3 ngân hàng Việt Nam bị hạ điểm tín nhiệm chỉ vì... kỹ thuật?

Ngày đăng : 09/12/2011 - 11:23 AM
Hãng định mức tín nhiệm Standard & Poor’s (S&P) vừa tuyên bố hạ bậc điểm tín nhiệm nợ của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) và Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).
 
Phản ứng trước động thái này của S&P, chiều 9/12, BIDV - ngân hàng đang chuẩn bị bán đấu giá cổ phần lần đầu (IPO) ra công chúng - cho rằng đây chỉ là kết quả của việc điều chỉnh phương pháp đánh giá của S&P. Hai ngân hàng Vietcombank, Techcombank cho đến lúc này chưa có phản ứng chính thức nào.
 
Theo thông báo đề ngày 8/12 của S&P, điểm tín nhiệm dài hạn của Vietcombank giảm một bậc xuống còn B+ từ mức BB-, trong khi điểm tín nhiệm nợ ngắn hạn của ngân hàng này duy trì ở mức B. S&P áp mức triển vọng tiêu cực cho điểm số tín nhiệm nợ dài hạn của Vietcombank.
 
Tương tự, hạng điểm tín nhiệm nợ dài hạn của Techcombank hạ một bậc xuống B+ từ BB-, nhưng được áp triển vọng tích cực. Nợ ngắn hạn của Techcombank  giữ nguyên mức B.
 
Với BIDV, điểm tín nhiệm nợ dài hạn cũng được hạ xuống mức B+ từ BB-, với triển vọng tiêu cực. Nợ ngắn hạn của BIDV được S&P duy trì mức điểm B.
 
Thông cáo của S&P cho biết, mức điểm tín nhiệm dành cho Vietcombank dựa trên cơ sở vị thế kinh doanh “mạnh”, tình hình vốn và lợi nhuận “rất yếu”, mức độ tham gia “hợp lý” vào các hoạt động rủi ro, tình hình nguồn vốn “trên trung bình” và năng lực thanh khoản “hợp lý”.
 
Đối với Techcombank, S&P đánh giá ngân hàng này có vị thế kinh doanh “mạnh”, tình hình vốn và lợi nhuận “yếu”, mức độ tham gia hợp lý vào các hoạt động rủi ro và tình hình nguồn vốn “trên trung bình”, thanh khoản “hợp lý”.
 
Trường hợp BIDV, S&P nhận định, đây là ngân hàng có vị thế kinh doanh “mạnh”, tình hình vốn và lợi nhuận được đánh giá là “rất yếu”, mức độ tham gia “hợp lý” vào các hoạt động rủi ro, tình hình nguồn vốn “trung bình”, thanh khoản “hợp lý”.
 
Sau khi tuyên bố trên của S&P được phát đi, BIDV đã lập tức có phản ứng. Ngân hàng này nhìn nhận: “Việc hạ bậc định hạng BIDV của S&P không phải do quan ngại về năng lực tài chính của BIDV mà do thay đổi trong phương pháp đánh giá gắn vào việc điều chỉnh đánh giá quốc gia”.
 
“Đây là một động thái trong quá trình rà soát lại định hạng của 44 ngân hàng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương theo phương pháp đánh giá mới mà S&P công bố vào tháng 11/2011. Theo phương pháp mới này, kết quả đánh giá môi trường hoạt động sẽ quyết định định hạng cơ sở của các ngân hàng tại quốc gia đó. Do điểm đánh giá Việt Nam bị hạ từ mức 9 xuống mức 10 nên định hạng cơ sở của tất cả các ngân hàng Việt Nam cũng chịu sự điều chỉnh xuống mức B”, BVIDV cho biết.
 
Cũng theo thông cáo của BIDV, hiện tại chỉ có BIDV, Techcombank và Vietcombank thuê S&P đánh giá tín nhiệm nhằm nâng cao tính minh bạch và hướng hoạt động theo thông lệ quốc tế.
 
“Thực tế, BIDV hiện vẫn nhận được đánh giá cao của các tổ chức, chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước. Việc BIDV thực hiện IPO vào cuối tháng 12/2011 hứa hẹn những chuyển biến tích cực mạnh mẽ trong năng lực và hoạt động của ngân hàng”, BIDV tuyên bố.
 
Theo Kiều Oanh
VnEconomy

Họ tên :

Email :

Nội dung :

Tin cùng chủ đề

Hợp nhất 3 ngân hàng: Tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu 1:1

Ngày đăng : 09/12/2011 - 11:13 AM
Việc hợp nhất được thực hiện theo hình thức chuyển toàn bộ số cổ phần của FCB, TNB và SCB để thành SCB. Không chấp thuận việc rút khỏi hợp nhất.
 
 
Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) vừa công bố tài liệu Hội Đồng Quản Trị sẽ trình xin ý kiến cổ đông các ngân hàng SCB, Ngân hàng TMCP Đệ Nhất – Ficombank  (FCB) và Ngân hàng TMCP Việt Nam Tín Nghĩa – TinNghia Bank (TNB). Theo đó, 
 
Tên của ngân hàng sau hợp nhất là Ngân hàng TMCP Sài Gòn, có vốn điều lệ 10.583,8 tỷ đồng; tổng tài sản là 153.626 tỷ đồng (bằng vốn điều lệ; tổng tài sản hiện tại của SCB, FCB, TNB cộng lại).
 
 
Cơ cấu sở hữu sau hợp nhất. Nguồn SCB
 
Ngân hàng sau hợp nhất kế thừa và thực hiện tất cả những hoạt động kinh doanh hiện tại của SCB, TNB, FCB – những hoạt động mà một NHTM được phép thực hiện. Đồng thời, kế thừa tòan bộ mạng lưới của ba ngân hàng phù hợp với quy định. 
 
Không chấp thuận việc rút khỏi hợp nhất 
 
Việc hợp nhất 3 ngân hàng trên cơ sở đảm bảo các nguyên tắc cơ bản. Dưới đây là một số nguyên tắc cơ bản của việc hợp nhất:
 
- Đảm bảo không ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng, đặc biệt quyền lợi của người gửi tiền tại SCB, TNB, FCB; 
- Không chấp thuận  việc rút khỏi việc hợp nhất bất cứ lý do gì; nghiêm cấm việc phân tán tài sản dưới mọi hình thức;
- Không thực hiện việc chia tách cổ phiếu, chia cổ tức bằng cổ phiếu hay làm tăng/giảm số cổ phiếu và pha loãng giá trị sổ sách của CP đang lưu hành. 
- Toàn bộ người lao động của FCB, TNB, SCB vẫn tiếp tục làm việc tại SCB – tổ chức sẽ kế thừa toàn bộ lao động, các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ quan hệ lao động từ FCB, TNB, SCB và thực hiện mọi công việc liên quan đến người lao động theo quy định Pháp luật. 
 
Tỷ lệ hoán đổi 1:1
 
Đề án hợp nhất sẽ trình Đại hội đồng cổ đông các ngân hàng nêu rõ: Các biến động tài sản trong khoảng thời gian từ 0 giờ ngày 01/10/2011 tới ngày hợp nhất sẽ được các ngân hàng theo dõi riêng và chuyển giao toàn bộ số liệu cho SCB. 
 
 
Tổng hợp cơ cấu tài sản tại ngày 30/09/2011. Nguồn SCB
 
Giá trị sổ sách của 3 ngân hàng tham gia hợp nhất sẽ được chuyển giao cho SCB vào ngày hợp nhất và vốn điều lệ của SCB bằng tổng vốn của 3 ngân hàng tham gia hợp nhất. 
 
 
Tổng hợp cơ cấu nguồn vốn tại ngày 30/09/2011. Nguồn SCB
 
Việc hợp nhất được thực hiện theo hình thức chuyển toàn bộ số cổ phần của FCB, TNB, và SCB để thành SCB, mỗi CP phổ thông của một ngân hàng sẽ được hoán đổi thành một CP của Ngân hàng TMCP Sài Gòn theo nguyên tắc ngang bằng mệnh giá, cụ thể: 
 
Ficombank: SCB =1:1; TNB: SCB = 1:1; SCB:SCB= 1:1
 
Dự kiến sẽ xin chấp thuận cuối cùng của NHNN 01/01/2012 và hoàn tất công việc hợp nhất vào quý I/2012.  
 
Đại hội đồng cổ đông hợp nhất vào ngày 23/12/2011
 
Tại phiên họp ngày 15/12 Hội đồng quản trị SCB trình xin ý kiến cổ đông giao, ủy quyền cho HĐQT thực hiện các công việc liên quan đến việc hợp nhất như: 
 
(i) Đàm phán, ký kết, bổ sung, điều chỉnh và triển khai Hợp đồng hợp nhất theo quy định của Pháp luật và theo yêu cầu của cơ quan pháp lý; 
 
Phối hợp với các bên liên quan hoàn thiện, chỉnh sửa Đề án hợp nhất phù hợp với tình hình thực tế và theo yêu cầu của cơ quan quản lý;
 
Hoàn thiện Điều lệ tổ chức và hoạt động của Ngân hàng hợp nhất – Ngân hàng TMCP Sài Gòn. 
 
(ii) Thông qua việc để Ngân hàng TMCP Đệ Nhất là tổ chức tín dụng đại diện theo quy định của Thông tư 04/2010/TT-NHNN.
 
(iii) Sau khi có chấp thuận nguyên tắc của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc hợp nhất 3 ngân hàng thành Ngân hàng TMCP Sài Gòn, SCB sẽ tiến hành đại hội đồng cổ đông hợp nhất vào ngày 23/12/2011. Danh sách cổ đông chốt ngày 07/12/2011 để đăng ký tham dự ĐHĐCĐ bất thường ngày 15/12/2011 sẽ được sử dụng để gửi thông báo mời Đại hội đồng cổ đông hợp nhất tổ chức ngày 23/12/2011.
 
Theo Q. Nguyễn
TTVN

SCB + Ficombank + TinNghiaBank = ... SCB?

Ngày đăng : 09/12/2011 - 9:19 AM

Tên của ngân hàng hợp nhất từ SCB, Ficombank và TinNghiaBank, theo đề án hợp nhất và tái cơ cấu, được xác định vẫn là Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB).
 

                        

 

Hôm nay (8/12), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam Tín Nghĩa (TinNghiaBank) và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đệ Nhất (Ficombank) cùng công bố kế hoạch tổ chức đại hội cổ đông bất thường vào ngày 15/12 này để thông qua các nội dung của kế hoạch hợp nhất.

Theo nội dung tờ trình của các thành viên mà VnEconomy có được, đề án hợp nhất và tái cơ cấu đã xác định tên ngân hàng sau hợp nhất sẽ là Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn, tên viết tắt là SCB, có mức vốn điều lệ là 10.583,8 tỷ đồng. Ngân hàng mới sẽ kế thừa và thực hiện tất cả những hoạt động kinh doanh hiện tại của SCB, TinNghiaBank và Ficombank.

Cơ cấu sở hữu của ngân hàng sau hợp nhất chiếm áp đảo là các cá nhân trong nước với 85,17% (gồm 3.679 cổ đông); cổ đông là tổ chức trong nước sở hữu 14,41% và 0,41% còn lại là cổ phiếu quỹ.

Theo phương án đưa ra trong đề án, các bên thống nhất tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu phổ thông của ba ngân hàng trên là 1:1 (mỗi cổ phiếu phổ thông của một ngân hàng sẽ được hoán đổi thành một cổ phiếu của SCB “mới” theo nguyên tắc ngang bằng mệnh giá). Và trong mọi trường hợp không áp dụng chuyển đổi thành tiền.

Về hoạt động, sau khi hợp nhất, theo đề án, ngân hàng mới sẽ áp dụng hệ thống kiểm tra, kiểm soát và kiểm toán nội bộ của SCB cho SCB “mới”; hợp nhất hệ thống thông tin quản lý và hệ thống truyền dữ liệu SmartBank tiến tới sang hệ thống Corebanking T24 hoặc Flexcube tùy tình hình thực tế. Ngay sau thời điểm việc hợp nhất có hiệu lực, toàn bộ các lao động có ký hợp đồng lao động với ba ngân hàng trước đó sẽ trở thành lao động của SCB “mới”.

Về kế hoạch kinh doanh, SCB “mới” dự kiến lợi nhuận sau thuế trong năm 2012 là 667 tỷ đồng (đến 30/9/2011 là 723 tỷ đồng), năm 2013 là 1.185 tỷ đồng và năm 2014 là 1.865 tỷ đồng.

Đáng chú ý là mục tiêu của SCB “mới” là đến 2014 sẽ có vốn điều lệ xấp xỉ 16.000 tỷ đồng, trong đó cổ đông mới chiếm khoảng 6.000 tỷ vốn điều lệ (tương đương tỷ lệ sở hữu khoảng 37,5%).

 

Theo VnEconomy.vn


Lo lắng vì tin trần huy động về dưới 14%

Ngày đăng : 09/12/2011 - 9:14 AM

Bác thông tin sẽ đưa trần lãi suất về 12% một năm, song Ngân hàng Nhà nước khẳng định lãi suất huy động sẽ giảm trong thời gian tới. Các chuyên gia và lãnh đạo nhà băng nhỏ nhận định, giảm trần lãi suất lúc này hại nhiều hơn lợi.

 

 

 

Tiến sĩ kinh tế Vũ Thành Tự Anh nhận định, chỉ có thể bắt đầu nghĩ đến chuyện hạ trần lãi suất huy động khi kinh tế vĩ mô đã chắc chắn ổn định.Việc đưa trần lãi suất huy động về 12% một năm không những không có lợi, mà còn tạo nên những hệ quả không tốt cho ngành ngân hàng, ông nói.

Chuyên gia này phân tích, điều nhìn thấy đầu tiên là lãi suất tiền gửi của người dân thực âm, thậm chí âm sâu hơn trước. Mức lạm phát trong năm vẫn trên 20%, mà lãi suất huy động giảm về 12% sẽ không tương thích. Mặt khác, khi nhiều ngân hàng đang gặp khó khăn về thanh khoản, hạ lãi suất đầu vào sẽ khiến cho thanh khoản trở nên nghiêm trọng. Nợ xấu thị trường dân cư, liên ngân hàng có nguy cơ tăng lên khi thị trường bất động sản và các hoạt động sản xuất kinh tế vẫn kém hiệu quả, ông Tự Anh nhận định.

Đồng quan điểm, Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và chính sách đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, đây chưa phải là thời điểm thích hợp để giảm lãi suất huy động.

Ông nhìn nhận, ít nhất có ba cái hại nhìn thấy được ngay khi lãi suất giảm. Thứ nhất, kế hoạch kiểm soát lạm phát mới chỉ được tính trên giấy tờ. Còn thực tế năm sau, chỉ số này có dưới 10% hay không, lại phụ thuộc nhiều yếu tố. Hơn nữa, xét tình hình hiện nay, tốc độ tăng CPI mới chỉ được cải thiện trong 1 - 2 tháng nên cũng không thể nói trước. "Chừng nào còn tồn tại 2 yếu tố là người dân gửi tiền nhận lãi suất thực âm, thanh khoản ngân hàng còn yếu, đều quá sớm để giảm lãi đầu vào", ông Thành cho biết.

Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành bày tỏ, tin đồn trần lãi suất về 12% một năm xuất hiện trong bối cảnh toàn ngành ngân hàng đang rục rịch chuyển mình bởi đề án tái cấu trúc, rõ ràng nhạy cảm. Vì thực tế, người dân không phải ai cũng hiểu "ngân hàng nhỏ không có nghĩa là yếu" mà chỉ biết, khi lãi suất dồn về một mức, rõ ràng, gửi ngân hàng lớn sẽ an toàn hơn.

Trước đây, khi trần lãi suất về 14% một năm, các nhà băng nhỏ đã khó; nếu lãi suất giảm còn 12%, trong khi cái tiếng "nhỏ - yếu, nhỏ - thiếu an toàn" chưa giải quyết được thì việc vực dậy thanh khoản càng khó, chuyên gia nói trên nhận định.

Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh nhận định, có 2 động lực cho niềm tin hạ lãi suất: Một là tốc độc tăng lạm phát đã giảm, hai là áp lực giảm lãi suất cho vay. Song trước mắt, chưa nhìn thấy dấu hiệu nào cho thấy giảm lãi suất huy động sẽ hạ được lãi cho vay. Bởi lãi suất cho vay phụ thuộc chủ yếu vào cung cầu tiền tệ và chưa khi nào tồn tại cơ chế trực tiếp lãi đầu vào giảm, sẽ giảm đầu ra, ông nói.

Còn theo tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, yếu tố đầu tiên quyết định lãi cho vay giảm là rủi ro kinh tế hạ bớt, nguồn vốn chảy vào ngân hàng nhiều hơn. Nếu như trần lãi suất thấp hơn 14%, các nhà băng rất khó thu hút vốn, đặc biệt là các tổ chức nhỏ. Hệ quả có thể là lãi suất liên ngân hàng càng đẩy lên cao; vấn đề thanh khoản sẽ mang tính hệ thống, thay vì cục bộ như hiện tại.

Nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, nếu lãi suất giảm, không chỉ các ngân hàng nhỏ và yếu thanh khoản gặp khó, mà chính Ngân hàng Nhà nước cũng gặp khó. Nếu như trước kia, khi trần lãi suất giảm về 14%, các đơn vị đều tìm cách lách để thu hút được nguồn vốn gửi vào. Còn trong bối cảnh thiếu thanh khoản như hiện nay, trần 12% một năm, nếu thực hiện, sẽ chẳng khác nào ép nhà băng phải lách luật. Nếu Ngân hàng Nhà nước làm nghiêm, các ngân hàng nhỏ sẽ khó về thanh khoản, và ngược lại.

Suốt năm 2010, người dân đã phải chịu lãi suất trần thấp hơn so với tỷ lệ lạm phát. Đến năm nay, niềm tin về kiểm soát lạm phát có thể tạo động lực dân gửi tiền vào ngân hàng, thì nếu áp trần lãi suất về dưới 12%, lượng tiền ngân hàng thu hút được sẽ thấp.

Trước đó, thị trường xôn xao tin đồn trần lãi suất sẽ về 12% trong tháng 12. Lãnh đạo một số nhà băng cũng xác nhận thông tin này. Tuy nhiên, trong cuộc họp thường kỳ Chính phủ, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến đã phủ nhận thông tin lãi suất về 12%, song thừa nhận sẽ đưa lãi suất giảm xuống trong thời gian tới.

Nhiều chuyên gia nhận định, tin đồn hạ trần lãi suất tiền gửi, cộng thêm việc hợp nhất SCB, Tín Nghĩa Bank và Ficombank (dù là tự nguyện) cũng là "đòn ngầm" đối với những đơn vị khó khăn về thanh khoản trong tình hình hiện nay.

Lãnh đạo cấp cao một ngân hàng cỡ vừa chia sẻ: "Với trần lãi suất 14% một năm, các nhà băng vừa và nhỏ đã phải chật vật để huy động vốn. Giờ nếu hạ xuống nữa thì không biết sẽ ra sao, đặc biệt là trong bối cảnh 3 ngân hàng đầu tiên chuẩn bị cho kế hoạch hợp nhất".

 

Theo Tuệ Minh

 VnExpress


 

 


Lợi nhuận của nhiều ngân hàng Việt Nam còn cao?

Ngày đăng : 08/12/2011 - 9:38 AM

Có thể nói, năm 2011 là một năm nhiều sóng gió cho các ngân hàng thương mại Việt Nam. Một số chuyên gia cho rằng, đợt “nổi sóng” năm 2011 mạnh hơn, dai dẳng hơn và khó hồi phục hơn so với năm 2008.

                      

 

Theo đánh giá của các chuyên gia, lợi nhuận của các ngân hàng thương mại trong quý III/2011 đạt khá, với doanh thu thuần tăng so với cùng kỳ năm 2010. Tuy nhiên, lợi nhuận ròng quý III/2011 của hầu hết ngân hàng thương mại tăng thấp hơn mức tăng doanh thu thuần, do trong quý III/2011, các ngân hàng phải bỏ ra chi phí trích lập dự phòng rủi ro tín dụng lớn hơn so với cùng kỳ năm 2010.

Các chỉ số về các khoản cho vay/tổng tài sản có, các khoản đầu tư/tổng tài sản có, tiền gửi/tổng nợ phải trả của hầu hết ngân hàng thương mại đều giữ tỷ lệ tương đương so với cùng kỳ năm 2010.

Điều đáng chú ý là tỷ số lợi nhuận ròng/tổng tài sản (ROA) và tỷ số lợi nhuận ròng/vốn chủ sở hữu (ROE) của một số ngân hàng thương mại có xu hướng giảm qua các quý từ đầu năm tới nay. Điều này cho thấy hiệu quả đầu tư của các ngân hàng thương mại có xu hướng giảm sút. Nguyên nhân là do môi trường kinh doanh khó khăn hơn do quy định về hạn chế tín dụng phi sản xuất và tình hình kinh tế vĩ mô trong nước chưa ổn định, cũng như kinh tế thế giới nhiều biến động, khiến hoạt động của các doanh nghiệp giảm sút, nhiều rủi ro.

Trong khi đó, nợ xấu tăng mạnh. Ví dụ, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (STB) có nợ cần chú ý ở mức 171 tỷ đồng, tăng gấp 5 lần; nợ dưới tiêu chuẩn gần 210 tỷ đồng, tăng 6 lần; nợ có khả năng mất vốn là 168,5 tỷ đồng, giảm 50% so với cùng kỳ năm 2010. Với ACB, quý III/2011, nợ xấu tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2010…

Ngoài những nguyên nhân khách quan thì hoạt động của các ngân hàng thương mại gặp khó khăn còn xuất phát từ sự yếu kém trong năng lực quản lý phát triển tín dụng trong nhiều năm gần đây. Việc ồ ạt cho vay mà thiếu cân nhắc và nghiên cứu cẩn trọng về mức độ an toàn và khả năng trả nợ của các khoản vay đã khiến không ít ngân hàng thương mại lâm vào tình trạng rủi ro tín dụng cao trước những biến động của môi trường kinh tế vĩ mô.

Thêm vào đó, cần phải nói đến sự phát triển bùng nổ của tín dụng đen ngay trong các ngân hàng thương mại. Phòng tín dụng tại hầu hết các ngân hàng thương mại đều hình thành quỹ chung của phòng, được sử dụng để cho vay “nóng”, tương tự như tín dụng đen. Đó là chưa nói đến việc một số nhà quản lý trong ngân hàng lợi dụng uy tín để cấp tín dụng khá dễ dãi cho các doanh nghiệp, cá nhân là người thân.

Tuy nhiên, không phải tất cả các ngân hàng thương mại Việt Nam đều hoạt động kém hiệu quả, lợi nhuận thấp, tỷ lệ nợ xấu cao… Trong quý III/2011 và những tháng đầu quý IV/2011, không ít ngân hàng vẫn đạt lợi nhuận cao, với nhiều chỉ số đạt chuẩn so với quy định của Ngân hàng Nhà nước, như Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCB), Ngân hàng Thương mại cổ phần Xuất nhập khẩu (Eximbank), Ngân hàng Việt Nam Thịnh vượng (VP Bank)…

Ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc VP Bank cho rằng, trong bối cảnh kinh tế khó khăn như năm 2011, ngân hàng nào quan tâm nhiều đến khâu nghiên cứu, dự báo tình hình từ trước đó, đồng thời thực sự nỗ lực chuyển đổi nội tại trên nhiều mặt để đáp ứng nhu cầu đổi mới thì mới có thể vượt qua khó khăn trước những ảnh hưởng tiêu cực trong điều kiện hiện nay.

Theo thông tin từ VPBank, đến ngày 31/10/2011, tổng dư nợ cho vay của ngân hàng này đạt 29.603 tỷ đồng, tăng 17% so với cuối năm 2010, tỷ lệ nợ xấu tháng 10/2011 là 2,03% (trong giới hạn cho phép), huy động vốn từ khách hàng đạt 33.951 tỷ đồng, tăng 41% so với năm 2010. Dù đã hạ bớt chỉ tiêu lợi nhuận khá tham vọng so với hồi đầu năm đặt ra, nhưng VPBank vẫn dự kiến sẽ tăng thêm ít nhất 100 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.

Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, VP Bank đã vươn lên mạnh mẽ, vừa hoàn thành các chỉ tiêu kinh doanh và được Ngân hàng Nhà nước xếp vào danh sách 12 ngân hàng hàng đầu Việt Nam (G12). Đây có thể coi là một bài học đối với các ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng thương mại cổ phần trong lúc thị trường gặp sóng gió.

Để khắc phục khó khăn trong thời gian tới, một chuyên gia của Ngân hàng Nhà nước khuyến nghị các ngân hàng cần kiểm soát, tăng cường quản lý hoạt động tín dụng tại ngân hàng một cách nghiêm túc để tránh sự lợi dụng uy tín cá nhân cho vay dưới danh nghĩa ngân hàng; xây dựng cơ chế quản lý nợ nhằm hạn chế nợ xấu; cân đối lại danh mục các lĩnh vực hoạt động, tăng cường doanh thu từ hoạt động cung ứng dịch vụ ngoài hoạt động huy động và cho vay; nâng cao bản lĩnh nghề nghiệp cho cán bộ, nhất là những cán bộ đảm nhiệm những vị trí liên quan đến tín dụng.

 


Theo Nguyễn Đức

 Báo Đầu Tư


 
 


Vàng không phải SJC bán chậm

Ngày đăng : 08/12/2011 - 9:17 AM

Lượng tiêu thụ các loại vàng thương hiệu không phải là SJC đã giảm mạnh trong thời gian qua, sau thông tin về dự thảo Nghị định kinh doanh vàng miếng.
 

 

 

Đến thời điểm này, bị ảnh hưởng nhiều nhất có lẽ là Công ty Vàng bạc đá quý Bảo Tín Minh Châu. Tổng giám đốc Vũ Minh Châu cho biết từ khi Ngân hàng Nhà nước đưa ra dự thảo, lượng vàng Rồng Thăng Long bán ra ngày càng sụt giảm; đến nay lượng bán chỉ còn không đến 50% so với thời cao điểm trong khi hoạt động sản xuất loại vàng này cũng đã dừng lại do khó tiêu thụ.

Ông Châu cho biết người tiêu dùng được trấn an là vàng Bảo Tín Minh Châu được đổi ngang giá với vàng SJC, nhưng người dân vẫn bán loại vàng này ra ngày càng nhiều.

Tại Công ty Vàng bạc Đá quý Sacombank-SBJ, bà Nguyễn Ngọc Quế Chi, Tổng giám đốc cho biết hiện tại lượng vàng SBJ bán ra cũng giảm một nửa so với thời gian trước. Máy móc sản xuất vàng miếng SBJ hiện cũng không dùng đến do thanh khoản loại vàng này quá yếu.

Hiện tại nhiều tiệm vàng đang mua vàng SBJ với giá thấp hơn vàng SJC, sau đó bán lại cho công ty để ăn chênh lệch vì giá vàng SBJ niêm yết tại cửa hàng công ty và các chi nhánh của Ngân hàng Sacombank đều bằng giá vàng SJC. Bà Chi cho biết do công ty bà là công ty con của Sacombank nên có đủ tiềm lực tài chính để mua vàng từ phía người dân nếu họ bán ra ngang bằng giá SJC.

Tình hình cũng xảy ra tương tự tại Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ). Bà Nguyễn Thị Cúc, Phó Tổng giám đốc của công ty, cho biết trong những ngày gần đây lượng vàng tiêu thụ chính vẫn là SJC, trong khi vàng PNJ-DAB khá ế. Cũng có hiện tượng người dân đem bán vàng PNJ-DAB nhưng không nhiều.

Giao dịch vàng tại các công ty từ đầu tuần đều diễn ra khá trầm lắng. Lượng vàng tại SJC giao dịch mỗi ngày khoảng 4.000 lượng. Tại PNJ, lượng mua vào mỗi ngày khoảng 400-600 lượng, bán ra từ 700-900 lượng, còn SBJ mua vào, bán ra mỗi ngày chỉ khoảng 100-200 lượng.

Cuối ngày hôm nay (7-12), giá vàng niêm yết tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn ở mức 44,76 triệu đồng/lượng mua vào, 44,96 triệu đồng/lượng bán ra. Trong khi đó giá vàng Rồng Thăng Long của Công ty Vàng bạc đá quý Bảo Tín Minh Châu vẫn đang niêm yết thấp hơn nhiều, với chỉ 43,97 triệu đồng/lượng mua vào, 44,3 triệu đồng/lượng bán ra.

Giá vàng trong nước hôm nay đã thu hẹp khoảng cách với giá vàng thế giới. Giá vàng trong nước hiện nay chỉ còn cao hơn giá thế giới khoảng 600.000 đồng/lượng, thấp hơn nhiều so với trong tuần trước.

Theo ông Nguyễn Công Tường, Phó phòng kinh doanh Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC), thì mãi lực yếu là nguyên do khiến cho giá vàng trong nước không biến động nhiều dù giá vàng thế giới đóng cửa thị trường New York tăng hơn 20 đô la Mỹ/ounce so với phiên trước. Thêm vào đó, cũng có sự điều tiết giá từ cơ quan quản lý để giá trong nước và thế giới không quá cách xa.

 


Theo Thanh Thương

 TBKTSG

 

 


 

Tin mới cập nhật