/ounce.

Tỷ giá đôla Mỹ và euro không thay đổi so với lần cập nhật gần nhất. Chênh lệch giá mua và bán USD của các điểm quy đổi lên cao cho thấy sự thận trọng với diễn biến thị trường ngày một lớn hơn.

Phiên giao dịch sáng ngày thứ Hai tại thị trường trong nước, giá vàng giảm ngay từ đầu phiên.

Giá vàng SJC giao dịch ở mức 37,85 – 38,02 triệu đồng/lượng, hạ 200 nghìn đồng/lượng so với cuối tuần trước.

Giá vàng SBJ ở mức 37,90 – 38,04 triệu đồng/lượng.

Tỷ giá đôla Mỹ tại một số điểm quy đổi ở Hà Nội ở mức 22.000 – 22.300 đồng Việt Nam/USD.

Tỷ giá đồng euro tại Hà Nội ở mức 30.030 – 30.300 đồng Việt Nam/euro.

 
Chốt phiên giao dịch ngày thứ Bẩy (ngày 19/02), giá vàng SJC ở mức 38,00 – 38,22 triệu đồng/lượng, tăng 2,2 triệu đồng/lượng tương đương 6,1% so với cuối năm 2010 và cao hơn 2,25 triệu đồng/lượng so với cuối tuần trước. Giá vàng SBJ của Sacombank ở mức 37,56 – 37,80 triệu đồng/lượng.Tỷ giá đôla Mỹ đã lên mức 22.200 – 22.400 đồng Việt Nam/USD. Tỷ giá đồng euro tại Hà Nội ở mức 30.100 – 30.300 đồng Việt Nam/euro.



Lượng vàng “dân gối đầu” lên tới vài trăm tấn

Ngày đăng : 13/02/2011 - 12:00 AM

Theo ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch Tập đoàn Doji, thống kê hiện nay, lượng vàng được người dân tích trữ có thể lên tới vài trăm tấn vàng, tương đương khoảng 16-18 tỷ USD.

 Ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI đưa ra một số biện pháp cần phải làm ngay để đảm bảo sự ổn định và khả năng kiểm soát được của thị trường vàng trong nước.

Thứ nhất, đó là giá vàng trong nước cần phải được liên thông với giá vàng quốc tế một cách toàn diện. Điều này có nghĩa là, cần thu hẹp khoảng cách giá vàng trong nước so với giá vàng quốc tế, đảm bảo không quá chênh lệch khi nhân với tỷ giá ngoại tệ quy đổi. Theo tính toán, khoảng chênh lệch thông thường thường rơi vào khoảng 15 – 20 USD, phụ thuộc vào cung cầu, diễn biến của thị trường. Do vậy, nếu chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá quốc tế vượt ra khỏi ngưỡng này, thì đó là bất hợp lý.

Thứ hai, cần có biện pháp quản lý để lành mạnh hóa thị trường vàng. Đang có hiện tượng “vàng hóa” đối với nền kinh tế và tầng lớp dân cư.

Thứ ba, cần khai thông nguồn lực vàng rất lớn trong dân. Theo thống kê hiện nay, lượng vàng được người dân tích trữ có thể lên tới vài trăm tấn vàng, tương đương khoảng 16-18 tỷ USD.

Để giải quyết toàn diện và căn cơ đối với các vấn đề của thị trường vàng, trách nhiệm đang được đặt lên Ngân hàng Nhà nước. Trong khi chờ đợi các biện pháp này, cơ quan quản lý nhà nước có thể tính tới những biện pháp sau:

Một là, tạo tâm lý cho thị trường ổn định, tránh tình trạng khan hiếm cung cầu, tạo kẽ hở và lợi dụng của các yếu tố đầu cơ. Các cơ quan quản lý nhà nước cần có chính sách mềm dẻo hơn đối với vàng.

Năm 2010, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động cấp quota cho các đơn vị kinh doanh vàng với thời hạn phù hợp để tránh hiện trượng thị trường bị mất cân đối cung cầu, giúp các doanh nghiệp có thể chủ động chọn thời điểm nhập khẩu vàng, giảm bớt tình trạng giá vàng trong nước bị đẩy cao.

Hai là, xem xét lại một số cơ chế chính sách để việc đầu tư kinh doanh vàng vật chất không phải là hướng chủ đạo. Hiện nay, các hoạt động kinh doanh vàng chỉ tập trung vào kinh doanh vàng vật chất, các hình thức khác đều bị cấm (kinh doanh vàng trên tài khoản nước ngoài, sàn vàng, sử dụng các công cụ phái sinh…). Nếu tiếp tục duy trì hình thức kinh doanh vàng vật chất chiếm đến 80% như hiện nay, thì có thể đó là một điều bất lợi.

Ba là, cần khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất vàng trang sức để xuất khẩu, cạnh tranh với các nước trong khu vực như Thái Lan, Trung Quốc. Để làm được việc này, điều quan trọng là cần điều chỉnh chính sách thuế hợp lý, khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất nữ trang để phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Bốn là, cần có cơ chế, chính sách hợp lý để khơi thông, thu hút lượng vàng trong dân, tránh lãng phí nguồn lực vàng lớn để phục vụ kinh tế.

Vừa qua, trong điều kiện tạm thời, nhằm giảm thiểu rủi ro cho các ngân hàng thương mại, Ngân hàng Nhà nước đã không cho phép các ngân hàng thương mại huy động vàng để chuyển ra tiền đồng. Tuy nhiên, để tránh lượng vàng trong dân “nằm chết”, cần phải có một chính sách thu hút hợp lý, có thể thông qua công cụ lãi suất, hay có cơ chế bảo đảm số vàng đó khi chuyển đổi ra tiền vẫn luôn có “bảo chứng”, bảo toàn được giá trị thông qua các hình thức như mua bảo hiểm, phát hành chứng chỉ vàng, cân đối trạng thái qua các sàn giao dịch vàng nước ngoài để tránh rủi ro…


 

Tin mới cập nhật