Nếu bơm thêm vốn, sẽ vỡ bong bóng

Ngày đăng : 02/12/2011 - 12:00 AM

Đó là nhận định của nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Tiến sỹ Cao Sỹ Kiêm về thị trường bất động sản (BĐS) hiện nay.

 


Tiến sỹ Cao Sỹ Kiêm cho biết: Dư nợ cho vay bất động sản cũng là lượng tương đối lớn trong dư nợ ngân hàng và nó cũng rơi vào một số ngân hàng thôi. Vì không tiêu thụ được hàng, chủ đầu tư không trả được nợ, nợ quá hạn tăng quá giới hạn cho phép sẽ thành nợ xấu, nợ chồng lên nợ, lãi chồng lên lãi.

 

Để giải quyết tình trạng này trong thời gian tới phải làm gì thưa ông?

 

Trước hết phải có thời gian, phải khống chế không để dư nợ bất động sản tăng lên nữa. Các ngân hàng, chủ đầu tư phải rút dần vốn ra, để thị trường xì hơi từ từ, xẹp dần. Vì nếu bơm thêm vốn nữa thì nó căng, sẽ vỡ bong bóng, lúc đó nền kinh tế sẽ bị ảnh hưởng. Cho nên phải giữ “hơi” ở mức độ này thôi rồi tìm cách cho xì dần xuống.

 

Nói cách khác là không bơm vốn, không khuyến khích, không tạo điều kiện đầu tư vào bất động sản nữa. Đồng thời, buộc các DN kinh doanh phải hạ giá bán về giá thực tế, thậm chí chịu lỗ cũng phải bán vì trước đây đã chiếm lời quá cao rồi.

 

Vừa qua, NHNN đã có chính sách để nới tín dụng đối với bất động sản phi kinh doanh như nhà ở thu nhập thấp, nhà xã hội, nhà cho sinh viên...?Tác động đó sẽ tốt cho thị trường.

 

Theo đánh giá của ông, những chính sách đó trong năm tới có làm cho thị trường khả quan hơn không?

 

Chưa thể khả quan ngay được. Quan trọng là nền kinh tế tăng trưởng thế nào, vì với các giải pháp vừa qua thì nó chỉ có tác dụng làm xẹp dần (giảm giá, có giao dịch mức độ). Nhưng không phải anh nào cũng muốn giảm giá ngay, có anh cứ để đấy, không chịu giảm. Cho nên phải có biện pháp quyết liệt hơn nữa mới giải quyết được.

 

Nguyễn Tuấn

 Tiền Phong

 

 

Họ tên :

Email :

Nội dung :

Tin cùng chủ đề

BĐS phía Đông Hà Nội: Sức “nóng” đang tăng dần

Ngày đăng : 30/11/2011 - 12:00 AM

Ngay sau khi thông xe cầu Vĩnh Tuy, cầu Thanh Trì, mở rộng các tuyến đường vành đai như quốc lộ 5B, đường liên tỉnh Hưng Yên-Hà Nội... thị trường BĐS phía Đông Hà Nội đang ngày một “nóng” dần lên.

 

 

Nếu như cách đây khoảng 3 năm, thị trường địa ốc phía Tây, nhất là địa bàn tỉnh Hà Tây cũ - lên cơn sốt, khi các nhà đầu tư đổ xô lập dự án để đón đầu việc Hà Tây sáp nhập vào Hà Nội. Trong khi đó, chẳng mấy nhà đầu tư để mắt đến thị trường địa ốc phía Đông của Thủ đô bởi giao thông cách trở và tâm lý ngại “vượt sông” của người dân vì phía Đông bị ngăn cách với trung tâm Hà Nội bởi sông Hồng mà trước đây chỉ được kết nối bằng cầu Chương Dương và Long Biên và giao thông thường xuyên ách tắc.

Với việc thông xe cầu Vĩnh Tuy, tuyến đường này kết hợp với quốc lộ 5A, 5B, 1A, 1B, đường vành đai 3... đang tạo ra tuyến giao thông thông suốt giữa hai bờ sông Hồng và biến khu vực phía đông Hà Nội trở thành một khu phát triển đầy sôi động.

Tuyến đường trên đường vành đai 3 với lộ trình khép kín cầu Thanh Trì - Pháp Vân - Khuất Duy Tiến - Phạm Hùng - Phạm Văn Đồng - cầu Thăng Long - Thăng Long Nội Bài không chỉ là tuyến đường cao tốc đô thị hiện đại mà còn là tuyến đường “2 tầng” đầu tiên ở Việt Nam cùng khiến cho các khu chung cư phía Đông đang trở nên hấp dẫn với những mức giá phải chăng.

Theo anh Hoàng Linh, Giám đốc Trung tâm BĐS tại Kim Mã - Hà Nội: “Hai năm trở lại đây khách hàng tìm nhà ở chủ yếu có xu hướng dịch chuyển ra phía Đông, không chỉ bởi giao thông thuận tiện mà còn khá hợp túi tiền và không gian lại khoáng đạt”.

Khu vực phía Đông Hà Nội đã và đang được hưởng khá nhiều ưu đãi của thiên nhiên, đặc biệt đây là nơi có khí hậu mát mẻ do hướng ra biển và ảnh hưởng của sông Hồng, sông Đuống, sông Bắc Hưng Hải là yếu tố tạo nên môi trường trong lành.

Bởi vậy, không phải vô cớ, một số dự án phát triển phía Đông đã và đang hình thành những sắc thái riêng, tạo nên sự thu hút khác biệt với khu vực khác.

Điển hình là dự án khu đô thị Hanoi Garden City, một dự án mà theo quy hoạch điều chỉnh, khu đô thị sẽ có môi trường sống và làm việc đạt tiêu chuẩn quốc tế với cấu trúc phân khu chức năng hợp lý. Trong đó có 48.696m2 (khoảng 15,5%) dành cho cây xanh, khu vui chơi, thể thao và mặt nước, kết nối với công viên sinh thái nằm ở phía Nam dự án sẽ hình thành trong tương lai; 99.638m2 (khoảng 31,6%) để xây dựng khu nhà ở bao gồm nhà vườn, chung cư cao cấp và căn hộ cho thuê.

Ngay sau lễ khai trương khu nhà mẫu, chủ đầu tư đã  mở bán khu chung cư Canal Park gồm hai tòa nhà 11 tầng và 1 tầng hầm với 148 căn hộ từ 2 đến 5 phòng ngủ với diện từ 86-227m2 đối với loại căn hộ điển hình và căn hộ Duplex. Canal Park được thiết kế hiện đại với tầm nhìn thông thoáng, tràn ngập ánh sáng tự nhiên, hướng ra bể bơi, kênh nước chạy dài dọc dự án và cảnh quan công viên cây xanh.
 
Tầng 1 được chủ đầu tư bố trí đầy đủ các tiện ích cần thiết như khu mua sắm, café, phòng gym, khu vui chơi và nhà trẻ, giúp người dân có thể linh hoạt lựa chọn các chức năng phù hợp với bản thân mình.

Bên cạnh khu căn hộ tạo được nhiều khác biệt, khu Biệt Thự Vườn- Garden Villa cũng là một khu ở lý tưởng cho mọi gia đình. Khu biệt thự được thiết kế để làm nổi bật cũng như hoàn tất khái niệm Garden City-Đô Thị Vườn. Mỗi tầng nhà đều được thiết kế với những khoảng sân trời để cảnh quan xung quanh có thể thỏa sức tràn vào ngôi nhà của bạn.

Nhà CLB Biệt Thự Vườn - dành riêng cho cư dân ở Garden Villa, là một công trình mang tính hiện đại nhưng tao nhã, với nhiều loại hình thể thao đa dạng. Đây sẽ là nơi thu hút lớn tạo nên một lối sống thể thao lành mạnh và cũng là nơi dể người dân gặp gỡ giao lưu. Hiện tại Garden Villas đã xong cọc và đài móng.

Nói về Khu đô thị xanh sắp hoàn thiện, Ông Ken Ng, Giám đốc dự án Ha Noi Garden City cho biết: “Bạn có để ý không, ngay cả tên dự án cũng được chọn bằng từ “Garden”, điều đó đồng nghĩa chúng tôi đặt mục tiêu phát triển một đô thị với màu xanh là chủ đạo, tạo nên môi trường thân thiện và cuộc sống trong lành cho cư dân. Dự án Canal Park đang đi vào giai đoạn hoàn thiện và dự kiến sẽ bàn giao cho khách hàng trong vài tháng tới”.

Rõ ràng, hiện nay, nhu cầu về nhà ở của người dân mang tính cầu toàn hơn. Họ không chỉ mong muốn có một chốn ở tiện tích mà còn đòi hỏi có một môi trường sống trong lành, bền vững. Bất động sản phía Đông chắc chắn sẽ là tiền đề cho xu hướng Bất động sản trong thời gian tới.

 

 

Tập đoàn Berjaya, công ty mẹ của Berjaya Land Berhad, là một tập đoàn đa ngành được niêm yết trên Sàn Giao Dịch Chứng Khoán Malaysia đầu tư vào các ngành hàng tiêu dùng, bán hàng trực tiếp, dịch vụ tài chính, thực phẩm, truyền thông và giáo dục.

Berjaya Land Berhad là công ty được niêm yết trên Sàn Giao Dịch Chứng Khoán Malaysia, chuyên đầu tư vào các ngành: Bất động sản, du lịch, khách sạn và khu nghỉ dưỡng cao cấp, các dịch vụ giải trí.

Có mặt tại Việt Nam từ năm 2006, Berjaya Land Berhad đã và đang triển khai nhiều dự án đầu tư lớn tại Việt Nam. Ngoài dự án liên doanh với công ty Handico12 xây dựng khu đô thị mới Ha Noi Garden City tại Hà Nội, Berjaya Land Berhad còn là chủ đầu tư của nhiều dự án bất động sản khác tại miền Nam Việt Nam như Trung tâm Tài Chính Việt Nam Berjaya (VFC), Khu Đô thị Đại Học Quốc Tế Việt Nam (VIUT), Bien Hoa City Square và Trung tâm Thành phố mới Nhơn Trạch tại Đồng Nai, và dự án Berjaya Long Beach Resort tại đảo Phú Quốc.

Berjaya Land Berhad cũng được biết tới ở Việt Nam với tư cách là chủ sở hữu 2 khách sạn 5 sao hàng đầu là Khách sạn InterContinental Ha Noi Westlake và Khách Sạn Sheraton Hà Nội.



Stockbiz.vn



 


Bất động sản giảm giá: Của rẻ là của ôi?

Ngày đăng : 30/11/2011 - 12:00 AM

Chưa bao giờ làn sóng giảm giá căn hộ lại diễn ra mạnh mẽ như thời gian gần đây. Liệu việc giảm giá sẽ khiến cho người mua nhà được hưởng lợi?

 

 

Thị trường ế ẩm, áp lực đè nặng lên vai doanh nghiệp, để bán được hàng nhiều chủ đầu tư đã chấp nhận đưa ra các chiêu thức khuyến mại, giảm giá để thu hút khách hàng mua sản phẩm bất động sản.

 

Liên tiếp từ đầu tháng 6 trở lại đây, dân đầu tư kinh doanh bất động sản Hà Nội liên tiếp nhận được các thông tin giảm giá, ưu đãi mua căn hộ ở nhiều dự án với mức giảm ngày càng bất ngờ. Trong đó, dự án là Tricon Towers (Khu đô thị mới Bắc An Khánh) và The Bay View Towers (Hạ Long, Quảng Ninh) với mức “hỗ trợ giá bán” lên tới 15% cho khách mua trong thời gian khá dài từ giữa tháng 6 đến hết tháng 8/2010. Dự án Mulberry Lane (Mỗ Lao) giảm giá 10% cho khách hàng. Dự án chung cư Indochina Plaza (Xuân Thủy, Cầu Giấy giảm giá 4%, dự án Richland Southern giảm 5% giá bán căn hộ. …
 
Mới đây nhất, vụ giảm giá sốc tại dự án chung cư Petro VietNam Landmark, để bán được hàng công ty CP địa ốc Dầu khí đã đưa ra phương án giảm 35% giá bán 85 căn hộ. Theo đó, giá bán giảm từ mức 22-23 triệu đồng/m2 xuống còn 16 -17 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, để mua được căn hộ với mức giá này khách hàng sẽ phải bốc thăm với mức giá sàn 15,5 triệu đồng/m2. Trên thực tế, dự án giảm giá “sốc” như vậy nhưng vẫn không có người mua
 
Chính vì vậy, nhiều người mua nhà đã đặt ra nhiều nghi ngại về bản chất thực sự của việc hạ giá các sản phẩm.
 
Nhiều ý kiến cho rằng, giảm giá chỉ là doanh nghiệp chấp nhận giảm bớt khoản lợi nhuận so với dự kiến tiêu thụ hết hàng tồn kho. Người cho rằng, việc giảm giá này chỉ là cách cởi nút thắt cho những sai lầm khi chủ đầu tư tăng giá sai nhịp đặc biệt tại các phân khúc cao cấp. Tuy nhiên, có một thực tế kể cả giảm giá khuyến mại sốc như vậy nhưng hầu như lượng hàng bán được rất thấp. Điều này đã gây tác dụng ngược với mong muốn của chủ đầu tư.
 
Mới đây, công ty StoxPlus đã công bố nghiên cứu cấu thành giá bán của căn hộ chung cư hạng trung tại Hà Nội và TP.HCM. Theo đó, mức giá trung bình của một m2 căn hộ vào khoảng 15 triệu đồng/m2 bao gồm tiền đất, chi phí xây dựng…
 
Ông Nguyễn Quang Thuần, Tổng Giám đốc StoxPlus - đơn vị tiến hành điều tra cho rằng, nếu như muốn bán dưới mức giá này, chủ đầu tư chỉ còn cách là sử dụng phương án cắt giảm triệt để cắt giảm chi phí và thậm chí cả các tiện ích đi kèm đầu tư cho các công trình phúc lợi xã hội, cây xanh, đường xá... 
 
Đơn cử, 1 dự án chung cư được liệt vào dạng cao cấp ở khu đô thị mới Trung Hòa Nhân Chính, dự án đã được bàn giao nhà cho các hộ dân. Nhưng, nếu so với các điều khoản về thiết bị nội thất đã ký kết với khách hàng khi mua nhà thì có đến 80% sai với cam kết. Chỉ bởi lý do giá cả vật liệu tăng cao trong khi giá bán căn hộ vài năm trước chỉ xấp xỉ 20 triệu đồng/m2. Nếu làm theo đúng như cam kết thì chủ đầu tư ôm lỗ nặng. Do vậy, để giảm lỗ chủ đầu tư chỉ còn cách cắt giảm nguyên vật liệu.
 
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, do áp lực từ phía ngân hàng mà nhiều chủ đầu tư chấp nhận bán dưới giá vốn để thu tiền trả nợ. Tuy nhiên khi có tiền rồi thì các chủ đầu tư lo trả nợ ngân hàng và dự án tiếp tục rơi vào trạng thái không có tiền để triển khai. Điều này rất bất lợi đối với các nhà đầu tư khi họ không thể kiểm soát được khoản tiền mà mình đã nộp cho chủ đầu tư đang được sử dụng vào mục đích gì. Nếu dự án tiếp tục chậm tiến độ thì riêng khoản lãi cộng gộp tính ra khách hàng cũng chẳng được mua rẻ hơn là bao nhiêu.
 
Giảm giá, khuyến mại thậm chí chấp nhận bán dưới giá vốn có thể coi là giải pháp "cực chẳng đã" để tồn tại chờ đợi vượt qua khó khăn của không ít doanh nghiệp bất động sản. Tuy nhiên một sự thật là khi đã lỗ, thì người ta khó có thể có đủ động lực để tiếp tục làm, còn người mua nhà, tưởng là mua được rẻ nhưng lại thành mua đắt vì đối với những dự án thiếu vốn thì có khi đến 5-7 năm vẫn chưa thể nhận được nhà. Cuối cùng thì câu chuyện mua hàng rẻ bất động sản lúc này chưa chắc đã phải là sự lựa chọn tốt.     
 
Theo Anh Đào
VnMedia

'Cầu cứu' nước ngoài mua lại dự án BĐS

Ngày đăng : 29/11/2011 - 12:00 AM

Khó khăn về tài chính và đầu ra của thị trường trong thời gian dài khiến hàng loạt chủ đầu tư phải đi đến quyết định sang nhượng, bán lại dự án BĐS. Đáp ứng nhu cầu này, bên cạnh một số đại gia nội lên tiếng mua lại, giới tư vấn tiếp thị cũng nỗ lực mời gọi các nhà đầu tư nước ngoài tới Việt Nam.

 



Mới đây nhất, hãng tư vấn tiếp thị Savills Việt Nam đã phối hợp với Savills Nhật Bản tổ chức buổi giới thiệu tiềm năng thị trường BĐS Việt Nam trong cơn khó khăn tại Tokyo. Với 20 cơ hội đầu tư BĐS cụ thể, buổi tiếp thị đã thu hút gần 100 nhà đầu tư tiềm năng đến từ Nhật Bản.

Ông Neil MacGregor, Phó Giám đốc Điều hành Savills Việt Nam, đặt vấn đề, thị trường BĐS Việt Nam đang rất thiếu vốn, vì vậy các nhà phát triển dự án đang tìm kiếm các nguồn tài chính mới bằng nhiều cách như bán toàn bộ dự án, tìm kiếm đối tác liên doanh, bán nguyên block căn hộ hoặc bán mặt bằng bán lẻ và văn phòng...

Nhiều nhà phát triển dự án Việt Nam nắm giữ quỹ đất lớn hiện muốn bán bớt đất dự án để huy động vốn xây dựng các dự án khác. Áp lực tài chính đối với các nhà phát triển dự án trong nước dẫn đến sự xuất hiện của nhiều "tài sản xấu" ở Việt Nam, nhưng mặt khác lại tạo ra một giai đoạn với nhiều cơ hội "chưa từng có" cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Khi được hỏi tại sao lại lựa chọn thị trường Nhật Bản để tiếp thị? - ông Neil MacGregor cho rằng, làn sóng đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam thể hiện mạnh mẽ vào năm 2011 bao gồm nhiều lĩnh vực như tài chính, truyền thông, hàng tiêu dùng và BĐS.

                                                                                               

Theo Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO), tổng vốn đầu tư trực tiếp của các doanh nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam trong 6 tháng đầu năm nay đạt 1,169 tỷ đôla Mỹ; tăng gấp 8,3 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Một số các thương vụ lớn đã thực hiện trong năm nay bao gồm: Mizuho mua 15% cổ phần từ ngân hàng niêm yết lớn nhất Việt Nam tính theo vốn hóa thị trường - Vietcombank, với mức giá 567,3 triệu đôla Mỹ; Tập đoàn Sojitz, Daiwa House và Công ty Kobelco Eco-Solutions (thuộc Kobe Steel Group) cùng xây dựng khu công nghiệp Long Đức ở Long Thành, Đồng Nai với tổng vốn đầu tư ước tính khoảng 100 triệu đôla Mỹ; Japan Asia Vietnam đã mua lại tòa nhà văn phòng Centre Point ở TP.HCM, Nikko Cordial Securities đầu tư vào Công ty Cổ phần Chứng khoán Dầu khí, Unicharm mua Diana...

Thực tế, không chỉ các nhà đầu tư nước ngoài mới nhìn thấy "tiềm năng" của thị trường trong cơn khốn khó, mà trước đó, một số đại gia nội như Hoàng Anh Gia Lai, và mới đây là Tập đoàn Hà Đô, đã lần lượt bắn tiếng sẵn sàng mua lại các dự án, đặc biệt quỹ đất sạch của các chủ đầu tư, doanh nghiệp khó khăn về vốn.

Tuy nhiên, số đại gia nội lắm tiền nhiều của nói trên cũng mới quá ít ỏi so với nhu cầu cần sang nhượng, bán lại dự án để lấy tiền, rút bớt khỏi việc đầu tư kinh doanh BĐS. Trao đổi với báo chí, lãnh đạo Tập đoàn Hà Đô cho biết, sau khi đăng tin trên website, công ty đã nhận được rất nhiều lời chào mua lại dự án trên cả nước, trong đó không ít chủ đầu tư là những tên tuổi lớn.

Các loại dự án chào bán rất đa dạng, từ dự án đang triển khai, doanh nghiệp cạn tiền nên muốn bán đến dự án đã xây dựng xong nhưng không bán được hàng, chủ đầu tư chọn phương án bán đứt cả dự án với giá rẻ để thu tiền một cục.

"Điều đáng nói là đa số doanh nghiệp muốn bán dự án BĐS hiện nay đều là những doanh nghiệp mới nhảy vào kinh doanh BĐS trong khoảng 3-5 năm trở, khi thị trường bùng nổ. Đến nay không chịu được cảnh đóng băng nên phải tìm cách bán tháo" - lãnh đạo Hà Đô đúc rút.

Sóng ngầm

Một bản báo cáo được ông Neil đưa ra hồi tháng 8/2011 cho thấy, hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) trong thị trường BĐS thế giới đang phát triển nhanh chóng ở mức 23,8% trong giai đoạn 2009-2010.

Tại thị trường Mỹ, con số này tăng gấp 3 lần, từ 3,8 tỷ năm 2009 lên tới 11 tỷ đôla năm 2010. Còn ở Châu Á Thái Bình Dương, giá trị hợp đồng tăng từ 12 tỷ đôla tới 22,7 tỷ đôla Mỹ. Trong đó, thị trường BĐS Việt Nam là một trong những lĩnh vực nổi bật nhất trong năm 2010 về cả số lượng và giá trị các giao dịch.

Năm 2011, thị trường BĐS Việt Nam tiếp tục lún sâu vào khó khăn, suy giảm, điều này đồng nghĩa sẽ có nhiều hơn các thương vụ mua bán và sáp nhập diễn ra.

"Mặc dù đối mặt với nhiều thử thách như khung pháp lý còn yếu, tính minh bạch thị trường thấp, thủ tục cấp phép phức tạp và sự khác biệt về mức giá kỳ vọng, thị trường vẫn được dự báo rằng số các thương vụ đầu tư sẽ tăng lên nhanh chóng trong một vài năm tới" - đại diện Savills nói.

Song cho đến nay gần như vẫn chưa có một báo cáo đầy đủ và đáng tin cậy về thực trạng M&A trong lĩnh vực BĐS cả nước. Trong đó, thị trường Hà Nội - cơn sóng ngầm của hoạt động này thì càng khó nhận biết.

Lãnh đạo một công ty chuyên tư vấn đầu tư BĐS, nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này nhận xét, hoạt động M&A và chuyển nhượng dự án là khác nhau. Nếu như M&A là hoạt động mua bán có đặc trưng về giá trị sở hữu, cổ phiếu, chỉ làm thay đổi cấu phần chủ của dự án, thì hoạt động chuyển nhượng làm thay đổi chủ dự án, nhưng bối cảnh hiện nay có nhiều liên hệ, nhập nhằng giữa hai hoạt động này với nhau.

Tại Hà Nội, các hoạt động nói trên đã diễn ra khá nhiều thời gian qua. Tuy nhiên, do sự thiếu minh bạch trong cơ chế thực hiện dự án với nhiều chi phí "dưới gầm bàn", khó khăn chờ đợi tốn kém dẫn đến kỳ vọng của chủ đầu tư rất cao; bên cạnh đó là thói quen, tâm lý của người dân miền Bắc vẫn nặng nề trong việc rao bán tài sản; các quan hệ chồng chéo...

"Nếu chúng ta nghĩ rằng việc bán công ty, dự án, chính là để tái cấu trúc lại doanh nghiệp, dự án nhằm hoạt động hiệu quả hơn thì việc chuyển nhượng, mua bán sáp nhập dự án sẽ là cái gì rất nhẹ nhàng. Ngược lại, nếu mặc định phải bán, sang nhượng dự án là những doanh nghiệp, chủ đầu tư "sắp chết" đã và sẽ tác động rất lớn đến sự thành công và minh bạch của trào lưu M&A" - vị này cho hay.
 

vef.vn


Giá bất động sản vẫn tiếp tục lao dốc

Ngày đăng : 29/11/2011 - 12:00 AM

Thị trường bất động sản tiếp tục miễn nhiễm trước những thông tin nới tín dụng và ngân hàng hạ lãi suất cho vay. Giá đất nền tiếp tục giảm mạnh và không có thanh khoản.

 

 

Thông thường, cuối năm là thời điểm thị trường bất động sản sôi động bởi các luồng tiền đầu tư được ưu tiên tập trung cho thị trường này. Tuy nhiên, gần 1 năm nay, do chính sách thắt chặt tín dụng của Ngân hàng nhà nước thị trường rơi vào trạng thái tê liệt, giá đất liên tục có các đợt giảm sâu 20-30%.
 
Cuối tháng 9, thị trường lóe lên tia hy vọng khi Bộ xây dựng và Ngân hàng nhà nước đã có nhiều cuộc họp bàn về các giải pháp cứu thị trường và doanh nghiệp xây dựng. Trong đó, vấn đề nóng nhất được đặt lên bàn thảo là việc đưa một số khoản mục đầu tư bất động sản ra khỏi nhóm phi sản xuất.
 
Đến cuối tháng 11, Ngân hàng nhà nước đã ra quyết định đưa 4 nhóm bất động sản ra khỏi danh sách “đen” đó là cho vay xây dựng cơ sở hạ tầng (nhà, xưởng) phục vụ sản xuất, kinh doanh; vay mua nhà để ở; vay để hoàn thiện các dự án đã gần hoàn thành để tăng tính thanh khoản cho sản phẩm, bán và thu hồi vốn đầu tư.
 
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình tại buổi họp báo mới đây đã chính thức ra thông điệp về Chính sách tiền tệ năm 2012, trong đó khẳng định sẽ có chính sách tín dụng cho BĐS. “Trong nền kinh tế của một nước đang phát triển như Việt Nam thì thị trường kinh doanh BĐS cũng là động lực cho việc phát triển kinh tế xã hội, nhưng nếu không có biện pháp kiểm soát chặt chẽ thì từ tích cực có thể chuyển sang tiêu cực làm cho thị trường này phát triển quá mức, tạo ra những “bong bóng” gây rủi ro cho xã hội. Nếu thị trường BĐS đóng băng thì cũng có hệ lụy cho nền kinh tế nói chung. Do vậy, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước sẽ có cách nhìn thực tế để không làm cho bong bóng BDDS tăng lên nhưng đồng thời khơi dậy hoạt động thị trường ở mức độ hợp lý”.
 
Ngay sau khi Ngân hàng nhà nước đưa ra thông điệp này thì một số ngân hàng thương mại đã quyết định hạ lãi suất cho vay xuống mức 19%/năm. Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng tuy không tuyên bố hạ lãi suất nhưng nới điều khoản về tín dụng nhằm hỗ trợ khách hàng như cho vay thời hạn tới 20 năm, thời gian ân hạn tối đa tới 36 tháng. Khách hàng có thể vay tối đa 90% tổng nhu cầu vốn và không vượt quá 70% giá trị tài sản đảm bảo....
 
Mặc dù những thông tin tốt như vậy liên tục đưa ra nhưng thị trường bất động sản dường như miễn nhiễm. Thậm chí giá đất nhiều dự án tiếp tục cắm đầu lao dốc trước thời điểm 31/12 khi thời gian đáo hạn ngân hàng đang cận kề.
 
Theo khảo sát phóng viên, tình trạng bán tháo đất dự án lại bắt đầu xuất hiện Tại nhiều dự án “vàng” một số lô đất đã được chào bán với giá “bèo” nhưng vẫn không có khách mua.
 
Đơn cử như dự án Vân Canh, giá các lô đất diện tích lớn 140m2 trở lên hiện còn 38-40 triệu đồng/m2,  dự án Gleximco khu A liền kề vị trí đẹp được chào bán hơn 65 triệu đồng/m2 trong khi thời điểm thị trường sốt nóng, giá khu A nhiều lô chào bán ngót nghét 100 triệu đồng/m2. Tại khu C, các căn liền kề được chào bán nhiều ở mức giá 40 triệu đồng/m2, đường 11,5m giá 37 triệu đồng/m2, dự án Tân Tây Đô liền kề trên 30 triệu đồng/m2, dự án Bắc 32 (CTCP Phát triển Đô thị Từ Liêm) giá 33 triệu đồng/m2, dự án Nam An Khánh giá trên 30 triệu đồng/m2.
 
Dự án Thanh Hà 22-25 triệu đồng/m2, dự án đô thị mới Văn Khê giá 75 triệu đồng/m2, dự án Parkcity mức chênh lệch so với giá gốc giảm từ 300 triệu đồng/lô xuống còn 50 triệu đồng/lô, giá đất dự án Văn Phú (Lê Trọng Tấn kéo dài) hiện có mức trung bình 60-65 triệu đồng/m2 các khu nhà liền kề đường to, đường nhỏ khoảng 55-58 triệu đồng/m2.
 
Điều đáng nói, mặc dù giá đất dự án giảm mạnh nhưng gần như không có người mua.
 
Theo chị Phạm Nguyệt Nga – Giám đốc sàn bất động sản Phát Lộc, thông thường những lô đất dự án được chào bán rẻ hơn thị trường vài triệu đồng/m2 các văn phòng nhà đất sẽ mua vào ngay. Nhưng, thời điểm hiện nay chẳng văn phòng nào muốn nhập bởi mua rồi không thể bán được cho ai mà trong bối cảnh này không biết bao giờ mới có thể thanh khoản được.
 
Trước đó, theo các chuyên gia tài chính, thời điểm cuối quý IV, thị trường bất động sản sẽ tiếp tục có các đợt bán tháo dự án bởi những doanh nghiệp nào phải đáo hạn trước ngày 31/12/2011 thì bắt buộc phải có nguồn tài chính đủ để đáp ứng nguồn cần trả. Vì vậy, nếu tránh được các hệ lụy từ việc quá hạn ngân hàng thì việc giảm bao nhiêu phần trăm để có được lượng tài chính đủ trả cho ngân hàng mà không bị phạt cao hơn thì vẫn được coi là có lãi. Do áp lực từ phía ngân hàng nhiều nhà đầu tư bằng giá nào họ cũng phải bán để thu tiền về.
 
Theo Anh Đào
VnMedia

Van tín dụng BĐS đã mở quá sớm?

Ngày đăng : 27/11/2011 - 12:00 AM

Liên tiếp trong 2 tuần qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phát đi tín hiệu cho thấy sẽ nới lỏng tín dụng đối với BĐS và tiêu dùng trong năm 2012. Định hướng này liệu có phá vỡ những nỗ lực chống lạm phát của Chính phủ trong cả năm qua?

Đây là câu hỏi mà nhiều người quan tâm tới sự ổn định vĩ mô của nền kinh tế đặt ra. Và chắc hẳn nó cũng đang là mối quan tâm thường trực của những người làm chính sách.

Trước hết, vấn đề đặt ra là tại sao NHNN lại tính tới chuyện nới lỏng tín dụng cho BĐS - một trong những lĩnh vực được coi là bong bóng góp phần khiến nền kinh tế rơi vào tình trạng mất ổn định?

Câu trả lời chắc chắn đã có trong các cuộc họp bàn của NHNN. Tuy nhiên, có thể nhận thấy, quyết định khó khăn này xuất phát từ việc cân nhắc sự được-mất trong quá trình hồi phục nền kinh tế.

Những tính toán này bắt đầu từ khi Bộ Xây dựng đề nghị "giải cứu" BĐS khi mà đa số các doanh nghiệp trong ngành rơi vào tình trạng khó khăn chồng chất, bị ngân hàng truy nợ, thiếu vốn, nợ thuế, không bán được hàng, có nguy cơ phá sản...

Giải pháp gấp rút được đưa ra để giảm áp lực lên cả hệ thống ngân hàng và các con nợ BĐS là quyết định đưa 4 nhóm BĐS ra khỏi nhóm phi sản xuất của NHNN. Tuy nhiên, dường như liều thuốc này chỉ là tạm thời, giống như thuốc hạ sốt và nó phần nhiều là giúp các ngân hàng đáp ứng chỉ tiêu kéo cho vay phi sản xuất về 16% vào cuối năm.

Trên thực tế, đã 2 tuần kể từ khi quyết định trên được đưa ra, đa số các doanh nghiệp BĐS vẫn khẳng định giải pháp này không giúp gì được doanh nghiệp. Họ vẫn đang thiếu vốn trầm trọng và không bán được hàng. Hiện có nhiều dự án đang triển khai trên địa bàn Hà Nội và TP.HCM đang đối mặt với tình trạng phải tạm dừng, hoặc làm theo kiểu nhỏ giọt, chịu lãi ngân hàng và các loại chi phí khác.

Trong khi đó, giá bất động sản tiếp tục trên đà xuống dốc và giao dịch thì vô cùng trầm lắng. Nhiều dự án đã hoàn thành và ở vị trí đẹp trong nội thành cũng chịu chung số phận.

Đất tại một số dự án, khu đô thị... cũng tiếp tục giảm giá nhưng không hề có người mua.

Phải chăng việc phát đi tín hiệu sẽ áp dụng một chính sách tiền tệ bớt chặt chẽ hơn trong năm 2012 với định hướng dễ chịu hơn trong việc giảm lãi suất và nới cho vay tín dụng BĐS và tiêu dùng... là vì NHNN đã lường trước một kịch bản khá xấu đối với các doanh nghiệp BĐS?

Điều này không phải không có cơ sở. Nhiều chuyên gia và chính những người trong cuộc cho rằng một bộ phận không nhỏ các doanh nghiệp BĐS khó có thể chống chọi qua hết quý II/2012. Khối nợ phải trả trước cuối năm 2011 đã là một gánh nặng, nhưng còn đó là các công trình dở dang, nguy cơ phải trả lãi suất quá hạn cao và chi phí hoạt động cộng dồn. Các doanh nghiệp này có thể sụp đổ hàng loạt và kéo theo đó là hệ lụy xấu tới hệ thống ngân hàng.

Tuy nhiên, vấn đề mà nhiều người lo lắng hiện nay là liệu NHNN có nới tay cho BĐS quá sớm không khi mà lạm phát tháng 11 vừa được công bố lại quay đầu gia tăng sau 3 tháng kiềm chế tốt và trên đà đi xuống?

Số liệu đưa ra ngày 24/11 cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 cả nước tăng 0,39%, nâng mức tăng cả 11 tháng lên 17,5%.

Nhiều khả năng với tình hình này, mục tiêu kiềm chế lạm phát cả năm dưới 18% sẽ đạt được. Tuy nhiên, đây vẫn là mức "cực chẳng đã" và liệu năm 2012 sẽ kiềm chế lạm phát được dưới 10% như mục tiêu Quốc hội đề ra để NHNN có cơ hội cứu BĐS?.

Về mục tiêu này, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cùng với việc tăng cường quản lý đầu tư công, kiểm soát chặt chẽ chi tiêu công, duy trì tăng trưởng tín dụng ở mức hợp lý... thì việc kiềm chế chỉ số giá tiêu dùng tăng dưới 10% là có cơ sở.

Trong khi đó, về mặt tăng trưởng tín dụng chung thì cũng không có gì lo lắng. Cho dù tín dụng 2012 được nới lên mức 15-17% nhưng theo chính các ngân hàng thì việc tăng cho vay cũng không hề đơn giản.

Hiện tại, do áp lực nợ dưới chuẩn đang tăng mạnh và nguồn vốn huy động trên thị trường có xu hướng sụt giảm nên các ngân hàng thương rất khó cân đối vốn để cho vay. Các khoản cho vay sẽ được ngân hàng cân nhắc rất kỹ. Khi đó chỉ có những doanh nghiệp nào tốt, có dự án thực sự khả thi và an toàn thì mới nhận được vốn từ ngân hàng để phát triển. Điều này cũng đồng nghĩa với việc những doanh nghiệp BĐS nào có uy tín thì sẽ vượt qua khó khăn. Sự đổ vỡ không còn là đồng loạt, mà chỉ rơi vào những doanh nghiệp làm ăn chụp giật, quá ôm đồm...

Về phía doanh nghiệp BĐS, đợt khủng hoảng lần này cũng dạy cho họ một bài học về đầu tư dàn trải. Chính các doanh nghiệp này cũng sẽ tính toán rất kỹ khi vay nợ ngân hàng.

Việc mở van tín dụng bất động sản và tiêu dùng trong năm 2012 có thể lại là một biện pháp tốt? Nó giúp người có nhu cầu mua nhà thực và có khả năng trả nợ được tiếp cận với nguồn vốn chính thức. Trong khi các doanh nghiệp BĐS có dự án, sản phẩm phù hợp với nhu cầu thực cũng được vay vốn để phát triển nhanh.

Việc đúng sai của một chính sách chỉ được xác định sau khi đã được thực thi. Vấn đề quan trọng là khả năng đánh giá tình hình của những người điều hành, tính linh hoạt và liều lượng khi áp dụng.

 

Mạnh Hà ( VEF.VN )
 


 

Tin mới cập nhật