Máy tính xuất xứ Trung Quốc ở VN có khả năng nhiễm mã độc

Ngày đăng : 17/09/2012 - 10:36 PM

 

'Máy tính xuất xứ Trung Quốc ở VN có khả năng nhiễm mã độc'

 

Microsoft mới đây phát hiện một số PC của Trung Quốc chạy Windows lậu đã bị cài sẵn virus độc hại và đại diện Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính VNCERT đánh giá loại mã độc đó cũng xuất hiện ở Việt Nam. 

Tuy nhiên, VNCERT cũng chỉ rõ rằng báo cáo của Microsoft chỉ nói tới việc các hệ thống bị nhiễm virus là do một số đại lý bán lẻ cài phần mềm lậu, chứ chưa đề cập tới chuyện các nhà sản xuất phần cứng có cố tình cài mã độc theo dõi người dùng nhằm phục vụ âm mưu nào đó khác hay không.

Bắt đầu từ tháng 8/2011, một nhóm nghiên cứu của Microsoft ở Trung Quốc đã tiến hành điều tra về hoạt động sử dụng phần mềm lậu ở nước này. Họ đã mua 20 máy tính mới (chưa mở hộp) của một công ty ở Quảng Đông và phát hiện tất cả các hệ thống đều được cài Windows không bản quyền. Bốn trong số đó chứa virus với các thể loại khác nhau, đáng chú ý nhất là sâu Nitol bởi nó được kích hoạt ngay khi người dùng mở máy lần đầu mà không đòi hỏi bất cứ thao tác nào khác.

Nitol lập tức tạo cổng hậu, dò tìm những máy tính khác thông qua kết nối Internet và qua thiết bị cắm ngoài (như ổ USB), nhân bản và lây nhiễm một cách nhanh chóng, tạo nên một mạng lưới máy tính ma (botnet) khổng lồ.

Với việc máy tính được phân phối ra nhiều nước, khoảng cách địa lý không còn là vấn đề. Microsoft đã phát hiện Nitol ở Trung Quốc, Nga, Australia và Đức. Trong khi đó, Trung tâm kỹ thuật của VNCERT đánh giá, nếu máy tính xuất xứ ở Trung Quốc được mua về các quốc gia khác gặp hiện tượng này thì Việt Nam sẽ không nằm ngoài khả năng đó bởi số lượng máy Trung Quốc ở Việt Nam khá nhiều, chưa kể tình trạng sử dụng Windows trái phép và các phần mềm lậu khác cũng thuộc hàng cao nhất thế giới.

Phần mềm lậu kèm virus có thể được cài sẵn trên các hệ thống máy tính mới toanh.

 

Microsoft đã báo cáo vụ việc lên tòa án liên bang ở Virginia (Mỹ). Trong hồ sơ cũng nhắc tới tên miền 3322.org do doanh nhân Trung Quốc Peng Yong đăng ký. Tập đoàn phần mềm Mỹ cho hay tên miền đó chứa tới hơn 500 loại mã độc khác nhau, bao gồm cả Nitol. Tên miền này từng bị một số công ty bảo mật cảnh báo trước đó, như 3322.org chiếm 17% các giao dịch web độc hại trên thế giới năm 2009. 

Ông Peng cho hay ông không được báo trước về vụ kiện cũng như phủ nhận mọi cáo cuộc liên quan. Sự thật sẽ được tòa chứng minh, nhưng thông điệp mà Microsoft muốn cảnh báo là sự an toàn của người dùng Internet đang bị đe dọa vì sự lỏng lẻo trong nguồn cung ứng máy tính ở Trung Quốc. Để tăng lợi nhuận, một số nhà sản xuất và đại lý bán lẻ ít tên tuổi chọn cách cài phần mềm lậu, không có bản quyền vào trong máy để khiến giá bán rẻ hơn, thu hút được nhiều người mua máy hơn.

"Tội phạm công nghệ đang thay đổi cách họ tấn công người dùng", Richard Boscovich, thành viên nhóm nghiên cứu của Microsoft cho hay. Có nghĩa, chúng đang lợi dụng sự thiếu chặt chẽ trong việc kiểm soát phần mềm không bản quyền để tìm kiếm nạn nhân ngay từ khi họ mua máy chứ không cần đợi tới lúc họ truy cập vào các trang web lừa đảo.

Tòa án Mỹ đã cho phép Microsoft thiết lập một mạng ảo để ngăn sự liên lạc giữa mã độc với máy chủ của 3322.org. Còn các chuyên gia bảo mật tại Việt Nam cho rằng để bảo vệ chính mình, người tiêu dùng nên thận trọng kiểm tra ngay từ khi mua máy để xem các chương trình cài sẵn đã có bản quyền chưa cũng như quét virus  phòng ngừa.

Châu An

Họ tên :

Email :

Nội dung :

Tin cùng chủ đề

Chương trình tuyệt mật của Liên Xô về UFO

Ngày đăng : 22/08/2012 - 10:51 PM

 

Chương trình tuyệt mật của Liên Xô về UFO

Trong hồ sơ vừa được giải mật của Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) có một tài liệu rất quan trọng, thu hút sự chú ý của giới chuyên viên về vật thể bay không xác định (UFO), hay còn gọi nôm na là đĩa bay

Đó là dự án mang mật danh “Sekta” (Lưới sắt) do các nhà khoa học Xô Viết tiến hành, đi sâu nghiên cứu hiện tượng UFO trong hai thập niên 70 và 80 thế kỷ trước nhằm minh chứng nguồn gốc ngoài hành tinh của sự kiện đĩa bay là có thật.

Đại tá Tiến sĩ Marina Popovich (giữa), nguyên là nữ phi hành gia dự bị Xôviết đưa ra bằng chứng về UFO tại Tổng lãnh sự quán Liên Xô ở San Francisco, Mỹ, năm 1991.

 

Vào đầu năm 1978, theo chỉ thị từ Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Alexei Kosygin, giới khoa học Liên Xô bắt đầu phát triển chương trình Sekta để tìm hiểu bản chất của hiện tượng UFO, phân tích các tác động ảnh hưởng đến con người và môi trường xung quanh, nhất là trong lĩnh vực quốc phòng. Chính phủ Liên Xô chính thức quyết định tiến hành dự án nghiên cứu tuyệt mật Sekta, dựa trên các sự kiện xảy ra vào tháng 9/1977.

Theo đó ở phần phía bắc Liên Xô và Phần Lan, UFO xuất hiện dưới dạng giống hình một con sứa, nhất là trên bầu trời thành phố Petrozavodsk, thủ phủ nước Cộng hòa tự trị Karelia thuộc Liên bang Xôviết. Do vậy sự kiện này được báo giới Xôviết đương thời gọi là "hiện tượng Petrozavodsk".

Thực ra ngay từ năm 1976, Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô đã thực thi chương trình nghiên cứu về các vật thể bay không xác định, để 2 năm sau bổ sung thành phần khởi đầu của dự án Sekta.

Dự án siêu mật được tiến hành theo 2 hướng gồm Sekta-MO và Sekta-AN. Sekta-MO chuyên nghiên cứu các hiện tượng bất thường cùng ảnh hưởng phát sinh đối với binh sĩ và vũ khí khí tài nói chung, còn Sekta-AN phân tích nguồn gốc vật lý và nguyên lý phát triển của UFO.

Bộ Quốc phòng là cơ quan chỉ đạo Sekta-MO thu thập mọi thông tin về UFO liên quan đến quân đội; còn Viện Hàn lâm giám sát Sekta-AN qua nguồn tin từ các tổ chức khoa học cũng như cơ quan báo chí, nhằm mục đích nghiên cứu tổng thể từ các hiện tượng bất thường khác biệt nhau. Truyền thông Xôviết khi ấy không được phép đả động đến dự án Sekta, thậm chí chỉ cần đưa tin về sự tồn tại của người ngoài hành tinh không thôi cũng đã bị chỉ trích nặng nề.

Trung bình cứ sau 5 năm, dự án nghiên cứu đĩa bay lại đổi mật danh để đánh lạc hướng những kẻ tò mò. Từ "Sekta" lúc đầu chuyển sang "Galatica MO" (Thiên hà MO) vào năm 1981, để đến năm 1986 lại chuyển thành "Horizont MO" (Chân trời MO) cùng mục đích không đổi nhằm làm sáng tỏ bản chất của UFO. Tổng cộng có hơn 400 trường hợp bí ẩn đã được đề cập tới trong dự án Sekta, kể cả vụ phi cơ chiến đấu Liên Xô va chạm với UFO.

Một ảnh minh họa UFO rơi gần thành phố Roswell vào năm 1947 trên báo Mỹ. Ảnh: echoesofenoch.com.

 

Sau đây là những vụ việc tiêu biểu ngoài "trường hợp Petrozavodsk" nói trên.

Tháng 6/1979, gần thị trấn Derzhavinsk thuộc Cộng hòa Kazakhstan xuất hiện một phương tiện bay không rõ nguồn gốc, với phi hành đoàn lưu trú trên mặt đất suốt mấy ngày liền. Họ không gây ra bất cứ tác hại gì đối với người trái đất.

Các nhân chứng là con trẻ đang đi cắm trại hè thiếu nhi đã nhìn thấy những sinh vật giống người có hình thù cao trên 3m, cách phân biệt các cá nhân khác nhau trong phi hành đoàn thể hiện qua màu sắc của chiếc thắt lưng buộc ngang người. Tất cả đều có vóc dáng mảnh khảnh, khi cần chuyển động lại vươn tay ra phía trước để rồi từ từ… biến mất như thể tan biến vào không trung trước khi tái xuất hiện.

Đến ngày hôm sau, họ hiện diện ngay trong khu cắm trại, còn phía đằng xa là hình dáng cỗ phương tiện bay trông giống như một chiếc lều du mục. Cỏ bị đốt cháy bên dưới mỗi khi "lều" lướt qua. Còn báo chí địa phương đưa tin vào ngày 26/6 cùng năm, nhiều nhân chứng đã mục kích thấy một vật thể sáng rực đứng bất động giữa trời cao.

Sau đó các nhân viên thuộc Bộ Nội vụ và Ủy ban An ninh nhà nước (KGB) đã đến tận hiện trường khu cắm trại, nhưng không tìm thấy bất cứ dấu vết gì sót lại. Đến giữa tháng 6/1980, một trường hợp tương tự lại xảy ra. Lần này trên cả phần châu Âu của nước Nga đều có thể mục kích một khối cầu rực sáng với quầng lửa đỏ đằng đuôi, sau đó quầng lửa chuyển thành khói màu xám nhạt và quyện lại giống hình một chiếc chuông cực lớn.

Có ý kiến cho rằng đó là vết tích của vụ đưa vệ tinh Cosmos 1188 lên quỹ đạo, khởi hành từ bãi phóng Pletesk trong vùng Arkhangelsk cách Moscow 800km về phía bắc. Nhưng hiện tượng y hệt cũng được quan sát thấy ở cả khu vực Nam Mỹ. Còn ở Nga, các nhân chứng nhìn thấy hiện tượng này là những người sinh sống ở Moscow Tula, Vladimir, Ryazansk… thậm chí cả từ nước Cộng hòa Tatarstan mạn cực nam nước Nga nữa.

Nhưng địa danh được giới khoa học lưu tâm nhất là tại Chkalovsk, một trong những thành phố trực thuộc trung ương bởi đồng thời xuất hiện nhiều hiện tượng bất thường cùng một lúc. Ngoài điểm sáng rực hình cầu ra, có một "đám mây UFO" đen kịt bất động giữa vòm trời… Với các cá nhân riêng lẻ tiêu biểu là trường hợp của chàng sinh viên A. Vostruhin, anh từng mục kích một UFO hình bầu dục ở khoảng không bên trên làng Solnsevo thuộc ngoại vi Moscow.

Một thời gian sau cũng tại địa điểm này, Trung tá Cảnh sát V. Kariakin đã chứng kiến sự kiện tương tự. Đầu tiên Kariakin nghe thấy âm thanh ồn, sau đó nhìn thấy một quầng sáng khổng lồ từ từ lướt tới rồi đứng bất động. Ông cố chạy đuổi theo vật lạ nhưng không thể bởi đôi chân đột nhiên chùng hẳn xuống như mất hết năng lượng, Kariakin cố bò tới chỗ UFO thì nó liền bốc lên cao độ 25 m thì dừng lại như thể muốn quan sát người dưới đất trước khi mất dạng…

Để làm rõ trường hợp của V. Kariakin, một ủy ban điều tra đặc biệt đã được thành lập. Nhà tâm lý học nổi tiếng S. Kuzminski đã trò chuyện cùng V. Kariakin, cho thấy trạng thái tâm sinh lý của ông hoàn toàn bình thường. Vật thể lạ tuyệt nhiên không gây tác hại gì tới cơ thể cũng như sức khỏe của nhân chứng.

Đề tài UFO lâu nay luôn lôi cuốn giới khoa học ở mọi nơi trên hành tinh, nhưng hầu hết tất cả các công trình nghiên cứu về vật thể bay không xác định đều được xếp vào dạng bí mật quốc gia và dự án Sekta cũng không phải là trường hợp ngoại lệ. Sau khi Liên bang Xôviết sụp đổ, cũng như nhiều dự án khoa học khác phải đình hoãn vì thiếu kinh phí. Chẳng hiểu bằng cách nào mà một phần tài liệu siêu mật thuộc khuôn khổ dự án kéo dài 13 năm đã lọt vào tay CIA.

Việc tiết lộ kết quả nghiên cứu từ dự án "Lưới sắt" đã gây sửng sốt với bất cứ nhà đĩa bay học nào. Qua đó cho thấy ngay từ thập niên 80 thế kỷ trước, các nhà khoa học Xôviết đã nắm được bằng chứng của việc UFO định kỳ xuất hiện, phần nào minh chứng sự tồn tại của loài người khác trong thiên hà. Chỉ riêng sự kiện dự án Sekta chính thức công nhận có sự sống ngoài hành tinh, đã góp phần đặt dấu chấm hết cho những cuộc nghiên cứu công phu và tốn kém nhằm thẩm định đề tài hóc búa này.

Cuối cùng, các nhà khoa học thuộc dự án Sekta đưa ra một luận điểm có tính tham khảo, rằng tuy tất cả những trường hợp quan sát được đều mang tính bất thường, nhưng chưa đủ dữ liệu để nghiên cứu bản chất đích thực của chúng. Công việc còn lại dĩ nhiên thuộc về các nhà đĩa bay học tâm huyết nhất.

Công an nhân dân


Google nắm trong tay thị trường ứng dụng di động Trung Quốc

Ngày đăng : 22/08/2012 - 10:37 PM

 

Google nắm trong tay thị trường ứng dụng di động Trung Quốc

 

                        

 

Sau nhiều năm chật vật tại Trung Quốc, Google đã chính thức nắm trong tay vị trí dẫn đầu lĩnh vực kinh doanh các ứng dụng và quảng cáo trên di động.

 

Sức mạnh của Google trong mảng ứng dụng di dộng tại thị trường Trung Quốc là bức tranh hoàn toàn tương phản với mảng công cụ tìm kiếm – thứ mới là sức mạnh quyền năng làm nên tên tuổi hãng hàng chục năm qua.

Tại Trung Quốc, Baidu Inc là bá chủ của mảnh đất tìm kiếm. Google đã chấp nhận chịu thua Baidu và 2 năm trước khăn gói ra khỏi Trung Quốc lục địa sau những bất đồng về kiểm duyệt với nhà chức trách nước này. Theo số liệu của Analys International, Baidu hiện chiếm 78,6% thị phần thị trường tìm kiếm tại Trung Quốc, trong khi thị phần của Google chỉ là 15,7%.

Sau khi thất bại ê chề trong mảng cung cấp dịch vụ tìm kiếm, Google vẫn tìm mọi cách để thiết lập và củng cố vị trí tại thị trường Trung Quốc từ năm 2010, thông qua một lĩnh vực có vẻ “khó nhằn” hơn với đối thủ Trung Quốc, đó là ứng dụng di động.

Và sau bao phen khốn khó với chiến lược thâm nhập thị trường tiềm năng nhất thế giới này, Google đã có được thành công. Trên thị trường Trung Quốc vào thời điểm này có tới trên 10.000 nhà phát triển ứng dụng đăng ký hoạt động, tuy nhiên với 7,9 tỷ lượt phục vụ trên server mỗi tháng, thị phần của Google đang là số 1.

Trong số 1,8 tỷ nhân dân tệ (tương đương 283 triệu USD) tổng doanh thu Google dự tính đạt được trong năm nay, có tới 1,2 tỷ tệ là đến từ lĩnh vực này, theo dự báo của iResearch.

Các hãng xe hơi lớn như BMW hay General Motors chi nhánh Thượng Hải cũng đã phải quay sang mua ứng dụng AdMob của Google để trang bị trên các sản phẩm của mình nhằm thu hút các khách hàng yêu công nghệ.

Với khả năng Trung Quốc sẽ vượt Mỹ để trở thành thị trường smartphone lớn nhất thế giới vào năm nay theo kết quả điều tra của công ty nghiên cứu thị trường IDC, cơ hội phát triển cho Google trong một thị trường tiềm năng, ưa chuộng các thiết bị di động chạy trên hệ điều hành Android như Trung Quốc sẽ còn rực sáng hơn nữa.

Bên cạnh kinh doanh các ứng dụng di động, Google còn phát triển khá mạnh vai trò kinh doanh quảng cáo trực tuyến, trên website các đối tác khổng lồ như Sina Corp. Trên thực tế, Baidu – đối thủ sừng sỏ của Google tại Trung Quốc cũng tham gia lĩnh vực này, tuy nhiên theo đánh giá của các chuyên gia, thực lực của Baidu chưa đủ để cạnh tranh với Google.

 

N.Linh

Theo TTVN/Bloomberg


Nhật Bản để mất ngôi vương trong ngành điện tử như thế nào?

Ngày đăng : 15/08/2012 - 10:10 PM

 

Nhật Bản để mất ngôi vương trong ngành điện tử như thế nào?

                        

 

Nhật Bản chính là nơi đã khai sinh ra các thiết bị định hình cả 1 thời đại như máy Walkman hay đầu đọc CD và VCD. Giờ đây, họ bị vượt lên bởi Apple, Google hay Samsung.

 

Trong chuyến công tác tới Nhật Bản vào năm 2004, chuyên gia phân tích công nghệ Michael Gartenberg đã để mắt tới Librie, chiếc máy đọc sách đầu tiên trên thế giới được trang bị công nghệ mực điện tử được sản xuất bởi Sony – “đại gia” điện tử Nhật Bản. 

   

Gartenberg rất ấn tượng với công nghệ này và cho rằng chắc chắn đây là sự khởi đầu của 1 làn sóng mới sắp đổ bộ vào thị trường Mỹ. Tuy nhiên, đã có những vấn đề nảy sinh. Phần mềm được viết bằng tiếng Nhật và do đó các lựa chọn bị hạn chế rất nhiều. Ngày nay, thương hiệu Kindle của Amazon đã thống trị thị trường máy đọc sách điện tử trong khi Librie là thương hiệu được rất ít người nhớ tới. 

 

Thực tế, đây không phải là trường hợp duy nhất. Những câu chuyện tương tự đã được nhắc đi nhắc lại trong suốt 20 năm qua khi nói về các đại gia công nghệ đã từng thống trị thế giới của Nhật Bản. 

 

Khi thế mạnh chính là điểm yếu

 

Vậy thì, gốc rễ của vấn đề nằm ở đâu? Mỉa mai thay, thế mạnh truyền thống của Nhật Bản lại chính là yếu tố gây nên sự yếu kém. Hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp Nhật Bản được gắn chặt với triết lý "monozukuri" nổi tiếng – thuật ngữ nói đến nghệ thuật tạo ra sản phẩm với trọng tâm là phát triển phần cứng. Chính triết lý này khiến Nhật Bản đánh mất những yếu tố mà người tiêu dùng thực sự quan tâm đến như thiết kế và tính tiện dụng. 

 

Có thể nhận thấy điều này qua sản phẩm máy đọc sách điện tử. Sony chỉ tập trung vào bán sản phẩm, trong khi Amazon tập trung vào điều ngược lại – bán sách. Kết quả là, khách hàng mua sản phẩm Kindle với 2 lý do: mua và đọc sách.

 

Để vượt lên trên đối thủ, các công ty Nhật Bản sử dụng những bước đột phá về phần cứng – từ tivi panel phẳng cho đến điện thoại di động công nghệ cao. Tuy nhiên, các công ty nước ngoài lại phản ứng bằng cách đẩy mạnh cải tiến phần mềm thuận tiện cho người sử dụng đi kèm với thông điệp makerting thông minh hơn. 

 

Điều này khiến Sharp – một trong những “đại gia” điện tử mang đến tự hào cho người Nhật – loạng choạng, lâm vào tình cảnh thiếu tiền mặt trầm trọng trong khi giá cổ phiếu lao dốc thảm hại. Sony cũng đang phải tiến hành cải tổ sau 4 năm dấn sâu vào thua lỗ. Trong khi đó, tình cảnh cũng không khá hơn đối với Panasonic. 

 

Tổng cộng, Sony, Sharp và Panasonic đã phải gánh chịu khoản lỗ lên tới 20 tỷ USD trong năm tài khóa vừa qua. Đây là điều hoàn toàn tương phản so với những ngày huy hoàng thời kỳ cuối những năm 1970 – đầu những năm 1980, khi Nhật Bản bắt đầu thống trị ngành điện tử thế giới với các tập đoàn hùng mạnh cung cấp các sản phẩm “nổi đình nổi đám” như thẻ nhớ, TV màu, đầu máy video. 

 

Luẩn quẩn trong vòng xoáy công nghệ mới

 

Vấn đề còn trở nên tồi tệ hơn trong bối cảnh đồng yên quá mạnh khiến các công ty không thể theo kịp được các cải tiến kỹ thuật trong bối cảnh phải giảm giá thành để thu hút thị trường.

 

Đối với các sản phẩm có lợi thế vượt trội, các doanh nghiệp Nhật Bản thường chỉ sản xuất trong nước và sau đó bán sản phẩm ở nước ngoài.  Như vậy, rõ ràng là đồng yên mạnh sẽ khiến lợi nhuận thặng dư của các doanh nghiệp này sụt giảm nghiêm trọng. Hơn thế nữa, lợi nhuận sụt giảm cũng khiến họ gặp khó khi đầu tư vào các sản phẩm và công nghệ mới. 

 

Có thể lấy thế hệ tivi mới nhất – tivi OLED - làm minh chứng cho điều này. Đây là thế hệ tivi mỏng hơn và tốn ít năng lượng hơn. Cách đây 5 năm, Sony chính là nhà sản xuất đầu tiên bán tivi OLED. Vào thời điểm đó, ban lãnh đạo công ty cho rằng đây chính là biểu tượng cho sự trở lại của hãng. 

 

Tuy nhiên, giờ đây, thị trường này đã bị Samsung dẫn đầu và thậm chí hãng này còn thống trị cả thị trường màn hình OLED trên các sản phẩm như smartphone hay các thiết bị di động khác. Trong khi đó, các doanh nghiệp Nhật Bản gồm Sony, Panasonic, Sharp và Toshiba vốn mất nhiều năm để phát triển công nghệ này đã phải chật vật tìm ra cách thương mại hóa nó.

 

Trong nỗ lực chống lại các đối thủ sừng sỏ từ Hàn Quốc, Sony và Panasonic đã thành lập liên minh để phát triển công nghệ OLED, bất chấp việc trước đây họ là đối thủ cạnh tranh gay gắt. 

 

Ngược dòng thời gian, vào năm 2004, Sony cũng gặp phải 1 thất bại tương tự. Vào thời điểm đó, Sony cũng là nhà sản xuất đầu tiên giới thiệu tivi LCD ra công chúng. Tuy nhiên, 1 năm sau đó, Samsung tung mẫu tivi LCD của hãng này ra thị trường. Với chiến lược marketing xuất sắc, Samsung đã giành chiến thắng. Theo nghiên cứu của công ty NPD, trong 6 tháng đầu năm, Samsung chiếm gần 1 nửa thị phần tivi LED ở Bắc Mỹ trong khi Sony thậm chí còn không thể lọt vào top 5.

 

Sau nhiều năm để tuột mất cơ hội, đến gần đây Sony mới nhận ra rằng chính những đột phá về mặt công nghệ mà Sony tạo ra lại là mục tiêu theo đuổi của các đối thủ cạnh tranh. Họ có thể dễ dàng bắt chước với chi phí rẻ hơn rất nhiều. 

 

Với tình trạng tài chính hiện nay, các doanh nghiệp điện tử Nhật Bản không thể thực hiện những khoản đầu tư mạo hiểm. Tuy nhiên, chính sự lựa chọn này lại có những rủi ro riêng: rủi ro rơi vào vòng xoáy suy giảm. Thua lỗ kéo dài sẽ dẫn đến tình trạng đầu tư vào các công nghệ và sản phẩm mới sụt giảm mạnh. Trong khi đó, các đối thủ cạnh tranh với tiềm lực tài chính dồi dào có thể phát triển các công nghệ mới và tăng sức cạnh tranh. 

 

Trong lịch sử, chi phí R&D của Sony và Panasonic thường lớn hơn Samsung rất nhiều. Tuy nhiên, kể từ năm 2009, xu hướng đã thay đổi hoàn toàn. Năm 2011, Samsung bỏ ra 8,7 tỷ USD cho mảng R&D trong khi Sony và Panasonic chỉ lần lượt bỏ ra 5,5 và 6,6 tỷ USD. 

 

Minh Anh

Theo TTVN/WSJ


Chi phí thiết kế các logo công nghệ nổi tiếng

Ngày đăng : 09/08/2012 - 3:12 PM

 

Chi phí thiết kế các logo công nghệ nổi tiếng

Một số công ty đánh giá logo đặc biệt quan trọng nên chi hàng nghìn USD để thuê người thiết kế, số khác lại đơn giản hóa nên chẳng cần bỏ ra đồng nào.

 

0 USD: Logo đầu tiên của Google do nhà đồng sáng lập Sergey Brin thiết kế năm 1998. Tuy được thay đổi vài lần nhưng về cơ bản nó vẫn giống như cũ.

Ngược lại, Steve Jobs đánh giá rất cao giá trị của logo nên đã thuê Paul Rand vẽ logo cho công ty máy tính NeXT với giá 100.000 USD năm 1986.

Logo của Twitter được Simon Oxley vẽ năm 2009 với giá vỏn vẹn 15 USD.

Trong khi đó, logo quen thuộc trên trang web của BBC (được thiết kế lại năm 1997) có giá lên tới gần 2 triệu USD.

So sánh với logo của một số hãng không thuộc công nghệ khác:

Pepsi bỏ ra 1 triệu USD để thiết kế lại logo năm 2008.

Còn Coca-Cola lại không mất đồng nào cho logo từ năm 1885 và vẫn giữ nguyên đến bây giờ.

 

Tuy năm nay mới diễn ra, logo dành cho Olympics London đã được Wolff Ollins thiết kế từ năm 2007 với giá 625.000 USD

 

Tập đoàn ngân hàng New Zealand (ANZ) đã đầu tư số tiền khổng lồ 15 triệu USD cho logo năm 2009.

 

Nhưng mức đó còn thua xa so với con số 211 triệu USD cho việc thiết kế lại logo của British Petrol (BP) năm 2008.

Châu An (Ảnh: StockLogos)


Facebook có tới…85 triệu account “giả” và giá cổ phiếu thiết lập đáy mới

Ngày đăng : 03/08/2012 - 8:48 AM

 

Facebook có tới…85 triệu account “giả” và giá cổ phiếu thiết lập đáy mới. Mọi thứ dường như đang ngày càng khiến Mark Zuckerberg phải đau đầu

 

  

Theo báo cáo kết quả kinh doanh mới nhất gửi lên ủy ban chứng khoán Mỹ, những con số cụ thể về số lượng tài khoàn trên Facebook hiện như sau

4,8% là tài khoản “kép” (một người có nhiều hơn một tài khoản trên Facebok)

2,4% là loại tài khoản phân loại không chính xác, được hiểu là khi người dùng tạo những tài khoản cá nhân cho công ty, tổ chức, thứ cưng hay bất cứ một vật thể nào khác không phải con người.

1,5% là những tài khoản…không mong muốn. Các tài khoản dạng spam nằm trong số này.

Tổng cộng lại, có tới 8,7% lượng tài khoản trên Facebook là tài khoản “fake”, tương đương với 83 triệu người dùng. Như vậy số lượng tài khoản chính thức hoạt động hiện nay chỉ vào khoảng 872 triệu và vẫn còn cách tương đối so với mức 1 tỷ người dùng chính thức như nhiều người kỳ vọng.

Con số này đã tăng chóng mặt kể từ khi Facebook thực hiện thương vụ IPO đình đám vào nửa đầu năm nay. Tại thời điểm đó, con số account không thực sự hoạt động được đưa ra chỉ là 5 – 6%.

Ngoài ra, cập nhật phiên giao dịch mới nhất sáng ngày 3/8 theo giờ Mỹ - Giá cổ phiểu của Facebook đã tụt dưới ngưỡng 20 USD (19,99 USD), mức thấp nhất tính từ thời điểm IPO, sắp sửa chỉ còn bằng 50% so với mức giá 38 USD/cổ trong ngày đầu giao dịch. Tín hiệu đáng báo động !

 

 

 

Thái Dương

Theo TTVN/BI

 

 

           

            




 


 

Tin mới cập nhật