Nợ xấu trong hệ thống ngân hàng phần lớn do các hành vi tham ô, tham nhũng và yếu kém trong quản trị nội bộ, tuy nhiên theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước là không đáng ngại vì đều được trích lập dự phòng rủi ro.
Tại Hội nghị phòng chống sai phạm trong lĩnh vực tín dụng, ngân hàng tổ chức ngày 30/11, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết, tính đến thời điểm hiện nay, nợ xấu trong toàn ngành ngân hàng khoảng 40.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo ông, điều này cũng không quá lo ngại. "Bởi tất cả số tiền nợ xấu này đều đã được các nhà băng trích lập dự phòng rủi ro", ông Bình nói.
Theo ông, bản thân các ngân hàng thương mại là người lo lắng nhất đến vấn đề này. Bởi nếu nợ xấu của họ cao thì việc trích lập dự phòng rủi ro sẽ lớn. Khi đó, lợi nhuận của chính nhà băng sẽ bị thu hẹp lại.
Thống đốc cũng thừa nhận, thời gian qua, có thể do áp lực về tăng trưởng tín dụng nên nhiều nhà băng đã chạy theo chỉ tiêu và tạo ra nợ xấu. "Nhưng năm nay, tăng trưởng tín dụng đến 31/12 sẽ không quá 15%. Do đó, không còn lý do gì để các nhà băng phải chạy theo chỉ tiêu tăng trưởng nữa", ông Bình nói.
Đại diện thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ ra, những sai phạm trong hoạt động tín dụng ngân hàng xuất phát từ nhiều nguyên nhân như, một số đơn vị ngân hàng vì sức ép lợi nhuận, sức ép thành tích nên đã nới lỏng tín dụng, bỏ qua một số trình tự, thủ tục, quy định để cho vay; không chuyển nhóm nợ theo quy chế; cho vay không có tài sản đảm bảo hoặc tài sản đảm bảo không đủ thủ tục….
Hơn nữa, tại nhiều ngân hàng, một số thành viên Hội đồng quản trị đồng thời là những cổ đông lớn đã chi phối việc cho vay, đầu tư tài chính phù hợp với lợi ích của mình nhưng lại gây rủi ro cho ngân hàng. Ngoài ra, quản trị ngân hàng thiếu chuyên nghiệp, công tác quản lý cán bộ buông lỏng, chưa tận tâm với công việc.
Trước thực trạng trên, đại diện Ngân hàng Phát triển Việt Nam cho rằng, về cơ bản, nhà băng đã ban hành các quy định dựa theo quy định của Nhà nước. Song song đó, ngân hàng này sẽ đưa ra hai quy định về chế độ kiểm soát đặc biệt đối với hoạt động của các đơn vị trong hệ thống và quy định về giám sát đặc biệt với các dự án, khoản vay…của khách hàng.
Ngoài ra, đại diện Ngân hàng Phát triển Việt Nam cũng kiến nghị, Ngân hàng Nhà nước nên sớm ban hành chế độ trách nhiệm công vụ đối với cán bộ, quy định hướng dẫn các tổ chức tín dụng trong việc cho vay đảo nợ đối với khách hàng.
Trong khi đó, đại diện Eximbank nhìn nhận, nguyên nhân dẫn đến những sai phạm trong hoạt động ngân hàng là do đạo đức nghề nghiệp của một bộ phận cán bộ, nhân viên ngân hàng xuống cấp, xuất phát từ công tác tuyển dụng và đào tạo. Công tác quản lý rủi ro nói chung và quản lý rủi ro tác nghiệp, rủi ro hoạt động nói riêng của các ngân hàng chưa đảm bảo phòng ngừa các hành vi sai phạm, hệ thống kiểm tra, kiểm soát nội bộ chưa xứng với quy mô.
Trước những nguy cơ trên, ông cho biết bản thân Eximbank đã thành lập ban chỉ đạo phóng chống tội phạm ngân hàng tại Hội sở chính và thành lập tiểu ban phòng chống tham nhũng.
Việc tổ chức riêng một bộ phận kiểm tra, kiểm soát nội bộ tại Hội sở hoạt động theo mô hình ba cùng (cùng ăn, cùng ở, cùng làm) sẽ giúp kiểm tra, giám sát tốt hơn đối với các đơn vị kinh doanh và hạn chế được rủi ro trong trường hợp các đơn vị kinh doanh vì mục tiêu lợi nhuận mà lỏng lẻo trong công tác tự kiểm tra.
Cuối cùng, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Ngân hàng Nhà nước sớm báo cáo Chính phủ đề án tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại. Ông cho rằng, hiện nay Việt Nam đang chạy theo số lượng ngân hàng mà chưa chú ý đến chất lượng. Quy chế chưa chặt chẽ, công tác thanh kiểm tra của ngân hàng chưa tốt, tiêu chuẩn quản lý cán bộ còn lỏng lẻo...
"Cần phải được củng cố sớm để lấy được lòng tin của nhân dân", Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Thống đốc Bình cam kết, thời gian tới, phía Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục đưa ra nhiều Nghị định, thông tư mới, có sự quyết liệt hơn để sắp xếp lại hệ thống ngân hàng. Đồng thời, cơ quan này sẽ ký thông tư liên tịch với Bộ Công an trong việc thanh, kiểm tra giám sát các ngân hàng nhà nước.
"Bằng nguồn lực của mình, hệ thống ngân hàng cũng sẽ thành lập Quỹ khen thưởng khoảng 20 tỷ đồng tặng cho các tổ chức và cá nhân phát hiện, tố cáo những người vi phạm trong lĩnh vực tín dụng, ngân hàng", ông Bình nhấn mạnh.
Theo Lệ Chi
VnExpress