Nhà đất Hà Nội: Nhiều chủ đầu tư lên kế hoạch phá giá

Ngày đăng : 21/05/2012 - 4:36 PM

 

Một số nhà phát triển dự án, kinh doanh BĐS tại Hà Nội đang đánh tiếng về kế hoạch đẩy hàng ra với giá thấp hơn giá thành nhằm sớm thu hồi vốn.

 

Đây là động thái hiếm hoi trên thị trường từ trước đến nay..

 

Ông Hoàng Văn Anh - Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Phát triển đô thị Sông Đà (SDU), thuộc Tập đoàn Sông Đà cho biết, SDU sẽ đẩy mạnh bán hàng theo hướng bán bằng giá thành hoặc thấp hơn giá thành để thu hồi vốn, đảm bảo hiệu quả.

 

SDU hiện đang sở hữu nhiều dự án BĐS chủ yếu là các dự án khu nhà ở, khu dịch vụ thương mại, khu đô thị tại Hà Nội, TP.HCM và Thái Nguyên, Hòa Bình.

 

Trong đó riêng Hà Nội, các dự án mà đơn vị này đang triển khai bao gồm: dự án dịch vụ thương mại và nhà ở 25 Tân Mai; dự án khu nhà ở thấp tầng tại khu đô thị Nam An Khánh; dự án khu nhà ở hỗn hợp cao tầng Đô thị Sông Đà tại 143 Trần Phú, Hà Đông; dự án cải tạo khu tập thể X1 - 26 Liễu Giai; dự án khu nhà ở hỗn hợp Xi măng - Sông Đà, Ngõ 1 Pham Đình Giót... 

 

Theo báo cáo của SDU, năm 2011 doanh thu và lợi nhuận đều đạt thấp, tổng doanh thu chỉ đạt hơn 85 tỷ đồng, bằng hơn 48% kế hoạch năm; lợi nhuận chỉ đạt 1,9 tỷ đồng hoàn thành hơn 24% kế hoạch năm.  Tiến độ hầu hết dự án đều chậm trễ do phải chuyển đổi chức năng, hợp đồng; điều chỉnh quy hoạch thủ đô; vướng mắc trong thủ tục, cơ chế đền bù, giải phóng mặt bằng, phê duyệt dự án...

 

Đặc biệt do thị trường BĐS trầm lắng "đóng băng" nên doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tìm kiếm khách hàng thuê và mua các sản phẩm là các tầng văn phòng của tòa nhà hỗn hợp Sông Đà Hà Đông, căn hộ tại dự án Tân Mai cũng chưa thể kinh doanh được. Vì thế, SDU mong muốn đẩy hàng tồn kho để kinh doanh các sản phẩm mới...

 

Vì thế, DN này quyết định sẽ bán bằng giá thành hoặc thấp hơn giá thành để thu hồi vốn đảm bảo hiệu quả dự án" mà các mặt hàng đưa ra đầu tiên là dự án nhà ở thấp tầng Nam An Khánh, dự án 25 Tân Mai; Tòa nhà hỗn hợp Sông Đà - Hà Đông.

 

Tương tự, kết quả kinh doanh của Công ty CP Địa ốc Dầu khí (PVL) năm 2011 cũng rất thấp, chỉ lãi 1,51 tỷ đồng. PVL đã rất khó khăn về vốn. Sang năm 2012, với thị trường BĐS tiếp tục khó khăn, ít nhất là trong 6 tháng đầu năm 2012. Vì thế trong bối cảnh thị trường chững lại, PVL muốn phát triển tiếp thì ít nhất phải có thay đổi.

 

Một thay đổi tiên quyết được lãnh đạo PVL đề xuất về chiến lược kinh doanh như điều chỉnh giá bán căn hộ, phương thức bán hàng cho phù hợp. Và DN sẽ tính rút khỏi nhiều dự án đang bế tắc. Đến nay, PVL tiếp tục trình đại hội cổ đông cho thoái vốn đầu tư tại PVC Land, Công ty CP Địa ốc Dầu khí Sài Gòn và Công ty CP Phát triển Phong Phú-Lăng Cô.

 

Bên cạnh đó, báo cáo kết quả sản xuất kinh doanh thời gian qua, nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành xây dựng, kinh doanh BĐS cũng không tránh khỏi cảnh thua lỗ triền miên do sản phẩm làm ra không bán được, chi phí lại quá lớn.

 

Đơn cử, trong quý I/2012, lợi nhuận của 13 doanh nghiệp thuộc nhà Sông Đà đã có 4 doanh nghiệp báo lỗ. Nhà Viglacera cũng có tới 6/8 doanh nghiệp báo lỗ, tổng cộng lỗ lên tới 143,25 tỷ đồng. Riêng VHL - Công ty CP Viglacera Hạ Long quý đầu tiên thua lỗ gây "sốc" ở mức 83,98 tỷ đồng.

 

Ông Trương Chí Kiên, Phó TGĐ Công ty CP Him Lam Thủ đô cho rằng, với những khó khăn này, bản thân doanh nghiệp phải nhìn lại chiến lược kinh doanh của mình. Nếu không mức lãi suất như hiện nay, có tài đến mấy thì chẳng doanh nghiệp nào kinh doanh bù đắp được. Còn đối với những doanh nghiêp chuyên về BĐS, cần hiểu rằng thị trường hiện giờ không thuộc về người bán nữa mà thuộc về người mua. Chính vì vậy những sản phẩm muốn đưa ra thị trường phải có tính cạnh tranh cao. Mà trong thời điểm hiện nay, giá cả là một yếu tố quan trọng rất được người mua nhà quan tâm.

 

Thực tế, thời gian qua, nhà đất ở Hà Nội chững lại những giảm giá không đáng kể. Một số dự án vẫn có neo giá cao và tìm cách ưu đãi khách hàng bằng việc tặng nột thất, hỗ trợ sửa chữa, thậm chí là tặng cả ô tô... Tính ra, với các gói quà tặng trị giá hàng trăm triệu đồng này thì với mỗi căn hộ 100m2, khách hàng đã được giảm giá khoàng 1,5 - 2 triệu đồng.m2. Hay có DN chấp nhận hỗ trợ lãi suất, kéo giãn thời gian nộp tiền nhà... trong điều kiện hiện nay thì ưu đãi đó tính trên 2 -3 tỷ đồng mỗi căn hộ thì cũng lên đến cả trăm triệu đồng, chẳng khác nào chấp nhận giảm giá hơn 1 triệu/m2.

 

Tuy nhiên, dù thực tế phải giảm giá, giảm áp lực thanh toán cho người dân để bán nhà nhưng chủ đầu tư ở Hà Nội dường như rất kỵ nói đến hay từ "phá giá" hay "bán tháo" vì sợ mất mặt. Nhưng xem ra, khi mà báo cáo tài chính phơi bày, két trống rỗng, áp lực nợ nần thì các ông chủ không còn "sĩ" và tham được nữa. Họ buộc phải chấp nhận giảm giá thực vào trong đơn giá bán căn hộ cho khách hàng mới mong lôi kéo được khách đến, bán hàng giải phòng tồn kho, đọng vốn.

 

Phá giá, một điều dường như sẽ trở thành xu hướng, cuối tháng trước Hoàng Anh Gia Lai đã tuyên bố sẽ giảm giá tới 50% cho các căn hộ của mình ở TP Hồ Chí Minh. Và trên thực tế, nhiều chủ đầu tư ở thị trường này cũng đã âm thầm giảm giá trực tiếp cho khách để đẩy mạnh tiến độ bán hàng. Bởi vì, dù không nói, những với tồn khô lớn, thị trường ế ẩm, khách có tâm lý chờ đợi gây sức ép... như trên thị trường hiện này thì xem ra ai thực hiện giảm giá trước thì may ra mới có khách. Chứ để đến khi cả làng cùng giảm giá thì giá rẻ chắc gì đã còn hấp dẫn.

 

Theo Thành Dũng

VEF

 

Họ tên :

Email :

Nội dung :

Tin cùng chủ đề

Địa ốc Hà Nội: “Ấm” từ phía Tây?

Ngày đăng : 17/05/2012 - 1:42 PM

 

Dù thị trường vẫn chưa hồi phục, song sự quan tâm của giới đầu tư BĐS đối với khu vực phía Tây Hà Nội trong thời gian qua đang mang lại nhiều kỳ vọng tích cực cho các dự án nơi đây.
Hơn một tháng trở lại đây, sau động thái có phần “nhẹ tay” của các ngân hàng thương mại đối với tín dụng bất động sản, thị trường đã bước đầu có những tín hiệu le lói tia hy vọng cho các chủ đầu tư vốn đang ngụp lặn trong khó khăn từ ngót 2 năm nay.

Theo tìm hiểu của VnEconomy, với các mức lãi suất cho vay mua nhà đã giảm từ 3 -4%/năm, xuống còn khoảng 18 – 20%, một số khách hàng, người tiêu dùng có nhu cầu mua nhà thực sự đã chấp nhận “cắn rằng” cậy nhờ ngân hàng để sở hữu căn hộ, mảnh đất trong lúc thị trường được cho là đang chạm đáy.

Thậm chí gần đây, do thanh khoản kém, một số chủ đầu tư đã phải tính đến chuyện kích cầu bằng việc hỗ trợ lãi suất vay cho người mua nhà bằng cách hợp tác với các ngân hàng để khách hàng, giới đầu tư bất động sản có thể hưởng mức ưu đãi nhất khi vay tiền mua dự án của họ.

Tuy nhiên, giới đầu tư cũng như người mua nhà vào thời điểm này không còn “ngu ngơ” như trước đây. Trong bối cảnh thông tin đã đầy đủ hơn, cập nhật hơn, sản phẩm chào bán đầy rẫy trên thị trường thì họ đã có thể chọn cho mình một căn hộ, lô đất có giá phù hợp, thậm chí là có thể lựa chọn cả khu vực mà mình muốn chuyển đến sinh sống.

Theo tổng hợp của các sàn giao dịch bất động sản tại Hà Nội, so với các vùng và khu vực khác trên địa bàn, hiện các dự án nằm ở khu vực phía Tây vẫn được khách hàng tìm hiểu và có tỷ lệ giao dịch thành công nhiều hơn cả.

Ông Trần Minh Thắng (sàn giao dịch bất động sản Sudico) cho hay, trong vòng một tháng trở lại đây, dù thị trường chưa thật sự khởi sắc trở lại, song có một tỷ lệ không nhỏ các nhà đầu tư nhỏ lẻ vẫn luôn theo sát các diễn biến về giao dịch, giá cả đối với các dự án cũng như thị trường nhà đất ở khu vực phía Tây.

Ngoài yếu tố hạ tầng có phần hơn các khu vực khác, lý do khiến giới đầu tư để mắt đến khu vực phía Tây cũng có một phần không nhỏ vì giá ở khu vực này đã giảm mạnh nhất trong vòng một năm trở lại đây. Cùng với ý đồ bắt đáy của giới đầu tư, không ít người dân có ý định mua nhà cũng hy vọng tìm được một căn hộ hay dăm ba chục m2 đất ở khu vực này khi giá giảm.

Theo khảo sát, giá đất nền tại khu vực Nam An Khánh hiện đang được giao dịch với giá khoảng 25- 30 triệu đồng/m2. Còn đất nền tại khu A dự án Geleximco, đường Lê Trọng Tấn (Hà Đông) được chào bán khoảng 35 – 40 triệu đồng/m2. Trong khi đó, đất nền tại khu vực Mễ Trì cũng đã giảm giá từ 10 – 25% so với năm ngoái, hiện đang được giao dịch với mức giá từ 40 – 55 triệu đồng/m2, tùy vị trí đất  tiếp giáp với đường.

Thậm chí đối với phân khúc bất động sản nghĩ dưỡng, biệt thự nhà vườn ở khu vực phía Tây Hà Nội, từng được các chủ đầu tư đưa ra với mức giá từ 5 -10 tỷ đồng/căn, thì nay chỉ với khoảng 3 tỷ đồng, khách hàng đã có thể sở hữu một căn biệt thự rộng gần 300 m2 ở khu vực này.

Lý giải về hiện tượng đất khu vực phía Tây đang “nhúc nhích” giao dịch, ông Trần Đức Diễn, giám đốc sàn giao dịch bất động sản Maxland nói, chính vì giá ở khu vực phía Tây giảm khá mạnh trong thời gian qua, nên không ít giới đầu tư đã và đang kỳ vọng sẽ hưởng lợi từ chính sự giảm giá đó khi thị trường được dự báo sẽ sớm ấm trở lại trong ngắn hạn.

Trong lần sang thăm Việt Nam mới đây, ông Arsh Chaudhry, Giám đốc điều hành khu vực Đông Nam Á Tập đoàn Bất động sản Cushman&Wakefield mới chỉ nhìn vào bản đồ và báo cáo của các bộ phận chuyên môn đã đưa ra ngay lời khuyên cho giới đầu tư Việt rằng, “nên đầu tư vào đất nền phía Tây Hà Nội trong trung và dài hạn thay vì đầu tư ngắn hạn vì đây sẽ là khu vực tiềm năng trong tương lai”.

Theo Bảo Anh
Vneconomy


Đua nhau phá giá BĐS: 'Sống chết mặc bay'

Ngày đăng : 16/05/2012 - 2:21 PM

 

Mối quan hệ gắn bó keo sơn và tương hỗ lẫn nhau giữa các chủ đầu tư và giới đầu tư thứ cấp hồi thị trường lên dốc đã dần thay bằng tình cảnh chia rẽ, phớt lờ kiểu "sống chết mặc bay".

Biểu hiện của nó là làn sóng "đánh xuống giá" tại hầu khắp các dự án BĐS đang triển khai có dính dáng đến các nhà đầu tư lướt sóng.

Phá giá trên diện rộng

Nếu như trước đây, tỷ lệ tham gia của các nhà đầu tư (không phải người mua thực ở) trong một dự án quyết định tính sốt nóng của giao dịch và giá cả, thì nay ngược lại, cũng chính tỷ lệ này quyết định mức độ xuống giá của sản phẩm, thậm chí sự mất giá của dự án. Mà tại Hà Nội, cơn sút giá này có vẻ không từ một dự án căn hộ, đất nền đang triển khai nào.

Khảo sát trên nhiều trang mua bán, rao vặt và các văn phòng môi giới BĐS cho thấy, số lượng và mức độ bán tháo đang có sự phân hóa mạnh. Thứ nhất, các dự án căn hộ, đất dự án thuộc hạng cao cấp tuy hiện có số lượng rao bán sản phẩm lẻ tẻ nhưng lại luôn gây chú ý cao độ về mức giá "cắt lỗ" rất "khủng", có thể lên tới 1-3 tỷ đồng/sản phẩm.

Đơn cử nhiều căn hộ khoảng 130m2 thuộc dự án chung cư cao cấp Mandarin Garden, địa bàn quận Cầu Giấy, có giá gốc trong hợp đồng khoảng 46 triệu đồng/m2 (cả VAT), nhưng nay cần tiền, người bán dù đã đóng 2,5 tỷ đồng (tương đương 40% tiến độ), cũng sẵn sàng "buông" với tuyên bố cắt lỗ 1 tỷ đồng, hoặc bán dưới giá gốc 4-5 triệu đồng/m2.

Cách dự án này không xa, một số căn hộ diện tích từ 100-160m2 tại khu phức hợp Keangnam, huyện Từ Liêm dù đã đi vào sử dụng, vẫn có người chào bán cắt lỗ 3 tỷ đồng, từ 1.800-2.300 USD/m2 kèm bao tên sổ đỏ cho khách mua. Trong khi thời điểm mở bán, giá gốc mà chủ đầu tư đưa ra là 3.000 USD/m2, còn đầu năm 2012, mức giá trên thị trường thứ cấp đã chỉ còn mức 2.400-2.700 USD/m2.

Ngay cả khu chung cư M3, M4 Nguyễn Chí Thanh, quận Đống Đa đã đi vào sử dụng nhiều năm nay cũng không khỏi cảnh mất giá, từ mức 36-38 triệu đồng/m2 thời điểm năm 2009, hiện nhiều chủ sở hữu rao bán dưới 30 triệu đồng/m2.
Cơn sút giá tại HN có vẻ không từ một dự án căn hộ, đất nền đang triển khai nào (ảnh minh họa)

Hầu hết dự án căn hộ cao cấp đang triển khai tại các khu vực khác như quận Thanh Xuân, Hà Đông, Long Biên, Hoàng Mai, Tây Hồ, Đống Đa... cũng đồng cảnh ngộ. Giá gốc ký hợp đồng từ 32-44 triệu đồng thì bây giờ nhà đầu tư cũng không chờ đến hạn giao nhà vào năm sau, mà sẵn sàng cắt lỗ tầm tiền từ vài trăm triệu đến 1,5 tỷ đồng - tương đương với khoản tiền mua một căn hộ thuộc phân khúc bình dân.

Thứ hai, phân khúc đất nền dự án đặc biệt là phía Tây gồm Bắc An Khánh, Nam An Khánh, Tân Tây đô, Kim Chung - Di Trạch, Vân Canh, Geleximco... càng sụt giá mạnh hơn. Nhiều lô biệt thự, liền kề tại các dự án này đang được các cá nhân rao bán tính ra mất giá ít thì vài tỷ, nhiều thì đến gần chục tỷ đồng so với hồi thị trường sốt nóng trước đây.

Chiều hướng thứ ba, những dự án căn hộ thuộc phân khúc trung cấp và bình dân, lượng rao bán đông đảo nhưng mức giảm trên thị trường thứ cấp chưa sâu. Một mặt bằng giá nhất định được xác lập, thường rẻ hơn 10-20% so với giá gốc của chủ đầu tư.

Số này gồm các dự án khu đô thị mới Dương Nội, Victoria Văn Phú, Hải Phát, Xa La... thuộc quận Hà Đông. Trước kia giá gốc của chủ đầu tư thường dao động từ 20-25 triệu đồng/m2 tùy căn, tầng, nhưng nay nhiều người chấp nhận cắt lỗ từ 60 triệu đến hơn 100 triệu đồng/căn, tương đương với mức giảm khoảng 30% so với giá gốc. Giá chào trên thị trường thứ cấp phổ biến từ 19-20 triệu đồng/m2.

Xấu chàng, hổ ai?

Một hệ quả của giai đoạn hoàng kim, các nhà đầu tư thứ cấp đón lõng thị trường bằng việc tập trung nhiều ở những sản phẩm chưa đưa vào sử dụng. Lúc này, sản phẩm nhà ở càng chưa biết khi nào bàn giao và tiếp theo là giá càng vượt xa khả năng chi trả của số đông thì mức độ mất giá càng cao.

Ở đây, không chỉ các nhà đầu tư cần tiền mặt để thanh toán, trả nợ, mà triển vọng của thị trường còn u ám, tiến độ của chủ đầu tư trì trệ cũng là lý do để các nhà đầu tư tiếp tục đẩy hàng ra với giá rẻ hơn lúc nhập vào. Có thể hình dung ở phương án tốt nhất, một căn hộ ôm giữ, sang năm giá trị của nó giỏi lắm tăng lên 10% nhưng chi phí lãi vay khoảng 20%. Tính ra nếu ôm giữ nhà đầu tư vừa lỗ mà vừa mất đi các cơ hội đầu tư khác. Do đó, chiều hướng bán hàng ra càng sớm càng tốt để tạo vòng quay đồng tiền hiệu quả vẫn diễn tiến.

Một số quan điểm cho rằng, mặt bằng giá trên thị trường thứ cấp tới đây sẽ được định hình thực sự ở phân khúc căn hộ trung cấp và bình dân, bởi lượng người đầu tư theo phong trào còn mắc kẹt tại đây khá lớn. Ngược lại, loại căn hộ cao cấp, tuy giá thứ cấp giảm lúc này khá sốc nhưng đó chỉ là những trường hợp cá biệt, nhỏ lẻ.

Theo một nhà buôn BĐS chuyên nghiệp, nhà đầu tư thứ cấp trên thị trường gồm 2 loại, thứ nhất là những người sống bằng nghề buôn BĐS thực thụ, hai là những người có khoản tiền nhàn rỗi, muốn đầu tư lướt sóng kiếm thêm. "Khẩu vị" của cả hai loại nhà đầu tư này đều là những dự án căn hộ bình dân, tầm tiền 25 triệu đồng/m2 đổ về, diện tích căn hộ vừa phải. Điều này đảm bảo suất đầu tư hợp lý (xuống tiền đợt đầu khoảng 300-500 triệu đồng/căn) mà vẫn có tính thanh khoản.

Trong khi đó, tiền đặt cọc một căn hộ cao cấp đợt đầu đã lên đến 1,5-2 tỷ đồng cho nên khách mua căn hộ cao cấp thường là những người sành điệu, đẳng cấp, có nhu cầu ở thực hoặc là nhà đầu tư trường vốn. Những nhà đầu tư "lướt sóng" lạc vào đây thì phần nhiều đã kịp "bỏ cọc", "cắt lỗ" ngay khi thị trường có dấu hiệu đi xuống.

Số nhà đầu tư cá biệt ôm giữ sản phẩm đến lúc này đẩy hàng ra do quá cần tiền để làm ăn. Mức giảm giá lên đến tiền tỷ của nhiều sản phẩm cao cấp, mới nghe thì lớn nhưng thực tế không đáng gì so với lượng tiền mặt người bán cần thu về. Người mua đã bỏ xuống một lượng tiền quá lớn lên tới 6, 7 tỷ đồng, nay họ sẵn sàng hy sinh 1 tỷ, hơn là cầm 5 tỷ đồng vay nóng bên ngoài, 1 tháng đã mất đứt 1 tỷ đồng.

Rõ ràng, đối tượng chịu thiệt hại đầu tiên và trực tiếp từ cơn bĩ cực của thị trường BĐS chính là các nhà đầu tư thứ cấp vì một lượng hàng không nhỏ đã được lực lượng này dang tay mua vào từ các chủ đầu tư. Tuy nhiên mối quan hệ giữa các nhà đầu tư thứ cấp với chủ đầu tư ở góc độ nào đó cũng khăng khít theo kiểu "môi hở răng lạnh".

Còn nhớ vài năm trước khi thị trường đi lên, để một dự án khi ra hàng đã "hot" càng thêm sốt nóng về giá cũng như giao dịch thì chủ đầu tư rất cần bàn tay của các nhà đầu tư lớn, có khả năng mua buôn với giá gốc. Lúc ấy, chủ đầu tư dành phần lợi nhuận béo bở và các điều kiện ưu ái với phương châm, đưa được các nhà đầu tư vào dự án thành công và kéo họ ra cũng phải trót lọt.

Nay "vào" thành công nhưng "ra" bất lực, tất yếu để cứu mình, các nhà đầu tư thứ cấp phải "phá giá", biến mình thành đối thủ cạnh tranh trực tiếp với các chủ đầu tư. Đây là nỗi ám ảnh đeo đẳng các nhà tạo lập dự án vì bản thân đã khó khăn, nay thêm động thái này, họ càng chìm sâu hơn. Nhưng cũng không khá hơn, giới đầu tư vẫn không thôi trách móc, đổ lỗi uy tín, cam kết tiềm lực của chủ đầu tư, vì chưa biết đến bao giờ họ mới thoát khỏi "cục nợ" BĐS ràng buộc khiến mất ăn mất ngủ.

Theo Thành Dũng
VEF


Doanh nghiệp bất động sản: Nan giải tìm vốn qua chứng khoán

Ngày đăng : 14/05/2012 - 2:27 PM

 

Mùa ĐHCĐ năm nay, nhiều DN vẫn đưa ra kế hoạch tăng vốn dù kết quả kinh doanh sút giảm mạnh và viễn cảnh thị trường còn nhiều khó khăn. Phát hành thêm có thể làm pha loãng giá trị CP nhất thời, nhưng ít nhất DN vẫn hy vọng tìm được nguồn vốn cho các 

 

 

Đua nhau tăng vốn

 

ĐHCĐ của CTCP địa ốc Sài Gòn Thương Tín (SCR) mới đây đã thống nhất thông qua nội dung tờ trình phát hành thêm CP tăng VĐL với tỉ lệ tăng là 40%/VĐL. Theo đó, số lượng CP phát hành thêm là 57,2 triệu CP với tổng giá trị phát hành thêm là 572 tỉ đồng. Như vậy, sau khi tiến hành tăng vốn, tổng số VĐL của SCR sẽ lên tới 2.002 tỉ đồng. Mục đích phát hành thêm CP là nhằm bổ sung vốn lưu động và phát triển các dự án trọng tâm của DN.

 

Dù giảm bớt tỉ lệ đầu tư vào lĩnh vực BĐS, nhưng vấn đề dòng tiền vẫn là nỗi lo của HAG. Trong năm 2011, tổng nợ ngắn hạn và dài hạn của HAG 11.626 tỉ đồng, tăng mạnh 98%. Trong khi đó, chi phí lãi vay tăng 127%, lên 464 tỉ đồng. Ước tính trong năm 2012, HAG sẽ cần 2.581 tỉ đồng để trả 800 tỉ đồng nợ gốc, 1.738 tỉ đồng trả lãi và 3.712 tỉ đồng đầu tư cơ bản (gồm 1.286 tỉ đồng đầu tư lĩnh vực cao su 1.527 tỉ đồng đầu tư mảng mía đường 105 tỉ đồng mảng khai khoáng và 794 tỉ đồng mảng thủy điện). Chính vì vậy, khả năng huy động được vốn sẽ là chìa khóa quyết định triển vọng của HAG trong năm 2012, cũng như triển vọng tăng trưởng trong những năm tiếp theo.

 

ĐHCĐ của CTCP Vạn Phát Hưng (VPH) vừa qua, HĐQT cũng đã trình phương án phát hành thêm khoảng 13,85 triệu CP cho cổ đông hiện hữu với tỉ lệ 2:1. Đồng thời, phát hành thêm khoảng 300 tỉ đồng trái phiếu chuyển đổi riêng lẻ với thời hạn từ một đến ba năm nhằm bổ sung nguồn vốn... Tại ĐHCĐ CTCP Địa ốc Hoàng Quân (HQC), sau khi giải trình với cổ đông về câu chuyện Cty không phá sản, HĐQT Cty cũng đã trình phương án chào bán 200.000 trái phiếu chuyển đổi để đầu tư vào các dự án trong năm 2012 và đã được thông qua.

 

Không mấy hấp dẫn

 

Nhìn vào báo cáo thường niên của các DN địa ốc có thể thấy hầu hết không đạt chỉ tiêu lợi nhuận trong năm vừa qua, và kế hoạch kinh doanh đặt ra cho năm nay đều giảm, kể cả việc giảm bớt số lượng các dự án để chờ thời điểm tốt hơn. Đơn cử như với trường hợp VPH, trong kế hoạch kinh doanh năm 2012, DN này sẽ không triển khai thêm dự án nào

.

Thay vào đó là chủ yếu tập trung vào việc bán 70 căn hộ thuộc hai block 1A và 1b của dự án LaCasa (dự kiến sẽ thu về 119 tỉ đồng) bán một phần đất nền dự án Nhơn Đức (thu về 120 tỉ đồng) và chuyển nhượng một số dự án Cty đầu tư không có hiệu quả. Tuy nhiên, việc chuyển nhượng dự án không phải là một sớm một chiều. Dự án Nhơn Đức của Cty vẫn chờ để đóng tiền sử dụng đất và khoản tiền này cũng phải cậy nhờ vào NH, vì hiện tại quỹ tiền mặt của Cty không còn đủ để đóng. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu VPH có thu được tiền từ khách hàng đúng tiến độ để duy trì hoạt động đầu tư của mình? Đây sẽ là thử thách không nhỏ đối với hoạt động của VPH.

 

Thêm vào đó, trong bối cảnh nguồn vốn vẫn đang bị thắt chặt như hiện nay, mục tiêu huy động vốn bằng việc phát hành trái phiếu cũng không hề dễ dàng với ban lãnh đạo HQC và VPH. Kỳ thực thì ngay cả việc phát hành thêm CP, nhiều DN cũng không kỳ vọng vào thị trường hay cổ đông tương lai. Họ kỳ vọng vào chính... những cổ đông lớn của mình, hoặc vào mối quan hệ thân thiết với các NH. Không ít DN trông cậy vào mối quan hệ “sân sau” với NH, vay vốn, mua CP phát hành thêm, sau đó xoay vốn chỗ khác trả lại NH.

 

Việc tăng vốn có thể thành công nếu DN thuyết phục được NĐT rằng DN sẽ hoạt động tốt trong tương lai và thu về được lợi nhuận tốt. Ông Phan Dũng Khánh - Trưởng phòng phân tích CTCK KimEng nhận xét: Chúng ta có thể ví câu chuyện tăng vốn của các DN trong bối cảnh hiện nay như câu chuyện có hai quán phở bên cạnh nhau, một quán đông còn một quán lại vắng vậy. Người ta sẽ đổ xô vô cái chỗ người ta thích dù hết bàn ngồi.

 

Thậm chí, quán phở mở rộng thêm (giống như phát hành thêm) người ta cũng sẽ ăn cái quán đông chứ không ăn quán còn lại. Nếu DN không triển vọng thì dòng tiền của NĐT cũng sẽ không tìm đến. Hiện nay mặc dù nhóm CP BĐS đang tăng giá, nhưng chỉ ở mức vừa phải và cũng chỉ tăng ở một vài CP có tiềm năng. 

 

Gia Miêu

 Lao Động

 


Thiệt hại lớn vì khu đô thị bỏ hoang

Ngày đăng : 11/05/2012 - 3:36 PM

 

Cả chục dự án đô thị, phát triển nhà ở tại Bắc Ninh, Hà Nội, Hòa Bình... bỏ hoang cỏ mọc.

Nhiều dự án chia lô, bán nhà cho hàng ngàn người nhưng nhiều năm qua vẫn hoang vắng không bóng người.

TS. Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, chính quyền cần hết sức cân nhắc khi thu hồi đất canh tác để làm khu đô thị, nhất là khi đã thu hồi đất của dân rồi lại để hoang cỏ mọc.

Nhiều chuyên gia cho rằng có thể cả chục năm nữa các khu đô thị này vẫn vắng bóng người, ông nghĩ sao?

Đô thị mới cần hiểu là phải có cả nhà ở, trường học, công viên và nhiều tiện ích khác phục vụ người dân chứ không phải chỉ đơn giản là cái nhà ở.

Thực ra, một số dự án đô thị bỏ hoang trước đây có người biện minh là “cũng làm theo quy hoạch”, nhưng quy hoạch đấy vẽ ra là dành cho 20 năm, thậm chí 50 năm sau chứ không phải vẽ cho ngay bây giờ đâu! Ý tôi là trên cơ sở quy hoạch, phải chia ra cụ thể giai đoạn nào xây đến đâu, diện tích bao nhiêu căn cứ vào nhu cầu thực sự của người dân.

Theo tôi, phải phát triển đô thị theo hướng xây đâu được đấy, xây đến đâu dùng được đến đó chứ nếu không thì không thể có được bộ mặt đô thị đẹp đẽ.

Nếu làm rải rác thì ngay cả chục khu đô thị xây xong nhưng cách xa nhau, người đến ở quá ít thì ngay cả một trường học, bệnh viện cũng rất khó đầu tư được.

Nhưng khu đô thị bỏ hoang nhiều nhất lại rơi vào những nơi từng được tung hô là “đi tắt đón đầu” như Mê Linh, Từ Sơn..., thưa ông?

Rõ ràng là chúng ta đã làm ngược quy trình. Hà Nội là đô thị lớn có tác dụng lan toả rất mạnh và đó là quy luật tất yếu. Các địa phương quanh Hà Nội đã dựa vào tác động lan tỏa ấy để xây các khu công nghiệp, đô thị bám theo nhưng ở đây có sự thiếu tính toán đầy đủ.

Vấn đề đặt ra là các địa phương cần phải bố trí, xây dựng đô thị phải theo quy hoạch, có tổ chức, tính toán rất kỹ chứ không thể tùy tiện và thiếu sự phối hợp giữa các địa phương như hiện nay. Hiện vẫn có tình trạng buông lỏng phối hợp trong tổ chức quy hoạch vùng.

Mặc dù đã có nhiều đô thị bỏ hoang ở khắp nơi nhưng chưa có gì đảm bảo tình trạng này sẽ không tái diễn trong tương lai?

Xử lý các đô thị để hoang này là việc rất khó nhưng phải quan tâm. Cần căn cứ từng khu đô thị, dự án có những đặc điểm khác nhau để đưa ra hướng tháo gỡ.

Tôi ví dụ nếu gần các khu công nghiệp cần tính toán hạ giá để phục vụ cho các nhu cầu của lao động trong khu công nghiệp. Tất nhiên, phải hạ giá thì mới bán được.

Đây là việc cần được nghiên cứu và rút ra bài học sâu sắc. Vừa qua, tôi đã kiến nghị, nhà ở công nhân không phải xây biệt lập trong khu công nghiệp mà phải nằm trong một khu đô thị có đầy đủ tiện ích.

Tại Từ Sơn (Bắc Ninh) hay Mê Linh (Hà Nội) trước đây có vị lãnh đạo dự kiến phát triển thế này thế kia nhưng thực chất lại chẳng thấy phát triển gì! Hà Tây trước khi nhập vào Hà Nội đã ồ ạt cấp đất làm dự án dẫn đến sau đó phải rà soát, điều chỉnh nhiều.

Người ta đua nhau làm dự án, vì ở đó có lợi ích nhóm và hậu quả là mất rất nhiều đất nông nghiệp.

Theo Minh Tuấn
TPO


Dân đầu cơ BĐS bán tháo, chủ đầu tư xanh mặt

Ngày đăng : 10/05/2012 - 4:11 PM

 

Nhiều nhà phát triển dự án BĐS đang ở vào tình cảnh rất éo le là phải cạnh tranh trực tiếp với những sản phẩm giá rẻ của chính nhà đầu tư, khách hàng đã mua sản phẩm của mình.
Đây có lẽ là thực tế chua chát và thê thảm mà từ trước đến nay, chính các chủ đầu tư cũng không thể ngờ tới.

Từ "Thượng đế" trở thành "đối thủ"

Vì cần tiền mặt, tới hạn tất toán hợp đồng với chủ đầu tư, trả nợ ngân hàng, trên nhiều trang mua bán, rao vặt nhà đất, rất nhiều mẩu tin cần bán gấp căn hộ tại các dự án chung cư, khu đô thị mới đang hoàn thiện, đã đóng nửa già tiền tiến độ - giá được giảm hàng chục triệu so với giá gốc của chủ đầu tư hay cắt lỗ lên đến vài trăm triệu đồng.

Mức độ thu hút của những rao vặt này phụ thuộc vào độ lớn của số tiền mà người bán chịu lỗ. Có trường hợp bên muốn bán khẳng định chấp nhận chịu lỗ 70% giá trị sản phẩm hay mức lỗ 1-2 tỷ đồng/sản phẩm BĐS mà không quên chua thêm: "đây là cơ hội hiếm hoi để sở hữu căn hộ cao cấp/lô đất giá rẻ nhất thị trường".

Các nhà đầu tư thứ cấp bán tháo ở đây là những cá nhân và các công ty tư nhân. Phần đa do sử dụng đòn bẩy tài chính quá lớn đầu tư vào BĐS, giờ phải tìm cách thoát hàng gấp; đối tượng tiếp theo do không nhìn thấy triển vọng của thị trường, các dự án không đầy đủ pháp lý, chủ đầu tư yếu kém, không đáp ứng được tiến độ tìm cách thoái vốn, tự giải thoát mình.

Mặc cho chủ đầu tư các dự án BĐS tại Hà Nội vẫn kiên định giữ giá thì các động thái thoái lui quyết liệt của các nhà đầu tư, đầu cơ thứ cấp, vô hình chung khiến giá sản phẩm của dự án liên tục lao dốc.

Với thị trường mà sức mua bó hẹp với số lượng rất ít ỏi giao dịch thành công thì việc các nhà đầu tư thứ cấp ồ ạt cắt lỗ đã đưa đối tượng này từ địa vị "Thượng đế" trở thành đối thủ cạnh tranh trực diện của các chủ đầu tư. Và trong cuộc đua thoát hàng này, ưu thế giá rẻ đã thuộc về các nhà đầu tư thứ cấp hay nói cách khác, đối tượng này có khả năng hớt trước các khách hàng tiềm năng của chủ đầu tư.

Lãnh đạo một dự án quy mô thuộc khu vực Hà Đông chia sẻ, áp lực doanh số càng về cuối càng gia tăng, bởi thị trường đã chìm lắng, đóng băng hơn năm trời nay. Hiện nay nhiều chủ đầu tư như đang ngồi trên đống lửa bởi chưa nhìn thấy triển vọng bán hàng trước mắt.

Dù cho lượng nhà đầu tư "đánh tháo" do đầu tư vượt quá khả năng chỉ chiếm khoảng vài phần trăm trong một dự án nhưng điều này để lại nhiều hệ lụy cả về yếu tố tâm lý thị trường, thương hiệu, đến chương trình bán hàng của chủ đầu tư sau này. Người có nhu cầu sẽ đặt ngược câu chuyện, dự án có vấn đề gì mà nhà đầu tư lại tháo chạy nhiều như vậy?

Cạnh tranh không biên độ

Ông Trương Chí Kiên, Phó TGĐ Công ty CP Him Lam Thủ đô nhìn nhận, thị trường trước đây chỉ có bên cung là các chủ đầu tư dự án cạnh tranh lẫn nhau. Sự cạnh tranh này thiết lập mặt bằng giá trên thị trường. Giữa các dự án cùng loại, mức chênh giá thường không nhiều, chỉ khoảng 5-10% dựa trên các lợi thế, giải pháp xây dựng, giá thành đầu vào...

Nhưng giờ đây, giá cả thị trường bị chênh lệch phân hóa mạnh bởi một lượng cung "không chính thức". Đó là nguồn cung thứ cấp do một bộ phận nhà đầu tư thứ cấp. Ngoài ra, một lượng cung nữa sẽ gia nhập thị trường tới đây đó là các BĐS thế chấp, thành nợ xấu của các ngân hàng.

Do giá trị chào bán thường thấp hơn mặt bằng giá sơ cấp của chủ đầu tư từ trên 10% trở lên, vì thế xu hướng giao dịch hiện tại chủ yếu tập trung vào các tài sản cắt lỗ, phát mãi. Những sản phẩm mới thuộc phân khúc trung và cao cấp gần như không được người mua đoái hoài.


Nói về áp lực của các chủ đầu tư, ông Đinh Văn La - từ sàn Tài Tâm Colier cho rằng, nhiều dự án đang triển khai hiện nay đã thiếu vốn, không bán được hàng, trước tình hình này lại càng thiếu vốn trầm trọng hơn, dự án càng lâm vào bế tắc. Hơn hết, tất cả tác động đến tâm lý chung của toàn thị trường.

"Tình hình tài chính, tiến độ triển khai chậm chạm đã ảnh hưởng rất nặng đến thương hiệu, uy tín của chủ đầu tư rồi. Còn việc nhà đầu tư thứ cấp bán phá giá thêm một lần nữa thì hệ lụy lan truyền theo kiểu domino, dự án càng không bán được, niềm tin của thị trường nói chung càng mất thêm thời gian hồi phục" - vị này nói.

Đáng nói là, trong thời gian thị trường BĐS Hà Nội nói riêng liên tục tăng trưởng các năm vừa qua, sản phẩm ra đến đâu hết đến đấy với giá gốc và giá chênh cao, gần như không chủ đầu tư nào có thể tượng tượng được rằng, đến một ngày nào đó họ sẽ phải cạnh tranh bán sản phẩm của mình với chính các nhà đầu tư thứ cấp, các nhà đầu cơ, cũng như làm sao giữ được giá sản phẩm trong thời kỳ thị trường đi xuống. Giữa hai bên không có một cam kết nào về việc bán đúng giá sản phẩm vì thế đến giờ, thường chủ đầu tư phải cắn răng, ngậm ngùi chịu trận.

Ở một góc độ khác, nhiều ý kiến đặc biệt lưu ý trong giai đoạn các nhà đầu tư thứ cấp "phá giá" hiện nay, không ít trường hợp là chuyển rủi ro cho người mua sau. Bởi lẽ, nhiều dự án về bản chất, chủ đầu tư đã không còn khả năng về tài chính, dự án đã ngừng thi công xây dựng cả năm nay, do đó việc giảm giá sâu cũng không còn ý nghĩa thực tiễn đối với người mua.

"Người dân vẫn có tâm lý "của rẻ là của ôi". Những dự án tốt, có giá trị, chỉ cần giảm giá 5% khách hàng đã rào mua rồi. Giờ một số dự án có giảm giá 20%, nhưng pháp lý chưa đầy đủ, chủ đầu tư không làm hoặc có thực hiện nhưng rất chậm, đến vài năm, lúc ấy cơ hội sẽ khác. Mà với tình hình này, khả năng chậm trễ không phải bằng tháng hay quý nữa mà được tính bằng năm" - đại diện một đơn vị kinh doanh BĐS nhấn mạnh.

Theo Thành Dũng
VEF


 

Tin mới cập nhật