Giải mã nguyên nhân cơn sốt vàng
Cơn sốt vàng thời gian qua phản ánh sự mất niềm tin vào tình trạng hiện tại của kinh tế thế giới và nhiều khả năng giới điều hành nó không biết họ đang làm gì.
Vàng là một phần của tôn giáo, một phần của chính trị. Vàng là công cụ thể hiện sự mất niềm tin vào Ngân hàng Trung ương nhiều nước trên thế giới và sự mong mỏi mọi chuyện trở lại như trước đây.
Vàng là công cụ đầu tư mang lại nhiều ý nghĩa khi lạm phát tăng cao và thực tế đang tăng nay cả khi FED lo lắng về giảm phát.
Người ta dễ coi như việc giá vàng tăng vọt, vượt 1.400USD/ounce vào đầu tháng này và hiện vẫn ở khá gần mức đó, như chỉ báo về lạm phát sắp tới. Giả thuyết đó đã khiến nhiều người chỉ trích về việc chương trình kích thích tiền tệ của FED đang đi đầu để dẫn đến sự sụp đổ của đồng USD.
Tuy nhiên, điều đó nhiều khả năng phản ánh sự mất niềm tin vào tình trạng hiện tại của kinh tế thế giới và nhiều khả năng giới điều hành nó không biết họ đang làm gì.
Hoặc như một chuyên gia nói: “Người ta mua vàng bởi đây là công cụ thay thế duy nhất đối với nhóm các chính trị gia ngớ ngẩn trên khắp thế giới.”
Thật khó để có thể nói chuyện một cách bình tĩnh về vàng. Hiện quá quá nhiều người tôn thờ vàng và không ít người khác coi đó như tàn dư rác rưởi của thời kỳ cũ.
Nếu bạn ở trong nhóm sau, chắc chắn bạn sẽ coi vàng như loại hàng hóa bình thường, và giá của nó sẽ phản ánh nhu cầu trong công nghiệp và dùng trong hoạt động chế tác nữ trang.
Phân tích này đúng vào thập niên 1990. Đó là thời kỳ tăng trưởng trên khắp thế giới, người đứng đầu các Ngân hàng Trung ương thuyết phục các chính phủ rằng họ xứng đáng với sự độc lập về chính sách tiền tệ.
Thập kỷ qua, mọi chuyện đã đổi khác, giống như cuối thập niên 1970 khi đó thế giới chứng kiến nhu cầu đối với vàng tăng cao. Lạm phát tăng cao. Và nay vấn đề sẽ là sự suy yếu của kinh tế các nước giàu bắt nguồn từ các món nợ mà một loạt chuyên gia ngành ngân hàng cho đến những người vay mua nhà dưới chuẩn đã ôm vào, 2 nhóm người với cùng 1 điểm chung: họ không ý thức được rõ ràng những rủi ro.
Câu chuyện thập niên 1980 và 2010 khác nhau trên nhiều phương diện thế nhưng cùng dẫn đến một kết luận: trong hệ thống tiền tệ hiện tại, chẳng có gì thực sự tồn tại đằng sau giá trị của các đồng tiền. Vàng vì thế trở thành công cụ thay thế.
Người ta có thể cho rằng vàng nên được coi như loại hàng hóa giá trị chứ không phải công cụ giữ giá trị. Sau cùng, trong khoảng thời gian 20 năm từ năm 1980 đến năm 2000, vàng là công cụ đầu tư tồi. Tại sao thế giới lại phải quyết định rằng loại hàng hóa tìm thấy ở Nam Phi mang giá trị cao hơn tài nguyên tìm thấy ở chỗ khác?
Một lợi thế của vàng chính là chất lượng của vàng không đi xuống theo thời gian. Có thể chiếc nhẫn bạn đang đeo trên tay làm từ vàng khai thác cách đây 1 nghìn năm. Loại hàng hóa khác sẽ không được như vậy.
Điểm yếu của vàng trong vai trò công cụ đầu tư ở chỗ người ta phải tốn khá nhiều tiền để trữ và việc cất trữ không mang lại thu nhập. Thế nhưng nào ai còn quan tâm đến điều đó nữa? Lợi suất trái phiếu Bộ Tài chính loại ngắn hạn gần bằng 0%. Để nhận được bất kỳ loại lãi suất nào, cần phải chấp nhận một số rủi ro đã lên rất cao trong năm 2008 và năm 2009.
Trong thời kỳ gần nhất giá vàng tăng nóng, còn nhiều cách khác để đánh cược vào sự sụp đổ của giới lãnh đạo Mỹ. Một nhà đầu tư có thể mua đồng mác Đức, đồng franc Thụy Sỹ hoặc đồng yên Nhật. Tất cả nhóm nền kinh tế này được điều hành tốt hơn so với kinh tế Mỹ hay Anh.
Hiện nay không còn nhiều lựa chọn thay thế. Những ai nghĩ lạm phát tại Mỹ sẽ tăng mạnh đều cho rằng đây không phải vấn đề của riêng nước Mỹ. Nếu đồng nhân dân tệ của Trung Quốc được tự do chuyển đổi, người ta sẽ đổ tiền vào đó và đẩy giá đồng nhân dân tệ tăng cao. Trung Quốc tất nhiên không để điều đó xảy ra và phần còn lại của thế giới dường như bất lực.
Sự căng thẳng của thế giới xung quanh chương trình nới lỏng định lượng của FED cho thấy các nước nhạy cảm thế nào đối với triển vọng các đồng tiền của nước khác mất giá so với đồng tiền của họ.
Thật khó để tưởng tượng đến tình huống đồng USD mất giá trong khoảng thời gian dài so với đồng euro. Trên thực tế, điều ngược lại đã xảy ra từ khi FED công bố kế hoạch của mình.
Trong 4 thập kỷ qua, thời kỳ vàng được tự do giao dịch, thật khôn ngoan khi mua vàng khi hệ thống có dấu hiệu sụp đổ. Thập kỷ 1970, vàng tăng mạnh từ mức thấp giả tạo trong khi đó thị trường chứng khoán không theo kịp lạm phát.
Thập niên 1980 và 1990, thị trường chứng khoán tăng trưởng trung bình 15%/năm và giá vàng đi xuống. Thập niên đầu tiên của thế kỷ này, thị trường chứng khoán đi xuống trong khi đó giá vàng tăng khoảng 15%/năm.
Từ đầu năm 2010 đến nay, cả giá vàng và cổ phiếu đều tăng. Sự kết hợp này nhiều khả năng sẽ không kéo dài trong thập kỷ hiện nay.