Giá dầu còn chưa đến 94 USD/thùng

Ngày đăng : 16/05/2012 - 10:17 AM

 

Giá dầu chưa dừng đà giảm khi nỗ lực kêu gọi thành lập một chính phủ thống nhất ở Hy Lạp không thành công, khiến đồng euro lao dốc.

Khả năng báo cáo từ chính phủ Mỹ ngày hôm nay sẽ cho thấy nguồn cung tiếp tục ở mức cao nhất trong hơn 2 thập kỷ cũng góp phần gây áp lực lên giá.

Đóng cửa phiên 15/5, giá dầu WTI giao tháng 6 trên sàn Nymex giảm 80 cent xuống 93,98 USD/thùng – thấp nhất kể từ 19/12/2011.

Giá dầu Brent cùng kỳ hạn trên sàn ICE trong khi đó tăng 67 cent lên 112,24 USD/thùng khi kỳ hạn này sẽ đáo hạn trong ngày 16/5.

Hy Lạp vẫn chưa có được một chính phủ thống nhất kể từ cuộc bầu cử hôm 6/5, làm tăng thêm khả năng nước này sẽ không thực hiện cam kết cắt giảm chi tiêu theo điều khoản để đổi lấy 2 gói cứu trợ đã đàm phán từ cách đây 2 năm. Và điều này có thể khiến Athens phải rời khỏi khu vực đồng euro.

Cuộc khủng hoảng nợ châu Âu bắt đầu từ Hy Lạp, sau đó lan sang Ireland, Bồ Đào Nha, Italia và Tây Ban Nha. Thế giới giờ đây e ngại, nếu Hy Lạp rời khỏi khu vực đồng tiền chung châu Âu sẽ gây hậu quả khôn lường. Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Scheuble lên tiếng, Hy Lạp cần thiết phải có một chính phủ đồng thuận với các điều khoản của gói cứu trợ quốc tế và ở lại khu vực đồng tiền chung.

Về tình hình nguồn cung, theo khảo sát của Bloomberg, Bộ Năng lượng Mỹ có thể sẽ công bố báo cáo cho thấy dự trữ dầu tuần trước tiếp tục tăng thêm 1,75 triệu thùng lên 381,3 triệu thùng – cao nhất kể từ tháng 8/1990.

Nguồn cung dồi dào từ Mỹ cộng với mối lo Hy Lạp đã khiến giá dầu giảm liên tục trong thời gian gần đây. So với cuối năm ngoái, giá hiện thấp hơn 4,9%.

Phương Thảo

Theo TTVN/Bloomberg

Họ tên :

Email :

Nội dung :

Tin cùng chủ đề

Xuống 1.556,5 USD/ounce, giá vàng thấp nhất trong năm

Ngày đăng : 15/05/2012 - 11:05 AM

 

Nhà đầu tư đang tìm kiếm nơi trú ẩn an toàn ở đồng USD khi vấn đề nợ công châu Âu ngày càng xấu đi. Có ý kiến cho rằng giá vàng có thể xuống dưới 1.500 USD/ounce.

Giá vàng giảm mạnh xuống mức thấp nhất trong vòng 4 tháng rưỡi qua do đồng USD mạnh lên và nhà đầu tư đẩy mạnh thanh lý các tài sản rủi ro sau khi bế tắc chính trị tại Hy Lạp làm dấy lên lo ngại nước này sẽ vỡ nợ và đẩy cuộc khủng hoảng tại khu vực đồng tiền chung châu Âu vào tình thế “bi đát” hơn.

Theo Peter Buchanan, chuyên gia kinh tế cao cấp tại CIBC World Markets có trụ sở ở Toronto, áp lực bán vẫn tiếp diễn khi mà vấn đề châu Âu, đặc biệt là Hy Lạp chưa có cải thiện. Các nhà lãnh đạo Hy Lạp cho đến hôm qua vẫn chưa đạt được thỏa thuận thành lập chính phủ thống nhất để tránh một cuộc bầu cử mới vào tháng 6, khiến cho nước này tiến gần hơn tới khả năng mất kiểm soát về tài chính.

Đóng cửa phiên 14/5, giá vàng giao ngay xuống 1.556,5 USD/ounce – thấp nhất kể từ 30/12/2011. Giá vàng giao tháng 6 giảm 23 USD tức 1,38% xuống 1.561 USD/ounce. 

 

Giá vàng thế giới đang ở mức thấp nhất trong năm (nguồn: kitco)

Daniel Briesemann, chuyên gia phân tích tại Commerzbank nhận xét, nhà đầu tư đang tìm kiếm an toàn ở đồng USD, việc đồng bạc xanh có khả năng mạnh hơn nữa rõ ràng là gây áp lực xấu lên vàng khi kim loại quý này thể hiện là một tài sản rủi ro trong năm nay. Ông cho biết thêm sẽ không ngạc nhiên nếu giá vàng thử mức thấp của tháng 12 năm ngoái tại 1.520 USD/ounce. “Nếu không dừng lại ở đó, chúng ta sẽ chứng kiến vàng xuống dưới 1.500 USD”, ông nói.

Đồng Euro hôm qua xuống thấp nhất 4 tháng so với USD vì lo ngại Hy Lạp sẽ rời khỏi khu vực đồng euro và kết quả bầu cử ở bang đông dân nhất nước Đức cho thấy đảng của đương kim thủ tướng đã thất bại.

Ngoài tác động từ USD, tâm lý nhà đầu tư cũng bị ảnh hưởng sau số liệu từ Ủy ban giao dịch hàng hóa tương lai Mỹ cho thấy, các quỹ quản lý tiền tệ đầu tư vào vàng kỳ hạn và quyền chọn đã giảm 20% vị thế mua trong tuần trước xuống mức thấp nhất kể từ tháng 12/2008. Ngày càng nhiều nhà đầu tư tin tưởng vào xu hướng giá xuống của kim loại quý.

Nguyễn Hằng

Theo TTVN/Reuters

 


Tăng giảm giá xăng nên tính theo tuần

Ngày đăng : 14/05/2012 - 2:12 PM

 

Theo PGS- TS Ngô Trí Long, nguyên Viện phó Viện Nghiên cứu Thị trường - Giá cả, Bộ Tài chính, việc áp dụng Nghị định 84 trong kinh doanh xăng dầu hiện nay có rất nhiều điểm bất cập cần sửa ngay.

Điều hành méo mó

Ông đánh giá việc điều hành giá xăng dầu theo Nghị định 84 thời gian qua thế nào?

Thực tế cho thấy, điều chỉnh giá xăng dầu vừa qua, làm sai với quy định. Quy định là 30 ngày mới điều chỉnh nhưng mới 18 ngày giá biến động đã cho điều chỉnh.

Nghị định 84 cũng quy định giá theo thị trường sẽ do doanh nghiệp tự quyết định. Quy định như vậy là sai về bản chất, vì thị trường còn độc quyền mà để doanh nghiệp tự định giá là không đúng.

Cũng như thị trường viễn thông trước đây, khi chỉ có một mình VNPT thì giá do họ tự quyết định. Khi có nhiều doanh nghiệp cạnh tranh thì ngay lập tức giá do thị trường quyết định. Doanh nghiệp đua giảm giá, khuyến mãi để kích cầu. Đây là vấn đề cần xem xét.

Cái sai nữa là, Nghị định 84 đã quy định khi thị trường có biến động, doanh nghiệp sẽ được phép điều chỉnh ở một mức độ nhất định.

Nhưng thực tế, mỗi lần giá thế giới tăng thì doanh nghiệp cũng không được điều chỉnh mà phải do cơ quan quản lý quyết định. Không thể có một cơ chế nửa vời trong quản lý giá thị trường. Một là doanh nghiệp định giá, hai là nhà nước định giá.

Việc quản lý, thực thi chính sách méo mó như vậy, phải chăng để dễ dàng lợi ích nhóm chi phối, nhằm trục lợi, thưa ông?

Doanh nghiệp thì bao giờ cũng kêu lỗ. Như trước đây chưa kiểm toán thì kêu lỗ nhưng khi kiểm toán xong thì lại lòi ra vấn đề không phải như vậy.

Nên cơ quan chức năng cần phải có năng lực và công tâm. Ở các nước họ rất nghiêm ngặt trong kiểm soát để tránh tình trạng vận động để được tăng giá bán.

Cơ quan quản lý và doanh nghiệp luôn nói giá xăng dầu minh bạch nhưng cần lưu ý các số liệu về mức thuế, phí, hao hụt định mức, hoa hồng, lợi nhuận định mức là những số cố định.

Tuy nhiên, các thông tin do doanh nghiệp, cơ quan quản lý đưa ra có minh bạch, chính xác hay không lại là một vấn đề.

Còn về cơ cấu giá thì rất rõ ràng rồi. Minh bạch ở đây là độ trong sáng, tính chính xác của thông tin. Đưa thông tin ra cũng là minh bạch nhưng vấn đề có chính xác hay không lại là chuyện khác.

Vậy tới đây, theo ông cần sửa Nghị định 84 ra sao?

Trước tiên phải xác định thị trường xăng dầu hiện nay có phải thị trường độc quyền hay không. Đây là điều cực kỳ quan trọng do theo nguyên tắc về quản lý giá, tùy theo tính chất thị trường sẽ có hình thức quản lý giá phù hợp.

Nếu là thị trường độc quyền thì nhà nước định giá và không trái với quy luật. Ngay trong dự thảo Luật Giá sắp được ban hành, các sản phẩm độc quyền sẽ do Nhà nước định giá. Đây là nguyên tắc bất di bất dịch.

Nếu là thị trường cạnh tranh thực sự thì giá cả sẽ do thị trường quyết định, Nhà nước chỉ giám sát xem việc thực thi thế nào.

Phải xem lại cơ cấu giá xăng dầu và quyết định Nhà nước hay doanh nghiệp được tự định giá. Cùng với đó phải xem lại cơ cấu giá cơ sở đã hợp lý chưa.

Theo quy định của Nghị định 84, việc thực hiện trong thời gian qua là không đúng quy định.

Thứ nhất, thị trường xăng dầu hiện nay chưa phải là thị trường cạnh tranh hoàn hảo. Nó thể hiện ở chỗ có vài doanh nghiệp nhập khẩu đầu mối chiếm thị phần rất lớn.

Cộng lại Petrolimex, PV Oil, Saigon Petro là chiếm hơn 80% thị phần, trong đó riêng Petrolimex hiện chiếm hơn 60%. Chiếu theo Luật Cạnh tranh thì Petrolimex đang đơn vị thống lĩnh thị trường.

Ở các nước, để đánh giá vị thế độc quyền của một doanh nghiệp người ta dựa trên tỉ trọng chiếm lĩnh thị trường của doanh nghiệp.

Về nguyên tắc, 3 doanh nghiệp chiếm thị phần hơn 70% đã là độc quyền. Luật Cạnh tranh cũng quy định doanh nghiệp chiếm trên 30% thị phần cũng đã là độc quyền.

Như vậy, khi đã xác định thị trường xăng dầu là thị trường độc quyền thì phải có cơ chế quản lý giá phù hợp, trong đó phải xem lại cơ cấu giá cần bao gồm các khoản gì.

Ngay cả với việc hình thành Quỹ Bình ổn giá xăng dầu cũng cần xem lại. Xác định lại việc lập quỹ thì ai đứng ra thu, thu khi nào.

Cơ quan quản lý giá luôn vin lý do phải tính giá xăng dầu theo mức dự trữ bình quân 30 ngày. Vậy ở các nước họ tính giá xăng dầu dự trữ trong cơ cấu hình thành giá như thế nào và với Việt Nam thế nào là phù hợp?

Vừa rồi tôi có đi Mỹ, tôi hỏi họ điều hành giá xăng dầu thế nào. Họ tính dự trữ xăng dầu đảm bảo ít nhất 2 tháng nhưng không lấy đó làm mốc thời gian để tính giá xăng dầu.

Tính như vậy thì chết. Giá thế giới biến động phức tạp, nên việc điều hành của họ rất linh hoạt.

Thực tế, nếu yêu cầu doanh nghiệp tính dự trữ bình quân dài quá sẽ dẫn tới ứ đọng vốn còn dự trữ ngắn quá cũng nguy hiểm.

Về nguyên tắc, dự trữ lưu thông càng dài càng tốt nhưng theo quan điểm của tôi, việc điều hành tính giá xăng dầu bình quân nên rút từ 30 ngày như hiện nay xuống còn 7 ngày là vừa, không nên để dài hơn thời gian trên.

Việc điều hành cũng cần xác định giá bình quân tính theo giá thời kỳ hay thời điểm. Thời điểm có thể là một ngày, còn giá thời kỳ có thể tính theo một tháng, một năm.

Vì thế nên căn cứ mức biến động của giá bình quân thế giới trong một tuần để tính thay đổi giá bán trong nước. Phải đi theo giá thị trường chứ không phải để 30 ngày như cách tính hiện nay.

Trong tình hình biến động như hiện nay, việc yêu cầu doanh nghiệp nhà nước phải giữ giá để bình ổn thị trường cũng là khong phù hợp.

Mở cửa cho doanh nghiệp ngoại 

Doanh nghiệp cũng hay kêu, chi phí định mức 600 đồng/lít xăng dầu hiện nay là không còn phù hợp. Theo ông, nên tính định mức chi phí thế nào?

Việc quy định chi phí định mức cố định như hiện nay là không còn phù hợp, cần thay đổi. Vì chi phí bình quân của mỗi doanh nghiệp là khác nhau.

Nếu ông phải chở hàng đi toàn quốc, phải đưa đi các vùng sâu vùng xa chi phí sẽ cao hơn doanh nghiệp chỉ chở hàng đi theo đoạn ngắn hay chỉ chở hàng ở đồng bằng.

Vì vậy, trước tiên phải điều chỉnh mức hao hụt khi vận chuyển của mỗi doanh nghiệp như thế nào.

Thứ hai, nên áp dụng chi phí định mức theo tỷ lệ lợi nhuận nhất định. Có thể quy định mức tính theo mức vốn doanh nghiệp bỏ ra cộng thêm mức lãi bình quân của xã hội. Theo tôi, tính theo mức lãi từ 5 – 10% là phù hợp.

Việc tính chi phí định mức của mỗi doanh nghiệp cũng không nên để doanh nghiệp tự tính toán, rồi trình cơ quan quản lý thông qua, mà phải để cơ quan độc lập xác định và công bố chi phí định mức của mỗi doanh nghiệp.

Ở các nước, cụ thể ở Mỹ trước đây, khi Microsoft chiếm thị phần quá lớn là cơ quan chức năng yêu cầu thực hiện việc chia tách. Vậy theo ông, có cần chia tách Petrolimex ra?

Việc chia tách thì chưa thể thực hiện được do chúng ta có chủ trương xây dựng các tập đoàn kinh tế mạnh. Như ở các nước, khi thấy một tập đoàn nào lớn quá là họ thực hiện việc tách để tránh độc quyền.

Với Việt Nam hiện nay, trước tiên có thể thực hiện từng bước, từ cổ phần hóa rồi mới đến chia tách. Cùng với đó, cần phá thế độc quyền của doanh nghiệp bằng cách tạo sân chơi cho doanh nghiệp nước ngoài tham gia thị trường.

Bộ Tài chính từng đề cập phải đưa Quỹ bình ổn giá về bộ này đề quản lý. Theo ông có cần thiết làm việc này?

Để quỹ ở đâu cũng được. Điều quan trọng là phải đưa tiền về một quỹ tập trung (không để rải rác ở các DN như hiện nay) và làm sinh lời số tiền này. Nguồn tiền dự trữ có sinh lời này sẽ giúp việc giải quyết rủi ro tốt hơn.

Cảm ơn ông!

Theo Phạm Tuyên
Tiền phong

Muôn mặt "giăng bẫy" người tiêu dùng

Ngày đăng : 11/05/2012 - 10:24 AM

 

Hầu hết trường hợp liên quan đến lĩnh vực ôtô, xe máy và mua bán hàng hóa trực tuyến, siêu thị điện máy, dịch vụ bảo hiểm phi nhân thọ, thẻ ATM...

Ngày 10-5, Hội Chống gian lận thương mại và hỗ trợ người tiêu dùng TP.HCM (AFCA) đã tổ chức buổi tọa đàm"Thực thi hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng",giúpngười tiêu dùnghiểu về quyền, lợi ích của mình.

Tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Tường Minh - tổng thư ký AFCA - cho biết một trong những điểm mới về hoạt động bảo vệ người tiêu dùng là từ ngày 1-5, các doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa thiết yếu (cung cấp điện sinh hoạt, nước sạch sinh hoạt, truyền hình trả tiền, thuê bao điện thoại cố định...) phải đăng ký hợp đồng theo mẫu và chịu sự giám sát của cơ quan chức năng về việc tuân thủ nghiêm hợp đồng.

Trường hợp doanh nghiệp vi phạm sẽ bị xử phạt 10-70 triệu đồng.

Đối với các hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung đang được thực hiện, hạn chót ngày 1-6-2012, bắt buộc tất cả doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa thiết yếu phải thực hiện đăng ký.

Theo luật sư Phan Minh Nhựt - phó chủ tịch thường trực AFCA, trong năm 2011tổ chức này đã tiếp nhận139 hồ sơ và xử lý 91 vụ, chiếm trên 65%. Hầu hết trường hợp khiếu nại liên quan đến lĩnh vực ôtô, xe máy và mua bán hàng hóa trực tuyến trên các trangnava, socbay..., siêu thị điện máy, dịch vụ bảo hiểm phi nhân thọ, truyền hình cáp trả tiền nhưng chất lượng kém, quảng cáo nhiều...

Cũng theo ông Phan Minh Nhựt, một số vụ điển hình mà AFCA đang xử lý: đứng đầu là nhóm dịch vụ bảo hiểm, kế đó là các siêu thị điện máy và dịch vụ thẻ ATM ngân hàng.

Ông Nguyễn Tường Minh cho biết một thực trạng hiện nay liên quan đến nhóm dịch vụ bảo hiểm là rất nhiều doanh nghiệp bảo hiểm cố tình dây dưa kéo dài thời gian chi trả bảo hiểm khi người mua gặp nạn, nhằm tạo tâm lý chán nản cho người tiêu dùng và chấm dứt khiếu nại đền bù bảo hiểm.

Ngoài ra, nhóm dịch vụ về thẻ ATM ngân hàng cũng là tâm điểm thường bị người tiêu dùng khiếu nại nhiều nhất vì thường ngân hàng sẽ "chối phăng" khi xảy ra chuyện người tiêu dùng bị mất tiền trong thẻ...

Bên cạnh đó,đại diện AFCA đã khuyến cáo rất nhiều doanh nghiệp kinh doanh qua mạng không thực hiện cam kết của mình với người tiêu dùng. Theo đó, các đơn vị bán hàng qua mạng thường yêu cầu người tiêu dùng chuyển tiền trước, nhận hàng sau. Thế nhưng, sau khi nhận tiền của người tiêu dùng, đa số trường hợp đều không giao hàng hoặclừa đảo.

Đáng lưu ý nhất là trường hợp của Công ty ôtô Đại Đô Thành đã bị nhiều người tiêu dùng cùng khiếu nại hành vi lừa tiền đặt cọc mua xe.

Ông Nguyễn Tường Minh lưu ý khi người tiêu dùng đến công ty này mua xe, nhân viên công ty sẽ dẫn đi coi xe ở các showroom bên ngoài và yêu cầungười tiêu dùng ký vào giấy đặt cọc trước 20 triệu đồng do công ty tự ghi và hứa hẹn với người tiêu dùng chiếc xe này có giá rất rẻ so với bên ngoài. Sau đó hối thúc người tiêu dùng phải mua xe ngay nếu không sẽ hết xe.

Theo nguyên tắc, sau khi người tiêu dùng ký vào đơn đặt cọc,ba ngày sau phải tiến hành mua xe, nếu không mua sẽ trả lại phí đặt cọc cho người tiêu dùng. Thế nhưng thực tế công ty này đã không trả lại số tiền cọc này cho khách hàng. Ít nhất hai người tiêu dùng đã sập bẫy này của Công ty Đại Đô Thành. Ông Minh khuyến cáo người tiêu dùng phải thật sự cảnh giác và đọc kỹ các điều khoản trước khi ký hợp đồng.

Ông Minh cho biết thêm sẽ kiến nghị xử lý hành vi quảng cáo lừa dối người tiêu dùng để bảo vệ người tiêu dùng khỏi mất tiền oan.

Trước đó, AFCA đã nhận được công văn chính thức của Hãng xe hơi Audi thông báo từ trước đến nay Công ty ôtô Đại Đô Thành chưa bao giờ là đại lý chính thức của Audi tại TP.HCM và kiến nghị công ty này phải tháo gỡ logo của Audi ngay trên trang mạng của Công ty ôtô Đại Đô Thành để tránh gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.

Theo H.Nhựt

Tuổi trẻ


'Giá xăng lẽ ra giảm gần 830 đồng/lít'

Ngày đăng : 10/05/2012 - 3:14 PM

 

Theo Cục trưởng Quản lý giá Nguyễn Tiến Thỏa, chênh lệch giữa giá cơ sở và giá bán hiện là 828 đồng nên giá xăng lẽ ra có thể giảm nhiều hơn.

- Sau lần tăng giá ngày 20/4, giá xăng dầu thế giới đã giảm mạnh, vậy tại sao mức điều chỉnh giảm của giá xăng trong nước lần này lại chỉ có 500 đồng?

- Trước hết cần nhắc lại rằng điều hành giá xăng dầu hay bất cứ mặt hàng nào đều phải tuân theo pháp luật, ở đây là Nghị định 84. Cơ sở để so sánh tại nghị định này là giá bình quân 30 ngày, so với 30 ngày trước đó. Nếu tính toán như vậy thì giai đoạn 9/4 - 8/5, giá các mặt hàng xăng dầu thành phẩm giảm 2,78 - 4.69%. Cụ thể thì xăng giảm khoảng 828 đồng một lít.

Cũng theo nguyên tác điều chỉnh thì thứ tự ưu tiên khi giá giảm là khôi phục thuế, quỹ bình ổn rồi mới giảm giá. Tuy nhiên, trong lần này, để hài hòa lợi ích các bên, cơ quan quản lý đã tiến hành giảm giá và khôi phục thuế một phần. Thuế nhập khẩu xăng dầu theo luật là 15 - 20% (riêng xăng là 20%) nhưng lần này mới khôi phục được 2 - 3%.

Tất nhiên, chúng tôi rất muốn giảm hết vào giá mức 828 đồng nêu trên nhưng vì thuế nhập khẩu đã để ở 0% quá lâu. Thêm nữa dự báo nhu cầu dầu mỏ cuối năm sẽ tăng, ảnh hưởng đến giá nên nếu không khôi phục thuế, khi đó chúng ta sẽ không có nguồn tài chính để bình ổn.

- Giá cơ sở thấp hơn giá bán 828 đồng, nhiều ý kiến cho rằng các doanh nghiệp đã có lãi "khủng" trong thời gian qua. Vậy thực hư việc này ra sao?

- Thực ra trong công thức tính giá cơ sở đã có dành cho doanh nghiệp một phần lợi nhuận định mức 300 đồng mỗi lít rồi. Ngoài ra chi phí kinh doanh cũng được tính là 600 đồng. Nếu doanh nghiệp nào tổ chức mạng lưới tốt, tiết kiệm thì chi phí có thể thấp hơn 600 đồng nêu trên để hưởng lãi. Mục đích đặt ra các khoản này là để khuyến khích doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Ngoài những khoản nói trên thì việc chênh lệch giữa giá cơ sở và giá bán, như tính ở trên là 828 đồng một lít, có thể trở thành lợi nhuận của doanh nghiệp trong giai đoạn Nhà nước chưa điều tiết.

Tuy nhiên, tất cả những cái đó chỉ là lý thuyết. Thực tế thì không phải là giá thế giới giảm, doanh nghiệp được hưởng lợi ngay. Với kinh doanh xăng dầu thì kể cả mua được ở thời điểm giảm, cũng mất 10 - 15 ngày người ta mới nhập về đến nơi. Do vậy, lỗ lãi thật của doanh nghiệp không thể căn cứ trên việc giá giảm giá tăng, mà phải tính toán dựa trên kết quả kinh doanh cụ thể, nhập ngày nào, xuất ngày nào. Ngoài ra thì chi phí kinh doanh theo Nghị định 84 là 600 đồng hiện đã tương đối lạc hậu, cần phải sửa đổi.

- Cùng với chi phí kinh doanh thì nhiều ý kiến cho rằng thời gian so sánh giá lên tới 30 ngày là quá dài, cần phải sửa đổi, gây thiệt thòi cho cả người tiêu dùng lẫn doanh nghiệp. Quan điểm của Bộ Tài chính về vấn đề này như thế nào?

- Cả 2 nội dung trên đều là những điểm mà chúng tôi đang nghiên cứu để điều chỉnh khi sửa đổi Nghị định 84. Chính phủ đang giao cho Bộ Công Thương và Tài chính làm việc này. Sắp tới chúng tôi sẽ tiến hành lấy ý kiến doanh nghiệp, thành lập tổ soạn thảo theo đúng quy trình. Ngoài những nội dung trên, cũng cần lưu ý một số điểm khác như sửa đổi việc đại lý chỉ được lấy nguồn từ một đầu mối, đặt quỹ bình ổn giá ở đâu… Trước đây, cho đặt quỹ ở doanh nghiệp để chủ động, tránh xin cho. Nhưng nhiều ý kiến cho rằng như vậy “không biết đâu mà lần” nên chắc sẽ có sửa đổi.

Về thời gian tính giá, tôi cũng thừa nhận là 30 ngày hơi dài. Nhưng việc sửa đổi, xuống 10 hay 20 ngày còn cần phải bàn. Vừa rồi điều chỉnh giá, chúng tôi cũng thử tính theo 20 ngày thì thấy mức chênh lệch giữa giá cơ sở với giá bán tăng lên 1.100 đồng đối với xăng. Nhiều ý kiến trong Thường trực Chính phủ cho rằng nếu giảm được mức 1.100 đồng này vào giá thì rất tốt.

- Vậy việc giảm giá xăng dầu lần này sẽ tác động như thế nào vào chỉ số giá tiêu dùng (CPI) thưa ông?

- Xăng dầu chiếm tỷ trọng 3,32% trong rổ hàng hóa tính CPI. Như vậy với mức giảm 500 đồng (hơn 2,1%) thì tác động trực tiếp lên chỉ số giá khoảng 0,07%. Ở vòng gián tiếp, tác động lên các mặt hàng sử dụng xăng dầu nữa thì sẽ có tác dụng làm giảm chỉ số khoảng 0,17% nữa (vòng một nhân với 2,5 lần). Như vậy, nếu giả định các yếu tố khác không đổi thì việc điều chỉnh giá sẽ làm giảm CPI khoảng hơn 0,24%.

- Sau giá xăng, việc điều hành các mặt hàng cơ bản khác, đặc biệt là điện, liệu sẽ như thế nào thưa ông?

- Với điện thì thực hiện tính thần các nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ thì sẽ tiếp tục kiên định theo giá thị trường. Tuy nhiên lộ trình sẽ được tính toán phù hợp với các mục tiêu ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát. Tính đến đầu tháng 5 thì các yếu tố đầu vào của ngành điện cũng có nhiều biến động. Tỷ giá tăng khoảng 0,6%, giá nhiên liệu tăng nhiều, giảm ít (khí tăng 10,4%, dầu FO tăng hơn 40%, than giảm 0,3%), sản lượng thủy điện, nhiệt điện chay dầu giảm…

Những yếu tố này làm giá thành sản xuất điện tăng khoảng 3,29%, tương đương 42,85 đồng một kWh. Ngoài ra cũng phải tính đến việc phân bổ dần các khoản “treo” từ trước như lỗ do chênh lệch tỷ giá (15.463 tỷ đồng), chênh lệch do mua điện giá cao (8.040 tỷ đồng) nên giá điện sắp tới sẽ phải xử lý. Tuy nhiên, xử lý ở mức độ nào thì đơn vị kinh doanh phải lập phương án. Nếu mức điều chỉnh hợp lý và dưới 5% thì doanh nghiệp có thể tự quyết. Nếu cao hơn, Bộ Công Thương và Tài chính sẽ phải cho ý kiến. Ngoài ra, các mặt hàng như than, nước… cũng sẽ được điều hành giá theo lộ trình.

Theo Nhật Minh

Vnexpress


Giá vàng thế giới xuống thấp nhất từ đầu năm

Ngày đăng : 09/05/2012 - 9:38 AM

 

Những diễn biến về tình hình chính trị tại châu Âu với tâm điểm là vấn đề thành lập chính phủ mới ở Hy Lạp, đang trở thành nút thắt lớn đối với tương lai các sàn giao dịch hàng hóa, tài chính, chứng khoán thế giới. Sự thiếu rõ ràng này đã đẩy giá vàng thế giới đêm qua (8/5) xuống mức thấp nhất kể từ đầu 2012.

Chốt phiên giao dịch ngày 8/5, giá vàng giao tháng 6 tại bộ phận Comex của sàn New York đã tuột giảm tới 34,60 USD, tương ứng 2,1%, xuống còn 1.604,50 USD/ounce. Đầu ngày, giá vàng còn xuyên thủng ngưỡng 1.600 USSD, rơi xuống vùng 1.595,50 USD/ounce, mức giá thấp nhất kể từ ngày 3/1, ngày giao dịch đầu tiên trong năm 2012.

Hôm qua (8/5), Tổng thống Hy Lạp Karolos Papoulias đã ủy thác cho Liên minh cánh tả Syriza thành lập chính phủ mới trong ba ngày tới. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, Syriza khó có khả năng thành lập chính phủ mới. Trước đó, đảng Dân chủ mới (về nhất trong bầu cử) cũng đã thừa nhận thất bại tương tự và trao cho tổng thống quyền ủy thác.

Nguyên nhân khiến Hy Lạp rơi vào vòng xoáy bất ổn hiện nay là bởi các đảng phái chính trị thiếu sự đồng thuận trong việc thực hiện hai mục tiêu là giữ Hy Lạp trong Eurozone và thương lượng lại các điều khoản thắt lưng buộc bụng. Nếu Liên minh cánh tả Syriza thất bại, quyền thành lập chính phủ mới tại Hy Lạp sẽ thuộc về đảng Xã hội (Pasok).

Những bất ổn chính trị tại Hy Lạp đã làm tăng thêm những nghi ngại của nhà đầu tư về vấn đề Hy Lạp liệu còn được tiếp tục cứu trợ hay không và rằng nguy cơ cuộc khủng hoảng nợ công tại châu Âu đã leo thang tới mức khó có thể kiểm soát, và từ đó tác động mạnh lên các thị trường tài chính trong khu vực này cũng như trên phạm vi toàn cầu.

Thêm vào đó, sự thắng thế của ứng viên đảng Xã hội Francois Hollande trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp cũng gây tác động không nhỏ tới tâm lý đầu tư. Giới phân tích cho biết, với quan điểm chống thắt lưng buộc bụng của ông Hollande và tình hình Hy Lạp, lãnh đạo châu Âu khó có thể tìm được hàng tỷ Euro để giải quyết vấn đề khủng hoảng nợ.

Chỉ số USD, thước đo giá trị đồng bạc xanh so với rổ 6 loại tiền tệ chủ chốt khác, đã vọt lên ngưỡng cao mới 79,728 điểm, so với mức 79,611 điểm cuối phiên giao dịch liền trước 7/5 ở khu vực Bắc Mỹ. Việc đồng USD tăng giá mạnh đã phản ánh rõ ràng sự bất an của nhà đầu tư trước nguy cơ vàng không còn là kênh trú ẩn an toàn như trước.

Tuy vậy, theo một số chuyên gia phân tích, giá vàng vẫn có nhiều cơ hội giành lại những gì đã mất nhờ nhu cầu vật lý tại Trung Quốc và Ấn Độ sẽ tăng mạnh lên trong vài tuần tới. Hiện mức tiêu thụ ảm đạm của thị trường Ấn Độ đang góp phần làm suy yếu giá vàng, nhưng xu hướng này sẽ sớm đảo chiều và kéo giá vàng trở lại quỹ đạo tăng giá.

Cùng đi xuống với giá vàng, đêm 8/5, giá bạc giao tháng 7 hạ 66 cent, tương ứng 2,2%, xuống 29,46 USD/ounce. Đây là lần đầu tiên, giá kim loại bạc đóng cửa dưới mức 30 USD kể từ phiên giao dịch chính thức đầu năm 2012. Bạch kim giảm 21,80 USD xuống 1.508,3 USD/ounce. Palladium hạ 24,95 USD xuống còn 622,85 USD mỗi ounce.

Dầu thô giảm giá phiên thứ 5

Tương tự như thị trường kim loại quý chịu tác động bởi tình hình chính trị châu Âu, giá dầu thô thế giới đêm qua tiếp tục chìm sâu phiên thứ 5 liên tiếp. Chốt ngày, giá dầu thô ngọt, nhẹ tại sàn hàng hóa New York đã giảm 93 cent, tương ứng 1%, xuống 97,01 USD/thùng. Mức giá thấp nhất trong ngày của dầu kỳ hạn loại này là 95,52 USD/thùng.

Với 5 phiên giảm giá liên tục vừa qua, giá dầu thô quốc tế hiện đã bốc hơi 8,6%, xuống mức thấp nhất kể từ đầu tháng 2 tới nay. Ngoài yếu tố bất ổn chính trị ở châu Âu, theo giới phân tích kinh tế quốc tế, thị trường dầu còn chịu ảnh hưởng bởi những dư chấn từ báo cáo việc làm của Mỹ được công bố từ cuối tuần giao dịch trước.

Thêm vào đó, sản lượng dầu thế giới tăng mạnh cũng tác động làm suy yếu giá dầu. Bộ trưởng Bộ Dầu mỏ Saudi Arabia cho biết, nước này đã bơm ra thị trường khoảng 10 triệu thùng mỗi ngày, gần bằng mức cung dầu cao nhất trong nhiều thập kỷ, và trữ 80 triệu thùng trong trường hợp có bất kỳ sự gián đoạn nào trong nguồn cung.

Tuy nhiên, ngược chiều với dầu thô, kết thúc phiên 8/5, giá các mặt hàng năng lượng khác đều đi lên khá mạnh. Cụ thể, giá xăng giao tháng 6 tăng 2 cent, tương ứng 0,7%, lên 2,99 USD/gallon. Dầu sưởi giao tháng 6 tăng nhẹ 0,3% lên 2,99 USD/gallon. Khí tự nhiên giao cùng kỳ hạn tăng 6 cent, tương ứng 2,4%, lên 2,39 USD/ triệu BTU.

Hôm qua, trong báo cáo hàng tháng mang tên "Triển vọng năng lượng ngắn hạn", Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ đã hạ dự báo giá xăng bán lẻ trong mùa hè năm nay. Theo đó, giá xăng bán lẻ giai đoạn từ tháng 4 tới tháng 9 ở Mỹ sẽ ở mức trung bình 3,79 USD/gallon, giảm 16 cent so với mức giá đưa ra trong lần dự báo trước.

Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cũng đưa ra dự báo mức giá xăng bán lẻ trung bình cả năm 2012 là 3,71 USD/gallon và năm 2013 giảm còn 3,67 USD/gallon, vẫn cao hơn so với ngưỡng giá trung bình 3,53 USD mỗi gallon xăng bán lẻ trong năm 2011. Theo cơ quan này, giá dầu thô New York sẽ ở mức trung bình 104 USD/thùng trong năm nay.

Nông sản giảm giá mạnh

Trên thị trường nông sản, chốt phiên 8/5, giá cacao giao sau giảm 31 USD, tương ứng 1,32%, xuống còn 2.326 USD/tấn. Giá cà phê arabica giảm nhẹ 0,14%, xuống mức 174,95 cent/lb. Giá đường thô thế giới loại hợp đồng giao sau giảm mạnh tới 3,23% xuống còn 20,37 cent/lb.

Giá ngô kỳ hạn giảm nhẹ 0,12% xuống còn 622,25 cent/bushel. Giá yến mạch giao sau giảm 0,15% xuống mức 337,25 cent/bushel. Ngược dòng, giá đậu tương tăng nhẹ 0,09% lên 1.439,5 cent/bushel. Giá gạo chưa xay, xát trên sàn CBOT tăng 0,20% lên chốt ngày ở mức 15,325 USD/cwt.

DIỆP ANH

Theo VnEconomy


 

Tin mới cập nhật