Thị trường BĐS năm 2012 vẫn còn khó khăn.
Một cách thận trọng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, cho rằng nếu mua nhà để ở, lúc này người dân hãy tìm kiếm theo khả năng phù hợp để mua, còn với mục đích đầu tư kinh doanh BĐS thì phải nghiên cứu một cách kỹ lưỡng hơn.
Bộ Trưởng Trịnh Đình Dũng vừa có 2 tiếng đồng hồ đối thoại trực tuyến với nhân dân cả nước hôm 5/6 tại Cổng Thông tin điện tử Chính phủ.
Các vấn đề bức xúc trong giá cả, chất lượng, phân bổ nhà ở, xây dựng công trình, quy hoạch, năng lực nhà thầu, doanh nghiệp xây dựng, các chính sách quản lý thị trường BĐS... đã được người dân đặt ra khá sinh động và trực diện. Hàng chục trong số hàng trăm câu hỏi từ khắp nơi gửi về đã được ông Dũng trực tiếp trả lời.
Căn hộ 25m2 chuẩn bị được công nhận
Về chủ trương cho phép doanh nghiệp xây dựng căn hộ diện tích nhỏ, tối thiểu 25m2, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng lần đầu tiên đã cho biết cảm quan và chiều hướng ủng hộ của mình.
Trước đó, một lãnh đạo của cơ quan quản lý nhà của Bộ Xây dựng đưa ra thông tin Bộ đang xem xét bật đèn xanh cho căn hộ 25m2 đã được rất nhiều người quan tâm, dư luận chia làm hai hướng chính, một hướng đồng tình và một hướng phản đối.
Theo Luật Nhà ở năm 2005, nhà ở thương mại có diện tích tối thiểu là 45m2, nhà ở xã hội dao động từ 30m2 đến 60m2. Bộ trưởng cho rằng, luật khi ấy chưa đề cập hết được những yếu tố tác động đến yêu cầu phát triển và nhà và diện tích nhà ở.
Ông Dũng dẫn giải, Tổng điều tra dân số tháng 4/2009 công bố, hiện nay xu hướng hộ gia đình ngày càng giảm số người.
Năm 1999, bình quân 4,3 người/hộ, đến năm 2009 số người bình quân trong một hộ chỉ còn 3,7. Cũng theo thống kê năm 2009, hiện nay chúng ta có 2,9 triệu hộ ở khu vực đô thị mà trong đó, hộ có số người từ 4 người trở lên chiếm khoảng 52%, còn số hộ có 3 người trở xuống chỉ có 47%, số hộ độc thân chiếm 8,3%.
Cùng với đó các nước trên thế giới như Trung Quốc, bình quân nhà quy mô thấp nhất có loại 20m2, ở Hàn Quốc thậm chí còn 15m2, ở Singapore đều trong khoảng 20-25m2. Ngay như vùng Monaco của Pháp, có những căn hộ studio diện tích chỉ từ 15-20m2.
So sánh với tình hình trong nước, nhu cầu và đặc biệt quan trọng là khả năng thanh toán của người dân, khoản tiền vừa phải nếu được ở căn hộ khang trang, diện tích phù hợp với giá rẻ là điều mong ước của rất nhiều người.
"Loại căn hộ để 1-3 người ở là rất tốt. Vì thế Bộ Xây dựng chuẩn bị đưa nội dung nói trên vào nghị định, kèm theo đó là chương trình nhà ở quốc gia" - Bộ trưởng Xây dựng khẳng định.
Thị trường chưa biết khi nào đi lên
Trả lời câu hỏi của bạn đọc, thị trường đã thoát khỏi đáy của nó chưa và vì sao, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho rằng, hiện nay đang là đáy của thị trường - tức là thời kỳ khó khăn nhất, nhưng đáy này theo hình parabol hay hình chữ U mới là quan trọng. Song rõ ràng hiện không phải là đáy parabol rồi vì đáy của thị trường đã kéo quá dài.
Vùng đáy của thị trường BĐS tại TP.HCM có thể coi từ năm 2009, còn thị trường Hà Nội là từ quý II/2011. Hiện nay thị trường Hà Nội đã có những tín hiệu sáng hơn, đã có điểm lên tuy nhiên cái đáy vẫn kéo dài. Thị trường năm 2012 vẫn còn khó khăn - Ông Dũng nói.
Vậy đã đến lúc người có nhu cầu thực mua nhà hay chưa? - Bộ trưởng cho rằng, nếu mua nhà để ở, người dân hãy tìm kiếm nhà theo khả năng phù hợp để mua. Còn mua nhà nhằm mục đích đầu tư, kinh doanh BĐS thì lúc này vẫn còn phải nghiên cứu một cách kỹ lưỡng.
Trước câu hỏi, đánh giá về thực trạng khó khăn bĩ cực của các chủ đầu tư BĐS trong hai năm vừa qua, ông Dũng cho rằng, phải có sự phân loại. Loại khó khăn nhất sẽ là các doanh nghiệp chủ yếu dựa vào vốn vay ngân hàng. Giao dịch quá thấp trong khi vay vốn với mức lãi quá lớn, hệ lụy là các doanh nghiệp này phải ngừng hoạt động, đóng cửa, phá sản, tác động dây chuyền đến lực lượng lao động và các ngành sản xuất khác.
Loại thứ hai là doanh nghiệp dựa vào vốn huy động từ người mua nhà và một phần vốn tín dụng thì phán ứng hiện nay là các doanh nghiệp gặp lỗ nếu như hạch toán không kỹ. Cuối cùng là các doanh nghiệp mà nguồn vốn tự có lớn thì hiện vẫn rất ung dung.
Với phần đông những doanh nghiệp và nhà kinh doanh BĐS nhỏ lẻ, ông Dũng cho rằng, thị trường lúc này, họ cần phải có các tố chất, ứng xử bình tĩnh, can đảm và khôn ngoan.
Thứ nhất bình tĩnh để nhìn nhận một cách toàn diện tổng thể thị trường và chính mình, tìm ra những tồn tại, nguyên nhân, giải pháp khắc phục. Can đảm vững vàng vượt qua trước khó khăn mà không quá bi lụy, buồn phiền bởi tình hình còn có thể xấu hơn. Khôn ngoan lựa chọn các giải pháp kinh doanh phù hợp, tạo cơ sở đón nhận các cơ hội, thời cơ sớm từ khó khăn.
Bộ trưởng Xây dựng cho rằng, thị trường đóng băng hiện nay do có nhiều nguyên nhân. Trong đó, nguyên nhân nguồn vốn đã ít, lãi suất lại cao chỉ là một. Nguyên nhân thứ hai là cung cầu của thị trường mất cân đối, cầu có khả năng chi trả rất thấp.
Để giải quyết tình hình này, vấn đề tạo nguồn vốn của thị trường, trong đó có kênh tín dụng cần thêm các điều kiện như lãi suất phải thấp, người mua nhà cũng phải được tham gia, tiếp cận tín dụng lãi suất thấp chứ không chỉ hỗ trợ cho bên bán. Thứ hai, cần tập trung cơ cấu lại sản phẩm BĐS ở những phân khúc thị trường đang có nhu cầu.
Thành Dũng
VEF