Nhiều ngân hàng sẽ phải “rút bớt lửa”?

Ngày đăng : 01/08/2012 - 4:07 PM

 

Nhiều ngân hàng sẽ phải “rút bớt lửa”?

 

 

Phân tích dữ liệu cho thấy thêm một lý do vì sao tăng trưởng tín dụng nguội lạnh, thậm chí nhiều ngân hàng phải “rút bớt lửa” nếu cơ chế mới được ban hành.

 

Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2012 đã được nhiều ngân hàng thương mại công bố. Một điểm chung là tăng trưởng tín dụng rơi xuống mức rất thấp, thậm chí âm.

 

Ở tình hình chung, đến 25/7, tín dụng toàn hệ thống cũng mới chỉ tăng trưởng được có 0,57% so với cuối năm 2011.

 

Nhiều lý do đã được nêu ra, chủ yếu nghiêng về “lỗi” của doanh nghiệp; khả năng đáp ứng các điều kiện cho vay của họ kém đi do bối cảnh kinh tế khó khăn nên các ngân hàng không thể đẩy mạnh đáp ứng.

 

Một phần là vậy. Nhưng còn có một lý do nữa từ chính các ngân hàng thương mại mà ít được đề cập đến: khả năng cấp tín dụng đang ở ngưỡng cảnh báo an toàn, liên quan đến vấn đề thanh khoản.

 

Dữ liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, cuối năm 2011, tỷ lệ cấp tín dụng so với nguồn vốn huy động (LDR) của hệ thống đã vọt lên mức 103,23%. Nếu một quy định trong Thông tư 13 trước đó được giữ nguyên, con số này đã vượt xa ngưỡng giới hạn (giới hạn 80% và 85% tùy theo nhóm tổ chức tín dụng quy định tại Thông tư 13).

 

Ở tình hình chung, đến cuối tháng 6/2012, tỷ lệ trên đã được giảm xuống đáng kể khi còn 90,33%. Tuy nhiên, tại một số nhóm tổ chức tín dụng, đặc biệt là nhóm chiếm tỷ trọng lớn trong cấp tín dụng cho nền kinh tế, LDR vẫn đang ở mức rất cao, trên 100%.

 

Chệch một chút về thời điểm thống kê, song dữ liệu cho thấy tỷ lệ LDR đến tháng 5/2012 của nhóm ngân hàng thương mại nhà nước vẫn ngất ngưởng tới 104,84%, thậm chí còn cao hơn mức chung của hệ thống cuối năm 2011. Trong khi đó, LDR của khối ngân hàng thương mại cổ phần lại ở mức tương đối với 75,51%.

 

Nếu xem quy định tại Thông tư 13 trước đây là một giới hạn an toàn, thì rõ ràng khối ngân hàng thương mại nhà nước đang có LDR quá cao, trong khi khối cổ phần đang ở mức “cho phép”.

 

LDR là một chỉ báo về thanh khoản, dù độ nóng của nó còn tùy thuộc vào cơ cấu vốn của mỗi nhà băng, đặc biệt là ở cơ cấu kỳ hạn. Cùng với một tỷ lệ LDR, nhưng nếu ngân hàng này có vốn huy động dài hạn hơn, cho vay ngắn hạn nhiều hơn thì áp lực chi trả sẽ dễ chịu hơn nhiều so với ngân hàng có nhiều vốn huy động ngắn hạn nhưng lại cho vay trung dài hạn nhiều hơn.

 

Tỷ lệ cấp tín dụng so với nguồn vốn huy động tính đến 31/5/2012

(đơn vị: %; nguồn: Ngân hàng Nhà nước)

  

Dù thế nào, một tỷ lệ LDR vượt trên 100% có thể xem là một mức cảnh báo, liên quan đến yêu cầu phòng thủ cho thanh khoản, đặc biệt là trước tình huống những nguồn tiền lớn rút đột ngột. Với 104,84%, rõ ràng khối ngân hàng thương mại nhà nước phải cẩn trọng hơn khi đẩy mạnh cho vay - nguyên do nội tại chứ không hẳn chỉ là “lỗi” từ doanh nghiệp vay vốn.

 

Thêm vào đó, nợ xấu trong 6 tháng đầu năm 2012 đã tăng rất mạnh, ở cả tình hình chung lẫn cụ thể tại một số ngân hàng quốc doanh. Khi mà tốc độ nợ xấu tăng đột biến tới trên 200% như tại Ngân hàng Công thương (VietinBank), thì rõ ràng một lượng vốn cho vay đã ra đi mà chưa trở lại đúng hẹn, dẫn đến lỗi nhịp cân đối vốn cho khả năng chi trả.

 

Kết hợp cả hai yếu tố nợ xấu tăng mạnh và LDR cao như vậy tạo nên một lý do trong lòng khối quốc doanh, góp phần giải thích vì sao khó đẩy mạnh cho vay. Đây là nhóm chiếm gần 52% thị phần cho vay tính đến cuối quý 1/2012, nên rõ ràng tạo sự níu kéo rất lớn ở đà tăng trưởng chung của cả hệ thống.

 

Hiện tại là vậy. Sắp tới, nếu một quy định mới được Ngân hàng Nhà nước ban hành, áp lực “rút bớt lửa” sẽ càng khiến khối ngân hàng thương mại nhà nước khó cho vay ra hơn nữa.

 

Ngân hàng Nhà nước không công bố rộng rãi, nhưng một số tổ chức đầu tư đang đề cập đến bản dự thảo thông tư thay thế Thông tư 13 quy định các tỷ lệ an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, mà lộ trình dự kiến là sẽ ban hành trong năm nay.

 

Điểm nổi bật trong dự thảo đó là tái áp dụng giới hạn về LDR như tại Thông tư 13 (từng được sửa bởi Thông tư 19, rồi tạm ngừng áp dụng bởi Thông tư 22) với giới hạn 80%.

 

Tất nhiên đó mới chỉ là nội dung dự kiến và nếu áp dụng chắc chắn phải có một lộ trình để các ngân hàng thương mại thực hiện, đặc biệt là khối quốc doanh, khối ngân hàng nước ngoài - liên doanh và khối công ty tài chính (do đang có LDR trên 100%) chủ động rút về, tránh gây sốc trong hoạt động và với thị trường nói chung.

 

Nhưng tinh thần của Ngân hàng Nhà nước trong dự thảo trên, cũng như nêu rõ trong đề án tái cơ cấu hệ thống, là từng bước giảm dần LDR, tránh để quá cao có thể dẫn tới những rủi ro.

 

Dĩ nhiên, ngoài khả năng phải “rút bớt lửa” là khó đẩy mạnh và hạn chế tín dụng, để co tỷ lệ LDR lại thì các ngân hàng có thể nới rộng mẫu số là gia tăng được vốn huy động. Nhưng giải pháp này cũng khó, bởi cạnh tranh huy động luôn quyết liệt.

 

Chưa hết, LDR của các ngân hàng nói chung và khối quốc doanh nói riêng còn đứng trước một áp lực nữa: Thông tư 21 vừa ban hành chuyển tiền gửi trên liên ngân hàng thành cho vay. Nếu tiền gửi tại các tổ chức tín dụng như trước đây (ngoài tiền gửi thanh toán) bị chuyển thành cho vay, được xem là dư nợ và phải trích lập dự phòng thì có thể LDR sẽ bị đẩy lên nữa.

 

Hiện chưa rõ thông tư thay thế Thông tư 13 với điểm quy định giới hạn LDR 80% sẽ được chốt lại như thế nào, bao giờ ban hành, nhưng đặt ra vấn đề này để thấy rằng việc thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, tăng vốn hỗ trợ doanh nghiệp không hẳn chỉ do bối cảnh nền kinh tế, do các doanh nghiệp yếu đi không đáp ứng được các điều kiện cho vay…, mà con do chính hạn chế của các ngân hàng (tùy theo khối) như trên.

 

Tiếc rằng, hạn chế “của mình” lại không thấy Ngân hàng Nhà nước hay chính các ngân hàng thương mại tập trung giải thích cụ thể khi nói về sự nguội lạnh của tăng trưởng tín dụng trong thời gian qua.

 

Theo Minh Đức

Vneconomy

Họ tên :

Email :

Nội dung :

Tin cùng chủ đề

Đã có 50% các khoản vay cũ được hưởng lãi suất 15%

Ngày đăng : 01/08/2012 - 8:42 AM

 

Đã có 50% các khoản vay cũ được hưởng lãi suất 15%

 

Thông tin này được bà Nguyễn Thị Hồng – Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) cung cấp tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra hôm nay (ngày 31/7/2012).

 

Cụ thể, thực hiện đề nghị của Thống đốc NHNN về việc giảm lãi suất các khoản vay cũ xuống 15%, tính đến 7/7 thì các NHTM Nhà nước và NHTMCP đã có văn bản chỉ đạo rà soát trên toàn hệ thống. Đến 27/7 thì tỷ trọng lãi suất cho vay ở mức 15% đã giảm 50% so với trước kia.

 

Trả lời câu hỏi về biên độ lợi nhuận của các ngân hàng có bị giảm nhiều khi thực hiện việc giảm lãi suất này không? Bà Hồng cho biết, với mỗi một ngân hàng thì biên độ lợi nhuận sẽ ảnh hưởng khác nhau vì điều đó phụ thuộc vào quyết định về lãi suất huy động và cho vay khác nhau của mỗi ngân hàng; cũng phụ thuộc vào mục tiêu và kế hoạch hoạt động do các ngân hàng cụ thể đề ra.

 

Tuy nhiên, bà Hồng chia sẻ “Giảm lãi suất cho vay về 15% đối với các khoản vay cũ thì chắc chắn lợi nhuận sẽ giảm xuống nhưng đó là cần thiết trong bối cảnh doanh nghiệp và nền kinh tế đang khó khăn như hiện nay”.

 

Liên quan đến việc, trong khi các lĩnh vực ưu tiên như: nông nghiệp nông thôn hay công nghiệp phụ trợ thì tiếp cận với vốn vay ưu đãi của ngân hàng dễ dàng hơn còn các DNNVV thì lại vẫn rất khó tiếp cận vốn. Bà Hồng nói:

 

“Tín dụng đối với DNNVV đang giảm phù hợp với bối cảnh doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn như hàng tồn kho cao, đầu ra khó, điều kiện tiếp cận khó khăn. Thời gian vừa qua, điều kiện cấp tín dụng cho các đối tượng này không có sự thay đổi nhưng những khó khăn hiện nay đã khiến cho đối tượng doanh nghiệp này khó đáp ứng được các điều kiện vay vốn tại các tổ chức tín dụng”.

 

Khánh Linh

Theo TTVN


Sắp chỉnh “khung” cho nợ ngân hàng

Ngày đăng : 31/07/2012 - 7:59 PM

 

Sắp chỉnh “khung” cho nợ ngân hàng

 

 

 

Sau hơn hai năm bàn thảo, cuối cùng cơ chế mới có thể cũng sẽ được ban hành.

 

Lãnh đạo chuyên trách của Ngân hàng Nhà nước cho biết, thông tư quy định việc phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro mới dự kiến sẽ ban hành trong tháng 8 này.

 

Sau hơn hai năm bàn thảo, cuối cùng cơ chế mới có thể cũng sẽ được ban hành. Mốc dự kiến tháng 8/2012 là thực tế, bởi thông tư trên cần bắt nhịp kịp một văn bản khác quy định việc trích lập dự phòng các khoản cho vay trên thị trường liên ngân hàng có hiệu lực từ 1/9 tới (Thông tư số 21/2012/TT-NHNN).

 

Thông tư mới sẽ thay thế Quyết định 493/2005/QĐ-NHNN của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định về phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro tín dụng trong hoạt động ngân hàng của tổ chức tín dụng và Quyết định số 18/2007/QĐ-NHNN về việc sửa đổi, bổ sung một số điều ở nội dung này.

 

Những nội dung chính của dự thảo thông tư mới đã từng được xây dựng, lấy ý kiến từ năm 2010. Đây là khung pháp lý quan trọng, can thiệp đến trục hoạt động chính của các tổ chức tín dụng là cho vay và quản lý nợ. Và suốt hơn hai năm qua đã có nhiều ý kiến góp ý, phản biện khác nhau.

 

Hiện chưa rõ các nội dung cụ thể cuối cùng của dự thảo thông tư được chốt lại và thông qua. Song, qua những lần tổ chức lấy ý kiến, có thể dự kiến một số điểm cơ bản.

 

Cụ thể, một nội dung quan trọng của thông tư là hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ để các tổ chức tín dụng chấm điểm khách vay theo các thứ hạng, qua đó tiến hành phân loại nợ theo 5 nhóm với các cấp độ và tỷ lệ trích lập dự phòng như hiện hành.

 

Một nội dung khác dự kiến sẽ tác động đến chi phí của các tổ chức tín dụng là yêu cầu về trích lập dự phòng rủi ro đối với một số lĩnh vực trước đây không có, như đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp, hay cho vay trên liên ngân hàng…

 

Việc trích lập trên sẽ làm tăng chi phí các tổ chức tín dụng, làm lợi nhuận giảm nhất định. Song, những ý kiến đóng góp thời gian qua tập trung ở quan điểm. Đơn cử như ở nội dung chuyển các khoản tiền gửi trên liên ngân hàng thành cho vay và buộc phải trích lập dự phòng rủi ro. Một số quan điểm e ngại điều này sẽ hạn chế vai trò và năng lực điều tiết vốn của thị trường liên ngân hàng; ngược lại là quan điểm cho rằng sẽ củng cố và làm lành mạnh hơn thị trường này.

 

Trong khi đó, ở tỷ lệ trích lập dự phòng, ý kiến đại diện từ khối các ngân hàng nước ngoài trước đây từng cho rằng cần quy định các tỷ lệ trích lập là tối thiểu để tạo linh hoạt trong áp dụng, gắn với sự chủ động trong trích lập cao hơn, mức an toàn cao hơn; hay các yêu cầu trích lập 20% - 50% nợ nhóm 3 và 4 được cho là thấp hơn tiêu chuẩn quốc tế…

 

Ở tinh thần chung, thông tư này ra đời được kỳ vọng là sẽ tạo thuận lợi trong việc đánh giá cụ thể khả năng tài chính và trả nợ đối với từng khách hàng; việc đánh giá và xếp hạng khách hàng được thực hiện chính xác hơn để qua đó có biện pháp quản lý chất luợng tín dụng tốt hơn.

 

Và cũng không loại trừ khả năng, trong bối cảnh nợ xấu ngân hàng tăng mạnh từ đầu năm đến nay, việc áp dụng phân loại theo thông tư mới có thể sẽ tạo thêm áp lực đối với các tổ chức tín dụng, nhưng sẽ cho ra những kết quả sát thực và chặt chẽ hơn.

 

Hồng Nhung

Vneconomy


Đến lượt khối ngân hàng thấm đòn?

Ngày đăng : 30/07/2012 - 5:53 PM

 

Đến lượt khối ngân hàng thấm đòn?

 

 

Trước đây, trong khi tình hình kinh doanh của doanh nghiệp bi đát, do lãi suất đi vay cao thì các ngân hàng thương mại (NHTM) vẫn lãi cao.

 

Nhưng quý 2/2012, lợi nhuận của một loạt ngân hàng bắt đầu giảm mạnh do phải trích lập dự phòng rủi ro nợ xấu.

 

Vietinbank, Vietcombank và Sacombank đều có những mức trích dự phòng rủi ro tín dụng tăng mạnh, tương ứng là 1.453 tỉ đồng, 1.088 tỉ đồng, và 330 tỉ đồng. Các NHTM sẽ còn phải đối mặt với nợ xấu tiếp tục tăng cao trong những tháng cuối năm. Trong khi đó, chênh lệch giữa lãi suất cho vay và lãi suất huy động thu hẹp. Đặc biệt, khoản lợi nhuận có được từ mua tín phiếu ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ không còn được duy trì như trong nửa đầu năm 2012.

 

 

Được lợi từ tín phiếu

Trong những tháng đầu năm, do khó khăn trong việc giải ngân tín dụng, các NHTM đã mạnh tay mua vào tín phiếu NHNN – chứng khoán nợ. Các khoản mục chứng khoán nợ của nhiều NHTM đều tăng nhanh trong giai đoạn sáu tháng đầu năm 2012.

Vietcombank đã tăng danh mục chứng khoán nợ sẵn sàng để bán của mình từ mức 25,8 ngàn tỉ đồng ngày 31.12.2011 lên con số 41,13 ngàn tỉ đồng ngày 30.6.2012.

Ngân hàng Quân đội cũng có mức tăng ấn tượng không kém khi ghi nhận con số hơn 22 ngàn tỉ đồng vào ngày 30.6.2012, tăng gấp đôi so với cuối năm 2011. Ngân hàng ACB có tỷ trọng nắm giữ chứng khoán nợ sẵn sàng để bán khiêm tốn với 3,5 ngàn tỉ đồng; tuy nhiên con số này cũng thể hiện tốc độ tăng rất mạnh so với mức 289 tỉ đồng của đầu năm.

Riêng Vietinbank chứng khoán nợ sẵn sàng để bán chỉ tăng nhẹ nhưng có sự chuyển dịch cơ cấu tăng nhanh với trái phiếu chính phủ.

Mức tăng khoản mục chứng khoán nợ ở nhiều NHTM phản ánh chính sách của NHNN trong những tháng đầu năm 2012. Để thiết lập mức lãi suất mới cho thị trường tiền tệ và duy trì sự ổn định trên thị trường liên ngân hàng, NHNN đã phát hành tín phiếu với kỳ hạn linh hoạt (28 ngày, 81 ngày và 182 ngày). Tổng giá trị tín phiếu phát hành thành công tính tới cuối tháng 6.2012 đạt 110.487 tỉ đồng.

Với mức lãi suất tín phiếu trong những lần phát hành đầu kỳ hạn 182 ngày lên tới 12,5%/năm vào giữa tháng 3.2012, trong khi trần lãi suất huy động đã giảm xuống 12% từ giữa tháng 4.2012, và đến cuối quý 2/2012 chỉ còn 9%, các NHTM đã có được một khoản lãi đáng kể từ hoạt động đầu tư này trong quý 2/2012. Một phần lợi nhuận từ đầu tư tín phiếu sẽ tiếp tục được ghi nhận trong quý 3/2012, vì phải đến tháng 9.2012 thì hầu hết các tín phiếu mới đáo hạn.

Nhưng nguồn lợi nhuận từ tín phiếu NHNN sẽ giảm dần và đến quý 4/2012 sẽ hết. Và như vậy, các NHTM sẽ buộc phải quay trở lại với hoạt động cho vay truyền thống trong nửa cuối năm 2012 để duy trì lợi nhuận.

 

 

Rủi ro từ nợ xấu và các khoản lãi phải thu

Trong sáu tháng đầu năm 2012, tín dụng của hệ thống gần như không tăng (chỉ tăng 0,76%) so với cuối năm 2011, nhưng cơ cấu nợ của các NHTM thay đổi mạnh về cách phân loại nợ. Nợ quá hạn tăng nhanh, đặc biệt là nợ cần chú ý (nhóm 2) và nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5).

Kết quả công bố kinh doanh của một loạt các NHTM lớn cho thấy, lo ngại về việc nợ xấu đang đe doạ lợi nhuận do phải tăng trích lập dự phòng rủi ro là rất rõ ràng. Đặc biệt, hai NHTM quốc doanh có tỷ lệ nợ xấu tăng mạnh. Vietcombank trong quý 2/2012 đã ghi nhận tới 3.900 tỉ đồng nợ có khả năng mất vốn; con số này của Vietinbank là 2.254 tỉ đồng, tăng mạnh so với con số đầu năm.

Tỷ lệ nợ xấu của các NHTM được công bố đều tăng so với cuối năm 2011. Tuy nhiên, nhiều khả năng đây vẫn chưa phải các con số cuối cùng do sự linh hoạt trong cách phân loại nợ, nên các NHTM theo cách hạch toán của riêng mình có thể vẫn có nhiều khoản nợ chưa chuyển thành nợ quá hạn và nợ có khả năng mất vốn.

Nếu tỷ lệ nợ xấu tiếp tục tăng cao thì lợi nhuận của các NHTM trong sáu tháng cuối năm sẽ bị ảnh hưởng đáng kể. Trong sáu tháng đầu năm 2012, NHNN liên tiếp hạ trần lãi suất huy động, song trần lãi suất cho vay lại thả nổi và không có chỉ đạo. Do vậy, nhiều NHTM vẫn có được lợi nhuận đáng kể nhờ sự chênh lệch này.

Tuy nhiên, hiện tại NHNN đã chỉ đạo lãi suất cho vay về dưới 15%/năm, và ngay cả các khoản cho vay cũ cũng điều chỉnh lãi suất cho vay xuống 15%. Đặc biệt vì tình hình nợ xấu tăng cao, nhiều NHTM chủ động hạ lãi suất cho vay để thu hút khách hàng vay vốn có chất lượng.

Thêm vào đó, một yếu tố lớn có thể ảnh hưởng đến hoạt động của các NHTM chính là các khoản lãi và phí phải thu có thể chưa thu được do các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, không trả được gốc và lãi. Mặc dù so với quý 4/2011, các khoản lãi và phí phải thu quý 2/2012 đã giảm khoảng -0,17%. Nhưng đây thuần tuý là vấn đề chu kỳ, vì thông thường trong các tháng cuối năm thanh khoản tiền mặt của doanh nghiệp căng thẳng hơn, khiến cho các NHTM chấp nhận cho các doanh nghiệp trả lãi và phí chậm.

Nếu so với cùng kỳ quý 2/2011 thì giá trị các khoản lãi và phí phải thu tăng tới 25,59%. Và quan trọng hơn, các tỷ lệ “lãi và phí phải thu trên thu nhập từ lãi” cũng như “lãi và phí phải thu trên thu nhập lãi thuần” cũng đều tăng lên. Điều này có nghĩa là nhiều khoản lãi phải thu mà các NHTM có thể rất khó thu được, cũng đã được các NHTM hạch toán vào thu nhập từ lãi để làm tăng lợi nhuận trong quý 2 vừa rồi.

Theo Nguyên Minh Cường

SGTT


Đau đầu nghĩ cách tiết kiệm tiền

Ngày đăng : 29/07/2012 - 9:19 PM


Kết quả khảo sát với gần 18.000 độc giả trên VnExpress.net về việc "Bạn đang tích lũy tài sản gì", hơn một nửa những người tham gia trả lời họ chẳng còn gì tích lũy trong bối cảnh kinh tế quá khó khăn.


 

Tích trữ tiền VNĐ và vàng là hai phương pháp được nhiều độc giả lựa chọn.

 

 

Dù vậy, tích lũy tài sản gì vẫn là một câu hỏi nhiều người dân trăn trở. Bằng chứng là gần đây, VnExpress.net liên tục nhận được những thắc mắc của độc giả về việc nên tiết kiệm qua kênh nào cho tối ưu. Một chuyên gia kinh tế từng có nhiều năm nghiên cứu và làm việc trong lĩnh vực tiền tệ cũng kể: “Tôi cứ đến nhà ai chơi là lại bị mọi người 'quây' vào hỏi: ‘Giờ tiết kiệm gì là tốt nhất hả chú? VNĐ, USD hay vàng, bất động sản”. Vị này thừa nhận, băn khoăn của người dân là hoàn toàn có cơ sở bởi hiện nay, tham gia vào thị trường nào cũng có thể gặp rủi ro cao.

Chia sẻ về những bối rối trên, chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu đưa ra lời khuyên là không nên bỏ mọi quả trứng vào cùng một rổ mà cần chia đều để đầu tư, tích lũy. “Ví dụ, với 4 kênh vàng, VNĐ, ngoại hối, bất động sản, tỷ lệ phân bổ sẽ tùy theo lứa tuổi. Chẳng hạn, tôi còn trẻ, tôi sẽ ưa mạo hiểm hơn và chấp nhận ‘lời ăn lỗ chịu’ nên sẽ đổ 30% cho vàng, 30% cho bất động sản, số còn lại tôi gửi tiền vào ngân hàng. Ngược lại, nếu đã có tuổi, tôi sẽ gửi tới 60% tiền vào nhà băng để an toàn và hưởng lãi suất, phần còn lại đầu tư đâu đó sang đất cát, nhà cửa”, ông đưa ra dẫn chứng.

Mới đây nhất, báo cáo của Nielsen - công ty chuyên phân tích và đánh giá thông tin về những gì người tiêu dùng xem và mua sắm hàng đầu thế giới - chỉ ra, phần lớn người Việt thích để tiền nhàn rỗi đi gửi tiết kiệm thay vì đi du lịch, tiêu dùng hay đầu tư. Tới 66% người được hỏi đều trả lời chỉ dùng tiền nhàn rỗi để tiết kiệm sau khi đã trang trải hết các chi phí sinh hoạt thiết yếu.

 

Theo Nielsen, 66% người Việt Nam thích gửi tiền tiết kiệm hơn đi du lịch hay đầu tư. Ảnh: Hoàng Hà

 

Theo kết quả thăm dò trên gần 18.000 độc giả của VnExpress.net, trong số những người có tài sản tích lũy, phần lớn người dân đang sử dụng kênh VNĐ và vàng. Tiếp theo đó là các phương thức tiết kiệm khác như nhà đất (10,8%) và ngoại tệ (5,1%).

Anh Vương, quận Đống Đa - Hà Nội, lại đưa ra ý kiến: “Để tiết kiệm thì nên tích trữ cả nội tệ và ngoại tệ. Tôi đang gửi ngân hàng 50 triệu đồng và 1.000 euro. Tôi không thích vàng vì biến động giá quá lớn”.

Về việc gửi tiền VNĐ tại ngân hàng, ông Nguyễn Trí Hiếu cũng chia sẻ rủi ro trong ngành ngân hàng luôn thấp hơn bất động sản, vàng, chứng khoán… Hơn nữa, theo vị chuyên gia từng có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực ngân hàng tại Mỹ, mức lãi suất tiết kiệm 9% một năm ở Việt Nam là quá cao, chưa kể kỳ hạn dài có thể lên tới 12%-13% một năm. “Ở Mỹ, người gửi tiền từ 3-6 tháng may mắn lắm mới được hưởng lãi suất 1-2% một năm. Đương nhiên, một phần do mức lạm phát của họ thấp. Mặc dù vậy, lạm phát hiện nay của Việt Nam cũng đã được kiểm soát ở mức 6-7%. Như vậy, người gửi tiền vẫn được hưởng lãi suất thực dương”, ông Hiếu lý giải.

Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa - thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tiền tệ quốc gia - cho rằng, trong tương lai, giá vàng cũng có thể tăng, tuy nhiên sẽ không có những đợt tăng mạnh như vừa qua. Ông Lê Xuân Nghĩa - từng làm Phó chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính quốc gia - lại tin vào khả năng phục hồi của bất động sản. "Hiện Ngân hàng Trung Ương các nước đều đang nới lỏng tiền tệ. Nếu kinh tế phục hồi với lý do này thì bất động sản có thể tăng giá", ông lý giải.

Không đưa ra những lập luận mang tính vĩ mô như các chuyên gia nhưng chị Thảo, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội lại "khoái" bất động sản bởi chị cho rằng, đất đai không sinh sôi nảy nở mà chỉ có dân số là ngày một đông lên. Chị cho biết: “Có tiền nên mua nhà hoặc đất. Tôi vừa mua mảnh đất khoảng một tỷ đồng ở ngoại thành Hà Nội. Mặc dù bất động sản chưa có nhiều thông tin khởi sắc, nhưng mình mua để tiết kiệm, trước sau gì cũng có lãi lớn”.

Dù thừa nhận người dân sẽ gặp nhiều khó khăn nếu tiết kiệm vào bất động sản trong bối cảnh hiện nay, nhưng nguyên Thứ trưởng Bộ tài nguyên Môi trường Đặng Hùng Võ lại đồng tình đây là kênh có thể sinh lời nhiều nhất. "Chỉ có điều, để đạt được hiệu quả tối ưu từ mảng này, người dân phải biết lựa chọn tùy phân khúc. Chẳng hạn đầu tư vào những khu đô thị, những nơi quy hoạch.., đây là những địa điểm trong tương lai sẽ sinh lời nhiều", ông Đặng Hùng Võ lưu ý.

Cũng "bỏ quả trứng vào nhiều rổ khác nhau", chị Hồng Anh - nhân viên môi giới chứng khoán - chia sẻ bí quyết của bản thân: "Tôi còn trẻ nên chỉ thích kinh doanh hoặc đầu tư. Tôi đã bỏ 110 triệu đồng cho lĩnh vực chứng khoán, bao gồm cả cổ phiếu dài hạn và lướt sóng ngắn. 30 triệu còn lại, tôi dồn cả vào vàng quốc tế hoặc những thị trường hàng hóa khác, tùy thời điểm giá cả".

Còn theo Tiến sĩ Alan Phan - Chủ tịch Quỹ đầu tư Viasa tại Hong Kong và Thượng Hải - tích lũy vào đâu là phụ thuộc vào niềm tin của người dân. Ông khuyên “Tôi nghĩ, người dân nên tiết kiệm bằng VND nếu tin tưởng và chấp nhận rủi ro trong các ngân hàng. Ngoài ra, tích trữ USD cũng có thể được cân nhắc nhưng tôi không thấy khả thi do mức lãi suất tiền gửi USD không cao”.

Theo cam kết của Thống đốc, tỷ giá từ nay tới cuối năm sẽ biến động không nhiều, cao nhất chỉ 2-3% một năm. Do đó, không ít chuyên gia thừa nhận, đồng USD sẽ không mất giá mạnh như VNĐ nhưng lại không được các ngân hàng “mở cửa” chào huy động do chính sách hiện nay. Hiện lãi suất huy động USD cao nhất chỉ 2% một năm.

Thanh Lan - Tường Vi

Ebank

 

 


Xử lý nợ xấu: Không AMC thì sao?

Ngày đăng : 19/07/2012 - 6:28 PM

 

Xử lý nợ xấu: Không AMC thì sao?

 

Thành lập AMC có thể khiến các ngân hàng "lựa chọn ngược", thay vì kiểm soát cho vay các ngân hàng sẵn sàng cho vay dễ dàng để có lợi nhuận, còn nếu bị nợ xấu thì sẽ bán lại cho AMC của Nhà nước.

 

Nhanh chóng xử lý nợ xấu là mục tiêu quan trọng của hệ thống ngân hàng hiện nay, nhưng lựa chọn phương thức thích hợp đang là câu hỏi khó. Thành lập công ty mua bán nợ Quốc gia – AMC như nhiều nước đã làm? Hay để các NHTM đã xử lý bằng nguồn dự phòng rủi ro và Nhà nước sẽ mua phần còn lại bằng chương trình có giới hạn?

Nợ xấu mua thế nào đây?

Một mô hình được nhiều người ủng hộ là nhanh chóng thành lập công ty mua bán nợ Quốc gia (gọi tắt là AMC). Số vốn dự kiến cần là 100 ngàn tỷ, nhưng có thể ban đầu chỉ cần 20 ngàn tỷ và huy động thêm vốn thông qua phát hành trái phiếu, tín phiếu.

Cơ chế xử lý nợ xấu được một số chuyên gia đề nghị là AMC thành cổ đông doanh nghiệp theo phần nợ mua, bán nợ cho nhà đầu tư khác, chứng khoán hóa khoản nợ và cuối cùng là xóa nợ.

Dù công ty mua bán nợ Quốc gia được thành lập như thế nào, cơ chế ra sao thì cũng phải phù hợp với điều kiện Việt Nam.

Nếu AMC mua nợ xấu rồi trở thành cổ đông của doanh nghiệp, trước hết gặp khó khăn bởi số lượng doanh nghiệp có nợ xấu là rất nhiều, và 1 AMC của Nhà nước khó có thể trở thành cổ đông tại hàng ngàn doanh nghiệp bởi 1 quyết định mua lại nợ xấu. Hơn nữa nhiều khoản nợ xấu đến từ DNNN, như thế AMC cũng trở thành cổ đông sở hữu cổ phần của DNNN. Điều này chắc chắn sẽ gặp nhiều vướng mắc từ chính cơ chế hiện hành, ví dụ như xung đột với nhiệm vụ của SCIC .

Có thể AMC sẽ bán lại nợ cho nhà đầu tư mới đến. Đây là ý tưởng hay nhưng tính khả thi còn phải xem xét một cách đầy đủ hơn. Nếu bán cho các nhà đầu tư trong nước thì tình hình hiện tại khó tìm được nhà đầu tư phù hợp bởi những “người có tiền” là ngân hàng còn phải bán tài sản độc hại để thu tiền về. Với nhà đầu tư nước ngoài thì vấn đề quyền sở hữu rất rắc rối. Ngay với ngân hàng khi muốn xử lý tài sản đảm bảo còn mất vài năm sau nhiều phiên tòa phân xử thì khó thuyết phục nhà đầu tư nước ngoài mua khoản nợ xấu đó của ngân hàng.

“Hãy chứng khoán hóa nợ xấu rồi bán ra thị trường”- ý kiến của một chuyên gia.

Đây là phương thức được một số quốc gia sử dụng nhưng ở đó thị trường chứng khoán rất phát triển. Các khoản nợ được phân loại, chứng khoán hóa và bán ra thị trường. Thậm chí các gói chứng khoán nợ còn được phái sinh nhiều lần để mua đi bán lại. Nhưng đó là thị trường chứng khoán phát triển còn với hiện trạng của TTCK Việt Nam, đây dường như là kế hoạch xa vời. Chưa kể đến “tác dụng phụ” của chứng khoán hóa nợ tại nhiều nước phát triển, như Mỹ, được coi là nguyên nhân cho khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Vậy thì xóa nợ ! Nếu nợ xấu được mua về và xóa đi thì tại sao phải thành lập công ty mua nợ xấu. Các khoản nợ xấu dù nằm tại ngân hàng hay tại AMC mà không thể thu hồi được vốn thì đó mãi là nợ xấu. Nó sẽ không xuất hiện trên báo cáo tài chính, bảng cân đối tài sản của ngân hàng nhưng vẫn tồn tại trong nền kinh tế. Chỉ khi nào các khoản nợ đó được bù đắp đủ tài chính thì mới thực sự xử lý hết nợ xấu.

Chưa kể xảy ra tình trạng “lựa chọn ngược” của các ngân hàng khi mà họ sẵn sàng cho khách hàng vay với điều kiện dễ dàng hơn bởi nếu bị nợ xấu họ có thể bán cho công ty AMC của Nhà nước. Mặc dù thành lập AMC được kỳ vọng sẽ nhanh chóng xử lý nợ xấu nhưng ngay tại quốc gia có nền tài chính phát triển hơn Việt Nam là Ireland thì dự kiến mất 10 năm (2009 - 2019) công ty mua bán nợ quốc gia Ireland - NAMA mới xử lý xong 100% nợ xấu của hệ thống ngân hàng nước này.

“Ai làm người đó chịu”

Để có lợi nhuận hàng ngàn tỷ đồng của những năm gần đây, các ngân hàng đã có thời kỳ bùng nổ cho vay với điều kiện vay dễ dàng. Thậm chí để giúp khách hàng vay được nhiều hơn, nhiều nhân viên tín dụng sẵn sàng “hỗ trợ” nâng giá trị tài sản đảm bảo. Những khoản vay đó nay được xếp vào nợ xấu cùng với đó yêu cầu trích lập DPRR kéo tụt lợi nhuận của các ngân hàng.

Theo ông Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm UBKTQH, chúng ta đang định hướng theo kinh tế thị trường, vậy ai gây ra nợ xấu thì người đó phải chịu trách nhiệm. Do đó, trước hết, phải lấy tài sản của ngân hàng ra để xử lý nợ xấu. Đây là điều khó khăn nhất với các ông chủ ngân hàng khi phải tự xử lý nợ xấu.

Lãnh đạo các ngân hàng chịu sức ép lớn từ các cổ đông trong việc đảm bảo hiệu quả kinh doanh nên không có động lực xử lý nợ xấu. Nếu các ngân hàng phân loại, trích lập đầy đủ với nợ xấu, chấp nhận mục tiêu lợi nhuân ngắn hạn bị ảnh hưởng thì dù tỷ lệ nợ xấu 8,6% tổng dư nợ thì hoạt động tín dụng của ngân hàng cũng sẽ không ảnh hưởng nhiều.

Bởi lẽ với các doanh nghiệp đã có nợ xấu thì cho dù có chuyển nợ xấu đi, theo nguyên tắc các ngân hàng cũng sẽ không cho vay tiếp bởi lịch sử  tín dụng đã bị nợ xấu. Phải sau khoảng thời gian đủ lâu việc xét duyệt tín dụng mới được mở lại với các doanh nghiệp này. Còn với các doanh nghiệp tốt, dự án khả thi thì thời điểm hiện tại chắc chắn sẽ được các ngân hàng rào đón trước sau với lãi suất ngắn hạn hợp lý.

Với tổng vốn tự có của NHTM Nhà nước và NHTMCP theo báo cáo của NHNN đến 30/04/2012 khoảng 311 ngàn tỷ và hơn 67 ngàn tỷ đồng trích dự phòng rủi ro thì bản thân các NHTM đủ sức bù đắp hết 202 ngàn ty khoản nợ xấu do chính họ gây ra. Thật không hợp lý nếu như tiền thuế của người dân lại được dùng để xử lý nợ xấu tại các NHTMCP trước cả ông chủ ngân hàng.

Vấn đề NHNN cần có chế tài phạt mạnh mẽ hơn, không chỉ với ngân hàng mà với cả các cá nhân lãnh đạo, buộc các NHTM phải tự xử lý nợ xấu của mình trước. Ngân hàng nào sau khi sử dụng hết nguồn vốn nhưng vẫn không bù đắp được, ví dụ như HBB, thì phải chấp nhận bị kiểm soát đặc biệt, sáp nhập. Một chương trình mua nợ xấu sẽ phù hợp với những ngân hàng này hơn là 1 công ty mua bán nợ.

Với cơ chế xử lý trên nguyên tắc thị trường, quy định kiểm soát nợ xấu chặt chẽ hơn, NHNN mới có thể hy vọng tạo ra nền tảng để xây dựng hệ thống các NHTM an toàn, hiệu quả. Nếu không, nợ xấu sẽ sớm trở lại với các ngân hàng cho dù toàn bộ khoản nợ xấu đã được chuyển sang AMC.

Thanh Hải

Theo TTVN


 

Tin mới cập nhật