Giá hàng hóa trên thị trường thế giới giảm đồng loạt trong phiên 16/4, với chỉ số Standard & Poor’s GSCI theo dõi biến động của 24 mặt hàng mất 1% còn 675,59 điểm. Chỉ số UBS Bloomberg CMCI theo dõi 26 mặt hàng giảm 0,9% xuống 1.561,372 điểm.
Giá xăng trải qua phiên giảm sâu nhất trong 6 tuần bởi nỗi lo cung giảm bớt sau cuộc đàm phán giữa Iran và các nước phương Tây ngày 14/4 về vấn đề hạt nhân. Chốt phiên, giá xăng mất 2,4% còn 3,267 USD/gallon.
Giá dầu sưởi giảm 1,8% xuống 3,1166 USD/gallon – phiên giảm đầu tiên sau 4 ngày.
Giá dầu Brent mất hơn 2% sau khi có tin đường ống dẫn dầu Seaway sẽ được đảo chiều sớm hơn dự kiến khoảng 2 tuần, làm cho nguồn cung dầu chất lượng cao sẽ dồi dào hơn. Chốt phiên, loại dầu này ở mức 118,68 USD/thùng.
Trên thị trường kim loại, giá vàng giảm phiên thứ 2 liên tiếp do chứng khoán và trái phiếu kho bạc tăng làm giảm nhu cầu kim loại quý. Đóng cửa phiên, vàng giao tháng 6 mất 0,6% còn 1.649,7 USD/ounce. Trong tháng này, giá đã giảm 1,3%.
Giá bạc giao tháng 5 cũng giảm khi để mất 1,7 cent còn 31,373 USD/ounce.
Giá đồng trong khi đó rơi xuống mức thấp nhất trong vòng 3 tháng qua khi các dấu hiệu ngày càng nhiều về khủng hoảng nợ công châu Âu đang tồi tệ hơn, nhấn chìm hy vọng nhu cầu.
Trên sàn LME ở London, giá đồng giao sau 3 tháng còn 7.984,5 USD/tấn, tức 3,62 USD/lb. Giá các kim loại cơ bản khác như niken, thiếc và nhôm cũng giảm. Chì và kẽm trong khi đó tăng nhẹ.
Các mặt hàng nông sản giảm đồng loạt. Giá ngô giảm xuống mức thấp nhất trong tháng này, còn đậu tương có ngày sụt mạnh nhất trong 1 tháng khi đầu cơ rằng thời tiết thuận lợi sẽ đẩy tăng sản lượng ở Mỹ – nước trồng và xuất khẩu ngô, đậu tương lớn nhất thế giới.
Đóng cửa phiên, giá ngô giao tháng 7 mất 1,2% còn 6,1325 USD/bushel, đậu tương cùng kỳ hạn giảm 1,1% xuống 14,2425 USD/bushel.
Giá lúa mì cũng giảm, nối liền hai phiên mất giá mạnh nhất trong tháng này khi có tin mưa ở Trung Tây nước Mỹ đang tạo điều kiện thuận lợi cho cây trồng. Cuối phiên, giá lúa mì giao tháng 7 còn 6,2125 USD/bushel, sau khi để mất 1,4% so với phiên trước đó.
Giá bông rơi xuống mức thấp nhất kể từ tháng 12 năm ngoái khi mà nhu cầu từ Trung Quốc dự kiến sẽ giảm do kinh tế tăng turwongr chậm lại. Cuối phiên, bông giao tháng 7 còn 87,25 cent/lb.
Giá đường rớt mạnh xuống thấp nhất 10 tháng sau khi để mất 2,2% còn 22,31 cent/lb. Ấn Độ vừa cho phép các công ty trong nước xuất khẩu một lượng đường lớn ra thị trường, giữa lúc Braxin có triển vọng vụ mùa bội thu.
Cà phê arabica mất 2,4% xuống còn 1,7585 USD/lb - sát mức thấp 18 tháng là 1,74 USD/lb thiết lập trong tháng này - do đồng USD mạnh và hoạt động chuyển kỳ hạn của nhà đầu tư. Các hợp đồng trao tay trong tuần này đều duy trì mức cao gấp đôi so với bình quân 1 tháng qua. Nhà đầu cơ tiếp tục đặt cược giá cà phê sẽ giảm.
Giá thịt cũng giảm và có 2 ngày giảm sâu nhất kể từ tháng 5 năm ngoái do nhu cầu thịt bò Mỹ giảm sút. Chốt phiên, giá thịt giao tháng 6 hạ 1,7% còn 88,725 cent/lb. Kể từ ngày 12/4 tới nay, giá đã giảm 4,8%.
Tác động lên giá của các mặt hàng phiên qua hầu hết có nguyên do từ đồng USD mạnh lên sau khi lợi suất trái phiếu chính phủ Tây Ban Nha lên trên 6% lần đầu tiên kể từ tháng 12 năm ngoái, làm tăng mối lo nợ công. Cũng với mức 6% lợi tức, Ireland, Bồ Đào nha và Hy Lạp đã phải cần đến viện trợ nước ngoài để trả nợ. USD còn tăng giá nhờ báo cáo hoạt động bán lẻ tháng 3 của Mỹ tăng tốt hơn 3 lần so với dự báo, làm cho khả năng có một chương trình kích thích kinh tế ngày càng mờ nhạt.
Một đồng USD mạnh thường làm cho giá hàng hóa sụt giảm vì nó sẽ trở nên đắt đỏ hơn với những nhà đầu tư nắm giữ các ngoại tệ khác.
Nguyễn Hằng