Bất động sản: Doanh nghiệp ít vốn sẽ bị loại

Ngày đăng : 10/12/2011 - 9:52 PM
Bộ Xây dựng đang dự thảo Nghị định quản lý đầu tư phát triển đô thị, trong đó quy định, chủ đầu tư là doanh nghiệp (DN) phải có vốn tự có ít nhất 30% tổng mức đầu tư xây dựng hạ tầng.
 
Thêm vào đó doanh nghiệp phải có văn bản xác nhận của ngân hàng về việc đảm bảo đủ vốn mới được làm.
 
Loại DN yếu
 
Theo Luật kinh doanh BĐS thì DN phải có vốn pháp định 6 tỷ đồng, đồng thời phải có vốn chủ sở hữu ít nhất bằng 20% tổng mức đầu tư dự án nói chung và 15% đối với các dự án là nhà ở. Một cán bộ Bộ Xây dựng cho rằng, sở dĩ nâng vốn sở hữu của chủ đầu tư lên 30% để tránh tình trạng nhà nhà làm kinh doanh BĐS như thời gian vừa qua.
 
“Thời gian này khi ngân hàng không cho DN BĐS vay mới lộ rõ nhiều DN yếu kém, dự án thiếu tiền không triển khai được, sản phẩm làm ra không đảm bảo chất lượng... Rõ ràng, từ trước đến giờ nhiều DN tay không bắt giặc, vốn chủ yếu dựa vào vốn vay ngân hàng, huy động vốn trái pháp luật... Siết DN kinh doanh bất động sản nhằm thanh lọc DN không đủ năng lực, tạo thị trường BĐS minh bạch và ổn định hơn”, vị này cho biết.
 
Ông Phan Thành Mai - Tổng thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam cho biết: “Hiện Hiệp hội BĐS Việt Nam có hơn 1.200 thành viên và hơn một nửa thành viên là DN kinh doanh BĐS. Mỗi DN có những đặc thù riêng và hoạt động riêng. Khi DN xin làm dự án thì họ cũng có đầy đủ hồ sơ pháp lý mới được triển khai dự án.
 
Nếu dự thảo quy định mới được áp dụng thì cũng khó nói được có bao nhiêu DN đủ điều kiện, bao nhiêu DN không đủ điều kiện nhưng về bản chất sẽ làm thị trường BĐS phát triển ổn định hơn, DN nào mạnh, có năng lực tài chính thì tiếp tục ở thương trường để cạnh tranh, còn DN nào yếu thì nên bỏ cuộc chơi, tránh làm thị trường hỗn loạn”.
 
 
Không phải lúc
 
Trước quy định vốn sở hữu cho DN tham gia dự án tăng, nhiều DN tỏ ra lo ngại. Ông Trần Trung Thành - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển nhà Hà Nội số 68 cho biết, DN kinh doanh BĐS ở Việt Nam hiện đều là DN vừa và nhỏ, ngay một lúc phải có 30% vốn tự có khi đầu tư hạ tầng dự án là điều không thể.
 
“Thời điểm này khi thị trường đang khó khăn đưa ra quy định đó e rằng làm khó DN. Không phải DN nào cũng có đủ năng lực tài chính sẵn có mà phải huy động vốn từ nhiều kênh và phải có thời gian nhất định. Có phải là Thánh Gióng qua một đêm là lớn nhanh được đâu. Dự án 1.000 tỷ bắt DN phải có 300 tỷ, là điều rất khó”, ông Thành nói.
 
Một chủ DN kinh doanh Khu đô thị lớn ở Hà Đông bộc bạch, quy định này làm khó chủ đầu tư. Năng lực của chủ đầu tư không chỉ nằm ở tài chính, quan trọng là cơ quan nhà nước phải thẩm định năng lực của chủ đầu tư. Chưa chắc DN có doanh thu ít thì năng lực kém. Một dự án kéo dài nhiều năm nên quy định vốn sở hữu cho chủ đầu tư phải phân loại cụ thể. Ví dụ: tổng mức vốn giai đoạn 1.000 tỷ thì quy định bao nhiêu? Còn 500 - 700 tỷ là bao nhiêu? Không thể đánh đồng các dự án với nhau được.
 
“Nếu quy định này được áp dụng lôi cả những ông làm dự án cũ ra thì không tránh khỏi tình trạng đục nước bèo cò. Theo tôi quy định 20% tổng vốn đầu tư như trước là hợp lý, còn nhà nước nên có sự lựa chọn nhà đầu tư ngay từ đầu để thị trường minh bạch hơn”, vị này nói.
 
Còn ông Nguyễn Mạnh Huy - Thư ký Tổng giám đốc Tập đoàn Nam Cường cho rằng, DN kinh doanh BĐS đang gặp khó khăn, tự thị trường lúc này cũng đang thanh lọc các DN yếu kém thì không cần thêm quy định về vốn nữa. Quy định trên, nếu thời điểm thị trường sôi động thì không sao, chứ thời điểm này e rằng các DN khó đáp ứng.
 
 

Hạn chế cho vay dự án khởi công mới

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị 2196 về tăng cường quản lý thị trường BĐS. Theo đó, NHNN Việt Nam chỉ đạo các tổ chức tín dụng bố trí nguồn vốn để cho vay đầu tư các dự án phát triển nhà ở để bán, cho thuê phục vụ đối tượng thu nhập thấp, công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế; cho các đối tượng có nhu cầu thực sự vay mua nhà để ở.

Trước mắt hạn chế cho vay bồi thường, giải phóng mặt bằng, các dự án khởi công mới, các dự án BĐS cao cấp; giám sát chặt chẽ để hạn chế việc cho các cá nhân vay kinh doanh BĐS. NHNN tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình cấp tín dụng BĐS của các tổ chức tín dụng, phát hiện và xử lý kịp thời các khoản nợ quá hạn, ảnh hưởng tới chất lượng tín dụng của các tổ chức tín dụng.

 
Theo Ngọc Mai
TPO

Họ tên :

Email :

Nội dung :

Tin cùng chủ đề

Chung cư cao cấp: "Cái chết" được báo trước

Ngày đăng : 09/12/2011 - 11:37 AM
Sự bất động của phân khúc chung cư cao cấp đang làm nản lòng các chủ đầu tư BĐS thì mới đây, việc yêu cầu hạn chế cho vay dự án bất động sản lại càng khiến cho tình hình trở nên bi đát hơn.
 
Pha loãng nguồn cung 
 
Sự bung nổ thị trường chung cư vài năm về trước đang khiến cho nguồn cung rơi vào trạng thái bội thực đặc biệt phân khúc chung cư cao cấp có mức giá 30-45 triệu đồng/m2.
 
Điểm mặt số lượng các dự án chung cư tại Hà Nội thì có đến hơn 50% là chung cư gắn mác cao cấp như dự án Madarin Hòa Phát, dự án chung cư FLC Landmark, chung cư Starcity Lê Văn Lương, chung cư Lancater, Thăng Long Number one…Đó là chưa kể đến một loạt các dự án cao cấp đang đắp chiếu vì chủ đầu tư không có tiền triển khai.
 
Báo cáo kết quả khảo sát mới nhất của Công ty Tư vấn và quản lý bất động sản CBRE Việt Nam cho thấy, trong 3 tháng vừa qua, tổng nguồn cung căn hộ mới trên toàn thị trường khoảng 7.500 căn (tương đương gần 1/2 nguồn cung mới trong cả năm 2010). Đặc biệt, giá bán sản phẩm đã giá nhẹ (dưới 5%) trên cả 4 phân khúc hạng sang, cao cấp, trung cấp và bình dân. "Theo kết quả khảo sát, 70% số lượng dự án giảm giá, 20% giữ giá và 10% còn lại không có hoặc rất ít giao dịch. Mức độ giảm giá thứ cấp phổ biến trong khoảng 10 - 15% so với trước.
 
Còn theo dự báo của Công ty Colliers International, trong 3 năm tới,nguồn cung căn hộ chung cư mới của Hà Nội có thể tăng thêm khoảng 70.000 căn, và có thể tăng cao hơn. 
 
Mặc dù nguồn cung đang bội thực nhưng thị trường chung cư tiếp tục đối mặt với nguy cơ tiếp tục bị pha loãng do tỷ lệ xây dựng chung cư sẽ phải tăng lên tại các dự án nhà ở. 
 
Căn cứ vào chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 tầm nhìn 2030 vừa được Chính phủ phê duyệt thì tỷ lệ nhà chung cư sẽ phải chiếm 80% trong các dự án nhà ở tại Hà Nội và TPHCM. Đến năm 2020, tỷ lệ nhà ở chung cư trong các dự án phát triển nhà ở tại các đô thị đặc biệt sẽ đạt trên 90%. Đô thị từ loại I đến loại II đạt trên 60%. Còn đối với đô thị loại III, tỷ lệ chung cư phải đạt trên 40% và tỷ lệ nhà cho thuê đạt tối thiểu 30% tổng quỹ nhà ở. 
 
Giá tiếp tục giảm
 
Trước đó, khi mổ xẻ nguyên nhân dẫn đến tình trạng bất động của phân khúc chung cư cao cấp nhiều chuyên gia cho rằng, vài năm trước tình trạng dư thừa chung cư cao cấp đã được cảnh báo nhưng dường như các doanh nghiệp bất động sản vẫn lao vào triển khai xây dựng mà không lường trước được biến động của thị trường.
 
Sự hấp thụ thị trường kém khiến nhiều chủ đầu tư lâm vào cảnh khó khăn vì vậy nhiều dự án buộc phải “chùm mền” bằng cách ngừng triển khai dự án hoặc dãn tiến độ. Đồng thời, chủ đầu tư thương thảo với khách hàng theo phương châm cùng có lợi, chủ đầu tư dãn tiến độ, khách hàng được chậm trả tiền.
 
Còn số ít chủ đầu tư tiếp tục “gồng” lên để xoay sở tìm kiếm nguồn lực để triển khai dự án theo đúng cam kết với khách hàng. Trong khi đó, sức ép của các yếu tố đầu vào như vật liệu xây dựng, nhân công, giá ngoại tệ không ngừng tăng, nhiều doanh nghiệp lại tiếp tục phải hạ giá bán, chấp nhận giảm lợi nhuận kỳ vọng thậm chí bán hòa.
 
Thế nhưng, cánh cửa như càng hẹp hơn khi mới đây Thủ tướng chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ra chỉ thị về việc hạn chế cho các dự án bất động sản cao cấp vay vốn. 
 
Theo giới phân tích, thị trường căn hộ trung - cao cấp trong 2 tháng cuối năm 2011 sẽ có nhiều biến động theo chiều hướng giảm do sức cầu yếu. Lượng người có nhu cầu thực sẽ nhiều hơn đầu tư do phân khúc này không còn mang lại lợi nhuận như trước. Tuy nhiên, với những người mua nhà để ở thì phần lớn có tâm lý lo ngại dự án chậm giao nhà vì vậy họ đều chờ đợi đến khi dự án được xây dựng xong hoặc xong đến 70-80% họ mới mua. Vì vậy, việc huy động vốn của khách hàng theo tiến độ là khá khó khăn.
 
Thực tế chứng minh, rất nhiều chung cư cao cấp lớn Hà Nội đều vẫn chưa thể thanhh khoản hết hàng mặc dù các chính sách khuyến mại, giảm giá rất hấp dẫn.
 
 
Theo Minh Tuấn
VnMedia

Ồ ạt phát mại bất động sản

Ngày đăng : 09/12/2011 - 9:15 AM

Trên nhiều trang mua bán, rao vặt về nhà đất, các cụm từ trả nợ vay, đáo hạn, nợ ngân hàng cần bán gấp BĐS… được đăng nhan nhản.
 

                                 

 

Thị trường đóng băng, ngân hàng thúc nợ, không chỉ chủ đầu tư dự án mệt mỏi mà nhiều nhà đầu tư bất động sản (BĐS) thứ cấp cũng lâm vào tình cảnh khó khăn và buộc phải bán tháo ra sản phẩm, thậm chí nhân viên ngân hàng tự rao bán luôn tài sản BĐS thế chấp.

Bỏ cọc

Một thông tin râm ran trong giới môi giới BĐS là tháng trước, hàng loạt nhà đầu tư phía Bắc đã bỏ tiền đặt cọc khi không tham gia mua nền đất một dự án ở Đồng Nai.

Giám đốc một sàn giao dịch BĐS cho biết các chủ đầu tư hiện nay khi bán hàng, nhất là sản phẩm nền đất thường cho khách hàng đặt cọc giữ chỗ. Đây cũng là cách để chủ đầu tư kiểm tra sức mua thị trường. Khi thấy khách hàng xuống tiền giữ chỗ đông thì chủ đầu tư mới tổ chức bán sản phẩm.

“Vừa qua có một dự án đất nền ở Đồng Nai dù có nhiều khách hàng xuống tiền (khoảng 50 triệu đồng) đặt cọc giữ chỗ nhưng khi mở bán, nhiều người không tham gia và chấp nhận mất tiền cọc. Lý do là khách hàng khó khăn về dòng vốn và cảm nhận lướt sóng không có lãi” - ông này cho biết.

Tổng giám đốc một công ty BĐS ở khu Nam nói sức mua thị trường hiện suy giảm do phần lớn các nhà đầu tư thứ cấp (mua đi bán lại) không tham gia vì họ cũng quá khó về thanh khoản.

“Trước đây một dự án căn hộ, nền đất nào đưa ra thị trường chủ đầu tư cũng ưu tiên bán đợt 1 cho các nhà đầu tư thứ cấp. Có nhiều nhóm đầu tư mua sỉ nguyên sàn hay mấy chục lô đất để bán lại. Nhưng giờ đây nhóm các nhà đầu tư này không còn nữa do khó khăn về nguồn vốn và mua vào phải ôm vì bán ra không được” - vị tổng giám đốc cho biết.

Không chỉ căn hộ, đất nền dự án mà nhiều nhà đầu tư các sản phẩm BĐS khác như nhà phố, nhà riêng lẻ cũng ôm trái đắng đang tìm mọi cách bán ra bằng mọi giá.

Giám đốc một sàn giao dịch BĐS ở quận 3, TP.HCM cho biết chỉ cần nhìn vào việc ngưng hoạt động, giải thể của các sàn môi giới thời gian gần đây là biết khách hàng đang chán BĐS như thế nào và ít người nghĩ mua vào lúc này.

Ngân hàng gia tăng siết nợ

Thị trường đang chứng kiến làn sóng nhà đầu tư bán tháo BĐS ra và nguồn cơn chủ yếu là do ngân hàng đẩy mạnh thu hồi nợ.

Thông tin với phóng viên, bộ phận pháp chế nhiều ngân hàng cho biết đang đẩy mạnh hoạt động thanh lý hợp đồng vay quá hạn, bán phát mại tài sản thế chấp là BĐS khi người vay không còn khả năng thanh toán.

Trên nhiều trang mua bán, rao vặt về nhà đất các cụm từ trả nợ vay, đáo hạn, nợ ngân hàng cần bán gấp BĐS… được đăng nhan nhản. Thực tế không chỉ đợi ngày phát mại tài sản mà hiện nhiều chi nhánh ngân hàng còn cho nhân viên tự định giá các tài sản thế chấp bằng nhà đất và rao bán giùm cho người vay để thu hồi vốn.

Ngày 8-12, nhân viên một chi nhánh ngân hàng ở huyện Nhà Bè, TP.HCM kể rằng mấy hôm nay anh phải tự bỏ tiền túi đăng báo để bán một căn nhà ở xã Phước Kiển, Nhà Bè cho khách hàng. Căn nhà này diện tích khoảng 170 m 2 trước đây giá khoảng 2 tỉ đồng giờ bán 1,3 tỉ đồng và anh đăng nội dung bán là nợ quá hạn ngân hàng, cần tiền bán gấp chứ không đăng thông tin mua bán chung chung.

Ông Lưu Trường Hận, Trưởng phòng Pháp chế Ngân hàng Phương Đông, cho hay hiện nay bộ phận của ông phụ trách đang xử lý nhiều hợp đồng vay thế chấp bằng BĐS đến ngày đáo hạn. Số lượng hợp đồng kiểu này đến hạn phải xử lý đang gia tăng nhiều. Đây là thực tế vì năm nay thị trường BĐS, kinh tế vĩ mô quá khó khăn nên nợ quá hạn gia tăng.

“Tôi cho rằng ngân hàng phát mại tài sản thế chấp bằng BĐS là phương án hợp lý nhất. Dù cho giá bán không như kỳ vọng nhưng việc này giúp ngân hàng thu hồi khoản cho vay, còn người vay thoát khỏi việc trả lãi suất cao” - ông Hận nói.

 

Theo Bùi Nhơn

 PLTPHCM
 


Làn sóng bán tháo bất động sản

Ngày đăng : 08/12/2011 - 9:53 PM

Rộ lên các mẩu quảng cáo cần tiền bán gấp căn hộ, nền đất với các mức giá giảm gần 1/3 so với giá các tháng trước.

 

 

Áp lực trả nợ vay ngân hàng và sức mua ở thị trường quá yếu đang khiến nhiều DN và nhà đầu tư buộc phải bán tháo sản phẩm bất động sản (BĐS).

Đua nhau xả hàng

Sau sự kiện hai Công ty CP Địa ốc Dầu Khí và Công ty Sài Gòn Mê Kông vì khó khăn thanh khoản và khát vốn đã bán giảm giá căn hộ đến 35% thì thị trường chứng kiến các cuộc đua xả hàng khác.

Những ngày cuối năm này trên nhiều trang quảng cáo BĐS rộ lên các mẩu thông tin cần tiền bán gấp căn hộ, nền đất với các mức giá giảm gần 1/3 so với giá các tháng trước.

Trên trang muaban.net, một nhà đầu tư rao bán nền đất ở khu dân cư Conic chỉ còn 1,3 tỉ đồng cho 100 m2 trong khi trước đó giá nền đất này là 2,4 tỉ đồng. Còn chủ nhân căn hộ The Mansion (Bình Chánh) rao bán căn hộ giá 9,5 triệu đồng/m2 dù trước kia mua giá 20 triệu đồng/m2. Ở trang diaoc online có người rao bán biệt thự ở Tân Bình giá 4,2 tỉ đồng và cho biết do cần tiền nên đã tự giảm giá đến 600 triệu đồng và mức giá trên còn thương lượng…

Có một điều là dù đã giảm giá nhưng không phải sản phẩm BĐS nào cũng có người mua. Như một cao ốc năm tầng ở quận 3 chủ đầu tư đã rao bán mấy tháng nay với mức giá bán đã lỗ so tổng số tiền bỏ ra đầu tư (lỗ tiền lãi nếu đem tiền đầu tư gửi ngân hàng) nhưng vẫn chưa có khách hàng quan tâm.

Trong tháng qua, một chủ đầu tư đưa nền đất ở khu nam TP ra bán nhưng thị trường trầm lắng nên sau đó buộc phải giảm giá tới gần 2 triệu đồng/m2.

Ông Đoàn Chí Thanh, Tổng Giám đốc Công ty BĐS Hoàng Anh Sài Gòn, cho biết đang có làn sóng bán tháo ra BĐS do áp lực về tài chính trả nợ.

“Hiện tại công ty tôi cũng đang đàm phán với chủ đầu tư và dự kiến sẽ đưa ra bán hai dự án căn hộ với giá giảm mạnh, khoảng 30% so với mức giá đề ra ban đầu” - ông Thanh cho biết.

Trao đổi với phóng viên, bà đỗ Thị Loan, Tổng Thư ký Hiệp hội BĐS TP.HCM, cho biết sau khi nhà đầu tư Sài Gòn Mê Kông bán được gần 300 căn hộ An Tiến cũng có nhiều chủ đầu tư khác rục rịch giảm giá bán căn hộ.

“Nhưng lúc này do có quá nhiều người bán nên thị trường đang bị dội. Vì câu hỏi là tiền đâu để khách hàng mua?” - bà Loan phân tích.

Mất thanh khoản

Một trong các yếu tố khiến kênh BĐS bất động trong mùa cao điểm và đang có làn sóng bán tháo là do sức cầu thị trường sụt giảm mạnh.

Tổng giám đốc một công ty BĐS ở khu nam TP.HCM phân tích ở thị trường BĐS có ba nhóm khách hàng thể hiện sức cầu thị trường là mua đầu tư, mua ở và mua để ở kết hợp bán lại. Tuy nhiên, tình hình kinh tế hiện nay quá khó khăn đã loại trừ gần như hết số lượng các nhà đầu tư, còn với người mua ở thì lãi suất ngân hàng trên 20%/năm quá cao nên người mua nhà không vay. Nhóm còn lại mua ở và đầu tư thì mắc kẹt do thị trường ảm đạm.

Từ sức cầu thị trường sụt giảm mạnh cộng nguồn cung căn hộ, nền đất ra nhiều nên thị trường BĐS như bội thực. Mặt khác, khi các hợp đồng vay nợ ngân hàng đến ngày phải thanh toán khiến cho nhiều nhà đầu tư bóp bụng bán tháo ra lấy tiền xoay xở. Điều đang nói là trong cùng thời điểm nhiều người bán nên thị trường bị dội hàng và ít nhiều đã có các trường hợp buộc phải bán BĐS lỗ quá 40%.

Trưởng bộ phận thu hồi công nợ của một ngân hàng thương mại có trụ sở ở TP.HCM cho biết hai tháng gần đây nhiệm vụ chính của anh chỉ là lên danh sách các khách hàng đến hạn để thu hồi các khoản nợ khó đòi từ BĐS.

Lý do là các ngân hàng muốn giảm các khoản nợ xấu và đưa dư nợ tín dụng phi sản xuất về mức 16% như quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Ghi nhận nội tình các ngân hàng cũng cho thấy vì nợ xấu gia tăng nhất là nợ xấu BĐS nên các ngân hàng ráo riết đòi các khoản vay ở lĩnh vực này. Thậm chí có những kiểu đòi nợ rất lạ: “Có khách hàng vay hai hợp đồng thế chấp bằng BĐS và xe ô tô. Một hợp đồng đến hạn khách hàng thanh toán đầy đủ để lấy ô tô ra thì ngân hàng không chịu mà đòi thanh lý luôn hợp đồng vay có thế chấp bằng BĐS” - một cán bộ ngân hàng cho biết.

Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM, cho rằng xu hướng thị trường BĐS còn nhiều khó khăn nhưng sợ nhất là thị trường tài sản bị mất niềm tin.

 

 

Theo PLVN

 

 

 

 


Bài toán hóc búa để có nhà ở Hà Nội

Ngày đăng : 08/12/2011 - 9:50 PM

Hà Nội là một trong những thành phố đắt đỏ nhất thế giới và giá bất động sản không thua kém các quốc gia giầu có.

              

 

Điều này đã khiến những cư dân Hà Nội, đặc biệt tầng lớp có thu nhập thấp, phải sống trong điều kiện chật chội, thiếu tiện nghi.

Theo con số năm 2003, 30% dân số Hà Nội sống dưới mức 3 mét vuông một người. Ở những khu phố trung tâm, tình trạng còn bi đát hơn rất nhiều. Nhà nước cũng không đủ khả năng để hỗ trợ cho người dân. Chỉ khoảng 30% cán bộ, công nhân, viên chức được phân phối nhà ở.

Do truyền thống văn hóa và những khó khăn về chỗ ở, hiện tượng 3, 4 thế hệ cùng sống chung trong một ngôi nhà rất phổ biến ở Hà Nội. Mỗi năm, thành phố xây dựng mới hàng triệu mét vuông nhà, nhưng giá vẫn ở mức quá cao so với phần lớn người dân. Gần như 100% các gia đình trẻ ở Hà Nội chưa có nhà ở, phải sống ghép chung hoặc thuê nhà ở tạm.
Với giá từ 500 triệu tới 1,5 tỷ đồng một căn hộ chung cư, một người dân có thu nhập trung bình chỉ có thể mua được sau nhiều năm tích lũy tài chính. Bên cạnh những khu chung cư mới mọc thêm ngày càng nhiều, vẫn còn những bộ phận dân cư phải sống trong những điều kiện hết sức lạc hậu. Tại bãi An Dương, dải đất giữa sông Hồng thuộc địa phận Yên Phụ, Từ Liên, Phúc Xá, hàng trăm gia đình sống trong những ngôi nhà lợp mái tre xây từ nhiều năm trước…

Mới đây nhất theo công bố của Hãng tư vấn nguồn nhân lực ECA – International, thủ đô Hà Nội đứng ở vị trí thứ 41 ở khu vực châu Á và thứ 217 trên thế giới là những thành phố đắt đỏ.

Với những thách thức và khó khăn về nhà ở cho người dân Hà Nội đã đặt gánh nặng lên vai mọi người dân và nhà quản lý.

Vào những năm 1960 và 1970, hàng loạt các khu nhà tập thể theo kiểu lắp ghép xuất hiện ở những khu phố Kim Liên, Trung Tự, Giảng Võ, Thành Công, Thanh Xuân Bắc... Do sử dụng các cấu kiện bê tông cốt thép sản xuất theo quy trình thủ công, những công trình này hiện rơi vào tình trạng xuống cấp nghiệm trọng. Không chỉ vậy, do thiếu diện tích sinh hoạt, các cư dân những khu nhà tập thế lắp ghép còn xây dựng thêm những lồng sắt gắn ngoài trời xung quanh các căn hộ – thường được gọi là chuồng cọp – gây mất mỹ quan đô thị. Hiện những nhà tập thể lắp ghép đang dần được thay thể bởi các chung cư mới.Cuối thập niên 1990 và thập niên 2000, nhiều con đường giao thông chính của Hà Nội, như Giải Phóng, Nguyễn Văn Cừ, Láng Hạ, Ngọc Khánh, Thái Hà, được mở rộng. Các khách sạn, cao ốc văn phòng mọc lên, những khu đô thị mới như nam cầu Thăng Long, bắc cầu Thăng Long, Du lịch Hồ Tây, Định Công, Bắc Linh Đàm... cũng dần xuất hiện.

Khoảng thời gian gần đây, khu vực Mỹ Đình được đô thị hóa nhanh chóng với hàng loạt những ngôi nhà cao tầng mọc lên. Tuy vậy, các khu đô thị mới này cũng gặp nhiều vấn đề, như công năng không hợp lý, thiếu quy hoạch đồng bộ, không đủ không gian công cộng. Trong trận mưa kỷ lục cuối năm 2008, Mỹ Đình là một trong những khu vực chịu thiệt hại nặng nề vì nước ngập.Theo thống kê của Bộ Xây dựng, từ năm 1999 đến nay, Hà Nội đã và đang triển khai 164 dự án nhà ở và khu đô thị mới với tổng diện tích đất là 1.572 ha. Trong hàng loạt các khu đô thị mới vừa được xây dựng như Linh Đàm, Định Công, Mỹ Đình... đều tính đến tỷ lệ nhà ở để bán cho người thu nhập thấp, vợ chồng trẻ nhưng sự thực là những đối tượng này không thể mua nổi những căn hộ này. Nguyên do đơn giản bởi giá đất ở các khu đô thị này rất đắt.

“Để có được mảnh đất khoảng 30m², người ta phải bỏ ra hơn 1 tỷ đồng. Số tiền này ngay cả các hộ thu nhập cao cũng phải mất rất nhiều năm mới tiết kiệm được. Trong trường hợp chọn mua nhà chung cư, giá cũng không rẻ, thường dao động từ 500 triệu tới 1,5 tỷ đồng. Nếu có thu nhập từ 5 triệu đồng trở lên và tiết kiệm được 2 triệu đồng/tháng, người ta cũng phải mất hơn 20 năm để mua được căn hộ ở mức giá thấp nhất” - ông Nguyễn Minh Đức (nghiên cứu sinh cao cấp Viện Hàn lâm khoa học quốc gia Ucraina) chia sẻ.

 

Theo Lam Nguyên
VnMedia

 


Ông Đoàn Nguyên Đức: Giá căn hộ còn giảm nữa

Ngày đăng : 08/12/2011 - 9:44 AM

Áp lực trả nợ ngân hàng và sức mua yếu đang khiến nhiều doanh nghiệp và nhà đầu tư buộc phải giảm giá sản phẩm bất động sản.

 

 

 

Sau khi hai công ty CTCP Địa ốc Dầu Khí và Công ty Sài Gòn Mê Kông vì khó khăn thanh khoản và cần vốn đã giảm giá căn hộ đến 35% thì trên nhiều trang quảng cáo bất động sản, nhiều căn hộ, đất nền giá giảm gần 1/3. Dù giá giảm nhưng không phải sản phẩm bất động sản nào cũng có người mua.

Trên trang muaban.net, một nhà đầu tư rao bán nền đất ở khu dân cư Conic chỉ còn 1,3 tỷ đồng cho 100 m2 trong khi trước đó giá nền đất này là 2,4 tỷ đồng. Còn chủ nhân căn hộ The Mansion (Bình Chánh) rao bán căn hộ giá 9,5 triệu đồng/m2 dù trước kia mua giá 20 triệu đồng/m2. Ở trang diaoconline có tin bán biệt thự ở Tân Bình giá 4,2 tỷ đồng và cho biết do cần tiền nên đã tự giảm giá 600 triệu đồng…

Ông Đoàn Chí Thanh, Tổng Giám đốc Công ty bất động sản Hoàng Anh Sài Gòn, cho biết đang có làn sóng giảm giá bất động sản do áp lực về tài chính trả nợ.

Bên cạnh đó, tình hình kinh tế khó khăn đã loại trừ gần như hết số lượng các nhà đầu tư, còn với người mua để ở thì lãi suất ngân hàng trên 20%/năm quá cao nên người mua nhà không thể vay.

Theo đánh giá của ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT CTCP Hoàng Anh Gia Lai, giá các căn hộ ở vùng ven TPHCM sắp tới sẽ còn giảm.

Giá căn hộ còn giảm vì thu nhập của người dân chưa tương xứng, mặt khác hạ tầng các dự án ở vùng ven TPHCM chưa đồng bộ, kết nối là yếu tố quan trọng. Chẳng hạn, so với Thái Lan, Malaysia dự án căn hộ ở các nước này có hạ tầng tốt hơn nhưng giá không cao như Việt Nam, ông Đức nói.

 

Theo Pháp luật TPHCM


 

Tin mới cập nhật