Ngày đăng :
18/05/2012 - 2:51 PM
Dấu hiệu giảm phát đã khá rõ. Câu hỏi đặt ra là, trong bối cảnh này, nên chăng Chính phủ cần gấp rút xoay chuyển định hướng chính sách, tập trung ưu tiên cho tăng trưởng kinh tế?
Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) gửi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đầu tuần này cho thấy, tính đến cuối tháng 4/2012, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống giảm 0,66% so với cuối năm 2011. Dấu hiệu giảm phát đã rõ, nhưng liệu chính sách điều hành đã kịp xoay chuyển với tình hình thực tế?
Lần đầu tiên trong nhiều năm qua, nền kinh tế mới chứng kiến tín dụng tăng trưởng âm. Dù Thống đốc NHNN nhiều lần khẳng định, sự suy giảm này không nằm ngoài dự đoán và phải chấp nhận sự đào thải doanh nghiệp. Tuy nhiên, với hàng chục nghìn doanh nghiệp phá sản trong năm 2011 và 4 tháng đầu năm 2012, trong đó có cả những doanh nghiệp có uy tín, thương hiệu... là dấu hiệu bất thường của nền kinh tế. Tín dụng giảm cũng là một trong những nguyên nhân khiến tốc độ tăng trưởng GDP trong 4 tháng đầu năm chỉ đạt 4%, đe dọa mục tiêu tăng trưởng GDP 6-6,5% của năm 2012, dẫn tới hàng loạt nguy cơ mất việc làm và an sinh xã hội.
Dấu hiệu giảm phát đã khá rõ. Câu hỏi đặt ra là, trong bối cảnh này, nên chăng Chính phủ cần gấp rút xoay chuyển định hướng chính sách, tập trung ưu tiên cho tăng trưởng kinh tế?
Cần phải nói thêm rằng, chống lạm phát vẫn là “cuộc chiến” trường kỳ của nước ta. Chắc chắn năm nay, lạm phát sẽ ở mức khống chế, nhưng dù vậy, con số lạm phát khoảng 9% còn cao gấp 2-3 lần so với thế giới, vẫn sẽ ảnh hưởng đến chất lượng kinh doanh, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, lạm phát tiếp tục xu hướng giảm hiện nay là cơ hội tốt để “kích” sản xuất phục hồi.
Trên thực tế, trong phiên họp thường kỳ vừa qua, Chính phủ đã thể hiện sự chuyển hướng ở chỉ đạo: tháo gỡ cho sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện cho tiêu thụ sản phẩm. Hai động tác đầu tiên của sự chuyển hướng này là tung ra gói hỗ trợ doanh nghiệp 29.000 tỷ đồng và áp trần lãi suất cho vay với 4 lĩnh vực ưu tiên.
Được đánh giá tích cực, nhưng những động thái trên chưa đủ sức cứu doanh nghiệp. Đặc biệt, trần cho vay đã có, song số doanh nghiệp được tiếp cận vốn ưu đãi lại chưa được bao nhiêu. Vì vậy, để tăng cường niềm tin trong cộng đồng doanh nghiệp, ngoài giảm lãi suất, Chính phủ cần có những giải pháp mạnh tay hơn để bơm vốn ra thị trường. Nói cách khác, trong lúc này, có lẽ chỉ Chính phủ mới cứu được doanh nghiệp thông qua các biện pháp tiếp theo như hạ nhanh lãi suất, mạnh tay mua lại các khoản nợ, đứng ra bảo lãnh một số doanh nghiệp để ngân hàng đẩy mạnh cho vay...
Về phía Ngân hàng Nhà nước, trước khi tính đến việc mở rộng đối tượng áp trần lãi suất cho vay, phải đảm bảo chính sách hiện nay có hiệu lực, không để trần lãi suất cho vay chỉ nằm ở chủ trương, chính sách. Các ngân hàng cũng phải công khai các tiêu chí cho vay, doanh nghiệp trên căn cứ đó để vay vốn, thậm chị có thể “kiện” ngân hàng. Vài tháng nữa, nếu tình trạng vốn tắc hiện nay không được cải thiện, thì khi đó, doanh nghiệp sẽ buông xuôi và dĩ nhiên, hậu quả đối với nền kinh tế là khó lường đoán.
Hiện chưa thể kỳ vọng về sự bùng nổ tín dụng mạnh mẽ trong những tháng cuối năm, song rõ ràng, để nền kinh tế hồi phục, các cơ quan chức năng cần thẳng thắn nhìn nhận sự trì trệ của nền kinh tế và phải có biện pháp hữu hiệu để tạo sức bật cho doanh nghiệp. Nới tín dụng, nới đối tượng cho vay, hạ điều kiện cho vay xuống có lẽ là một trong những biện pháp phải tính đến lúc này.
Theo Hà Tâm
Báo Đầu tư
|
Ngày đăng :
15/05/2012 - 2:44 PM
Ngân hàng này dự đoán, lãi suất TPCP kỳ hạn 2 năm sẽ là 10,75% trong quý II và 10,6% trong quý III, IV.
Ngân hàng Standard Chartered vừa công bố báo cáo nghiên cứu chuyên sâu về các thị trường nơi Ngân hàng hoạt động.
Theo đó, Báo cáo nhìn nhận thị trường trái phiếu chính phủ (TPCP) Việt Nam rất khả quan, bối cảnh chung của các chính sách tiền tệ đang thuận lợi. Tuy nhiên, Standard Chartered đánh giá nhu cầu mạnh mẽ từ các ngân hàng trong nước đã hạ lãi suất TPCP xuống 20 - 30 điểm phần trăm, làm giảm lãi suất TPCP kỳ hạn 2 năm xuống 10,8% từ 11,2% vào tháng 3 và 12,5% vào quý IV/2011.
Theo đánh giá của Standard Chartered, thị trường TPCP phụ thuộc nhiều vào kỳ vọng cắt giảm lãi suất trong năm nay. Dự đoán, lãi suất TPCP kỳ hạn 2 năm sẽ là 10,75% trong quý II và 10,6% trong quý III, IV. Việc nắm giữ TPCP kỳ hạn 2 năm vẫn hấp dẫn (ở mức 10,8%/năm hoặc 8,2% cho những tháng cuối năm 2012), Standard Chartered dự đoán đồng Việt Nam sẽ mất giá nhẹ 4,3% trong năm 2012.
Theo H.Dung
ĐTCK
|
Ngày đăng :
09/05/2012 - 1:47 PM
Sáng nay (9/5), trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất qua đêm đã xuống mức thấp kỷ lục, 2,5%, phá đáy lập hồi 2007.
Cụ thể, trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất qua đêm ở mức 2,5-3%/năm, giảm mạnh so với mức 3-3,6% của hôm qua (8/5).
Theo dữ liệu của Reuters thì mức này xuống thấp nhất kể từ năm 2005 (dữ liệu mới ghi nhận đến cuối quý 2/2005).
Còn đối chiếu dữ liệu của Ngân hàng Nhà nước, mức lãi suất 2,5% đã xuyên thủng đáy lãi suất 3% được lập ngày 23/7/2007.
Cũng trong sáng nay, lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn 1 tuần về 3,5-4%/năm, giảm mạnh so với mức 4-4,5%/năm hôm 8/5. Lãi suất kỳ hạn 1 tháng về 6-6,5%, thấp hơn mức 6-7% hôm 8/5.
Trên thị trường mở (OMO), lãi suất tín phiếu đã xuống 5,8% - 10,23%/năm. Mặc dù vậy, nhiều ngân hàng thương mại vẫn liên tục mua tín phiếu với khối lượng mỗi ngày khoảng 3.000 tỷ đồng.
Lượng vốn ngân hàng thương mại bỏ ra mua tín phiếu đã lên hơn 80.000 tỷ đồng kể từ ngày 15/3 đến nay. Điều này cho thấy các ngân hàng “thừa quá nhiều tiền”, bất chấp lãi suất huy động đang áp trần 12%/năm.
Những diễn biến bất thường này đang tạo tiền đề cho khả năng lãi suất huy động có thể sớm tiếp tục giảm.
Duy Cường
NDHMoney
|
Ngày đăng :
08/05/2012 - 12:06 PM
Hạ lãi suất nhưng không nới lỏng điều kiện vay
Từ hôm nay (8-5) lãi suất cho vay cao nhất với bốn lĩnh vực ưu tiên: Nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa không quá 15%/năm.
Ngày 7-5, dù Thông tư 14 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về việc hạ lãi suất cho vay chưa có hiệu lực nhưng ghi nhận trên thị trường cho thấy một số ngân hàng (NH) đã đồng ý cho vay với lãi suất 15% cho nhóm ưu tiên. Doanh nghiệp (DN) vẫn phải đáp ứng đủ điều kiện vay thì NH mới cho vay. Do đó, DN nào trước đây chưa vay được do không đáp ứng điều kiện vay thì nay vẫn khó mà vay được.
. Theo báo cáo của Sở Công Thương, trong ba tháng đầu năm, số DN tiếp cận được vốn chỉ khoảng 23% tổng DN. Theo ông, những DN nào vay được vốn?
+ Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM: Vừa qua, UBND TP.HCM khảo sát và thấy thực tế là những DN hoạt động tốt là do họ tập trung vào lĩnh vực chính của mình, không đầu tư dàn trải. Còn DN gặp khó khăn đa số là do họ phát triển nhiều lĩnh vực. NH xem xét báo cáo tài chính, hiệu quả kinh doanh của DN rồi mới cho vay.
. Theo ông, DN phải làm gì để tiếp cận vốn?
+ Nhiều DN không có vốn vẫn lập công ty. Vì thế vốn hoạt động chủ yếu là đi vay. Khi điều kiện kinh tế không thuận lợi, DN này dễ gặp rủi ro. Bởi vậy DN muốn được vay thì phải chứng minh năng lực tài chính. Cụ thể là phải có một phần vốn, có phương án làm ăn hiệu quả, chứng minh được khả năng trả nợ. Ngoài ra còn phải có tài sản đảm bảo, báo cáo tài chính minh bạch.
. Có DN than rằng dù có tài sản đảm bảo họ vẫn không vay được vốn. Vậy vấn đề thuộc về DN hay NH?
+ DN phải xem lại chính mình. Có tài sản nhưng không có phương án kinh doanh hiệu quả thì cũng khó vay được. Đâu phải NH không muốn cho vay. NH cũng là một DN, khi huy động vốn về, họ cũng có nhu cầu cho vay ra. Thế nhưng thời gian qua, dù thanh khoản tốt, NH dư tiền nhưng không cho vay được cũng là bi kịch của NH.
NHNN đã liên tục hạ lãi suất tiền gửi, hạ lãi suất cho vay, khống chế lãi suất vay 15%... Đặc biệt NHNN đã nới lỏng đối tượng vay nội tệ cũng như ngoại tệ. Tuy nhiên, điều kiện cho vay thì không thể nới lỏng vì gây ra rủi ro cho NH, cho nền kinh tế.
. Có ý kiến cho rằng điều kiện vay vốn của DN vừa và nhỏ cũng như các tập đoàn lớn đều như nhau là không phù hợp. Ông có ý kiến gì về vấn đề này?
+ Hiện nay, quy chế cho vay ở các NH là không phân biệt loại hình DN… Bởi thế DN dù nhỏ, dù lớn đều phải chứng minh khả năng trả nợ, báo cáo tài chính minh bạch, đang hoạt động tốt thì mới có thể vay. Không thể vì DN nhỏ mà được nới lỏng điều kiện.
. Có ý kiến rằng DN muốn vay thì phải chung chi cho NH nên không hưởng được đúng mức lãi suất 15% được?
+ DN nào bị như vậy có thể gọi điện thoại về đường dây nóng của NHNN Chi nhánh TP.HCM.
. Xin cảm ơn ông.
Nên hạ lãi suất vay tiêu dùng
Hiện nay hàng tồn kho rất nhiều, sức mua giảm đáng kể vì người dân không có tiền. Vì vậy nên cứu DN bằng cách hạ lãi suất cho vay tiêu dùng xuống khoảng 15%. Mặt khác, nên hỗ trợ cho thị trường bất động sản. Chính phủ có thể bỏ tiền ra mua chung cư để DN có tiền trả cho NH. Sau đó Chính phủ bán trả góp cho người dân.
Đại diện phó giám đốc một NH tại TP.HCM
70% vướng thủ tục
Kết quả khảo sát gần đây của ACB cho thấy 30%-35% DN vừa và nhỏ tiếp cận được vốn NH, 30% khó tiếp cận và 30% không hề tiếp cận được. 36% DN “kể tội” lãi suất cao, trong khi đến 70% DN vướng về thủ tục.
DN muốn vay được thì cần tập trung vào ngành nghề cốt lõi, minh bạch báo cáo tài chính, có chiến lược kinh doanh dài hạn. Hiện ACB chỉ mới cho vay 60%.
Ông LÝ XUÂN HẢI, Tổng Giám đốc NH Á Châu (ACB)
DN xuất khẩu vay USD dễ
Dù giảm 3%-4% nhưng mức lãi suất 15% vẫn là cao. Vì thế từ trước đến nay chúng tôi không vay VND mà chọn vay USD vì lãi suất thấp, chỉ 5%-6%. Khi xuất khẩu có USD về, chúng tôi bán lại cho NH. Khi cần tiền, chúng tôi vay USD và đổi sang VND.
Ông NGUYỄN VĂN ĐẠO, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Gò Đàng
Không “ưu tiên” vẫn vay được
Chúng tôi chuyên nhập khẩu máy móc cho công trường xây dựng nên thuộc lĩnh vực phi sản xuất. Lãi suất vay trước đây là 22%, hiện giảm còn 20,5%. Ngoài tài sản đảm bảo, chúng tôi còn có hồ sơ bảo lãnh trả nợ của NH. Vì vậy, chúng tôi không gặp khó khi vay.
Ông BÙI QUỐC LỢI, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật Minh Giao
|
Theo Yên Trang
PLTP
|
Ngày đăng :
07/05/2012 - 1:51 PM
Theo phân tích của một số chuyên gia, việc áp trần lãi suất cho vay vẫn chưa đủ để giải quyết bài toán vốn từ ngân hàng cho doanh nghiệp. Vấn đề quan trọng vẫn là giải quyết đầu ra của hàng hóa.
Ông Trương Văn Phước, Tổng giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cho rằng đây là một động thái kịp thời theo diễn biến của thị trường vốn. Và hiện tại cũng đã có nhiều gói vay của các ngân hàng dành cho các lĩnh vực như trên cũng áp dụng mức lãi suất ưu đãi xoay quanh mức 15%.
Tuy vậy, ông Phước cho rằng vấn đề hiện tại không còn là lãi suất mà là rủi ro quá nhiều khiến ngân hàng ngần ngại.
Ông phân tích, lãi suất liên ngân hàng hiện dưới 5%, tín phiếu cũng chỉ trên dưới 10%, nhưng các ngân hàng vẫn rót tiền vào những kênh đó thay vì cho vay. Điều này có thể lý giải rằng ngân hàng muốn cho vay, vì chỉ cho vay mới có lãi nhưng lại không dám. Có đảm bảo được rằng khoản vay sẽ thu hồi được không? Có đảm bảo rằng doanh nghiệp sẽ trả nợ đúng hạn không? Những điều đó rất khó chắc chắn trong bối cảnh hiện nay.
Thêm vào đó, doanh nghiệp có thực sự muốn vay không? Eximbank đã có một gói vay 1.500 tỉ đồng danh cho doanh nghiệp thu mua lương thực, với lãi suất ưu đãi 14%, nhưng cho đến giờ chỉ mới giải ngân được 600 tỉ đồng. Các gói vay khác có lãi suất dao động từ 13,5-15% cũng đã được triển khai nhưng doanh nghiệp vẫn không mặn mà.
Ông Phước cho rằng vấn đề hiện tại là tổng cầu đang giảm, doanh nghiệp có sản xuất cũng không bán được hàng. Làm thế nào để tiêu thụ được hàng hóa là vấn đề quan trong nhất trong bối cảnh hiện nay. Có khơi thông được đầu ra, thì các biện pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp như giảm thuế, giảm lãi suất mới thực sự có hiệu quả.
Phó tổng giám đốc một ngân hàng nhỏ ở TPHCM cũng cho rằng hiện tại nhiều ngân hàng đang có vốn rẻ, từ việc huy động dưới 1 tháng, lãi suất dưới 5%, đến việc tìm được tiền từ các khoản tiền gửi thanh toán… để có thể cho vay với lãi suất thấp, thậm chí thấp hơn mức trần mà NHNN mới đặt ra.
Tuy nhiên, với các ngân hàng nhỏ, vốn ít, giá vốn cao thì việc giảm lãi suất xuống mức này là một thách thức cho lợi nhuận năm nay. Ông cho biết việc cho vay khó (biên lợi nhuận thấp, rủi ro cao) nên năm nay ngân hàng đành chấp nhận tìm thu nhập từ các dịch vụ khác, nhưng ông cũng dự báo tình hình của ngành ngân hàng năm nay sẽ rất khó khăn nếu doanh nghiệp còn tiếp tục xoay xở không lối ra như thế.
Đồng thời việc xếp hạng tín dụng để cho vay như hiện tại, thì sẽ không nhiều doanh nghiệp có đủ điều kiện vay. “Không phải doanh nghiệp nào nằm trong 4 nhóm trên đều được vay, vì ngân hàng hiện nay sẽ xem xét rất kỹ lưỡng để tránh nợ xấu. Cũng vì thế sẽ có nhiều doanh nghiệp tiếp tục không được vay với mức lãi suất trên dù NHNN đã quy định”, vị này nói thêm.
Theo phân tích của Công ty chứng khoán Bản Việt, NHNN rất có thể sẽ hạ trần lãi suất huy động lần nữa vào nửa sau của tháng 5 nếu lạm phát tiếp tục giảm. Nhưng lãi suất cho vay, sẽ không giảm mạnh do hầu hết các lĩnh vực áp dụng đều đã nằm trong danh sách ưu tiên của các ngân hàng. Ngoài ra, trần lãi suất cho vay cũng không tránh được tình trạng các ngân hàng tính “phí cho vay”. Và cuối cùng, tác động lên các công ty xuất khẩu cũng ở mức tối thiểu vì nhiều công ty xuất khẩu vay đô la Mỹ thay vì tiền đồng Việt Nam.
Theo Thanh Thương
TBKTSG
|