Ngày đăng :
11/04/2012 - 1:40 PM
Thống đốc: Cởi trói gần như toàn bộ với lĩnh vực bất động sản
Với TTCK Thống đốc cho rằng vẫn sẽ tăng trưởng bền vững mà không cần mở tín dụng từ vốn ngân hàng.
Đại diện ngân hàng Nhà nước cho biết sau khi phân tích tình hình hiện tại cũng như dự báo biến động của nền kinh tế, NHNN đã quyết định mở tín dụng cho lĩnh vực không khuyến khích cho vay bao gồm tín dụng chứng khoán, bất động sản và tiêu dùng.
Với tín dụng tiêu dùng thì đã mở hết các loại dư nợ, chỉ trừ dư nợ tiêu dùng ở nước ngoài bao gồm du lịch, chữa bệnh, du học.
Dư nợ tín dụng bất động sản cũng được mở với mọi loại hình vay bao gồm vay để mua bán nhà ở đầu tư, đầu cơ, để ở; mở cho vay xây dựng BĐS để bán, để ở.
Với dư nợ cho vay chứng khoán không khuyến khích do đây là thị trường vốn dài hạn nên không thể sử dụng tín dụng ngắn hạn của ngân hàng để đầu tư.
Tuy nhiên Thống đốc tin rằng không cần vốn từ ngân hàng thì TTCK vẫn sẽ tăng trưởng được do thừa hưởng những yếu tố tích cực từ nền kinh tế như lạm phát và lãi suất giảm. Việc tăng của TTCK sẽ không nhanh nhưng sẽ bền vứng
Trả lời câu hỏi của phóng viên vì sao lại mở tín dụng cho lĩnh vực BĐS, Thống đốc cho biết lĩnh vực BĐS rất rộng, dư nợ tín dụng trực tiếp cho vay BĐS chỉ trên dưới 10% nhưng dư nợ trong hệ thống có đảm bảo bằng BĐS rất lớn, khoảng 60%. Do vậy phải từng bước tháo gỡ khó khăn cho tín dụng BĐS, nhất là khi nhu cầu nhà ở rất lớn và mặt bằng giá nhà đã đến mức hợp lý để người dân tiếp cân.
Mở tín dụng thì sẽ giúp giải phóng hàng tồn kho BĐS, tạo ra chu chuyển vốn cho nền kinh tế. Nếu lĩnh vực BĐS được tháo gỡ một phần thì nhiều lĩnh vực khác cũng sẽ được tháo gỡ như xi măng, sắt thép và giúp giảm nợ xấu trong ngân hàng.
Đối với vấn đề nợ xấu, Thống đốc Nguyễn Văn Bình chia sẻ: Nợ xấu có chiều hướng tăng lên trong mọi lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Đầu năm nợ xấu là 3,2%, đến nay là 3,6%. Đối với nợ xấu tại một số TCTD cụ thể còn cao hơn nhiều. Các ngân hàng chủ động cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp do gặp nhiều khó khăn bởi nhiều lý do. Nếu không tháo gỡ thì các DN sẽ rất khó khăn, dẫn tới NH sẽ khó khăn. Do vậy NHNN chỉ đạo các NHTM tái cơ cấu nợ cho các doanh nghiệp để DN vượt qua khó khăn, tiếp tục phát triển.
Thanh Hải - Khánh Linh
Theo TTVN
|
Ngày đăng :
10/04/2012 - 2:50 PM
Trước những khó khăn về nguồn vốn và thị trường, nhiều chủ đầu tư dự án tại Hà Nội đang rao bán dự án bất động sản.
Danh sách các dự án bất động sản tại Hà Nội chào bán đang ngày một dài, mà nguyên nhân chính là do chịu tác động của chính sách thắt chặt tiền tệ, lãi suất ngân hàng đứng ở mức cao, đầu ra cho sản phẩm không có, doanh nghiệp bất động sản lâm vào tình trạng khó khăn và buộc phải tính đến phương án bán dự án.
Ế ẩm!
Chủ đầu tư dự án hỗn hợp văn phòng, trung tâm thương mại và căn hộ để bán trên đường Lê Văn Lương (Hà Nội) đang phải đôn đáo tìm đối tác tham gia thực hiện dự án, mà thực chất là mong muốn “bán đứt” nhằm thoát khỏi thị trường. Dự án có diện tích 4.000 m2, đã được phê duyệt gồm 2 tòa nhà 30 tầng với mật độ xây dựng 50%, đầy đủ pháp lý, giá chào bán 470 tỷ đồng, bao gồm cả tiền chuyển đổi mục đích sử dụng đất, đặc biệt là “vẫn có thể thương lượng”. Tuy nhiên, rao bán cả mấy tháng nay vẫn chưa tìm được người “thực sự nhiệt tình”.
Một dự án khác có diện tích tương tự dự án trên, nằm trên đường chính Khu đô thị mới Cầu Giấy, được chào bán với giá 215 tỷ đồng, có thương lượng. Dự án khác nằm trên đường Phạm Hùng có diện tích 3.600 m2, số tầng không được quá 20, được chào bán với giá 88,9 tỷ đồng và cũng có thương lượng. Nằm trong Khu đô thị kiểu mẫu Linh Đàm, chủ đầu tư dự án có diện tích 2.700 m2, diện tích xây dựng 1.200 m2, mật độ xây dựng 45%, cao 25 tầng, đang chào bán với giá 92 tỷ đồng, chưa bao gồm tiền sử dụng đất.
Ở quy mô lớn hơn, chủ một dự án tại quận Hà Đông rao bán dự án gần 6 héc-ta bao gồm biệt thự, liền kề và căn hộ, có phê duyệt quy hoạch 1/500, có quyết định giao đất, đã giải phóng mặt bằng và san nền. Tuy mức giá không được tiết lộ, nhưng theo một nguồn tin đáng tin cậy thì mức giá chỉ bằng một nửa so với thời điểm đất khu vực Hà Đông lên cơn sốt hồi năm 2010.
Không ít chủ đầu tư có dự án nằm ở ngoại thành hoặc địa phương khác cũng đang phải rao bán. Ví dụ, một dự án nghỉ dưỡng cao cấp có diện tích 8 héc-ta tại Ba Vì đang được chào bán với giá 50 tỷ đồng. Hay một resort tại Mũi Né - Phan Thiết, với khách sạn cao cấp, đầy đủ nội thất tiêu chuẩn 4 sao và đang kinh doanh tốt với 100 phòng, đang được chào bán với giá 115 tỷ đồng.
Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, mặc dù chủ đầu tư hứa hẹn với các nhà môi giới về một tỷ lệ “hoa hồng” hấp dẫn khi các thương vụ mua bán thành công, nhưng các dự án trên vẫn chưa tìm được đối tác để chuyển nhượng.
M&A sẽ nhộn nhịp
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản, có rất nhiều nguyên nhân khiến cho số lượng các dự án bất động sản chào bán ngày càng tăng, trong đó có 3 nguyên nhân cơ bản sau:
Thứ nhất và cũng chiếm tỷ lệ nhiều nhất là các doanh nghiệp đã vay tiền của ngân hàng, huy động vốn của khách hàng để mua đất làm dự án, rồi ứng vốn của nhà thầu hoặc bằng phát hành trái phiếu chuyển đổi để xây dựng. Nhưng do đầu ra cho sản phẩm không có, nên doanh nghiệp không có doanh thu để trả lãi ngân hàng và trả nhà thầu, nên buộc phải bán dự án.
Thứ hai, có nhiều doanh nghiệp trong giai đoạn trước đây kiếm lời dễ dàng từ bất động sản, nên tham vọng mở rộng đầu tư trong lĩnh vực này bằng cách lấy tiền lãi của dự án đã bán để đầu tư tiếp vào các dự án khác. Trong bối cảnh hiện nay, do không có tiền để đầu tư nhiều dự án cùng một lúc, nên doanh nghiệp buộc phải tìm cách bán bớt một số dự án.
Nguyên nhân thứ ba có tỷ lệ không nhỏ là nhiều doanh nghiệp không có kinh nghiệm trong lĩnh vực bất động sản, nhưng lại nhảy vào thị trường này lúc sốt bằng cách lấy tiền lãi từ ngành nghề kinh doanh chính để mua dự án, bây giờ không triển khai được và buộc phải bán dự án để quay lại ngành nghề kinh doanh chính hoặc cứu doanh nghiệp khi ngành nghề kinh doanh chính cũng khó khăn.
Trao đổi với phóng viên, ông Phan Xuân Cần, Chủ tịch HĐQT CTCP Tư vấn bất động sản Sohovietnam cho biết, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn và buộc phải bán dự án là cơ hội thuận lợi để các nhà đầu tư mua được dự án tốt với giá hợp lý. Những doanh nghiệp có tiền mặt đang sẵn sàng lùng mua những dự án bất động sản có vị trí đẹp, đã có mặt bằng sạch, pháp lý rõ ràng; sau đó dần hoàn thiện các thủ tục và đợi thị trường khởi sắc sẽ khởi động dự án.
Ông Marc Townsend, Tổng giám đốc điều hành CBRE nhận định, hoạt động M&A sẽ nhộn nhịp trong năm 2012, qua đó tăng tính thanh khoản và khả năng cạnh tranh của thị trường bất động sản trong những năm tới. Tuy nhiên, ông Marc Townsend khuyến nghị: “Người bán thường có thói quen chào mức giá cao hơn nhiều so với mức chấp nhận, sau đó nếu có đơn vị hỏi mua sẽ thương lượng. Đây là một sai lầm. Vì nếu người mua nhận thấy sự bất hợp lý (hay sau khi làm các tính toán cần thiết) sẽ không dành thời gian tiếp cận dự án và cơ hội sẽ bị bỏ qua. Hãy đặt vị trí mình là người mua rồi hãy đưa ra mức giá chào bán hoặc nhờ tư vấn độc lập định giá”.
Theo Minh Nhật
ĐTCK
|
Ngày đăng :
14/03/2012 - 9:55 PM
Bất động sản: La liệt dự án 'bất động', chủ đầu tư 'hụt hơi'
Dự án xây dựng TTTM chợ Mơ đã khởi công tháng 12/2008 và sẽ hoàn thành vào quý II/2012 nhưng đến nay công trình mới chỉ xây dựng đến tầng 17
99% dự án đều chậm tiến độ so với yêu cầu đặt ra là con số vừa được Tổng hội xây dựng Việt Nam công bố. Hàng loạt dự án rơi vào cảnh 'đắp chiếu' hoặc hoạt động cầm chừng...
Hụt hơi, cầm chừng
Để mục sở thị phóng viên DĐDN đã có cuộc khảo sát các dự án trên địa bàn Hà Nội. Đầu tiên phải kể đến Dự án Khu nhà ở cao cấp Skylight tọa lạc tại số 125D Minh Khai, Hai Bà Trưng do Tổng công ty Cơ khí Xây dựng Coma làm chủ đầu tư. Dự án đã khởi công xây dựng từ tháng 6/2009, dự kiến hoàn thành tháng 6/2011, được xây dựng trên diện tích rộng 15.534m2, gồm 2 tòa nhà chung cư cao cấp 22 tầng và 14 nhà liền kề có vườn, cao 3 tầng. Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, dù đã gần hết quý I/2012 nhưng dự án mới đang thi công 2 tòa nhà đến tầng 13, còn phần xây dựng nhà liền kề thì vẫn là khu đất trống, chưa được triển khai.
Một công nhân làm việc tại đây cho biết: Dự án chỉ triển khai xây dựng đều từ tháng 11/2011, còn trước kia thì hầu như có triển khai nhưng rất chậm. Tuy đang được triển khai nhưng công nhân này cho biết, hiện chỉ có khoảng 120 công nhân làm việc trên toàn bộ dự án, nguyên vật liệu nhập về nhiều khi không đủ cho công nhân thi công. Với tiến độ thi công này, một công nhân khác dự kiến ít nhất 2 năm nữa dự án mới hoàn thành.
Hiện nay, các dự án chậm tiến độ đang là vấn đề bức xúc với nhiều người dân đã mua nhà tại các dự án này. Cụ thể khi phóng viên đến tìm hiểu tại Dự án phá dỡ và xây dựng mới nhà ở cao tầng và văn phòng làm việc, số 187 Tây Sơn, Đống Đa. Chị Lan Anh - một người dân đã mua căn hộ tại dự án này chia sẻ, vợ chồng chị đã vay ngân hàng mua nhà với lãi suất 22%/năm, ngốn phần lớn thu nhập hàng tháng của gia đình. Hiện tại anh chị phải thuê nhà hàng tháng với chi phí 6 triệu đồng/tháng. “Tiền chôn vào dự án không biết làm cách nào lấy ra. Hiện tại tôi rất muốn bán căn hộ của mình vì nhận thấy tiến độ thi công đang diễn ra quá chậm” – chị Lan Anh bức xúc.
Dự án do Công ty quản lý và phát triển nhà Hà Nội làm chủ đầu tư, được khởi công từ tháng 9/2009 và dự kiến hoàn thành quý II/2012, nhưng đã gần hết quý I mà công trình này mới chỉ xây dựng xong phần thô của tòa nhà 17 tầng. Theo quan sát của phóng viên, công trình đang thi công với số lượng công nhân ít ỏi, công trường vắng lặng, chỉ có lác đác vài chục công nhân làm việc.
Tương tự, dự án xây dựng Trung tâm Thương mại chợ Mơ đã khởi công tháng 12/2008 trên diện tích đất là 11.154m2, tại số 459C, Bạch Mai, Hai Bà Trưng do Công ty cổ phần Phát triển Thương mại Vinaconex làm chủ đầu tư. Dự án dự kiến xây dựng 3 khối nhà cao từ 5 đến 25 tầng, và sẽ hoàn thành vào quý II/2012 nhưng đến nay công trình mới chỉ xây dựng đến tầng 17. Hiện, công trình cũng đang gấp rút xây dựng nhưng với hạn hoàn thành đã gần hết thì công trình vẫn không thể đuổi kịp tiến độ đề ra.
Các công trường đều vắng bóng công nhân thi công
Cũng chung cảnh ngộ, dự án Trung tâm Thương mại dịch vụ Hapro, 11B Cát Linh, Đống Đa, do Tổng công ty Thương Mại Hà Nội làm chủ đầu tư đã khởi công tháng 1/2010, dự kiến hoàn thành cuối năm 2011 nhưng đến nay, công trình mới hoàn thiện xong phần thô và đang tiếp tục thi công.
Hay như mới đây nhiều khách hàng mua dự án chung cư cao cấp Usilk city (Văn Khê- Hà Đông) đã rất lo ngại khi 9 tòa nhà thuộc dự án này đều bị chậm tiến độ so với cam kết ban đầu. Điều đáng nói, nhiều khách hàng đã nộp 100% tiền mua nhà để được nhận khuyến mãi một phần diện tích sàn trung tâm thương mại. Tuy nhiên, đến nay đã quá thời hạn 9 tháng mà phần lớn toà nhà vẫn đang trong tình trạng “đắp chiếu”.
Bên cạnh đó, còn nhiều công trình, dự án khác cũng đang thi công một cách cầm chừng như: Dự án Tricon Tower (Hoài Đức), dự án SMS Hoàng Gia (Hà Đông), dự án Trung Yên Plaza (UDIC), chung cư G3AB Yên Hòa (Cầu Giấy), chung cư L3,L4,L5 (Ciputra)…cho thấy nhiều chủ đầu tư đã 'hụt hơi'.
Khách hàng lĩnh đủ
Năm vừa qua, do tác động của tình hình kinh tế thế giới cùng chủ trương thực hiện kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô của chính phủ, lĩnh vực phát triển nhà ở và thị trường BĐS gặp nhiều khó khăn trong đó nhiều dự án tạm dừng và hoãn tiến độ triển khai, thị trường BĐS trầm lắng, giảm sút cả về mặt giá cả và lượng giao dịch, các doanh nghiệp và người dân khó tiếp cận nguồn vốn và lãi suất cao.
Nhiều chuyên gia cho rằng, nguyên nhân chủ yếu của hiện tượng trên là do chủ đầu tư gặp vấn đề về vốn. Do không huy động được số vốn tối thiểu từ khách hàng, hoặc từ nguồn khác để tiếp tục dự án, mà bản thân những doanh nghiệp này gần như hoàn hoàn phụ thuộc vào nguồn vốn này nên họ buộc phải dừng dự án.
Theo Bộ phận nghiên cứu thị trường bất động sản CBRE, trong hoàn cảnh này, người mua nhà chịu thiệt thòi lớn nhất. Những tổn thất mà nhóm khách hàng này phải chịu gồm: Tổn thương về tài chính, mất chi phí cơ hội, mất niềm tin, tỷ lệ rủi ro suất đầu tư bị đẩy lên cao... Chính vì vậy, thời điểm này khách hàng nên cân nhắc khi tham gia dự án của các doanh nghiệp BĐS, nhất là các chủ đầu tư chưa có kinh nghiệm.
Theo Vân Thơ
DĐDN
|
Ngày đăng :
11/03/2012 - 9:57 AM
Tin tức, dự án bất động sản nổi bật tuần 2 tháng 3
Một lô nhà liền kề của dự án Vân Canh.
Thống đốc NHNN không đồng ý thành lập ngân hàng Xây dựng, “điểm mặt” 10 khu đô thị chậm tiến độ tại Hà Nội....là những tin tức nổi bật tuần vừa qua của thị trường bất động sản.
Tin tức nổi bật
- Thống đốc NHNN không đồng ý thành lập ngân hàng Xây dựng: Trong cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều ngày 6/3/2012, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình khẳng định "với tư cách là Thống đốc Ngân hàng Nhà nước tôi không đồng ý thành lập ngân hàng xây dựng". Theo Thống đốc, việc thành lập ngân hàng để ứng cứu bất động sản vào lúc này là không cần thiết. Bởi vì, hiện nay trong nước đã có rất nhiều ngân hàng, các ngân hàng này cũng có hoạt động cho vay bất động sản. Thêm vào đó, việc giữ được tính minh bạch cho ngân hàng xây dựng trong tương lai cũng là một vấn đề vô cùng nan giải.
- Chưa xong quy hoạch dự án Tuần Châu Ecopark đã bán tràn lan: Thông tin chào bán đất biệt thự, liền kề dự án Tuần Châu Ecopark do CTCP Tuần Châu Hà Nội làm chủ đầu tư đang xuất hiện tràn lan trên thị trường, mặc dù đến nay dự án này mới được phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết 1/500. Do đó, nhà đầu tư cần cẩn trọng với những thông tin chào bán và giao dịch của sản phẩm dự án này, bởi theo tình trạng pháp lý thì dự án vẫn chưa hoàn tất, còn đang “trên bàn giấy”.
- Nhiều sai phạm tại dự án Vân Canh: Theo kết luận của thanh tra, việc đầu tư xây dựng Khu đô thị mới Vân Canh của Tập đoàn HUD đã tồn tại hàng loạt sai phạm như: Làm sai quy hoạch, thiết kế cơ sở, bán nhà không qua sàn giao dịch, nợ đọng tiền sử dụng đất...Không chỉ phát hiện ra các sai phạm của chủ đầu tư HUD, qua kiểm tra, Thanh tra Thành phố còn xác định sai phạm của Liên ngành (bao gồm Sở Tài chính - Sở Tài nguyên và Môi trường - Cục thuế - Sở Xây dựng).
- 10 khu đô thị chậm tiến độ tại Hà Nội: Cụ thể, mười khu đô thị trên gồm: Yên Hòa, Nam Trung Yên, Mỹ Ðình I, Mỹ Ðình II, Mỹ Ðình - Mễ Trì, Dương Nội, Văn Quán - Yên Phúc, Văn Phú, Ðại Kim - Ðịnh Công và Thạch Bàn. UBND TP Hà Nội chỉ đạo chủ đầu tư mười khu đô thị phát hiện chưa thực hiện đúng các quy định về xây dựng hạ tầng xã hội phải đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các hạng mục hạ tầng xã hội theo quy định, đáp ứng yêu cầu sinh hoạt, học tập của người dân trên địa bàn.
Dự án mở bán
- Mở bán đất nền Sunny Villa: Vào ngày 11/3, tại Hà Nội, Tập Đoàn Đất Xanh sẽ chính thức mở bán đất nền biệt thự Khu Imperial Villa - dự án Sunny Villa Resort & Luxury Home tọa lạc tại Mũi Né, TP Phan Thiết với mức giá từ 5 – 7 triệu đồng/m2. Sunny Villa là dự án do Công ty TNHH Đầu tư Sài Gòn (Sai Gon Investment) làm chủ đầu tư. Dự án tọa lạc tại mặt tiền biển Hòm Rơm, tại Km 25 đại lộ 706B, phường Mũi Né, TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận.
- Mở bán Golden Land: Tập đoàn Hoàng Huy vừa mở bán căn hộ thuộc Khu phức hợp cao cấp Golden Land với giá từ 35 triệu đồng. Khu phức hợp cao cấp Golden Land có tổng diện tích gần 2,4ha, tọa lạc tại số 275 Nguyễn Trãi, Hà Nội. Theo thiết kế, dự án gồm 4 tòa tháp căn hộ và 1 tòa tháp trung tâm thương mại, khách sạn cao 33 tầng. Điểm nhấn của dự án là cụm 3 tháp căn hộ cao 25 tầng cùng chung khối đế và tòa tháp 27 tầng nằm riêng biệt với gần 700 căn hộ có diện tích từ 93m2 - 166m2.
- Mở bán đợt mới Mulberry Lane: Vào ngày 17/3 tới, Công ty TNHH CapitaLand – Hoàng Thành và Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam sẽ giới thiệu căn hộ mẫu Mulberry Lane cũng như tiến hành mở bán đợt mới. Mulberry Lane có tổng diện tích 2,4ha gồm 5 toà nhà cao tầng với tổng cộng 1.478 căn hộ cao cấp với diện tích từ 45m2 đến 135m2.
- Mở bán căn hộ cao ốc An Bình: Công ty CP Địa ốc Sài Gòn (SaigonRes) đang mở bán đợt 2 cao ốc An Bình tọa lạc tại số 787 Lũy Bán Bích, P.Phú Thọ Hòa, Q.Tân Phú, TP.HCM. Theo đó, 66 căn hộ được mở bán với giá từ 15,1 triệu đồng/m2 trở lên, đồng thời tặng nội thất gồm máy lạnh, sofa, tủ bếp và đèn chùm.... cho 20 khách hàng đầu tiên. Ngoài ra, khách hàng chỉ phải thanh toán 65% giá trị căn hộ là nhận nhà vào ở ngay, 30% còn lại được trả chậm trong vòng 6 tháng không lãi suất, 5% khi nhận sổ hồng.
Tuệ Minh
Theo TTVN
|
Ngày đăng :
08/01/2012 - 10:33 PM
Giữa những ngày đầu năm, thay vì không khí náo nhiệt, vui như mọi khi, các DN kinh doanh địa ốc vẫn chìm trong cơn “ngủ đông”.
Sàn giao dịch vắng hoe, nhân viên kinh doanh lẫn giám đốc đều không buồn đến gặp gỡ đầu xuân để tiết kiệm. Thậm chí có DN còn cắt giảm cả chương trình PR cho dự án mình mới mở bán được 2 - 3 tháng.
Khác với mọi năm, quý IV là quãng thời gian “vàng son” cho các hoạt động giao dịch BĐS. Chẳng nói đâu xa, nhiều DN BĐS giờ lại than thở “bao giờ cho đến ngày xưa” khi hồi tưởng về vài năm trước (2009 - 2010) khi thị trường còn trăm kẻ bán, vạn người mua cũng như mọi điều kiện về vốn cũng như tài khóa BĐS thênh thang rộng đường. Năm 2011, hòa chung trong nền kinh tế khó khăn, các nguồn vốn đổ vào thị trường địa ốc eo hẹp dần, cộng thêm tâm lý bất an của kẻ bán - người mua, BĐS đã gần như đứng yên với lượng giao dịch chậm nhất từ trước tới nay tại thời điểm quý IV. Những “tụ điểm” về sàn giao dịch như Trung Hòa - Nhân Chính, Lê Văn Lương kéo dài, Khuất Duy Tiến… dường như chỉ còn lác đác vài sàn mở cửa hoạt động. Chia sẻ về tình trạng “vắng như chùa bà Đanh” tại sàn mình, Hoàng - nhân viên môi giới lành nghề tại một sàn rất nổi tiếng trên đường Hoàng ĐạoThúy (Trung Hòa - Nhân Chính) cho biết: Chúng tôi cố gắng mở cửa hoạt động trong những ngày này vì đã hẹn vài khách từ trong năm đi xem sản phẩm. Còn lại, hầu như chỉ có kế toán làm việc để thu hồi công nợ của khách từ quý I trong năm tới giờ.
Những sàn nêu trên chiếm tỷ lệ rất thấp so với lượng sàn đóng cửa cho nhân viên nghỉ không lương hiện nay tại thị trường Hà Nội. Còn lại, đa phần các sàn tầm trung, hoặc tầm nhỏ đã có lịch nghỉ tết cho nhân viên từ đầu tháng 11. Ghi nhận tại một sàn trên đường Lê Đức Thọ (Mỹ Đình - Hà Nội), đại diện sàn này cho biết, năm nay lượng lịch Tết chỉ in bằng 1/3 năm vừa rồi. Lịch in ra chỉ đủ cho nhân viên chính thức, lãnh đạo và biếu đối tác tiềm năng và khách hàng tầm cỡ (!). Thê thảm hơn, có sàn giao dịch BĐS tại khu vực Làng quốc tế Thăng Long (có dự án tại khu Lê Đức Thọ, Mỹ Đình) còn không “nỡ” tặng lịch Tết cho nhân viên để tiết kiệm tối đa chi phí.
Phần lớn lãnh đạo cũng như nhân viên tại các sàn giao dịch BĐS đều "thở hắt ra" khi được hỏi về thực tế hoạt động giao dịch tại các sàn của mình. Nền kinh tế khó khăn tác động chung tới đủ thành phần kinh tế, trong đó có BĐS. Người dân lương thưởng kém sẽ không có nhiều tiền để mua nhà đất. Trong khi đó, vàng đang trong đà giảm giá khiến nhiều người chuyển hướng cất trữ tài chính từ BĐS sang kim loại quý này. Thêm nữa, cuối năm đầu xuân, xu hướng tiêu dùng vẫn nghiêng chủ yếu về mua sắm Tết hơn là mua bán BĐS. Theo ông Lê Quốc Hưng - Giám đốc điều hành sàn BĐS Vinacity, thông thường cuối năm là dịp có nhiều giao dịch, tập trung vào những người có nhu cầu mua nhà ở. Tuy nhiên, cuối năm nay thì giao dịch hạn chế do giá BĐS vẫn quá cao, vượt khả năng mua của những người có nhu cầu thực tế. Nhiều người dân còn đang nghe ngóng chờ đợi vào động thái giảm tiếp của thị trường BĐS.
Cắt giảm chi phí tối đa là chuyện đương nhiên với mỗi DN khi gặp khó khăn, đặc biệt khó khăn về vốn cũng như thị trường. Theo tìm hiểu, có đơn vị DN địa ốc còn “nghiến răng” cắt giảm cả chương trình PR quảng cáo cho dự án vừa mở bán được 2 tháng. Đáng chú ý, DN này vừa tham gia thị trường BĐS với dự án đầu tiên của mình tung ra thị trường. Đây là dự án tổ hợp văn phòng căn hộ chung cư cao cấp 25 tầng nằm tại đường Mễ Trì (ngay gần trụ sở Viện huyết học Trung ương, đằng sau công viên Yên Hòa). Các căn hộ cao cấp được chủ đầu tư rao bán tới giá khoảng 40 triệu đ/m2 từ đầu tháng 10/2011 nhưng tính tới cuối tháng 12/2011 tỷ lệ lấp đầy mới chỉ đạt chưa tới 30%. Đơn vị này đã ráo riết lên kế hoạch PR mạnh tay từ nửa cuối tháng 11 và dự tính sử dụng chiến lược PR tập trung dồn dập trong khoảng thời gian trước Tết để thúc đẩy lượng cầu.
Tuy nhiên, đến đầu tháng 12, thay vì quyết tâm và tự tin (nhờ yếu tố vốn được chủ động) DN này đã lùi kế hoạch truyền thông cho dự án của mình và chờ sang năm 2012… xem sao. Đây cũng là cách làm “cực chẳng đã” và hoàn toàn mang tính cầu may của DN trong bối cảnh chung của thị trường BĐS. Nói là cầu may, bởi trong trường hợp sang năm thị trường vẫn “chưa chịu” hồi phục ngay, chắc chắn DN sẽ phải giảm giá sản phẩm, nhất là dòng sản phẩm cao cấp, nếu muốn có vốn quay vòng đầu tư lâu dài.
Chia sẻ về triển vọng thị trường, đại diện nhiều DN BĐS đều tỏ ra thất vọng, vì không biết liệu thị trường sẽ trượt dốc đến bao giờ, khi mà tín hiệu khả quan vẫn chỉ được dự báo là sang đầu quý IV/2012. Và rõ ràng trong thời điểm khó khăn, việc sàn đóng cửa, ngừng hoạt động, cắt giảm hết mức là điều cần phải làm ngay của mỗi sàn BĐS...
Theo Đông Hưng
Báo Xây dựng
|