Chỉ số VN30 là một sự tụt lùi của TTCK Việt Nam (Phần 1)
Thời gian qua, các nhà phân tích đã tốn nhiều giấy mực nói về chỉ số VN30 sẽ chính thức ra mắt từ ngày 6/2/2012. Nhiều nhà đầu tư, nhà phân tích thậm chí còn cho rằng khi chỉ số VN30 ra mắt, thị trường sẽ tăng trưởng mạnh mẽ và các cổ phiếu trong rổ lựa chọn sẽ được lợi. Quả thực đây là quan điểm hết sức sai lầm.
Theo ý kiến của các cơ quan quản lý cũng như một số chuyên gia (bao gồm cả những thành viên tham gia xây dựng chỉ số VN30):
- Mục tiêu đưa ra chỉ số VN30 với mục đích phản ánh chính xác hơn quan hệ cung cầu của thị trường.
- Thực hiện chọn lọc rổ cổ phiếu VN30 dựa trên tiêu chí quy mô vốn hoá làm đại diện. Bởi công thức tính chỉ số VNIndex đang mất cân đối do một số ít cổ phiếu, chúng ta quen gọi là Tứ trụ (VNM, MSN, BVH, VIC + VPL) chi phối.
Tuy nhiên, MMS xin đưa ra một số quan điểm mang tính tổng quan hơn như sau:
1. Theo chủ trương về việc tái cấu trúc TTCK của Chính Phủ, trong đó có một nội dung là tái cấu trúc hàng hoá trên thị trường, điều này được hiểu là cần thực hiện triệt để việc sàng lọc, tiêu chuẩn hoá hàng hoá, mà ở đây được hiểu là chính các doanh nghiệp niêm yết. Do vậy, nếu thực sự muốn tạo ra/thay đổi chỉ số mới thì vấn đề khởi nguồn, cũng như quan trọng nhất là cấu trúc từ hàng hoá, chứ không phải sửa đổi/tạo mới một chỉ số thay thế. Giải pháp này đồng nghĩa là một giải pháp mang tính tình thế, nhưng không mang tính chiều sâu. Cụ thể như sau:
Trong thời gian 11 năm phát triển của thị trường chứng khoán, đặc biệt 2 năm trở lại đây, do ảnh hưởng của khủng hoảng nói chung, hàng hoá trên thị trường cũng có những biến đổi rất khác biệt.
Thứ nhất, số lượng cổ phiếu niêm yết tăng quá nhanh, nhiều cổ phiếu niêm yết có hiệu quả kinh doanh thấp, quy mô nhỏ, tình trạng “làm giá” cổ phiếu nhỏ diễn ra mạnh mẽ trong năm thời kỳ 2009-2010. Sau quá trình suy giảm mạnh của thị trường, các cổ phiếu nhỏ dần bị lãng quên hoặc giảm giá mạnh (do giải chấp, do các hậu quả của việc “làm giá”, do công ty làm ăn kém hiệu quả), khiến nhiều cổ phiếu đối mặt với phá sản, huỷ niêm yết… và giảm giá rất mạnh, còn 2-3.000đ/CP hoặc thấp hơn. Tình trạng nhiều cổ phiếu chỉ giảm giá hoặc không có giao dịch trong cả phiên diễn ra phổ biến.
Chính điều này khiến hiện nay, quy mô vốn hoá của các cổ phiếu có sự chênh lệnh “khủng”, có cổ phiếu quy mô vốn hoá cả tỷ USD, có công ty vỏn vẹn 1-2 triệu USD. Điều này gây nên sự mất cân xứng lớn giữa hàng hoá trên thị trường.
Thứ hai, các doanh nghiệp niêm yết nói chung đang có sự chênh lệch lớn về nhận thức, ý thức tuân thủ, nghiệp vụ về huy động vốn, trách nhiệm với cổ đông … mà chúng ta có thể gọi chung là “năng lực vận hành trên thị trường chứng khoán”. MMS chia hàng hoá trên thị trường thành 02 nhóm chính như sau:
- Các doanh nghiệp nhà nước chi phối, hầu hết là các doanh nghiệp lớn có thương hiệu, hoạt động quy mô, tiềm lực và hoạt bài bản cũng như bắt buộc phải tuân thủ quy định luôn thực hiện tốt công tác về thị trường (VNM, DPM, PVD, VCB, CTG…), điều đó cũng thể hiện ở hiệu quả kinh doanh, quy mô giao dịch, mức giá .v.v. luôn được đánh giá cao. Không loại trừ một vài doanh nghiệp thuộc ngành bị ảnh hưởng nhiều, tuy nhiên cũng có nhiều những vấn đề trong kinh doanh là thiếu ổn định và vướng nhiều vào các vụ việc thanh kiểm tra… nên hậu quả là cổ phiếu suy giảm mạnh, giá cổ phiếu dưới mệnh giá.
- Các doanh nghiệp Tư nhân. Có rất nhiều vấn đề xoay quanh nhóm doanh nghiệp này, tuy nhiên cũng thẳng thắn thừa nhận rằng các cổ phiếu này một thời đã thành công do thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư, một số doanh nghiệp đã thu hút được lượng vốn lớn thông qua huy động vốn từ các đợt phát hành. Nhưng vấn đề mang tính nổi cộm ở nhóm các doanh nghiệp này là sự tập trung trong cơ cấu cổ đông. Nhiều nhà phân tích cho rằng vị chủ tịch và các cá nhân “đại diện hộ” này nắm tới trên 90% lượng cổ phiếu, và mua bán qua lại cổ phiếu để tạo thanh khoản, đẩy giá cổ phiếu để thực hiện các mục đích khác (cầm cố cổ phiếu, tìm kiếm đối tác để huy động thông qua phát hành….). Qua thời gian, các doanh nghiệp có tầm nhìn, tiềm lực (các công ty bất động sản lớn, ngân hàng…), hoạt động niêm yết có mục đích dài hạn, tuân thủ tốt các quy định của pháp luật và cổ phiếu không bị tăng quá quá ảo vẫn được các Quỹ đầu tư, nhà đầu tư quan tâm và giữ được mặt bằng hợp lý. Ngược lại, các doanh nghiệp tư nhân nhỏ, dễ thao túng, với sự suy giảm của thị trường chứng khoán, thiệt hại của tất cả các cổ đông, nhà đầu tư tham gia trong suốt thời gian qua khiến nhà đầu tư ngày càng rút lui, tránh xa. Điều đó gián tiếp ảnh hưởng nhiều tới thương hiệu, uy tín kinh doanh của doanh nghiệp, hạn chế quá trình huy động vốn, doanh nghiệp vì thế mà kinh doanh kém hiệu quả (chưa kể nhiều doanh nghiệp niêm yết mang nhiều mục đích đầu cơ, thu lợi thì hậu quả trở nên khó lường), rồi dẫn tới nhiều biểu hiện tiêu cực và đáng tiếc như các vụ việc làm giá, thao túng, vi phạm giao dịch, thiếu minh bạch thông tin, chậm trễ các báo cáo, tình trạng kinh doanh ngày càng thua lỗ (nhiều doanh nghiệp hiện đang có tình trạng báo động khi liên tiếp lỗ hoặc lãi “hình thức” - theo sơ bộ, số doanh nghiệp báo lỗ Quý IV/2011 gia tăng rất mạnh, có thể chiếm 50% số lượng doanh nghiệp niêm yết). Theo quan sát của MMS, nhiều doanh nghiệp sẽ gần như không bao giờ có thể phục hồi kể các hoạt động kinh doanh và hình ảnh, giao dịch, giá của cổ phiếu.
Hai nội dung nêu trên chính là để khẳng định một thực tế rất rõ ràng, đó là sự chênh lệch lớn “năng lực vận hành trên thị trường chứng khoán”. Và thị trường bị phân cực lớn dẫn tới sự chênh lệch về quy mô vốn hoá, về sự hấp dẫn của nhà đầu tư, khiến cho thị trường bị méo mó, mất cân đối.
Khi nghiên cứu các thị trường chứng khoán của các nước phát triển, MMS lấy điển hình Sở giao dịch chứng khoán NewYork làm chuẩn mực. Có thể thấy, việc lập chỉ số VN30 của Việt Nam cũng chẳng khác gì một việc “bắt chước hài hước”.
Ngay khi vào Website của Sở Giao dịch chứng khoán NewYork, chúng tôi không dám đặt ra câu hỏi giữa Website này và Website của SGDCK TP.HCM, Website nào có trước?
Đây là Website của Sở Giao dịch chứng khoán NewYork: http://www.nyse.com và đây là Website của SGDCK TP.HCM: http://www.hsx.vn
Cấu trúc của Chỉ số Dow Jones như chúng ta cũng biết ngày nay là gồm có 30 doanh nghiệp và chỉ số VN30 của Việt Nam cũng được xác lập như vậy.
Câu hỏi tại Phần 1 của bài viết này là việc quan trọng nhất thì chúng ta bỏ quên (tái cấu trúc hàng hoá, hàng hoá quyết định chỉ số và chất lượng giao dịch, quyết định nhu cầu đầu tư của mọi thành phần nhà đầu tư thì không thực hiện), mà lại tập trung vào giải pháp tình thế, có ý học tập kinh nghiệm của thế giới nhưng không bài bản, thiếu căn cứ. Tại Phần 2 của bài viết, chúng tôi sẽ phân tích cụ thể nhiều nội dung liên quan.
Theo MMS