Thông tin lần đầu tiên hợp nhất 3 ngân hàng Tín Nghĩa, Sài Gòn và Đệ Nhất đang khiến dư luận xôn xao song người gửi tiền tại TP HCM và Hà Nội đều khá bình tĩnh.
Tại Hà Nội, vẫn có khách mới đến gửi tiền tại một trong số các nhà băng này. Cầm 120 triệu đồng tại chi nhánh ngân hàng Việt Nam Tín Nghĩa trên phố Cầu Giấy (Hà Nội) vào lúc gần 10h sáng nay, bà Ngô Thị Tuyết cho biết, có nghe phong thanh thông tin 3 ngân hàng sẽ hợp vào với một ngân hàng lớn. "Lúc chưa hiểu, tôi cũng thấy hơi lo lo. Nhưng nghe nhân viên giải thích rồi, mới thấy hợp nhất không có nghĩa là xóa sổ hay phá sản", khách hàng này cho biết. Gửi tiền trong kỳ hạn 3 tháng với lãi suất hơn 1,16% một tháng (tương đương gần 14% một năm), bà Tuyết cho hay, không quá băn khoăn về vấn đề sáp nhập ngân hàng.
Nhân viên Tín Nghĩa Bank cũng xác nhận, từ sáng liên tục nhận điện thoại của khách hàng hỏi về việc nhà băng này hợp nhất cùng với 2 đơn vị khác. Vài khách hàng đề cập luôn chuyện rút tiền, vàng trước hạn; nhưng sau khi nghe nhân viên giải thích, rằng quyền lợi của khách gửi tiền vẫn được đảm bảo, hầu hết đã từ bỏ ý định, giao dịch viên cho biết.
Tại phòng giao dịch ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) trên phố Cầu Giấy, lúc hơn 9h, có nhiều khách ngồi đợi đến lượt rút tiền. Chị Loan, một khách hàng cho biết, chị đến làm lại sổ và rút tiền về vì đến hạn tất toán và có việc cần dùng, chứ không mảy may quan tâm chuyện nhà băng chuẩn bị hợp nhất với đơn vị khác. "Tôi cũng nghe phong thanh chuyện này, nhưng không phải mối quan tâm. Nếu hợp nhất, mà quyền lợi của chúng tôi vẫn được đảm bảo, thì không vấn đề. Sợ nhất là nhập lại với nhau xong, thì lãi suất hạ xuống, quy trình rắc rối...", chị Loan chia sẻ.
Nhân viên giao dịch ngân hàng Đệ Nhất (Ficombank) trên phố Đội Cấn (Ba Đình, Hà Nội) lại tỏ ra ngạc nhiên khi khách hàng đến hỏi về quyền lợi khi ngân hàng hợp nhất. Chị này kể, trong buổi sáng, đây là vị khách đầu tiên đến hỏi về vấn đề này.
Tại TP HCM, sau thông tin hợp nhất 3 ngân hàng, không khí giao dịch tại các đơn vị này cũng không đột biến, thậm chí, khách chỉ đếm trên đầu ngón tay. Khoảng 9h30 sáng, tại chi nhánh Tín Nghĩa Bank trên đường Tạ Uyên, quận 11, có khoảng 5-7 khách đến giao dịch. Trong số này, người rút tiền vì đến hạn nhưng cũng có khách đến để gửi tiết kiệm. "Tôi đến để tất toán sổ tiết kiệm vì đã hết hạn chứ không biết gì đến việc hợp nhất", một người đến rút tiền nói.
Trong khi đó, tại quầy thu tiền, một khách hàng trạc 40 tuổi, cầm trên tay xấp tiền vài chục triệu cho biết, bà có nghe thông tin 3 ngân hàng sẽ hợp vào với một ngân hàng lớn. “Ban đầu tôi cũng thấy hơi lo lắng khi định mang tiền đến gửi. Nhưng khi nghe con trai đang học tại trường Đại học kinh tế TP HCM giải thích rằng, hợp nhất không có nghĩa là phá sản mà chỉ là để cho mạnh hơn. Và nó bảo mẹ cứ gửi ở đây cho gần nhà. Do đó, sáng nay tôi quyết định đem gửi”, bà này giải thích.
Một phòng giao dịch khác của Việt Nam Tín Nghĩa trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, quận Bình Thạnh sáng nay cũng chung tình cảnh vắng hoe, không có khách đến giao dịch. Cách đó không xa, phòng giao dịch của SCB chỉ một vài khách ra vào. Ở nhiều chi nhánh, phòng giao dịch quận Bình Thạnh, quận 1, bên trong chỉ có vài vị khách làm việc trực tiếp với nhân viên, chứ không phải ngồi chờ hay xếp hàng để được giải quyết.
Nguồn tin từ phòng giao dịch SCB trên đường Lê Quang Định, quận Bình Thạnh cho biết, lượng khách đến giao dịch sáng nay không có dấu hiệu gì khác biệt so với ngày thường. Điều này được anh chứng minh bằng chỗ khu đỗ xe khách chỉ lác đác vài chiếc, thậm chí chiếm chưa tới một nửa khu vực dành đỗ xe khách.
Trong khi đó, tại phòng giao dịch ngân hàng Đệ Nhất, trên đường Trần Hưng Đạo, quận 1, lúc gần 10h, không khí ở đây cũng khá vắng vẻ. Trước sảnh gần như không có một chiếc xe máy nào của khách đậu. Một nhân viên ở đây cho biết, sau thông tin hợp nhất, khách hàng có gọi điện thoại hỏi thăm, còn đến giao dịch thì từ sáng đến giờ gần như không có.
Khẳng định sẽ bảo vệ quyền lợi khách hàng đến cùng, cả 3 nhà băng nói trên đang có những ưu đãi nhất định với người gửi tiền, vàng. Tại phòng giao dịch SCB trên phố Cầu Giấy (Hà Nội), nhân viên cho hay, từ đầu tháng 12, nhà băng này đã áp dụng lãi suất gửi vàng lên đến gần 4% cho khách hàng. Mức niêm yết hiện nay là 3,5% một năm, nhưng từ nhiều ngày nay, khách gửi vàng được cộng thêm từ 0,15% trở lên và mức cao nhất đã lên xấp xỉ 3,9%.
Còn tại ngân hàng Việt Nam Tín Nghĩa, nhân viên giao dịch hứa chắc chắn với khách gửi vàng sẽ cộng thêm lãi suất thay vì mức 3,2% hiện nay. Theo đó, mức lãi suất cao nhất tại đây là 3,7% một năm. Còn tại Ficombank, khách gửi tiền sẽ được khuyến mại hiện vật, với sản phẩm là bộ xoong nồi và bát đĩa...
Thông tin hợp nhất Tín Nghĩa Bank, Ficombank và Đệ Nhất được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đưa ra vào sáng nay, trong cuộc họp giao ban báo chí tổ chức tại Hà Nội. Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam sẽ tham gia toàn diện vào ngân hàng mới sau khi hợp nhất. Trong tư cách là đại diện vốn Nhà nước, BIDV sẽ phải đảm bảo để không xảy ra phá sản sau khi hợp nhất cũng như quyền lợi người gửi tiền hợp pháp.
Nguồn tin từ Tín Nghĩa Bank cho biết, chiều nay, ngân hàng này cùng với SCB và Ficombank tiếp tục họp với Ngân hàng Nhà nước và BIDV để bàn về phương án hợp nhất.
Theo Lệ Chi - Bạch Hường - Tuệ Minh
Vnexpress