Thị trường việc làm tại Mỹ, “chim báo bão” của kinh tế thế giới

Ngày đăng : 30/11/2011 - 12:00 AM

Khối sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) nhiều khả năng đã rơi vào suy thoái nhẹ, trong khi phần còn lại của thế giới chật vật chống chọi với những “cơn gió chướng” thổi tới từ lục địa già. Nền kinh tế toàn cầu đang đối mặt với một dốc đứng mà đích đến là suy thoái, hãng tin Reuters nhận định.

 
 
Tuần trước, bức tranh kinh tế Mỹ có phần sáng hơn trong thời gian gần đây bỗng chốc lại bị phủ mờ bởi một loạt dữ liệu kinh tế cho thấy sự chuyển biến xấu, trong đó phải kể tới số liệu tăng GDP quý 3 sau điều chỉnh chỉ còn 2% từ mức 2,5% trong lần công bố sơ bộ.
 
Tiêu dùng của người Mỹ cùng hoạt động đầu tư vào sản xuất kinh doanh ở nước này trong tháng 10 đã yếu đi. Điều này cho thấy, sự phục hồi của kinh tế Mỹ còn yếu và nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn rất dễ bị tổn thương trước những cú sốc.
 
Trên bức nền u ám này, thị trường tài chính toàn cầu tiếp tục chứng kiến những sóng gió mới, khi mà các nhà lãnh đạo châu Âu chưa thể đưa ra bất kỳ giải pháp đáng tin cậy nào cho cuộc khủng hoảng nợ đã kéo dài hai năm. Các nhà làm luật Mỹ cũng rơi vào thế bế tắc trong công cuộc đi tìm biện pháp cắt giảm thâm hụt ngân sách. Niềm tin của các doanh nghiệp và người tiêu dùng bởi thế càng bị xói mòn, đe dọa triển vọng tăng trưởng kinh tế.
 
Thị trường việc làm Mỹ được xem là bức tranh thu nhỏ của những thách thức mà nền kinh tế thế giới đang đối mặt.
 
Kinh tế Mỹ đã ở trong giai đoạn hồi phục được hai năm, quãng thời gian mà lợi nhuận các doanh nghiệp tăng mạnh, nên hoạt động tuyển dụng lao động lẽ ra phải được đẩy mạnh. Tuy nhiên, thống kê việc làm tháng 11 công bố vào thứ Sáu tuần này được dự báo sẽ một lần nữa cho thấy sức khỏe kinh tế Mỹ vẫn còn yếu. Theo giới phân tích, trong tháng này, giới chủ Mỹ trong khu vực kinh tế tư nhân chỉ tuyển thêm 120.000 người, tăng so với 80.000 người trong tháng 10, nhưng vẫn dưới mức cần thiết để cải thiện triển vọng của nền kinh tế.
 
“Xu hướng này đã tồn tại suốt 5 tháng qua. Tỷ lệ thất nghiệp mắc kẹt ở mức chỉ đủ để hấp thụ một lực lượng lao động mới nhất định, nhưng không đủ để giảm đáng kể tỷ lệ thất nghiệp”, chuyên gia kinh tế Jeoff Hall thuộc công ty IFR Markets nhận xét.
 
Trên thực tế, các công ty lớn của Mỹ đang cho thấy là họ thận trọng. 
 
Tuần trước, hãng Boeing công bố kế hoạch đóng cửa một nhà máy có 2.100 công nhân viên ở Kansas để chuẩn bị trước cho việc chính phủ liên bang cắt giảm ngân sách bao gồm ngân sách quốc phòng. Cũng trong tuần trước, ngân hàng Bank of America đã bắt đầu gửi đi thông báo sa thải cho các nhân viên công nghệ. Đây là một phần trong kế hoạch cắt giảm 30.000 vị trí tại Bank of America trong một vài năm tới. Một nhà băng lớn khác của Mỹ là Wells Farrgo cũng đã rục rịch cắt giảm việc làm.
 
Hãng sản xuất thiết bị gia dụng lớn nhất thế giới Whirpool Corp thì cho biết, nhu cầu toàn cầu đang giảm xuống, bao gồm ở các thị trường có tốc độ tăng trưởng cao như châu Á và Mỹ Latin. Hãng này lên kế hoạch cắt giảm 5.000 việc làm ở Bắc Mỹ và châu Âu.
 
Ông Srinivas Thiruvadanthai, Giám đốc nghiên cứu thuộc trung tâm dự báo Jerome Levy, lo ngại các biện pháp thắt chặt chi tiêu công, từ kết thúc các dự án kích cầu đưa ra năm 2009, cắt giảm ngân sách của các thành phố và tiểu bang, cho tới khả năng chấm dứt chính sách cắt giảm thuế tuyển dụng, sẽ khiến sức chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ càng thêm yếu. Trong khi đó, tiêu dùng là hoạt động chiếm phần lớn nền kinh tế Mỹ.
 
“Rõ ràng tình hình ở châu Âu đang xấu, và các điều kiện kinh tế toàn cầu cũng xấu đi theo. Nếu người tiêu dùng Mỹ mệt mỏi, khả năng suy thoái sẽ lên cao”, ông Thiruvandanthai nói.
 
 
Kể từ cuối tháng 9 vừa qua, Levy Center đã dự báo cuộc khủng hoảng nợ châu Âu sẽ tấn công vào nước Mỹ thông qua thị trường tài chính, các nhà băng, làm suy yếu hoạt động xuất khẩu, đẩy lợi nhuận của các doanh nghiệp suy giảm và kéo kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái vào năm 2012. Tới nay, ông Thiruvandanthai vẫn chưa nhận ra lý do nào để thay đổi dự báo này. 
 
Thứ Ba tuần này, các bộ trưởng bộ tài chính châu Âu lại họp để xem xét việc tăng quy mô cho quỹ bình ổn tài chính khu vực, cơ chế mới được thiết lập 1 tháng trước như trọng tâm trong chiến lược giải quyết khủng hoảng nợ. Tuy nhiên, sự lao dốc của giá trái phiếu châu Âu đã làm giảm mạnh mức độ mở rộng mà quỹ này có khả năng đạt được, khiến giới đầu tư lo ngại cao độ về việc các chính trị gia có thể dùng quỹ bình ổn tài chính để chặn khủng hoảng.
 
Vào ngày thứ Ba, Italy sẽ phát hành 8 tỷ Euro nợ dài hạn, giữa lúc trái phiếu Italy kỳ hạn 2 năm đã có mức lợi suất trên 8%, cao hơn 1 điểm phần trăm so với mức lợi suất mà một quốc gia có nền kinh tế trì trệ có thể chịu đựng nổi. Hôm nay, Bỉ - quốc gia vừa bị hạ điểm tín nhiệm bởi Standard&Poor’s - phát hành trái phiếu trong bối cảnh lợi suất trái phiếu của nước này đã chạm mức kỷ lục.
 
Cuối tuần trước, ngân hàng Goldman Sachs cảnh báo, những khó khăn trên thị trường trái phiếu châu Âu sẽ cản trở những dòng vốn tín dụng đối với các hộ gia đình và doanh nghiệp ở đây, sau khi đã tác động xấu tới lợi nhuận của các ngân hàng như hiện nay. “Tình trạng này có thể đẩy một cuộc suy thoái vừa như chúng tôi dự báo trở thành một cuộc suy thoái sâu như hồi năm 2008-2009”, Goldman Sachs nhận định.
 
Ảnh hưởng từ sự giảm tốc ở Mỹ và châu Âu thậm chí có thể cảm nhận rõ nét ở những nền kinh tế mới nổi lớn. Brazil tuần trước đã hạ lãi suất lần thứ ba kể từ tháng 8, với mức giảm mạnh 0,5 điểm phần trăm, còn 11%.
 
Đối với nước Mỹ, dự báo về một cuộc suy thoái mới hiện vẫn chỉ là quan điểm thiểu số, mặc dù các tổ chức dự báo đều đã hạ nhận định tăng trưởng cho năm 2012. Trong lần dự báo gần nhất, Viện Tài chính Quốc tế (IFF) cho rằng, kinh tế Mỹ vẫn vững vàng trong ngắn hạn nhưng triển vọng sẽ xấu hơn sau đó. “Triển vọng kinh tế đến đầu năm 2012 sẽ kém đi. Sự kết hợp giữa sự thu hẹp mạnh của chi tieue công và ảnh hưởng từ suy thoái ở khối Eurozone có khả năng sẽ kéo lùi tăng trưởng kinh tế Mỹ”, chuyên gia kinh tế trưởng Philip Suttle của IFF nói.
 
Theo các chuyên gia kinh tế, chừng nào các nhà lãnh đạo châu Âu còn trì hoãn đưa ra một giải pháp cụ thể để cứu vãn đồng tiền chung của khu vực, thị trường tài chính thế giới sẽ còn chao đảo và triển vọng tăng trưởng còn tiếp tục u ám.
 
“Kinh tế thế giới đang trong cảnh trầy trật, với những rủi ro từ khả năng tan vỡ của khối Eurozone, hoặc một số thành viên như Hy Lạp, Italy và Tây Ban Nha phải rời khối này. Có lẽ châu Âu không còn nhiều thời gian để giải quyết những rắc rối của họ”, kinh tế gia Paul Ashworth thuộc Captial Economics nhận định.
 
Theo An Huy
VnEconomy

Họ tên :

Email :

Nội dung :

Tin cùng chủ đề

Grant Thornton: Tư nhân hết lạc quan về kinh tế Việt Nam

Ngày đăng : 29/11/2011 - 12:00 AM

Nếu như quí 2 năm nay, 53% các nhà đầu tư tư nhân được hỏi đều có cái nhìn tích cực về nền kinh tế Việt Nam, thì nay niềm tin đó đã sụt giảm. Số người có quan điểm tiêu cực theo đó cũng tăng mạnh.

 

Đây là kết quả vừa được Grant Thornton Việt Nam, công ty chuyên về kiểm toán và tư vấn doanh nghiệp đưa ra hôm 28-11 dựa trên cuộc khảo sát lần thứ 6 về quan điểm và triển vọng của lĩnh vực đầu tư tư nhân (Private Equity) tại Việt Nam. Các nhà đầu tư đã bày tỏ sự sụt giảm niềm tin đáng kể vào nền kinh tế Việt Nam và trở nên thận trọng hơn rất nhiều với sáu tháng trước đây khi nền kinh tế đang phải đối mặt với những thách thức cũng như sụt giảm tốc độ tăng trưởng GDP và chỉ số tiêu dùng (CPI) gia tăng.
 
Có 84% nhà đầu tư được hỏi đã nhân định kinh tế vĩ mô yếu kém là yếu tố quan trọng nhất gây trở ngại cho việc đầu tư vào Việt Nam của họ.
 
Nhìn nhận về triển vọng nền kinh tế Việt Nam trong 12 tháng tiếp theo, 51% nhà đầu tư tham gia cuộc khảo sát đã bộc lộ quan điểm bi quan, tăng đến 30 điểm phần trăm so với quý trước. Tỷ lệ của quan điểm tích cực theo đó cũng đã giảm sút từ 53% trong quí 2-2011 xuống còn 17%.
 
Từ đó, điều dễ hiểu là mức độ hấp dẫn đầu tư vào Việt Nam đã sụt giảm đến con số thấp nhất so với 5 cuộc khảo sát trước đó, từ 54% trong lần khảo sát gần nhất xuống 38% trong lần này. Bên cạnh đó cũng có đến 41% ý kiến phản hồi cho rằng Việt Nam hiện trở nên kém hấp dẫn hơn hoặc không hấp dẫn đầu tư.
 
Hiện chỉ có 29% nhà đầu tư có kế hoạch gia tăng đầu tư vào Việt Nam, bằng gần một nửa so với tỷ lệ 53% của cuộc khảo sát lần trước. Số nhà đầu tư có động thái “chờ đợi và quan sát", tức không có thay đổi gì cũng như giảm đầu tư cũng tăng lên, lần lượt là 43% và 27%, đều cao hơn rất nhiều so với quí 2-2011. Tỷ lệ này trước đó là 28% và 19%.
Ông Bill Hutchison, Giám đốc dịch vụ tư vấn của Grant Thornton nhận định: “Khu vực kinh tế tư nhân đóng góp gần một nửa GDP tại Việt Nam trong năm 2010. Do vậy không có gì ngạc nhiên khi các nhà đầu tư cho rằng khu vực này là nguồn cung quan trọng nhất của các thương vụ đầu tư. Tuy nhiên, triển vọng kinh doanh ảm đạm cùng với sự suy giảm về niềm tin đã khiến cho các nhà đầu tư chọn cách chờ đợi vào thời điểm này".
 
Tuy nhiên, điều bất ngờ của kết quả cuộc khảo sát là lĩnh vực bất động sản trong một số cuộc khảo sát gần đây bị đánh giá không hấp dẫn đã vượt qua giáo dục, bán lẻ vươn lên là ngành hấp dẫn đầu tư nhất trong quí này, từ 12% lên 44%. Nhưng tỷ lệ đánh giá bất động sản là ngành kém hấp dẫn nhất cũng đạt mức xấp xỉ. Kết quả này phần nào cho thấy câu chuyện lãi suất cao và sự gia tăng tài sản xấu vẫn là nỗi “ám ảnh” của nhiều nhà đầu tư.
Cuộc khảo sát lần này cũng cho thấy, tham nhũng, quan liêu tiếp tục là những yếu tố gây trở ngại cho việc đầu tư. Tuy nhiên, so với lần khảo sát trước, số người chọn câu trả lời này đều tăng mạnh, từ 31% tăng lần lượt lền 47% và 40%. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng, hệ thống luật pháp cũng vẫn nổi lên là những rào cản cho việc đầu tư vào Việt Nam của các nhà đầu tư.
 
Grant Thornton nhận định trong báo cáo: "Cùng với tham nhũng, quan liêu của chính phủ và cơ sở hạ tầng thì hệ thống luật pháp được đánh giá là một trong bốn trở ngại hàng đầu kể từ cuộc khảo sát đầu tiên của chúng tôi. Tuy nhiên, dường như vẫn chưa có bất kỳ sự cải thiện nào theo quan điểm của các nhà đầu tư vì tỷ lệ các nhà đầu tư xem xét các nhân tố này như là những rào cản đối với sự đầu tư của họ đều liên tục gia tăng qua các lần khảo sát".
 
Các nhà đầu tư đang cân nhắc sẽ đầu tư thêm vào các thị trường mới. Nổi lên là Indonesia với 40% người được hỏi chọn, 20% chọn Campuchia và 15% nhà đầu tư chọn Lào.
 
Cuộc khảo sát cho kết quả kể trên được Grant Thornton Việt Nam, một thành viên độc lập của Grant Thornton International, thực hiện vào tháng 10 vừa qua. Tham gia cuộc khảo sát là những người ra quyết định đầu tư đang hoạt động tại Việt Nam hoặc những nhà đầu tư có danh mục đầu tư tập trung vào Việt Nam. 
 

Cuộc khảo sát cho kết quả kể trên được Grant Thornton Việt Nam, một thành viên độc lập của Grant Thornton International, thực hiện vào tháng 10 vừa qua. Tham gia cuộc khảo sát là những người ra quyết định đầu tư đang hoạt động tại Việt Nam hoặc những nhà đầu tư có danh mục đầu tư tập trung vào Việt Nam.

 

Trong đó, phân nửa trong số này đến từ các quỹ đầu tư, công ty quản lý quỹ, 1/3 đến từ các công ty tư vấn, công ty luật. Số còn lại từ các công ty chứng khoán và là nhà đầu tư định chế.

 
 Theo Minh Tâm

TBKTSG


Khoản lỗ 1.800 tỷ và 'vở kịch' tại Petrolimex

Ngày đăng : 29/11/2011 - 12:00 AM

Nếu như trong cùng một Petrolimex, người dân đã không thể hiểu được DN này thực chất lỗ hay lãi, thì trong cùng Bộ Công Thương, hình như lại tồn tại mâu thuẫn lớn khi vào tháng 9/2011, ông Tú thứ trưởng khẳng định Petrolimex lỗ; còn vào tháng 11/2011, ông Hoàng bộ trưởng lại khẳng định Petrolimex lãi.

                                                            

Không bất ngờ

Đã không có bất ngờ nào từ kết quả kiểm toán đối với Petrolimex của Deloitte mà Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ công bố trước Quốc hội vào ngày 25/11/2011.

Kết quả kiểm toán của Deloitte phản ánh trên báo cáo tài chính của Petrolimex qua các năm 2008, 2009, 2010 đều có lãi. Năm 2008, kinh doanh xăng dầu lãi 642 tỷ đồng, các hoạt động khác lãi 376 tỷ đồng, tổng hợp chung lãi 1.018 tỷ đồng. Sang năm 2009, kinh doanh xăng dầu lãi 2.660 tỷ đồng, các hoạt động khác lãi 557 tỷ đồng, tổng hợp chung lãi 3.217 tỷ đồng. Đến năm 2010, kinh doanh xăng dầu lỗ 172 tỷ đồng; các hoạt động khác lãi 486 tỷ đồng; tổng hợp chung lãi 81 tỷ đồng.

Riêng 6 tháng đầu năm 2011, Petrolimex (gồm văn phòng tổng công ty và 42 công ty công ty thành viên) kinh doanh xăng dầu lỗ 1.840 tỷ đồng.

Sau khi rà soát bước đầu về kết quả kinh doanh của Petrolimex, Bộ Tài chính "xét thấy nếu không có những nguyên nhân chủ quan như việc Petrolimex chi trả thù lao cho đại lý, tổng đại lý vượt chi phí kinh doanh định mức theo quy định và nguyên nhân khách quan là tỷ giá ngoại tệ tăng thì kinh doanh xăng dầu không lỗ lớn".

Kịch tính!

Nhưng điều bất ngờ là cũng trong cuộc họp Quốc hội trên, ngay sau phần trả lời của bộ trưởng Vương Đình Huệ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng lại đưa ra một thông tin khá khác biệt. Theo ông Hoàng, khi tiến hành cổ phần hóa, theo quy định Petrolimex phải công khai tất cả kết quả sản xuất kinh doanh. Theo đó, trong ba năm từ 2008-2010, tính về tổng thể, doanh nghiệp này có lãi, nhưng riêng kinh doanh xăng dầu bị lỗ. Tuy nhiên do doanh nghiệp này không giải thích cặn kẽ, chi tiết nên đã khiến dư luận hiểu nhầm rằng kinh doanh xăng dầu có lãi.
Vvì sao lại có sự tréo ngoe về số liệu trong cùng một Petrolimex?

Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng đã "thuyết minh" rất chính xác về  việc Petrolimex "có lãi" khi tiến hành cổ phần hóa. Sự chính xác này dựa trên bản cáo bạch của Petrolimex (bản phục vụ cho quá trình cổ phần hóa): năm 2008 doanh nghiệp này lãi hơn 913 tỷ đồng, năm 2009 lãi 2.880 tỷ đồng, năm 2010 lãi 81 tỷ đồng, và năm 2011 dự kiến lãi cả năm khoảng 598 tỷ đồng.

Tuy nhiên, bản cáo bạch và do đó cả "thuyết minh" của ông Hoàng lại chỉ có giá trị đến tháng... 7/2011, tức thời điểm đưa ra bản cáo bạch.

Còn vào gần cuối tháng 9/2011, trong một cuộc hội thảo về cơ chế kinh doanh xăng dầu, do Bộ Tài chính tổ chức tại Hà Nội, lãnh đạo của Petrolimex lại đưa ra những thông tin hoàn toàn trái ngược bản cáo bạch cổ phần hóa: từ năm 2006 đến nay, doanh nghiệp này đã lỗ mỗi năm hàng trăm tỷ đồng trong hoạt động kinh doanh xăng dầu, trong đó đỉnh điểm là năm 2008 lỗ đến 10.700 tỷ đồng. Riêng năm 2011, tính đến cuối tháng 8, doanh nghiệp này đã lỗ tới 1.800 tỷ đồng, ước tính 9 tháng lỗ khoảng 2.000 tỷ đồng.

Cần lưu ý rằng thời điểm cuộc hội thảo trên diễn ra vào lúc Bộ Tài chính chưa có quyết định thành lập các tổ kiểm tra tài chính tại Petrolimex. Có thể đó là lý do mà lãnh đạo Petrolimex đã chưa thể hình dung ra việc sẽ có một sự khác biệt quá lớn từ kết quả cuộc kiểm toán của Deloitte, cho thấy giữa "đỉnh điểm là năm 2008 lỗ đến 10.700 tỷ đồng" theo công bố của Petrolimex với "năm 2008, kinh doanh xăng dầu lãi 642 tỷ đồng, các hoạt động khác lãi 376 tỷ đồng, tổng hợp chung lãi 1.018 tỷ đồng" theo kiểm toán của Deloitte là khác nhau một trời một vực.

Nhưng vì sao lại có sự tréo ngoe về số liệu trong cùng một Petrolimex như thế?

Phục dựng "vở kịch" Petrolimex

Theo tường thuật của báo Tuổi Trẻ, cũng trong cuộc hội thảo trên, khi thấy ông Bùi Ngọc Bảo - Chủ tịch HĐQT Petrolimex - nhắc nhiều đến chuyện lỗ lã, ông Vương Đình Huệ đã phải ngắt lời, yêu cầu nêu rõ năm 2011 lỗ bao nhiêu, từng mặt hàng lỗ lãi như thế nào. Là người am hiểu về ngành tài chính, ông Huệ cũng đặt câu hỏi trực tiếp về lý do lỗ: Petrolimex đã thực hiện chiết khấu cho đại lý đúng quy định chưa?

Ông Bảo chưa kịp trả lời thì ông Nguyễn Cẩm Tú - Thứ trưởng Bộ Công thương, có mặt với tư cách khách mời, đã chen ngang cho rằng: "Các định mức cho chi phí kinh doanh xăng dầu đã quá cũ". Giữa tiếng ồn ào của những lời phát biểu chen ngang, ông Huệ truy vấn: "Thực chất từng mặt hàng xăng dầu lãi lỗ thế nào?". Ông Bảo khẳng định: "Chúng tôi không tách ra từng mặt hàng giá lỗ lại bao nhiêu mà tính tổng thể".

"Tại sao lại không thể hạch toán riêng? Vậy các anh tính toán thế nào để nói lỗ" - ông Huệ truy vấn tiếp và phê phán việc Petrolimex không thể nói lời lỗ từng mặt hàng là không thể chấp nhận được. "Không thể hạch toán từng mặt hàng thì tôi không biết quản trị các anh thế nào...? Chúng tôi sẽ yêu cầu báo cáo từng mặt hàng một chứ không có chuyện không biết lời lỗ từng mặt hàng" - ông Huệ bức xúc và khẳng định.

Trong buổi hội thảo trên, cần ghi nhận một nhân tố đặc biệt là Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú đã tỏ ra rất nhiệt tình bảo vệ cho quan điểm "lỗ" của Petrolimex: "Phải giải quyết cái gốc là doanh nghiệp đang lỗ rất lớn. Nếu không giải quyết được vấn đề này thì đừng hòng giải quyết được các vấn đề khác. Tôi đề nghị phải dùng đầu nhiều hơn dùng tay chân, nghĩa là bớt đi biện pháp hành chính, từng bước tăng giá, như thế bớt phải hội thảo".

Nếu như trong cùng một Petrolimex, người dân đã không thể hiểu được doanh nghiệp này thực chất lỗ hay lãi, thì trong cùng Bộ Công Thương, hình như lại tồn tại mâu thuẫn lớn khi vào tháng 9/2011, ông Tú thứ trưởng khẳng định Petrolimex lỗ; còn vào tháng 11/2011, ông Hoàng bộ trưởng lại khẳng định Petrolimex có lãi về tổng thể theo... bản cáo bạch cổ phần hóa. Phải chăng đó là tư tưởng "dùng đầu nhiều hơn dùng tay chân"?

Vậy thực chất vấn đề của Petrolimex và Petrolimex - Bộ Công Thương là như thế nào?

Kết thúc cuội hội thảo về cơ chế kinh doanh xăng dầu đề cập ở trên, ông Huệ đanh thép: "Nếu cần công bố gian lận, tôi sẽ công bố các gian lận".

 

Viết Lê Quân

vef.vn
 


Kinh tế tháng 11: Xuất khẩu vượt trội, nhập siêu giảm mạnh

Ngày đăng : 29/11/2011 - 12:00 AM

Một trong những điểm sáng của bức tranh kinh tế nước ta trong tháng 11 cũng như tính chung 11 tháng qua là xuất khẩu đạt được sự vượt trội. Cùng với đó là nhập siêu giảm mạnh.

 

 

Theo công bố của Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu tháng 11/2011 ước đạt 8,6 tỷ USD; tính chung 11 tháng ước đạt trên 87,16 tỷ USD và là mức cao nhất từ trước tới nay.

Bình quân xuất khẩu 1 tháng đạt 7,92 tỷ USD. Nếu tháng 12 đạt bằng với mức bình quân trên, thì cả năm sẽ đạt 95 tỷ USD, cũng là mức cao nhất từ trước tới nay, tăng 23 tỷ USD so với kỷ lục đạt được trong năm 2010.

Tỷ lệ xuất khẩu/GDP lần đầu tiên vượt qua mức 80%, vượt xa so với kỷ lục 70,9% của năm trước. Nếu cộng với khoảng 105 tỷ USD ước nhập khẩu cả năm thì tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả năm 2011 ước đạt 200 tỷ USD, bằng khoảng 172% GDP, vượt xa so với tỷ lệ 154,4% của năm trước, vượt tỷ lệ kỷ lục 160,1% đã đạt được trong năm 2008, đứng thứ 5 thế giới.

 

Điều này thể hiện độ mở cao của nền kinh tế Việt Nam. Mức xuất khẩu bình quân đầu người ước đạt 1.082 USD, cũng vượt xa so với mức kỷ lục  830,6 USD của năm 2010.

Về tốc độ tăng của xuất khẩu, 11 tháng đã tăng 34,7%, ước cả năm tăng 31,6% là tốc độ cao nhất từ năm 1997 đến nay, cao gấp trên 3 lần tốc độ tăng theo mục tiêu.

Sự vượt trội của xuất khẩu có phần đóng góp của các nhóm mặt hàng, của cả lượng và giá, của các thị trường xuất khẩu.

Mới qua 11 tháng đã có 20 mặt hàng đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, tăng 3 mặt hàng so với cùng kỳ năm trước. Có 11 mặt hàng đạt trên 2 tỷ USD, tăng 1 mặt hàng. Đặc biệt có 5 mặt hàng đã đạt trên 4 tỷ USD (dệt may, dầu thô, giày dép, thủy sản, điện thoại các loại và linh kiện).

Xuất khẩu tăng còn do một số yếu tố khác. Có yếu tố về nguồn hàng tăng, nhất là nông, lâm- thủy sản (cà phê, hạt tiêu, gạo, cao su, gỗ và sản phẩm gỗ), dầu thô, xăng dầu, hàng thủ công mỹ nghệ, dệt may, giày dép, phương tiện vận tải, điện thoại các loại,… Có yếu tố là việc cung cấp vốn cho lĩnh vực sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ trong những tháng gần đây được ưu tiên hơn cả về lượng vốn, cả về lãi suất. Có yếu tố do tỷ giá VND/USD tăng mạnh vào tháng 2, tháng 10, đã góp phần khuyến khích xuất khẩu, kiềm chế nhập khẩu,…

Về nhập khẩu, tháng 11 ước đạt 9,3 tỷ USD; tính chung 11 tháng, tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 96,07 tỷ USD, tăng 26,4% so với cùng kỳ năm trước.

Cùng với tốc độ tăng của xuất khẩu cao hơn của nhập khẩu,  nhập siêu đã giảm cả về kim ngạch tuyệt đối, cả về tỷ lệ nhập siêu. Nhập siêu đã giảm từ 1,5 tỷ USD trong tháng 9 xuống còn 0,75 tỷ USD trong tháng 10 và còn 0,7 tỷ USD trong tháng 11. Tính chung 11 tháng so với cùng kỳ năm 2010, nhập siêu đã giảm cả về quy mô tuyệt đối (8,9 tỷ USD so với 11,29 tỷ USD), cả về tỷ lệ so với xuất khẩu (10,2% so với 17,4%).

Nếu “tiến độ” này được duy trì, thì cả năm xuất khẩu sẽ đạt 95 tỷ USD, nhập khẩu sẽ đạt khoảng 105 tỷ USD và nhập siêu sẽ ở mức 10 tỷ USD, thấp nhất so với 4 năm trước đó (năm 2007 là 14,2 tỷ USD, năm 2008 là 18 tỷ USD, năm 2009 là 12,9 tỷ USD, năm 2010 là 12,6 tỷ USD); tỷ lệ nhập siêu cũng sẽ ở mức 10,5%, thấp nhất so với 10 năm trước đó, vừa thấp hơn chỉ tiêu kế hoạch theo Nghị quyết của Quốc hội (18%) và chỉ tiêu phấn đấu của Chính phủ (16%). Đây cũng là tín hiệu khả quan để thực hiện mục tiêu đề ra cho năm 2012 (11,5- 12%).

Sự giảm xuống và còn ở mức thấp của nhập siêu được các chuyên gia lý giải bằng nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân quan trọng nhất là do xuất khẩu đạt được nhiều sự vượt trội cả về quy mô xuất khẩu; cả về tốc độ tăng so với năm trước; cả về tỷ lệ xuất khẩu so với GDP; cả ở khu vực kinh tế trong nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài; cả ở lượng và giá cả các mặt hàng chủ yếu; ở cả các thị trường xuất khẩu như đã phân tích ở trên.

Trong khi đó, nhập khẩu thời gian qua tăng thấp hơn xuất khẩu do nhiều yếu tố. Có yếu tố do tỷ giá VND/USD tăng như đã nêu ở trên, có yếu tố do sự hưởng ứng cuộc vận động “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, có yếu tố do tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (đã loại trừ yếu tố giá) 11 tháng tăng thấp so với tốc độ tăng của cùng kỳ năm trước (tăng 4,1% so với tăng 14,7%)…

Tuy nhiên có một vấn đề đáng lưu ý cần được cảnh báo mà gần đây các chuyên gia đề cập, đó là do sản xuất trong nước có xu hướng tăng chậm lại, khiến việc nhập khẩu nguyên, nhiên, vật liệu bị chậm lại theo, chẳng hạn tốc độ tăng của sản xuất công nghiệp so với cùng kỳ năm trước có xu hướng chậm lại (ước 6 tháng tăng 9,7%, ước 9 tháng tăng 7,8%, ước 11 tháng tăng 6,9%)… Vì vậy, trong điều hành vĩ mô cần ưu tiên vốn cả về lượng, cả về lãi suất cho sản xuất, đặc biệt là sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ để vừa tăng trưởng kinh tế, vừa giảm nhập siêu một cách bền vững.

 

Lâm Ngọc

Chinhphu.vn


 


Hà Nội hỗ trợ 0,2%/tháng lãi suất sau đầu tư cho các doanh nghiệp

Ngày đăng : 29/11/2011 - 12:00 AM

Đối tượng được hỗ trợ là doanh nghiệp sản xuất sản phẩm chủ lực, sản xuất nông nghiệp, chế biến nông sản, sản xuất hàng thay thế nhập khẩu...

 

 

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu vừa ký quyết định về hỗ trợ lãi suất sau đầu tư cho các doanh nghiệp của thành phố Hà Nội năm 2011.

Theo đó, trong năm 2011, ngân sách Thành phố hỗ trợ lãi suất sau đầu tư đối với các khoản vay trung và dài hạn (từ 1 năm trở lên) bằng VNĐ cho các doanh nghiệp có trụ sở chính tại Hà Nội, sử dụng nguồn vốn vay của các tổ chức tín dụng để thực hiện dự án đầu tư mới, đầu tư chiều sâu, mở rộng dự án, đổi mới kỹ thuật, công nghệ, thiết bị trên địa bàn Hà Nội thuộc một số lĩnh vực.

Đối tượng được hỗ trợ là các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm được thành phố công nhận là sản phẩm công nghiệp chủ lực;doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp, chế biến hàng nông sản thực phẩm.

Ngoài ra, các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm thay thế hàng nhập khẩu, có doanh thu năm 2010 đạt tối thiểu 300 tỷ đồng; các doanh nghiệp có sử dụng trên 1.000 lao động (theo danh sách đóng bảo hiểm xã hội, không tính số lao động thuộc các doanh nghiệp khác trong hệ thống công ty mẹ).

Mức lãi suất hỗ trợ là 0,2%/tháng (tương đương 2,4%/năm), tính trên số tiền vay và thời hạn cho vay thực tế theo quy định.

Các dự án đầu tư của các đối tượng nêu trên đã được hưởng các chính sách ưu đãi đầu tư (về cả vốn vay và hỗ trợ lãi suất tiền vay) theo các quyết định khác do chính phủ hoặc UBND thành phố Hà Nội ban hành không thuộc đối tượng áp dụng của quy định này.

Thành phố cũng quy định cụ thể về điều kiện để các doanh nghiệp được hưởng hỗ trợ lãi suất sau đầu tư, hồ sơ đề nghị hỗ trợ lãi suất sau đầu tư cũng như trách nhiệm của các đơn vị có liên quan.



 DVT.vn
 


Tóm lại thì Petrolimex lỗ hay lãi?

Ngày đăng : 29/11/2011 - 12:00 AM

Thực chất Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đang lỗ hay lãi, nếu lãi thì tại sao nhiều năm nhà nước phải bù lỗ, nếu lỗ thì tại sao vừa qua Petrolimex lại báo lãi?

 

 

Đây là câu hỏi được Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, đại biểu Đỗ Mạnh Hùng, gửi đến Bộ Công Thương từ giữa kỳ họp Quốc hội thứ hai, vừa bế mạc cuối tuần qua.

Và cho đến tận trưa 29/11, đại biểu Hùng cho biết, ông vẫn đang chờ câu trả lời của Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, trong khi các chất vấn bằng văn bản thường được trả lời (cũng bằng văn bản) đại biểu ngay khi kỳ họp đang diễn ra.

Tại phiên trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ (có sự tham gia trả lời của Bộ trưởng Bộ Công Thương) chiều 24/11 vừa qua, điều hành giá xăng dầu và chuyện lỗ, lãi của Petrolimex cũng là vấn đề rất nóng.

Đầu tiên, Bộ trưởng Huệ cho biết các năm 2008, 2009, 2010 Petrolimex đều có lãi cả.

Sau đó, Bộ trưởng Hoàng khẳng định: các năm này là lãi, nhưng nếu nói riêng về kinh doanh xăng dầu thì là lỗ.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị Bộ trưởng Huệ có ý kiến thêm.

Bộ trưởng Huệ cho biết, theo số liệu kiểm toán của công ty kiểm toán Deloitte là chỉ có năm 2010, mảng kinh doanh xăng dầu của Petrolimex bị lỗ, và số lỗ đó là 219 tỷ đồng.

Sau khi Bộ trưởng Huệ đăng đàn trả lời chất vấn một ngày, ngày 25/11/2011, Bộ Tài chính đã có Công văn số 16098/BTC-VP gửi các cơ quan thông tấn, báo chí về việc thông tin điều hành giá mặt hàng điện, xăng dầu.

Công văn nêu rõ: theo báo cáo kết quả kiểm toán của Deloitte thì kết quả kinh doanh phản ánh trên báo cáo tài chính của Petrolimex qua các năm 2008, 2009, 2010 đều có lãi, cụ thể:

Năm 2008: kinh doanh xăng dầu lãi 642 tỷ đồng; các hoạt động khác lãi 376 tỷ đồng; tổng hợp chung lãi 1.018 tỷ đồng.

Năm 2009: kinh doanh xăng dầu lãi 2.660 tỷ đồng; các hoạt động khác lãi 557 tỷ đồng; tổng hợp chung lãi 3.217 tỷ đồng.
 
Năm 2010: kinh doanh xăng dầu lỗ 172 tỷ đồng; các hoạt động khác lãi 486 tỷ đồng; tổng hợp chung lãi 81 tỷ đồng.
 
Về tình hình sản xuất kinh doanh năm 2011: theo báo cáo quyết toán hợp nhất 6 tháng đầu năm 2011 của Petrolimex (gồm văn phòng tổng công ty và 42 công ty công ty thành viên), kinh doanh xăng dầu lỗ 1.840 tỷ đồng.

Sau công văn này, câu chuyện lỗ, lãi của Petrolimex lại một phen ồn ào trên một số phương tiện thông tin đại chúng.

Và, chất vấn của đại biểu Hùng lại càng thêm khó trả lời, khi lỗ hay lãi trong kinh doanh xăng dầu chưa có sự thống nhất trong thông tin từ các bộ trưởng.

Bởi vậy, dù đang tiếp xúc cử tri sau kỳ họp Quốc hội thứ hai, đại biểu Đỗ Mạnh Hùng vẫn cho biết ông đang chờ thông tin chính thức từ Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng và muốn có trong tay báo cáo kết quả kiểm toán.

Bởi, điều hành giá xăng dầu luôn nằm ở tâm điểm những bức xúc của cử tri. Và cử tri chỉ có thể thông qua người đại diện cho mình để chất vấn các thành viên Chính phủ.

Khi đại biểu còn đợi câu trả lời, cũng có nghĩa là Chính phủ vẫn đang nợ cử tri. 

 

Theo Nguyên Thảo

VnEconomy


 

Tin mới cập nhật