Nếu Trung Quốc tăng tỷ lệ dự trữ vàng từ 1,7% lên 2 - 3% đồng thời dự trữ ngoại hối của họ tăng thì điều này sẽ đặt ra một sức ép lớn lên cung vàng và giá vàng.
Vàng đã trải qua các đợt tăng giá vượt xa mọi dự báo trong năm 2010. Vàng sẽ tiếp tục diễn biến ra sao trong năm 2011?
Thanh Niên xin giới thiệu bài viết của một chuyên gia trong lĩnh vực này: ông Lê Hùng Dũng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty vàng bạc đá quý Sài gòn - SJC và NH TMCP xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank).
Tăng 40 lần trong 40 năm
Trước khi dự báo về giá vàng năm mới, chúng ta hãy nhìn lại quá khứ để từ đó rút ra những bài học, là cơ sở tham khảo quan trọng cho dự báo 2011.
Năm 1971, Tổng thống Mỹ là R.Nixon quyết định hủy bỏ quy định: muốn phát hành ra thị trường 35 USD thì bắt buộc phải có 1 ounce vàng (31,1034 gram) bảo chứng. Từ đó đến nay, giá vàng đã tăng liên tục, tháng 12.1971: 35 USD/ounce, tháng 10.1980: 850 USD/ounce, tháng 1.2005: 424 USD/ ounce, tháng 1.2010: 1.117,8 USD/ounce, ngày 7.12.2010 giá vàng đã lên đến 1.432,50 USD/ounce phá kỷ lục cao nhất mọi thời đại từ trước đến nay.
Như vậy, trong 40 năm, giá vàng đã tăng gần 40 lần mà nguyên nhân chủ yếu là do USD liên tục bị mất giá. Chỉ tính riêng năm 2010, USD đã bị mất giá 26%. Những năm qua, khi nền kinh tế thế giới bị khủng hoảng, lĩnh vực bất động sản, chứng khoán… đều bị suy giảm nghiêm trọng.
Các nhà đầu tư và cả người dân muốn bảo vệ giá trị tài sản của mình đều phải tìm đến vàng như một công cụ tất yếu. Có một kết luận rất đáng suy ngẫm: “Tiền thì bất cứ chính phủ nào trên thế giới cũng có thể in được nhưng vàng thì không”.
Lịch sử 40 năm gần đây của vàng đã cho thấy xu hướng diễn biến chính của giá vàng tương lai khi những điều kiện cho sự tăng giá này hầu như không thay đổi trong năm 2011. Các nhân tố dưới đây có thể sẽ tiếp tục tác động lớn đến xu hướng tăng giá vàng năm 2011.
Theo thống kê thì có một mối liên hệ chặt chẽ giữa nợ công của Chính phủ Mỹ và giá vàng: Năm 2010, nợ công của Chính phủ Mỹ là 13.800 tỉ USD thì giá vàng trung bình là 1.350 USD/ounce, dự báo năm 2011 nợ công 15.300 tỉ USD/giá vàng sẽ là 1.500 USD/ounce, năm 2012 nợ công 16.500 tỉ USD/giá vàng sẽ là 1.663 USD/ounce.
Chương trình nới lỏng tiền tệ đợt QE2 (Quantiative easing 2) 600 tỉ của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) thực chất là in thêm tiền để cứu nền kinh tế Mỹ. Trước đó, năm 2008, Fed cũng đã có chương trình nới lỏng tiền tệ QE1 với mức dự kiến ban đầu 800 tỉ USD nhưng sau đó con số này đã lên đến 1.700 tỉ USD nhưng bị đánh giá là không có hiệu quả. Nay, với QE2, nhiều chuyên gia kinh tế nhận định là quy mô của QE2 rồi sẽ không dừng lại ở con số 600 tỉ USD, giống như QE1.
Như vậy, một lượng USD khổng lồ được in và bơm ra thị trường. Dòng tiền nóng này được đưa vào lưu thông đã và sẽ làm cho lạm phát tăng lên không chỉ ở Mỹ mà còn ở các nước có dòng tiền này đổ vào do có sự chênh lệch lãi suất lớn giữa Mỹ và các nước. Do vậy, vàng tăng giá là điều không tránh khỏi. Theo thống kê, năm 2010 khi USD mất giá 26% thì giá vàng tăng 37%, đây là năm thứ 10, giá vàng tăng liên tiếp.
Nhu cầu mua tiếp tục tăng
Đối phó với dòng USD “nóng” đó của Mỹ, các nước mà đáng chú ý nhất là Trung Quốc, đã lập ra các quỹ kinh doanh vàng ETF’s (Exchange Trade Funds). Đến nay, các quỹ ETF đã mua khoảng 2.000 tấn vàng, chỉ riêng quý 2/2010, các nhà đầu tư trong quỹ này đã mua vào 274 tấn. Hiện lượng vàng họ nắm đang đứng hàng thứ sáu thế giới. Nếu các ETF giữ tốc độ mua như vậy, thì đến năm 2012 Trung Quốc sẽ vươn lên thứ 3 về lượng vàng nắm giữ chỉ sau Mỹ và Đức.
Hiện nay, với dự trữ 2.600 tỉ USD thì vàng chỉ chiếm 1,7% trong tổng dự trữ ngoại hối của Trung Quốc hiện ở mức 1.054 tấn. Nay, nếu Trung Quốc tăng tỷ lệ dự trữ vàng từ 1,7% lên 2 - 3% và đồng thời lượng dự trữ ngoại hối của họ tăng lên đều đặn thì nhu cầu này sẽ đặt ra một sức ép hết sức lớn và đều đặn lên việc cung vàng và giá vàng.
Hiện nay, Mỹ là quốc gia dẫn đầu về dự trữ vàng thế giới với 8.133 tấn chiếm 78,9% dự trữ ngoại hối quốc gia, 8 nước còn lại và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) trong top 10 gồm Đức (3.412 tấn, 71,5%), IMF (3.217 tấn), Ý (2.702,6 tấn, 66,5%), Pháp (2.987 tấn, 72%)... dự trữ một tổng lượng vàng là 24.080 tấn.
Ngân hàng Trung ương (NHTƯ) các nước sau một thời gian 20 năm chỉ bán ra số lượng vàng khoảng 4.500 tấn, nay cũng bắt đầu mua vào. Năm 2009, NHTƯ Trung Quốc mua vào 450 tấn, NHTƯ Ấn Độ mua 200 tấn, NHTƯ Nga mua 71 tấn, NHTƯ Hàn Quốc tháng 10.2010 cũng tuyên bố sẽ dành một phần quỹ dự trữ ngoại hối 290 tỉ USD của họ để mua thêm vàng dự trữ. Ngoài ra, NHTƯ Thái Lan, Bangladesh, Sri Lanka cũng tham gia mua vào với số lượng nhỏ hơn.
Theo Hội đồng Vàng thế giới, lượng vàng tích trữ của năm 2009 đã tăng 44% do nhiều nhà đầu tư muốn nhận vàng thật thay cho vàng ảo trong tài khoản như trước đây. Tổng giá trị đầu tư vào vàng trong quý 3/ 2010 đã tăng lên mức kỷ lục là 9,6 tỉ USD, tăng 60% so với năm 2009.
Phản ứng với QE2, khu vực dầu mỏ Trung Đông là Trung tâm Tài chính quốc tế Dubai (DIFOA), Hội đồng hợp tác vùng vịnh (GCC) và Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO) đều tuyên bố sẽ tăng dự trữ vàng để bảo vệ trực tiếp đồng nội tệ của họ chống lại các loại tiền giấy đang bị hạ giá ở Mỹ - châu Âu.