Lạm phát 18% tác động gì đến cân đối vĩ mô?

Ngày đăng : 02/12/2011 - 12:00 AM

Với lạm phát rất cao, GDP theo giá thực tế ước tính tăng trên dưới 24% trong năm nay.

 


Báo cáo tóm tắt tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2011 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa được chuyển đến Chính phủ xem xét. Trong đó, đáng chú ý là chỉ số giá tiêu dùng (CPI) so với cùng kỳ ước tính có thể tăng khoảng 18% vào tháng tới.

Trước đó, Tổng cục Thống kê cho biết, CPI tháng 11/2011 đã tăng 17,5% so với cuối năm trước. Với xu hướng giá cả hiện nay, dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là tương đối hợp lý, chỉ trừ trường hợp có những đột biến lớn về cung, cầu và dòng tiền trong tháng cuối năm nay.

Nhưng, với sự thay đổi chóng mặt so với chỉ tiêu CPI được Quốc hội thông qua hồi cuối năm ngoái (gấp khoảng 2,5 lần), chắc chắn lạm phát có ảnh hưởng đến những cân đối vĩ mô quan trọng khác.

Chẳng hạn như chỉ tiêu tăng trưởng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo, năm nay GDP sẽ tăng gần 6% so với năm 2010, trong đó nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng khoảng 2,3%; công nghiệp và xây dựng tăng khoảng 7%; dịch vụ tăng khoảng 6,4%.

“Kết quả này là rất đáng khích lệ trong bối cảnh nền kinh tế thế giới và trong nước đang gặp nhiều khó khăn”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết như như vậy khi lý giải cho việc GDP không đạt mục tiêu Quốc hội đề ra.

Nhưng với lạm phát rất cao, GDP theo giá thực tế ước tính tăng trên dưới 24% trong năm nay. Trong bối cảnh tỷ giá USD/VND được kiểm soát, quy mô nền kinh tế và thu nhập bình quân đầu người Việt Nam đang tăng mạnh.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, quy mô nền kinh tế năm 2011 đạt khoảng 119 tỷ USD; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 1.355 USD/người, trong khi năm ngoái dự báo là 1.300 USD/người.

Ưu thế cạnh tranh của Việt Nam về chi phí lao động rẻ bị ảnh hưởng thế nào với tình hình mới này? Phải chăng vốn FDI đăng ký giảm mạnh trong năm nay là hệ lụy? Nhập khẩu tiêu dùng có nhân việc người Việt “giàu” lên mà đổ vào nhiều hơn? Những vấn đề này gần đây cũng đã bắt đầu được đặt ra.

Trước mắt, rất khó đo đếm tác động từ suy thoái kinh tế thế giới và giảm sút tăng trưởng GDP ở Việt Nam đến tình hình sản xuất kinh doanh, cũng bởi tăng trưởng sản lượng thì “hụt hơi”, nhưng giá trị thực tế lại tăng khủng khiếp.

Nhưng ít nhất, triển vọng kinh doanh trong mắt các nhà đầu tư, kể cả trong nước và nước ngoài, cũng đã khác khi tỏ ra thận trọng hơn.

Cũng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/11, cả nước có 70.145 doanh nghiệp được thành lập mới, giảm 5,6% so với cùng kỳ năm trước. Ước thực hiện năm 2011, cả nước có khoảng 79,1 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, giảm 5,4% so với năm 2010.

Hay một tham khảo khác, thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài từ đầu năm đến 20/11 chỉ đạt khoảng 12,7 tỷ USD, bằng 83,8% cùng kỳ năm 2010, trong đó đáng chú ý là vốn đăng ký mới chỉ đạt hơn 9,9 tỷ USD từ 919 dự án được cấp phép mới, giảm 25,4% về vốn và 21,3% về số dự án so với cùng kỳ năm trước.

Đương nhiên tăng trưởng theo giá thực tế cao sẽ góp phần nào đó tăng thu ngân sách. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, luỹ kế đến ngày 15/11, tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 586 nghìn tỷ đồng, bằng 98,5% dự toán năm. Bộ này ước tính, cả năm 2011, thu ngân sách sẽ đạt khoảng 674,5 nghìn tỷ đồng, tức là tăng khoảng 80 nghìn tỷ đồng so với dự toán.

Nhưng thu cao không có nghĩa giảm được bội chi về mặt con số tuyệt đối. Cũng theo Bộ kế hoạch và Đầu tư, uớc chi ngân sách cả năm nay đạt khoảng 796 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 13,4% so với dự toán và tăng 20,6% so với thực hiện năm 2010.

Có nghĩa là, bội chi ngân sách năm nay, theo số liệu trên, có thể ước tính vào khoảng 121,5 nghìn tỷ đồng, cao hơn chút ít so với chỉ tiêu dự toán 120,6 nghìn tỷ đồng. Nhưng do GDP theo giá thực tế tăng rất cao như nói ở trên, bội chi ngân sách so với GDP cả năm nay giảm xuống còn khoảng 4,9%, thấp hơn kế hoạch đề ra là 5,3%.

Một điểm đáng chú ý khác là do lạm phát cao, tỷ giá dù được kìm hãm cũng đã có điều chỉnh nhất định, trách nhiệm nợ nước ngoài của Chính phủ đã có dấu hiệu “phình” lên.

Theo Tổng cục Thống kê, tổng chi ngân sách đến 15/11ước đạt 639,1 nghìn tỷ đồng, bằng 88,1% dự toán năm, trong đó riêng chi trả nợ và viện trợ là vượt dự toán 0,4%, tương ứng với 86,4 nghìn tỷ đồng tính từ đầu năm.

 

Bình Minh

 NDHMoney


 

Yo, good lkooin out! Gonna make it work now.
11/01/2012
Yo, good lkooin out! Gonna make it work now.

Họ tên :

Email :

Nội dung :

Tin cùng chủ đề

Đẩy nhanh sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp Nhà nước

Ngày đăng : 01/12/2011 - 12:00 AM

Ngay sau khi kết thúc phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 11, chiều 1/12, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son đã chủ trì cuộc họp báo, thông báo những nội dung chính của phiên họp.

 


Trả lời câu hỏi của các phóng viên liên quan đến triển khai kế hoạch đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định: Chủ trương của Chính phủ là đẩy nhanh hơn nữa quá trình sắp xếp, đổi mới các doanh nghiệp Nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và thực hiện tốt hơn vai trò của doanh nghiệp Nhà nước, đáp ứng yêu cầu cấp thiết hiện nay. Việc sắp xếp, đổi mới có nhiều hình thức; đối với những doanh nghiệp làm ăn thua lỗ thì cần phải sắp xếp lại để bảo toàn vốn.

 

Về những giải pháp để thực hiện chỉ tiêu tăng trưởng GDP 6% và lạm phát xuống 1 con số trong năm 2012, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết cuối tháng 12, Chính phủ sẽ họp với các địa phương về vấn đề này và đề ra chương trình hành động. Trước mắt, sẽ cơ cấu lại hệ thống ngân hàng thương mại, các tập đoàn và tổng công ty Nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư; đồng thời tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp về chính sách tín dụng, thuế...

 


Liên quan đến điều hành lãi suất, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Đồng Tiến cho rằng mục tiêu của năm tới kiểm soát lạm phát ở mức thấp hơn năm nay, có cơ sở để điều hành lãi suất giảm hơn nhưng ở mức độ nào, bao nhiêu còn phải tính toán thận trọng thêm. Mặt khác, chính sách tiền tệ chỉ là một bộ phận trong chính sách điều hành kinh tế vĩ mô.


Đề cập việc tái cơ cấu các ngân hàng thương mại, Bộ trưởng Vũ Đức Đam nhấn mạnh nguyên tắc và mục đích là để hệ thống ngân hàng nói riêng cũng các như thiết chế tài chính nói chung hoạt động lành mạnh, an toàn, hiệu quả.


Theo Bộ trưởng, hiện Việt Nam chưa có ngân hàng thương mại hay thiết chế tài chính đủ mạnh tầm khu vực, do vậy c ần có một bước căn bản để đến năm 2015 phải có ít nhất một ngân hàng có quy mô tầm khu vực.


Đối với các ngân hàng ngoài quốc doanh, ngân hàng nào phát triển tốt thì phải được tạo điều kiện để làm tốt hơn, chỗ nào đang khó khăn thì cần được giúp đỡ để bớt khó khăn, hoạt động ổn định. Tinh thần chung là cổ phần hóa các ngân hàng và mức độ cổ phần hóa đại chúng, rộng rãi, đảm bảo minh bạch, an toàn theo các tiêu chuẩn quốc tế. Bên cạnh đó cũng phải tiến hành sắp xếp các tổ chức tín dụng và các định chế tài chính.../.

 


Thanh Hòa (TTXVN/Vietnam+)
 


CPI tháng 12 được dự báo có thể tăng 0,5-0,6%

Ngày đăng : 01/12/2011 - 12:00 AM

Tổ điều hành thị trường trong nước dự báo, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12 này có thể tăng khoảng 0,5-0,6% so với tháng 11.

 


Theo nhận định của Tổ điều hành thị trường trong nước, tháng 12 này, thị trường hàng hóa sẽ chịu tác động của nhiều yếu tố gây tăng giá như dịp lễ Noel, Tết Dương lịch, cận tháng Tết Âm lịch.

Tuy nhiên, với sự chuẩn bị hàng hóa của các doanh nghiệp, các chương trình bình ổn thị trường của các địa phương thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ và các bộ, ngành, nguồn cung hàng hóa sẽ đa dạng, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân, giá hàng hóa sẽ không tăng đột biến.

Tổ điều hành thị trường trong nước dự báo, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12 này có thể tăng khoảng 0,5-0,6% so với tháng 11 vừa qua.

Cũng theo nhận định của nhiều chuyên gia, thị trường hàng hóa dịp cuối năm đã bắt đầu sôi động, cung cầu của hầu hết các mặt hàng được đánh giá là đảm bảo, giá tiếp tục ổn định. Tuy nhiên, một số mặt hàng lương thực, thực phẩm do ảnh hưởng của mưa lũ, do nhu cầu tăng vào dịp cuối năm trong khi nguồn cung chưa dồi dào nên giá có xu hướng tăng trở lại.

Tổ điều hành thị trường trong nước dự báo, giá gạo thế giới trong thời gian tới sẽ duy trì ở mức cao do những bất ổn trên các thị trường tài chính và hàng hóa, đặc biệt giá sẽ tăng ở phân khúc gạo chất lượng trung và cao cấp, giá gạo trong nước có thể tăng nhẹ do cầu tăng vào dịp cuối năm.

Giá lúa gạo tại Đồng bằng sông Cửu Long sau khi chững lại hồi cuối tháng 10 vừa qua, sang tháng 11 lại tiếp tục tăng từ 200-500 đồng/kg do ảnh hưởng của mưa lũ và nguồn cung khan hiếm (thu hoạch lúa thu đông đã kết thúc và chuẩn bị xuống giống vụ Đông Xuân). Tại miền Bắc, giá lúa gạo tăng khoảng 200-1.000 đồng/kg so với tháng trước.

Cùng với đó, giá thực phẩm tươi sống cũng được dự báo có xu hướng tăng nhẹ nhưng không tăng đột biến do nhu cầu bắt đầu tăng chuẩn bị cho Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán. Trong tháng 11 vừa qua, giá thực phẩm tươi sống lại có xu hướng tăng nhẹ từ 6,3-9% so với cuối tháng trước, nguyên nhân chủ yếu là do lo ngại dịch lở mồm long móng, tai xanh có nguy cơ bùng phát ảnh hưởng tâm lý đến người kinh doanh và người tiêu dùng; chi phí đầu vào tiếp tục tăng cao.

Giá đường trong tháng 12 này được dự báo có khả năng giảm nhẹ do nguồn cung tương đối dồi dào. Sản lượng đường dự kiến đạt 200.000 tấn trong tháng 12 này. Thời gian qua, giá đường đã ổn định trở lại do các nhà máy bắt đầu vào vụ. Giá đường trắng bán buôn hiện ở mức 19.000-20.200 đồng/kg, giá đường bán lẻ trên thị trường vẫn ở mức 21.000-22.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá sữa bột nhập khẩu trong nước được dự báo có thể tăng nhẹ theo biến động tỷ giá.

Đối với mặt hàng muối, do vụ sản xuất đã bước vào cuối vụ nên nguồn cung cho thị trường không nhiều, các chuyên gia dự báo trong thời gian tới, giá muối có thể tăng nhẹ trên phạm vi cả nước.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, đến cuối tháng 11 vừa qua, sản lượng muối ước đạt gần 800.000 tấn, giảm 32% so với cùng kỳ năm 2010; lượng tồn kho trong diêm dân và một số doanh nghiệp sản xuất đến cuối tháng 11 vừa qua còn khoảng gần 155.000 tấn.

Trong thời gian tới, giá phân bón trên thị trường thế giới có xu hướng tăng nhẹ, nhu cầu phân bón trong nước cũng tăng do đang vào thời gian bón chính cho vụ Đông Xuân; tuy nhiên, do nguồn cung vẫn dồi dào nên giá mặt hàng này được dự báo chỉ tăng nhẹ. Trong khi đó, giá thức ăn chăn nuôi được dự báo tiếp tục ổn định.

Theo Hiệp hội thức ăn chăn nuôi, mặc dù giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi có tăng nhẹ nhưng do lượng tiêu thụ thức ăn chăn nuôi thành phẩm không tăng nên các nhà máy sản xuất vẫn chưa tăng giá mặt hàng này. Hiện giá thức ăn hỗn hợp cho lợn ở mức 10.198-11.234 đồng/kg.

Nhóm hàng phục vụ xây dựng như thép, ximăng cũng được dự báo tiếp tục ổn định. Mặc dù đang vào mùa xây dựng, nhu cầu tiêu thụ tuy có tăng nhẹ nhưng vẫn ở mức thấp nên các đơn vị trực thuộc và liên doanh với Tổng Công ty Thép Việt Nam vẫn giữ nguyên giá bán tại nhà máy. Hiện giá bán lẻ thép xây dựng tại miền Bắc vẫn chững ở mức 17,8-18,6 triệu đồng/tấn.

Mặt hàng giấy được dự báo có xu hướng tăng trong tháng 12 này do nhu cầu về sản phẩm giấy bao bì tăng mạnh vào tháng cuối năm. Theo Hiệp hội Giấy Việt Nam, giấy các loại sản xuất tháng 11 vừa qua ước đạt 113.500 tấn, tăng 500 tấn so với tháng 10 năm nay, giá bán của hầu hết các loại giấy nhìn chung không thay đổi so với tháng 10.

Giá gas trong nước tháng 12 này được dự báo có xu hướng tăng nhẹ do giá dầu thô thế giới trong tháng 11 vừa qua đã tăng mạnh. Trong khi đó, giá than được dự báo tiếp tục ổn định.Với mặt hàng thuốc, cung

Nhu cầu những tháng cuối năm được dự báo vẫn tiếp tục được đảm bảo. Tuy nhiên, một số mặt hàng sẽ có điều chỉnh tăng giá do biến động các yếu tố đầu vào.

 

 

Theo Đỗ Huyền - TTXVN/Vietnam+


 


Cải cách môi trường kinh doanh và hy vọng từ 2.000 trang giấy

Ngày đăng : 01/12/2011 - 12:00 AM

Đâu là hình ảnh ấn tượng nhất tại hội thảo công bố “Báo cáo rà soát pháp luật kinh doanh” tổ chức tại Hà Nội, hôm 30/11?

 
Đó có lẽ là khi Trưởng ban Pháp chế và Trọng tài của Phòng Thương mại và Công nghiệp (VCCI), luật sư Trần Hữu Huỳnh, trao bản báo cáo hơn 2.000 trang giấy về kết quả rà soát 16 luật và gần 200 văn bản dưới luật cho ông Antony Stokes, Đại sứ Anh tại Việt Nam. Bản báo cáo này đã làm “mỏi tay” cả người trao và người nhận, theo đúng nghĩa đen.
 
Sự hài lòng của ông Huỳnh và vị đại sứ Anh là điều có thể cảm nhận được, khi thành tựu của một dự án kỹ thuật đầy ý nghĩa đã được ghi nhận. Một vị là luật sư và đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, người kia mang sứ mạng của một nhà ngoại giao đang mang ngân sách quốc gia mình đi thực hiện một chương trình hỗ trợ cho một quốc gia khác.
 
Nhưng từ thực tiễn rà soát, hiện thực hóa các đề xuất của dự án vào hệ thống pháp luật hiện hành ra sao còn là một chặng đường dài mà cả vị chuyên gia lẫn nhà ngoại giao cũng khó biết trước kết quả.
 
Luật pháp kinh doanh của Việt Nam là lĩnh vực mà, như nhận xét của ông Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Ngân sách của Quốc hội, là “liên tục thay đổi” mà vẫn không theo kịp thực tế.
 
Ông Thanh, người có trải nghiệm thực tế cả ở cơ quan hành pháp (Bộ Tài chính) lẫn lập pháp (Quốc hội), nói có nhiều trường hợp luật được ban hành xong chưa lâu đã phải sửa đổi, ngay cả khi các văn bản hướng dẫn chưa được ban hành đủ!
 
Các chuyên gia tham gia các nhóm nghiên cứu rà soát các luật rõ ràng đã làm việc hết sức mình để phát hiện ra được tới 683 quy định pháp luật “có vấn đề”, trong đó có 206 quy định chưa đạt tiêu chí minh bạch, 243 quy định chưa đạt tiêu chí hợp lý, 149 quy định chưa đạt tiêu chí thống nhất, 85 quy định chưa đạt tiêu chí khả thi.
 
Tuy nhiên, từ một thực tế là hệ thống pháp luật còn hàng trăm vấn đề như vậy, theo ông Trần Hữu Huỳnh, các chuyên gia cũng chỉ có thể “đề nghị” Quốc hội xem xét, đưa các nội dung này vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội.
 
Về phía Chính phủ, phần đề xuất trong báo cáo dự án cũng chỉ “đề nghị” Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan “tham khảo, tiếp thu các kết quả rả soát, các khuyến nghị của cộng đồng doanh nghiệp”, để từ đó khuyến nghị Quốc hội sửa đổi bổ sung các luật và văn bản hướng dẫn.
 
Điều mà cộng đồng doanh nghiệp mong đợi nhất, có lẽ là cam kết của đại diện Chính phủ và cả Quốc hội về việc xử lý các kiến nghị trong báo cáo này như thế nào, thì vẫn chưa thấy.
 
Chính vì vậy, không ngạc nhiên khi ông Đặng Văn Thanh nhấn mạnh tại hội thảo này là tầm quan trọng của việc “quán triệt” những đề xuất này tới Quốc hội và các vị đại biểu Quốc hội. Ông Thanh lưu ý rằng tại Việt Nam, Quốc hội làm việc theo kỳ họp, và “tất cả những vấn đề quan trọng nhất sẽ chỉ được quyết định tại các kỳ họp chính thức”, thay vì có thể giải quyết ngay lập tức nếu thực tiễn đòi hỏi.
 
Vị đại diện của Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam có lẽ muốn các nhà tài trợ quốc tế tham gia dự án này, gồm USAID (Mỹ) và UKAID (Anh) hiểu được một thực tế, là ngay cả khi các trở ngại đã lộ diện để ai cũng có thể nhìn thấy, thì việc giải quyết chắc chắn còn mất nhiều thời gian.
 
Cùng quan điểm với ông Thanh, nhiều chuyên gia cảm thấy tiếc vì báo cáo này dường như hơi… lỡ nhịp với đời sống chính trị của Việt Nam, cụ thể là nó đã được hoàn thành sau khi Quốc hội khóa mới đã thông qua chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.
 
Trong 16 luật được rà soát, có tới 11 luật đã có tên trong chương trình này, tuy nhiên điều đó cũng có nghĩa, là có tới 5 luật với các khiếm khuyết vẫn sẽ tiếp tục chi phối đời sống kinh doanh trong một số năm nữa. Và ngay cả với 11 luật được đưa vào chương trình sửa đổi, không chắc là tất cả các đề xuất rất thực tế trong báo cáo có thể được cập nhật hết một cách trọn vẹn.
 
Hơn nữa, điều mà các chuyên gia cũng hết sức lo lắng là mức độ tiếp nhận các đề xuất của Chính phủ và các bộ ngành. Xu hướng từ chối các cải cách, thể hiện qua cuộc chiến với giấy phép con trước đây, dường như vẫn còn sức nặng đáng kể trong hoạt động của các bộ ngành. Nhìn thấy khiếm khuyết mà không sửa hoặc trì hoãn sửa là chuyện không hề mới, và thú vị là ngay cả các chuyên gia nước ngoài cũng có chung sự chia sẻ về chuyện này.
 
Đại diện cho USAID, ông Francis Donovan khi trao đổi với báo giới về bản báo cáo đã kể một câu chuyện vui về quy trình sản xuất trong một doanh nghiệp ôtô ở Mỹ. Đại ý rằng trong công ty đó, cả bộ phận thiết kế và bộ phận chế tạo đều rất muốn đổi mới, nhưng hai bộ phận này thường có xu hướng… đổ lỗi cho bộ phận kia, cho rằng bộ phận kia là không hiểu mình!
 
Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, được đại diện bởi VCCI, có vẻ như đang đóng một vai trò “thiết kế” trong việc đưa ra các kiến nghị về sửa đổi các luật để có một môi trường kinh doanh tốt hơn. Nhưng câu hỏi là các bộ ngành có sẵn sàng là một bộ phận “chế tạo”, cảm, hiểu được và làm theo những kiến nghị đó?
 
Tín hiệu đáng vui nhất có lẽ là một sự đồng thuận sâu sắc giữa các chuyên gia trong và ngoài nước về sự cần thiết phải tiếp tục các hoạt động rà soát, sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nói chung và về kinh doanh nói riêng. Và trong quá trình đó, vai trò của các hiệp hội doanh nghiệp mà tiêu biểu là của VCCI phải là tiên phong.
 
Điều này nhận được sự chia sẻ của ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, khi ông nói rằng hoạt động này sẽ được VCCI tiếp tục triển khai một cách thường xuyên, liên tục. “Chính phủ đã cam kết sẽ là chính phủ kiến tạo, đóng vai trò thúc đẩy sự phát triển. Vai trò của cộng đồng doanh nghiệp là rất quan trọng trong quá trình này”, ông Lộc nói.
 
Vị chủ tịch nói rằng trong những năm gần đây, VCCI, với sự hỗ trợ của các đối tác trong và ngoài nước, đã từng gây ra những “cú sốc”, từ chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), cho tới các hoạt động đánh giá chất lượng hoạt động của các bộ ngành.
 
“Lãnh đạo nhiều tỉnh thành, nhiều bộ ngành đã gọi điện thẳng cho tôi để phản đối, nhưng cuối cùng thì ai cũng thấy là về tổng thể, các hoạt động đó đã mang lại hiệu ứng tích cực cho nền kinh tế”, ông Lộc nói và nhấn mạnh đến việc tiếp tục đưa ra những “cú sốc tích cực” khác trong việc cải thiện môi trường kinh doanh tại Việt Nam.
 
Theo Anh Minh
VnEconomy

 


Bước ngoặt quan trọng của chính sách tiền tệ Trung Quốc?

Ngày đăng : 01/12/2011 - 12:00 AM

Trung Quốc vừa có một bước đi quyết đoán nhằm hỗ trợ tăng trưởng bằng cách cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc trong các ngân hàng thương mại, lần đầu tiên sau 3 năm.

 
 
Giới phân tích tin rằng, động thái này có thể mở màn cho một chiến dịch nới lỏng chính sách tiền tệ của Bắc Kinh.
 
Ngày 30/11, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) đã tuyên bố cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc 0,5 điểm phần trăm, xuống còn 21% cho các ngân hàng thương mại lớn, áp dụng từ ngày 5/12. Đây là lần cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đầu tiên của PBoC kể từ tháng 12/2008 và sẽ giúp “giải phóng” 390 tỷ Nhân dân tệ, tương đương 61 tỷ USD, vốn tín dụng để các nhà băng được phép cho vay. 
 
Nhiều chuyên gia nhận định, với bước đi này, Trung Quốc đã đặt tăng trưởng kinh tế lên vị trí ưu tiên hàng đầu, thay cho mục tiêu chống lạm phát như trước, bất chấp rủi ro bong bóng bất động sản có thể hình thành trở lại.
 
“Đây là một động thái quan trọng, cho thấy Trung Quốc đang chuyển hướng sang nới lỏng”, chuyên gia kinh tế Stephen Green thuộc ngân hàng Standard Chartered nói với báo Wall Street Journal. Ngân hàng này dự báo, PBoC sẽ tiếp tục giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc trong tháng 1/2012 để giải quyết tình trạng thắt chặt thanh khoản trước thềm năm mới âm lịch.
 
Động thái của PBoC còn phản ánh thái độ thận trọng gia tăng của Bắc Kinh về triển vọng của nền kinh tế toàn cầu. Cuối tháng 11 vừa qua, Phó thủ tướng Trung Quốc Vương Kỳ Sơn cho rằng “tình hình thế giới vẫn còn nhiều thách thức và việc đảm bảo phục hồi kinh tế là ưu tiên nổi trội”. Trước đó, vào đầu tháng 11, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo cho rằng, cuộc khủng hoảng nợ châu Âu đặt ra “những thách thức lớn đối với sự tăng trưởng toàn cầu”. 
 
Với kinh tế châu Âu tiến gần tới suy thoái, kinh tế Mỹ phục hồi mong mạnh, kinh tế Nhật còn chưa “hoàn hồn” sau vụ động đất lịch sử, tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc đang trên đà giảm tốc. Thống kê công bố sáng nay, 1/12, cho thấy, sản xuất công nghiệp của Trung Quốc trong tháng 10 vừa qua đã lần đầu tiên suy giảm kể từ tháng 2/2009.
 
Ngoài ra, các nỗ lực lớn nhằm hạ nhiệt thị trường bất động sản của Chính phủ Trung Quốc thời gian qua cũng có ảnh hưởng bất lợi tới tăng trưởng kinh tế của nước này.
 
Với việc chuyển hướng chính sách tiền tệ từ thắt chặt sang nới lỏng, cuộc chiến hạ sốt giá nhà ở Trung Quốc sẽ trở nên khó khăn hơn trong thời gian tới. Thách thức của Bắc Kinh sẽ nằm ở chỗ, làm thế nào để tập trung nguồn vốn mới cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thay vì cho vay các dự án bất động sản cao cấp.
 
Trước khi PBoC hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc lần này, một số chuyên gia kinh tế đã dự báo giá căn hộ ở Trung Quốc có thể sẽ giảm 10-20% trong những tháng tới. Đầu tư bất động sản đóng góp khoảng 15% vào GDP của Trung Quốc.
 
Động thái này của PBoC khiến nhiều nhà phân tích ngạc nhiên, vì trước đó, họ dự báo PBoC sẽ chỉ bắt đầu giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc vào đầu năm sau. Cho tới thời điểm này, Trung Quốc vẫn chỉ thực hiện chính sách nới lỏng có mục tiêu để hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ “đói” vốn, chẳng hạn hỗ trợ các doanh nghiệp ở một số khu vực như Ôn Châu, Triết Giang…
 
Chuyên gia Eswar Prasad thuộc viện nghiên cứu Brookings Institution của Mỹ cho rằng, mức độ nới lỏng chính sách tiền tệ của Trung Quốc trong thời gian tới sẽ phản ánh quan điểm các nhà lãnh đạo nước này lo ngại tới mức nào về sự giảm tốc của nền kinh tế trong nước và toàn cầu. “Động thái này cho thấy các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đã sẵn sàng có những hành động quyết liệt để thúc đẩy nhu cầu nội địa nếu nhu cầu bên ngoài tiếp tục suy yếu”, ông Prasad nói.
 
Tuy vậy, hầu như không có nhà dự báo nào cho rằng Trung Quốc sẽ sớm tung ra một gói kích cầu lớn như hồi năm 2008. Nhiều khả năng, lần này Trung Quốc sẽ thận trọng hơn, vì sức khỏe kinh tế thế giới hiện nay chưa đến mức tệ như trong cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009. Mặt khác, “tác dụng phụ” gây bong bóng tài sản và nợ xấu lan tràn của gói kích cầu 2008 cũng là những lý do để Bắc Kinh phải cân nhắc kỹ về một gói kích cầu mới.
 
Tuy nhiên, “nếu xảy ra một cú sốc lớn như đồng Euro sụp đổ, Trung Quốc sẽ có những chính sách mạnh tay cả về tài khóa và tiền tệ”, ông Prasad nhận định.
 
Theo Kiều Oanh
VnEconomy

Nợ Vinashin không ảnh hưởng tới tài trợ cho VN

Ngày đăng : 01/12/2011 - 12:00 AM
Trước thềm Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ (CG), đại diện Ngân hàng Thế giới (WB) khẳng định sẽ tiếp tục các chương trình hỗ trợ Việt Nam, bất chấp những quan ngại về quá trình cải cách doanh nghiệp Nhà nước.
 
 
Trả lời báo chí về khả năng WB thay đổi chính sách tài trợ cho Việt Nam, sau những sự kiện gần đây liên quan đến vấn đề vay và trả nợ của Vinashin, Giám đốc quốc gia Victoria Kwakwa cho biết chính sách của Ngân hàng Thế giới sẽ không bị chi phối bởi sự kiện này. “WB không cho Vinashin vay và trường hợp của Vinashin cũng sẽ ảnh hưởng cụ thể đến những hoạt động của chúng tôi ở Việt Nam”, nhà tài trợ ODA đa phương lớn nhất cho Việt Nam khẳng định.
 
Đại diện WB khẳng định không thay đổi chính sách tài trợ đối với Việt Nam. Ảnh: B.D
 
Tuy vậy, đại diện Ngân hàng Thế giới cũng bày tỏ sự quan ngại đối với vấn đề Vinashin bởi cho rằng việc không trả nợ đúng hạn có thể gây ảnh hưởng đến uy tín và gây rủi ro đối với nền kinh tế. Bà Kwakwa cũng cho biết WB đang hỗ trợ Chính phủ Việt Nam tìm ra giải pháp tốt nhất trong vấn đề này.
 
Ở góc độ chuyên gia, Kinh tế trưởng của WB tại Việt Nam, ông Deepak Mishra cho rằng Vinashin là một tiếng nói cảnh tỉnh, cho thấy tầm quan trọng của việc cải cách doanh nghiệp Nhà nước - vấn đề chưa thực sự được quan tâm ở Việt Nam trong giai đoạn trước. “Vinashin không phải là trường hợp duy nhất. Đó không phải là sự thất bại của một doanh nghiệp mà còn bộc lộ nhiều lỗi mang tính hệ thống”, chuyên gia này nhận định.
 
Kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới cũng cho biết sẽ trình bày tại Hội nghị CG sắp tới một sổ khuyến nghị của WB liên quan đến cải tổ doanh nghiệp Nhà nước, trong đó nhấn mạnh tính minh bạch thông tin, đề cao trách nhiệm giải trình và xây dựng khung pháp lý đầy đủ hơn nhằm phục vụ quá trình quản lý, giám sát.
 
Về tình hình kinh tế 2012, chuyên gia của WB cho biết hiện rất khó đưa ra dự báo bởi kinh tế thế giới đang trong giai đoạn diễn biến phức tạp. Trong trường hợp các nền kinh tế lớn có diễn biến xấu, ông Mishra cho rằng Việt Nam sẽ không bị ảnh hưởng lớn nhưng cũng không thể sớm trở lại mức tăng trưởng 7-8% như giai đoạn trước khủng hoảng. Riêng với lạm phát, đại diện WB cho rằng Việt Nam có thể đưa về mức một con số trong năm 2012, sau những quyết tâm gần đây của Chính phủ và Quốc hội.
 
Theo Nhật Minh
VnExpress

 

Tin mới cập nhật