Các ông lớn lung lay
Những vụ bê bối đình đám gần đây của các tổ chức tài chính lớn nhất thế giới từ Barclays cho đến HSBC, Standard Chartered đã khiến niềm tin của công chúng bị lung lay.
Chưa bao giờ các định chế tài chính lớn nhất thế giới lại dính vào nhiều vụ bê bối như thời gian gần đây đến vậy.
Quả bom đầu tiên là việc thao túng lãi suất Libor gây rúng động toàn thị trường. Đây được xem là vụ bê bối lớn nhất trong giới tài chính từ năm 2000 trở lại đây.
Ra đời từ năm 1986 với mục tiêu đơn giản hóa việc tính toán giá trị các công cụ tài chính phái sinh và các khoản vay hợp vốn, Libor đã trở thành lãi suất tham chiếu của rất nhiều công cụ tài chính khác.
Giá trị của các công cụ này, theo ước tính của tờ The Economist, có thể lên đến 360.000 tỉ USD, gấp 5 lần tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu. Đây là một con số khổng lồ. Vì thế, chỉ cần một sai lệch nhỏ trong việc tính toán Libor cũng có thể gây tác hại rất lớn.
Ngoài gã khổng lồ Barclays và một số ngân hàng khác của Anh, hàng loạt ngân hàng khác ở Mỹ, Canada, Nhật, châu Âu,Thụy Sĩ cũng bị sờ gáy. Đến cả Ngân hàng Trung ương Anh cũng phải ra điều trần trước Quốc hội vì bị nghi liên quan đến vụ việc này.
Ngày 27/6, Barclays chính thức tuyên bố sẽ nộp phạt 452 triệu USD cho các nhà chức trách. Nhưng dù có nộp phạt đầy đủ và thừa nhận trách nhiệm, chắc chắn hình ảnh của một ngân hàng hàng đầu nước Anh cũng đã bị sứt mẻ ít nhiều. Thêm vào đó, sự tin tưởng của giới tài chính thế giới vào Libor đã hầu như sụp đổ.
Gần đây, giới tài chính lại thêm một phen bất ngờ với vụ dàn xếp rửa tiền của một trong những ngân hàng lớn nhất nước Anh là HSBC, liên quan đến các tập đoàn buôn thuốc phiện ở Mexico, khủng bố ở Trung Đông và thậm chí là các quốc gia bị áp đặt lệnh trừng phạt như Iran và Syria.
Theo cáo buộc, các chi nhánh của HSBC trên toàn cầu đã chuyển hàng tỉ USD liên quan đến các vụ rửa tiền nói trên trong khoảng thời gian điều tra từ năm 2004-2010. HSBC có thể bị phạt lên đến 640 triệu bảng Anh. Ngân hàng này cuối cùng đã thừa nhận lỗi và hình ảnh của một tổ chức tài chính có uy tín cũng đã bị suy giảm ít nhiều.
Một vụ lùm xùm khác là sự cố liên quan đến đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) vào giữa tháng 5 của mạng xã hội Facebook. Thương vụ này sau đó cũng bị cáo buộc có sự gian lận thông tin và tổ chức có liên quan là ngân hàng Mỹ JP Morgan.
JP Morgan bị cáo buộc đã không cung cấp thông tin chính xác về xác định giá cổ phiếu lúc IPO cho tất cả các nhà đầu tư, mà chỉ cung cấp cho các nhà đầu tư tổ chức và khách hàng thân thuộc.
Đó là thông tin về triển vọng kinh doanh có thể xấu đi của Facebook. Khi giá cổ phiếu Facebook lao dốc (chỉ còn 21,2 USD vào ngày 15.8, giảm tới 44,5% so với giá chào sàn), hàng ngàn nhà đầu tư nhỏ lẻ đã bị thiệt hại nặng.
Theo ước tính của tạp chí Forbes, lợi nhuận mà JP Morgan cùng một số ngân hàng thu được từ thương vụ lên đến 100 triệu USD. Ủy ban Chứng khoán Mỹ đang điều tra về thương vụ này.
Một gã khổng lồ khác là ngân hàng Anh Standard Chartered cũng dính vào một vụ bê bối liên quan đến hàng trăm tỉ USD. Theo Cơ quan Dịch vụ tài chính bang New York (DFS) của Mỹ, ngân hàng này có liên quan đến 60.000 giao dịch bí mật với chính phủ Iran với các tài sản có giá trị ít nhất 250 tỉ USD và thu lợi hàng trăm triệu USD tiền phí trong gần 10 năm qua. Thậm chí ngay cả hãng kiểm toán Deloitte cũng bị nghi ngờ là có dính líu.
Ông Benjamin Lawsky, Giám đốc của DFS, đã dùng những lời lẽ khá gay gắt và dọa sẽ rút giấy phép hoạt động của chi nhánh Ngân hàng Standard Chartered tại Mỹ.
Vụ việc này một lần nữa cho thấy dù đã biết luật nhưng các ngân hàng lớn nhất thế giới vẫn tìm mọi cách vi phạm vì tham lam.
Cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 cũng bắt đầu từ lòng tham không đáy của giới tài chính Phố Wall. Đáng buồn thay, để tránh đổ vỡ toàn hệ thống, Chính phủ Mỹ đã phải ra tay giải cứu các ngân hàng lớn nhất như Bank of America, Citigroup, Goldmand Sachs và JP Morgan.
Điều này đã làm dấy lên làn sóng phản đối mạnh mẽ của công chúng, mà đỉnh điểm là phong trào chiếm Phố Wall vào năm ngoái.
Với những vụ tai tiếng đã xảy ra, niềm tin vào uy tín, công bằng và tính minh bạch của các ngân hàng toàn cầu đã bị xói mòn. Các định chế tài chính khổng lồ với bề ngoài hào nhoáng vẫn có thể là nơi mà tội lỗi diễn ra hằng ngày.
Đặc biệt trong cơ chế toàn cầu hóa rộng lớn như hiện nay cùng vô số các luật lệ phức tạp, sẽ rất khó cho chính phủ các nước can thiệp và kiểm soát những vi phạm tinh vi của các ngân hàng. Thậm chí, sau khi phát hiện sai phạm, liệu các cơ quan thẩm quyền có đủ dũng khí để trừng phạt nặng tay vẫn còn là một câu hỏi đang còn bị bỏ ngỏ.
Theo Nhịp cầu đầu tư