Chuyên gia quốc tế nói gì về tăng trưởng, lạm phát, nợ xấu?

Ngày đăng : 13/08/2012 - 8:35 AM

 

Chuyên gia quốc tế nói gì về tăng trưởng, lạm phát, nợ xấu?

 

 

Theo JPMorgan, tăng trưởng tín dụng và các hoạt động kinh tế diễn ra yếu ớt trong 6 tháng đầu năm, nhưng đã bắt đầu vững vàng hơn trong thời gian gần đây

 

Các nhà quan sát quốc tế đánh giá cao sự giảm tốc của lạm phát của Việt Nam, nhưng thận trọng về triển vọng tăng trưởng, và tiếp tục bày tỏ quan ngại về vấn đề nợ xấu.

 

Những quan điểm này được thể hiện rõ trong một số báo cáo gần đây của các ngân hàng JPMorgan Chase, HSBC, ANZ..., và hãng đánh giá tín nhiệm Moody’s Investors Service.

 

Lạm phát và tăng trưởng GDP

 

Ba báo cáo đưa ra trong thời gian cuối tháng 7, đầu tháng 8 của JPMorgan Chase, HSBC và ANZ đều nhấn mạnh rằng, với các nỗ lực của Chính phủ, tốc độ lạm phát của Việt Nam đã liên tục hạ nhiệt trong thời gian qua, theo đó tạo “cửa” cho việc hạ lãi suất nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế. 

 

“Các nhà chức trách Việt Nam đã phát tín hiệu sẵn sàng làm những việc cần thiết để đưa nền kinh tế tiến lên phía trước. Năm ngoái, các biện pháp thắt chặt tín dụng đã được áp dụng nhằm hạn chế nhu cầu. Kết quả, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 vừa qua chỉ tăng hơn 5% so với cùng kỳ, từ mức đỉnh 23% vào tháng 8 năm ngoái”, báo cáo “Vietnam at a galance” của HSBC công bố ngày 1/8 viết.

 

Những cải thiện vĩ mô khác như thâm hụt thương mại giảm, tỷ giá USD/VND ổn định, dự trữ ngoại hối tăng… cũng được các báo cáo ngoại ghi nhận. “Thâm hụt thương mại trong 7 tháng đầu năm chỉ còn 58 triệu USD, so với mức khoảng 6 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái. Tỷ giá VND/USD đã ổn định từ đầu năm đến nay. Ngoài ra, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã tăng nhờ thâm hụt thương mại giảm và dòng vốn giải ngân FDI mạnh” - trích báo cáo HSBC.

 

“Ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam đã được thiết lập trở lại nhờ thực thi các biện pháp chính sách thắt chặt kể từ đầu năm 2011”, báo cáo cập nhật về đánh giá tín nhiệm nợ quốc gia Việt Nam mà Moody’s đưa ra hôm 8/8 nhận xét.

 

Tuy nhiên, với quan điểm thận trọng, các nhà phân tích của Ngân hàng ANZ còn đưa ra một góc nhìn khác trong báo cáo ra ngày 2/8, rằng sự xuống thang của lạm phát có thể là một tín hiệu cho thấy sự suy giảm của nhu cầu - rào cản đối với sự phục hồi tăng trưởng.

 

Báo cáo của ANZ cho thấy, sự suy giảm của nhu cầu tại các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam thể hiện qua sự đi xuống của tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu. Báo cáo chỉ rõ, theo số liệu ban đầu, mức tăng trưởng xuất khẩu của tháng 7 đã giảm mạnh xuống còn 3% so với cùng kỳ năm ngoái, từ mức tăng 16,9% trong tháng 6.

 

Cùng quan điểm, HSBC nhận định, ở thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp ở Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng nhu cầu thấp ở cả trong và ngoài nước. Chỉ số quản lý sức mua (PMI) của Việt Nam trong tháng 7, do HSBC thực hiện, đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ khi được công bố lần đầu vào tháng 4/2011. Theo HSBC, điều này phản ánh thực trạng người tiêu dùng không còn sẵn sàng chi tiêu do mức nợ cao hoặc do triển vọng tăng trưởng kinh tế kém.

 

HSBC cho rằng, Việt Nam hiện không phải là quốc gia duy nhất phải đối mặt với sự suy giảm của nhu cầu tại thị trường nội địa. Tuy nhiên, ở Việt Nam, nhu cầu tiêu dùng được HSBC dự báo có thể còn ở trong tình trạng trì trệ trong thời gian tới, trong khi những cải cách mang tính cơ cấu cần được thực hiện để giải quyết những vấn đề đã ăn sâu trong nền kinh tế.

 

Trong khi đó, với quan điểm lạc quan hơn, báo cáo đưa ra cuối tháng 7 của Ngân hàng JPMorgan Chase cho rằng, lạm phát cơ bản của Việt Nam (không tính tới các yếu tố giá nhiên liệu và lương thực-thực phẩm) vẫn ở mức 0,6% trong tháng 7 so với tháng 6 và ở mức 8% so với cùng kỳ năm ngoái. “Tương tự như trong mấy tháng qua, sự đi xuống của lạm phát tháng 7 chủ yếu là do giá lương thực-thực phẩm và nhiên liệu giảm” JPMorgan Chase nhận xét.

 

Ngoài ra, theo báo cáo này, tăng trưởng tín dụng và các hoạt động kinh tế diễn ra yếu ớt trong 6 tháng đầu năm, nhưng đã bắt đầu vững vàng hơn trong thời gian gần đây.

 

Biểu đồ tăng trưởng thực GDP và lạm phát của Việt Nam - Nguồn: Moody’s.

 

Tăng trưởng tín dụng và nợ xấu

 

Trái với cách nhìn của JPMorgan Chase về tăng trưởng tín dụng, HSBC và ANZ lại cho rằng, đây là một vấn đề đáng quan ngại của kinh tế Việt Nam ở thời điểm hiện tại.

 

“Sự suy giảm trong tốc độ tăng trưởng tín dụng (dưới 1% tính từ đầu năm) phản ánh các vấn đề bao gồm nhu cầu nội địa suy yếu, một triệu chứng của những yếu kém về cơ cấu, cùng những yếu tố bên ngoài” - báo cáo HSBC nhận xét. 

 

Tuy không đi sâu phân tích cụ thể, nhưng quan ngại của ANZ về tăng trưởng tín dụng chậm chạp của Việt Nam cũng giống như mối quan ngại mà HSBC đưa ra.

 

Một vấn đề nổi bật khác mà các báo cáo ngoại đề cập đến là nợ xấu trong hệ thống ngân hàng của Việt Nam. Theo quan điểm của Moody’s, xét tới mức độ minh bạch thấp trong các dữ liệu của Việt Nam, thì chất lượng tài sản của các ngân hàng Việt Nam trên thực tế là tệ hơn nhiều so với con số chính thức tỷ lệ nợ xấu 3,1% tính đến thời điểm cuối năm 2011. Tổ chức này cho rằng, “hệ thống ngân hàng của Việt Nam đang cho thấy những điểm dễ bị tổn thương hậu thời kỳ bùng nổ tín dụng”.

 

“Chất lượng tài sản suy giảm đã xói mòn mức vốn của nhiều ngân hàng, làm suy yếu thêm khả năng hấp thụ thua lỗ vốn đã yếu của ngân hàng Việt Nam, đồng thời kìm hãm khả năng cấp vốn tín dụng để hỗ trợ tăng trưởng. Tăng trưởng tín dụng trong 7 tháng đầu năm vì thế gần như là đi ngang”, báo cáo của Moody’s viết.

 

Báo cáo này cũng cho rằng, để giải quyết vấn đề nợ xấu, Việt Nam sẽ phải chịu chi phí không nhỏ, cho dù một kế hoạch cụ thể cho việc này tới nay vẫn vắng bóng.

 

Dự báo

 

Điểm chung của các báo cáo là đều thận trọng về triển vọng tăng trưởng thận trọng của kinh tế Việt Nam thời gian tới. “Lạm phát đã giảm đáng kể nhưng những mối quan ngại về tăng trưởng lại nổi lên”, Moody’s nhận định, đồng thời dự báo mức tăng trưởng GDP thực tế của Việt Nam sẽ ở mức trung bình 5% trong 2 năm tới. ANZ thì “vẫn quan ngại về những rủi ro đối với mức dự báo tăng trưởng 5,5% cho toàn năm 2012”. 

 

Tuy nhiên, các báo cáo cũng cho rằng, chính sách kinh tế vĩ mô của Việt Nam đang đi đúng hướng và lãi suất sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới trên cơ sở dự báo lạm phát sẽ còn hạ thêm.

 

“Những động thái nới lỏng tiền tệ và hỗ trợ tài khóa có thể vẫn sẽ tiếp tục được sử dụng trong năm 2012 để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng… tốc độ lạm phát sẽ giảm trong quý 3 lẫn quý 4 và chạm mốc 6-7% vào cuối năm”, ANZ nhận định. Tuy nhiên, ANZ không đưa ra con số dự báo cụ thể về mức cắt giảm lãi suất. 

 

Tương tự, HSBC tin rằng, Ngân hàng Nhà nước sẽ còn tiếp tục đẩy mạnh tiến trình nới lỏng chính sách tiền tệ, nhưng cũng không đưa ra một con số lãi suất dự báo cụ thể nào.

 

JPMorgan Chase thì dự báo, lãi suất sẽ còn giảm thêm ít nhất 200 điểm phần trăm trong 6 tháng cuối năm. Trước đó, Ngân hàng Standard Chartered cho rằng, lãi suất sẽ giảm thêm 100 điểm phần trong trong quý 3.

 

Theo An Huy

VnEconomy

Họ tên :

Email :

Nội dung :

Tin cùng chủ đề

“Dọn sạch” hệ thống ngân hàng – Bắt đầu từ đâu?

Ngày đăng : 09/08/2012 - 3:06 PM

 

“Dọn sạch” hệ thống ngân hàng – Bắt đầu từ đâu?

 

 

Có vẻ như cắt giảm lương thưởng hay xé nhỏ các đại ngân hàng không phải là những giải pháp có thể giải quyết triệt để những vấn đề mà ngành ngân hàng toàn cầu đang gặp phải.

 

Đã 5 năm trôi qua kể từ khi khủng hoảng tài chính bùng nổ dữ dội vào tháng 8/2007, có vẻ như hệ thống ngân hàng toàn cầu vẫn đang ở trong tình trạng mất kiểm soát. Gần đây, hàng loạt vụ bê bối lại liên tiếp xảy ra : Barclays thao túng lãi suất Libor, HSBC rửa tiền, Nomura thực hiện giao dịch nội gián, JP Morgan sai sót trong quản lý rủi ro và làm tiêu tan 5,8 tỷ USD của nhà đầu tư. 

 

Thực tế, một số trong các vụ bê bối này được bắt nguồn từ bong bóng khổng lồ của ngành tài chính. Giờ đây, các bên đều đang nỗ lực cải cách lại. Tuy nhiên, công chúng đang phẫn nộ trước tốc độ thay đổi quá chậm chạp, đặc biệt là trong bối cảnh suy thoái ngày càng trầm trọng.

 

Một số nhà quan sát mong muốn hủy bỏ hoàn toàn hệ thống già nua với ý tưởng chỉ có những nhân tố mới mới có thể dọn sạch được hệ thống tồi tệ hiện nay. Cũng có ý kiến cho rằng các ngân hàng nên được xé nhỏ, tách bạch ngân hàng bán lẻ với ngân hàng đầu tư. Thậm chí, Sandy Weill, người đã tạo ra Citigroup – ngân hàng đầu tư lớn nhất thế giới – cũng ủng hộ ý tưởng chia nhỏ các tập đoàn tài chính đồ sộ.

 

Rõ ràng là phải có điều gì đó được thực hiện. Ngành tài chính đang khiến người ta hoài nghi về chủ nghĩa tư bản. Trong khi liên tục phải nhận cứu trợ, các lãnh đạo ngân hàng vẫn được thưởng lớn. Lợi nhuận chảy về túi tư nhân trong khi thua lỗ thì do cả xã hội gánh chịu.

 

Các ràng buộc về mặt luật pháp đang được thắt chặt. Sau khủng hoảng tài chính năm 2007, vốn và thanh khoản của tất cả các ngân hàng trên toàn cầu đều được nâng cao trong khi các hành động rủi ro bị hạn chế. Chủ trương trên toàn cầu là nếu như 1 ngân hàng gặp rắc rối, họ sẽ “chết” 1 cách an toàn hơn chứ không phải lúc nào cũng được cứu trợ. Thêm vào đó, lương sẽ giảm đi trong những năm tiếp theo nếu như hoạt động kinh doanh bị thua lỗ.  

 

Công cuộc cải cách với những luật lệ mới đang gây nên áp lực lớn đè nặng lên lợi nhuận của toàn ngành. Các ngân hàng buộc phải xem xét lại mô hình hoạt động, cắt giảm các nghiệp vụ có quá nhiều rủi ro, rút gọn bộ máy nhân sự và thậm chí là rút bớt một số mảng kinh doanh.

 

Tuy nhiên, điều khó khăn ở đây là chí ít thì đến cuối thập kỷ này các cải cách mới có thể được áp dụng. Ngoài nguyên nhân các yếu tố kỹ thuật quá phức tạp, các nhà hoạch định chính sách cũng lo sợ rằng nếu như họ quá mạnh tay với 1 ngành chủ chốt như ngành tài chính, nền kinh tế sẽ lún sâu hơn vào suy thoái.

 

Trong nhiều trường hợp, thay đổi cách thức điều hành và chia nhỏ các bộ phận có vẻ là 1 giải pháp khá hấp dẫn song đây không phải là những lựa chọn tốt nhất. Cuối tháng trước, cả Bob Diamond, CEO của Barclays và Kenichi Watanabe, CEO của Nomura, đều đã từ chức. Tuy nhiên, nếu như tất cả các “đầu tàu” đều ra đi khi công ty của họ gặp rắc rối, những người thiếu kinh nghiệm sẽ phải đảm nhận nhiệm vụ và đây là 1 điều quá nguy hiểm.

 

Trong khi đó, sẽ là quá ngây thơ khi nghĩ rằng có thể nhanh chóng sửa chữa các lỗ hổng bằng cách xé nhỏ các ngân hàng lớn. Hơn nữa, cho rằng sự kết hợp giữa ngân hàng đầu tư và ngân hàng bán lẻ là nguyên nhân gây ra khủng hoảng cũng là không chính xác. 

 

Rất nhiều ngân hàng chỉ tập trung vào bán lẻ, điển hình Northern Rock của Anh hay Washington Mutual của Mỹ cùng với hàng loạt ngân hàng tiết kiệm của Tây Ban Nha cũng đã lâm vào tình trạng khó khăn. Và, hãy nhớ rằng thất bại lớn nhất thuộc về Lehman Brothers, 1 ngân hàng đầu tư thuần túy.  

 

Thêm vào đó, công việc chia tách các ngân hàng cũng không dễ gì xảy ra 1 cách chóng vánh. Trong bối cảnh khủng hoảng eurozone tiếp diễn như hiện nay, một ngân hàng đầu tư đơn lẻ như Barclays sẽ phải tìm kiếm nguồn tài trợ từ khu vực công, thậm chí là quốc hữu hóa. Tuy nhiên, sẽ phải mất ít nhất là 5 năm để có thể hoàn tất quá trình.

 

Như vậy, đâu là giải pháp hợp lý? Có 3 điều cần làm ngay lúc này. 

 

Thứ nhất, thù lao của các nhân viên ngân hàng cần được điều chỉnh. Giới hạn mức thưởng không phải là 1 giải pháp khả thi bởi các ngân hàng có thể tăng lương cho nhân viên. Tiền thưởng được qui ra các khoản nợ chót bảng (suborndinated debt) có vẻ là 1 ý tưởng có nhiều ưu điểm hơn. Nếu như các ngân hàng gặp rắc rối, chính các nhà lãnh đạo sẽ mất những khoản tiền lớn và như vậy họ có thể tập trung hơn vào công việc quản lý rủi ro. 

 

Thứ hai, thuế áp dụng cho ngành ngân hàng hiện vẫn ở mức thấp. Đánh thuế giá trị gia tăng vào các dịch vụ tài chính cũng là 1 giải pháp. 

 

Thứ ba, hội đồng quản trị của các ngân hàng thường thất bại trong việc qui trách nhiệm cho các giám đốc đầy quyền năng. Cổ đông cần yêu cầu trao nhiều quyền lực hơn cho hội đồng quản trị.  

 

Minh Anh

Theo TTVN/Reuters


Quốc tế nói gì về chính sách lãi suất của Việt Nam?

Ngày đăng : 02/08/2012 - 9:07 PM

 

Quốc tế nói gì về chính sách lãi suất của Việt Nam?

 

Theo nhiều dự báo, với điều kiện lạm phát xuống thấp như hiện nay, nhiều khả năng NHNN sẽ tiếp tục hạ lãi suất trong thời gian tới, với mức dư địa khoảng 2%.

 

Mặc dù còn nhiều tranh cãi, song lãi suất hạ là có cơ sở.

 

Tại bản Báo cáo cập nhật kinh tế Việt Nam được bộ phận nghiên cứu thuộc ngân hàng ANZ công bố hôm nay (2/8), tổ chức này mặc dù cho rằng chính sách hiện tại đang đi đúng hướng với kế hoạch tăng trưởng kinh tế và triển vọng lạm phát giai đoạn 2012-2013 song, những động thái nới lỏng tiền tệ và hỗ trợ tài khóa có thể vẫn tiếp tục được sử dụng.

 

Trong khi đó, cũng trong hôm nay, báo cáo của khối nghiên cứu tại ngân hàng HSBC đi thẳng vào dự báo, với tình hình lạm phát đang chậm lại sẽ tạo cơ hội cho Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cắt giảm lãi suất thêm nữa.

 

Theo dự kiến của ngân hàng này, việc cắt giảm thêm 1% lãi suất tái chiết khấu, lãi suất tái cấp vốn và lãi suất huy động sẽ được thông báo sớm.

 

Những nhận định này nối tiếp sau một loạt những đánh giá trước đó về hạ lãi suất của các tổ chức quốc tế khác hồi tuần trước. Cụ thể, theo JPMorgan Chase, trong 6 tháng cuối năm, cơ quan điều hành chính sách tiền tệ sẽ hạ lãi suất thêm ít nhất 2%. Standard Chartered cũng dự báo, lãi suất sẽ giảm tiếp 1% trong quý III.

 

Trong nước, Công ty chứng khoán Bảo Việt tính toán, lạm phát tính theo năm đến cuối năm nay nhiều khả năng sẽ chỉ mức từ 5,5-6,5%. Và theo đó, NHNN sẽ vẫn còn dư địa khoảng 2% cho việc cắt giảm trần lãi suất huy động trong khi vẫn đảm bảo lãi suất thực dương cho người gửi tiền.

 

Mới đây, tại Hội nghị Kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn TPHCM cuối tuần vừa rồi, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, nếu CPI năm nay giảm dưới 7%, lãi suất huy động sẽ có điều kiện tiếp tục giảm xuống dưới 8% vào cuối năm. Đó cũng là cơ sở để vào 2013, một số khoản cho vay ưu đãi có thể giảm xuống dưới 10%.

 

Tuy nhiên, ở góc nhìn khác, HSBC cho rằng, việc cắt giảm lãi suất khó có thể gây ảnh hưởng đáng kể đến các hoạt động tín dụng bởi các cá nhân và doanh nghiệp đang không muốn vay thêm các khoản nợ hay khó có thể tiếp cận vốn vay vì thiếu các tài sản thế chấp đạt chất lượng cao hoặc đang ở trong tình trạng mắc nợ trầm trọng.

 

Ngoài ra, theo HSBC, NHNN cũng có thể sẽ sử dụng các biện pháp hành chính để thuyết phục các ngân hàng cắt giảm lãi suất cho vay.

 

Tính đến thời điểm hiện tại, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 đã tiếp tục giảm 0,29% so với tháng 6. Nguyên nhân chủ yếu do giá cả nhiên liệu và lương thực tiếp tục giảm tốc. Trong khi đó, tốc độ lạm phát của nhóm hàng phi nhiên liệu, lương thực vẫn đang tăng. Báo cáo của ANZ cho rằng, tốc độ lạm phát sẽ giảm trong quý III lẫn quý IV và chạm mốc 6-7% vào cuối năm.

 

 

Chỉ số CPI chung liên tục giảm trong nửa đầu năm 2012 (Nguồn: ANZ).

 

Trong phiên họp báo Chính phủ thường kỳ được tổ chức hôm 31/7, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, theo dự tính của Chính phủ, lạm phát chung trong tháng 8 này có thể vẫn sẽ tiếp tục âm (so tháng 7) và cả năm, tỉ lệ lạm phát dự kiến không quá 7% nếu không có thêm những biến động đáng kể về điều hành chính sách.

 

Việc đánh giá có nên tiếp tục giảm lãi suất tiếp hay không vẫn đang còn nhiều tranh cãi. Nhìn chung, khi Chính phủ khẳng định không có thêm 1 gói kích cầu nào cho nền kinh tế đến cuối năm, việc giảm thuế TNDN mới chỉ cứu được doanh nghiệp sống thì hạ lãi suất vẫn là một trong những lối thoát được kỳ vọng cho doanh nghiệp ra khỏi khó khăn.

 

Từng trao đổi với Dân trí, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành có nhận định, với mức lãi suất vay 13-14% hiện nay của doanh nghiệp Việt Nam thì chưa thể đảm bảo được lợi thế cạnh tranh với các doanh nghiệp trong khu vực. Cụ thể, chi phí vay mà các doanh nghiệp đối thủ chỉ phải chịu từ 4-7%, do vậy, lãi suất hợp lý phải được kéo xuống dưới 10% thì doanh nghiệp Việt Nam mới phát triển tốt được.

 

Tuy nhiên, Diễn đàn doanh nghiệp ngày hôm nay dẫn lời TS Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế Trung ương lại cho rằng, dư địa để NHNN hạ lãi suất không còn nhiều do lãi suất cho vay và huy động của các tổ chức tín dụng hiện chênh lệch không quá cao như con số nhìn thấy.

 

Đáng lưu ý là trong những báo cáo về kinh tế Việt Nam gần đây của các tổ chức trong và ngoài nước, triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn chứa đựng nhiều rủi ro.

 

Một cách lạc quan, ANZ mặc dù dự đoán tốc độ tăng trưởng trong những tháng sắp tới sẽ được nâng cao nhưng vẫn quan ngại về những rủi ro đối với dự báo tăng trưởng 5,5% cho toàn năm 2012.

 

Những rủi ro này, nhìn chung, bắt nguồn từ những bất lợi của môi trường phát triển kinh tế toàn cầu cũng như tốc độ mở rộng tín dụng nội địa chậm hơn dự đoán. Cụ thể, theo bà Nguyễn Thị Hồng, đến 25/7, tín dụng mới chỉ tăng 0,57%. Điều này gây ra những ảnh hưởng trực tiếp lên nhóm ngành sản xuất công nghiệp - hoạt động kinh tế chủ chốt của Việt Nam trong thời gian qua.

 

Trong khi đó, Ngân hàng Standard Chartered cho rằng GDP của Việt Nam sẽ tăng trưởng 5% trong năm 2012, thấp hơn so với mức dự đoán trước đó là 5,8%.

 

Để thúc đẩy tăng trưởng ở mức hợp lý (5,5-6%) cho cả năm trong bối cảnh hiện nay tăng trưởng bình quân GDP nửa đầu năm mới ở mức 4,38% thì 5 tháng còn lại, Chính phủ sẽ phải tập trung tháo gỡ cho doanh nghiệp có điều kiện giải phóng hàng tồn kho, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh. Bởi, chính sự phát triển của doanh nghiệp là tế bào tạo nên GDP của cả nền kinh tế.

 

Theo Bích Diệp

Dân trí


Nhiều ngân hàng sẽ phải “rút bớt lửa”?

Ngày đăng : 01/08/2012 - 4:07 PM

 

Nhiều ngân hàng sẽ phải “rút bớt lửa”?

 

 

Phân tích dữ liệu cho thấy thêm một lý do vì sao tăng trưởng tín dụng nguội lạnh, thậm chí nhiều ngân hàng phải “rút bớt lửa” nếu cơ chế mới được ban hành.

 

Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2012 đã được nhiều ngân hàng thương mại công bố. Một điểm chung là tăng trưởng tín dụng rơi xuống mức rất thấp, thậm chí âm.

 

Ở tình hình chung, đến 25/7, tín dụng toàn hệ thống cũng mới chỉ tăng trưởng được có 0,57% so với cuối năm 2011.

 

Nhiều lý do đã được nêu ra, chủ yếu nghiêng về “lỗi” của doanh nghiệp; khả năng đáp ứng các điều kiện cho vay của họ kém đi do bối cảnh kinh tế khó khăn nên các ngân hàng không thể đẩy mạnh đáp ứng.

 

Một phần là vậy. Nhưng còn có một lý do nữa từ chính các ngân hàng thương mại mà ít được đề cập đến: khả năng cấp tín dụng đang ở ngưỡng cảnh báo an toàn, liên quan đến vấn đề thanh khoản.

 

Dữ liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, cuối năm 2011, tỷ lệ cấp tín dụng so với nguồn vốn huy động (LDR) của hệ thống đã vọt lên mức 103,23%. Nếu một quy định trong Thông tư 13 trước đó được giữ nguyên, con số này đã vượt xa ngưỡng giới hạn (giới hạn 80% và 85% tùy theo nhóm tổ chức tín dụng quy định tại Thông tư 13).

 

Ở tình hình chung, đến cuối tháng 6/2012, tỷ lệ trên đã được giảm xuống đáng kể khi còn 90,33%. Tuy nhiên, tại một số nhóm tổ chức tín dụng, đặc biệt là nhóm chiếm tỷ trọng lớn trong cấp tín dụng cho nền kinh tế, LDR vẫn đang ở mức rất cao, trên 100%.

 

Chệch một chút về thời điểm thống kê, song dữ liệu cho thấy tỷ lệ LDR đến tháng 5/2012 của nhóm ngân hàng thương mại nhà nước vẫn ngất ngưởng tới 104,84%, thậm chí còn cao hơn mức chung của hệ thống cuối năm 2011. Trong khi đó, LDR của khối ngân hàng thương mại cổ phần lại ở mức tương đối với 75,51%.

 

Nếu xem quy định tại Thông tư 13 trước đây là một giới hạn an toàn, thì rõ ràng khối ngân hàng thương mại nhà nước đang có LDR quá cao, trong khi khối cổ phần đang ở mức “cho phép”.

 

LDR là một chỉ báo về thanh khoản, dù độ nóng của nó còn tùy thuộc vào cơ cấu vốn của mỗi nhà băng, đặc biệt là ở cơ cấu kỳ hạn. Cùng với một tỷ lệ LDR, nhưng nếu ngân hàng này có vốn huy động dài hạn hơn, cho vay ngắn hạn nhiều hơn thì áp lực chi trả sẽ dễ chịu hơn nhiều so với ngân hàng có nhiều vốn huy động ngắn hạn nhưng lại cho vay trung dài hạn nhiều hơn.

 

Tỷ lệ cấp tín dụng so với nguồn vốn huy động tính đến 31/5/2012

(đơn vị: %; nguồn: Ngân hàng Nhà nước)

  

Dù thế nào, một tỷ lệ LDR vượt trên 100% có thể xem là một mức cảnh báo, liên quan đến yêu cầu phòng thủ cho thanh khoản, đặc biệt là trước tình huống những nguồn tiền lớn rút đột ngột. Với 104,84%, rõ ràng khối ngân hàng thương mại nhà nước phải cẩn trọng hơn khi đẩy mạnh cho vay - nguyên do nội tại chứ không hẳn chỉ là “lỗi” từ doanh nghiệp vay vốn.

 

Thêm vào đó, nợ xấu trong 6 tháng đầu năm 2012 đã tăng rất mạnh, ở cả tình hình chung lẫn cụ thể tại một số ngân hàng quốc doanh. Khi mà tốc độ nợ xấu tăng đột biến tới trên 200% như tại Ngân hàng Công thương (VietinBank), thì rõ ràng một lượng vốn cho vay đã ra đi mà chưa trở lại đúng hẹn, dẫn đến lỗi nhịp cân đối vốn cho khả năng chi trả.

 

Kết hợp cả hai yếu tố nợ xấu tăng mạnh và LDR cao như vậy tạo nên một lý do trong lòng khối quốc doanh, góp phần giải thích vì sao khó đẩy mạnh cho vay. Đây là nhóm chiếm gần 52% thị phần cho vay tính đến cuối quý 1/2012, nên rõ ràng tạo sự níu kéo rất lớn ở đà tăng trưởng chung của cả hệ thống.

 

Hiện tại là vậy. Sắp tới, nếu một quy định mới được Ngân hàng Nhà nước ban hành, áp lực “rút bớt lửa” sẽ càng khiến khối ngân hàng thương mại nhà nước khó cho vay ra hơn nữa.

 

Ngân hàng Nhà nước không công bố rộng rãi, nhưng một số tổ chức đầu tư đang đề cập đến bản dự thảo thông tư thay thế Thông tư 13 quy định các tỷ lệ an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, mà lộ trình dự kiến là sẽ ban hành trong năm nay.

 

Điểm nổi bật trong dự thảo đó là tái áp dụng giới hạn về LDR như tại Thông tư 13 (từng được sửa bởi Thông tư 19, rồi tạm ngừng áp dụng bởi Thông tư 22) với giới hạn 80%.

 

Tất nhiên đó mới chỉ là nội dung dự kiến và nếu áp dụng chắc chắn phải có một lộ trình để các ngân hàng thương mại thực hiện, đặc biệt là khối quốc doanh, khối ngân hàng nước ngoài - liên doanh và khối công ty tài chính (do đang có LDR trên 100%) chủ động rút về, tránh gây sốc trong hoạt động và với thị trường nói chung.

 

Nhưng tinh thần của Ngân hàng Nhà nước trong dự thảo trên, cũng như nêu rõ trong đề án tái cơ cấu hệ thống, là từng bước giảm dần LDR, tránh để quá cao có thể dẫn tới những rủi ro.

 

Dĩ nhiên, ngoài khả năng phải “rút bớt lửa” là khó đẩy mạnh và hạn chế tín dụng, để co tỷ lệ LDR lại thì các ngân hàng có thể nới rộng mẫu số là gia tăng được vốn huy động. Nhưng giải pháp này cũng khó, bởi cạnh tranh huy động luôn quyết liệt.

 

Chưa hết, LDR của các ngân hàng nói chung và khối quốc doanh nói riêng còn đứng trước một áp lực nữa: Thông tư 21 vừa ban hành chuyển tiền gửi trên liên ngân hàng thành cho vay. Nếu tiền gửi tại các tổ chức tín dụng như trước đây (ngoài tiền gửi thanh toán) bị chuyển thành cho vay, được xem là dư nợ và phải trích lập dự phòng thì có thể LDR sẽ bị đẩy lên nữa.

 

Hiện chưa rõ thông tư thay thế Thông tư 13 với điểm quy định giới hạn LDR 80% sẽ được chốt lại như thế nào, bao giờ ban hành, nhưng đặt ra vấn đề này để thấy rằng việc thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, tăng vốn hỗ trợ doanh nghiệp không hẳn chỉ do bối cảnh nền kinh tế, do các doanh nghiệp yếu đi không đáp ứng được các điều kiện cho vay…, mà con do chính hạn chế của các ngân hàng (tùy theo khối) như trên.

 

Tiếc rằng, hạn chế “của mình” lại không thấy Ngân hàng Nhà nước hay chính các ngân hàng thương mại tập trung giải thích cụ thể khi nói về sự nguội lạnh của tăng trưởng tín dụng trong thời gian qua.

 

Theo Minh Đức

Vneconomy


Đã có 50% các khoản vay cũ được hưởng lãi suất 15%

Ngày đăng : 01/08/2012 - 8:42 AM

 

Đã có 50% các khoản vay cũ được hưởng lãi suất 15%

 

Thông tin này được bà Nguyễn Thị Hồng – Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) cung cấp tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra hôm nay (ngày 31/7/2012).

 

Cụ thể, thực hiện đề nghị của Thống đốc NHNN về việc giảm lãi suất các khoản vay cũ xuống 15%, tính đến 7/7 thì các NHTM Nhà nước và NHTMCP đã có văn bản chỉ đạo rà soát trên toàn hệ thống. Đến 27/7 thì tỷ trọng lãi suất cho vay ở mức 15% đã giảm 50% so với trước kia.

 

Trả lời câu hỏi về biên độ lợi nhuận của các ngân hàng có bị giảm nhiều khi thực hiện việc giảm lãi suất này không? Bà Hồng cho biết, với mỗi một ngân hàng thì biên độ lợi nhuận sẽ ảnh hưởng khác nhau vì điều đó phụ thuộc vào quyết định về lãi suất huy động và cho vay khác nhau của mỗi ngân hàng; cũng phụ thuộc vào mục tiêu và kế hoạch hoạt động do các ngân hàng cụ thể đề ra.

 

Tuy nhiên, bà Hồng chia sẻ “Giảm lãi suất cho vay về 15% đối với các khoản vay cũ thì chắc chắn lợi nhuận sẽ giảm xuống nhưng đó là cần thiết trong bối cảnh doanh nghiệp và nền kinh tế đang khó khăn như hiện nay”.

 

Liên quan đến việc, trong khi các lĩnh vực ưu tiên như: nông nghiệp nông thôn hay công nghiệp phụ trợ thì tiếp cận với vốn vay ưu đãi của ngân hàng dễ dàng hơn còn các DNNVV thì lại vẫn rất khó tiếp cận vốn. Bà Hồng nói:

 

“Tín dụng đối với DNNVV đang giảm phù hợp với bối cảnh doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn như hàng tồn kho cao, đầu ra khó, điều kiện tiếp cận khó khăn. Thời gian vừa qua, điều kiện cấp tín dụng cho các đối tượng này không có sự thay đổi nhưng những khó khăn hiện nay đã khiến cho đối tượng doanh nghiệp này khó đáp ứng được các điều kiện vay vốn tại các tổ chức tín dụng”.

 

Khánh Linh

Theo TTVN


Sắp chỉnh “khung” cho nợ ngân hàng

Ngày đăng : 31/07/2012 - 7:59 PM

 

Sắp chỉnh “khung” cho nợ ngân hàng

 

 

 

Sau hơn hai năm bàn thảo, cuối cùng cơ chế mới có thể cũng sẽ được ban hành.

 

Lãnh đạo chuyên trách của Ngân hàng Nhà nước cho biết, thông tư quy định việc phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro mới dự kiến sẽ ban hành trong tháng 8 này.

 

Sau hơn hai năm bàn thảo, cuối cùng cơ chế mới có thể cũng sẽ được ban hành. Mốc dự kiến tháng 8/2012 là thực tế, bởi thông tư trên cần bắt nhịp kịp một văn bản khác quy định việc trích lập dự phòng các khoản cho vay trên thị trường liên ngân hàng có hiệu lực từ 1/9 tới (Thông tư số 21/2012/TT-NHNN).

 

Thông tư mới sẽ thay thế Quyết định 493/2005/QĐ-NHNN của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định về phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro tín dụng trong hoạt động ngân hàng của tổ chức tín dụng và Quyết định số 18/2007/QĐ-NHNN về việc sửa đổi, bổ sung một số điều ở nội dung này.

 

Những nội dung chính của dự thảo thông tư mới đã từng được xây dựng, lấy ý kiến từ năm 2010. Đây là khung pháp lý quan trọng, can thiệp đến trục hoạt động chính của các tổ chức tín dụng là cho vay và quản lý nợ. Và suốt hơn hai năm qua đã có nhiều ý kiến góp ý, phản biện khác nhau.

 

Hiện chưa rõ các nội dung cụ thể cuối cùng của dự thảo thông tư được chốt lại và thông qua. Song, qua những lần tổ chức lấy ý kiến, có thể dự kiến một số điểm cơ bản.

 

Cụ thể, một nội dung quan trọng của thông tư là hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ để các tổ chức tín dụng chấm điểm khách vay theo các thứ hạng, qua đó tiến hành phân loại nợ theo 5 nhóm với các cấp độ và tỷ lệ trích lập dự phòng như hiện hành.

 

Một nội dung khác dự kiến sẽ tác động đến chi phí của các tổ chức tín dụng là yêu cầu về trích lập dự phòng rủi ro đối với một số lĩnh vực trước đây không có, như đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp, hay cho vay trên liên ngân hàng…

 

Việc trích lập trên sẽ làm tăng chi phí các tổ chức tín dụng, làm lợi nhuận giảm nhất định. Song, những ý kiến đóng góp thời gian qua tập trung ở quan điểm. Đơn cử như ở nội dung chuyển các khoản tiền gửi trên liên ngân hàng thành cho vay và buộc phải trích lập dự phòng rủi ro. Một số quan điểm e ngại điều này sẽ hạn chế vai trò và năng lực điều tiết vốn của thị trường liên ngân hàng; ngược lại là quan điểm cho rằng sẽ củng cố và làm lành mạnh hơn thị trường này.

 

Trong khi đó, ở tỷ lệ trích lập dự phòng, ý kiến đại diện từ khối các ngân hàng nước ngoài trước đây từng cho rằng cần quy định các tỷ lệ trích lập là tối thiểu để tạo linh hoạt trong áp dụng, gắn với sự chủ động trong trích lập cao hơn, mức an toàn cao hơn; hay các yêu cầu trích lập 20% - 50% nợ nhóm 3 và 4 được cho là thấp hơn tiêu chuẩn quốc tế…

 

Ở tinh thần chung, thông tư này ra đời được kỳ vọng là sẽ tạo thuận lợi trong việc đánh giá cụ thể khả năng tài chính và trả nợ đối với từng khách hàng; việc đánh giá và xếp hạng khách hàng được thực hiện chính xác hơn để qua đó có biện pháp quản lý chất luợng tín dụng tốt hơn.

 

Và cũng không loại trừ khả năng, trong bối cảnh nợ xấu ngân hàng tăng mạnh từ đầu năm đến nay, việc áp dụng phân loại theo thông tư mới có thể sẽ tạo thêm áp lực đối với các tổ chức tín dụng, nhưng sẽ cho ra những kết quả sát thực và chặt chẽ hơn.

 

Hồng Nhung

Vneconomy


 

Tin mới cập nhật