Ngày đăng :
29/07/2012 - 9:19 PM
Kết quả khảo sát với gần 18.000 độc giả trên VnExpress.net về việc "Bạn đang tích lũy tài sản gì", hơn một nửa những người tham gia trả lời họ chẳng còn gì tích lũy trong bối cảnh kinh tế quá khó khăn.
|
Tích trữ tiền VNĐ và vàng là hai phương pháp được nhiều độc giả lựa chọn.
|
Dù vậy, tích lũy tài sản gì vẫn là một câu hỏi nhiều người dân trăn trở. Bằng chứng là gần đây, VnExpress.net liên tục nhận được những thắc mắc của độc giả về việc nên tiết kiệm qua kênh nào cho tối ưu. Một chuyên gia kinh tế từng có nhiều năm nghiên cứu và làm việc trong lĩnh vực tiền tệ cũng kể: “Tôi cứ đến nhà ai chơi là lại bị mọi người 'quây' vào hỏi: ‘Giờ tiết kiệm gì là tốt nhất hả chú? VNĐ, USD hay vàng, bất động sản”. Vị này thừa nhận, băn khoăn của người dân là hoàn toàn có cơ sở bởi hiện nay, tham gia vào thị trường nào cũng có thể gặp rủi ro cao.
Chia sẻ về những bối rối trên, chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu đưa ra lời khuyên là không nên bỏ mọi quả trứng vào cùng một rổ mà cần chia đều để đầu tư, tích lũy. “Ví dụ, với 4 kênh vàng, VNĐ, ngoại hối, bất động sản, tỷ lệ phân bổ sẽ tùy theo lứa tuổi. Chẳng hạn, tôi còn trẻ, tôi sẽ ưa mạo hiểm hơn và chấp nhận ‘lời ăn lỗ chịu’ nên sẽ đổ 30% cho vàng, 30% cho bất động sản, số còn lại tôi gửi tiền vào ngân hàng. Ngược lại, nếu đã có tuổi, tôi sẽ gửi tới 60% tiền vào nhà băng để an toàn và hưởng lãi suất, phần còn lại đầu tư đâu đó sang đất cát, nhà cửa”, ông đưa ra dẫn chứng.
Mới đây nhất, báo cáo của Nielsen - công ty chuyên phân tích và đánh giá thông tin về những gì người tiêu dùng xem và mua sắm hàng đầu thế giới - chỉ ra, phần lớn người Việt thích để tiền nhàn rỗi đi gửi tiết kiệm thay vì đi du lịch, tiêu dùng hay đầu tư. Tới 66% người được hỏi đều trả lời chỉ dùng tiền nhàn rỗi để tiết kiệm sau khi đã trang trải hết các chi phí sinh hoạt thiết yếu.
|
Theo Nielsen, 66% người Việt Nam thích gửi tiền tiết kiệm hơn đi du lịch hay đầu tư. Ảnh: Hoàng Hà
|
Theo kết quả thăm dò trên gần 18.000 độc giả của VnExpress.net, trong số những người có tài sản tích lũy, phần lớn người dân đang sử dụng kênh VNĐ và vàng. Tiếp theo đó là các phương thức tiết kiệm khác như nhà đất (10,8%) và ngoại tệ (5,1%).
Anh Vương, quận Đống Đa - Hà Nội, lại đưa ra ý kiến: “Để tiết kiệm thì nên tích trữ cả nội tệ và ngoại tệ. Tôi đang gửi ngân hàng 50 triệu đồng và 1.000 euro. Tôi không thích vàng vì biến động giá quá lớn”.
Về việc gửi tiền VNĐ tại ngân hàng, ông Nguyễn Trí Hiếu cũng chia sẻ rủi ro trong ngành ngân hàng luôn thấp hơn bất động sản, vàng, chứng khoán… Hơn nữa, theo vị chuyên gia từng có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực ngân hàng tại Mỹ, mức lãi suất tiết kiệm 9% một năm ở Việt Nam là quá cao, chưa kể kỳ hạn dài có thể lên tới 12%-13% một năm. “Ở Mỹ, người gửi tiền từ 3-6 tháng may mắn lắm mới được hưởng lãi suất 1-2% một năm. Đương nhiên, một phần do mức lạm phát của họ thấp. Mặc dù vậy, lạm phát hiện nay của Việt Nam cũng đã được kiểm soát ở mức 6-7%. Như vậy, người gửi tiền vẫn được hưởng lãi suất thực dương”, ông Hiếu lý giải.
Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa - thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tiền tệ quốc gia - cho rằng, trong tương lai, giá vàng cũng có thể tăng, tuy nhiên sẽ không có những đợt tăng mạnh như vừa qua. Ông Lê Xuân Nghĩa - từng làm Phó chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính quốc gia - lại tin vào khả năng phục hồi của bất động sản. "Hiện Ngân hàng Trung Ương các nước đều đang nới lỏng tiền tệ. Nếu kinh tế phục hồi với lý do này thì bất động sản có thể tăng giá", ông lý giải.
Không đưa ra những lập luận mang tính vĩ mô như các chuyên gia nhưng chị Thảo, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội lại "khoái" bất động sản bởi chị cho rằng, đất đai không sinh sôi nảy nở mà chỉ có dân số là ngày một đông lên. Chị cho biết: “Có tiền nên mua nhà hoặc đất. Tôi vừa mua mảnh đất khoảng một tỷ đồng ở ngoại thành Hà Nội. Mặc dù bất động sản chưa có nhiều thông tin khởi sắc, nhưng mình mua để tiết kiệm, trước sau gì cũng có lãi lớn”.
Dù thừa nhận người dân sẽ gặp nhiều khó khăn nếu tiết kiệm vào bất động sản trong bối cảnh hiện nay, nhưng nguyên Thứ trưởng Bộ tài nguyên Môi trường Đặng Hùng Võ lại đồng tình đây là kênh có thể sinh lời nhiều nhất. "Chỉ có điều, để đạt được hiệu quả tối ưu từ mảng này, người dân phải biết lựa chọn tùy phân khúc. Chẳng hạn đầu tư vào những khu đô thị, những nơi quy hoạch.., đây là những địa điểm trong tương lai sẽ sinh lời nhiều", ông Đặng Hùng Võ lưu ý.
Cũng "bỏ quả trứng vào nhiều rổ khác nhau", chị Hồng Anh - nhân viên môi giới chứng khoán - chia sẻ bí quyết của bản thân: "Tôi còn trẻ nên chỉ thích kinh doanh hoặc đầu tư. Tôi đã bỏ 110 triệu đồng cho lĩnh vực chứng khoán, bao gồm cả cổ phiếu dài hạn và lướt sóng ngắn. 30 triệu còn lại, tôi dồn cả vào vàng quốc tế hoặc những thị trường hàng hóa khác, tùy thời điểm giá cả".
Còn theo Tiến sĩ Alan Phan - Chủ tịch Quỹ đầu tư Viasa tại Hong Kong và Thượng Hải - tích lũy vào đâu là phụ thuộc vào niềm tin của người dân. Ông khuyên “Tôi nghĩ, người dân nên tiết kiệm bằng VND nếu tin tưởng và chấp nhận rủi ro trong các ngân hàng. Ngoài ra, tích trữ USD cũng có thể được cân nhắc nhưng tôi không thấy khả thi do mức lãi suất tiền gửi USD không cao”.
Theo cam kết của Thống đốc, tỷ giá từ nay tới cuối năm sẽ biến động không nhiều, cao nhất chỉ 2-3% một năm. Do đó, không ít chuyên gia thừa nhận, đồng USD sẽ không mất giá mạnh như VNĐ nhưng lại không được các ngân hàng “mở cửa” chào huy động do chính sách hiện nay. Hiện lãi suất huy động USD cao nhất chỉ 2% một năm.
Thanh Lan - Tường Vi
Ebank
|
Ngày đăng :
19/07/2012 - 6:28 PM
Xử lý nợ xấu: Không AMC thì sao?
Thành lập AMC có thể khiến các ngân hàng "lựa chọn ngược", thay vì kiểm soát cho vay các ngân hàng sẵn sàng cho vay dễ dàng để có lợi nhuận, còn nếu bị nợ xấu thì sẽ bán lại cho AMC của Nhà nước.
Nhanh chóng xử lý nợ xấu là mục tiêu quan trọng của hệ thống ngân hàng hiện nay, nhưng lựa chọn phương thức thích hợp đang là câu hỏi khó. Thành lập công ty mua bán nợ Quốc gia – AMC như nhiều nước đã làm? Hay để các NHTM đã xử lý bằng nguồn dự phòng rủi ro và Nhà nước sẽ mua phần còn lại bằng chương trình có giới hạn?
Nợ xấu mua thế nào đây?
Một mô hình được nhiều người ủng hộ là nhanh chóng thành lập công ty mua bán nợ Quốc gia (gọi tắt là AMC). Số vốn dự kiến cần là 100 ngàn tỷ, nhưng có thể ban đầu chỉ cần 20 ngàn tỷ và huy động thêm vốn thông qua phát hành trái phiếu, tín phiếu.
Cơ chế xử lý nợ xấu được một số chuyên gia đề nghị là AMC thành cổ đông doanh nghiệp theo phần nợ mua, bán nợ cho nhà đầu tư khác, chứng khoán hóa khoản nợ và cuối cùng là xóa nợ.
Dù công ty mua bán nợ Quốc gia được thành lập như thế nào, cơ chế ra sao thì cũng phải phù hợp với điều kiện Việt Nam.
Nếu AMC mua nợ xấu rồi trở thành cổ đông của doanh nghiệp, trước hết gặp khó khăn bởi số lượng doanh nghiệp có nợ xấu là rất nhiều, và 1 AMC của Nhà nước khó có thể trở thành cổ đông tại hàng ngàn doanh nghiệp bởi 1 quyết định mua lại nợ xấu. Hơn nữa nhiều khoản nợ xấu đến từ DNNN, như thế AMC cũng trở thành cổ đông sở hữu cổ phần của DNNN. Điều này chắc chắn sẽ gặp nhiều vướng mắc từ chính cơ chế hiện hành, ví dụ như xung đột với nhiệm vụ của SCIC .
Có thể AMC sẽ bán lại nợ cho nhà đầu tư mới đến. Đây là ý tưởng hay nhưng tính khả thi còn phải xem xét một cách đầy đủ hơn. Nếu bán cho các nhà đầu tư trong nước thì tình hình hiện tại khó tìm được nhà đầu tư phù hợp bởi những “người có tiền” là ngân hàng còn phải bán tài sản độc hại để thu tiền về. Với nhà đầu tư nước ngoài thì vấn đề quyền sở hữu rất rắc rối. Ngay với ngân hàng khi muốn xử lý tài sản đảm bảo còn mất vài năm sau nhiều phiên tòa phân xử thì khó thuyết phục nhà đầu tư nước ngoài mua khoản nợ xấu đó của ngân hàng.
“Hãy chứng khoán hóa nợ xấu rồi bán ra thị trường”- ý kiến của một chuyên gia.
Đây là phương thức được một số quốc gia sử dụng nhưng ở đó thị trường chứng khoán rất phát triển. Các khoản nợ được phân loại, chứng khoán hóa và bán ra thị trường. Thậm chí các gói chứng khoán nợ còn được phái sinh nhiều lần để mua đi bán lại. Nhưng đó là thị trường chứng khoán phát triển còn với hiện trạng của TTCK Việt Nam, đây dường như là kế hoạch xa vời. Chưa kể đến “tác dụng phụ” của chứng khoán hóa nợ tại nhiều nước phát triển, như Mỹ, được coi là nguyên nhân cho khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Vậy thì xóa nợ ! Nếu nợ xấu được mua về và xóa đi thì tại sao phải thành lập công ty mua nợ xấu. Các khoản nợ xấu dù nằm tại ngân hàng hay tại AMC mà không thể thu hồi được vốn thì đó mãi là nợ xấu. Nó sẽ không xuất hiện trên báo cáo tài chính, bảng cân đối tài sản của ngân hàng nhưng vẫn tồn tại trong nền kinh tế. Chỉ khi nào các khoản nợ đó được bù đắp đủ tài chính thì mới thực sự xử lý hết nợ xấu.
Chưa kể xảy ra tình trạng “lựa chọn ngược” của các ngân hàng khi mà họ sẵn sàng cho khách hàng vay với điều kiện dễ dàng hơn bởi nếu bị nợ xấu họ có thể bán cho công ty AMC của Nhà nước. Mặc dù thành lập AMC được kỳ vọng sẽ nhanh chóng xử lý nợ xấu nhưng ngay tại quốc gia có nền tài chính phát triển hơn Việt Nam là Ireland thì dự kiến mất 10 năm (2009 - 2019) công ty mua bán nợ quốc gia Ireland - NAMA mới xử lý xong 100% nợ xấu của hệ thống ngân hàng nước này.
“Ai làm người đó chịu”
Để có lợi nhuận hàng ngàn tỷ đồng của những năm gần đây, các ngân hàng đã có thời kỳ bùng nổ cho vay với điều kiện vay dễ dàng. Thậm chí để giúp khách hàng vay được nhiều hơn, nhiều nhân viên tín dụng sẵn sàng “hỗ trợ” nâng giá trị tài sản đảm bảo. Những khoản vay đó nay được xếp vào nợ xấu cùng với đó yêu cầu trích lập DPRR kéo tụt lợi nhuận của các ngân hàng.
Theo ông Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm UBKTQH, chúng ta đang định hướng theo kinh tế thị trường, vậy ai gây ra nợ xấu thì người đó phải chịu trách nhiệm. Do đó, trước hết, phải lấy tài sản của ngân hàng ra để xử lý nợ xấu. Đây là điều khó khăn nhất với các ông chủ ngân hàng khi phải tự xử lý nợ xấu.
Lãnh đạo các ngân hàng chịu sức ép lớn từ các cổ đông trong việc đảm bảo hiệu quả kinh doanh nên không có động lực xử lý nợ xấu. Nếu các ngân hàng phân loại, trích lập đầy đủ với nợ xấu, chấp nhận mục tiêu lợi nhuân ngắn hạn bị ảnh hưởng thì dù tỷ lệ nợ xấu 8,6% tổng dư nợ thì hoạt động tín dụng của ngân hàng cũng sẽ không ảnh hưởng nhiều.
Bởi lẽ với các doanh nghiệp đã có nợ xấu thì cho dù có chuyển nợ xấu đi, theo nguyên tắc các ngân hàng cũng sẽ không cho vay tiếp bởi lịch sử tín dụng đã bị nợ xấu. Phải sau khoảng thời gian đủ lâu việc xét duyệt tín dụng mới được mở lại với các doanh nghiệp này. Còn với các doanh nghiệp tốt, dự án khả thi thì thời điểm hiện tại chắc chắn sẽ được các ngân hàng rào đón trước sau với lãi suất ngắn hạn hợp lý.
Với tổng vốn tự có của NHTM Nhà nước và NHTMCP theo báo cáo của NHNN đến 30/04/2012 khoảng 311 ngàn tỷ và hơn 67 ngàn tỷ đồng trích dự phòng rủi ro thì bản thân các NHTM đủ sức bù đắp hết 202 ngàn ty khoản nợ xấu do chính họ gây ra. Thật không hợp lý nếu như tiền thuế của người dân lại được dùng để xử lý nợ xấu tại các NHTMCP trước cả ông chủ ngân hàng.
Vấn đề NHNN cần có chế tài phạt mạnh mẽ hơn, không chỉ với ngân hàng mà với cả các cá nhân lãnh đạo, buộc các NHTM phải tự xử lý nợ xấu của mình trước. Ngân hàng nào sau khi sử dụng hết nguồn vốn nhưng vẫn không bù đắp được, ví dụ như HBB, thì phải chấp nhận bị kiểm soát đặc biệt, sáp nhập. Một chương trình mua nợ xấu sẽ phù hợp với những ngân hàng này hơn là 1 công ty mua bán nợ.
Với cơ chế xử lý trên nguyên tắc thị trường, quy định kiểm soát nợ xấu chặt chẽ hơn, NHNN mới có thể hy vọng tạo ra nền tảng để xây dựng hệ thống các NHTM an toàn, hiệu quả. Nếu không, nợ xấu sẽ sớm trở lại với các ngân hàng cho dù toàn bộ khoản nợ xấu đã được chuyển sang AMC.
Thanh Hải
Theo TTVN
|
Ngày đăng :
12/07/2012 - 9:08 AM
Trước tình trạng nợ xấu tăng cao, từ cuối tháng 4-2012 Ngân hàng (NH) Nhà nước đã chỉ đạo các NH cơ cấu lại nợ nhằm tháo “vòng kim cô” cho NH, doanh nghiệp (DN).
Thế nhưng, đến nay việc cơ cấu này gần như không thực hiện được trong khi vốn tiếp tục ứ đọng.
Thể hiện rõ nhất sự bế tắc này chính là nguồn vốn ra thị trường không tăng. Theo ông Nguyễn Ngọc Thắng - phó giám đốc NH Nhà nước TP.HCM, tổng dư nợ trên địa bàn TP đến ngày 30-6 tiếp tục âm 0,04% so với cuối năm 2011, chỉ đạt 763.000 tỉ đồng, thấp nhất trong các năm gần đây.
Nợ xấu “khó nuốt”
Vẫn theo ông Thắng, nợ xấu của hệ thống tín dụng trên địa bàn TP.HCM tăng cao, đến cuối tháng 6-2012 là 6,3% do nhiều DN khó khăn, không trả được gốc và lãi trong nhiều tháng. Kết quả khảo sát của NH Nhà nước TP.HCM tại nhiều NH cổ phần trên địa bàn cho thấy lợi nhuận của nhiều NH chỉ bằng 1/3 so với cùng kỳ năm 2011. “Nợ xấu tăng cũng dẫn đến chi phí của NH cao do phải trích dự phòng rủi ro cao, một lượng lớn vốn huy động không cho vay ra được” - ông Thắng phân tích.
Đặc biệt, qua báo cáo của các NH thương mại, hàng hóa tồn kho và nguyên vật liệu tại nhiều DN tăng cao so với dư nợ của NH. Với những hàng hóa không có thời hạn còn xoay xở được, còn những hàng hóa có thời hạn như thực phẩm, dược phẩm DN rất khó khăn. Nợ xấu cũng khiến quá trình giảm lãi suất cho vay chưa như mong muốn. DN trước đây vay 18%/năm, nay DN nào may mắn lắm vay được nguồn vốn lãi suất 15-16%.
Theo phó tổng giám đốc một NH cổ phần, về lý thuyết việc mở ra cơ chế cho cơ cấu lại nợ như điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ sẽ giúp các DN giảm tải áp lực trả nợ, cũng như có thêm điều kiện để nối lại hoặc thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh tốt hơn. Với các NH, khi điều kiện trả nợ của DN được cải thiện sẽ bớt áp lực gia tăng nợ xấu. Việc được giữ nguyên nhóm nợ sau cơ cấu cũng giảm bớt áp lực phải gia tăng việc trích lập dự phòng. Thế nhưng trên thực tế nhiều NH cho rằng hướng dẫn cơ cấu nợ của NH Nhà nước chưa rõ ràng, khiến họ khó thực hiện.
Tại buổi làm việc với lãnh đạo UBND TP.HCM ngày 7-7, ông Đỗ Duy Hưng, tổng giám đốc NH Bản Việt, đề nghị NH Nhà nước nên hướng dẫn rõ ràng hơn về việc giải quyết những món nợ trước ngày 23-4 (thời điểm NH Nhà nước chỉ đạo việc cơ cấu lại nợ), bởi thực tế nhiều DN gặp khó khăn nhiều năm liền chứ không phải mới đây, trong khi văn bản cơ cấu nợ của NH Nhà nước có hiệu lực tính từ sau ngày 23-4 sẽ rất khó cho NH và doanh nghiệp. Ông Hưng cho rằng hiện nay NH nào cũng khó khăn về nợ quá hạn, nhưng NH Nhà nước ấn định khoản nợ này không được quá 3% cả trong bối cảnh thị trường tốt hay xấu mà không có điều chỉnh. “Chỉ cần nợ xấu tăng lên trên 3% là NH Nhà nước có văn bản không cho mở chi nhánh, không tăng trưởng tín dụng... Điều này sẽ khó cho các NH thương mại nhỏ” - ông Hưng nói.
Cần văn bản hướng dẫn chi tiết
Tổng giám đốc một NH phía Bắc thừa nhận việc cơ cấu nợ chủ yếu cho các DN tại Hà Nội và TP.HCM do tại đây tập trung nhiều DN “đỉnh”, nhiều DN cũng chỉ khó khăn tạm thời, chuẩn bị có đầu ra. Mặt khác, do NH Nhà nước không có chỉ đạo cụ thể nên NH cũng chỉ cơ cấu nợ, còn việc điều chỉnh lãi suất không đáng kể, thậm chí giữ nguyên lãi suất. Vị tổng giám đốc này cũng kiến nghị chính sách NH Nhà nước sau khi ban hành cần có giám sát cụ thể, xem NH nào thực hiện, NH nào không. Hiện nay việc cơ cấu nợ chủ yếu chỉ có NH lớn thực hiện, còn nhiều NH nhỏ không thực hiện.
Tại cuộc họp của UBND TP.HCM với 16 NH cổ phần cuối tuần qua, bà Nguyễn Thị Hồng, phó chủ tịch UBND TP.HCM, nêu lên thực tế NH Nhà nước có văn bản chỉ đạo cơ cấu nợ nhưng cụm từ quá chung chung dẫn đến các NH lúng túng trong thực hiện. Bà đề nghị NH Nhà nước có văn bản hướng dẫn cụ thể để các NH triển khai đồng bộ.
Phó thống đốc NH Nhà nước Trần Minh Tuấn cũng thừa nhận thực tế NH Nhà nước đã có văn bản hướng dẫn về lãi suất lẫn tháo gỡ khó khăn cho DN nhưng nhiều NH thương mại trên địa bàn thực hiện chưa nghiêm, lãi suất huy động và cho vay vẫn còn cao. Ngoài ra, các NH thương mại còn lúng túng trong triển khai các văn bản, dẫn đến mỗi NH thương mại triển khai khác nhau. Vì vậy, NH Nhà nước sẽ ghi nhận lại những phản ảnh của DN để có văn bản hướng dẫn rõ ràng hơn.
Theo Ánh Hồng
Tuổi trẻ
|
Ngày đăng :
10/07/2012 - 9:10 AM
Trái với chiều hướng tăng trưởng tín dụng dương của cả nước, mức tăng tín dụng trong 6 tháng đầu năm ở khu vực TPHCM vẫn âm 0,04%.
Điều đó cho thấy khả năng hấp thu vốn của doanh nghiệp ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam vẫn rất kém. Thông tin trên được công bố tại cuộc họp giữa lãnh đạo Ủy ban Nhân dân TPHCM với đại diện 16 ngân hàng cuối tuần qua.
Trong khi đó, theo thông cáo báo chí của Ngân hàng Nhà nước hôm 7-7, tín dụng toàn hệ thống đã tăng trưởng ở mức thấp. Tính đến ngày 30-6, tín dụng tăng 0,76% so với cuối năm 2011 (nếu tính cả số dư đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp và ủy thác thì tăng khoảng 1,4%).
Cũng theo thông tin từ cuộc họp, nợ xấu trên địa bàn TPHCM tăng. Lợi nhuận của một số ngân hàng giảm, nhiều chi nhánh ngân hàng báo lỗ. Cả ngân hàng và doanh nghiệp vẫn giữ tâm lý thận trọng với nợ xấu.
Tuy nhiên, điều đáng mừng là vốn tuy chậm nhưng đã chảy vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Dư nợ cho vay phục vụ sản xuất kinh doanh ở TPHCM sau 6 tháng đầu năm đã chiếm tới 85% tổng dư nợ cho vay. Đáng chú ý, doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm tỷ lệ nhận vốn cao nhất. Tổng số doanh nghiệp được vay vốn theo lãi suất ưu đãi bằng tiền đồng đã đạt hơn 4.200 doanh nghiệp. Một số ngân hàng thương mại trên một số quận, huyện đã ký kết trực tiếp các bản cam kết hợp đồng tín dụng ưu đãi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Theo lãnh đạo một ngân hàng thương mại tại TPHCM, khác với các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp vừa và nhỏ là đối tượng gặp nhiều khó khăn nhất. Họ không đủ tài sản đảm bảo hoặc nếu có thì tài sản có tính thanh khoản thấp, giá trị thị trường thấp và khó chuyển nhượng, báo cáo tài chính không được kiểm toán, số liệu tài chính không đủ minh bạch, lành mạnh, chứng từ chứng minh mục đích sử dụng vốn vay không đầy đủ. Phần lớn các doanh nghiệp nhóm này không được nhận bảo lãnh từ quỹ bảo lãnh tín dụng.
Cũng theo thông cáo báo chí trên, cơ quan quản lý ngành ngân hàng cho rằng khả năng mở rộng tín dụng trong thời gian tới vẫn rất khó khăn. Hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng về cơ bản an toàn nhưng cân đối vốn vẫn chưa được cải thiện, nợ xấu tăng, vẫn còn một số tổ chức vi phạm tỷ lệ an toàn.
“Cân đối vốn theo kỳ hạn chưa vững chắc do tỷ trọng tín dụng trung và dài hạn trong tổng tín dụng vẫn duy trì ở mức 42% như cuối năm 2011, trong khi phần lớn nguồn vốn huy động là ngắn hạn. Đến cuối tháng 5-2012, theo báo cáo của các tổ chức tín dụng, tổng nợ xấu của toàn hệ thống chiếm 4,47% tổng dư nợ tín dụng cho nền kinh tế (cuối năm 2011 là 3,07%). Lãi suất cho vay bằng tiền đồng mặc dù giảm nhưng vẫn còn ở mức cao, đặc biệt tỷ trọng dư nợ có lãi suất cao vẫn còn lớn”, theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước.
Ngân hàng Nhà nước đề nghị các ngân hàng theo dõi sát tình hình hoạt động của các doanh nghiệp để đề xuất kịp thời các giải pháp về tiền tệ, tín dụng; tích cực và chủ động hơn nữa trong việc phối hợp với khách hàng vay để rà soát, đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng, từ đó thực hiện các giải pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vốn vay, cho vay mới trả nợ cũ không nhằm che giấu nợ xấu.
Cơ quan này cũng yêu cầu các ngân hàng thương mại chủ động làm việc ngay với các bộ, ngành, các hiệp hội ngành hàng để phối hợp tìm các giải pháp xử lý hàng tồn kho, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đẩy mạnh sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Theo Hồng Phúc
TBKTSG
|
Ngày đăng :
09/07/2012 - 9:51 AM
Việc thành lập một công ty để xứ lý nợ xấu ngân hàng với chi phí dự kiến lên đến 100.000 tỷ đang gây ra nhiều tranh cãi.
Dù chưa có gì cụ thể nhưng chắc chắn nếu một công ty mua bán nợ có vốn 100.000 tỷ đồng chỉ để giải quyết nợ xấu trong hệ thống ngân hàng Việt Nam thì hẳn là một "siêu" công ty.
Ngay từ khi công bố ý tưởng, Ngân hàng nhà nước và các cơ quan liên quan khác đều nhấn mạnh đến mục tiêu lớn nhất của công ty này là "Xử lý nợ xấu" và đây cũng là yêu cầu lớn nhất để để khơi thông nguồn vốn, ổn định hệ thống ngân hàng.
Nhưng "xử lý nợ xấu" là làm gì? Đó có phải là một sự vụ đặc biệt cần đến một siêu công ty với sự tham gia trên nhiều phương diện của nhà nước hay đây là công việc thường xuyên và là một lĩnh vực kinh doanh mà ngân hàng đã và phải làm.
Thực tế, việc xử lý nợ xấu là một công việc thường xuyên và có một mục đích duy nhất sẽ là: thu hồi tối đa số tiền cho vay. Thông thường, khi xử lý nợ thường có 3 phương pháp cơ bản và các ngân hàng đang thực hiện.
Thứ nhất: phát mại tài sản đảm bảo để thu hồi vốn
Đây là phương án khả dĩ nhất, nhanh nhất và truyền thống nhất trong các phương án. Tuy phải "đấu lý" với khách hàng tại tòa án và phải trải qua đủ các bước kiện tụng và chờ thi hành án thì tài sản đảm bảo mới được phát mại thu được tiền về. Trên con đường này, các ngân hàng thường nắm chắc 100% phần thắng vì hợp đồng cầm cố, thế chấp khi cho vay đã quá rõ ràng.
Việc phát mại tài sản thường đem về cho ngân hàng sự đảm bảo thu hồi vốn vì giá trị tài sản đảm bảo thường được định giá thấp hơn giá trị thực. Tuy nhiên, cái khó hiện nay của các ngân hàng là rất nhiều tài sản đảm bảo là bất động sản, nên trong bối cảnh thị trường bất động sản đóng băng hiện nay thì việc xử lý nợ sẽ khó khăn hơn.
Hiện tại, các Ngân hàng đã thành lập Công ty Quản lý nợ và khai thác tài sản (AMC) trực thuộc thì nhiệm vụ xử lý các tài sản đảm bảo thường giao cho AMC, đặc biệt là lĩnh vực bất động sản vì luật không cho phép ngân hàng tham gia thị trường bất động sản.
Thứ hai là tái cơ cấu nợ và hỗ trợ khách hàng để có thể trả nợ
Đây là biện pháp xử lý tài nợ xấu không mới, nhưng đang được áp dụng ngày càng nhiều hơn và có vẻ nhân đạo hơn. Các ngân hàng thay vì đẩy người dân ra khỏi nhà thì ngồi lại bàn bạc, tái cấu trúc và bàn phương án trả nợ như miễn giảm lãi, miễn giảm các khoản phải chi trả thay vì tịch thu nhà đất, đẩy khách hàng của mình ra đường.
Cách xử lý nợ xấu này ở Việt Nam có lẽ sẽ phù hợp nhiều hơn với các doanh nghiệp. Bản thân ngân hàng khi cho vay cần phải kiểm soát được mục đích và quá trình sử dụng vốn vay của khách hàng. Khi có dấu hiệu không trả được nợ, họ có đủ tư cách để yêu cầu doanh nghiệp tái cấu trúc, đồng thời áp dụng nhiều biện pháp hỗ trợ để doanh nghiệp không bị đẩy vào bước đường phá sản, xuất hiện thêm cơ hội doanh nghiệp làm mới mình, có khả năng trả nợ trong tương lai.
Ngoài ra, việc biến các khoản nợ thành một phần góp vốn của chủ nợ ở các doanh nghiệp cũng đã được áp dụng khá nhiều. Và thực tế, DN có sự tham gia của ngân hàng đều có một tương lai mới tốt đẹp hơn.
Cái quan trọng nhất của biện pháp này là ngân hàng phải nắm được phương án trả nợ cam kết, cũng như các dự định tiến hành của khách hàng để từ đó kiểm soát được tình hình, tránh nợ xấu thêm,cung cấp các tư vấn tài chính, thậm chí là hỗ trợ khi cần thiết.
Thực tế, Tổng công ty mua bán nợ và tài sản tồn đọng của Bộ Tài chính (DATC) đã có những"phi vụ" thành công khi xử lý các khoản nợ tồn đọng cho các công ty theo hình thức này. Tuy nhiên, nhược điểm rất lớn của hình thức này chính là thời gian xử lý một món nợ tương đối lâu, nên rất khó để đáp ứng khối lượng nợ xấu hiện tại của ngân hàng thương mại.
Hiện nay, một ý kiến đang gây bất ngờ rất lớn là việc bán các khoản nợ có tài sản đảm bảo cho DATC. Tuy nhiên, bản chất việc xử lý nợ có tài sản đảm bảo thường ngân hàng tự xử lý được, không phải bán đi. Còn biện pháp tái cơ cấu nợ, chuyển nợ thành vốn góp thì sức lực của ngân hàng Việt Nam không đủ, thì có thể bán sang DATC.
Và thứ ba là những khoản nợ... chịu không làm gì được
Các khoản nợ dạng không tài sản đảm bảo, không có khả năng tái cơ cấu để trả nợ được và gần như không thể áp dụng các biện pháp thu hồi nợ nào cả. Những khoản nợ này thường đã rơi vào nợ nhóm 5 - nợ có nguy cơ mất vốn theo phân loại của NHNN.
Bản thân các ngân hàng đã phải trích lập 100% dự phòng rủi ro cho các khoản nợ này, rồi tách từ bảng cân đối nội bảng sang ngoại bảng để theo dõi riêng nhằm thu hồi triệt để. Tuy nhiên, việc nợ đã rơi vào nhóm 5, đã xuất sang ngoại bảng thì theo dõi thường cũng không có biện pháp gì thu hồi nợ triệt để và ngân hàng đã bỏ tiền túi của mình ra từ lợi nhuận để bù đắp.
Và sau 5 năm kể từ ngày xử lý rủi ro thì ngân hàng thương mại được phép xuất toán các khoản này khỏi ngoại bảng nếu doanh nghiệp phá sản giải thể, hoặc cá nhân thì chết, mất tích.
Đương nhiên, ngân hàng thương mại sẽ vô cùng phấn khởi khi bán được những khoản nợ này đi.
Cái quan trọng nhất là trong đám nợ xấu của các ngân hàng thương mại, có bao nhiêu phần trăm được phân định vào 1 trong 3 dạng ở trên. Sự minh bạch hay không sẽ nằm ở việc xử lý nợ theo phương án nào trong 3 phương án cơ bản ở trên.
Và bản thân một "siêu AMC" ngay từ khi nó ra đời đã bị đặt nhiều câu hỏi nghi vấn. Được biết, những ý tưởng đầu tiên về việc thành lập "siêu AMC" này đã hình thành từ năm 2001, qua hơn chục năm, 3 đời thống đốc vẫn sẽ tiếp tục còn tranh cãi, nhất là trong bối cảnh hệ thống pháp luật còn bất cập, nợ xấu đang gia tăng như hiện nay.
Và tuyên bố của Bộ trưởng chủ nhiệm văn phòng chính phủ trong cuộc họp báo thường kỳ cũng làm yên tâm phần nào về đề xuất này.
Trong quá trình phát triển bùng nổ thời gian qua, Việt Nam cũng đã từng chứng kiến không ít cái "siêu" từ "siêu" dự án, cho đến "siêu" tập đoàn, công ty... thậm chí, mới đây còn có ý tưởng về một "siêu bộ" để quản lý các DNNN. Tuy nhiên, thực tế rất nhiều cái "siêu" ầm ĩ ra đời rồi giải tán thầm lặng mà không có hiệu quả nào đáng kể, thậm chí để lại những hậu quả "siêu lỗ".
Vì thế, trong khi trình độ quản lý còn nhiều hạn chế, pháp luật quản lý còn những điểm chưa rõ ràng thì việc hình thành các "siêu" phải hết sức thận trọng nếu không sẽ mang lại nhiều rủi ro riềm ẩn.
Theo Trần Anh Tuấn
VEF
|