Đâu là hình ảnh ấn tượng nhất tại hội thảo công bố “Báo cáo rà soát pháp luật kinh doanh” tổ chức tại Hà Nội, hôm 30/11?
Đó có lẽ là khi Trưởng ban Pháp chế và Trọng tài của Phòng Thương mại và Công nghiệp (VCCI), luật sư Trần Hữu Huỳnh, trao bản báo cáo hơn 2.000 trang giấy về kết quả rà soát 16 luật và gần 200 văn bản dưới luật cho ông Antony Stokes, Đại sứ Anh tại Việt Nam. Bản báo cáo này đã làm “mỏi tay” cả người trao và người nhận, theo đúng nghĩa đen.
Sự hài lòng của ông Huỳnh và vị đại sứ Anh là điều có thể cảm nhận được, khi thành tựu của một dự án kỹ thuật đầy ý nghĩa đã được ghi nhận. Một vị là luật sư và đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, người kia mang sứ mạng của một nhà ngoại giao đang mang ngân sách quốc gia mình đi thực hiện một chương trình hỗ trợ cho một quốc gia khác.
Nhưng từ thực tiễn rà soát, hiện thực hóa các đề xuất của dự án vào hệ thống pháp luật hiện hành ra sao còn là một chặng đường dài mà cả vị chuyên gia lẫn nhà ngoại giao cũng khó biết trước kết quả.
Luật pháp kinh doanh của Việt Nam là lĩnh vực mà, như nhận xét của ông Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Ngân sách của Quốc hội, là “liên tục thay đổi” mà vẫn không theo kịp thực tế.
Ông Thanh, người có trải nghiệm thực tế cả ở cơ quan hành pháp (Bộ Tài chính) lẫn lập pháp (Quốc hội), nói có nhiều trường hợp luật được ban hành xong chưa lâu đã phải sửa đổi, ngay cả khi các văn bản hướng dẫn chưa được ban hành đủ!
Các chuyên gia tham gia các nhóm nghiên cứu rà soát các luật rõ ràng đã làm việc hết sức mình để phát hiện ra được tới 683 quy định pháp luật “có vấn đề”, trong đó có 206 quy định chưa đạt tiêu chí minh bạch, 243 quy định chưa đạt tiêu chí hợp lý, 149 quy định chưa đạt tiêu chí thống nhất, 85 quy định chưa đạt tiêu chí khả thi.
Tuy nhiên, từ một thực tế là hệ thống pháp luật còn hàng trăm vấn đề như vậy, theo ông Trần Hữu Huỳnh, các chuyên gia cũng chỉ có thể “đề nghị” Quốc hội xem xét, đưa các nội dung này vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội.
Về phía Chính phủ, phần đề xuất trong báo cáo dự án cũng chỉ “đề nghị” Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan “tham khảo, tiếp thu các kết quả rả soát, các khuyến nghị của cộng đồng doanh nghiệp”, để từ đó khuyến nghị Quốc hội sửa đổi bổ sung các luật và văn bản hướng dẫn.
Điều mà cộng đồng doanh nghiệp mong đợi nhất, có lẽ là cam kết của đại diện Chính phủ và cả Quốc hội về việc xử lý các kiến nghị trong báo cáo này như thế nào, thì vẫn chưa thấy.
Chính vì vậy, không ngạc nhiên khi ông Đặng Văn Thanh nhấn mạnh tại hội thảo này là tầm quan trọng của việc “quán triệt” những đề xuất này tới Quốc hội và các vị đại biểu Quốc hội. Ông Thanh lưu ý rằng tại Việt Nam, Quốc hội làm việc theo kỳ họp, và “tất cả những vấn đề quan trọng nhất sẽ chỉ được quyết định tại các kỳ họp chính thức”, thay vì có thể giải quyết ngay lập tức nếu thực tiễn đòi hỏi.
Vị đại diện của Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam có lẽ muốn các nhà tài trợ quốc tế tham gia dự án này, gồm USAID (Mỹ) và UKAID (Anh) hiểu được một thực tế, là ngay cả khi các trở ngại đã lộ diện để ai cũng có thể nhìn thấy, thì việc giải quyết chắc chắn còn mất nhiều thời gian.
Cùng quan điểm với ông Thanh, nhiều chuyên gia cảm thấy tiếc vì báo cáo này dường như hơi… lỡ nhịp với đời sống chính trị của Việt Nam, cụ thể là nó đã được hoàn thành sau khi Quốc hội khóa mới đã thông qua chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.
Trong 16 luật được rà soát, có tới 11 luật đã có tên trong chương trình này, tuy nhiên điều đó cũng có nghĩa, là có tới 5 luật với các khiếm khuyết vẫn sẽ tiếp tục chi phối đời sống kinh doanh trong một số năm nữa. Và ngay cả với 11 luật được đưa vào chương trình sửa đổi, không chắc là tất cả các đề xuất rất thực tế trong báo cáo có thể được cập nhật hết một cách trọn vẹn.
Hơn nữa, điều mà các chuyên gia cũng hết sức lo lắng là mức độ tiếp nhận các đề xuất của Chính phủ và các bộ ngành. Xu hướng từ chối các cải cách, thể hiện qua cuộc chiến với giấy phép con trước đây, dường như vẫn còn sức nặng đáng kể trong hoạt động của các bộ ngành. Nhìn thấy khiếm khuyết mà không sửa hoặc trì hoãn sửa là chuyện không hề mới, và thú vị là ngay cả các chuyên gia nước ngoài cũng có chung sự chia sẻ về chuyện này.
Đại diện cho USAID, ông Francis Donovan khi trao đổi với báo giới về bản báo cáo đã kể một câu chuyện vui về quy trình sản xuất trong một doanh nghiệp ôtô ở Mỹ. Đại ý rằng trong công ty đó, cả bộ phận thiết kế và bộ phận chế tạo đều rất muốn đổi mới, nhưng hai bộ phận này thường có xu hướng… đổ lỗi cho bộ phận kia, cho rằng bộ phận kia là không hiểu mình!
Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, được đại diện bởi VCCI, có vẻ như đang đóng một vai trò “thiết kế” trong việc đưa ra các kiến nghị về sửa đổi các luật để có một môi trường kinh doanh tốt hơn. Nhưng câu hỏi là các bộ ngành có sẵn sàng là một bộ phận “chế tạo”, cảm, hiểu được và làm theo những kiến nghị đó?
Tín hiệu đáng vui nhất có lẽ là một sự đồng thuận sâu sắc giữa các chuyên gia trong và ngoài nước về sự cần thiết phải tiếp tục các hoạt động rà soát, sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nói chung và về kinh doanh nói riêng. Và trong quá trình đó, vai trò của các hiệp hội doanh nghiệp mà tiêu biểu là của VCCI phải là tiên phong.
Điều này nhận được sự chia sẻ của ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, khi ông nói rằng hoạt động này sẽ được VCCI tiếp tục triển khai một cách thường xuyên, liên tục. “Chính phủ đã cam kết sẽ là chính phủ kiến tạo, đóng vai trò thúc đẩy sự phát triển. Vai trò của cộng đồng doanh nghiệp là rất quan trọng trong quá trình này”, ông Lộc nói.
Vị chủ tịch nói rằng trong những năm gần đây, VCCI, với sự hỗ trợ của các đối tác trong và ngoài nước, đã từng gây ra những “cú sốc”, từ chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), cho tới các hoạt động đánh giá chất lượng hoạt động của các bộ ngành.
“Lãnh đạo nhiều tỉnh thành, nhiều bộ ngành đã gọi điện thẳng cho tôi để phản đối, nhưng cuối cùng thì ai cũng thấy là về tổng thể, các hoạt động đó đã mang lại hiệu ứng tích cực cho nền kinh tế”, ông Lộc nói và nhấn mạnh đến việc tiếp tục đưa ra những “cú sốc tích cực” khác trong việc cải thiện môi trường kinh doanh tại Việt Nam.
Theo Anh Minh
VnEconomy