Ồ ạt phát mại bất động sản

Ngày đăng : 09/12/2011 - 9:15 AM

Trên nhiều trang mua bán, rao vặt về nhà đất, các cụm từ trả nợ vay, đáo hạn, nợ ngân hàng cần bán gấp BĐS… được đăng nhan nhản.
 

                                 

 

Thị trường đóng băng, ngân hàng thúc nợ, không chỉ chủ đầu tư dự án mệt mỏi mà nhiều nhà đầu tư bất động sản (BĐS) thứ cấp cũng lâm vào tình cảnh khó khăn và buộc phải bán tháo ra sản phẩm, thậm chí nhân viên ngân hàng tự rao bán luôn tài sản BĐS thế chấp.

Bỏ cọc

Một thông tin râm ran trong giới môi giới BĐS là tháng trước, hàng loạt nhà đầu tư phía Bắc đã bỏ tiền đặt cọc khi không tham gia mua nền đất một dự án ở Đồng Nai.

Giám đốc một sàn giao dịch BĐS cho biết các chủ đầu tư hiện nay khi bán hàng, nhất là sản phẩm nền đất thường cho khách hàng đặt cọc giữ chỗ. Đây cũng là cách để chủ đầu tư kiểm tra sức mua thị trường. Khi thấy khách hàng xuống tiền giữ chỗ đông thì chủ đầu tư mới tổ chức bán sản phẩm.

“Vừa qua có một dự án đất nền ở Đồng Nai dù có nhiều khách hàng xuống tiền (khoảng 50 triệu đồng) đặt cọc giữ chỗ nhưng khi mở bán, nhiều người không tham gia và chấp nhận mất tiền cọc. Lý do là khách hàng khó khăn về dòng vốn và cảm nhận lướt sóng không có lãi” - ông này cho biết.

Tổng giám đốc một công ty BĐS ở khu Nam nói sức mua thị trường hiện suy giảm do phần lớn các nhà đầu tư thứ cấp (mua đi bán lại) không tham gia vì họ cũng quá khó về thanh khoản.

“Trước đây một dự án căn hộ, nền đất nào đưa ra thị trường chủ đầu tư cũng ưu tiên bán đợt 1 cho các nhà đầu tư thứ cấp. Có nhiều nhóm đầu tư mua sỉ nguyên sàn hay mấy chục lô đất để bán lại. Nhưng giờ đây nhóm các nhà đầu tư này không còn nữa do khó khăn về nguồn vốn và mua vào phải ôm vì bán ra không được” - vị tổng giám đốc cho biết.

Không chỉ căn hộ, đất nền dự án mà nhiều nhà đầu tư các sản phẩm BĐS khác như nhà phố, nhà riêng lẻ cũng ôm trái đắng đang tìm mọi cách bán ra bằng mọi giá.

Giám đốc một sàn giao dịch BĐS ở quận 3, TP.HCM cho biết chỉ cần nhìn vào việc ngưng hoạt động, giải thể của các sàn môi giới thời gian gần đây là biết khách hàng đang chán BĐS như thế nào và ít người nghĩ mua vào lúc này.

Ngân hàng gia tăng siết nợ

Thị trường đang chứng kiến làn sóng nhà đầu tư bán tháo BĐS ra và nguồn cơn chủ yếu là do ngân hàng đẩy mạnh thu hồi nợ.

Thông tin với phóng viên, bộ phận pháp chế nhiều ngân hàng cho biết đang đẩy mạnh hoạt động thanh lý hợp đồng vay quá hạn, bán phát mại tài sản thế chấp là BĐS khi người vay không còn khả năng thanh toán.

Trên nhiều trang mua bán, rao vặt về nhà đất các cụm từ trả nợ vay, đáo hạn, nợ ngân hàng cần bán gấp BĐS… được đăng nhan nhản. Thực tế không chỉ đợi ngày phát mại tài sản mà hiện nhiều chi nhánh ngân hàng còn cho nhân viên tự định giá các tài sản thế chấp bằng nhà đất và rao bán giùm cho người vay để thu hồi vốn.

Ngày 8-12, nhân viên một chi nhánh ngân hàng ở huyện Nhà Bè, TP.HCM kể rằng mấy hôm nay anh phải tự bỏ tiền túi đăng báo để bán một căn nhà ở xã Phước Kiển, Nhà Bè cho khách hàng. Căn nhà này diện tích khoảng 170 m 2 trước đây giá khoảng 2 tỉ đồng giờ bán 1,3 tỉ đồng và anh đăng nội dung bán là nợ quá hạn ngân hàng, cần tiền bán gấp chứ không đăng thông tin mua bán chung chung.

Ông Lưu Trường Hận, Trưởng phòng Pháp chế Ngân hàng Phương Đông, cho hay hiện nay bộ phận của ông phụ trách đang xử lý nhiều hợp đồng vay thế chấp bằng BĐS đến ngày đáo hạn. Số lượng hợp đồng kiểu này đến hạn phải xử lý đang gia tăng nhiều. Đây là thực tế vì năm nay thị trường BĐS, kinh tế vĩ mô quá khó khăn nên nợ quá hạn gia tăng.

“Tôi cho rằng ngân hàng phát mại tài sản thế chấp bằng BĐS là phương án hợp lý nhất. Dù cho giá bán không như kỳ vọng nhưng việc này giúp ngân hàng thu hồi khoản cho vay, còn người vay thoát khỏi việc trả lãi suất cao” - ông Hận nói.

 

Theo Bùi Nhơn

 PLTPHCM
 

Họ tên :

Email :

Nội dung :

Tin cùng chủ đề

Làn sóng bán tháo bất động sản

Ngày đăng : 08/12/2011 - 9:53 PM

Rộ lên các mẩu quảng cáo cần tiền bán gấp căn hộ, nền đất với các mức giá giảm gần 1/3 so với giá các tháng trước.

 

 

Áp lực trả nợ vay ngân hàng và sức mua ở thị trường quá yếu đang khiến nhiều DN và nhà đầu tư buộc phải bán tháo sản phẩm bất động sản (BĐS).

Đua nhau xả hàng

Sau sự kiện hai Công ty CP Địa ốc Dầu Khí và Công ty Sài Gòn Mê Kông vì khó khăn thanh khoản và khát vốn đã bán giảm giá căn hộ đến 35% thì thị trường chứng kiến các cuộc đua xả hàng khác.

Những ngày cuối năm này trên nhiều trang quảng cáo BĐS rộ lên các mẩu thông tin cần tiền bán gấp căn hộ, nền đất với các mức giá giảm gần 1/3 so với giá các tháng trước.

Trên trang muaban.net, một nhà đầu tư rao bán nền đất ở khu dân cư Conic chỉ còn 1,3 tỉ đồng cho 100 m2 trong khi trước đó giá nền đất này là 2,4 tỉ đồng. Còn chủ nhân căn hộ The Mansion (Bình Chánh) rao bán căn hộ giá 9,5 triệu đồng/m2 dù trước kia mua giá 20 triệu đồng/m2. Ở trang diaoc online có người rao bán biệt thự ở Tân Bình giá 4,2 tỉ đồng và cho biết do cần tiền nên đã tự giảm giá đến 600 triệu đồng và mức giá trên còn thương lượng…

Có một điều là dù đã giảm giá nhưng không phải sản phẩm BĐS nào cũng có người mua. Như một cao ốc năm tầng ở quận 3 chủ đầu tư đã rao bán mấy tháng nay với mức giá bán đã lỗ so tổng số tiền bỏ ra đầu tư (lỗ tiền lãi nếu đem tiền đầu tư gửi ngân hàng) nhưng vẫn chưa có khách hàng quan tâm.

Trong tháng qua, một chủ đầu tư đưa nền đất ở khu nam TP ra bán nhưng thị trường trầm lắng nên sau đó buộc phải giảm giá tới gần 2 triệu đồng/m2.

Ông Đoàn Chí Thanh, Tổng Giám đốc Công ty BĐS Hoàng Anh Sài Gòn, cho biết đang có làn sóng bán tháo ra BĐS do áp lực về tài chính trả nợ.

“Hiện tại công ty tôi cũng đang đàm phán với chủ đầu tư và dự kiến sẽ đưa ra bán hai dự án căn hộ với giá giảm mạnh, khoảng 30% so với mức giá đề ra ban đầu” - ông Thanh cho biết.

Trao đổi với phóng viên, bà đỗ Thị Loan, Tổng Thư ký Hiệp hội BĐS TP.HCM, cho biết sau khi nhà đầu tư Sài Gòn Mê Kông bán được gần 300 căn hộ An Tiến cũng có nhiều chủ đầu tư khác rục rịch giảm giá bán căn hộ.

“Nhưng lúc này do có quá nhiều người bán nên thị trường đang bị dội. Vì câu hỏi là tiền đâu để khách hàng mua?” - bà Loan phân tích.

Mất thanh khoản

Một trong các yếu tố khiến kênh BĐS bất động trong mùa cao điểm và đang có làn sóng bán tháo là do sức cầu thị trường sụt giảm mạnh.

Tổng giám đốc một công ty BĐS ở khu nam TP.HCM phân tích ở thị trường BĐS có ba nhóm khách hàng thể hiện sức cầu thị trường là mua đầu tư, mua ở và mua để ở kết hợp bán lại. Tuy nhiên, tình hình kinh tế hiện nay quá khó khăn đã loại trừ gần như hết số lượng các nhà đầu tư, còn với người mua ở thì lãi suất ngân hàng trên 20%/năm quá cao nên người mua nhà không vay. Nhóm còn lại mua ở và đầu tư thì mắc kẹt do thị trường ảm đạm.

Từ sức cầu thị trường sụt giảm mạnh cộng nguồn cung căn hộ, nền đất ra nhiều nên thị trường BĐS như bội thực. Mặt khác, khi các hợp đồng vay nợ ngân hàng đến ngày phải thanh toán khiến cho nhiều nhà đầu tư bóp bụng bán tháo ra lấy tiền xoay xở. Điều đang nói là trong cùng thời điểm nhiều người bán nên thị trường bị dội hàng và ít nhiều đã có các trường hợp buộc phải bán BĐS lỗ quá 40%.

Trưởng bộ phận thu hồi công nợ của một ngân hàng thương mại có trụ sở ở TP.HCM cho biết hai tháng gần đây nhiệm vụ chính của anh chỉ là lên danh sách các khách hàng đến hạn để thu hồi các khoản nợ khó đòi từ BĐS.

Lý do là các ngân hàng muốn giảm các khoản nợ xấu và đưa dư nợ tín dụng phi sản xuất về mức 16% như quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Ghi nhận nội tình các ngân hàng cũng cho thấy vì nợ xấu gia tăng nhất là nợ xấu BĐS nên các ngân hàng ráo riết đòi các khoản vay ở lĩnh vực này. Thậm chí có những kiểu đòi nợ rất lạ: “Có khách hàng vay hai hợp đồng thế chấp bằng BĐS và xe ô tô. Một hợp đồng đến hạn khách hàng thanh toán đầy đủ để lấy ô tô ra thì ngân hàng không chịu mà đòi thanh lý luôn hợp đồng vay có thế chấp bằng BĐS” - một cán bộ ngân hàng cho biết.

Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM, cho rằng xu hướng thị trường BĐS còn nhiều khó khăn nhưng sợ nhất là thị trường tài sản bị mất niềm tin.

 

 

Theo PLVN

 

 

 

 


Bài toán hóc búa để có nhà ở Hà Nội

Ngày đăng : 08/12/2011 - 9:50 PM

Hà Nội là một trong những thành phố đắt đỏ nhất thế giới và giá bất động sản không thua kém các quốc gia giầu có.

              

 

Điều này đã khiến những cư dân Hà Nội, đặc biệt tầng lớp có thu nhập thấp, phải sống trong điều kiện chật chội, thiếu tiện nghi.

Theo con số năm 2003, 30% dân số Hà Nội sống dưới mức 3 mét vuông một người. Ở những khu phố trung tâm, tình trạng còn bi đát hơn rất nhiều. Nhà nước cũng không đủ khả năng để hỗ trợ cho người dân. Chỉ khoảng 30% cán bộ, công nhân, viên chức được phân phối nhà ở.

Do truyền thống văn hóa và những khó khăn về chỗ ở, hiện tượng 3, 4 thế hệ cùng sống chung trong một ngôi nhà rất phổ biến ở Hà Nội. Mỗi năm, thành phố xây dựng mới hàng triệu mét vuông nhà, nhưng giá vẫn ở mức quá cao so với phần lớn người dân. Gần như 100% các gia đình trẻ ở Hà Nội chưa có nhà ở, phải sống ghép chung hoặc thuê nhà ở tạm.
Với giá từ 500 triệu tới 1,5 tỷ đồng một căn hộ chung cư, một người dân có thu nhập trung bình chỉ có thể mua được sau nhiều năm tích lũy tài chính. Bên cạnh những khu chung cư mới mọc thêm ngày càng nhiều, vẫn còn những bộ phận dân cư phải sống trong những điều kiện hết sức lạc hậu. Tại bãi An Dương, dải đất giữa sông Hồng thuộc địa phận Yên Phụ, Từ Liên, Phúc Xá, hàng trăm gia đình sống trong những ngôi nhà lợp mái tre xây từ nhiều năm trước…

Mới đây nhất theo công bố của Hãng tư vấn nguồn nhân lực ECA – International, thủ đô Hà Nội đứng ở vị trí thứ 41 ở khu vực châu Á và thứ 217 trên thế giới là những thành phố đắt đỏ.

Với những thách thức và khó khăn về nhà ở cho người dân Hà Nội đã đặt gánh nặng lên vai mọi người dân và nhà quản lý.

Vào những năm 1960 và 1970, hàng loạt các khu nhà tập thể theo kiểu lắp ghép xuất hiện ở những khu phố Kim Liên, Trung Tự, Giảng Võ, Thành Công, Thanh Xuân Bắc... Do sử dụng các cấu kiện bê tông cốt thép sản xuất theo quy trình thủ công, những công trình này hiện rơi vào tình trạng xuống cấp nghiệm trọng. Không chỉ vậy, do thiếu diện tích sinh hoạt, các cư dân những khu nhà tập thế lắp ghép còn xây dựng thêm những lồng sắt gắn ngoài trời xung quanh các căn hộ – thường được gọi là chuồng cọp – gây mất mỹ quan đô thị. Hiện những nhà tập thể lắp ghép đang dần được thay thể bởi các chung cư mới.Cuối thập niên 1990 và thập niên 2000, nhiều con đường giao thông chính của Hà Nội, như Giải Phóng, Nguyễn Văn Cừ, Láng Hạ, Ngọc Khánh, Thái Hà, được mở rộng. Các khách sạn, cao ốc văn phòng mọc lên, những khu đô thị mới như nam cầu Thăng Long, bắc cầu Thăng Long, Du lịch Hồ Tây, Định Công, Bắc Linh Đàm... cũng dần xuất hiện.

Khoảng thời gian gần đây, khu vực Mỹ Đình được đô thị hóa nhanh chóng với hàng loạt những ngôi nhà cao tầng mọc lên. Tuy vậy, các khu đô thị mới này cũng gặp nhiều vấn đề, như công năng không hợp lý, thiếu quy hoạch đồng bộ, không đủ không gian công cộng. Trong trận mưa kỷ lục cuối năm 2008, Mỹ Đình là một trong những khu vực chịu thiệt hại nặng nề vì nước ngập.Theo thống kê của Bộ Xây dựng, từ năm 1999 đến nay, Hà Nội đã và đang triển khai 164 dự án nhà ở và khu đô thị mới với tổng diện tích đất là 1.572 ha. Trong hàng loạt các khu đô thị mới vừa được xây dựng như Linh Đàm, Định Công, Mỹ Đình... đều tính đến tỷ lệ nhà ở để bán cho người thu nhập thấp, vợ chồng trẻ nhưng sự thực là những đối tượng này không thể mua nổi những căn hộ này. Nguyên do đơn giản bởi giá đất ở các khu đô thị này rất đắt.

“Để có được mảnh đất khoảng 30m², người ta phải bỏ ra hơn 1 tỷ đồng. Số tiền này ngay cả các hộ thu nhập cao cũng phải mất rất nhiều năm mới tiết kiệm được. Trong trường hợp chọn mua nhà chung cư, giá cũng không rẻ, thường dao động từ 500 triệu tới 1,5 tỷ đồng. Nếu có thu nhập từ 5 triệu đồng trở lên và tiết kiệm được 2 triệu đồng/tháng, người ta cũng phải mất hơn 20 năm để mua được căn hộ ở mức giá thấp nhất” - ông Nguyễn Minh Đức (nghiên cứu sinh cao cấp Viện Hàn lâm khoa học quốc gia Ucraina) chia sẻ.

 

Theo Lam Nguyên
VnMedia

 


Ông Đoàn Nguyên Đức: Giá căn hộ còn giảm nữa

Ngày đăng : 08/12/2011 - 9:44 AM

Áp lực trả nợ ngân hàng và sức mua yếu đang khiến nhiều doanh nghiệp và nhà đầu tư buộc phải giảm giá sản phẩm bất động sản.

 

 

 

Sau khi hai công ty CTCP Địa ốc Dầu Khí và Công ty Sài Gòn Mê Kông vì khó khăn thanh khoản và cần vốn đã giảm giá căn hộ đến 35% thì trên nhiều trang quảng cáo bất động sản, nhiều căn hộ, đất nền giá giảm gần 1/3. Dù giá giảm nhưng không phải sản phẩm bất động sản nào cũng có người mua.

Trên trang muaban.net, một nhà đầu tư rao bán nền đất ở khu dân cư Conic chỉ còn 1,3 tỷ đồng cho 100 m2 trong khi trước đó giá nền đất này là 2,4 tỷ đồng. Còn chủ nhân căn hộ The Mansion (Bình Chánh) rao bán căn hộ giá 9,5 triệu đồng/m2 dù trước kia mua giá 20 triệu đồng/m2. Ở trang diaoconline có tin bán biệt thự ở Tân Bình giá 4,2 tỷ đồng và cho biết do cần tiền nên đã tự giảm giá 600 triệu đồng…

Ông Đoàn Chí Thanh, Tổng Giám đốc Công ty bất động sản Hoàng Anh Sài Gòn, cho biết đang có làn sóng giảm giá bất động sản do áp lực về tài chính trả nợ.

Bên cạnh đó, tình hình kinh tế khó khăn đã loại trừ gần như hết số lượng các nhà đầu tư, còn với người mua để ở thì lãi suất ngân hàng trên 20%/năm quá cao nên người mua nhà không thể vay.

Theo đánh giá của ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT CTCP Hoàng Anh Gia Lai, giá các căn hộ ở vùng ven TPHCM sắp tới sẽ còn giảm.

Giá căn hộ còn giảm vì thu nhập của người dân chưa tương xứng, mặt khác hạ tầng các dự án ở vùng ven TPHCM chưa đồng bộ, kết nối là yếu tố quan trọng. Chẳng hạn, so với Thái Lan, Malaysia dự án căn hộ ở các nước này có hạ tầng tốt hơn nhưng giá không cao như Việt Nam, ông Đức nói.

 

Theo Pháp luật TPHCM


Khi đại gia ngán cao cấp

Ngày đăng : 07/12/2011 - 6:44 PM
Không chỉ các đại gia trong nước như Phát Đạt, Novaland mà ngay cả các nhà đầu tư nước ngoài như CapitaLand, Indochina Land đều đã lên kế hoạch lấn sân vào phân khúc căn hộ trung bình.
 
Nhiều đại gia bất động sản cuối cùng đã quyết định buông mảng cao cấp khi đã gần 3 năm trôi qua phân khúc này vẫn chưa thấy ánh sáng cuối đường hầm.
 
Đầu năm 2010, khi được hỏi liệu doanh nghiệp có chuyển sang kinh doanh căn hộ có giá trung bình và thấp (do tính thanh khoản khá tốt của phân khúc này), ông Nguyễn Văn Đạt, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt, cho biết: “Không thể phủ nhận nhà ở dành cho người thu nhập trung bình đang bán khá chạy, nhưng việc lựa chọn đầu tư căn hộ trung bình hay cao cấp chỉ là bài toán giữa mức lợi nhuận và thời gian thu hồi vốn. Vì thế, Phát Đạt sẽ không thay đổi về mặt chiến lược”. Thời điểm đó, công ty này chỉ phát triển dòng căn hộ cao cấp.
 
Tuy nhiên, khó khăn kéo dài trên thị trường bất động sản cao cấp cuối cùng đã buộc Phát Đạt phải đổi hướng. Có thể thấy được sự thay đổi này qua hàng loạt các dự án của Công ty như The EverRich 3 (quận 7) hay The EverRich 4 (huyện Nhà Bè). Chẳng hạn, mục đích ban đầu của The EverRich 4 là xây căn hộ cao cấp, nhưng sau đó đã được điều chỉnh lại. Trong tổng 25 ha diện tích của Dự án, 7 ha sẽ được dùng để xây căn hộ và số còn lại được phân nền biệt thự để bán. Căn hộ tại dự án này sẽ không đi vào phân khúc cao cấp mà là loại trung bình có diện tích từ 60-75 m2, được bán với giá dưới 1 tỉ đồng. Theo dự kiến, năm 2014, Phát Đạt sẽ tung ra dòng sản phẩm này.
 
Tương tự, The EverRich 3 là dự án đã được phê duyệt cho mục đích phát triển nhà cao tầng, nhưng Phát Đạt đã xin điều chỉnh lại mục đích kinh doanh. Theo đó, một phần diện tích sẽ dành cho căn hộ và một phần khác sẽ được phân thành 89 căn đất nền biệt thự. Diện tích căn hộ tại dự án này cũng sẽ được điều chỉnh còn thấp nhất là 92 m2 thay vì 110 m2 như trước.
 
Không chỉ thay đổi mục đích với những dự án chưa xây dựng, The EverRich 2 (đang được xây dựng tại quận 7 có tổng cộng 12 block với 3.125 căn) cũng được xem xét điều chỉnh diện tích căn hộ đối với những block chưa chào bán và chưa xây. “Chúng tôi đang xây dựng block A với 660 căn. Đối với những căn đang xây và đã bán cho khách hàng, chúng tôi sẽ bảo đảm đúng tiến độ và thiết kế. Nhưng đối với block tiếp theo, Công ty có thể sẽ thiết kế lại diện tích để phù hợp hơn với khả năng chi trả của người mua”, ông Võ Tấn Thành, Phó Tổng Giám đốc phụ trách đầu tư của Phát Đạt, cho biết.
 
Không chỉ Phát Đạt, một doanh nghiệp khác chuyên phát triển căn hộ cao cấp với giá 25-60 triệu đồng/m2 là Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc NoVa (Novaland) cũng đang lên kế hoạch lấn sân vào phân khúc căn hộ trung bình.
 
Tại buổi triển lãm giới thiệu các dự án bất động sản của Công ty vào giữa tháng 9.2011 vừa qua, trong số 10 dự án nhà ở được đưa ra giới thiệu, Novaland dự định sẽ phát triển 2 căn hộ có giá trung bình tại quận 9.
 
Cụ thể, Novaland cho biết sẽ đầu tư 600 tỉ đồng để phát triển dự án Lucky Dragon Residence tại phường Phước Long B, quận 9. Theo dự kiến, khu chung cư cao 24 tầng này sẽ cung cấp 600 căn hộ có diện tích 65-90 m2 với giá 14-15 triệu đồng/m2. Ngoài ra, Công ty sẽ đầu tư 400 tỉ đồng để xây dựng dự án Phú Hữu Residence nằm dọc theo đường Vành đai trong thuộc quận 9. Khi hoàn thành, khu căn hộ 25 tầng này sẽ cung cấp khoảng 450 căn cũng với mức giá 14-15 triệu đồng/m2.
 
Trong khi những đại gia chuyên phát triển bất động sản cao cấp chuyển hướng sang căn hộ trung bình thì những doanh nghiệp phân khúc trung bình lại lấn sang căn hộ bình dân. Công ty Cổ phần Phát triển Nhà Thủ Đức (Thuduc House) là một ví dụ. Theo ông Lê Chí Hiếu, Tổng Giám đốc Thuduc House, Công ty đang có kế hoạch tung ra khoảng 600 căn hộ có diện tích 40-50 m2 với giá 400-500 triệu đồng/căn trong năm 2012.
 
Về việc chuyển hướng sang căn hộ bình dân, ông Hiếu cho rằng nhu cầu đối với căn hộ dành cho người thu nhập trung bình hoặc dưới trung bình là rất lớn trong khi các dự án nhà ở xã hội của Nhà nước chưa thể đáp ứng hết. Vì thế, cơ hội ở phân khúc này còn nhiều. “Khi kinh tế vĩ mô ổn định, lãi suất giảm, dòng sản phẩm dành cho người có thu nhập trung bình và dưới trung bình sẽ chiếm lĩnh thị trường”, ông dự báo.
 
Trong khi đó, ông Thành, Công ty Phát Đạt, cho biết việc chuyển hướng chiến lược kinh doanh của Phát Đạt là nhằm đa dạng hóa dòng sản phẩm để phù hợp hơn với thị trường. “Qua khủng hoảng, Phát Đạt đã có những thay đổi khá lớn về tư duy kinh doanh”, ông nói.
 
Không chỉ doanh nghiệp trong nước, nhiều nhà đầu tư nước ngoài chuyên phát triển bất động sản cao cấp cũng đã nhìn nhận lại chiến lược kinh doanh tại Việt Nam. CapitaLand (Singapore), chủ đầu tư nhiều bất động sản cao cấp tại Việt Nam, là một ví dụ. Giữa năm 2011, Tập đoàn đã thành lập Công ty CapitaValue Homes nhằm phát triển hoạt động kinh doanh cho phân khúc nhà ở trung bình. Hai dự án thuộc phân khúc này cũng đã được Công ty khởi công tại quận 9 trong năm 2011. Theo công bố của CapitaLand, một căn hộ 60-90 m2 sẽ có giá từ 1,2-1,8 tỉ đồng.
 
Ngay cả Indochina Land, nhà phát triển các sản phẩm cao cấp như Indochina Plaza Hà Nội, Hyatt Regency Đà Nẵng, cũng công bố đầu tư vào phân khúc nhà trung bình. Dự án lớn nhất trong năm 2011 của Công ty là Khu Phức hợp Saigon South Residences, với khoảng 1.000-1.200 căn hộ, trong đó phần lớn là căn hộ trung bình.
 
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, mục đích kinh doanh cuối cùng của doanh nghiệp vẫn là lợi nhuận. Muốn có lợi nhuận thì phải bán được hàng. Trong khi bất động sản cao cấp đang trầm lắng thì phân khúc trung bình lại cho thấy nhiều tiềm năng. Do đó, việc thay đổi chiến lược kinh doanh, cơ cấu lại sản phẩm và hướng vào các phân khúc có khả năng mang lại lợi nhuận là giải pháp thức thời của doanh nghiệp.
 
Theo Nguyễn Hùng
Nhịp Cầu Đầu Tư

Khi đầu tư bất động sản ở thế “một cổ hai tròng”

Ngày đăng : 07/12/2011 - 6:39 PM
Với tình cảnh hiện tại, khi được hỏi về triển vọng thị trường trong năm tới, phần lớn doanh nghiệp bất động sản đều ngán ngẩm lắc đầu, “sẽ tiếp tục khó khăn”.
 
Sự trầm lắng của thị trường bất động sản đang ngày một thể hiện rõ hơn khi giá nhà đất tại 3 miền đều nằm trong xu hướng giảm mạnh.
 
Rất có thể, giới đầu tư bất động sản sẽ phải đón một cái tết buồn và ảm đạm khi cả năm trời lăn lộn trên “đất trường” nhưng rốt cuộc, lợi nhuận thu về không thấy đâu, trong khi các món nợ ngân hàng lại đang có dấu hiệu chồng chất.
 
Giảm giá, vẫn khó bán
 
Những thông tin về sự khó khăn của thị trường và giới đầu tư bất động sản hoàn toàn không mới trong thời điểm này. Bởi lẽ, hàng tháng trời trước đó, cảnh dự án đắp chiếu, không bán được hàng đã đầy rẫy trên các phương tiên thông tin đại chúng cũng như thực tế tại các sàn giao dịch. 
 
Ai cũng hiểu, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, tín dụng bị thắt chặt, việc đầu tư vào bất kỳ một lĩnh vực nào cũng trở nên “khó gặm” hơn trước kia, và tất nhiên bất động sản cũng không phải là ngoại lệ.
 
Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây, sau hàng loạt phản ánh, đề xuất nhằm “cứu” thị trường thoát khỏi khủng hoảng, dường như những tia sáng ở cuối đường hầm vẫn chưa thấy xuất hiện, khiến giới đầu tư mỏi mắt đợi chờ.
 
Tại hai thành phố lớn nhất cả nước là Hà Nội và Tp.HCM, giá bất động sản vẫn sụt giảm đều, giao dịch vẫn khá trầm lắng, lẻ tẻ có một vài người dân có nhu cầu mua nhà để ở tìm kiếm những căn hộ vừa túi tiền của họ.
 
Khảo sát mới nhất của CBRE cho thấy, giá nhà, đất tại Tp.HCM tiếp tục sụt giảm trên toàn thị trường thứ cấp, đặc biệt là phân khúc căn hộ.
 
Nếu so với giá bán trong quý 2, giá bán trong quý 3 tại phân khúc căn hộ đã giảm từ 0,5 - 2,3%. Còn nếu so với cùng thời điểm này năm trước, giá bán căn hộ đã giảm trung bình từ 3,5 - 4,3%. Cá biệt, tại một số dự án, nhà đầu tư thứ cấp do khó khăn trong xoay vòng vốn đã phải chấp nhận cắt lỗ đến 20% giá bán những cũng không có nhiều giao dịch thành công.
 
Một cổ hai tròng
 
Một khảo sát mới nhất về thị trường bất động sản Cần Thơ và Bình Dương được Savills Việt Nam công bố đầu tuần này cho thấy, giá giao dịch trung bình của căn hộ tại Cần Thơ giảm mạnh khoảng 17%, còn biệt thự, nhà liền kề giảm 14%, đất nền giảm 2%. Còn tại Bình Dương, giao dịch toàn thị trường tiếp tục sụt giảm khi tỷ lệ hấp thụ chỉ đạt 27%, giảm 5% so với quý trước đó.
 
Trong khi đó, tại Hà Nội, tình trạng giảm giá, thị trường tiếp tục đóng băng vẫn chưa được cải thiện nhiều. Đi đầu trong cơn lốc giảm giá là các dự án phía Tây vốn từng một thời làm mưa làm gió trên thị trường và cũng là khu vực từng mang lại lợi nhuận cho vô số nhà đầu tư. Giá chào bán thứ cấp đất nền tại các dự án như Vân Canh, Gelemximco... trong vài tuần trở lại đây đã giảm từ 5 -7 triệu đồng/m2.
 
Đáng chú ý, trong khi một số chủ đầu tư vẫn đang giữ nguyên giá chào bán hoặc giảm chút ít thì phần lớn giới đầu tư thứ cấp lại tỏ ra hoang mang trước những đồn đoán rằng thị trường sẽ “vỡ bong bóng” vào đầu năm tới. Có không ít nhà đầu tư thứ cấp đã không chịu được cảnh “một cổ hai tròng”, vừa bị ngân hàng thúc ép trả nợ, vừa bị chủ đầu tư thúc tiền nộp tiền tiến độ, đã phải chấp nhận cắt lỗ vài chục % cho một căn hộ chỉ hơn một tỷ đồng.
 
“Tôi mua căn hộ tại dự án Dương Nội của tập đoàn Nam Cường hồi cuối năm ngoái với giá 23 triệu/m2. Đến thời điểm này đã đóng được 1 tỷ đồng, nhưng hiện không thể có tiền để đóng tiếp vì ngân hàng không cho vay nữa. Vừa rồi, đành bán lại căn hộ đó với giá 18 triệu đồng/m2 vì không đóng tiếp tiền sẽ bị chủ đầu tư phạt”, một nhà đầu tư cho hay.
 
Theo tìm hiểu của người viết, tình cảnh như nhà đầu tư trên không phải là ít. Tại dự án Dương Nội, trong khi chủ đầu tư vẫn giữ nguyên mức giá từ 22 triệu đồng/m2 trở lên, thì bên ngoài, các nhà đầu tư thứ cấp đang phải chào bán, sang tên hợp đồng của mình với giá thấp hơn nhiều, thậm chí có người đã phải cắt lỗ 8 triệu đồng/m2.
 
Chủ một doanh nghiệp đầu tư bất động sản tỉnh lẻ cho hay, giá nhà đất tại các địa phương ở miền Trung như Đà Nẵng, Nha Trang, Nghệ An.. cũng sụt giảm đáng kể do giao dịch quá trầm lắng. Hiện doanh nghiệp này đang “mắc kẹt” trên 30 tỷ đồng tiền đầu tư vào một số đất nền tại Đà Nẵng và Nghệ An vì không thể cắt lỗ nổi.
 
Năm 2012 sẽ tiếp tục khó khăn?
 
Khó khăn chồng chất khó khăn, hiện không ít chủ đầu tư dự án bất động sản đang phải gồng mình xoay tiền trả nợ ngân hàng khi kỳ đáo hạn đang cận kề. Thay vì vay tiền “rải” khắp các dự án như trước, hiện nhiều chủ đầu tư chỉ còn cách là dồn tiền vào hoàn thiện một dự án có triển vọng nhất để lôi kéo khách hàng đến với mình.
 
Với tình cảnh hiện tại, khi được hỏi về triển vọng thị trường trong năm tới, phần lớn doanh nghiệp bất động sản đều ngán ngẩm lắc đầu, “sẽ tiếp tục khó khăn”.
 
Theo ông Ngô Thế Vinh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Bất động sản Vinh Gia, thông điệp mà Chính phủ đưa ra cho năm tới đã khá rõ, khi chủ trương sẽ tiếp tục thắt chặt tiền tệ, kiềm chế lạm phát, nên chuyện vay vốn để đầu tư bất động sản hoàn toàn không dễ dàng.
 
Còn theo TS. Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, thị trường bất động sản lâu nay sôi động nhờ lực lượng đầu cơ, nay tín dụng thắt chặt, đội quân này giống như “chuột phải nước”, thì thị trường cũng khó mà vực lại ngay được.
 
Chính vì vậy, khi được hỏi về triển vọng thị trường trong năm tới, nguyên lãnh đạo ngành ngân hàng đã gói gọn trong câu, “nếu chưa có nhà, tôi cũng không mua ngay trong năm tới vì giá sẽ còn giảm nữa”.
 
Có cái nhìn khá thẳng thắn, Phó giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành chia sẻ với PV rằng, thực chất thị trường lâm trọng bệnh như hiện nay không phải do nguyên nhân về tiền.
 
Theo ông, nguyên nhân chính của tình cảnh hiện nay chính là sự khập khiễng về cung và cầu trên thị trường khiến cho người tiêu dùng không thể với tới, trong khi chủ đầu tư lại không bán được hàng.
 
“Tôi làm trong nghề tôi biết, giá nhà mà doanh nghiệp giảm xuống còn 13 triệu đồng/m2 là đã ở dưới giá thành rồi nhưng vì diện tích lớn quá nên thanh khoản cũng không cải thiện nhiều”, ông Đực nói.
 
Bình luận về triển vọng thị trường năm tới, đại diện Đất Lành nói, vừa qua mới chỉ một vài doanh nghiệp giảm giá, nhưng trong năm tới, việc giảm giá bán tại các dự án nhiều khả năng mới trở nên phổ biến, có thể giảm từ 20 - 30%, nên thị trường chắc chắn còn khó khăn nhiều.
 
“Trong năm qua, khó mà có doanh nghiệp bất động sản nào có lãi, chỉ có là lỗ nhiều hay ít mà thôi. Tôi biết có nhiều dự án đã làm xong phần móng với chi phí khoảng 500 tỷ đồng, nhưng giờ bán 300 tỷ, cũng không có người mua”, ông Đực chia sẻ.
 
Theo Song Hà
Vneconomy

 

Tin mới cập nhật