Nghị định 58: Hoạt động đầu tư của Quỹ đầu tư BĐS có hiệu lực từ 15/9

Ngày đăng : 24/07/2012 - 8:04 PM

 

Nghị định 58: Hoạt động đầu tư của Quỹ đầu tư BĐS có hiệu lực từ 15/9

 

Quỹ đầu tư bất động sản phải bảo đảm tối thiểu 65% giá trị tài sản ròng của quỹ được đầu tư vào BĐS, tối đa 35% giá trị tài sản ròng được đầu tư vào tiền,…

 

Chính phủ vừa mới ban hành Nghị định số 58/2012/NĐ-CP ngày 20/07/2012 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật chứng khoán và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật chứng khoán.

Trong đó, Nghị định có quy định chi tiết về hoạt động đầu tư của Quỹ đầu tư bất động sản. Cụ thể, về tỷ lệ tài sản nắm giữ, thời gian tối thiểu nắm giữ bất động sản, loại bất động sản, các điều kiện của BĐS…

Theo đó, Quỹ đầu tư BĐS phải đảm bảo giá trị tài sản ròng tối thiếu 65% được đầu tư vào bất động sản. Bất động sản phải ở Việt Nam với mục đích cho thuê hoặc để khai thác thu lợi ổn định. Đảm bảo tối đa 35% giá trị tài sản của Quỹ được đầu tư vào tiền và các công cụ tương đương tiền, giấy tờ có giá, chứng khoán niêm yết, chứng khoán giao dịch, trái phiếu Chính phủ.

Tuy nhiên, các công cụ đầu tư này cũng phải đảm bảo được tỷ lệ nhất định. Trong đó, không được đầu tư quá 5% tài sản của Quỹ vào chứng khoán phát hành, 10% vào chứng khoán phát hành của một nhóm công ty, không quá 10% tổng số chứng khoán đang lưu hành của 1 tổ chức.

Bất động sản phải được Quỹ nắm giữ tối thiểu 2 năm kể từ ngày mua, trừ các trường hợp bắt buộc phải bán theo yêu cầu của pháp luật, hoặc theo quyết định của Đại hội nhà đầu tư, hoặc Ban đại diện cho Quỹ do Điều lệ quỹ quy định.

Cũng theo Nghị định này, Quỹ đầu tư BĐS không được triển khai, xây dựng và phát triển dự án bất động sản, không được cho vay và bảo lãnh vay bất kỳ khoản vay nào, chỉ được phép vay không quá 5% giá trị tài sản ròng.

Bất động sản mà Quỹ được đầu tư gồm:

Là bất động sản được phép đưa vào kinh doanh theo quy định của pháp luật.

Là nhà, công trình xây dựng đã hoàn thành.

Nếu là công trình đang xây dựng dở dang thì phải bảo đảm đã có Hợp đồng giao dịch với khách hàng có thể bán được hoặc sử dụng được, dự án phải được thực hiện đúng tiến độ, không phải là đất chưa có công trình xây dựng.

Nghị định 58 sẽ có hiệu lực kể từ ngày 15/9/2012.

Bình An

Theo TTVN

Họ tên :

Email :

Nội dung :

Tin cùng chủ đề

Thủ tướng: Giá nhà thu nhập thấp chỉ nên 2-4 triệu đồng mỗi m2

Ngày đăng : 19/07/2012 - 6:40 PM

 

Thủ tướng: Giá nhà thu nhập thấp chỉ nên 2-4 triệu đồng mỗi m2

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo các cơ quan chức năng tạo điều kiện cho người thu nhập thấp mua được nhà, trong đó quan trọng nhất là cơ chế và nguồn cung

Bộ Xây dựng sáng nay tổ chức hội nghị toàn quốc tổng kết chương trình hỗ trợ người nghèo về nhà ở, theo Quyết định 167.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị tạo cơ chế để người thu nhập thấp có nhà ở.

 

 

Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết, đến nay số vốn huy động xây nhà cho người nghèo đạt 12.653 tỷ đồng. Trong đó, vốn từ ngân sách trung ương chiếm 33%, ngân sách địa phương 6%, từ ngân hàng chính sách xã hội 28% và các nguồn khác hơn 4.000 tỷ đồng chiếm 33%. Tổng số vốn đã giải ngân, theo Bộ trưởng, là gần 12.000 tỷ đồng, số còn lại sẽ giải ngân tiếp trong năm nay. Hầu hết các căn nhà đều vượt diện tích và chất lượng quy định, rộng 28-60 m2. Các căn nhà có khung bê tông cốt thép, tường xây gạch, giá thành đa số ở mức 25-28 triệu đồng mỗi căn, một số cao hơn khoảng 50-60 triệu đồng.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, bên cạnh nhà cho người nghèo, nhà cho người có công với cách mạng, cần đặc biệt quan tâm tới nhà thu nhập thấp ở các đô thị. Thủ tướng yêu cầu đưa ra các cơ chế chính sách để người lao động mua được dưới hình thức trả góp, bởi thực tế những người thu nhập thấp không thể mua căn hộ với giá như hiện nay.

Dự án nhà thu nhập thấp đầu tiên được mở bán tại Hà Nội vào tháng 9/2010, với mức giá gần 9 triệu đồng mỗi mét vuông, diện tích 60-80 m2. Nhiều nhà đầu tư sau đó đã tham gia phát triển loại nhà ở này, tuy nhiên gần đây phần lớn đều kêu khó vì thiếu vốn và khó thu lợi nhuận. Trong khi đó, nhà thu nhập thấp từ chỗ chen nhau mua, nay đang vấp phải nỗi lo ế hàng vì giá cao. Hà Nội hiện có trên dưới 10 dự án nhà thu nhập thấp, giá dao động trên dưới 10 triệu mỗi mét vuông.

Thủ tướng nhấn mạnh, không có cách nào khác ngoài việc Nhà nước can thiệp thông qua chính sách tạo ra nhà để người thu nhập thấp có thể mua được.

“Mỗi năm chúng ta thể trích một phần từ tiền sử dụng đất để phát triển nhà ở xã hội, lo cho người dân. Nếu nhà ở nông thôn là một triệu đồng một m2 thì nhà ở đô thị khoảng 2-4 triệu đồng, như vậy mỗi căn hộ chỉ khoảng 150-200 triệu đồng”, Thủ tướng nhấn mạnh.

10 năm qua, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, diện tích nhà ở trên đầu người vẫn tăng gấp đôi, lên gần 20 m2 mỗi người vào cuối năm 2011. Cả nước có 85% hộ dân có nhà ở từ bán kiên cố đến kiên cố. Hơn 500.000 hộ nghèo đã được ưu tiên hỗ trợ nhà ở. Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, đây là thành công, không chỉ dừng lại ở con số mà thể hiện tinh thần đoàn kết, thương yêu nhau.

“Tôi biết có những gia đình 5-6 người mà chỉ có 6m2 thì đời sống hình dung khó khăn thế nào”, Thủ tướng chia sẻ.

Thủ tướng cũng khẳng định: “Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, Nhà nước cắt giảm đầu tư công để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô nhưng các chương trình an sinh xã hội vẫn đảm bảo”.

Hoàng Lan

Vnexpress


BĐS năm 2012: Người mua chờ…và đợi

Ngày đăng : 18/07/2012 - 11:44 PM

 

BĐS năm 2012: Người mua chờ…và đợi

 

 

E dè và thận trọng là hai cụm từ được nhắc đến khá nhiều khi nói về người mua trên thị trường nhà đất hiện nay.

 

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia BĐS và các công ty tư vấn BĐS, hiện tại là thời điểm tốt để sở hữu nhà đất. Nguyên nhân được đưa ra là giá bất động sản hiện đã sát vùng đáy, giảm mạnh ở tất cả các phân khúc so với vài năm trước. Thêm vào đó, làn sóng hạ lãi suất của NHNN xuống 9%/năm cùng với động thái hỗ trợ lãi suất của các ngân hàng tại hàng loạt dự án là động lực mạnh mẽ cho thị trường BĐS.

 

Tuy nhiên, hiện nay hầu hết người mua vẫn “nhởn nhơ” với những thông tin tốt trên. Một mặt họ không đủ tiềm lực tài chính, mặt khác họ vẫn chưa muốn xuống tiền lúc này vì theo họ rất có thể thị trường sẽ tiếp tục giảm và lãi suất sẽ còn tụt nữa.

 

Còn nhớ, đầu năm 2012 Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai, ông Đoàn Nguyên Đức cho biết Hoàng Anh Gia Lai sẽ chào bán dự án căn hộ tại quận 7 (TP HCM) vào tháng 6 với giá bằng 50% sản phẩm cùng vị trí. Khi ấy, cả trong Nam ngoài Bắc, kẻ mua người bán “nín thở” chờ mua BĐS giảm giá. Thị trường gần như tê liệt khi số lượng giao dịch ở tất cả các phân khúc giảm sút.

 

Điều này dễ hiểu bởi ai cũng nghĩ, nếu bỏ tiền ra sớm quá, rút lại không kịp, sẽ hụt mất “con cá to” còn ở phía trước. Những người đang tìm hiểu thông tin và tiến hành mua đều dừng lại để nghe ngóng, chờ đợi, hy vọng vào một làn sóng bán tháo căn hộ và cả đất nền, khi ấy mới tham gia bắt đáy thực sự. Không ít khách hàng đã đến khâu soạn thảo hợp đồng rồi vẫn hủy ngang mà lý do không gì khác là chờ giá giảm thêm. Điều này ngược hẳn với thời kỳ ai cũng muốn nhanh tay đặt cọc trước vì sợ chậm trễ sẽ mất đi cơ hội ngon lành.

 

Đầu tháng 6, cả thị trường “nín lặng” chờ quả bom giảm giá của “Bầu Đức” phát nổ, nhưng chờ mãi cuối cùng tháng 6 trôi qua, “bom phá giá” vẫn im re. Thị trường ngờ vực về chiêu giảm giá, PR câu khách của HAGL thì cũng là lúc HAGL cho biết tháng 6 vẫn chưa phải là thời điểm thích hợp để giảm giá căn hộ. Như vậy, thị trường vẫn phải tiếp tục chờ đợi quả bom giảm giá một ngày sẽ nổ?

 

Khi cơn sốt giảm 50% giá căn hộ của HAGL chưa kịp đi qua, thị trường lại đón sóng giảm lãi suất mới. Theo đó, lãi suất huy động giảm xuống còn 9%/năm, lãi suất cho vay mua căn hộ được cả chủ đầu tư và ngân hàng dốc sức hỗ trợ chỉ còn 7-12%. Với việc lãi suất giảm mạnh, rất nhiều người kỳ vọng tiền sẽ chảy vào bất động sản làm cho thị trường này hồi sinh.

 

Tuy nhiên, dường như liều thuốc lãi suất không có tác dụng đối với “cơn bạo bệnh” của thị trường. Về phía nhà đầu tư họ vẫn chưa mặn mà lao vào thị trường hiện tại bởi họ cho rằng thị trường chưa thể hồi phục. Do đó, nhà đầu tư không dám quyết định xuống tiền mua bất động sản. Họ cho rằng nếu xuống tiền bây giờ cũng không thể sinh lời trong tương lai (ngắn hạn). Bên cạnh đó, số lượng căn hộ, số lượng biệt thự, liền kề trên thị trường đang còn rất nhiều. Trong khi đó, số lượng tiêu thụ lại chưa nhiều, cung hiện nay đang nhiều hơn cầu, lượng cung đang lớn lên trong khi cầu lại ít đi.

 

Về phía người mua để ở họ cho rằng giá nhà hiện nay vẫn bị thổi phồng so với giá trị thực. Mặc dù thị trường rất đa dạng, có thể đáp ứng được hầu hết các nhu cầu từ nhà cho người thu nhập thấp, chung cư thứ cấp, chung cư cao cấp, đất nền... nhưng thực tế để mua được nhà thì cần rất nhiều sự hỗ trợ về tài chính từ nhiều nguồn khác nhau mới có thể đáp ứng được. Vì vậy, người mua vẫn đang chờ đợi giá nhà tiếp tục đi xuống và lãi suất giảm mạnh hơn nữa.

 

Năm 2012 đã trôi đi quá nửa nhưng thị trường BĐS vẫn chưa có nhiều đột phá để khởi sắc. Một khi người mua không có lòng tin thị trường thì BĐS khó mà hồi phục trong ngắn hạn.

 

Tuệ Minh

 Theo TTVN


Chính phủ thừa nhận khung giá đất đã lạc hậu

Ngày đăng : 21/06/2012 - 10:29 AM

 

Theo đánh giá của Chính phủ, mức giá đất ở tại các đô thị lớn vẫn thấp hơn nhiều, chỉ bằng khoảng 30 - 60% so với mức giá đất ở tương ứng về vị trí trên thị trường.

 

Cập nhật nhiều con số đến ngày 8/6/2012, báo cáo tình hình quản lý, sử dụng đất năm 2011 và những tháng đầu năm 2012 trên phạm vi cả nước của Chính phủ vừa được gửi đến Quốc hội cho thấy không ít bất cập, sai phạm trong lĩnh vực này.



Theo đánh giá của Chính phủ, mức giá đất ở tại các đô thị lớn vẫn thấp hơn nhiều, chỉ bằng khoảng 30 - 60% so với mức giá đất ở tương ứng về vị trí trên thị trường. Việc áp dụng một mức giá quá rộng với biên độ chênh lệch giữa giá cao nhất và giá thấp nhất quá lớn dễ dẫn đến tình trạng tùy tiện khi áp giá đất trong những trường hợp cụ thể.



“Mức giá đất ở trong khung giá đất do Chính phủ quy định lạc hậu so với giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất trên thị trường, nhưng chưa được điều chỉnh cho phù hợp”, báo cáo nêu rõ.



Ở bức tranh chung, báo cáo cho biết, có 6/12 đô thị loại 2 giữ nguyên giá đất ở như năm 2011; 2/12 đô thị điều chỉnh tăng và 4/12 đô thị điều chỉnh giảm. Còn giá đất tại 10 đô thị loại 1 cơ bản được giữ nguyên so với năm 2011. Đô thị loại đặc biệt (Hà Nội và Tp.HCM) vẫn giữ nguyên mức giá đất ở tối đa 81 triệu đồng/m2 như năm 2011. Phần lớn các tỉnh quy định giá đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp bằng khoảng 55% - 80% mức giá đất ở.



Một trong những nguyên nhân dẫn đến hạn chế trong xây dựng bảng giá đất được chỉ ra là năng lực và thời gian đầu tư cho hoạt động này rất hạn chế. Mới chỉ có 6/63 địa phương thuê tổ chức tư vấn giá đất làm dịch vụ xây dựng bảng giá đất.



Cũng tại báo cáo, kết quả triển khai kiểm tra và xử lý đất của các tổ chức vi phạm được thể hiện qua nhiều con số khá lớn. Cụ thể, có 5.828 tổ chức vi phạm với diện tích 73.992,96 ha, trong đó: đã xử lý 3.670/5.828 tổ chức (đạt 61,84%) với diện tích đất 14.323,20 ha/73.992,96 ha (đạt 19,33%).



Trong đó, đã thu hồi đất của 792 tổ chức với diện tích 12.550,40 ha. Xử lý bằng các hình thức yêu cầu đưa đất vào sử dụng, cho phép chuyển mục đích, điều chỉnh xây dựng, xử lý trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất... đối với 1.135 tổ chức với diện tích 1.353,99 ha. Lập hồ sơ để thu hồi đất của 163 tổ chức với diện tích 1.501,91 ha. Thu nộp vào ngân sách nhà nước trên 96 tỷ đồng.



Báo cáo cũng cho biết, năm 2011 Thủ tướng đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường kiểm tra tình hình quản lý, sử dụng đất tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu đô thị, khu dân cư tập trung tại 5 tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Phú Thọ (đã tập trung kiểm tra 316 khu với diện tích 20 nghìn ha). Tuy nhiên, đã không có các con số cụ thể về kết quả được thể hiện.



Một trong các giải pháp được Chính phủ xác định sẽ tập trung chỉ đạo trong 6 tháng cuối năm nay là thực hiện việc thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm việc chấp hành pháp luật đất đai trong công tác giao đất, cho thuê đất tại các khu công nghiệp và cụm công nghiệp kể từ ngày Luật Đất đai năm 2003 có hiệu lực. Tiếp tục xử lý vi phạm đất của các tổ chức được nhà nước giao và cho thuê, tăng cường chỉ đạo các địa phương giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo về đất đai; giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại tồn đọng, phức tạp, kéo dài; giảm thiểu các vụ việc khiếu nại mới phát sinh. 

Theo Nguyên Vũ
Vneconomy

 


Golden Land tặng toàn bộ lãi suất vay mua nhà

Ngày đăng : 11/06/2012 - 2:01 PM

 

 

Ngoài việc khách hàng được vay vốn 70% giá trị căn hộ, Chủ đầu tư sẽ tặng 100% lãi suất cho khách hàng có nhu cầu mua căn hộ tại dự án Golden Land.
 
Từ ngày 6/6 đến ngày 15/7/2012, chủ đầu tư đưa ra chương trình hỗ trợ khách hàng “ Ngân hàng tài trợ vốn – Golden Land tặng 100% lãi suất”. Theo đó, khách hàng khi mua căn hộ dự án Golden Land, do Công ty cổ phần thương mại Hưng Việt (thuộc Tập đoàn Đầu tư Tài chính Hoàng Huy) làm chủ đầu tư, sẽ được ngân hàng cho Vay vốn lên tới 70% giá trị căn hộ và Chủ đầu tư sẽ tặng 100% lãi suất cho khách hàng có nhu cầu mua căn hộ tại dự án Golden Land.
 
Dự án Golden Land được công ty tư vấn thiết kế nổi tiếng Archipel của Pháp thực hiện và Posco Hàn Quốc thi công. Theo thiết kế, dự án gồm 4 tòa tháp căn hộ và 1 tòa tháp trung tâm thương mại, khách sạn cao 33 tầng với hơn 21.903m2 sàn thương mại. 3 tháp căn hộ cao 25 tầng cùng chung khối đế và tòa tháp 27 tầng nằm riêng biệt với tổng số căn hộ của khu gần 700 căn hộ có diện tích từ 93m2 - 166m2. Với thiết kế này, dự án đáp ứng được nhu cầu mua sắm của chính cư dân và phù hợp với gia đình Việt Nam.
 
Bên cạnh đó, việc sở hữu vị trí vàng tại 275 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân giúp Golden Land được hưởng những tiện ích và dịch vụ cơ bản của khu vực như hệ thống ngân hàng, chuỗi nhà hàng và các trung tâm mua sắm, giải trí.
 
Việc hỗ trợ 100% lãi suất của Chủ đầu tư sẽ giúp khách hàng có nhiều cơ hội hơn để sở hữu nhà cho khách hàng trong bối cảnh tín dụng ngân hàng dành cho vay mua nhà vừa giảm.
 
Theo TTVN/Golden Land
 

 


Bất động sản: Giá còn xa để “cứu”?

Ngày đăng : 07/06/2012 - 2:22 PM

 

"Nếu vội vã đưa ra những gói hỗ trợ ngay thì những người nông dân mất đất sản xuất để cho bất động sản phát triển sẽ nghĩ gì về điều hành vĩ mô?".
 
Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho biết.
 
Theo một chuyên gia trong lĩnh vực tư vấn bất động sản, có đến 80% và thậm chí còn hơn thế nữa, doanh nghiệp bất động sản ở qui mô vừa và nhỏ đã bị đào thải khỏi thị trường. Ngay cả một số không nhỏ doanh nghiệp lớn cũng khó trụ vững trong cuộc sắp xếp lại thị trường hiện nay. Tuy nhiên, con số này và những con số về hàng tồn kho bất động sản đang được các phương tiện thông tin đại chúng đưa ra, không khiến cho những người hiểu chuyện cảm thấy bất ngờ hay sốt ruột.
 
Khó vẫn hoàn khó
 
Trong khoảng thời gian không lâu, những thông tin được kỳ vọng tác động tích cực đến thị trường bất động sản được đưa ra như: Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mở van tín dụng dành cho bất động sản, kể cả đầu cơ; BIDV triển khai gói 6.000 tỷ đồng dành cho bất động sản; Bộ Tài chính chấp thuận giãn 64.000 tỷ đồng tiền sử dụng đất cho các chủ đầu tư dự án khó khăn về tài chính… Nhưng dẫu vậy, đến nay, các doanh nghiệp bất động sản vẫn than khó cả ở hai lĩnh vực: vốn vay và ứ đọng sản phẩm.
 
Ông Nguyễn Hữu Cường, Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội nhìn nhận, hầu hết doanh nghiệp lúc này không thể đáp ứng được thủ tục vay vốn bởi không còn tài sản để thế chấp. Vậy nên ông Cường kiến nghị, các ngân hàng nên tái thẩm định tài sản thế chấp, giãn nợ để các doanh nghiệp có điều kiện vay vốn.
 
Cùng quan điểm cho rằng cánh cửa vay vốn từ ngân hàng vẫn rất hẹp, ông Nguyễn Tuấn Hải, Chủ tịch HĐQT Anphanam - một doanh nghiệp vẫn đang xúc tiến các dự án bất động sản - chỉ thẳng ra vấn đề, bản thân các ngân hàng còn đang chết dở với các khoản nợ xấu mang tên bất động sản, nên chuyện giảm lãi suất cho vay chỉ là xã giao và... nghệ thuật đảo nợ. Ông Hải cho rằng, chỉ có 10% doanh nghiệp hiện nay là có sản phẩm hoàn thiện để bán, vậy số còn lại bị đào thải cũng là điều dễ hiểu. Từ thực tế không dễ có ngân hàng dám rót tiền cho doanh nghiệp bất động sản vay, ông Hải kiến nghị, cần một cách khôi phục thị trường khác - đó là kích cầu từ chính người sử dụng cuối cùng. Các ngân hàng cho vay với lãi suất thấp để người mua có thể tham gia vào thị trường nhiều hơn, tạo động lực cho thị trường tan băng.
 
Lúc này, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM nhìn nhận, giải pháp đến từ việc các cơ quan liên quan phải triển khai ngay Nghị quyết 13 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, đồng thời phải bổ sung ngành nghề bất động sản trong các chính sách hỗ trợ. Nhưng những tiếng kêu than của doanh nghiệp đang được phản biện từ góc độ của các chuyên gia và nhà quản lý.
 
"Ðồng bệnh" không "tương lân"
 
Mối quan hệ được ông Nguyễn Tuấn Hải ví von là xã giao giữa ngân hàng và doanh nghiệp đang khiến không ít người quan ngại khi con số nợ bất động sản trong hệ thống ngân hàng thực chất là như thế nào, tác động ra sao nếu như các doanh nghiệp không có khả năng thanh toán vẫn chưa được làm rõ? Thay vì "đồng bệnh tương lân", cùng một hoàn cảnh, thì hỗ trợ lẫn nhau, dường như ngân hàng và doanh nghiệp vẫn không "gặp được nhau" vào lúc này.
 
Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội thẳng thắn thừa nhận, nợ trong lĩnh vực bất động sản là bài toán khó trong việc xử lý kinh tế vĩ mô hiện nay. Với khoản dư nợ theo báo cáo gần 200.000 tỷ đồng thì đây là số lượng vốn lớn không luân chuyển, tiềm ẩn các vấn đề về nợ xấu của hệ thống ngân hàng thương mại cổ phần. Thừa nhận thực trạng các doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản sẽ còn gặp khó khăn hơn nữa nhưng ông Kiên cũng đưa ra quan điểm, nên để thị trường quyết định. Nếu doanh nghiệp không tự tìm lối thoát cho bản thân được sẽ phải phá sản cho dù các ngân hàng cũng bị ảnh hưởng. Nhưng kinh nghiệm của HBB và SHB vừa qua cũng là tín hiệu tốt về tác động của quy luật thị trường tới doanh nghiệp và ngân hàng. Vấn đề ở đây là các biện pháp tái cơ cấu ngân hàng như thế nào để không ảnh hưởng đến an toàn hệ thống tín dụng và có bài học cho các nhà quản trị yếu kém, ông Kiên lưu ý.
 
Chuyên gia về ngân hàng, ông Bùi Kiến Thành, phân tích, trong bối cảnh hiện nay, không ngân hàng nào dám mạo hiểm cho vay bất động sản bởi e ngại nợ xấu. Giải pháp được ông nêu ra là cả ngân hàng và doanh nghiệp cùng phải ngồi lại để định giá lại các tài sản, dự án nào có người mua để tính tiếp xem có đầu tư hay không? Chỉ những dự án có thị trường mới có thể tồn tại. Như vậy, vấn đề lại trở về với yếu tố cốt lõi đâu là giá trị thực của các dự án bất động sản?
 
Giá còn phải xuống nữaVốn là người am hiểu về thị trường bất động sản, ông Đặng Hùng Võ cho rằng, lúc này kích cầu trực tiếp đến người mua cuối cùng vẫn chưa đủ sức tạo nên sóng cứu thị trường bởi người mua vẫn kỳ vọng giá còn xuống thấp nữa. Và sự kỳ vọng này là có lý khi mà mức giá hiện nay vẫn còn là giá kỳ vọng của người bán, còn cách khá xa so với sức mua của người dân. Có thể trông đợi chính phủ đứng ra mua nợ, nhưng điều này lại liên quan đến năng lực mua đến đâu. Vậy nên, lúc này điều quan trọng là phải xem lại cấu trúc của thị trường, ông Võ khẳng định.
 
Đến từ một công ty chuyên tư vấn về bất động sản, ông Trần Như Trung, Phó Giám đốc Savills Việt Nam cho rằng, có một số doanh nghiệp vẫn trông đợi vào việc được "cứu", điều này phản ánh tâm lý thụ động của doanh nghiệp. Theo ông, từ khóa "cứu" là không chính xác mà cần phải chỉ thẳng ra là nhà nước chỉ có thể hỗ trợ, còn sinh tồn là câu chuyện của chính doanh nghiệp. Cần phải có nghiên cứu nghiêm túc để đưa ra sản phẩm nào đáp ứng nhu cầu và sức mua của người dân, rồi đưa sản phẩm ra thị trường chứ không phải quay ngược lại tranh luận về căn hộ siêu nhỏ 25m2 như chúng ta đang làm hiện nay. Ông Trung không e ngại khi cho rằng, đó là cách đi chệch hướng, không phản ánh được thực chất nhu cầu người dân và thậm chí còn đe dọa đến cấu trúc hợp lý của thị trường. 
 
Về giải pháp kích người mua trong thời điểm này, ông Nguyễn Đức Kiên nhấn mạnh là không nên khi giá của thị trường bất động sản không phản ánh đúng giá trị thực mà bị ảnh hưởng của giá bong bóng đầu cơ. Vấn đề là cần để thị trường đưa giá bất động sản về sát với giá trị thực của hàng hóa. Nếu chúng ta vội vã đưa ra những góí hỗ trợ ngay thì những người nông dân mất đất sản xuất nông nghiệp để cho bất động sản phát triển sẽ nghĩ gì về điều hành vĩ mô? Xin dẫn câu hỏi của ông Kiên để kết bài. Xem ra câu chuyện giá trị thực của bất động sản sẽ chỉ đến hồi kết khi các doanh nghiệp thực sự chấp nhận thực tế - bán cái thị trường cần và phù hợp với sức mua của phân khúc khách hàng hướng đến!
 
Một số doanh nghiệp lỗ năm 2011, bị đưa vào diện cảnh báo trên sàn chứng khoán, như: Công ty cổ phần Đầu tư - kinh doanh nhà (ITC) lỗ 137,3 tỷ đồng, hàng tồn kho 1.739 tỷ đồng; Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai (QCG) lỗ 39,83 tỷ đồng, hàng tồn kho 2.685,4 tỷ đồng; Công ty CP Đầu tư xây dựng và khai thác công trình giao thông 584 (NTB) lỗ hơn 1,1 tỷ đồng, hàng tồn kho 1.136,5 tỷ đồng; Công ty cổ phần Xi măng Hà Tiên 1 lỗ 8,94 tỷ đồng, hàng tồn kho 1.168 tỷ đồng.
 
Theo DĐDN
 


 

Tin mới cập nhật