Một ngày “đếm tiền mỏi tay” của SJC

Ngày đăng : 14/12/2011 - 11:32 PM

Giá vàng trong nước chiều nay đã phục hồi trở lại vùng giá trên 44 triệu đồng/lượng, dù giá vàng thế giới gần như đi ngang so với buổi sáng. Doanh số của các doanh nghiệp kim hoàn tăng mạnh ngày thứ hai liên tục khi mức giá hấp dẫn thúc đẩy người dân gom vàng.

                          

 

Cùng với việc Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá sau hơn 40 ngày “bất động”, giá USD “chợ đen” tăng 100 đồng/USD trong ngày hôm nay.

Lúc 17h chiều nay, vàng SJC tại thị trường Tp.HCM được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) thu mua ở mức 43,79 triệu đồng/lượng và bán ra ở mức 44,04 triệu đồng/lượng. Ở mức này, giá vàng SJC đã tăng 240.000 đồng/lượng từ mức đáy của gần 2 tháng thiết lập vào sáng nay.

Tại Hà Nội cùng thời điểm trên, vàng SJC được Công ty Phú Quý giao dịch ở các mức giá tương ứng lần lượt là 44,02 triệu đồng/lượng và 44,17 triệu đồng/lượng.

Đà giảm của giá vàng quốc tế đã chững lại, cộng thêm lực mua áp đảo lực bán, là lý do để nhiều doanh nghiệp kim hoàn tự tin thu hẹp khoảng cách giữa giá mua và giá bán vàng. Tại Hà Nội, mức chênh giá mua-bán vàng SJC tại các doanh nghiệp lớn như Phú Quý hay Bảo Tín Minh Châu chỉ còn 150.000 đồng/lượng, từ mức 250.000-300.000 đồng lượng ở những thời điểm giá có biến động mạnh mấy ngày qua.

Giới kinh doanh vàng cho biết, lực mua vàng hôm nay có ngày tăng mạnh thứ hai liên tục, khi kim loại này giảm về vùng giá thấp.

Theo ông Nguyễn Công Tường, Phó phòng kinh doanh của SJC, hôm nay doanh nghiệp này bán được tới 11.000 lượng vàng, so với mức bán ra 7.000 lượng của ngày hôm qua, và chỉ khoảng 2.000 lượng mỗi ngày trong thời gian trước đó. Trong khi, cũng giống như hôm qua, khối lượng vàng mà công ty này mua được trong ngày hôm nay là không đáng kể.

Ông Tường cho biết, dù SJC hoàn toàn có khả năng cung cấp đủ hàng cho khách, nhưng lượng khách đông đảo đã khiến các bàn thanh toán của cửa hàng SJC tại Tp.HCM rơi vào trạng thái quá tải.

“Với những khách hàng mua dăm mười lượng, chúng tôi thực hiện thanh toán ngay tại quầy. Nhưng với những khách mua hàng trăm lượng, chúng tôi phải đưa tới làm thủ tục thanh toán tại các ngân hàng gần công ty, vì không thể kịp đếm số tiền lớn mà khách trả trong các giao dịch này”, ông Tường cho biết.

Tại Hà Nội, khu phố kinh doanh vàng Trần Nhân Tông cũng chứng kiến không khí giao dịch sôi động. “Người dân mua vàng rất mạnh vì thấy giá hợp lý. Khối lượng bán ra của chúng tôi hôm nay gần gấp đôi hôm qua”, anh Tú, một nhân viên kinh doanh của Công ty Phú Quý, cho biết.

Lực mua vàng trên thị trường đang tập trung hầu như toàn bộ vào SJC, vì “người dân muốn một sự đảm bảo chắc chắn” - theo anh Tú, cho dù một số loại vàng như SJC hay AAA đang rẻ hơn SJC cả triệu đồng mỗi lượng.

Theo các doanh nghiệp, tình trạng khan vàng hiện không diễn ra, họ vẫn có đủ khả năng cung cấp đủ hàng theo yêu cầu của khách. Tuy nhiên, nếu so với giá vàng quốc tế quy đổi, giá vàng trong nước vẫn đang cao hơn giá vàng bán lẻ của SJC trên 2,1 triệu đồng/lượng.

Giá USD tự do tại Hà Nội cuối giờ chiều nay là 21.200 đồng (mua vào) và 21.240 đồng (bán ra), tăng khoảng 100 đồng mỗi USD so với đầu ngày.

Giá USD tự bật tăng trở lại sau nhiều ngày lình xình quanh mốc 21.100 đồng một phần là do tỷ giá USD/VND bình quân liên ngân hàng hôm nay bất ngờ tăng. Ngân hàng Nhà nước hôm nay tăng tỷ giá USD/VND bình quân liên ngân hàng thêm 10 đồng, lên 20.813 đồng từ mức 20.803 đồng trước đó.

Phản ứng với động thái điều chỉnh tỷ giá trung tâm này, các ngân hàng thương mại cũng đồng loạt đưa các mức tỷ giá mới. Mức giá bán ra phổ biến được đẩy lên theo kịch mức trần mới, tương đương 21.021 đồng cho mỗi USD. Tại Vietcombank, giá USD niêm yết cuối giờ chiều nay là 21.015 đồng cho chiều mua và 21.021 đồng cho chiều bán.

Giá vàng giao ngay tại London lúc hơn 17h chiều nay giờ Việt Nam tăng 6,1 USD/oz so với đóng cửa hôm qua tại New York, giao dịch ở mức 1.638,8 USD/oz. Từ sáng tới giờ, giá vàng quốc tế duy trì xu thế tăng nhẹ và khá ổn định, sau hai phiên sụt mạnh liên tiếp tại New York trước đó.

Đồng USD mạnh đang tiếp tục gây sức ép giảm giá đối với vàng. Chỉ số US Dollar Index, thước đo sức mạnh đồng bạc xanh, đang “cố thủ” ở mức cao nhất trong 11 tháng thiết lập vào hôm qua. Tuy nhiên, theo giới phân tích, yếu tố kỹ thuật đang ít nhiều giúp nâng đỡ giá vàng.

Các nhà giao dịch vàng ở châu Á cho biết, dù vàng đã giảm giá hơn 4% trong hai phiên vừa qua, đợt giảm giá vẫn chưa đủ sức thúc đẩy hoạt động mua vàng vật chất tăng mạnh tại khu vực này. Lý do một phần nằm ở chỗ, các đồng nội tệ của khu vực châu Á đang giảm giá so với USD, khiến vàng không rẻ đi là mấy, thậm chí vẫn đắt lên, nếu tính theo tỷ giá của các đồng tiền này.

Từ nay tới cuối năm, vàng được dự báo vẫn chịu sức ép giảm giá do tình hình thanh khoản căng thẳng buộc các nhà đầu tư phải bán các tài sản có thể bán, nhất là vàng.

Cuộc khủng hoảng nợ châu Âu hiện vẫn là một yếu tố chi phối mạnh giá vàng, khi giới đầu tư lo ngại các nước Eurozone sắp sửa chịu một đợt hạ điểm tín nhiệm. Hôm nay, thị trường dành sự chú ý cho cuộc đấu giá trái phiếu chính phủ Italy. Hôm qua, lợi suất trái phiếu Italy đã tăng mạnh do những lo ngại về khả năng Rome bị đánh tụt điểm tín nhiệm nợ quốc gia.

“Nếu nhu cầu đối với đợt bán trái phiếu tuần này của Italy và Tây Ban Nha thấp, nỗi lo ngại sẽ gia tăng về tình hình châu Âu và thị trường vàng lại có thể chứng kiến một đợt bán tháo mới”, ông Ong Yi Ling, nhà phân tích thuộc công ty Phillip Futures, phát biểu trên Reuters.

 

Theo VnEconomy.vn

Họ tên :

Email :

Nội dung :

Tin cùng chủ đề

Tăng cầu, không thể "bóc ngắn, cắn dài"

Ngày đăng : 14/12/2011 - 11:06 PM

Giao dịch ảm đạm, khối lượng khớp lệnh ở mức thấp, nhưng đại diện các công ty hoạt động trong ngành giao dịch hàng hóa cho rằng, không thể lôi kéo nhà đầu tư tham gia sàn bằng mọi giá.


 

 

Chọn một lối đi bền vững là bài học nhiều công ty môi giới chứng khoán khi nhận ra thì đã quá muộn và môi giới sàn hàng hóa ngay từ đầu phải rút ra kinh nghiệm từ các bậc đàn anh đi trước.

Sau khi ĐTCK có bài phản ánh về những băn khoăn của NĐT trước phiên hủy lệnh bất thường của Sở giao dịch hàng hóa Việt Nam (VNX) ngày 1/12/2011, sở giao dịch này đã phản hồi thông tin để làm rõ hơn sự việc. Theo đó, trong phiên giao dịch sáng 1/12/2011, hệ thống giao dịch của VNX bị sự cố kỹ thuật.

Cụ thể, hệ thống báo giá chào mua/bán hiển thị đúng theo thị trường, nhưng khi nhà đầu tư đặt lệnh giao dịch theo giá chào mua/bán trên thì lại được khớp theo giá khác. Ngay khi phát hiện sự cố này, VNX đã có thông báo tạm ngưng giao dịch để tìm hiểu nguyên nhân và khắc phục sự cố.

Sau khi phối hợp cùng nhà cung cấp giải pháp phần mềm MetaQuotes tìm hiểu nguyên nhân, VNX phát hiện lý do chính là sau khi giá khớp lệnh thể hiện đúng trên đồ thị thì hệ thống lại ghi nhận giá đóng cửa ngày 30/11/2011. Để bảo đảm quyền lợi cho nhà đầu tư đặt lệnh đóng vị thế mở trước đó, VNX phối hợp với MetaQuotes cập nhật lại đúng theo giá mà nhà đầu tư đã đặt.

Còn các lệnh mới mở vị thế thì hủy lệnh do giá khớp lệnh sai để tránh thiệt hại. Tất cả các nhà đầu tư bị ảnh hưởng bởi sự cố kỹ thuật trên đều được VNX gửi thư thông báo và hoàn trả lại số tiền bị hệ thống trừ sai.

Liên quan đến nghiệp vụ giao dịch hàng hóa, VNX cho biết, hệ thống đã thiết lập mức xử lý đóng vị thế tự động nếu giá biến động ngược chiều gây lỗ trạng thái theo quy định. Do đó, nếu có khách hàng thực hiện câu kết trong giao dịch, làm giá cả biến động sai so với giá thị trường thì sẽ gây ra tình trạng đóng vị thế hàng loạt. Đây cũng là quy định chung của nhiều Sở giao dịch hàng hóa trên thế giới, đặc biệt là các Sở không áp dụng biên độ giá như VNX.

Thông tin VNX đưa ra phần nào giải tỏa băn khoăn của các nhà đầu tư, khiến họ yên tâm giao dịch trở lại. Tuy nhiên, phía sau những lo lắng về hệ thống máy móc, công nghệ để vận hành giao dịch, thanh khoản của sàn hàng hóa vẫn là điểm được nhà đầu tư quan tâm nhiều nhất.

Một nhà đầu tư mới tham gia sàn VNX cho biết, anh vừa ký quỹ 300 triệu đồng, đồng thời tham gia mua 30 tấn cà phê trên VNX. Từng có kinh nghiệm giao dịch trên các sàn quốc tế, nên nhà đầu tư này thông hiểu khá rõ các luật định và luật chơi liên quan đến giao dịch hàng hóa. Chuyển về giao dịch tại sàn Việt Nam, nhà đầu tư mong muốn thuận tiện hơn trong thanh toán. Nếu giải quyết được vấn đề thanh khoản, theo nhà đầu tư này, sàn hàng hóa Việt Nam sẽ hấp dẫn hơn sàn quốc tế.

Để tăng tính thanh khoản, điều nhất thiết cần làm là phải tăng cầu. Tuy vậy, theo lãnh đạo Công ty An Việt, thành viên môi giới của VNX, chịu tác động chung từ sự èo uột của sàn chứng khoán, sự ảm đạm của thị trường bất động sản, kênh giao dịch hàng hóa khá mới mẻ cũng ít được nhà đầu tư quan tâm. Trong suốt quý III vừa qua, An Việt chỉ thu hút được vài nhà đầu tư.

Khó khăn là vậy, song quan điểm của Công ty là phải phát triển bền vững. "Chúng tôi không cố thuyết phục nhà đầu tư mới tham gia, bởi đầu tư ai cũng mong có lãi. Nếu không thấy cửa để nhà đầu tư giao dịch có lãi, chúng tôi cũng không thuyết phục họ bỏ tiền vào. Mặc dù hiện tại, để duy trì hoạt động của Công ty, chúng tôi phải triển khai nhiều hoạt động khác để bù đắp", lãnh đạo An Việt chia sẻ.

Có nhiều nhà đầu tư băn khoăn, với thanh khoản thấp như hiện nay, tại sao VNX không kết nối để trở thành một đầu mối tại Việt Nam của các sàn quốc tế. Nhà đầu tư vừa có thể sử dụng ngôn ngữ Việt Nam, vừa được sử dụng đồng nội tệ để giao dịch. Trên thực tế, nếu nhà đầu tư chỉ lướt sóng theo chỉ số, điều này không có gì đáng nói, việc kết nối giao dịch có thể rất dễ dàng.

Tuy nhiên, giao dịch hàng hóa còn có một đặc thù là khi muốn, nhà đầu tư có thể yêu cầu giao hàng thật. Điều này liên quan đến nhiều yêu cầu phức tạp về hàng vật chất, kho bãi, kiểm dịch… Có lẽ vì thế mà trước mắt, các doanh nghiệp trong lĩnh vực này vẫn cầm cự chờ thời, khi kinh tế vĩ mô khả quan, giao dịch hàng hóa được kỳ vọng sẽ khởi sắc hơn và thu hút thêm nhà đầu tư gắn bó lâu dài với sàn.

 

 

Theo Thùy Linh

 ĐTCK

 

 

 


 


Giá năng lượng thế giới nhiễu loạn vì tin Iran

Ngày đăng : 14/12/2011 - 8:50 AM

Phiên giao dịch đêm qua (13/12), giá dầu thô giao sau trên thị trường New York bất ngờ tăng mạnh lên mức chốt cao nhất trong khoảng 1 tuần nay, xuất phát từ những lo lắng xung quanh “chảo dầu” Trung Đông.
 

 

 

 

 

                           

 

Kết thúc phiên, giá dầu thô ngọt, nhẹ giao tháng 1/2012 tăng 2,37 USD, tương ứng 2,4%, lên 100,14 USD/thùng trên sàn giao dịch hàng hóa New York. Đây là mức giá chốt theo ngày lớn nhất của dầu thô kỳ hạn này kể từ hôm 7/12 cho tới nay.

Nguyên nhân khiến giá dầu đột ngột tăng mạnh là bởi Iran cho biết có thể sẽ tổ chức diễn tập quân sự đóng cửa eo biển Hormuz, Tom Bentz, một quan chức cao cấp của BNP Paribas ở New York (Mỹ) cho biết.

Eo biển này, nằm giữa Oman và Iran, được xem là kênh vận tải dầu chiến lược. Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, năm 2009, mỗi ngày có khoảng 15,5 triệu thùng dầu đã được vận chuyển qua eo biểu Hormuz này.

Hôm qua, hãng thông tấn Mehr dẫn lời ông Parviz Sorouri, thành viên Ủy ban chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia thuộc Quốc hội Iran cho biết, nước này sẽ tiến hành tập trận trên Eo biển Hormuz trong tương lai gần.
 
Theo ông Sorouri, nước này có kế hoạch tập dượt khả năng đóng cửa eo biển Hormuz. Đây được xem là một lời đe dọa từ Iran trong bối cảnh phương Tây dọa áp đặt trừng phạt đối với hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của nước Cộng hòa Hồi giáo.

“Chúng tôi sẽ tiến hành một cuộc diễn tập để đóng cửa Eo biển Hormuz trong tương lai gần. Nếu thế giới muốn làm cho khu vực này không an toàn thì chúng tôi sẽ khiến thế giới không an toàn”, nhà nghị sỹ Iran này tuyên bố trên Mehr.

Giá dầu thô phiên hôm qua cũng tăng mạnh xuất phát từ những tin đồn rằng Cục Dự trữ Liên bang sẽ đưa ra những tín hiệu về áp dụng chính sách nới lỏng tiền tệ mới trong cuộc họp cuối cùng của năm 2011 diễn ra ngày 13/12.

Tuy nhiên đà tăng của giá dầu đã bị chững lại sau khi đồng USD đột ngột quay đầu đi lên. Chỉ số USD phiên hôm qua đứng ở mức 80,061 điểm, cao hơn mức chốt 79,533 điểm trong phiên liền trước. Đồng USD tăng giá luôn là tín hiệu xấu cho dầu.

Cùng chiều với dầu thô, giá khí đốt tự nhiên giao tháng 1 trên sàn giao dịch hàng hóa New York tăng được 2 xu, tương ứng 0,8%, lên 3,28 USD/ triệu BTU. Dầu sưởi cùng kỳ hạn tăng 3 xu, tương ứng 1,1%, lên 2,93 USD/gallon.

Trong khi đó, mặt hàng xăng giao sau có phần tăng mạnh hơn. Cụ thể, chốt phiên giao dịch New York ngày 13/12, giá xăng hợp đồng tháng 1/2012 tăng được 6 xu, tương ứng 2,4%, lên 2,62 USD/gallon. Một gallon tương đương với khoảng 3,78 lít.

Giá nông sản tiếp tục đan xen

Trên thị trường nông sản, chốt phiên giao dịch đêm qua, giá cà phê giao sau tăng 1,9 xu, tương ứng 0,86%, lên 222,95 xu/lb. Giá ca cao tương lai tăng mạnh 62 USD, tương ứng 2,84%, lên mức 2.243 USD cho mỗi tấn.

Giá gạo chưa xay nhích nhẹ 0,07% lên 14,140 USD/cwt. Giá đường tăng 0,64% lên mức 23,440 xu/lb. Ngược lại, đậu tương giao sau giảm 3,5 xu, tương ứng 0,31%, xuống còn 1.115 xu/lb.

Liên quan tới giá giao dịch tương lai, hôm qua, Tổ chức Cà phê quốc tế (ICO) cho biết, sản lượng cà phê thế giới niên vụ 2011/12 có thể đạt 128,6 triệu bao, giảm so với 133,1 triệu bao của vụ trước, do thời tiết xấu ở một số nước xuất khẩu.

Trong đó, Colombia sẽ không thể hồi phục sản lượng về mức cao của cách đây 4 năm, mà chỉ khoảng 8,4 triệu bao. Sản lượng ở châu Á giảm 4,6% xuống 35,8 triệu bao, do thu hoạch thấp ở Indonesia và Ấn Độ.

Sản lượng ở Mexico và Trung Mỹ cũng sẽ giảm cùng mức, từ 19,2 triệu bao của vụ trước xuống 18,4 triệu bao trong vụ bắt đầu từ tháng 10/2011. Thời tiết cũng sẽ làm cho sản lượng ở Nam Mỹ giảm 7,4%.

 

 

Theo VnEconomy.vn


Giá vàng đổ dốc về 1.621 USD/ounce sau phát biểu của Fed

Ngày đăng : 14/12/2011 - 8:39 AM

Giá vàng thế giới tiếp tục bị bán tháo và mất hơn 40 USD/ounce trong phiên hôm qua sau khi Fed thông báo sẽ giữ nguyên chính sách tiền tệ và không có gói kích thích kinh tế mới.

Nhà đầu tư và đầu cơ đổ xô bán ra sau khi Fed thừa nhận khủng hoảng ở châu Âu là một rủi ro lớn với kinh tế Mỹ. NHTW lớn nhất thế giới đã đóng sập cánh cửa của một chương trình nới lỏng tiền tệ mới sau khi công bố biên bản cuộc họp chính sách cuối tháng 11.

Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng cùng với sự mạnh lên của đồng USD so với Euro đã gây áp lực lên vàng. James Steel, chuyên gia phân tích hàng hóa cao cấp của HSBC nhận xét, thị trường đã hy vọng quá nhiều và giờ đây đang thất vọng.

Đóng cửa phiên, giá vàng giao ngay hạ 39,1 USD xuống 1.626,1 USD/ounce. Trong phiên, có lúc giá rơi xuống 1.621,2 USD/ounce, kém 44,1 USD so với cuối phiên ngày thứ Hai.

Về đồ thị kỹ thuật, vàng giao ngay đang được hỗ trợ tại đường bình quân 200 ngày là 1.617 USD/ounce. Nếu mức này không giữ nổi, sẽ đối diện với đợt sụt giảm sâu và xuyên qua 1.600 USD.

Trên thị trường kỳ hạn, giá vàng giao tháng 2 chỉ hạ có 5,1 USD xuống 1.663,1 USD/ounce lúc đóng cửa. Khối lượng giao dịch mỏng vì nhiều nhà đầu tư rời thị trường. Tuy nhiên sau giờ đóng cửa, giá để mất thêm 33,3 USD và hiện còn chưa đến 1.630 USD/ounce.




Giá vàng mất 90 USD/ounce chỉ trong 2 ngày (Nguồn: Kitco)



Đầu phiên, giá vàng tương đối ổn định, có lúc đi lên vì doanh số bán lẻ thất vọng ở Mỹ.

Trong 3 phiên vừa qua, vàng như vậy đã mất tổng cộng 7%, khi những nghi ngờ ngày càng tăng về khả năng giải quyết khủng hoảng nợ của các nhà lãnh đạo châu Âu. Các mức hỗ trợ kỹ thuật bị chọc thủng là nguyên nhân khiến giá rớt với tốc độ nhanh hơn.

Tâm lý nhà đầu tư phiên qua phần nào cũng bị ảnh hưởng, sau khi Dennis Gartman, chủ của tạp chí tài chính uy tín dành cho các nhà đầu tư Mỹ, đưa ra nhận định thị trường bắt đầu bước vào “thị trường con gấu”. Ông cho biết bản thân đã thoát hết các vị thế trong vàng ngay khi giá rớt khỏi vùng 1.700 USD hôm trước.



Theo TTVN/Reuters
 


Morgan Stanley dự báo giá 18 hàng hóa trong 2012

Ngày đăng : 13/12/2011 - 1:03 PM
Dự kiến, vàng sẽ tiếp tục được giới đầu tư coi là "vịnh tránh bão" trong năm 2012 và khiến giá mặt hàng này bị đẩy cao hơn nữa.
 
Ngân hàng Morgan Stanley vừa công bố dự báo giá cả 18 mặt hàng quan trọng trong năm 2012. Trong đó, giá vàng dự kiến chạm mốc 2.200 USD/ounce, bạc cũng lên tới 50 USD/ounce, do nhu cầu đầu tư vào các “vịnh tránh bão” tăng mạnh.
 
Theo dự báo này của Morgan Stanley, giá cả phần lớn các mặt hàng kim loại cơ bản và nông sản tăng trưởng khá lạc quan trong năm tới, trong khi giá các hàng hóa năng lượng dự kiến sẽ đi xuống do nguồn cung trở nên dư thừa trên toàn cầu.
 
Dưới đây là chi tiết dự báo giá cả 18 mặt hàng quan trọng của Morgan Stanley trong năm 2012 được trang Business Insider trích thuật và giới thiệu.
 
1. Trong trường hợp xấu, giá dầu thô Brent Biển Bắc có thể giảm xuống 75 USD/thùng
 
Mức giá trung bình năm 2011: 100 USD/thùng
Mức giá trung bình năm 2012: 100 USD/thùng
 
Nguồn cung dầu dự kiến sẽ được khôi phục trong năm tới, với việc sản xuất ổn định ở các vùng Biển Bắc và Tây Phi cùng sản lượng ở Libya được nâng lên. Tuy nhiên, nhu cầu đang yếu đi và giá dự kiến đi xuống trong 6 tháng đầu năm 2012. Trong trường hợp xấu, giá dầu thô Brent Biển Bắc có thể xuống mức 75 USD/thùng, còn trong tình huống thuận lợi, giá cao nhất có thể là 115 USD/thùng.
 
2. Giá khí đốt giảm do dự trữ tăng cao kỷ lục
 
Mức giá trung bình năm 2011: 4,20 USD/triệu BTU
Mức giá trung bình năm 2012: 3,85 USD/triệu BTU
 
Dự báo lượng cung khí đốt thiên nhiên sẽ tăng vượt cầu vào năm 2012. Lượng dự trữ so với cùng kỳ năm 2011 có thể chạm mức cao kỷ lục trong giai đoạn từ cuối tháng 3 đến cuối tháng 10 và khiến giá mặt hàng này suy giảm.
 
3. Giá nhôm có thể giảm tới 12% so với năm 2011
 
Mức giá trung bình năm 2011: 2.500 USD/tấn
Mức giá trung bình năm 2012: 2.300 USD/tấn
 
Nhìn chung, Morgan Stanley tỏ ra thận trọng khi dự báo giá kim loại cơ bản, song khá lạc quan về giá nhôm. Morgan Stanley lưu ý rằng, giá nhôm hiện thấp hơn chi phí biên và một số nhà sản xuất với chi phí cao đang hạ bớt công suất.
 
4. Giá đồng có khả năng tăng trưởng kém do suy thoái kinh tế toàn cầu nhưng dự kiến tăng tốt hơn các kim loại cơ bản khác.
 
Mức giá trung bình năm 2011: 9.200 USD/tấn
Mức giá trung bình năm 2012: 8.400 USD/tấn
 
Giá đồng cũng có thể tăng tốt hơn các kim loại cơ bản khác do nguồn cung bị thắt chặt. Theo giới phân tích, có thể phải tới cuối năm 2014, nguồn cung đồng mới được đảm bảo.
 
5. Giá trung bình năm 2012 của niken dự kiến giảm 7% so với năm 2011.
 
Mức giá trung bình năm 2011: 23.700 USD/tấn
Mức giá trung bình năm 2012: 22.000 USD/tấn
 
Giá niken có liên quan tới hoạt động sản xuất và xuất khẩu thép không gỉ của Trung Quốc. Dự báo, giá mặt hàng này sẽ đi xuống do sản lượng công nghiệp suy yếu.
 
6. Nguồn cung kẽm đang trong tình trạng dư thừa và giá kim loại này có thể giảm xuống 2.100 USD/tấn
 
Mức giá trung bình năm 2011: 2.300 USD/tấn
Mức giá trung bình năm 2012: 2.100 USD/tấn
 
Nhu cầu kẽm trên toàn cầu vẫn còn khá mạnh trong năm 2011 do lượng tiêu thụ tại Trung Quốc và các thị trường mới nổi tăng cao. Tuy nhiên, nguồn cung hiện đang dư thừa và nhu cầu dự báo sẽ giảm dần.
 
7. Vai trò “vịnh tránh bão” của vàng sẽ đưa giá mặt hàng này lên 2.200 USD/ounce
 
Mức giá trung bình năm 2011: 1.612 USD/ounce
Mức giá trung bình năm 2012: 2.200 USD/ounce
 
Nhu cầu tiêu thụ vàng dự kiến tăng cao, do nhà đầu tư coi đây là “vịnh tránh bão”. Giá vàng cũng được hỗ trợ nhờ kỳ vọng môi trường lãi suất thấp hoặc thực âm.
 
8. Giá bạc biến động và có thể lên tới 50 USD/ounce
 
Mức giá trung bình năm 2011: 38 USD/ounce
Mức giá trung bình năm 2012: 50 USD/ounce
 
Bạc cũng là một nơi trú ẩn an toàn, nhưng giá rẻ hơn nhiều so với vàng. Năm tới, dự kiến giá kim loại quý này sẽ biến động mạnh hơn và thiếu ổn định hơn do nhu cầu công nghiệp suy yếu.
 
9. Bạch kim tiếp tục tăng trưởng kém hơn vàng và bạc nhưng sẽ hấp dẫn trong trung hạn
 
Mức giá trung bình năm 2011: 1.784 USD/ounce
Mức giá trung bình năm 2012: 1.829 USD/ounce
 
Bạch kim không được xem là “vịnh tránh bão” và nhu cầu đầu tư bị hạn chế. Việc kinh tế toàn cầu suy giảm và chi tiêu cho các mặt hàng thiết yếu ngày càng thấp có thể khiến nhu cầu kim loại này suy yếu.
 
10. Giá bông dự kiến hạ 20% do nhu cầu giảm sút (*)
 
Mức giá trung bình năm 2011-2012: 1 USD/lb
Mức giá trung bình năm 2012-2013: 0,8 USD/lb
 
Doanh số bán lẻ tại hầu khắp các thị trường phát triển đi xuống sẽ khiến nhu cầu bông suy giảm. Lực mua từ Trung Quốc có thể giảm mạnh trong tháng 3 và nhu cầu xuất khẩu của Mỹ cũng giảm sút. Thêm vào đó, việc thiếu giải pháp cho khủng hoảng nợ công châu Âu dự kiến sẽ tăng áp lực cho giá mặt hàng này.
 
(*) Các mặt hàng nông sản được tính theo năm kinh doanh của Mỹ: lúa mì (tháng 6-tháng 5), bông (tháng 8-tháng 7), ngô và đậu tương (tháng 9-tháng 8), đường và cà phê (tháng 10-tháng 9).
 
11. Giá đường sẽ chịu sức ép bởi nguồn cung toàn cầu tăng (*)
 
Mức giá trung bình năm 2011-2012: 0,22 USD/lb
Mức giá trung bình năm 2012-2013: 0,19 USD/lb
 
Nguồn cung đường tại Bắc Bán cầu dự kiến sẽ tăng lên, trong khi sản lượng của Brazil dự kiến mạnh hơn dự báo. Ngoài ra, sau trận lụt lịch sử, sản lượng đường của Thái Lan cũng bắt đầu khang phục và gây sức ép lên giá đường.
 
(*) Các mặt hàng nông sản được tính theo năm kinh doanh của Mỹ: lúa mì (tháng 6-tháng 5), bông (tháng 8-tháng 7), ngô và đậu tương (tháng 9-tháng 8), đường và cà phê (tháng 10-tháng 9).
 
12. Giá cà phê tăng (*)
 
Mức giá trung bình năm 2011-2012: 2,38 USD/lb
Mức giá trung bình năm 2012-2013: 2,45 USD/lb
 
Triển vọng nguồn cung tiêu cực do sản lượng cà phê tại Brazil, Việt Nam và Columbia sụt giảm. Tuy nhiên, điều này sẽ khiến giá cà phê tăng lên.
 
(*) Các mặt hàng nông sản được tính theo năm kinh doanh của Mỹ: lúa mì (tháng 6-tháng 5), bông (tháng 8-tháng 7), ngô và đậu tương (tháng 9-tháng 8), đường và cà phê (tháng 10-tháng 9).
 
13. Giá ngô có thể giảm trung bình 17% (*)
 
Mức giá trung bình năm 2011-2012: 7,25 USD/bushel
Mức giá trung bình năm 2012-2013: 6,00 USD/bushel
 
Giá ngô dự kiến sẽ tăng tiếp cho tới đầu 2012 do nhu cầu thức ăn gia súc tăng cao hơn dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ. Tuy nhiên, giá ngô cao đã khiến các nước Argentina, Brazil và Ukraine tăng sản lượng và làm giảm nhu cầu đối với hàng xuất khẩu của Mỹ.
 
(*) Các mặt hàng nông sản được tính theo năm kinh doanh của Mỹ: lúa mì (tháng 6-tháng 5), bông (tháng 8-tháng 7), ngô và đậu tương (tháng 9-tháng 8), đường và cà phê (tháng 10-tháng 9).
 
14. Giá đậu tương dự kiến giảm 5% nhưng triển vọng lạc quan (*)
 
Mức giá trung bình năm 2011-2012: 14,25 USD/bushel
Mức giá trung bình năm 2012-2013: 13,50 USD/bushel
 
Nhu cầu xay xát yếu kém trên toàn cầu và nguồn cung mạnh từ Brazil đã làm giảm nhu cầu đối với 11/12 mặt hàng xuất khẩu của Mỹ, bất kể hoạt động xay xát tại Mỹ dự kiến sẽ hồi phục trong năm 2012.
 
(*) Các mặt hàng nông sản được tính theo năm kinh doanh của Mỹ: lúa mì (tháng 6-tháng 5), bông (tháng 8-tháng 7), ngô và đậu tương (tháng 9-tháng 8), đường và cà phê (tháng 10-tháng 9).

15. Giá lúa mì trung bình có thể giảm tới 7% trong năm tới (*)
 
Mức giá trung bình năm 2011-2012: 7,50 USD/bushel
Mức giá trung bình năm 2012-2013: 7,00 USD/bushel
 
Sản lượng và nguồn cung lúa mì đã chuyển từ thiếu hụt sang dư thừa. Mặc dù tình trạng thiếu hụt vẫn diễn ra ở Mỹ, song các sản phẩm thay thế rẻ hơn từ Liên minh châu Âu và Argentina dự kiến sẽ làm giảm lượng cầu hàng Mỹ.
 
(*) Các mặt hàng nông sản được tính theo năm kinh doanh của Mỹ: lúa mì (tháng 6-tháng 5), bông (tháng 8-tháng 7), ngô và đậu tương (tháng 9-tháng 8), đường và cà phê (tháng 10-tháng 9).
 
16. Triển vọng giá bò năm 2012 lạc quan
 
Mức giá trung bình năm 2011: 1,14 USD/lb
Mức giá trung bình năm 2012: 1,24 USD/lb
 
Nhu cầu xuất khẩu thịt bò tại Mỹ tiếp tục ở mức cao, trong khi chi phí thức ăn gia súc cao và nguồn cung bê con sụt giảm là những dấu hiệu tốt cho việc cung ứng bò của Mỹ.
 
17. Giá bê sẽ dễ bị ảnh hưởng do mùa đông
 
Mức giá trung bình năm 2011: 1,34 USD/lb
Mức giá trung bình năm 2012: 1,49 USD/lb
 
Sự sụt giảm nguồn cung do đợt khô hạn trong mùa hè vừa qua dự kiến sẽ khiến giá bê con tiếp tục leo cao trong 6 tháng đầu năm tới. Tuy nhiên, giá bê con có thể bị tác động bởi sự yếu kém mang tính thời vụ trong mùa đông.
 
18. Kinh tế Mỹ đình trệ sẽ làm giảm bớt nhu cầu thịt bò
 
Mức giá trung bình năm 2011: 0,91 USD/lb
Mức giá trung bình năm 2012: 0.90 USD/lb
 
Nhu cầu thịt lợn ở mức cao cùng và lợi nhuận lạc quan từ hoạt động đóng gói là những yếu tố sẽ tác động tốt tới giá cả thịt lợn. Tuy nhiên, người tiêu dùng cần tuân thủ quy định, bất kể lợi nhuận cao thế nào.
 
Theo Hồng Ngọc 
VnEconomy

Giá vàng ồ ạt lao dốc

Ngày đăng : 13/12/2011 - 11:41 AM

Gần 10h sáng nay, giá vàng SJC đã giảm về vùng 44 triệu đồng/lượng, thấp hơn gần 900.000 đồng/lượng so với sáng hôm qua. Sau phiên sụt 2,7% đêm qua tại New York, giá vàng thế giới tiếp tục “đổ đèo” trong phiên giao dịch sáng nay tại châu Á.

 

                             

 

Do ảnh hưởng từ phiên giảm mạnh vào đêm qua của giá vàng quốc tế, giá vàng miếng SJC ngay khi mở cửa sáng nay hạ 250.000 đồng/lượng so với cuối giờ chiều qua. Sau đó, giá vàng tiếp tục được điều chỉnh giảm thêm vài lần, đến 9h50 còn 43,8 triệu đồng/lượng (mua vào) và 44,05 triệu đồng/lượng (bán ra).

So với đầu giờ sáng qua, giá vàng SJC hiện đã giảm 870.000 đồng/lượng. Từ sáng qua tới giờ, vàng miếng trong nước diễn biến theo xu hướng duy nhất là giảm giá do giá vàng quốc tế giảm nhanh và liên tục. Tốc độ giảm giá của vàng tăng mạnh từ chiều qua, khi giá vàng sụt dốc trong phiên châu Âu và đà giảm được đẩy nhanh hơn nữa trong phiên Mỹ.

Biểu đồ giá vàng của SJC cho thấy, giá vàng tại doanh nghiệp này đang ở mức thấp nhất kể từ ngày 25/10 trở lại đây.

Tại Hà Nội, giá vàng SJC do Công ty Phú Quý niêm yết lúc 9h50 còn 43,85 triệu đồng/lượng (mua vào) và 44,08 triệu đồng/lượng (bán ra).

Cùng với tốc độ lao dốc mạnh của giá vàng, khoảng cách giữa giá mua và bán vàng cũng được các doanh nghiệp kim hoàn nới rộng để phòng rủi ro. Mức chênh giá mua-bán vàng miếng sáng nay phổ biến 250.000-500.000 đồng/lượng.

Tốc độ lao dốc của vàng AAA còn “chóng mặt” hơn. Hiện vàng miếng thương hiệu này có giá 42,6 triệu đồng/lượng cho chiều thu mua, thấp hơn giá vàng SJC tới 1,2 triệu đồng/lượng; giá bán ra còn 43,1 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng SJC 1 triệu đồng/lượng.

Vàng Rồng Thăng Long cùng cảnh “đại hạ giá” với AAA. Lúc 9h50, loại vàng này được Công ty Bảo Tín Minh Châu mua vào ở mức 42,9 triệu đồng/lượng và bán ra ở mức 43,1 triệu đồng/lượng.

Giá USD tự do tại Hà Nội sáng nay phổ biến ở mức 21.110 đồng (mua vào) và 21.150 đồng (bán ra), tăng 10 đồng mỗi USD ở cả hai chiều mua và bán so với sáng hôm qua.

Vàng miếng đang giảm giá mạnh, nhưng giao dịch vẫn diễn ra chậm. Hệ thống Sacombank-SBJ cho biết hôm qua chỉ mua bán khoảng 600 lượng vàng. Theo công ty này, thị trường vàng trang sức đang sôi động hơn khi bước vào thời điểm cuối năm.

Tính đến hôm nay, tỷ giá USD/VND bình quân liên ngân hàng đã đứng yên gần 6 tuần liên tục ở mức 20.803 đồng. Giá USD bán ra tại các ngân hàng thương mại cũng “bất động” ở mức kịch trần biên độ 20.011 đồng.

Do giá vàng trong nước giảm chậm hơn giá quốc tế, khoảng cách giá giữa hai thị trường đang tăng nhanh. Lúc 9h30 sáng nay, giá vàng SJC bán lẻ cao hơn giá vàng giao ngay quốc tế quy đổi khoảng 1,8 triệu đồng/lượng.

Cùng thời điểm, vàng giao ngay tại châu Á có giá 1.657,9 USD/oz, giảm 8,7 USD/oz so với giá đóng cửa đêm qua tại New York. Trước đó, có thời điểm giá vàng giảm khoảng 12 USD/oz.

Trong phiên đêm qua, giá vàng sụt 46 USD/oz khi đóng cửa, tương đương mức giảm 2,7%, còn 1.666,3 USD/oz. Đây là phiên giảm giá mạnh nhất của vàng thế giới trong vòng 3 tháng trở lại đây.

Phiên sụt giá này là kết quả của những lo ngại về khả năng leo thang trở lại của khủng hoảng nợ công tại châu Âu. Những mối lo này tạo sức ép khiến đồng Euro giảm giá so với USD, đẩy thị trường chứng khoán đi xuống, đồng thời kéo vàng giảm giá theo do vàng gần đây không còn phát huy tốt vai trò kênh đầu tư an toàn.

Tỷ giá Euro/USD tại Tokyo sáng nay phổ biến ở mức dưới 1,32 USD/Euro, từ ngưỡng 1,34 USD/Euro vào sáng qua.

Ngoài ra, vàng còn bị bán tháo do giới đầu tư cần huy động tiền mặt và do ảnh hưởng của yếu tố kỹ thuật.

Quỹ tín thác đầu tư vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust hôm qua bán ròng hơn 0,6 tấn vàng, giảm khối lượng nắm giữ về mức 1.294,8 tấn, thấp nhất trong vòng 3 tuần. Từ tuần trước, quỹ này đã bắt đầu bán ròng vàng sau một thời gian liên tục mua ròng.

 

 

Theo VnEconomy.vn


 

Tin mới cập nhật