Cải cách môi trường kinh doanh và hy vọng từ 2.000 trang giấy

Ngày đăng : 01/12/2011 - 12:00 AM

Đâu là hình ảnh ấn tượng nhất tại hội thảo công bố “Báo cáo rà soát pháp luật kinh doanh” tổ chức tại Hà Nội, hôm 30/11?

 
Đó có lẽ là khi Trưởng ban Pháp chế và Trọng tài của Phòng Thương mại và Công nghiệp (VCCI), luật sư Trần Hữu Huỳnh, trao bản báo cáo hơn 2.000 trang giấy về kết quả rà soát 16 luật và gần 200 văn bản dưới luật cho ông Antony Stokes, Đại sứ Anh tại Việt Nam. Bản báo cáo này đã làm “mỏi tay” cả người trao và người nhận, theo đúng nghĩa đen.
 
Sự hài lòng của ông Huỳnh và vị đại sứ Anh là điều có thể cảm nhận được, khi thành tựu của một dự án kỹ thuật đầy ý nghĩa đã được ghi nhận. Một vị là luật sư và đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, người kia mang sứ mạng của một nhà ngoại giao đang mang ngân sách quốc gia mình đi thực hiện một chương trình hỗ trợ cho một quốc gia khác.
 
Nhưng từ thực tiễn rà soát, hiện thực hóa các đề xuất của dự án vào hệ thống pháp luật hiện hành ra sao còn là một chặng đường dài mà cả vị chuyên gia lẫn nhà ngoại giao cũng khó biết trước kết quả.
 
Luật pháp kinh doanh của Việt Nam là lĩnh vực mà, như nhận xét của ông Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Ngân sách của Quốc hội, là “liên tục thay đổi” mà vẫn không theo kịp thực tế.
 
Ông Thanh, người có trải nghiệm thực tế cả ở cơ quan hành pháp (Bộ Tài chính) lẫn lập pháp (Quốc hội), nói có nhiều trường hợp luật được ban hành xong chưa lâu đã phải sửa đổi, ngay cả khi các văn bản hướng dẫn chưa được ban hành đủ!
 
Các chuyên gia tham gia các nhóm nghiên cứu rà soát các luật rõ ràng đã làm việc hết sức mình để phát hiện ra được tới 683 quy định pháp luật “có vấn đề”, trong đó có 206 quy định chưa đạt tiêu chí minh bạch, 243 quy định chưa đạt tiêu chí hợp lý, 149 quy định chưa đạt tiêu chí thống nhất, 85 quy định chưa đạt tiêu chí khả thi.
 
Tuy nhiên, từ một thực tế là hệ thống pháp luật còn hàng trăm vấn đề như vậy, theo ông Trần Hữu Huỳnh, các chuyên gia cũng chỉ có thể “đề nghị” Quốc hội xem xét, đưa các nội dung này vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội.
 
Về phía Chính phủ, phần đề xuất trong báo cáo dự án cũng chỉ “đề nghị” Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan “tham khảo, tiếp thu các kết quả rả soát, các khuyến nghị của cộng đồng doanh nghiệp”, để từ đó khuyến nghị Quốc hội sửa đổi bổ sung các luật và văn bản hướng dẫn.
 
Điều mà cộng đồng doanh nghiệp mong đợi nhất, có lẽ là cam kết của đại diện Chính phủ và cả Quốc hội về việc xử lý các kiến nghị trong báo cáo này như thế nào, thì vẫn chưa thấy.
 
Chính vì vậy, không ngạc nhiên khi ông Đặng Văn Thanh nhấn mạnh tại hội thảo này là tầm quan trọng của việc “quán triệt” những đề xuất này tới Quốc hội và các vị đại biểu Quốc hội. Ông Thanh lưu ý rằng tại Việt Nam, Quốc hội làm việc theo kỳ họp, và “tất cả những vấn đề quan trọng nhất sẽ chỉ được quyết định tại các kỳ họp chính thức”, thay vì có thể giải quyết ngay lập tức nếu thực tiễn đòi hỏi.
 
Vị đại diện của Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam có lẽ muốn các nhà tài trợ quốc tế tham gia dự án này, gồm USAID (Mỹ) và UKAID (Anh) hiểu được một thực tế, là ngay cả khi các trở ngại đã lộ diện để ai cũng có thể nhìn thấy, thì việc giải quyết chắc chắn còn mất nhiều thời gian.
 
Cùng quan điểm với ông Thanh, nhiều chuyên gia cảm thấy tiếc vì báo cáo này dường như hơi… lỡ nhịp với đời sống chính trị của Việt Nam, cụ thể là nó đã được hoàn thành sau khi Quốc hội khóa mới đã thông qua chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.
 
Trong 16 luật được rà soát, có tới 11 luật đã có tên trong chương trình này, tuy nhiên điều đó cũng có nghĩa, là có tới 5 luật với các khiếm khuyết vẫn sẽ tiếp tục chi phối đời sống kinh doanh trong một số năm nữa. Và ngay cả với 11 luật được đưa vào chương trình sửa đổi, không chắc là tất cả các đề xuất rất thực tế trong báo cáo có thể được cập nhật hết một cách trọn vẹn.
 
Hơn nữa, điều mà các chuyên gia cũng hết sức lo lắng là mức độ tiếp nhận các đề xuất của Chính phủ và các bộ ngành. Xu hướng từ chối các cải cách, thể hiện qua cuộc chiến với giấy phép con trước đây, dường như vẫn còn sức nặng đáng kể trong hoạt động của các bộ ngành. Nhìn thấy khiếm khuyết mà không sửa hoặc trì hoãn sửa là chuyện không hề mới, và thú vị là ngay cả các chuyên gia nước ngoài cũng có chung sự chia sẻ về chuyện này.
 
Đại diện cho USAID, ông Francis Donovan khi trao đổi với báo giới về bản báo cáo đã kể một câu chuyện vui về quy trình sản xuất trong một doanh nghiệp ôtô ở Mỹ. Đại ý rằng trong công ty đó, cả bộ phận thiết kế và bộ phận chế tạo đều rất muốn đổi mới, nhưng hai bộ phận này thường có xu hướng… đổ lỗi cho bộ phận kia, cho rằng bộ phận kia là không hiểu mình!
 
Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, được đại diện bởi VCCI, có vẻ như đang đóng một vai trò “thiết kế” trong việc đưa ra các kiến nghị về sửa đổi các luật để có một môi trường kinh doanh tốt hơn. Nhưng câu hỏi là các bộ ngành có sẵn sàng là một bộ phận “chế tạo”, cảm, hiểu được và làm theo những kiến nghị đó?
 
Tín hiệu đáng vui nhất có lẽ là một sự đồng thuận sâu sắc giữa các chuyên gia trong và ngoài nước về sự cần thiết phải tiếp tục các hoạt động rà soát, sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nói chung và về kinh doanh nói riêng. Và trong quá trình đó, vai trò của các hiệp hội doanh nghiệp mà tiêu biểu là của VCCI phải là tiên phong.
 
Điều này nhận được sự chia sẻ của ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, khi ông nói rằng hoạt động này sẽ được VCCI tiếp tục triển khai một cách thường xuyên, liên tục. “Chính phủ đã cam kết sẽ là chính phủ kiến tạo, đóng vai trò thúc đẩy sự phát triển. Vai trò của cộng đồng doanh nghiệp là rất quan trọng trong quá trình này”, ông Lộc nói.
 
Vị chủ tịch nói rằng trong những năm gần đây, VCCI, với sự hỗ trợ của các đối tác trong và ngoài nước, đã từng gây ra những “cú sốc”, từ chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), cho tới các hoạt động đánh giá chất lượng hoạt động của các bộ ngành.
 
“Lãnh đạo nhiều tỉnh thành, nhiều bộ ngành đã gọi điện thẳng cho tôi để phản đối, nhưng cuối cùng thì ai cũng thấy là về tổng thể, các hoạt động đó đã mang lại hiệu ứng tích cực cho nền kinh tế”, ông Lộc nói và nhấn mạnh đến việc tiếp tục đưa ra những “cú sốc tích cực” khác trong việc cải thiện môi trường kinh doanh tại Việt Nam.
 
Theo Anh Minh
VnEconomy

 

Wonderful explanation of facts aavliable here.
14/05/2012
Wonderful explanation of facts aavliable here.

Họ tên :

Email :

Nội dung :

Tin cùng chủ đề

Bất ngờ gây sốc từ Petrolimex: Lãi 2.660 tỷ đồng sau 9 lần tăng giá năm 2009?!

Ngày đăng : 30/11/2011 - 12:00 AM

Con số lãi 2.660 tỷ đồng kinh doanh xăng dầu năm 2009 của Petrolimex vừa được công bố khiến dư luận bất ngờ.

 

 

Đó là năm có số lần tăng giá xăng nhiều nhất (9 lần), với mức tăng kỷ lục (48,2%). Thêm nữa, trước mỗi lần tăng giá, doanh nghiệp đều kêu lỗ và Liên bộ Tài chính - Công Thương đã chấp nhận điều đó như một sự thật để bị "qua mặt" quá dễ?!
 
Liên bộ đã bị "lừa"?
 
Ngày 25/11, Bộ Tài chính đã cho công bố kết quả kinh doanh xăng dầu của Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), theo báo cáo kiểm toán của Deloitte. Theo đó, lãi từ hoạt động kinh doanh xăng dầu năm 2009 của Petrolimex lên đến 2.660 tỷ đồng.
 
Đây lẽ ra phải là một kết quả đáng mừng, nếu nó không được đặt cạnh những con số thống kê khác. Cho đến hiện tại, 2009 là năm giữ kỷ lục về số lần điều chỉnh giá xăng dầu từ trước đến nay, với 11 lần điều chỉnh, trong đó có tới 9 lần tăng giá và chỉ 2 lần giảm giá. 
 
Hai lần giảm giá được ghi nhận với tổng cộng 850 đồng/lít diễn ra vào ngày 1/10 và 15/12/2009. Thế nhưng, với 9 lần tăng giá, giá xăng RON 92 đã tăng từ 11.000 đồng/lít, thời điểm trước khi tăng giá lần đầu năm 2009 lên đến 16.300 đồng/lít (thời điểm 20/11/2009), mức tăng tổng cộng là 5.300 đồng/lít, tương đương 48,2%.
 
11 lần điều chỉnh giá xăng dầu năm 2009
 
 
Đáng chú ý hơn, trong 11 lần điều chỉnh giá xăng dầu năm 2009, cụm từ được cơ quan quản lý giá, cụ thể là Tổ giám sát Liên bộ Tài chính - Công Thương nhắc đến nhiều lần là "giải quyết hài hoà lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp".
 
 Thế nhưng trên thực tế thì sao? Năm 2009 là thời điểm người dân vừa trải qua năm 2008 vô cùng khó khăn, kinh tế thế giới suy thoái, còn trong nước giá cả tăng phi mã. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân cả năm 2008 tăng so với năm 2007 là 22,97%. 
 
Vậy mà, Liên bộ đã "hài hòa lợi ích" để Petrolimex lãi tới 2.660 tỷ đồng từ kinh doanh xăng dầu năm 2009 trong lúc đời sống người dân quá khó khăn thì kể cũng lạ!
 
Chưa hết, ngay sau đợt giá xăng giảm 350 đồng/lít ngày 15/12/2009, đến đầu tháng 1/2010, các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu lại tiếp tục... kêu lỗ. Hệ quả là ngày 14/1/2010, Liên Bộ Tài chính - Công Thương lại phê duyệt quyết định tăng giá xăng dầu từ 18 giờ ngày 14/1/2010, giá xăng RON 92 tăng thêm 450 đồng/lít, lên mức 16.400 đồng/lít. 
 
Việc "hài hòa lợi ích" đã rõ, việc sau năm tài chính 2009 (lãi to), các doanh nghiệp kêu lỗ để xin tăng giá xăng dầu mà Liên bộ vẫn tin theo thì còn lạ hơn nữa?!
 
Lãi hàng nghìn tỷ khi nào?
 
Trong tất cả các thông báo tăng giá xăng, dầu phát đi từ Liên Bộ Tài chính - Công Thương, lần nào cũng đều dựa trên cơ sở "phương án đăng ký tăng giá bán lẻ xăng, dầu của các doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu đầu mối". Đi kèm với phương án giá là những lời than thở thua lỗ của các doanh nghiệp.
 
 Mỗi lần tăng giá xăng dầu là một lần than lỗ, nhưng trong vòng một năm 2009 với 9 lần giá bán lẻ xăng dầu trong nước tăng giá, tức là khoảng hơn 1 tháng tăng một lần thì sẽ khó tìm được đâu thực sự là khoảng thời gian lãi của doanh nghiệp? Vậy thì, Petrolimex chẳng hạn, lỗ lúc nào để cuối cùng năm 2009 lãi đến 2.660 tỷ đồng? Không lẽ, tổ giám sát, điều hành không biết?
 
Trong các đợt tăng giá năm 2009, đáng chú ý nhất là đợt tăng giá ngày 1/7. Sau khi Liên bộ Tài chính - Công Thương sử dụng các công cụ tài chính như: tạm dừng trích Quỹ Bình ổn giá xăng dầu; giảm thuế nhập khẩu... ngày 1/7/2009, Liên bộ cho phép doanh nghiệp tăng giá xăng, dầu từ 500 đồng/kg đến 700 đồng/lít đối với tất cả các chủng loại xăng, dầu.
 
 Nhưng ngay sau đó, từ ngày 2/7/2009 đến giữa tháng 7/2009 giá xăng, dầu thị trường thế giới lại đột ngột giảm về mức giá thấp hơn so với bình quân tháng trước đó. Khi đó, dư luận đã lên tiếng đòi hỏi giảm giá xăng dầu nhưng thay vì quyết định giảm giá, ngày 14/7/2009, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) lại ban hành Công văn số 156 do Cục trưởng Nguyễn Tiến Thoả ký ghi rõ: 
 
"Theo báo cáo của doanh nghiệp, sau khi điều chỉnh tăng giá và sử dụng các công cụ tài chính như vậy (quyết định tăng giá ngày 1/7//2009 - PV), thì giá diezel, madut vẫn lỗ khá lớn, giá xăng, dầu hoả lỗ ít hơn".
 
Dư luận đặt câu hỏi, không hiểu việc "lỗ" của doanh nghiệp đã được căn cứ từ đâu để sau đó đã không có đợt giảm giá xăng dầu nào, chưa kể đến ngày 8/8/2009 giá xăng RON 92 lại tiếp tục được cho tăng thêm 500 đồng/lít?
 
 Không hiểu, cơ quan quản lý giá, cơ quan giám sát của Liên bộ đã căn cứ vào đâu để cho rằng doanh nghiệp đang lỗ khi mà kết quả kiểm toán mới đây với Petrolimex, đầu mối có thị phần áp đảo lại cho thấy họ lãi tới tận hàng nghìn tỷ đồng?
 
Không hiểu Liên bộ đã đứng ở đâu trong việc "hài hòa lợi ích" khi doanh nghiệp lãi vẫn báo lỗ, vẫn được phép tăng giá giữa lúc đời sống người dân chồng chất khó khăn, Chính phủ thì đang tìm mọi cách để thực hiện các biện pháp an sinh xã hội?
 
 

Trích quỹ bình ổn, không tăng giá bán các loại xăng, dầu

 

Ngày 28/11/2011, Bộ Tài chính đã ra thông báo về việc điều hành giá xăng, dầu. Theo đó, Bộ yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu đầu mối: Giữ ổn định giá bán các loại xăng, các loại dầu điezen, dầu hỏa, dầu madut như hiện hành; Sử dụng Quỹ bình ổn giá (BOG) để bù đắp mức chênh lệch giữa giá bán hiện hành thấp hơn giá cơ sở với các mặt hàng dầu cụ thể: diezel: 1.000 đồng/lít, dầu hỏa: 900 đồng/lít, madut: 950 đồng/kg; Tăng mức trích Quỹ BOG với mặt hàng xăng thêm 250 đồng/lít lên 550 đồng/lít; Giữ mức trích Quỹ BOG với các mặt hàng dầu (diezen, dầu hỏa, madut) là 300 đồng/lít.

 
 
Theo Đắc Kiên
Giadinh.net
 

TS Nguyễn Đình Cung: Tái cơ cấu DNNN từ khâu giám sát, giải trình

Ngày đăng : 30/11/2011 - 12:00 AM

Với hoạt động đầu tư ngoài ngành, chưa cơ quan, cá nhân nào chịu trách nhiệm, cũng chưa ai bị kỷ luật dù chỉ với hình thức và mức độ thấp nhất.

 

 

Tại hội thảo Quản trị doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trong tái cấu trúc nền kinh tế ngày 29/11, TS Nguyễn Đình Cung, Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương đã thẳng thắn nhận xét, chính hệ thống quản trị thiếu giám sát, thiếu tính giải trình, minh bạch đã dẫn đến tình trạng DNNN không có áp lực, động lực, năng lực nội tại để phát triển.
 
Tầm nhìn của các tổng công ty, tập đoàn còn hạn hẹp
 
Đứng từ góc độ chính trị và định hướng phát triển, ông khẳng định, DNNN ở Việt Nam có vai trò lớn và vị trí hết sức quan trọng, là thành phần kinh tế chủ đạo trong nền kinh tế, là trụ cột của quốc gia trong cạnh tranh với các tập đoàn…

Tuy nhiên, theo đánh giá của ông, trên thực tế, các tổng công ty, tập đoàn kinh tế thường thiếu tầm nhìn, không xác định cụ thể sứ mệnh định vị giá trị mà họ sẽ hướng đến trong bối cảnh và quá trình phát triển ở Việt Nam.
 
Họ không tập trung đầu tư phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh trong ngành cốt lõi mà đầu tư ngoài ngành tìm kiếm địa tô và lãi vốn, không tạo dựng được lợi thế và năng lực cạnh tranh mới cho quốc gia.

TS Nguyễn Đình Cung đưa ra nhận xét nghiêm khắc: “Là công cụ thực hiện chính sách và nhiệm vụ xã hội, nhưng lại không buộc phải chú ý đến “làm thế nào kiếm ra tiền”, không thể hiện trách nhiệm và giá trị xã hội trong chiến lược và cách thức kinh doanh của họ. Là công cụ ổn định vĩ mô nhưng trên thực tế họ lại là một trong số các nguyên nhân gây bất ổn kinh tế vĩ mô, làm cho bất ổn trở nên trầm trọng hơn. Là trụ cột cạnh tranh của nền kinh tế nhưng chưa trở thành doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh quốc tế mà là độc quyền trên thị trường nội địa”.

Ông nói,điệp khúc thường thấy ở các tổng công ty, tập đoàn nhà nước đó là: Thiếu vốn đầu tư thì đòi tăng giá, lỗ thì đòi tăng giá, giá chỉ có lên mà không xuống, chất lượng dịch vụ thấp.

Hệ thống giám sát lỏng lẻo, thiếu công khai, minh bạch

Về cơ cấu và thể chế thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước đối với tập đoàn kinh tế nhà nước, TS Nguyễn Đình Cung cho biết, có ít nhất 4 cơ quan đều là cơ quan hành chính ra quyết định đầu tư, thực hiện quyền và lợi ích của nhà đầu tư theo lối tư duy, cách thức làm việc của bộ máy hành chính.
 
Theo ông, các cơ quan này hoạt động không độc lập, không chuyên trách, không chuyên nghiệp,  không mục tiêu rõ ràng, không rõ ràng tiêu chí hay cơ sở quyết định hoặc tiêu chí không gắn với yêu cầu về kỹ năng và mục tiêu cần đạt được.
 
Trong khi đó cũng không có cơ chế và thể chế giám sát, đánh giá đối với những tổ chức, cá nhân được ủy quyền thực hiện quyền sở hữu Nhà nước cũng như hoạt động thực hiện quyền chủ sở hữu của họ.
 
Hệ quả là không có bất kỳ ai phải chịu trách nhiệm về việc thực hiện đầy đủ, hiệu lực và hiệu quả quyền chủ sở hữu Nhà nước - ông nhận định.

TS Cung dẫn ví dụ điển hình về hiện tượng các tập đoàn, tổng công ty đầu tư ra ngoài ngành đã được phát hiện và trao đổi ít nhất từ năm 2008. Đây là trách nhiệm của các cơ quan và cá nhân được ủy quyền thực hiện quyền chủ sở hữu Nhà nước.
 
Tuy vậy, cho đến nay vẫn chưa có bất kỳ cơ quan hay cá nhân nào chịu trách nhiệm về vấn đề này và chưa có bất kỳ ai bị xử lý kỷ luật dù chỉ với hình thức và mức độ thấp nhất.
 
Điều lệ các tập đoàn được phê duyệt đầu năm 2011 vẫn quy định cho phép một cách phổ biến tất cả các tập đoàn đầu tư dàn trải, phân tán ra ngoài các ngành nghề kinh doanh chính của họ.

Ông kết luận, các DNNN nói chung và tập đoàn, tổng công ty nói riêng đã không hoàn thành được vai trò và vị trí của mình trong phát triển kinh tế, hiệu quả kinh doanh thấp và có xu hướng giảm.
 
Tóm lại, một hệ thống thiếu giám sát hoặc giám sát lỏng lẻo, thiếu công khai hóa và minh bạch hóa thông tin, thiếu trách nhiệm giải trình phổ biến ở tất cả các khâu và quy trình quản lý.
 
Cơ chế này không tạo được động lực, áp lực buộc mọi người nỗ lực hết mình để làm việc tốt nhất, nguy cơ xác suất tham nhũng, rủi ro đạo đức là rất lớn.

“Không thể không thay đổi”
 
Trước những tồn tại nêu trên, TS Trần Đình Cung nhấn mạnh: “Không thể không thay đổi”. Cụ thể, cần thay đổi tư duy, định vị lại vai trò và trách nhiệm của DNNN trong phát triển kinh tế. Phải có cách nhìn hệ thống và toàn diện giải pháp đồng bộ.
 
Riêng về quản trị, ông đưa ra hai khâu đột phá: Một là thiết lập thể chế yêu cầu tập đoàn, tổng công ty Nhà nước công khai, minh bạch hóa thông tin theo thông lệ quốc tế, buộc các cơ quan, cá nhân, đại diện chủ sở hữu và các bên liên quan trực tiếp hoặc liên đới chịu trách nhiệm giải trình về kết quả, hiệu lực và hiệu quả hoạt động của khu vực DNNN.

Hai là, đổi mới tư duy, thiết lập thể chế công cụ xây dựng năng lực của thể chế chuyên trách, thực hiện quyền chủ sở hữu Nhà nước theo thông lệ tốt và pháp luật hiện hành.

Đánh giá về quản trị tại các DNNN Việt Nam, ông Sameer Goyal, Ngân hàng Thế giới cũng đánh giá rằng, trong khi các doanh nghiệp tư nhân tối đa hóa giá trị, một cơ quan duy nhất quản lý, thì DNNN lại có các mục đích mâu thuẫn nhau, nhiều cơ quan phức tạp quản lí, thiếu sự khuyến khích, thiếu sự công bằng.

“Tất cả những yếu tố này có thể giải quyết thông qua việc nâng cao hiệu quả quản trị DNNN. Quản trị DNNN tốt sẽ góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động, giá trị vốn cho cổ đông và mức độ ổn định tài chính. Góp phần nâng cao vị thế tài chính của Chính phủ và giảm nợ ngoài dự kiến, có thể giúp nâng cao khả năng tiếp cận với các nguồn vốn thay thế”.

 

Bích Diệp

dvt.vn
 



 


Lời 1.000 đồng/lít vẫn chưa giảm giá xăng

Ngày đăng : 30/11/2011 - 12:00 AM

Mặc dù giá xăng nhập khẩu giảm, thế nhưng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) vẫn tăng mức trích quỹ bình ổn với mặt hàng xăng thay vì giảm giá. 

 

 

Quyết định này đã khiến người tiêu dùng không được mua xăng giá giảm đúng theo bối cảnh giá thế giới.
 
Các chuyên gia cho rằng thay vì tăng mức trích quỹ bình ổn nên yêu cầu doanh nghiệp giảm giá bán lẻ để chia sẻ gánh nặng giá cả với người tiêu dùng và nền kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh giá cả cuối năm.
 
Theo công thức tính giá cơ sở trung bình 30 ngày trở lại đây của Bộ Tài chính, doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng đã có lời và hoàn toàn có cơ sở để giảm giá bán lẻ (Tuổi Trẻ ngày 26-11), do giá xăng thành phẩm nhập khẩu giảm mạnh từ nhiều phiên giao vừa qua.
 
Theo thông tin về giá nhập khẩu tại Singapore, giá xăng A92 tại Singapore từ ngày 29-10 đến 28-11 dao động chủ yếu trong khoảng 105,7-117 USD/thùng.
 
Mức giá trung bình trong thời gian này là 111,66  USD/thùng. Theo tính toán, giá cơ sở (dùng làm giá tham chiếu để điều chỉnh tăng/giảm giá bán lẻ trong nước) là 20.360 đồng/lít. Giá bán lẻ xăng A92 hiện là 20.800 đồng/lít.
 
Như vậy, chênh lệch giữa giá cơ sở với giá bán lẻ là 440 đồng/lít. Tuy nhiên, trong giá cơ sở đã có 300 đồng lợi nhuận định mức theo quy định tại nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu, nên thực tế doanh nghiệp dôi ra một khoản ít nhất là 740 đồng/lít.
 
Theo các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu, lời lỗ của doanh nghiệp không thể tính theo giá nhập khẩu trung bình 30 ngày, rồi cộng với các khoản thuế phí theo quy định của Bộ Tài chính để so sánh với giá bán lẻ hiện hành.
 
Doanh nghiệp lời bao nhiêu, hay lỗ như thế nào phải phụ thuộc lượng hàng tồn kho, giá nhập khẩu từng lô hàng và thời điểm tiêu thụ... Cách tính hiện hành chỉ là trên công thức! Tuy nhiên, ngay cả theo thời điểm nhập khẩu từng lô hàng cụ thể, một doanh nghiệp đầu mối có thị phần lớn cho biết đã lời ở mặt hàng xăng.
 
Cụ thể nếu tính giá nhập trung bình trong vòng 10 phiên giao dịch tại Singapore, từ ngày 15 đến 28-11 là 108,29 USD/thùng, khi cộng với các khoản thuế phí, trích nộp quỹ bình ổn giá mỗi lít xăng là 19.500 đồng. Như vậy, giá bán lẻ đang cao hơn giá cơ sở tới 1.300 đồng/lít. Đây chính là khoản lợi của doanh nghiệp.
 
Các mức trích quỹ bình ổn ở mặt hàng xăng A92
 
Giảm giá thay vì trích quỹ
 
Trong khi giá xăng A92 tại Singapore diễn biến ở mức thấp như vậy thì từ trưa 28-11, Bộ Tài chính đã yêu cầu doanh nghiệp đầu mối nâng mức trích nộp quỹ bình ổn giá với mặt hàng xăng thêm 250 đồng/lít.
 
Như vậy, mỗi lít xăng hiện nay người tiêu dùng phải bỏ ra 550 đồng/lít để đóng vào quỹ bình ổn giá. Mặc dù vậy sau khi nâng mức trích quỹ bình ổn, nếu hàng nhập về trong ngày 28-11 doanh nghiệp vẫn lời khoảng 1.000 đồng/lít.
 
Đáng nói là theo thông tin được Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ công bố tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, tính đến cuối năm 2011 quỹ bình ổn xăng dầu dư 2.500 tỉ đồng. Chưa kể, do doanh nghiệp được giữ quỹ bình ổn nên quỹ còn sinh lãi.
 
Tại bốn doanh nghiệp đầu mối trên, mức lãi hơn 100 tỉ đồng tính từ năm 2009 đến nay. Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp đầu mối ủng hộ phương án tăng trích quỹ bình ổn, bởi trên thực tế quỹ này được sử dụng vào bù lỗ cho doanh nghiệp ở thời điểm giá thế giới cao mà trong nước chưa điều chỉnh được.
 
Tuy nhiên, theo nhận định của TS Ngô Trí Long - nguyên phó viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học thị trường giá cả, động thái tăng trích quỹ bình ổn với mặt hàng xăng dầu của Bộ Tài chính có thể nhằm dùng nguồn này bù đắp thêm để có nguồn xả quỹ đối với các mặt hàng dầu. Chính phủ đặt mục tiêu kiềm chế lạm phát và do xăng dầu là mặt hàng có tác động lớn đến chỉ số giá (CPI), nên Bộ Tài chính muốn giữ ổn định giá xăng dầu.
 
Song do quỹ bình ổn hiện vẫn còn 2.500 tỉ đồng và giá dầu cũng bắt đầu có xu hướng giảm lại, nên thay vì tăng trích quỹ với mặt hàng xăng, Bộ Tài chính nên giảm giá để chia sẻ với người tiêu dùng. Thậm chí, ngay cả việc tăng trích quỹ bình ổn thêm 250 đồng/lít vẫn có cơ sở để giảm giá xăng trong bối cảnh hiện nay.
 
Theo Bạch Hoàn
Tuổi Trẻ

Thị trường việc làm tại Mỹ, “chim báo bão” của kinh tế thế giới

Ngày đăng : 30/11/2011 - 12:00 AM

Khối sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) nhiều khả năng đã rơi vào suy thoái nhẹ, trong khi phần còn lại của thế giới chật vật chống chọi với những “cơn gió chướng” thổi tới từ lục địa già. Nền kinh tế toàn cầu đang đối mặt với một dốc đứng mà đích đến là suy thoái, hãng tin Reuters nhận định.

 
 
Tuần trước, bức tranh kinh tế Mỹ có phần sáng hơn trong thời gian gần đây bỗng chốc lại bị phủ mờ bởi một loạt dữ liệu kinh tế cho thấy sự chuyển biến xấu, trong đó phải kể tới số liệu tăng GDP quý 3 sau điều chỉnh chỉ còn 2% từ mức 2,5% trong lần công bố sơ bộ.
 
Tiêu dùng của người Mỹ cùng hoạt động đầu tư vào sản xuất kinh doanh ở nước này trong tháng 10 đã yếu đi. Điều này cho thấy, sự phục hồi của kinh tế Mỹ còn yếu và nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn rất dễ bị tổn thương trước những cú sốc.
 
Trên bức nền u ám này, thị trường tài chính toàn cầu tiếp tục chứng kiến những sóng gió mới, khi mà các nhà lãnh đạo châu Âu chưa thể đưa ra bất kỳ giải pháp đáng tin cậy nào cho cuộc khủng hoảng nợ đã kéo dài hai năm. Các nhà làm luật Mỹ cũng rơi vào thế bế tắc trong công cuộc đi tìm biện pháp cắt giảm thâm hụt ngân sách. Niềm tin của các doanh nghiệp và người tiêu dùng bởi thế càng bị xói mòn, đe dọa triển vọng tăng trưởng kinh tế.
 
Thị trường việc làm Mỹ được xem là bức tranh thu nhỏ của những thách thức mà nền kinh tế thế giới đang đối mặt.
 
Kinh tế Mỹ đã ở trong giai đoạn hồi phục được hai năm, quãng thời gian mà lợi nhuận các doanh nghiệp tăng mạnh, nên hoạt động tuyển dụng lao động lẽ ra phải được đẩy mạnh. Tuy nhiên, thống kê việc làm tháng 11 công bố vào thứ Sáu tuần này được dự báo sẽ một lần nữa cho thấy sức khỏe kinh tế Mỹ vẫn còn yếu. Theo giới phân tích, trong tháng này, giới chủ Mỹ trong khu vực kinh tế tư nhân chỉ tuyển thêm 120.000 người, tăng so với 80.000 người trong tháng 10, nhưng vẫn dưới mức cần thiết để cải thiện triển vọng của nền kinh tế.
 
“Xu hướng này đã tồn tại suốt 5 tháng qua. Tỷ lệ thất nghiệp mắc kẹt ở mức chỉ đủ để hấp thụ một lực lượng lao động mới nhất định, nhưng không đủ để giảm đáng kể tỷ lệ thất nghiệp”, chuyên gia kinh tế Jeoff Hall thuộc công ty IFR Markets nhận xét.
 
Trên thực tế, các công ty lớn của Mỹ đang cho thấy là họ thận trọng. 
 
Tuần trước, hãng Boeing công bố kế hoạch đóng cửa một nhà máy có 2.100 công nhân viên ở Kansas để chuẩn bị trước cho việc chính phủ liên bang cắt giảm ngân sách bao gồm ngân sách quốc phòng. Cũng trong tuần trước, ngân hàng Bank of America đã bắt đầu gửi đi thông báo sa thải cho các nhân viên công nghệ. Đây là một phần trong kế hoạch cắt giảm 30.000 vị trí tại Bank of America trong một vài năm tới. Một nhà băng lớn khác của Mỹ là Wells Farrgo cũng đã rục rịch cắt giảm việc làm.
 
Hãng sản xuất thiết bị gia dụng lớn nhất thế giới Whirpool Corp thì cho biết, nhu cầu toàn cầu đang giảm xuống, bao gồm ở các thị trường có tốc độ tăng trưởng cao như châu Á và Mỹ Latin. Hãng này lên kế hoạch cắt giảm 5.000 việc làm ở Bắc Mỹ và châu Âu.
 
Ông Srinivas Thiruvadanthai, Giám đốc nghiên cứu thuộc trung tâm dự báo Jerome Levy, lo ngại các biện pháp thắt chặt chi tiêu công, từ kết thúc các dự án kích cầu đưa ra năm 2009, cắt giảm ngân sách của các thành phố và tiểu bang, cho tới khả năng chấm dứt chính sách cắt giảm thuế tuyển dụng, sẽ khiến sức chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ càng thêm yếu. Trong khi đó, tiêu dùng là hoạt động chiếm phần lớn nền kinh tế Mỹ.
 
“Rõ ràng tình hình ở châu Âu đang xấu, và các điều kiện kinh tế toàn cầu cũng xấu đi theo. Nếu người tiêu dùng Mỹ mệt mỏi, khả năng suy thoái sẽ lên cao”, ông Thiruvandanthai nói.
 
 
Kể từ cuối tháng 9 vừa qua, Levy Center đã dự báo cuộc khủng hoảng nợ châu Âu sẽ tấn công vào nước Mỹ thông qua thị trường tài chính, các nhà băng, làm suy yếu hoạt động xuất khẩu, đẩy lợi nhuận của các doanh nghiệp suy giảm và kéo kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái vào năm 2012. Tới nay, ông Thiruvandanthai vẫn chưa nhận ra lý do nào để thay đổi dự báo này. 
 
Thứ Ba tuần này, các bộ trưởng bộ tài chính châu Âu lại họp để xem xét việc tăng quy mô cho quỹ bình ổn tài chính khu vực, cơ chế mới được thiết lập 1 tháng trước như trọng tâm trong chiến lược giải quyết khủng hoảng nợ. Tuy nhiên, sự lao dốc của giá trái phiếu châu Âu đã làm giảm mạnh mức độ mở rộng mà quỹ này có khả năng đạt được, khiến giới đầu tư lo ngại cao độ về việc các chính trị gia có thể dùng quỹ bình ổn tài chính để chặn khủng hoảng.
 
Vào ngày thứ Ba, Italy sẽ phát hành 8 tỷ Euro nợ dài hạn, giữa lúc trái phiếu Italy kỳ hạn 2 năm đã có mức lợi suất trên 8%, cao hơn 1 điểm phần trăm so với mức lợi suất mà một quốc gia có nền kinh tế trì trệ có thể chịu đựng nổi. Hôm nay, Bỉ - quốc gia vừa bị hạ điểm tín nhiệm bởi Standard&Poor’s - phát hành trái phiếu trong bối cảnh lợi suất trái phiếu của nước này đã chạm mức kỷ lục.
 
Cuối tuần trước, ngân hàng Goldman Sachs cảnh báo, những khó khăn trên thị trường trái phiếu châu Âu sẽ cản trở những dòng vốn tín dụng đối với các hộ gia đình và doanh nghiệp ở đây, sau khi đã tác động xấu tới lợi nhuận của các ngân hàng như hiện nay. “Tình trạng này có thể đẩy một cuộc suy thoái vừa như chúng tôi dự báo trở thành một cuộc suy thoái sâu như hồi năm 2008-2009”, Goldman Sachs nhận định.
 
Ảnh hưởng từ sự giảm tốc ở Mỹ và châu Âu thậm chí có thể cảm nhận rõ nét ở những nền kinh tế mới nổi lớn. Brazil tuần trước đã hạ lãi suất lần thứ ba kể từ tháng 8, với mức giảm mạnh 0,5 điểm phần trăm, còn 11%.
 
Đối với nước Mỹ, dự báo về một cuộc suy thoái mới hiện vẫn chỉ là quan điểm thiểu số, mặc dù các tổ chức dự báo đều đã hạ nhận định tăng trưởng cho năm 2012. Trong lần dự báo gần nhất, Viện Tài chính Quốc tế (IFF) cho rằng, kinh tế Mỹ vẫn vững vàng trong ngắn hạn nhưng triển vọng sẽ xấu hơn sau đó. “Triển vọng kinh tế đến đầu năm 2012 sẽ kém đi. Sự kết hợp giữa sự thu hẹp mạnh của chi tieue công và ảnh hưởng từ suy thoái ở khối Eurozone có khả năng sẽ kéo lùi tăng trưởng kinh tế Mỹ”, chuyên gia kinh tế trưởng Philip Suttle của IFF nói.
 
Theo các chuyên gia kinh tế, chừng nào các nhà lãnh đạo châu Âu còn trì hoãn đưa ra một giải pháp cụ thể để cứu vãn đồng tiền chung của khu vực, thị trường tài chính thế giới sẽ còn chao đảo và triển vọng tăng trưởng còn tiếp tục u ám.
 
“Kinh tế thế giới đang trong cảnh trầy trật, với những rủi ro từ khả năng tan vỡ của khối Eurozone, hoặc một số thành viên như Hy Lạp, Italy và Tây Ban Nha phải rời khối này. Có lẽ châu Âu không còn nhiều thời gian để giải quyết những rắc rối của họ”, kinh tế gia Paul Ashworth thuộc Captial Economics nhận định.
 
Theo An Huy
VnEconomy

Tỷ giá bình quân liên ngân hàng duy trì ở mức 20.803 đồng/USD

Ngày đăng : 30/11/2011 - 12:00 AM

Đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã giữ tỷ giá không đổi trong 29 ngày liên tiếp.

 

Hôm nay (30/11), Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá bình quân liên ngân hàng ở 20.803 đồng/USD, không đổi trong 29 ngày liên tiếp.

Trần tỷ giá áp dụng cho các ngân hàng thương mại hôm nay vẫn là 21.011 đồng/USD. Các ngân hàng vẫn niêm yết giá bán USD ở kịch trần.

 

                                                                                                                                                                    Nguồn: SBV

Trong khi giá USD niêm yết tại ngân hàng không đổi, giá USD trên thị trường tự do có xu hướng giảm dần. Sáng qua, giá USD trên thị trường tự do TPHCM ở mức 21.250 - 21.280 đồng (mua vào - bán ra), giảm 40 đồng/USD so với cuối tuần trước.

So với giá bán USD niêm yết tại ngân hàng, giá USD trên thị trường tự do chỉ cao hơn khoảng 270

 

SBV/DVT.vn


 

Tin mới cập nhật