Giá dầu giảm vì dự trữ của Mỹ cao nhất 22 năm

Ngày đăng : 03/05/2012 - 2:15 PM

 

Giá còn chịu áp lực bởi báo cáo việc làm thất vọng phát đi từ Mỹ và châu Âu nhấn chìm triển vọng nhu cầu, trong khi mối lo về Iran giảm sút.

Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA) hôm qua công bố, dự trữ dầu thô đã tăng 2,84 triệu thùng trong tuần trước lên 375,86 triệu thùng – cao nhất kể từ năm 1990. Kể từ cuối tháng 3 tới nay, dự trữ dầu của Mỹ đã có 6 tuần tăng liên tiếp, tổng cộng 29 triệu thùng – chuỗi tăng lâu nhất kể từ tháng 2/2009.

Cùng ngày, ADP công bố báo cáo việc làm cho thấy lĩnh vực tư nhân Mỹ chỉ thuê thêm 119.000 nhân công trong tháng 4 – ít hơn so với con số 177.000 kỳ vọng. Các đơn đặt hàng mới của Mỹ trong tháng trước cũng sụt giảm mạnh nhất trong 3 năm, làm tăng mối lo về đà hồi phục của nền kinh tế. Tại châu Âu, lĩnh vực sản xuất cũng sụt giảm còn tỷ lệ thất nghiệp lên tới 10,9%.

Ngoài ra, thị trường còn chịu áp lực giảm bởi mối lo về Iran lắng dịu sau khi Tehran đồng ý trở lại bàn đàm phán với 6 nước mạnh nhất thế giới về việc ngừng chương trình hạt nhân.

Đóng cửa phiên 2/5, giá dầu WTI giao tháng 6 tại Nymex còn 105,22 USD/thùng, thấp hơn 0,94 USD so với phiên liền trước. Giá dầu Brent cùng kỳ hạn trên sàn ICE giảm 1,46 USD xuống 118,2 USD/thùng.

Kể từ mức đỉnh 110,55 USD/thùng của năm, thiết lập hôm 1/3, do căng thẳng giữa Iran và phương Tây, giá dầu đến nay đã giảm 4,8%. Giới phân tích cho rằng, giá dầu nên ở dưới 100 USD/thùng và điều này có thể đạt được nếu các cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân của Iran thành công.

Khối lượng giao dịch phiên hôm qua chỉ đạt 539.462 hợp đồng trên sàn Nymex, thấp hơn 8,5% so với bình quân 3 tháng. Hợp đồng mở tuy nhiên lên đến 1,6 triệu hợp đồng - cao nhất kể từ ngày 16/5/2011.

Phương Thảo

Theo TTVN/Reuters

Họ tên :

Email :

Nội dung :

Tin cùng chủ đề

Giá hàng hóa thế giới giảm tháng thứ 2 liên tiếp

Ngày đăng : 02/05/2012 - 9:33 AM

 

Giá xăng giảm 6,1% trong tháng 4, dầu Brent trải qua tháng giảm lần đầu tiên kể từ tháng 12/2011. Giá đường để mất 11% trong tháng, cà phê arabica giảm 1,6% trong khi bông giảm tới 14%. 

 

Giá hàng hóa trên thị trường thế giới biến động trái chiều trong phiên giao dịch cuối cùng của tháng 4. Đậu tương, ngô, lúa mì và cà phê cùng nhau tăng giá nhờ thông tin nguồn cung hạn chế trong khi nhu cầu mạnh.


Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) công bố báo cáo cho thấy Trung Quốc đã mua 220.000 tấn đậu tương từ Mỹ trong năm tài chính mới, trong đó riêng một ngày trong tuần trước, lượng hàng trao đổi đạt mức cao nhất trong 21 năm, giúp cho giá đậu tương lên trên 15 USD/bushel lần đầu tiên kể từ 2008. Trong tháng 4, giá đậu tương tăng 7% - tháng tăng thứ 5 liên tiếp.


Ngô cũng được lợi từ báo cáo của USDA cho thấy lượng ngô xuất khẩu của Mỹ trong 1 ngày của tuần trước đạt mức cao nhất 18 năm nhờ nhu cầu thức ăn chăn nuôi của Trung Quốc. Giá cà phê trong khi đó tăng khi giới đầu cơ lại bắt đầu kỳ vọng về khả năng xảy ra sương giá trong tháng 5 ở Braxin – nước sản xuất và xuất khẩu cà phê số 1 thế giới.


Giá nước cam và ca cao dẫn đầu trong số các mặt hàng mất giá, bên cạnh đồng, vàng, dầu...Thị trường thiếu hỗ trợ cơ bản trong khi chịu tác động từ nỗi nợ công châu Âu ngày càng trầm trọng sau khi có tin Tây Ban Nha đã chính thức bước vào suy thoái lần 2 chỉ trong vòng 3 năm trở lại đây.


Ca cao trải qua phiên giảm sâu nhất trong vòng 6 tuần khi để mất gần 4% bởi tin thời tiết thuận lợi sẽ giúp sản lượng của Bờ Biển Ngà đạt kỷ lục, trong khi khủng hoảng châu Âu sẽ nhấn chìm nhu cầu. Giá nước cam hạ 4,2%.


Kết thúc tháng 4, giá hàng hóa, đo bằng chỉ số Thomson Reuters-Jefferies CRB theo dõi 19 hàng hóa nguyên liệu thô, giảm 1% - tháng giảm thứ 2 liên tiếp – sau khi để mất 4% ở tháng 3.


Các mặt hàng giảm mạnh nhất tháng qua là năng lượng, kim loại và thêm một số nông sản. Giá xăng giảm 6,1% trong tháng 4 nhưng tăng 19% trong 4 tháng đầu năm. Giá dầu WTI tăng 1,8% nhưng dầu Brent lại có tháng giảm lần đầu tiên kể từ tháng 12 năm ngoái. Giá đường để mất 11% trong tháng – nhiều nhất kể từ tháng 9/2011. Giá cà phê arabica giảm 1,6% trong khi bông giảm tới 14%. Giá vàng hạ 0,1% trong tháng 4 còn bạc giảm 4,5%.


Khí thiên nhiên là mặt hàng tăng giá ấn tượng nhất tháng 4, với mức tăng 7,5% - tháng tăng mạnh nhất trong 1 năm và rời xa mức thấp 10 năm thiết lập hồi đầu tháng.

Nguyễn Hằng

 TTVN


Có thể bị áp giá điện riêng, Hiệp hội Thép kêu khổ

Ngày đăng : 26/04/2012 - 1:37 PM

 

Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho rằng, đây việc làm thiếu công bằng, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành thép.

Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) dự kiến sẽ trình Chính phủ áp dụng cơ chế giá điện riêng, theo hướng tăng lên cho ngành thép, trong trường hợp cần phải điều tiết giá mặt hàng này. 

Tuy nhiên, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho rằng, đây việc làm thiếu công bằng, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành thép.

Theo kết quả của Kiểm toán Nhà nước công bố cuối năm 2011, trong năm 2010, chỉ tính riêng sản lượng điện tiêu thụ của hai ngành sản xuất thép và xi măng lên tới gần 9,5 tỷ kWh, chiếm 11,06% tổng số lượng điện thương phẩm của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). 

Giá bán bình quân cho các hộ sản xuất sắt, thép và xi măng năm 2010 chỉ là 914 đồng/kWh, thấp hơn giá thành điện bình quân là 1.183 đồng/kWh. 

Nếu tính chênh lệch giữa giá bán bình quân cho các hộ sản xuất thép và xi măng so với giá thành sản xuất điện thì ngành điện đã phải bù lỗ tới 2.547 tỷ đồng. Cuối năm 2011, EVN đã được phép điều chỉnh giá bán điện bình quân thêm 5%, lên mức 1.304 đồng/kWh, trong đó giá bán cho sản xuất đã chiếm đến 95% của giá bán điện trung bình. Còn giá bán điện sinh hoạt khoảng 1.400 đồng/KWh. Như vậy, giá điện sinh hoạt vẫn cao hơn giá điện sản xuất. 

Lý giải điều này, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực Đặng Huy Cường cho biết, giá điện sinh hoạt cao hơn giá điện sản xuất vì chúng ta không khuyến khích người dân sử dụng quá nhiều điện. Như vậy có nghĩa điện sinh hoạt đang phải bù lỗ cho điện sản xuất.

Theo ông Cường, trong thời gian tới, nếu cần thiết Cục Điều tiết điện lực sẽ trình Chính phủ cơ chế giá điện riêng theo hướng tăng lên cho các doanh nghiệp sắt thép, xi măng. Tuy nhiên, đây là những ngành quan trọng liên quan đến phát triển kinh tế đất nước nên phải có sự xem xét nhất định để không ảnh hưởng tới việc xây dựng cơ sở hạ tầng và ngân sách nhà nước. 

Không đồng tình với quan điểm trên, Phó chủ tịch VSA Nguyễn Tiến Nghi cho rằng, nói như vậy là không khách quan và thiếu công bằng cho ngành thép. VSA vẫn ủng hộ việc đưa giá điện vận hành theo cơ chế thị trường. Tuy nhiên, nếu áp dụng cơ chế giá điện riêng cho ngành thép theo hướng tăng lên thì cũng phải áp dụng cho tất cả các ngành khác. Thép là ngành kinh tế quan trọng, có ảnh hưởng không nhỏ đến lĩnh vực xây dựng, đầu tư, bất động sản. Do đó, nếu tăng giá riêng cho thép trong bối cảnh hiện nay thì thị trường khó mà chấp nhận được.

Theo báo cáo VSA gửi đến Thủ tướng Chính phủ, giá điện trong cơ cấu giá thành sản phẩm thép chiếm tỷ lệ thấp. Cụ thể, giá điện trong cấu thành giá sản phẩm thép cán xây dựng chỉ chiếm 0,7-0,8%; ống thép hàn là 0,62 - 0,89%; thép mạ kim loại và sơn phủ màu là 0,65 - 0,95%; thép cán nguội là 0,91-1,3%. Trong ngành thép, sản xuất phôi thép tiêu hao năng lượng lớn nhất, khoảng 5 - 6% (450 - 600 kWh/tấn, tùy vào loại công nghệ), còn các sản phẩm khác tiêu hao chỉ từ 100 - 200 kWh/tấn.

Về ý kiến cho rằng việc giá điện rẻ của Việt Nam đã hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực sắt thép, ông Nghi khẳng định, các nhà đầu tư nước ngoài tính đến lâu dài chứ không phải “ăn xổi”. Đến năm 2020, Việt Nam sẽ cơ bản trở thành nước công nghiệp và nhu cầu sử dụng thép đến lúc đó chắc chắn sẽ nhiều hơn, theo tính toán, tối thiểu là 300 kg/người (hiện nay mới có 120-130 kg/người). Trong khi, từ nay đến lúc đó, giá điện cũng sẽ tăng chứ không thể giữ mãi như hiện nay được.

Trong thời gian qua, mới chỉ có duy nhất một dự án thép đầu tư nước ngoài dùng đến điện của EVN là Posco Việt Nam (sản xuất thép cán nguội) ở Bà Rịa - Vũng Tàu, công suất 1,2 triệu tấn/năm. Còn lại các dự án khác chưa hề dùng đến điện như dự án thép Formosa (Đài Loan) ở Vũng áng (Hà Tĩnh) hiện đang trong quá trình san lấp mặt bằng; dự án nhà máy thép Guang Lian (Trung Quốc) ở Dung Quất (Quảng Ngãi) tính đến thời điểm này đã thay đến 4 chủ đầu tư mà vẫn chưa khởi động được; dự án thép không gỉ của Đài Loan cũng đã phải thu hồi giấy phép bởi không thực hiện được; dự án thép của Tata (Ấn Độ) liên doanh với Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSteel) cũng vẫn chưa nhận được giấy phép đầu tư; dự án thép Lion Group (Malaysia) liên doanh với Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) đã bị rút giấy phép. 

Như vậy, theo VSA, không thể nói nhà đầu tư nước ngoài tranh thủ chính sách giá điện rẻ của Việt Nam. Thế nên, điện của EVN chủ yếu vẫn là doanh nghiệp trong nước sử dụng.

Đối với việc hạn chế xuất khẩu thép, ông Nghi nhấn mạnh, nếu cấm không cho xuất khẩu thép nữa thì thực sự đã đẩy ngành thép vào tình thế khó khăn. Mặc dù, trong năm 2011, Việt Nam xuất khẩu được khoảng 2 triệu tấn thép các loại, đạt giá trị kim ngạch 1,8 tỷ USD, nhưng nếu so sánh với một số ngành xuất khẩu khác thì “chưa thấm vào đâu”. Do đó, để tránh tổn hao điện năng mà cấm xuất khẩu thép là không khả thi. 

Chính vì vậy, theo VSA, trong thời gian tới, có áp dụng cơ chế giá điện riêng cho ngành thép hay không cần phải tính tới lợi ích chung của doanh nghiệp và cộng đồng, chứ không chỉ của riêng ngành thép hay của ngành điện.

Theo Huyền Vy
Vneconomy

Xuất khẩu cà phê tháng 4 sụt mạnh

Ngày đăng : 25/04/2012 - 10:32 AM

 

Tổng cục Thống kê đồng thời điều chỉnh giảm con số ước tính xuất khẩu cà phê tháng 3 từ 200.000 tấn đưa ra cách đây 1 tháng, xuống còn 187.000 tấn.

Hãng tin Dow Jones dẫn nguồn từ báo cáo của Tổng cục Thống kê nước ta cho thấy, xuất khẩu cà phê tháng 4 đã giảm tới 19,8% về lượng và 25,1% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái, khi chỉ có 150.000 tấn hay 2,5 triệu bao loại 60kg được xuống tàu và thu về 320 triệu USD.

Tổng cục Thống kê đồng thời điều chỉnh giảm con số ước tính xuất khẩu cà phê tháng 3 từ 200.000 tấn đưa ra cách đây 1 tháng, xuống còn 187.000 tấn.

Từ đầu niên vụ (tháng 10/2011) tới hết tháng 4, xuất khẩu cà phê cả nước ước đạt 910.000 tấn tức 15,17 triệu bao, tăng 5% so với cùng kỳ vụ trước. Kim ngạch xuất khẩu trong khi đó đạt 1,93 tỷ USD, tăng 9,8%.

Phương Thảo

Theo TTVN/Dow Jones


Nhiều nước giảm giá xăng bán lẻ

Ngày đăng : 24/04/2012 - 1:46 PM

 

Giá xăng và dầu diesel bán lẻ tại nhiều quốc gia, trong đó có Mỹ, Trung Quốc, Philippines..., đang có chiều hướng giảm do giá dầu thế giới duy trì ở mức ổn định.

Theo Hãng tin AFP, trong phiên giao dịch hôm qua 23-4, giá dầu thô ngọt nhẹ trên Sàn giao dịch New York giảm nhẹ 9 cent, còn 103,79 USD/thùng. Giá dầu chỉ giảm nhẹ do khảo sát của Ngân hàng HSBC cho thấy ngành sản xuất Trung Quốc có sự cải thiện so với tháng trước. Tuy nhiên, giới chuyên gia dự báo giá dầu có thể giảm thêm sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) công bố các số liệu về giá nhà đất tại Mỹ cũng như chỉ số niềm tin tiêu dùng.

Trong vòng một tháng qua, giá dầu đã giảm đáng kể từ ngưỡng 110 USD/thùng. Theo Hãng Barclays Capital, nguyên nhân là do giới đầu tư quốc tế lo ngại về nguy cơ nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc, hai quốc gia ngốn nhiều dầu nhất thế giới, tăng trưởng chậm hơn so với dự kiến và tình hình nợ công Tây Ban Nha xấu đi. Dù vậy, Barclays dự báo giá dầu sẽ không giảm thêm quá nhiều trừ khi khủng hoảng nợ Tây Ban Nha trở nên trầm trọng hơn, hoặc có các dấu hiệu cho thấy tăng trưởng Trung Quốc sẽ giảm mạnh.

Theo Hãng tin Bloomberg, “thời điểm tồi tệ nhất” đối với người lái xe ở Mỹ có vẻ như đã trôi qua. Khảo sát của Hãng Lundberg Survey cho thấy giá xăng bán lẻ trung bình tại Mỹ đã giảm khoảng 5,44 cent xuống còn 3,91 USD/gallon (khoảng 21.000 đồng/lít). Tại một số địa điểm, giá giảm xuống tới 3,88 USD/gallon, bằng mức giá trung bình năm 2011. Trước đó, giá xăng trung bình ở Mỹ lên đến đỉnh điểm 3,96 USD/gallon hôm 6-4. Lundberg Survey cho biết giá dầu ổn định trong suốt hai tuần qua và nguồn cung xăng dồi dào đã đẩy giá xăng bán lẻ xuống.

“Nếu giá dầu thô tiếp tục ổn định, giá xăng bán lẻ có thể giảm thêm 5-10 cent/gallon” - Bloomberg dẫn tuyên bố của Lundberg Survey. Giá xăng bán lẻ hiện là một trong những vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ tháng 11-2012. Trước đó, tỉ lệ ủng hộ Tổng thống Barack Obama sụt giảm rõ rệt do người dân bức xúc với tình trạng giá xăng cao. Ngày 17-4, ông Obama đã yêu cầu quốc hội thông qua các biện pháp ngăn chặn giới đầu cơ mua ồ ạt dầu thô, đẩy giá dầu tăng cao.

Theo báo Philippines Star, hôm 22-4 các hãng xăng dầu đồng loạt giảm giá xăng Ron 95 khoảng 65 cent và dầu diesel khoảng 40 cent. Như vậy, hiện giá xăng Ron 95 ở Philippines vào khoảng 59,35 peso (28.900 đồng)/lít, giá dầu diesel vào khoảng 46,40 peso (21.000 đồng)/lít. Đây là lần giảm giá thứ hai trong vòng một tuần qua. Trước đó, hôm 15-4 các hãng xăng dầu cũng đã giảm giá 1 peso (478 đồng) với mỗi lít xăng và 70 cent (341 đồng) với mỗi lít dầu diesel. Bộ Năng lượng Philippines khẳng định phải giảm giá xăng bán lẻ do giá dầu thô trên thị trường thế giới đã giảm.

Trong khi đó, Tân Hoa xã đưa tin các hãng xăng dầu Trung Quốc cũng đã giảm giá dầu diesel khoảng 0,2 nhân dân tệ (661 đồng)/lít tại Thượng Hải, Bắc Kinh và các thành phố lớn khác. Ở tỉnh Chiết Giang, giá diesel giảm tới 0,5 nhân dân tệ (1.650 đồng)/lít. Hiện giá dầu diesel ở Trung Quốc dao động ở mức 7,46 nhân dân tệ (24.700 đồng)/lít. Đây là lần đầu tiên các hãng xăng dầu Trung Quốc giảm giá sản phẩm trong năm 2012.

Tại Malaysia, trang AsiaOne đưa tin Bộ Thương mại tuyên bố sẽ không có chuyện tăng giá xăng bán lẻ dù các hãng xăng dầu muốn tăng giá. “Chính phủ hiểu rằng người dân đang phải chịu đựng mức chi phí sinh hoạt cao - AsiaOne dẫn lời Bộ trưởng thương mại Datuk Seri Ismail Sabri Yaakob nói - Nếu giá xăng tăng, giá các mặt hàng khác và giá dịch vụ vận chuyển, đi lại cũng sẽ tăng. Cuối cùng, chỉ có người tiêu dùng là chịu thiệt thòi”. Hiện giá xăng Ron 95 ở Malaysia là 1,9 ringgit (12.890 đồng)/lít. Tương tự tại Ấn Độ, chính phủ cũng tuyên bố không tăng giá xăng.

Theo Sơn Hà
Tuổi trẻ

Cả thế giới bất lực với giá xăng dầu

Ngày đăng : 23/04/2012 - 10:31 AM

 

Trong bối cảnh sản lượng dầu và khí đốt ở Bắc Mỹ và các khu vực khác trên thế giới đang phục hồi, việc giữ cho giá dầu ở mức vừa phải sẽ có lợi cho tất cả các quốc gia.

 

Mỹ và các nước tiêu thụ dầu hàng đầu khác nên khuyến khích Ả Rập Xê-út thể hiện vai trò của mình tích cực hơn.

 

Giá dầu mọi nơi đều... cao ngất ngưởng

 

Theo các quan chức cấp cao của Ả Rập Xê-út, giá xăng cao ngất ngưỡng chính là thứ duy nhất người dân Mỹ nghĩ tới Tổng thống Barack Obama tại các trạm xăng. Nhìn vào thực tế, giá xăng dầu hiện tại thật phi lý. Kể cả khi Iran tiếp tục bị áp đặt lệnh trừng phạt thì thế giới cũng không thể thiếu dầu đến vậy.

 

Một số nước xuất khẩu dầu tiềm năng khác có dư khả năng để lấp chỗ trống của Iran. Sản lượng dầu của Mỹ và Canada hiện tại và cả trong tương lai gần đều đang ở mức cao kỷ lục. Hơn nữa, sản lượng dầu tiềm năng của Ả Rập Xê-út có thể lên tới 12,5 triệu thùng/ngày, mức chưa từng có trước kia.

 

Thế nhưng những lo lắng về nguy cơ thiếu dầu vẫn còn dai dẳng. Mỹ và châu Âu đang tính đến một giải pháp bất thường và không mấy cần thiết là lấy dầu từ những kho dự trữ dầu chiến lược của mình để bình ổn thị trường.

 

Trong một động thái hiếm có, mới đây, ông Naimi, Bộ trưởng Dầu mỏ Ả Rập đã bảy tỏ sự thất vọng của mình trên tờ Financial Times rằng ông không thể hạ giá dầu, dù cho nguồn cung có dồi dào và có khả năng đáp ứng mọi nhu cầu của quốc gia này.

 

Có một mâu thuẫn kép trong trường hợp này: Quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới muốn hạ giá dầu, song lại không có khả năng làm được điều đó. Tuy nhiên, có một điểm rõ ràng rằng chìa khóa để giải quyết vấn đề này lại nằm ở chính nước này và phụ thuộc vào những thay đổi dứt khoát trong phương thức nước này bán dầu ra thị trường.

 

Tất nhiên mong muốn hạ giá dầu của Ả Rập Xê-út không phải là không có cơ sở. Giá dầu tăng cao không phải là mong muốn trong dài hạn của các nước xuất khẩu và cũng là tin xấu cho nền kinh tế toàn cầu.

 

Thêm nữa, quốc gia dầu mỏ này cũng có nhiều lý do chính trị để hạn chế tăng giá dầu bởi lẽ giá dầu cao đồng nghĩa với việc khuyến khích một số nước nhập khẩu dầu tiếp tục nhập dầu từ Iran, như vậy Tehran sẽ được trợ giúp những khoản tài chính khổng lồ.

 

Trong bài báo ông Naimi chia sẻ, Ả Rập Xê-út sẵn sàng tăng mức sản lượng dầu vốn đã rất lớn của mình lên mức kỷ lục trong lịch sử 12,5 triệu thùng/ ngày và các kho chứa dầu ở nước ngoài của nước này đã đầy ắp.

 

Thế nhưng, các quốc gia trên thế giới vẫn đang lo ngại về việc quốc gia này liệu có thể bù đắp được toàn bộ lượng thiếu hụt không khi nguồn cung dầu từ Iran hoàn toàn biến mất khỏi thị trường. Ả Rập Xê-út có lẽ không muốn bị xem như đang chủ động làm suy yếu hoạt động xuất khẩu dầu của Iran nhưng những gì đang diễn ra có vẻ đúng như vậy.

 

Hạ nhiệt bằng cách nào?

 

Vậy tại sao giá dầu mỏ vẫn cao ngất ngưởng như vậy? Lý do gì khiến thị trường phản ứng dữ dội đến vậy?

 

Đơn giản là Ả Rập Xê-út đang cố ý kiềm chế sử dụng sức mạnh thị trường của mình. Kết quả này cũng giống như sự vụ trước kia, vào thời điểm trước năm 1985 đó thị phần và doanh thu của Ả Rập Xê-út bị tụt dốc mạnh bởi chính sách đặt giá cao của OPEC. Những năm trước thời điểm này, sản lượng dầu của Ả Rập Xê-út đã sụt giảm từ mức cao kỷ lục 10,3 triệu thùng một ngày xuống còn có 3,6 triệu thùng cho nỗ lực bất thành đề bảo vệ mức giá do OPEC áp đặt. Kể từ đó, Ả Rập Xê-út không muốn gắn chặt với việc áp đặt giá cả cững nhắc nữa. Cuối cùng là Ả Rập Xê-út quyết định tuân theo giá cả thị trường.

 

Qua những bài phát biểu và tuyên bố trước báo giới, các quan chức nước này thể hiện cho các nước xuất và nhập khẩu dầu thấy ý định của mình và cố gắng lấy lòng thị trường, song quốc gia này cũng không hề chủ động trên thị trường mở.

 

Trên thực tế, Ả Rập Xê-út không cho phép nước khác mua bán lại dầu của mình hoặc bán dầu mà không có những quy định hạn chế về việc bán lại. Nước này chỉ bán cho những nước là người tiêu dùng cuối cùng như các quốc gia lọc dầu, tự xử lý dầu thô. Điều này đồng nghĩa với việc nguồn dầu có sẵn nhưng sẽ không bán nếu các nước lọc dầu không có nhu cầu.

 

Đáng lẽ, Ả Rập Xê-út không nên cư xử giống kiểu các ngân hàng trung ương thình thoảng lại tiến hành đấu giá trái phiếu chính phủ. Lãi suất, trong trường hợp này là giá dầu, được quyết định bởi kết quả đấu giá và các giao dịch trên thị trường thứ cấp. Suy cho đến cùng, Ả Rập Xê-út giống hệt như là ngân hàng dầu trung ương của thế giới.

 

Nếu Ả Rập Xê-út cho phép các nước khác giao dịch dầu thô của mình, tức là để cho những người mua dầu bán lại cho bên trung gian hoặc khách hàng tiêu thụ cuối khác thì nguồn cung dồi dào của nước này tự khắc sẽ làm giảm giá dầu.

 

Nhưng có vẻ quốc gia này lại sợ phải đóng vai trò chủ động trên thị trường lo sợ bị buộc tội "kiểm soát" giá dầu. Tuy vậy, thật sự là có rất nhiều khác biệt giữa một bên là "kiểm soát" và bên kia là việc không gây ảnh hưởng lên thị trường.

 

Trên thực tế, Ả Rập Xê-út không có khả năng "kiểm soát" giá dầu dù cho nước này có đảm nhận mọi vai trò chủ động trên thị trường mà chỉ là sự ảnh hưởng. Hình mẫu nhà độc quyền chèn ép khách hàng của OPEC đã ăn sâu tới mức Ả Rập Xê-út không muốn được xem là gây ảnh hưởng tới giá dầu.

 

Nước Mỹ và các nước tiêu thụ dầu hàng đầu khác nên khuyến khích Ả Rập Xê-út thể hiện vai trò của mình một cách tích cực hơn nữa. Thị trường dầu mỏ toàn cầu nếu được Ả Rập Xê-út sử dụng sức ảnh hưởng chính đáng của mình sẽ ít biến động hơn và thế cân bằng cung cầu vững chắc hơn. Và sẽ càng tốt hơn nếu Ả Rập Xê-út có thể điều hòa được giá cả thị trường.

 

Trong bối cảnh sản lượng dầu và khí đốt ở Bắc Mỹ và các khu vực khác trên thế giới đang phục hồi, việc giữ cho giá dầu ở mức vừa phải sẽ có lợi cho tất cả các quốc gia. Một mức giá quá thấp sẽ triệt tiêu sự mở rộng các nguồn cung mới, ngược lại mức giá quá cao cũng sẽ phá hủy sự phục hổi kinh tế vốn đã mong manh.

 

Mục tiêu giá của Ả Rập Xê-út nằm trong khoảng giao động quanh mức 100 USD/thùng cũng chính là mức giá có lợi cho các nước công nghiệp.

 

Ả Rập Xê-út nên được ủng hộ, thậm chí là đang bị thúc giục trở thành người quyết định giá chứ không chỉ là người tuân theo giá thị trường. Giá dầu nên được đưa ra thảo luận trong các cuộc họp của G-20 và các cuộc nhóm họp quốc tế khác giống như các vấn đề lãi suất và tỷ giá hối đoái.

 

Sẽ không có một thị trường vận hành hiệu quả chừng nào nước xuất khẩu dầu lớn nhất vẫn còn đứng bên lề. Đẩy Ả Rập Xê-út vào cuộc chơi sẽ không những tốt cho người dân Mỹ mà còn gây bất lợi cho những giáo sỹ Tehran.

Bích Ngọc

 VEF

 


 

Tin mới cập nhật