Euro mất giá mạnh, Phố Wall trượt sâu

Ngày đăng : 29/12/2011 - 10:10 AM
Thị trường chứng khoán Mỹ bất ngờ giảm mạnh hơn 1% trong phiên giao dịch đêm qua (28/12), sau khi xuất hiện những lo lắng mới về tình hình tài chính của Khu vực đồng tiền chung châu Âu. Với mức giảm này, chỉ số S&P 500 đã trở vòng quay giảm điểm trong năm.
 
 
Nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu trước tình cảnh đồng Euro bất ngờ giảm giá mạnh so với USD - Ảnh: Reuters
 
Chốt ngày, chỉ số công nghiệp Dow Jones trượt mạnh 139,94 điểm, tương ứng 1,14%, xuống 12.151,41 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 15,79 điểm, tương ứng 1,25%, xuống 1.249,64 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite hạ 35,22 điểm, tương ứng 1,34%, xuống 2.589,98 điểm.
 
Thị trường mở phiên tăng điểm khá tốt sau khi lợi suất trái phiếu chính phủ của Italy giảm. Tuy nhiên, bước tăng nhanh chóng biến mất và thay bằng vạch đi xuống, khi đồng Euro giảm xuống mức thấp nhất 11 tháng so với USD, khiến nhà đầu tư tăng cường bán tháo.
 
Phiên giao dịch hôm qua, đồng Euro đã chạm tới vùng 1,2938 USD/Euro, thấp nhất kể từ tháng Giêng năm nay. Mặc dù sau đó, tỷ giá được nâng lên ở mức 1,2949 USD/Euro nhưng vẫn không đủ làm giảm bớt những suy tư của giới đầu cơ cổ phiếu trên thị trường.
 
Đáng chú ý là với phiên giảm điểm mạnh đêm qua, chỉ số S&P 500 đã quay trở lại vùng giảm điểm trong cả năm, với mức giảm 0,6%. Tuy nhiên, từ đầu quý tới nay, chỉ số này đã tăng được 10,5% và đang hướng tới quý tăng điểm tốt nhất trong vòng hơn một năm qua.
 
Tính từ đầu năm tới nay, ngoại trừ chỉ số S&P 500 giảm nhẹ, còn có chỉ số Nasdaq Composite trượt tới 2,4%. Trong khi, ở chiều ngược lại, chỉ số công nghiệp Dow Jones vẫn tiếp tục bứt phá, với mức tăng cả năm là 5%.
 
Khối lượng chuyển nhượng trên cả ba sàn New York, American và Nasdaq đạt 4,31 tỷ cổ phiếu, thấp hơn nhiều so với mức 7,9 tỷ cổ phiếu trung bình hàng ngày năm 2011. Nhóm cổ phiếu giảm điểm vượt trội số tăng điểm ở cả hai sàn New York và Nasdaq, với tỷ lệ 4/1.
 
Khu vực chứng khoán châu Âu và châu Á diễn biến cùng chiều với thị trường Mỹ. Ở châu Âu, chỉ số FTSE 100 của Anh giảm 0,1% xuống 5.507,40 điểm. Chỉ số CAC 40 của Pháp hạ 1,03% xuống 3.071,08 điểm. Chỉ số DAX của Đức hạ 2,01% xuống còn 5.771,27 điểm.
 
Tại châu Á, giảm mạnh nhất là thị trường Hàn Quốc, với mức giảm của chỉ số Kospi là 0,92%. Hang Seng của Hồng Kông giảm 0,59%. Taiex của Đài Loan hạ 0,4%. Nikkei 225 của Nhật Bản hạ 0,59%. Riêng chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc nhích nhẹ 0,18%.
 
 
Theo Dương Lâm
VnEconomy

 

Họ tên :

Email :

Nội dung :

Tin cùng chủ đề

Chứng khoán 2011 và những đòn “chém gió” hớ hênh

Ngày đăng : 28/12/2011 - 11:42 PM
Rõ ràng là chẳng thú vị gì khi lật lại quá khứ. Tuy nhiên cuối năm nhìn lại, cả năm nay thị trường chứng khoán xuất hiện khá nhiều phân tích, bình luận hùng hồn để rồi… trật lấc.
 
Điều đó cho thấy sự khắc nghiệt, luôn tồn tại những ẩn số khó đoán của thị trường và ngay cả những chuyên gia phân tích có kinh nghiệm cũng không thể lường hết.
 
Nhiều kịch bản đẹp
 
Thị trường chứng khoán năm 2011 có tháng Giêng “củ mật” với mức tăng VN-Index lên trên 520 điểm. Rất nhiều chuyên gia phân tích, lãnh đạo công ty chứng khoán đăng đàn vẽ ra đủ các kịch bản cho Index năm nay.
 
Tổng giám đốc Công ty chứng khoán V cho rằng thị trường có thể sẽ đi theo hai kịch bản. Giai đoạn một, bắt đầu từ tháng 1/2011 đến cuối tháng 4/2011. Khi đó thị trường sẽ chuyển biến tích cực theo chiều hướng thanh khoản tăng dần. Tuy nhiên, ở giai đoạn này, dòng vốn FII vào thị trường vẫn còn hạn chế, do đó thị trường không có sự bứt phá mạnh về mặt điểm số. Kết thúc giai đoạn này, chỉ số VN-Index sẽ đạt mốc 545 điểm (+/- 15 điểm), HNX-Index có thể vươn lên đạt mốc 135 điểm (+/- 5 điểm).
 
Giai đoạn hai, bắt đầu từ đầu tháng 5/2011 đến cuối tháng 12/2011. Đây là giai đoạn mà dòng vốn FII bắt đầu vào mạnh, do đó, dòng vốn của các nhà đầu cơ trong nước sẽ làm cho thị trường trở nên sôi động và tăng mạnh. Theo đó, kết thúc giai đoạn này, nhiều khả năng VN-Index sẽ đạt mốc 650 điểm (+/- 20 điểm), còn HNX-Index sẽ đạt mốc 165 điểm (+/- 15 điểm).
 
Công ty Chứng khoán A thì vẽ tới 3 kịch bản với các xác suất khác nhau. Theo đó kịch bản bi quan nhất chỉ có xác suất 20%, VN-Index có thể giảm về vùng 440 điểm đến hết quý 1/2011, chậm nhất là giữa quý 2 rồi mới bắt đầu hình thành sóng tăng trở lại trong 2 quý kế tiếp. 
 
Mục tiêu tăng có thể lên đến vùng 520 – 550 điểm. Sang quý 4, VN-Index chựng đà tăng, bắt đầu giai đoạn tái tích lũy quanh vùng 520 - 550 điểm. Đây là giai đoạn tái tích lũy để chờ cơ hội lớn trong năm 2012. Kết thúc năm 2011, VN-Index có thể sẽ giằng co trong vùng 520 - 550 điểm.
 
Kịch bản phổ biến có xác suất tới 50% cho rằng đà tăng có khả năng sẽ có sự tăng tốc từ quý 3/2011 trở đi). Kết thúc năm 2011, VN-Index có thể đạt mức 600 - 650 điểm. Kịch bản lạc quan xác suất 30% nhận định đà tăng tốc sẽ bắt đầu từ quý 3 và kết thúc năm có thể đạt đỉnh 700 - 750 điểm.
 
Quý 3/2011, VN-Index sẽ trong khoảng 500-530 điểm
 
Một vị tiến sĩ đã đưa ra dự đoán như vậy trong một bài viết hồi tháng 1/2011. Dự đoán này cho rằng “trong quý I, do lãi suất huy động còn cao nên VN-Index vẫn tiếp tục dao động trong biên độ hẹp xung quanh ngưỡng 450 - 500 điểm. 
 
Tuy nhiên cùng với sự ổn định về tiền tệ và kinh tế khởi sắc sẽ tạo động lực lớn giúp VN-Index tiến đến 550 điểm trong quý 2. Đến quý 3/2011, VN-Index sẽ dao động trong khoảng từ 500 - 550 điểm. Vào giai đoạn quý 3 nếu Chính phủ giải quyết được mục tiêu tăng trưởng và CPI tạo điều kiện cho nguồn vốn dồi dào với lãi suất hợp lý, ổn định được tỷ giá thì VN-Index sẽ nhắm đến mức 600 điểm, ngược lại VN-Index có thể quay lại mức 500 điểm.
 
VN-Index khó quay về… 420 điểm
 
Đó là quan điểm được đưa ra tại một buổi hội thảo về kinh tế vĩ mô và thị trường chứng khoán hôm 25/2/2011 của Công ty Chứng khoán HSC. Mặc dù thừa nhận “tình hình kinh tế hiện nay khá tồi tệ và nghiêm trọng hơn so với tôi nghĩ trước đây”, nhưng chuyên gia Fiachra Mac Cana, Giám đốc điều hành Bộ phận Nghiên cứu của HSC cho rằng mọi thứ sẽ trở nên ổn định và thị trường chứng khoán cũng có sự hồi phục từ cuối quý 2/2011.
 
Hai kịch bản được đưa ra trong hội thảo này. Trường hợp lạc quan nhất là trong vòng 1 tháng tới (tính theo thời điểm tổ chức hội thảo), tỷ giá USD/VND trên thị trường tự do được kiểm soát, Chính phủ có thể tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát. Khi đó, thị trường chứng khoán sẽ giảm thêm từ 5-10% nữa, sau đó chuyển sang trạng thái đi ngang đến hết quý 2/2011 và sẽ tăng trưởng trở lại khi Bộ Tài chính hiện thực hóa lời hứa về việc đưa thêm các công cụ phái sinh mới cho thị trường như T+2, Magrin, mua bán chứng khoán cùng phiên…
 
Kịch bản xấu nhất cũng được đưa ra là kinh tế sẽ rơi vào tình trạng đình lạm, tức sản xuất kinh doanh đình đồn hoặc tăng trưởng chậm, trong khi lạm phát vẫn ở mức cao làm cho đời sống trở nên khó khăn. Khi đó, thị trường chứng khoán sẽ biến động khó lường, liên tục tăng giảm và chỉ có những doanh nghiệp nào có yếu tố “độc quyền” mới có thể quyết định số phận và giá cả của mình. Tuy nhiên, kịch bản này khó xảy ra.
 
Chuyên viên phân tích của công ty này cũng dự báo thị trường khó quay về mốc 420 điểm do thời gian qua việc nâng đỡ VN-Index của những cổ phiếu lớn làm cho chỉ số này không còn phản ánh chính xác sự biến động của thị trường. Nếu loại bỏ các cổ phiếu như MSN, BVH, VIC, VPL thì thực chất VN-Index đã về đến vùng hỗ trợ 420 điểm.
 
“Bất động sản và dầu khí sẽ đột biến”
 
Đó là dự đoán của Tổng giám đốc một công ty chứng khoán trong một bài phỏng vấn đầu tháng 2/2011. Chuyên gia này dự báo một số ngành được kỳ vọng đột biến trong năm 2011. Cụ thể, bất động sản luôn luôn là ngành hấp dẫn, mặc dù hiện nay vẫn có một số hạn chế về hoạt động của bất động sản. Tuy nhiên, hiện Chính phủ cũng như các cơ quan chức năng đang gỡ bỏ bớt nhưng quy định ràng buộc đối với bất động sản để giúp cho thị trường lưu thông tốt hơn và ngành này sẽ có sự đột biến trong năm 2011. Ngoài ra ngành Dầu khí cũng là một ngành có kết quả kinh doanh tốt và tiềm lực khá mạnh. Trong năm 2011 khi nền kinh tế vĩ mô ổn định thì ngành dầu khí có sức bật khá tốt .
 
Tuy nhiên thực tế lại cho thấy cổ phiếu bất động sản lại có một năm thê thảm chưa từng có trong lịch sử.
 
Chứng khoán Việt Nam đang quá rẻ
 
Đó là nhận xét của một trưởng phòng phân tích đầu tư của một công ty chứng khoán đăng trên một tờ báo hồi tháng 2/2011: Năm 2010 chứng kiến nhiều chứng khoán có thị giá dưới mệnh giá thậm chí có mã chứng khoán giá còn rẻ hơn cả một que kem hay một cái vé gửi xe (ví dụ như SCO có lúc giá chỉ có 2.500 đồng). Chứng khoán thậm chí còn rẻ hơn nữa nếu so sánh với đồng Việt Nam.
 
Quan điểm này cho rằng tuy vẫn còn nhiều yếu tố bất lợi, nhiều khó khăn cho nền kinh tế và thị trường chướng khoán nhưng với việc chứng khoán đang trở nên quá rẻ, các thông tin tiêu cực trong năm qua hầu hết đã phản ánh vào giá. Nếu tính theo chu kỳ thì năm 2011 sẽ là năm bản lề của thị trường khi thị trường đang từng bước đi vào giai đoạn tích lũy đồng thời hứa hẹn nhiều triển vọng bước vào chu kỳ tăng trưởng mới sau một chu kỳ giảm giá dài hạn từ năm 2007.
 
Ngày 13/9/2011: Hiện nay là thời điểm quá sớm để chốt lời!
 
Đó là quan điểm của Trưởng bộ phận Phân tích Công ty chứng khoán H được đăng trên một tờ báo vào ngày 13/9/2011. Lý giải nguyên nhân thị trường đi lên trong tháng 9, chuyên gia này có 4 lý do chính yếu hỗ trợ thị trường phục hồi thời gian qua: Tốc độ tăng CPI theo năm và tháng đã đạt đỉnh và giảm lại theo chu kỳ; Lãi suất đang hạ dần, chậm nhưng chắc; Ngân hàng Nhà nước đang có các nỗ lực hạ lãi suất và hỗ trợ thanh khoản các ngân hàng nhỏ; Các quy định về giao dịch ký quỹ đã được ban hành rõ ràng, theo đó, dòng tiền vào thị trường được khơi thông một phần.
 
Với câu hỏi chúng ta đang ở đâu trên thị trường, ý kiến này cho rằng “chúng ta ở giữa một giai đoạn phục hồi kể từ đáy và hiện nay là thời điểm quá sớm để chốt lời. Chúng tôi kỳ vọng, VN-Index sẽ tăng lên đến 530-550 điểm trong khoảng từ nay đến cuối năm. Dự báo xu hướng chủ đạo của thị trường trong tháng 9 vẫn là tăng điểm. 
 
Tuy nhiên, sang tháng 10 và 11, khi các câu chuyện hỗ trợ thị trường hiện tại không còn mới mẻ thì TTCK sẽ biến động theo hình răng cưa với các trồi sụt khá thất thường. Vào thời điểm cuối cùng của năm, thị trường sẽ tìm thêm một vài thông tin hỗ trợ đủ mạnh để một lần nữa cất cánh”.
 
“Tôi kêu gọi nhà đầu tư bắt đáy tại mốc 380 điểm”
 
Đó là thông điệp của một vị chủ tịch quỹ trong bài viết của ông được đăng trên một tờ báo uy tín trong ngành chứng khoán. Ngay từ đầu tháng 12/2011, chuyên gia này đã phát hiện “cơ hội đầu tư tốt nhất mà bạn có được chính là thị trường chứng khoán với mức P/E thấp kỷ lục.
 
Nếu nhìn vào sàn HOSE, trong số 308 doanh nghiệp đang niêm yết, có đến hơn 50 đơn vị được giao dịch với chỉ số P/E 2 - 3 lần. Hơn nữa, những công ty này còn trả mức cổ tức khá cao từ 3 - 12%/năm. Như vậy nếu đầu tư vào một cổ phiếu với 6% cổ tức, P/E ở mức 3 lần, thì doanh nghiệp có khả năng tạo lợi nhuận để hoàn vốn trong vòng 3 năm. Thêm vào đó, nhà đầu tư còn nhận thêm 6% cổ tức hàng năm.
 
Khi nào tâm lý ấy hoàn toàn bị xua tan bởi những tin tốt liên tục từ nền kinh tế Mỹ, những lo ngại về lạm phát tại Việt Nam dần bị loại bỏ, niềm tin vào sức mạnh của đồng Việt Nam quay trở lại, chắc chắn sẽ chứng kiến một đợt tăng điểm mạnh mẽ của VN-Index. Chính vì vậy, tôi tiếp tục kêu gọi nhà đầu tư bắt đáy VN-Index tại mốc 380 điểm. Còn nếu bạn mua được ở mức điểm thấp hơn thì xin chúc mừng!
 
Vĩ thanh
 
Làm nghề đưa ra các phân tích nhận định về thị trường chứng khoán chắc chắn là nghề rủi ro nhất, cả về tiền bạc lẫn uy tín. Tất cả các nhận định, phân tích đều bị hạn chế ràng buộc của thông tin tại một thời điểm nhất định, mà thông tin trên thị trường thì luôn biến động và không lường trước được. Đóng đinh vào đầu về một nhận định để làm theo là con đường nhanh nhất dẫn đến sự thất bại trên chứng trường.
 
Bản thân các nhận định, phân tích, kịch bản đều phải được xem xét lại nếu xuất hiện những thông tin mới, biến động mới. Nôm na là phải có sự sửa sai trong kịch bản. Đó là lý do tại sao các “trader” luôn là những người “nói điêu” nhất, vì nhiều khi các phân tích, nhận định chỉ có tuổi thọ tính bằng giờ.
 
Theo Khánh Hà
VnEconomy

Ngày 26/6/2012, BIDV sẽ niêm yết với giá có thể lên tới 30.000 đồng

Ngày đăng : 28/12/2011 - 10:09 PM

Đó là thông tin được ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch Hội đồng thành viên Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết trong đợt đấu giá BIDV sáng nay (28/12).

 

 

Trước đó, một lãnh đạo BIDV đã nhận định, cùng với sự khởi sắc của TTCK trong thời gian tới, giá niêm yết của BIDV có thể đạt 28.000 - 30.000 đồng/CP.

Được biết, trong đợt IPO này, BIDV đưa ra đấu giá 84.754.146 cổ phần với giá khởi điểm 18.500 đồng/CP. Theo công bố, có 16.238 nhà đầu tư đăng ký mua, với tổng khối lượng cổ phần đăng ký là 140.875.100 cổ phần, bằng 166,2% số cổ phần chào bán.

Dự kiến kết quả đấu giá sẽ được công bố vào cuối giờ chiều mai (29/12). Nhà đầu tư trúng giá mua cổ phần sẽ phải thanh toán tiền mua cổ phần từ ngày 29/12/2011 đến 13/01/2012.

Sau IPO, BIDV sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông vào ngày 8/3/2012. Đến ngày 30/4/2012 sẽ chốt số liệu để chuyển đổi sở hữu. Dự kiến, ngày 2/5/2012 sẽ công bố mô hình hoạt động mới, từ ngân hàng 100% vốn nhà nước sang ngân hàng thương mại cổ phần.

Ông Hà cho biết, với kế hoạch kinh doanh năm 2012, dự kiến mức tăng trưởng lợi nhuận của BIDV sẽ đạt 30-35%, ROE dự kiến là 17-19%. BIDV cam kết sẽ trả cổ tức cao hơn mức lãi suất bình quân tiền gửi 12 tháng.

 


Theo Quang Sơn

 ĐTCK

 

 


IPO giờ đã khác!

Ngày đăng : 28/12/2011 - 6:45 PM

Những gì đang xảy ra ở BIDV đã khác xa so với thời điểm hai ngân hàng bạn Vietcombank và Vietinbank IPO.

 

 

Từ phiên đấu giá cổ phần lần đầu (IPO) của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đến Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank), thị trường, giá và sức mua đã khác xa nhau, sự khác biệt có tiếp tục xảy ra ở đợt IPO của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)?

 

Phát động thi đua tham gia IPO!

 

Trước ngày IPO cổ phiếu BIDV 28-12, Ban thường vụ Công đoàn BIDV phát động phong trào cán bộ công nhân viên tích cực tham gia IPO và đề nghị mỗi cán bộ trực tiếp tham gia đấu giá để mua tối thiểu 3.000 cổ phần, và cần vận động được tối thiểu một người thân, bạn bè đăng ký tham gia đấu giá tối thiểu 3.000 cổ phần.

 

Cùng với cam kết hoàn thành tốt nội dung phát động thi đua trên của Công đoàn, Đoàn Thanh niên phát động phong trào thanh niên BIDV với IPO mà theo đó mỗi cán bộ trong độ tuổi Đoàn chủ động đăng ký đấu giá trực tiếp tối thiểu 2.000 cổ phần và 3.000 cổ phần (với đoàn viên thanh niên chức vụ từ phó trưởng phòng trở lên).

 

Ban thường vụ Công đoàn BIDV đề nghị các cán bộ “đặc biệt lưu ý không bỏ giá thấp hơn giá khởi điểm” (18.500 đồng/cổ phần), mua hết số cổ phần trúng giá. Ban lãnh đạo cũng sẽ chi tiền thưởng (kết quả kinh doanh/tết) sớm hơn mọi năm để hỗ trợ thêm nguồn kinh phí cho nhân viên của ngân hàng.

 

Tính đến ngày 26-12, sau khi kết thúc thời gian đăng ký, đặt cọc mua cổ phần BIDV, số lượng cổ phần được đăng ký đã đạt 166% số cổ phần chào bán, với 16.238 nhà đầu tư đăng ký đặt cọc đấu giá (số cổ phần chào bán lần đầu ra công chúng của BIDV là 84.754.146 cổ phần).

 

Theo thông cáo báo chí từ BIDV, điều này “đã thể hiện sự tín nhiệm của các nhà đầu tư đối với BIDV và đưa đợt IPO này trở thành đợt IPO số lượng nhà đầu tư đăng ký lớn thứ 2 tại Việt Nam từ trước đến nay”.

 

Những gì đang xảy ra ở BIDV đã khác xa so với thời điểm hai ngân hàng bạn Vietcombank và Vietinbank IPO. Còn nhớ, cũng vào những ngày này, 26-12-2007, tại Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HOSE), xấp xỉ 10.000 nhà đầu tư đổ về bỏ phiếu đấu giá 975 tỉ đồng mệnh giá (bằng 6,5% vốn điều lệ cổ phiếu của Vietcombank) với giá khởi điểm 100.000 đồng/cổ phần.

 

Để phục vụ cho phiên đấu giá lớn nhất từ trước tới nay tại Việt Nam vào lúc đó, HOSE đã phải bố trí 8 bàn đặt các thùng phiếu dưới sảnh, 22 máy nhập lệnh và 22 máy giám sát việc nhập lệnh. Kết thúc, tổng số 97,5 triệu cổ phần Vietcombank chào bán đã được bán hết. Giá đấu thành công thấp nhất 102.000 đồng/cổ phần, giá đấu thành công cao nhất là 250.000 đồng/cổ phần.

 

Mặc dù với các thông tin hỗ trợ như cổ phiếu Vietcombank có thể sẽ được niêm yết trên thị trường chứng khoán Singapore hay Ngân hàng chuẩn bị công bố cổ đông chiến lược nước ngoài, so với giá khởi điểm gấp 10 lần mệnh giá, cổ phiếu Vietcombank “đậu” khi ấy còn bị chê là quá thấp so với những kỳ vọng.

 

Bởi trước đó, con số trên chỉ bằng một nửa so với kỷ lục mà Bảo Việt xác lập trong đợt IPO cuối tháng 5 cùng năm (hơn 20.000 nhà đầu tư đăng ký), và chỉ nhỉnh hơn kỷ lục trước đó của Bảo hiểm Dầu khí (hơn 8.000 nhà đầu tư tham gia).

 

Vietcombank tuy bị coi là thua thiệt so với các doanh nghiệp trước đó do giá chứng khoán trên đã bị điều chỉnh sâu so với thời kỳ hoàng kim trước đó một năm nhưng vẫn được nhìn nhận như tiền đề cho các đợt IPO của ngân hàng khác như Ngân hàng Phát triển nhà Đồng bằng sông Cửu Long (MHB), BIDV và Vietinbank với hy vọng đạt kết quả khả quan hơn.

 

Nhưng sau đó thì diễn biến càng khác xa kỳ vọng, IPO Vietinbank diễn ra 25-12-2008 với mức giá khởi điểm chỉ bằng 1/5 so với Vietcombank. Số lượng đặt mua chỉ cao hơn số bán 4,29%. Chỉ có 3 tổ chức và 29 cá nhân nước ngoài mua với số lượng 910.500 cổ phần so với mức được mua tối đa 16.080.000 cổ phần.

 

Tuy toàn bộ 53.600.000 cổ phần (tương đương 4% vốn điều lệ) của Vietinbank đều được bán hết nhưng giá đấu thành công bình quân chỉ là 20.265 đồng/cổ phần, so với giá khởi điểm 20.000 đồng/cổ phần. Mức giá trên còn khiến thị trường “hụt hẫng” hơn so với Vietcombank.

 

Giá đấu khởi điểm của cổ phiếu BIDV bây giờ chưa gấp tới hai lần mệnh giá, mà Ngân hàng cũng phải tổng động viên tất cả các nguồn lực cho đợt IPO này. Thế mới biết, không thể có giá đúng cho cổ phần bởi thị trường luôn luôn là ẩn số.

 

Đổi thay?

 

Vietinbank và Vietcombank sau cổ phần hóa đều diễn ra những xáo trộn lớn về nhân sự, thay đổi về mức lương thưởng cũng như các thay đổi về cơ cấu nội bộ, nhưng được ghi nhận nhiều điểm tích cực hơn. Các diễn biến tương tự liệu có xảy ra ở BIDV?

 

BIDV khác với hai ngân hàng bạn rõ nhất ở điểm, BIDV hoạt động nhiều theo chỉ định của Chính phủ.

 

Nếu như các ngân hàng khác đang hoạt động dựa trên nguồn vốn ngắn hạn thì BIDV có lợi thế ở những nguồn vốn công dài hạn từ các tổ chức quốc tế, các nguồn vốn chỉ định từ Chính phủ, vốn ủy thác nên Ngân hàng này luôn đứng đầu trong tài trợ vốn dài hạn cho các dự án lớn.

 

BIDV có mối quan hệ từ lâu với các doanh nghiệp nhà nước lớn. BIDV hiện là ngân hàng quốc doanh chiếm ưu thế nhất về tài khoản tiền gửi của khối doanh nghiệp, cơ quan nhà nước, đồng thời cũng đảm đương các dự án cho vay theo chỉ định của Chính phủ, như việc đứng ra hỗ trợ một số ngân hàng nhỏ trong việc đảm bảo thanh khoản là một ví dụ. BIDV còn đã và đang mua nợ có kỳ hạn của các tổ chức tín dụng khác.

 

Đó là lợi thế, song các chuyên gia cho rằng đó cũng là điểm yếu nếu công tác quản trị ở tổ chức này không được cải thiện sớm. Cho vay theo chỉ định, ở một khía cạnh khác, luôn có những yếu tố phi thị trường.

 

Trong quan hệ tài chính với Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin), BIDV là một trong các ngân hàng “ngậm” tín dụng của Vinashin nhiều nhất.

 

Trả lời nhà đầu tư tại road show hôm 11-12-2011 tại TPHCM, Phó tổng giám đốc BIDV Phan Đức Tú thừa nhận: Trong những năm vừa qua chúng tôi có cơ chế cho vay riêng với Vinashin. Hiện nay, tổng dư nợ của Vinashin tại BIDV là 6.600 tỉ đồng. Trong đó có khoảng 1.600 tỉ đồng sẽ được chuyển qua cho Vinalines. Sau khi chuyển nợ, dư nợ Vinashin tại BIDV còn lại khoảng 5.000 tỉ đồng, chiếm 2,4% tổng dư nợ của BIDV.
 

BIDV dự kiến trích dự phòng rủi ro cho khoản nợ Vinashin hết năm nay là khoảng 1.500 tỉ đồng. Trong 6 tháng đầu năm sau dự kiến là 3.000 tỉ đồng.
“Trong tổng dư nợ của Vinashin tại BIDV, có khoảng hơn 2.000 tỉ đồng là dư nợ cho vay, còn lại cho vay dưới dạng bảo lãnh theo chỉ định. 97% dự nợ cho vay là theo chỉ định của nhà nước”, theo lời ông Trần Bắc Hà tại road show.
 

Thách thức BIDV đang phải đối mặt là xu hướng sụt giảm huy động vốn từ tháng 10 vẫn tiếp tục trong tháng 11 đã ảnh hưởng không thuận lợi đến cân đối nguồn vốn- sử dụng vốn của hệ thống. Bên cạnh đó chất lượng tín dụng đang có xu hướng suy giảm. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ được BIDV công bố 2,6% ngày 30-9-2011, theo bản công bố thông tin IPO.
 

BIDV công bố rằng sau IPO, Ngân hàng sẽ lựa chọn ngay nhà đầu tư chiến lược nước ngoài. Song, bao giờ BIDV bán được 15% cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài? Còn nhớ, Vietcombank sau cổ phần hóa 4 năm mới bắt tay được với Mizuho và Vietinbank cũng sau hơn hai năm mới có đối tác chiến lược nước ngoài đầu tiên dù trước đó họ cũng công bố những lộ trình rất gần.

 


Theo Hồng Phúc

 TBKTSG
 

 

 


Sau IPO, giá cổ phiếu BIDV sẽ giảm?

Ngày đăng : 28/12/2011 - 10:34 AM

Hôm nay (28.12) là ngày đấu giá lần đầu ra công chúng (IPO) hơn 84,75 triệu cổ phần của ngân hàng BIDV.

 

 

Tân, nhân viên tín dụng của BIDV, đã đặt cọc mua cổ phần ngân hàng mà mình làm việc trong suốt mười năm nay, mặc cho không ít người chê giá cao và chọn cách đứng ngoài.

Đây là đợt IPO có khối lượng chào bán lớn nhất trong năm 2011 và có số lượng nhà đầu tư đăng ký lớn thứ hai tại Việt Nam từ trước tới nay. Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội cho biết, đã có 16.238 nhà đầu tư đăng ký đặt cọc đấu giá, với tổng khối lượng bằng 166% số lượng chào bán (84.754.146 cổ phần). Trong đó, nhà đầu tư cá nhân chiếm áp đảo khi đăng ký và đặt cọc mua hơn 100 triệu cổ phiếu, chiếm 120% tổng khối lượng chào bán. Có 129 nhà đầu tư tổ chức đăng ký và đặt cọc mua 39.066.000 cổ phiếu, tương đương 46%.

Lo cán bộ nhân viên bán ra

Tân, cùng những cán bộ nhân viên của BIDV, khi tham gia mua cổ phần cũng mong muốn trở thành người chủ nhỏ của ngân hàng lớn nhất nhì trong nước mà mình gắn bó. Hơn nữa, theo quy định cổ phần hoá, cán bộ công nhân viên BIDV sẽ được chiết khấu 60% giá trúng bình quân. Giả sử, giá trúng cũng là mức giá khởi điểm 18.500 đồng, thì giá bán cho công nhân viên BIDV là khoảng 11.100 đồng/cổ phần.

Với mức giá chiết khấu này, các nhà đầu tư trên thị trường, với bài học từ sau hai cuộc IPO của hai ngân hàng Vietcombank (VCB) và Vietinbank (CTG), dự đoán rằng giá cổ phiếu BIDV rồi cũng đi xuống, bởi không ít nhân viên BIDV sẽ bán ra để hưởng chênh lệch. Chẳng hạn, nhân viên bán với giá 14.000 – 15.000 đồng/cổ phần thì nhà đầu tư cũng mua được rẻ hơn khi đấu giá. Đó là một lý do khiến nhiều nhà đầu tư cá nhân và tổ chức không tham gia cuộc đấu giá này. Thêm nữa, họ không muốn bị chết vốn, bởi dự kiến sáu tháng sau IPO, BIDV mới niêm yết, mà trong bối cảnh hiện nay, đến cổ phiếu trên sàn bán còn khó khăn huống hồ cổ phiếu OTC khi cần thanh khoản.

Nhà đầu tư nước ngoài không ưa chuộng?


Hệ thống ngân hàng đang chịu sức ép bởi lạm phát cao, doanh nghiệp hoạt động khó khăn dẫn đến nợ quá hạn, chất lượng tài sản của ngân hàng giảm mạnh. Cùng với sự sụt giảm của thị trường, yếu tố này được phản ánh qua các đánh giá sụt điểm ngân hàng và giá cổ phiếu cũng giảm mạnh. Theo đó, cổ phiếu ngân hàng Quân đội (MBB) đã giảm 15% từ khi niêm yết trên sàn vào đầu tháng 11, VCB còn 19.400 đồng, CTG tính đến ngày 27.12 là 16.600 đồng, STB còn 15.800 đồng…

Theo BIDV, sau cổ phần hoá, Nhà nước vẫn là cổ đông lớn nhất của BIDV. Với tư cách là một ngân hàng thương mại lớn, BIDV tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc thực thi các chính sách tiền tệ của Nhà nước, đóng góp trong việc ổn định và phát triển bền vững thị trường tài chính tiền tệ. Như vậy, theo một chuyên gia tài chính, BIDV sẽ khó thể có lợi nhuận đột biến vì còn nặng gánh thực hiện các nhiệm vụ được Chính phủ giao. Chẳng hạn, trước mắt BIDV vừa là “đốc công” vừa là chủ nợ của ba ngân hàng hợp nhất. Và trong khi người gửi tiền được bảo vệ, thì nhà đầu tư chưa biết BIDV sẽ xử lý nợ liên ngân hàng của ba ngân hàng này như thế nào. Ngoài ra, lý do quan trọng khiến nhiều nhà đầu tư tổ chức muốn đầu tư dài hạn e ngại, là họ hầu như không có cơ hội có tiếng nói trong quản trị khi BIDV chỉ bán ra 3% vốn.

BIDV dự kiến huy động 1.568 tỉ đồng trong đợt đấu giá này. Theo một báo cáo của công ty chứng khoán Kim Eng Việt Nam, cả VCB và CTG đều nằm trong danh mục giới thiệu đầu tư của hai quỹ đầu tư chỉ số ETFs trên thị trường Việt Nam do Van Eck và Deutsche Bank quản lý. Hai quỹ này nhắm đến khách hàng là nhà đầu tư nước ngoài. Trong khi ở các ngân hàng cổ phần niêm yết như ACB, STB, EIB, nhà đầu tư luôn mua mạnh và tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài thường xuyên được lấp đầy, thì ở ngược lại, luôn sẵn có một lượng lớn cổ phiếu VCB và CTG trên thị trường, mà theo Kim Eng Việt Nam, có hai lý do. Một là nhà đầu tư nước ngoài không ưa chuộng chúng, hai là lượng vốn hoá thị trường của những ngân hàng này lớn hơn nhiều lần của các ngân hàng cổ phần. Liệu BIDV có được ưa thích hơn?

 

Theo Hồng Sương

 SGTT

 


 


Cổ phiếu BĐS: Có còn là 'điềm báo' cho nhà đất?

Ngày đăng : 28/12/2011 - 10:07 AM

Tuyệt đại đa số cổ phiếu BĐS giảm giá 60-80% và chưa có tín hiệu nào khởi sắc. Sự phục hồi của thị trường nhà đất liệu có thể trông đợi vào những tín hiệu từ chứng khoán hay chọn một con đường độc lập.


 

 Số phận của "điềm báo"

Hoàn toàn không khác với thị trường chứng khoán (TTCK) Trung Quốc, tình cảnh nhóm cổ phiếu bất động sản (BĐS) trên TTCK Việt Nam đã đáng được gọi là một năm thất bại ngoài sức tưởng tượng.

Hệ quả từ câu chuyện sụt giảm doanh thu đến 50% của rất nhiều doanh nghiệp BĐS ở Thượng Hải, Thẩm Quyến, Phúc Kiến... đã khiến cho nhóm cổ phiếu BĐS của các doanh nghiệp BĐS niêm yết trên 13 sàn giao dịch của Trung Quốc trở thành đầu tàu lôi chỉ số chứng khoán Trung Quốc xuống khu vực thấp nhất trong năm nay, chỉ còn cách đáy khủng hoảng năm 2008 vài chục phần trăm.

Trong khi chỉ số tổng hợp Shanghai Composite của sàn chứng khoán Thượng Hải mất gần 40% trong năm, thì nhiều cổ phiếu BĐS đã lao dốc gấp rưỡi tỷ lệ sụt giảm chung. Trong khi đó, hy vọng về việc được chính phủ trung ương nới lỏng tín dụng BĐS vẫn còn là một khả năng xa vời.

Trong thực tế, bong bóng nhà đất Trung Quốc đã bắt đầu xì hơi mạnh tại ít nhất 50% trên tổng số 70 thành phố trọng điểm về thị trường BĐS của quốc gia này.

Với Việt Nam, hình ảnh còn tệ hơn  Trung Quốc. 2011 là một năm thê thảm cho hầu hết các doanh nghiệp BĐS, đến mức cuối năm nhiều doanh nghiệp đã không biết tìm đâu ra kinh phí để lo thưởng Tết.

Theo những thông tin được công bố gần nhất thì vào thời điểm cuối năm 2011, chỉ có 3 trên tổng số 64 mã cổ phiếu BĐS niêm yết trên hai sàn HOSE và HNX đạt được mức tăng giá: VPL tăng 84,8%; ASM tăng 14% và VIC tăng 4,2%. Những cổ phiếu BĐS còn lại đều giảm từ 60-80%.

Tỷ lệ đại hạ giá của tuyệt đại đa số cổ phiếu BĐS cho thấy điều gì?


Mặc dù vẫn có một số doanh nghiệp BĐS báo lãi về cuối năm, nhưng trong thực tế ngay cả số lãi này cũng rất mong manh.

Từ giữa năm 2011, sau thời hạn mà các ngân hàng thương mại phải kéo giảm tỷ lệ dư nợ phi sản xuất về mức 22% theo chỉ đạo của Ngân hàng nhà nước, tình thế đã trở nên khốn khó đối với phần lớn doanh nghiệp BĐS. Trước dó, trong suốt quý 1 và 2/2011, hệ số tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là loại căn hộ trung cấp và cao cấp, gần như bằng không.

Tình hình quý 3 năm nay lại còn tồi tệ hơn cả hai quý trước đó. Những doanh nghiệp đã vượt qua được thời điểm ngày 30/6 từ động thái "hỗ trợ" của ngân hàng thương mại, những tưởng đã có thể "đẩy sóng" nhằm thoát hàng, nhưng nỗi ê ẩm là ngay cả một số doanh nghiệp đại gia như Hoàng Anh Gia Lai, Phát Đạt cũng không thể bán nổi vài phần trăm căn hộ đang tồn.

Lượng tồn kho hàng hóa vì thế cũng tăng cao chưa từng thấy. Nằm trong bối cảnh chung ứ đọng sản phẩm của nhiều lĩnh vực sản xuất, BĐS cũng có đến ít ra vài ba chục ngàn tỷ đồng "không đến tay người dân". Ngay cả Hoàng Anh Gia Lai cũng không tránh khỏi thân phậm hẩm hiu với giá trị tồn đọng sản phẩm lên đến 3.000 tỷ đồng.

Với những doanh nghiệp BĐS ít vốn và ít tiềm lực hơn, việc trả lãi vay cuối kỳ đã trở thành một "vấn nạn". Các chỉ số về rủi ro tài chính tăng dần và tăng cao, liên quan đến những khoản vay ngắn hạn. Nếu cả đến Vincom ở phía Bắc cũng phải tìm cách sang nhượng một tòa cao ốc của họ, thì có thể hiểu triển vọng kinh doanh BĐS của ông Đoàn Nguyên Đức ở phía Nam u ám đến thế nào.

Ngoại trừ cổ phiếu VIC và VPL - vốn cùng "họ", cổ phiếu HAG của Hoàng Anh Gia Lai cùng rất nhiều mã BĐS khác chỉ có giảm và lao dốc mà không nhìn thấy bất cứ ánh sáng le lói nào trong đường hầm chứng khoán.

"Điềm báo" sẽ vẫn bị bỏ rơi?

Mối quan hệ song hành giữa TTCK và thị trường BĐS đã biểu hiện khá rõ từ những năm 2006 - 2007 cho đến nay. Vào những giai đoạn chỉ số chứng khoán tăng mạnh như cuối 2006, đầu 2007, hoặc vào quý 2 - 3/2009, nhóm cổ phiếu BĐS luôn trở thành tiêu điểm săn lùng của giới đầu tư chứng khoán.

Cùng cộng hưởng, thị trường BĐS cũng tăng trưởng mạnh trong những khoảng thời gian trên.

Thậm chí, thị trường BĐS đã tạo nên độ trễ pha với TTCK. Vào năm 2007, sau khi TTCK lập đỉnh với chỉ số VNI đạt đến 1.170 điểm và đi dần vào suy giảm sau đó, giá nhà đất ở TP.HCM và một số khu vực khác vẫn tiếp tục tăng cho đến đầu năm 2008.

Dòng tiền tương hỗ giữa hai thị trường cũng đã được xác nhận là có thực. Vào năm 2009, chính dòng tiền nóng chốt lãi từ TTCK đã thúc đẩy cho sự phục hồi rất mạnh của thị trường BĐS Hà Nội. Tuy nhiên, 2011 lại là năm thoái trào mạnh của nhà đất khu vực Thủ đô. Từ cuối năm 2010, nhóm cổ phiếu BĐS đã có dấu hiệu phá những ngưỡng kỹ thuật quan trọng phía dưới. Hẳn đó là một "điềm báo" cho tình trạng kém khả quan của thị trường nhà đất.

Phản ảnh một cách trung thực với sự tệ hại của nhóm cổ phiếu BĐS, cả hai thị trường nhà đất ở Hà Nội và TP.HCM đều "trầm cảm" nặng về tính thanh khoản. Nhưng con bệnh nặng nhất vẫn là Hà Nội, khi mặt bằng giá đất nền và căn hộ tại đây lao dốc theo chu kỳ các quý 3 và quý 4 năm 2011.

Điềm báo ấy cũng có thể dắt dây sang năm 2012, thậm chí đến năm 2013. Mối tương quan giữa nhóm cổ phiếu BĐS với hiện trạng và triển vọng của các doanh nghiệp BĐS vẫn còn đó. Từ kinh nghiệm của quá khứ, điều có thể rút ra sơ bộ là chừng nào cổ phiếu BĐS vẫn chưa lấy lại được sức mạnh của chúng trên bảng điện chứng khoán, thị trường BĐS vẫn khó có khả năng nhìn thấy tương lai.

Tuy vậy, vẫn có hy vọng cho thị trường BĐS đổi chiều, khi mối quan hệ tương hỗ trên cũng đổi chiều theo. Sự đổi chiều này liên quan mật thiết đến khả năng thị trường nào sẽ có cơ hội khởi động trước, với thời gian được tính cho năm 2012.

Nếu lặp lại đúng tiền lệ của quá khứ với TTCK phục hồi trước, tùy vào mức độ phục hồi của chỉ số chứng khoán và giá cổ phiếu mà thị trường BĐS sẽ tăng trưởng giao dịch và giá. Nhưng ít nhất, giao dịch sẽ hình thành, sản phẩm sẽ bán được dù chỉ với mức giá khiêm tốn. Trong trường hợp này, nhóm cổ phiếu BĐS sẽ lại một lần nữa làm nên đình đám.

Nhưng không loại trừ khả năng thị trường BĐS có thể phục hồi một cách độc lập tương đối mà không phụ thuộc vào vận động của TTCK. Điều đó cũng có nghĩa là quy luật song ánh của dĩ vãng sẽ có thể được thay thế bằng tương quan "đường ai nấy đi", hay nói chính xác hơn là "thân ai nấy lo".

Khi đó, bất chấp việc thị trường BĐS có phục hồi được bao nhiêu chăng nữa, thân phận nhóm cổ phiếu BĐS trên sàn chứng khoán vẫn hoàn toàn mong manh. Nếu chỉ số chứng khoán duy trì được thế đi ngang, một số mã BĐS sẽ có cơ hội tăng trưởng. Nhưng nếu chứng khoán vẫn tiếp tục bị bỏ rơi, cổ phiếu BĐS sẽ tạo nên một khác biệt cơ bản với doanh nghiệp BĐS với thực chất nó chỉ là một thứ chất liệu giấy vụn chứ không được đo đếm có ý nghĩa hơn thông qua đơn vị tiền tệ.

 

Theo VEF


 


 

Tin mới cập nhật