Những diễn biến về tình hình chính trị tại châu Âu với tâm điểm là vấn đề thành lập chính phủ mới ở Hy Lạp, đang trở thành nút thắt lớn đối với tương lai các sàn giao dịch hàng hóa, tài chính, chứng khoán thế giới. Sự thiếu rõ ràng này đã đẩy giá vàng thế giới đêm qua (8/5) xuống mức thấp nhất kể từ đầu 2012.
Chốt phiên giao dịch ngày 8/5, giá vàng giao tháng 6 tại bộ phận Comex của sàn New York đã tuột giảm tới 34,60 USD, tương ứng 2,1%, xuống còn 1.604,50 USD/ounce. Đầu ngày, giá vàng còn xuyên thủng ngưỡng 1.600 USSD, rơi xuống vùng 1.595,50 USD/ounce, mức giá thấp nhất kể từ ngày 3/1, ngày giao dịch đầu tiên trong năm 2012.
Hôm qua (8/5), Tổng thống Hy Lạp Karolos Papoulias đã ủy thác cho Liên minh cánh tả Syriza thành lập chính phủ mới trong ba ngày tới. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, Syriza khó có khả năng thành lập chính phủ mới. Trước đó, đảng Dân chủ mới (về nhất trong bầu cử) cũng đã thừa nhận thất bại tương tự và trao cho tổng thống quyền ủy thác.
Nguyên nhân khiến Hy Lạp rơi vào vòng xoáy bất ổn hiện nay là bởi các đảng phái chính trị thiếu sự đồng thuận trong việc thực hiện hai mục tiêu là giữ Hy Lạp trong Eurozone và thương lượng lại các điều khoản thắt lưng buộc bụng. Nếu Liên minh cánh tả Syriza thất bại, quyền thành lập chính phủ mới tại Hy Lạp sẽ thuộc về đảng Xã hội (Pasok).
Những bất ổn chính trị tại Hy Lạp đã làm tăng thêm những nghi ngại của nhà đầu tư về vấn đề Hy Lạp liệu còn được tiếp tục cứu trợ hay không và rằng nguy cơ cuộc khủng hoảng nợ công tại châu Âu đã leo thang tới mức khó có thể kiểm soát, và từ đó tác động mạnh lên các thị trường tài chính trong khu vực này cũng như trên phạm vi toàn cầu.
Thêm vào đó, sự thắng thế của ứng viên đảng Xã hội Francois Hollande trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp cũng gây tác động không nhỏ tới tâm lý đầu tư. Giới phân tích cho biết, với quan điểm chống thắt lưng buộc bụng của ông Hollande và tình hình Hy Lạp, lãnh đạo châu Âu khó có thể tìm được hàng tỷ Euro để giải quyết vấn đề khủng hoảng nợ.
Chỉ số USD, thước đo giá trị đồng bạc xanh so với rổ 6 loại tiền tệ chủ chốt khác, đã vọt lên ngưỡng cao mới 79,728 điểm, so với mức 79,611 điểm cuối phiên giao dịch liền trước 7/5 ở khu vực Bắc Mỹ. Việc đồng USD tăng giá mạnh đã phản ánh rõ ràng sự bất an của nhà đầu tư trước nguy cơ vàng không còn là kênh trú ẩn an toàn như trước.
Tuy vậy, theo một số chuyên gia phân tích, giá vàng vẫn có nhiều cơ hội giành lại những gì đã mất nhờ nhu cầu vật lý tại Trung Quốc và Ấn Độ sẽ tăng mạnh lên trong vài tuần tới. Hiện mức tiêu thụ ảm đạm của thị trường Ấn Độ đang góp phần làm suy yếu giá vàng, nhưng xu hướng này sẽ sớm đảo chiều và kéo giá vàng trở lại quỹ đạo tăng giá.
Cùng đi xuống với giá vàng, đêm 8/5, giá bạc giao tháng 7 hạ 66 cent, tương ứng 2,2%, xuống 29,46 USD/ounce. Đây là lần đầu tiên, giá kim loại bạc đóng cửa dưới mức 30 USD kể từ phiên giao dịch chính thức đầu năm 2012. Bạch kim giảm 21,80 USD xuống 1.508,3 USD/ounce. Palladium hạ 24,95 USD xuống còn 622,85 USD mỗi ounce.
Dầu thô giảm giá phiên thứ 5
Tương tự như thị trường kim loại quý chịu tác động bởi tình hình chính trị châu Âu, giá dầu thô thế giới đêm qua tiếp tục chìm sâu phiên thứ 5 liên tiếp. Chốt ngày, giá dầu thô ngọt, nhẹ tại sàn hàng hóa New York đã giảm 93 cent, tương ứng 1%, xuống 97,01 USD/thùng. Mức giá thấp nhất trong ngày của dầu kỳ hạn loại này là 95,52 USD/thùng.
Với 5 phiên giảm giá liên tục vừa qua, giá dầu thô quốc tế hiện đã bốc hơi 8,6%, xuống mức thấp nhất kể từ đầu tháng 2 tới nay. Ngoài yếu tố bất ổn chính trị ở châu Âu, theo giới phân tích kinh tế quốc tế, thị trường dầu còn chịu ảnh hưởng bởi những dư chấn từ báo cáo việc làm của Mỹ được công bố từ cuối tuần giao dịch trước.
Thêm vào đó, sản lượng dầu thế giới tăng mạnh cũng tác động làm suy yếu giá dầu. Bộ trưởng Bộ Dầu mỏ Saudi Arabia cho biết, nước này đã bơm ra thị trường khoảng 10 triệu thùng mỗi ngày, gần bằng mức cung dầu cao nhất trong nhiều thập kỷ, và trữ 80 triệu thùng trong trường hợp có bất kỳ sự gián đoạn nào trong nguồn cung.
Tuy nhiên, ngược chiều với dầu thô, kết thúc phiên 8/5, giá các mặt hàng năng lượng khác đều đi lên khá mạnh. Cụ thể, giá xăng giao tháng 6 tăng 2 cent, tương ứng 0,7%, lên 2,99 USD/gallon. Dầu sưởi giao tháng 6 tăng nhẹ 0,3% lên 2,99 USD/gallon. Khí tự nhiên giao cùng kỳ hạn tăng 6 cent, tương ứng 2,4%, lên 2,39 USD/ triệu BTU.
Hôm qua, trong báo cáo hàng tháng mang tên "Triển vọng năng lượng ngắn hạn", Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ đã hạ dự báo giá xăng bán lẻ trong mùa hè năm nay. Theo đó, giá xăng bán lẻ giai đoạn từ tháng 4 tới tháng 9 ở Mỹ sẽ ở mức trung bình 3,79 USD/gallon, giảm 16 cent so với mức giá đưa ra trong lần dự báo trước.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cũng đưa ra dự báo mức giá xăng bán lẻ trung bình cả năm 2012 là 3,71 USD/gallon và năm 2013 giảm còn 3,67 USD/gallon, vẫn cao hơn so với ngưỡng giá trung bình 3,53 USD mỗi gallon xăng bán lẻ trong năm 2011. Theo cơ quan này, giá dầu thô New York sẽ ở mức trung bình 104 USD/thùng trong năm nay.
Nông sản giảm giá mạnh
Trên thị trường nông sản, chốt phiên 8/5, giá cacao giao sau giảm 31 USD, tương ứng 1,32%, xuống còn 2.326 USD/tấn. Giá cà phê arabica giảm nhẹ 0,14%, xuống mức 174,95 cent/lb. Giá đường thô thế giới loại hợp đồng giao sau giảm mạnh tới 3,23% xuống còn 20,37 cent/lb.
Giá ngô kỳ hạn giảm nhẹ 0,12% xuống còn 622,25 cent/bushel. Giá yến mạch giao sau giảm 0,15% xuống mức 337,25 cent/bushel. Ngược dòng, giá đậu tương tăng nhẹ 0,09% lên 1.439,5 cent/bushel. Giá gạo chưa xay, xát trên sàn CBOT tăng 0,20% lên chốt ngày ở mức 15,325 USD/cwt.
DIỆP ANH
Theo VnEconomy