Nhật Bản để mất ngôi vương trong ngành điện tử như thế nào?

Ngày đăng : 15/08/2012 - 10:10 PM

 

Nhật Bản để mất ngôi vương trong ngành điện tử như thế nào?

                        

 

Nhật Bản chính là nơi đã khai sinh ra các thiết bị định hình cả 1 thời đại như máy Walkman hay đầu đọc CD và VCD. Giờ đây, họ bị vượt lên bởi Apple, Google hay Samsung.

 

Trong chuyến công tác tới Nhật Bản vào năm 2004, chuyên gia phân tích công nghệ Michael Gartenberg đã để mắt tới Librie, chiếc máy đọc sách đầu tiên trên thế giới được trang bị công nghệ mực điện tử được sản xuất bởi Sony – “đại gia” điện tử Nhật Bản. 

   

Gartenberg rất ấn tượng với công nghệ này và cho rằng chắc chắn đây là sự khởi đầu của 1 làn sóng mới sắp đổ bộ vào thị trường Mỹ. Tuy nhiên, đã có những vấn đề nảy sinh. Phần mềm được viết bằng tiếng Nhật và do đó các lựa chọn bị hạn chế rất nhiều. Ngày nay, thương hiệu Kindle của Amazon đã thống trị thị trường máy đọc sách điện tử trong khi Librie là thương hiệu được rất ít người nhớ tới. 

 

Thực tế, đây không phải là trường hợp duy nhất. Những câu chuyện tương tự đã được nhắc đi nhắc lại trong suốt 20 năm qua khi nói về các đại gia công nghệ đã từng thống trị thế giới của Nhật Bản. 

 

Khi thế mạnh chính là điểm yếu

 

Vậy thì, gốc rễ của vấn đề nằm ở đâu? Mỉa mai thay, thế mạnh truyền thống của Nhật Bản lại chính là yếu tố gây nên sự yếu kém. Hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp Nhật Bản được gắn chặt với triết lý "monozukuri" nổi tiếng – thuật ngữ nói đến nghệ thuật tạo ra sản phẩm với trọng tâm là phát triển phần cứng. Chính triết lý này khiến Nhật Bản đánh mất những yếu tố mà người tiêu dùng thực sự quan tâm đến như thiết kế và tính tiện dụng. 

 

Có thể nhận thấy điều này qua sản phẩm máy đọc sách điện tử. Sony chỉ tập trung vào bán sản phẩm, trong khi Amazon tập trung vào điều ngược lại – bán sách. Kết quả là, khách hàng mua sản phẩm Kindle với 2 lý do: mua và đọc sách.

 

Để vượt lên trên đối thủ, các công ty Nhật Bản sử dụng những bước đột phá về phần cứng – từ tivi panel phẳng cho đến điện thoại di động công nghệ cao. Tuy nhiên, các công ty nước ngoài lại phản ứng bằng cách đẩy mạnh cải tiến phần mềm thuận tiện cho người sử dụng đi kèm với thông điệp makerting thông minh hơn. 

 

Điều này khiến Sharp – một trong những “đại gia” điện tử mang đến tự hào cho người Nhật – loạng choạng, lâm vào tình cảnh thiếu tiền mặt trầm trọng trong khi giá cổ phiếu lao dốc thảm hại. Sony cũng đang phải tiến hành cải tổ sau 4 năm dấn sâu vào thua lỗ. Trong khi đó, tình cảnh cũng không khá hơn đối với Panasonic. 

 

Tổng cộng, Sony, Sharp và Panasonic đã phải gánh chịu khoản lỗ lên tới 20 tỷ USD trong năm tài khóa vừa qua. Đây là điều hoàn toàn tương phản so với những ngày huy hoàng thời kỳ cuối những năm 1970 – đầu những năm 1980, khi Nhật Bản bắt đầu thống trị ngành điện tử thế giới với các tập đoàn hùng mạnh cung cấp các sản phẩm “nổi đình nổi đám” như thẻ nhớ, TV màu, đầu máy video. 

 

Luẩn quẩn trong vòng xoáy công nghệ mới

 

Vấn đề còn trở nên tồi tệ hơn trong bối cảnh đồng yên quá mạnh khiến các công ty không thể theo kịp được các cải tiến kỹ thuật trong bối cảnh phải giảm giá thành để thu hút thị trường.

 

Đối với các sản phẩm có lợi thế vượt trội, các doanh nghiệp Nhật Bản thường chỉ sản xuất trong nước và sau đó bán sản phẩm ở nước ngoài.  Như vậy, rõ ràng là đồng yên mạnh sẽ khiến lợi nhuận thặng dư của các doanh nghiệp này sụt giảm nghiêm trọng. Hơn thế nữa, lợi nhuận sụt giảm cũng khiến họ gặp khó khi đầu tư vào các sản phẩm và công nghệ mới. 

 

Có thể lấy thế hệ tivi mới nhất – tivi OLED - làm minh chứng cho điều này. Đây là thế hệ tivi mỏng hơn và tốn ít năng lượng hơn. Cách đây 5 năm, Sony chính là nhà sản xuất đầu tiên bán tivi OLED. Vào thời điểm đó, ban lãnh đạo công ty cho rằng đây chính là biểu tượng cho sự trở lại của hãng. 

 

Tuy nhiên, giờ đây, thị trường này đã bị Samsung dẫn đầu và thậm chí hãng này còn thống trị cả thị trường màn hình OLED trên các sản phẩm như smartphone hay các thiết bị di động khác. Trong khi đó, các doanh nghiệp Nhật Bản gồm Sony, Panasonic, Sharp và Toshiba vốn mất nhiều năm để phát triển công nghệ này đã phải chật vật tìm ra cách thương mại hóa nó.

 

Trong nỗ lực chống lại các đối thủ sừng sỏ từ Hàn Quốc, Sony và Panasonic đã thành lập liên minh để phát triển công nghệ OLED, bất chấp việc trước đây họ là đối thủ cạnh tranh gay gắt. 

 

Ngược dòng thời gian, vào năm 2004, Sony cũng gặp phải 1 thất bại tương tự. Vào thời điểm đó, Sony cũng là nhà sản xuất đầu tiên giới thiệu tivi LCD ra công chúng. Tuy nhiên, 1 năm sau đó, Samsung tung mẫu tivi LCD của hãng này ra thị trường. Với chiến lược marketing xuất sắc, Samsung đã giành chiến thắng. Theo nghiên cứu của công ty NPD, trong 6 tháng đầu năm, Samsung chiếm gần 1 nửa thị phần tivi LED ở Bắc Mỹ trong khi Sony thậm chí còn không thể lọt vào top 5.

 

Sau nhiều năm để tuột mất cơ hội, đến gần đây Sony mới nhận ra rằng chính những đột phá về mặt công nghệ mà Sony tạo ra lại là mục tiêu theo đuổi của các đối thủ cạnh tranh. Họ có thể dễ dàng bắt chước với chi phí rẻ hơn rất nhiều. 

 

Với tình trạng tài chính hiện nay, các doanh nghiệp điện tử Nhật Bản không thể thực hiện những khoản đầu tư mạo hiểm. Tuy nhiên, chính sự lựa chọn này lại có những rủi ro riêng: rủi ro rơi vào vòng xoáy suy giảm. Thua lỗ kéo dài sẽ dẫn đến tình trạng đầu tư vào các công nghệ và sản phẩm mới sụt giảm mạnh. Trong khi đó, các đối thủ cạnh tranh với tiềm lực tài chính dồi dào có thể phát triển các công nghệ mới và tăng sức cạnh tranh. 

 

Trong lịch sử, chi phí R&D của Sony và Panasonic thường lớn hơn Samsung rất nhiều. Tuy nhiên, kể từ năm 2009, xu hướng đã thay đổi hoàn toàn. Năm 2011, Samsung bỏ ra 8,7 tỷ USD cho mảng R&D trong khi Sony và Panasonic chỉ lần lượt bỏ ra 5,5 và 6,6 tỷ USD. 

 

Minh Anh

Theo TTVN/WSJ

Họ tên :

Email :

Nội dung :

Tin cùng chủ đề

Chi phí thiết kế các logo công nghệ nổi tiếng

Ngày đăng : 09/08/2012 - 3:12 PM

 

Chi phí thiết kế các logo công nghệ nổi tiếng

Một số công ty đánh giá logo đặc biệt quan trọng nên chi hàng nghìn USD để thuê người thiết kế, số khác lại đơn giản hóa nên chẳng cần bỏ ra đồng nào.

 

0 USD: Logo đầu tiên của Google do nhà đồng sáng lập Sergey Brin thiết kế năm 1998. Tuy được thay đổi vài lần nhưng về cơ bản nó vẫn giống như cũ.

Ngược lại, Steve Jobs đánh giá rất cao giá trị của logo nên đã thuê Paul Rand vẽ logo cho công ty máy tính NeXT với giá 100.000 USD năm 1986.

Logo của Twitter được Simon Oxley vẽ năm 2009 với giá vỏn vẹn 15 USD.

Trong khi đó, logo quen thuộc trên trang web của BBC (được thiết kế lại năm 1997) có giá lên tới gần 2 triệu USD.

So sánh với logo của một số hãng không thuộc công nghệ khác:

Pepsi bỏ ra 1 triệu USD để thiết kế lại logo năm 2008.

Còn Coca-Cola lại không mất đồng nào cho logo từ năm 1885 và vẫn giữ nguyên đến bây giờ.

 

Tuy năm nay mới diễn ra, logo dành cho Olympics London đã được Wolff Ollins thiết kế từ năm 2007 với giá 625.000 USD

 

Tập đoàn ngân hàng New Zealand (ANZ) đã đầu tư số tiền khổng lồ 15 triệu USD cho logo năm 2009.

 

Nhưng mức đó còn thua xa so với con số 211 triệu USD cho việc thiết kế lại logo của British Petrol (BP) năm 2008.

Châu An (Ảnh: StockLogos)


Facebook có tới…85 triệu account “giả” và giá cổ phiếu thiết lập đáy mới

Ngày đăng : 03/08/2012 - 8:48 AM

 

Facebook có tới…85 triệu account “giả” và giá cổ phiếu thiết lập đáy mới. Mọi thứ dường như đang ngày càng khiến Mark Zuckerberg phải đau đầu

 

  

Theo báo cáo kết quả kinh doanh mới nhất gửi lên ủy ban chứng khoán Mỹ, những con số cụ thể về số lượng tài khoàn trên Facebook hiện như sau

4,8% là tài khoản “kép” (một người có nhiều hơn một tài khoản trên Facebok)

2,4% là loại tài khoản phân loại không chính xác, được hiểu là khi người dùng tạo những tài khoản cá nhân cho công ty, tổ chức, thứ cưng hay bất cứ một vật thể nào khác không phải con người.

1,5% là những tài khoản…không mong muốn. Các tài khoản dạng spam nằm trong số này.

Tổng cộng lại, có tới 8,7% lượng tài khoản trên Facebook là tài khoản “fake”, tương đương với 83 triệu người dùng. Như vậy số lượng tài khoản chính thức hoạt động hiện nay chỉ vào khoảng 872 triệu và vẫn còn cách tương đối so với mức 1 tỷ người dùng chính thức như nhiều người kỳ vọng.

Con số này đã tăng chóng mặt kể từ khi Facebook thực hiện thương vụ IPO đình đám vào nửa đầu năm nay. Tại thời điểm đó, con số account không thực sự hoạt động được đưa ra chỉ là 5 – 6%.

Ngoài ra, cập nhật phiên giao dịch mới nhất sáng ngày 3/8 theo giờ Mỹ - Giá cổ phiểu của Facebook đã tụt dưới ngưỡng 20 USD (19,99 USD), mức thấp nhất tính từ thời điểm IPO, sắp sửa chỉ còn bằng 50% so với mức giá 38 USD/cổ trong ngày đầu giao dịch. Tín hiệu đáng báo động !

 

 

 

Thái Dương

Theo TTVN/BI

 

 

           

            




 


Sony và Sharp cùng lỗ nặng

Ngày đăng : 02/08/2012 - 9:13 PM

 

Sony và Sharp cùng lỗ nặng

Sau 3 tháng đầu của năm tài chính 2012, trong khi Sony đón nhận khoản lỗ hơn 300 triệu USD thì người đồng hương của Sharp còn chịu tổn thất lớn hơn nhiều như thế khi lỗ tới 1,25 tỷ USD.

2011 là năm kinh doanh đầy bết bát của hàng loạt hãng điện tử tới từ Nhật. Tuy nhiên tình cảnh này dường như vẫn chưa thể thay đổi trong năm mới khi báo cáo kinh doanh quý đầu năm tài chính 2012 của các ông lớn như Sharp hay Sony vẫn cho thấy những khoản lồ khổng lồ.

Sharp lỗ tới hơn 1 tỷ USD sau quý tài chính đầu tiên năm 2012.

 

Đầu tiên là Sharp, báo cáo tài chính mới đưa ra đã cho thấy hãng sản xuất màn hình LCD lớn của Nhật lỗ tới 94 tỷ yên (tương đương 1,2 tỷ USD) chỉ trong ba tháng kinh doanh đầu tiên của năm tài chính 2012 (từ tháng 4 đến tháng 6/2012). Và theo Reuters, tình trạng thua lỗ trên có thể đẩy 5.000 nhân viên của hãng rơi vào tình trạng thất nghiệp trong thời gian tới. Bên cạnh đó, Sharp cũng buộc phải đưa ra dự báo đón nhận khoản lỗ khổng lồ lên tới 1,25 tỷ USD ngay sau khi kết thúc năm tài chính 2012.

Trong khi đó, tình hình kinh doanh ba tháng vừa qua của Sony dù khả quan hơn người đồng hương Sharp nhưng vẫn nằm trong tình trạng thua lỗ với số tiền tương đương 312 triệu USD. Việc tái cấu trúc và thâu tóm toàn bộ lại mảng điện thoại di động chuyển thành Sony Mobile đã tiêu tốn số tiền lên tới 356 triệu USD của Sony. Trong khi đó doanh thu từ mảng thiết bị game PlayStation giảm cũng gây ra khoản thất thoát 45 triệu USD.

Sony đã giảm bớt được khoản lỗ so với năm ngoái nhưng vẫn còn nhiều khó khăn.

 

 

Còn với mảng thiết bị giải trí gia đình, sự sụt giảm về doanh thu của TV LCD khiến cho Sony đón nhật khoản lỗ 62 triệu USD và được dự báo là khó có thể hồi phục từ nay cho tới tháng 9 tới. Tuy nhiên, trái ngược với dự báo thiếu khả quan như người đồng hương Sharp, Sony vẫn hy vọng hãng có thể đạt được lợi nhuận 1,6 tỷ USD sau khi kết thúc năm tài chính 2012 vào tháng 3 năm sau.

Không như tình cảnh của Sony và Sharp, sau khi thay tướng thì tình trạng kinh doanh thua lỗ trong năm ngoái của Panasonic đã tạm thời chấm dứt. Báo cáo tài chính quý thứ nhất năm 2012 của Panasonic cho thấy hãng đã thu về khoản lợi nhuận 164 triệu USD, một tín hiệu lạc quan khi biết rằng năm tài chính 2012 hãng điện tử này đã lỗ tới 10,2 tỷ USD. Tuy nhiên Panasonic vẫn còn những vấn đề trong việc kinh doanh của hãng khi doanh số TV Plasma, vốn là thế mạnh của Panasonic, lại tiếp tục giảm trong 3 tháng vừa rồi.

Phạm Anh

VNexpress


Hệ điều hành Windows 8 đã hoàn thiện

Ngày đăng : 02/08/2012 - 9:00 PM

 

Hệ điều hành Windows 8 đã hoàn thiện

Ngày 1/8, Microsoft công bố hệ điều hành đang được thử nghiệm bởi nhiều người nhất trong lịch sử đã chính thức chuyển sang giai đoạn RTM (Release to Manufacturing), tức đã hoàn chỉnh để đưa vào sản xuất.

Giai đoạn này đồng nghĩa các đối tác của Microsoft trong ngành công nghiệp cũng bắt đầu xúc tiến việc cài đặt hệ điều hành và hoàn thiện sản phẩm để sẵn sàng cho sự ra mắt của Windows 8 trên toàn cầu vào ngày 26/10.

RTM đánh dấu sự kết thúc của quá trình phát triển mã nguồn cho Windows 8 dựa trên phản hồi của khách hàng và các nhà phát triển kể từ khi phiên bản xem trước (Preview) được tung ra vào tháng 9 năm ngoái. Hệ điều hành mới của Microsoft được đánh giá là mang đến những trải nghiệm nhanh, mượt mà và hoàn toàn khác biệt.

Giao diện Windows 8 RTM.

 

 

Tuy nhiên, người sử dụng phổ thông chưa thể tải bản Windows 8 RTM về để trải nghiệm (tham khảo danh sách ở bảng dưới). Hiện nay, họ mới chỉ có thể dùng thử bản Release Preview, đươc download ở địa chỉ preview.windows.com.

Windows 8 sẽ chính thức được phát hành vào 26/10, cùng ngày tablet Surface được bán ra thị trường. Máy tính chạy Windows XP, Vista và Windows 7 được cập nhật lên bản 8 thông qua tải trực tuyến với giá chỉ 40 USD. Nếu chọn mua bộ đĩa DVD cài đặt, người dùng sẽ mất thêm 30 USD nữa. Khách hàng mới mua Windows 7 bản quyền từ đầu tháng 6/2012 trở đi sẽ được hưởng mức giá nâng cấp ưu đãi chỉ 15 USD.

Các nhà phát triển, chuyên gia CNTT và đối tác tiếp cận với mã RTM theo lộ trình sau:

- 15/8: Các nhà phát triển đang xây dựng ứng dụng mới cho Windows 8 sẽ được tải về phiên bản cuối cùng của Windows 8 thông qua đăng kí MSDN và có thể truy cập vào Windows Dev Center để nhận được phiên bản phát triển cuối cùng của Visual Studio 2012.

- 15/8: Các chuyên gia CNTT đang thử nghiệm Windows 8 tại các tổ chức có thể nhận phiên bản cuối cùng của Windows 8 thông qua đăng kí tại TechNet.

- 16/8: Khách hàng đang sử dụng Bảo hiểm phần mềm (Software Assurance) cho Windows có thể tải về phiên bản Windows 8 Enterprise thông qua trung tâm Dịch vụ cấp phép với số lượng lớn (Volume License Service Center - VLSC), cho phép khách hàng có thể đánh giá, thử nghiệm và bắt đầu triển khai Windows 8 Enterprise trong doanh nghiệp.

 - 16/8: Thành viên của mạng lưới đối tác Microsoft sẽ được tiếp cận Windows 8.

- 20/8: Các nhà cung cấp dịch vụ Action Pack của Microsoft (MAPS) có quyền tiếp cận Windows 8.

- 1/9: Khách hàng mua Giấy phép số lượng lớn (Volume License) không kèm Bảo hiểm Phần mềm có thể mua Windows 8 thông qua đại lý của Microsoft .
 
Các nhà phát triển có thể truy cập Windows Dev Center để tiếp cận công cụ và tài nguyên cần thiết để thiết kế, xây dựng và bán ứng dụng trên Windows Store.

 

Châu An

VNexpress


Nhiều website Việt Nam bị Google đưa vào 'danh sách đen'

Ngày đăng : 31/07/2012 - 12:52 PM

 

Nhiều website Việt Nam bị Google đưa vào 'danh sách đen'

Những ngày gần đây, nhiều người không thể xem nội dung trên website của Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) và chỉ nhận được cảnh báo: "Trang này chứa mã độc, máy tính của bạn có thể nhiễm virus nếu truy cập".

Khi truy cập bằng Firefox hoặc Chrome, website của rạp Kim Đồng và một số trang thuộc cơ quan nhà nước, Chính phủ có đuôi .gov.vn cũng trong tình trạng tương tự.

Đến sáng nay (31/7), người dùng vẫn chưa thể vào trang web của VFF.

 

Ông Nguyễn Minh Đức, Giám đốc bộ phận An ninh mạng của công ty Bkav cho biết thực ra hiện tượng này đã xuất hiện từ năm 2008, nhưng rộ lên trở lại thời gian gần đây. Nguyên nhân bị chặn truy cập là do các website này bị Google đưa vào danh sách đen (blacklist).

Khi người dùng truy cập Internet, chức năng Google Safe Browsing được cài sẵn trong trình duyệt Firefox hoặc Chrome sẽ kiểm tra địa chỉ có nằm trong blacklist của Google hay không. Nếu trong diện nghi ngờ có mã độc, lập tức trình duyệt sẽ ngăn người dùng tiếp cận nội dung và hiện cảnh báo.

Khi gặp tình huống trên, các quản trị mạng cần kiểm tra website của mình có thực sự chứa mã độc không. Nếu có, họ nên xử lý triệt để virus trên máy chủ rồi vào Google (google.com/webmasters/tools) và làm theo hướng dẫn để gỡ bỏ tên website của mình khỏi blacklist.

Cũng theo Bkav, trong tháng 7 đã có 245 website của các cơ quan, doanh nghiệp tại Việt Nam bị xâm nhập, trong đó có 17 trường hợp gây ra bởi hacker trong nước và 228 trường hợp do hacker nước ngoài.

Châu An

VNexpress


 

Tin mới cập nhật