Tái cấu trúc: Xu hướng hay tự vệ sống còn?

Ngày đăng : 05/12/2011 - 9:20 AM

Sau nhiều năm hoạt động, việc nhìn lại mình để có chiến thuật đúng cho những năm tới là điều nên làm không chỉ với những doanh nghiệp thua lỗ mà với cả những doanh nghiệp có ROA ngày càng thấp đi.
 

                         

 

Những tháng gần đây, câu chuyện tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, tái cấu trúc nền kinh tế, tái cấu trúc nguồn vốn...được nhắc đến thường xuyên. Câu chuyện tái cấu trúc của các doanh nghiệp niêm yết-dù chưa thành xu hướng-cũng đã trở thành chủ đề được nhiều nhà đầu tư quan tâm.

Xem lại tỷ lệ lợi nhuận ròng được sinh ra từ tài sản (ROA) của các doanh nghiệp niêm yết không khiến nhiều nhà đầu tư giật mình. Những doanh nghiệp lỗ trong những năm qua có tỷ lệ ROA âm là điều dễ thấy nhưng đến gần 240/317 doanh nghiệp trên HoSE và hơn 335/404 doanh nghiệp trên HNX có ROA nhỏ hơn 10% - nhỏ hơn nhiều so với lãi suất gửi tiết kiệm ngân hàng kỳ hạn 1 năm thì là con số mà nhiều doanh nghiệp cần xem lại. Hơn bao giờ hết, trong bối cảnh đói vốn hiện nay, vấn đề chất lượng tài sản càng nên được doanh nghiệp đặt lên đầu.

Tự vệ sống còn, SHC-một doanh nghiệp đã lỗ 2 năm liên tiếp-lên kế hoạch tái cơ cấu công ty. Không chỉ thanh lý một số tài sản không sinh lời để trả nợ vay ngân hàng nhằm cân bằng lại cơ cấu vốn và giảm áp lực tài chính mà SHC còn tìm đối tác chiến lược là ông Nguyễn Xuân Phú - Chủ tịch Công ty Cổ phần Tập đoàn Sunhouse chào bán 1,2 triệu cổ phần tăng vốn. Câu hỏi đặt ra là: Nếu không tái thiết, SHC còn trụ được? Vốn đầu tư chủ sở hữu của SHC là 37,1 tỷ đồng nhưng 2 năm liên tiếp 2009-2010 thua lỗ còn 9 tháng đầu năm lãi không đáng kể, Nguồn Vốn chủ sở hữu cuối quý III/2011 của SHC chỉ còn 6,08 tỷ đồng. Nợ phải trả cuối quý III/2011 là 36,06 tỷ đồng, chiếm 85,55% tổng nguồn vốn. Vay nợ ngân hàng ngắn và dài hạn hơn 13 tỷ đồng. Với khoản nợ này, hàng năm công ty cũng phải trả lãi trên dưới 3 tỷ đồng. Nếu không nhanh chóng tái cơ cấu, câu chuyện âm vốn chủ sở hữu là tương lai có thể đoán định được với SHC.

TLC lỗ 30,41 tỷ đồng năm 2010 và 9 tháng đầu năm 2011 cũng không cải thiện khi lỗ ròng 31,34 tỷ đồng. Thặng dư vốn và các nguồn tích lũy từ trước không đủ bù đắp lỗ chưa phân phối nên lỗ đã bắt đầu ăn dần vào vốn đầu tư của chủ sở hữu. Tuy chưa đến mức như VTA bị âm vốn chủ sở hữu hay SHC chỉ còn 1/6 vốn đầu tư ban đầu nhưng việc vốn chủ sở hữu bắt đầu bị lỗ bắt đầu ăn mòn thì việc tái cơ cấu được tính đến là điều hợp lý. TLC lên kế hoạch tái cấu trúc toàn diện nhân sự, thanh lý hết các tài sản không sinh lời với mục tiêu giảm giá trị tài sản không sinh lời về 0. Điều này, theo chủ quan của người viết, là một chiến lược đúng đắn. Tái cơ cấu để có chất lượng tài sản tốt hơn là điều nên làm.

Các doanh nghiệp vận tải biển sau nhiều năm làm ăn không tốt đã thi nhau lên kế hoạch tái thiết đôi tàu nói riêng và tái cơ cấu tài sản nói chung. Những thông tin bán tàu liên tục được VOS, VFR, VNA... đưa ra. Bán được tàu, một điều dễ hiểu, doanh nghiệp sẽ có nguồn để trả những khoản nợ vay lớn đang đè nặng lên vai do hoạt động đầu tư mua tàu những năm trước đây. Một khi gánh nặng này bớt đi chi phí tài chính bấy lâu nay là nguyên nhân khiến ngành vận tải biến bị lỗ sẽ giảm bớt và doanh nghiệp sẽ đủ nguồn tiền lưu động cho hoạt động kinh doanh của mình.

Tuy không có phương án rõ ràng nhưng SBS những tháng gần đây cũng sôi sục hoạt động tái cơ cấu. Bản giải trình của công ty cho biết thông tin tái cơ cấu có thể là 1 phần nguyên do khiến giá cổ phiếu giảm. Trong hơn 1 tháng, SBS thôi nhiệm 3 nhân sự cấp cao, đóng cửa chi nhánh Sài Gòn...là minh chứng cho sự tái cấu trúc âm thầm mà doanh nghiệp này đang làm.

‘Vác nhẹ sẽ đi nhanh hơn’. Việc tái cấu trúc bằng cắt giảm một phần nhân sự sẽ giúp doanh nghiệp giảm đáng kể chi phí; bán phần tài sản không sinh lãi sẽ giúp chất lượng tài sản tốt hơn và dòng tiền lưu động tốt hơn. Sau nhiều năm hoạt động, việc nhìn lại mình để có chiến thuật đúng cho những năm tới-theo chủ quan của người viết- là điều nên làm không chỉ với những doanh nghiệp thua lỗ mà với cả những doanh nghiệp có mức sinh lãi trên tài sản (ROA) ngày càng thấp đi.

 

Hải An

Theo TTVN
 

Họ tên :

Email :

Nội dung :

Tin cùng chủ đề

Số phận của khu vực đồng tiền chung châu Âu có thể được định đoạt trong tuần này

Ngày đăng : 05/12/2011 - 9:11 AM

Nếu 27 nước thuộc Liên minh châu Âu không thể thống nhất về biện pháp nào mới thật mạnh tay, có thể xảy ra hàng loạt cuộc bán tháo trái phiếu chính phủ khu vực đồng tiền chung châu Âu.

 


Tuần này, đồng euro bước vào một tuần vô cùng quan trọng khi lãnh đạo các nước thuộc Liên minh châu Âu, với sức ép từ phía Mỹ, cố gắng tìm đến sự đồng thuận về kế hoạch giải cứu để chấm dứt cuộc khủng hoảng nợ công đã khiến châu lục này khốn khổ suốt 2 năm.

Bất chấp sự lạc quan của thị trường về khả năng có một thỏa thuận để chấm dứt khủng hoảng nợ và đảm bảo sự tồn tại của đồng tiền chung, chưa thể nói trước về kết quả của cuộc họp thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo châu Âu vào ngày thứ Năm và thứ Sáu.

Ông Olli Rehn, cao ủy phụ trách vấn đề tiền tệ và kinh tế tại Liên minh châu Âu, nhận xét: “Trong tuần này, tương lai phục hồi của đồng euro và quá trình phục hồi kinh tế tại châu Âu cũng như việc làm tại châu lục này đang đối đầu với nhiều rủi ro. Như vậy, châu Âu cần đến một gói giải pháp mang tính quyết định hơn.”

Nếu mọi diễn biến tiếp theo đúng với kế hoạch của chính phủ Đức và Pháp, đến cuối ngày thứ Sáu, Liên minh châu Âu sẽ có một thỏa thuận tài khóa áp dụng cho 17 nước thuộc khu vực đồng tiền chung châu Âu.

Vào ngày thứ Năm, Ngân hàng Trung ương châu Âu có thể sẽ hạ lãi suất để ngăn suy thoái kinh tế và đưa ra các biện pháp để mang đến nguồn cung vốn dài hạn cho các ngân hàng châu Âu hiện đang khó khăn.

Ở thời điểm này, các Thủ tướng mới của Italy, Hy Lạp và Tây Ban Nha đã thể hiện cam kết thực thi biện pháp thắt chặt ngân sách và cải cách kinh tế để giải quyết vấn đề nợ và khôi phục niềm tin nhà đầu tư.

Trong tuần qua, thị trường tài chính thế giới tăng điểm nhờ việc kế hoạch tổng thể mà ECB đưa ra phát đi tín hiệu châu Âu sẽ tiếp tục hành động quyết liệt ngăn khủng hoảng.

Các nhà hoạch định chính sách kinh tế châu Âu sẵn sàng bảo vệ đồng USD và ngăn khủng hoảng thông qua sự hợp tác của các nước thuộc khu vực đồng tiền chung châu Âu. ECB có thể đưa ra nhiều biện pháp để hỗ trợ cho trái phiếu chính phủ Italy và Tây Ban Nha.

Tuy nhiên nếu 27 nước thuộc Liên minh châu Âu không thể thống nhất hoặc đưa ra thêm được biện pháp nào mới thật mạnh tay, có thể xảy ra hàng loạt cuộc bán tháo trái phiếu chính phủ khu vực đồng tiền chung châu Âu, niềm tin đi xuống và khủng hoảng sẽ trở nên tồi tệ vào tháng 1/2011.

 

 

 

Minh Ngọc

Theo TTVN



 


Hạ lãi suất: Mấy phần trăm và thời điểm nào?

Ngày đăng : 04/12/2011 - 12:00 AM

Thời gian tới, người dân và các doanh nghiệp có thể chứng kiến những thay đổi về lãi suất - có tính ảnh hưởng bước ngoặt đối với nền kinh tế Việt Nam trong năm 2012 và có thể cả năm 2013.

 

 

Lửa và khói

Tục ngữ dân gian "Không có lửa làm sao có khói" lại được ứng nghiệm khi liên quan đến tin đồn về hạ lãi suất.

Lãi suất có vai trò gần giống như một dạng van tim trong hệ thống huyết mạch ngân hàng. Từ van tim đó, máu được lưu chuyển ra toàn bộ cơ thể - tác động đến nhận thức và hành vi của đại đa số chủ thể trong xã hội.

Ngày cuối cùng của tháng 11 vừa qua đã đánh dấu sự khởi phát của tin đồn trên. Chắc chắn sự đồn đoán này có liên quan đến những cơ sở khá chắc chắn, được cấu thành từ buổi trả lời chất vấn Quốc hội của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình và cả những tin tức... hành lang.

Nếu lạm phát tiếp tục dưới 1% thì sẽ có điều kiện để xem xét giảm lãi suất... Lời khẳng định ấy gần giống như một mệnh đề. Cho đến giờ, đã có thể kết luận là lạm phát năm nay đã lập đỉnh vào tháng 8. Còn từ tháng 8 đến nay, chỉ số CPI luôn nằm dưới mức 1%. Thậm chí trong hai tháng 10 và 11, chỉ số này còn không vượt quá 0,5%.

Tháng 12 cũng được dự báo khá khả quan về chỉ số giá tiêu dùng: 0,5-0,6%. Như vậy từ tháng 8 đến cuối năm, CPI chỉ tăng thêm khoảng 3-3,5%. Điều đó cũng có nghĩa là những khách hàng đã gửi tiền tiết kiệm vào ngân hàng theo lãi suất trần huy động 14% từ tháng 9 là không thể bị âm, còn khách hàng nào được gửi theo lãi suất thỏa thuận 19-20% vào trước tháng 9 thì đã lãi gần ngang ngửa với kênh đầu tư vàng.

Vậy đã đủ điều kiện cần để giảm lãi suất? Hay còn phải chờ đợi thêm yếu tố nào nữa?

Câu chuyện mà trên hết là khách hàng gửi tiền và kế sau là các nhà đầu tư cá nhân và doanh nghiệp đang hết sức quan tâm đang là khi nào khói sẽ biến thành lửa, cũng như "đống lửa" sẽ tỏa cháy với nhiệt lượng ra sao.

Tất nhiên một cơ quan trọng yếu và rất nhạy cảm như Ngân hàng nhà nước không thể chung sống với các loại tin đồn. Cũng bởi thế đã có sự khẳng định từ một cấp của cơ quan này về việc "Ngân hàng Nhà nước chưa có chủ trương hạ lãi suất vào lúc này".

Chi tiết đáng ghi nhận là phản hồi trên của Ngân hàng Nhà nước xuất hiện vào ngày 1/12, tức chỉ sau dư luận "khói lửa" đúng một ngày. Động thái phản hồi này - xét ra là khá nhanh chóng nếu so với lời cảnh báo cũng của Ngân hàng Nhà nước về nạn đầu cơ giá vàng khi vào tháng 9/2011, giá vàng trong nước bị đẩy lên cao đột ngột, chênh với giá thế giới đến 4-5 triệu đồng/lượng. Khi đó, lời cảnh báo của Ngân hàng Nhà nước đã chỉ xuất hiện sau khi giới đầu cơ kịp tiêu thụ một lượng vàng khổng lồ giá cao cho khối khách hàng cá nhân.

Nhưng mặc dù có phản hồi không chính thức từ phía cơ quan quản lý về việc chưa hạ lãi suất, rất nhiều thông tin từ cuộc họp báo của Văn phòng Chính phủ, diễn ra sau phiên họp thường kỳ của Chính phủ vào cuối tháng 11/2011, đã lại cho thấy sự khẳng định về hạ lãi suất còn xuất phát từ cấp cao hơn.

Chỉ có điều, và đây cũng là một chi tiết rất đáng lưu tâm, Văn phòng Chính phủ cho biết lãi suất hạ bao nhiêu và vào thời điểm nào là do Ngân hàng Nhà nước quyết định.

Vậy Ngân hàng Nhà nước sẽ giảm lãi suất mấy phần trăm và vào thời điểm nào?

Mấy phần trăm?

Có những phương án đã được các chuyên gia trong Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ chính phủ và Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia bàn thảo trước đây. Theo đó, mức lãi suất huy động có thể hạ dần: hoặc 13%, hoặc 12%, hoặc 11%, hoặc 10%.

Thậm chí, Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) từ tháng 9/2011 còn kiến nghị đưa mức lãi suất huy động về 10% ngay trong năm 2011.

Tuy nhiên, 10% có lẽ là một tỷ lệ không sát lắm với thực tế, khi vào tháng 9 chỉ số lạm phát mới bắt đầu giảm, còn trong tháng 12 chỉ số CPI lại đang có chiều hướng tăng nhẹ.

Vậy nên khoảng dao động từ 11-13% của lãi suất huy động sẽ mang tính hợp lý hơn.

Một tín hiệu cũng đáng theo dõi là từ đầu tháng 12/2011, Ngân hàng BIDV đã tiếp tục hạ lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp được ưu tiên. Mức hạ này là 2%.

Cách đây đúng 3 tháng, cũng BIDV đã trở thành ngân hàng đầu tiên hưởng ứng nhiệt tình chủ trương kéo giảm lãi suất cho vay của Ngân hàng nhà nước về vùng 17-19%, thậm chí BIDV còn khởi động lại cơ chế cho vay đối với những lĩnh vực quá nhạy cảm như chứng khoán và bất động sản.

Mức hạ 2% của BIDV vào đầu tháng 12 khiến những người quan tâm liên tưởng đến con số "chẵn" - cũng là một đặc thù trong tâm lý của người Việt Nam. Liệu có phải do ngẫu nhiên mà đa số kiến nghị của các chuyên gia và tổ chức đã tập trung vào tính "chẵn" hơn là "lẻ" của mức hạ lãi suất? Liệu có phải là vô tình khi những lời đồn đoán xuất hiện trong thời gian qua đều hướng về tỷ lệ hạ lãi suất 12% chứ không phải là một tỷ lệ nào khác?

Vì thế, và cùng với một số nguồn thông tin không chính thức, khả năng lãi suất huy động được kéo giảm ở mức 12% đang là phương án số một.

Thậm chí, không loại trừ một khả năng khác - đã từng được bàn thảo rôm rả từ giữa năm nay - sẽ được tiến hành: áp trần lãi suất cho vay.

Thời điểm nào?

Mặt khác, cũng cần lưu ý là BIDV, khi trở thành nhân vật tiên phong trong chiến dịch hạ lãi suất cho vay vào tháng 9/2011, đã xúc tiến chiến chiến dịch này ngay trước khi Ngân hàng Nhà nước ban hành chỉ thị 02 về tái thiết lập trần lãi suất huy động 14%.

Do đó, việc BIDV hạ lãi suất cho vay thêm 2% vào đầu tháng 12 hẳn phải tạo nên tính cảm nhận về thời điểm Ngân hàng nhà nước xúc tiến hạ lãi suất huy động dưới 14% sẽ diễn ra trong ít ngày tới của tháng 12/2011.

Tuy nhiên, cơ chế hạ lãi suất huy động lần này cũng lồng trong bối cảnh khác hơn nhiều so với thời điểm tháng 9/2011. Lần này, một số giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô chắc chắn sẽ được Chính phủ đưa ra, trong đó chủ yếu liên quan đến hai công cụ chính là giảm lãi suất và miễn giảm thuế thu nhập cá nhân.

Trong phiên họp thường kỳ tháng 11 vừa qua, Chính phủ đã nhắc lại một cụm từ làm gợi nhớ lại bối cảnh cuối năm 2008 - đầu năm 2009: ngăn chặn suy giảm kinh tế. Đồng thời, trên cơ sở kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012 đã được Quốc hội thông qua, Chính phủ sẽ ban hành một nghị quyết về nhiều vấn đề ổn định và phát triển kinh tế - xã hội cho năm tới.

Như vậy, cơ chế hạ lãi suất của Ngân hàng Nhà nước không phải sẽ được thực hiện một cách độc lập, mà gắn liền với nghị quyết sắp tới của Chính phủ.

Thông thường, nghị quyết dự kiến của Chính phủ được ban hành vào khoảng ngày 10 đầu tháng. Nếu mọi chuyện vẫn diễn ra theo đúng "quy luật" - sự vận động về thời điểm của những văn bản hành chính quan trọng tính từ năm 2008 đến nay, thời điểm mà Ngân hàng nhà nước quyết định hạ lãi suất sẽ xảy ra trước hoặc sau nghị quyết này vài ba ngày.

Tức trong khoảng thời gian từ ngày 7-15/12 năm nay, người dân và các doanh nghiệp có thể chứng kiến những thay đổi ở mức độ vừa phải nhưng có tính ảnh hưởng bước ngoặt đối với vận mạng nền kinh tế Việt Nam trong năm 2012 và có thể cả năm 2013.

 

Trường Sơn

 VEF


 


Trung Quốc góp sức làm dịu căng thẳng thanh khoản toàn cầu

Ngày đăng : 04/12/2011 - 12:00 AM

Số liệu thống kê sơ bộ cho thấy tháng 10 vừa qua là tháng đầu tiên kể từ năm 2008 xảy ra tình trạng dòng vốn chảy ra khỏi Trung Quốc.

 

                              

 

Khi các ngân hàng trung ương chủ chốt thế giới vội vã công bố các biện pháp nhằm làm dịu bớt sự căng thẳng trên các thị trường vốn toàn cầu, Trung Quốc cảm thấy không thể đứng ngoài cuộc và Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBoC) đã sớm có động thái nới lỏng chính sách tiền tệ tương tự như hồi tháng 10/2008 - đó là hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng thương mại lần đầu tiên trong gần 3 năm qua. Đối với Trung Quốc đây là cơ hội thể hiện vai trò tham gia ngày càng lớn của họ vào việc hoạch định chính sách toàn cầu và ổn định các thị trường quốc tế, từ đó thúc đẩy nền kinh tế Trung Quốc.

 

Theo nhà kinh tế độc lập Andy Xie, thời điểm Trung Quốc nới lỏng chính sách tiền tệ sớm hơn dự đoán và chính nỗ lực phối hợp của 6 ngân trung ương chủ chốt toàn cầu nhằm tăng khả thanh khoản cho các ngân hàng thương mại đã thôi thúc Trung Quốc có hành động nhanh như thế. Cuối cùng Trung Quốc phải hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng thương mại khi nền kinh tế tăng trưởng chậm lại, lạm phát dịu bớt và đáng lo ngại hơn là tình trạng chảy vốn tăng mạnh.

 

Trong đợt khảo sát mới đây của Reuters, các nhà kinh tế dự báo Trung Quốc sẽ có đợt hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc đầu tiên vào tháng 12 với mức cắt giảm khoảng 200 điểm cơ bản xuyên suốt năm 2012 từ mức đỉnh 21,5% hiện nay nhưng đợt cắt giảm bất ngờ hôm 30/11 đã điều chỉnh đáng kể dự báo đó.

 

Nhà kinh tế cao cấp Kevin Lai từ Daiwa Capital Markets tại Hồng Công dự đoán năm 2012 Trung Quốc sẽ cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc thêm 200 điểm cơ bản nhằm ngăn chặn nền kinh tế hạ cánh khó khăn hơn là thúc đẩy một đợt bùng nổ kinh tế nữa. Các nhà kinh tế từ HSBC dự đoán Trung Quốc sẽ giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc thêm 150 điểm cơ bản ngay trong nửa đầu năm tới.

 

Nhìn chung, việc nới lỏng tiền tệ trở nên cấp bách bởi lo ngại các thị trường cấp vốn toàn cầu đang cạn kiệt và các ngân hàng vướng vào cuộc khủng hoảng nợ công Eurozone vội vã bán tài sản và cắt giảm cho vay. Các thị trường tiền tệ đang bị thắt chặt như từng xảy ra trong vài tuần sau khi Ngân hàng Lehman Brothers sụp đổ năm 2008. Đối với Trung Quốc nguy cơ chảy vốn nhiều hơn có thể gây thêm căng thẳng trên các thị trường tín dụng vốn đã bị thắt chặt. Đó chính là lý do chính khiến Trung Quốc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc lần đầu tiên trong gần 3 năm qua.

 

Số liệu thống kê sơ bộ cho thấy tháng 10 vừa qua là tháng đầu tiên kể từ năm 2008 xảy ra tình trạng dòng vốn chảy ra khỏi Trung Quốc. Trung Quốc phải cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc nếu muốn giữ nguồn cung tiền ổn định khi tiền gửi tại ngân hàng giảm và thặng dư thương mại bị thu hẹp.

 

Lạm phát của Trung Quốc đã hạ xuống 5,5% vào tháng 10, từ mức đỉnh cao trong ba năm hồi tháng 7, nhưng lãi suất tiền gửi một năm chỉ ở mức 3,5%, tức là người gửi tiền thực nhận lãi suất âm. Do đó bất cứ động thái cắt giảm lãi suất nào cũng có thể làm gia tăng dòng tiền tiết kiệm chuyển hướng sang các sản phẩm tài sản sinh lợi cao hơn hoặc thậm chí là thị trường tín dụng đen mà nhà nước đang tìm cách kiểm soát.

 

PBoC đã 12 lần nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng thương mại trong giai đoạn 1/2010- 6/2011, đồng thời liên tục bơm tiền vào hệ thống ngân hàng cũng như lựa chọn cho vay đối với một số doanh nghiệp nhỏ khát vốn.

 

 

NDHmoney.vn

 


Môi trường kinh doanh Việt Nam rớt điểm

Ngày đăng : 04/12/2011 - 12:00 AM
Theo khảo sát, lĩnh vực bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, chống hàng giả xếp ở vị trí thấp điểm nhất.
 
Một lần nữa, môi trường kinh doanh tại Việt Nam lại được các chuyên gia, DN trong và ngoài nước lên tiếng báo động tại Diễn đàn DN Việt Nam diễn ra ngày 2/12. Kết quả điều tra cảm nhận môi trường kinh doanh năm 2011 do ban thư ký Diễn đàn DN Việt Nam thực hiện cho thấy số điểm năm nay chỉ đạt 2,04/4 điểm, thấp hơn nhiều so với số điểm 2,52 của năm ngoái và gần với mức 1,9 điểm năm 2008 (năm khủng hoảng tài chính toàn cầu).
 
Môi trường kinh doanh khá u ám
 
Qua khảo sát 240 DN trong nước và DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), chỉ có 26% số DN đánh giá môi trường kinh doanh của Việt Nam là tốt và rất tốt, bằng một nửa so với năm ngoái. Trong khi đó, 23,71% DN đánh giá môi trường kinh doanh kém (năm 2010 con số này chỉ 4,9%).
 
Đáng chú ý, trong 14 lĩnh vực được điều tra không có lĩnh vực nào đạt mức 3 điểm (thang điểm 4 cao nhất). Trong đó, lĩnh vực bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, chống hàng giả, hàng nhái xếp ở vị trí thấp điểm nhất và nằm trong tốp năm nhóm vấn đề ít được cải thiện nhất.
 
Nói về vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, ông Alain Cany, Chủ tịch Eurocham, cho rằng: “Việc thực thi kém hiệu quả về các quyền sở hữu trí tuệ khiến các DN nước ngoài phải kín đáo chuyển giao các quyền sở hữu trí tuệ có giá trị, chứ không giám chuyển giao công khai. Cũng chính điều này khiến cho các DN FDI e ngại về nạn bắt chước tại Việt Nam”.
 
Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (Amcham) Christopher Twomey cho rằng vấn đề cấp thiết đặt ra cho Việt Nam là cải tiến việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Thực thi hiệu quả bằng việc xử phạt nặng hành vi vi phạm sở hữu trí tuệ để không ai tái phạm.
 
Ngoài ra, khả năng tiếp cận ngoại tệ, tiếp cận đất đai, cơ sở hạ tầng và đáng chú ý là quản lý kinh tế vĩ mô sau nhiều năm liền có vị trí cao thì năm nay bị xếp vào nhóm ba lĩnh vực đáng lo ngại nhất của môi trường kinh.
 
DN đòi đơn giản thủ tục hơn nữa
 
Ông Trần Hữu Huỳnh, Trưởng ban Pháp chế VCCI, cho biết qua rà soát 16 luật về DN cho thấy có đến 206 quy định chưa đạt tiêu chí minh bạch, 243 quy định chưa hợp lý, 149 quy định chưa thống nhất và 85 quy định chưa đạt tiêu chí khả thi.
Cụ thể, trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật có những quy định không cần thiết hoặc thiếu minh bạch, thậm chí gây cản trở, gây khó khăn, thậm chí hạn chế quyền tự do kinh doanh của DN.
 
“Ví dụ như các quy định liên quan đến thủ tục đăng ký đầu tư, thẩm tra đầu tư, cấp giấy chứng nhận đầu tư còn trùng lắp… Đáng chú ý là một số quy định còn phân biệt đối xử, chưa đảm bảo công bằng giữa các thành phần kinh tế. Đề nghị Quốc hội xem xét đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các luật được rà soát. Trước mắt là sửa đổi các luật: Đất đai, Quản lý thuế, Đấu thầu…” - ông Huỳnh nói.
 
Các DN cũng đưa ra năm giải pháp khuyến nghị đến Chính phủ. Đó là tiếp tục cải thiện và đơn giản hóa thủ tục hành chính hơn nữa, cải thiện hệ thống thông tin, viễn thông và năng lượng, cải thiện hệ thống hạ tầng vận tải, giảm rào cản gia nhập thị trường và đối xử bình đẳng giữa DN trong nước và DN FDI. Riêng các DN FDI còn đề nghị nâng cao tính minh bạch và dễ dàng tiếp cận các văn bản luật, kế hoạch, số liệu thống kê…
 
Theo Gia Nguyên
PL TPHCM

“VN sẽ tìm được nguồn tài chính khác ngoài ODA”

Ngày đăng : 03/12/2011 - 12:00 AM

Việt Nam có thể tăng trưởng nhanh hơn mà không cần phải tích lũy nợ nhiều hơn nữa, nếu như Chính phủ có thể tái cơ cấu và cải cách nền kinh tế một cách cấp tiến và nhất quán.
"Không nên coi việc chuyển sang nước có thu nhập trung bình là bị yếu thế. Nếu Việt Nam có thể xác lập được vị thế của mình là nước có thu nhập trung bình vững chắc, có sự ổn định kinh tế vĩ mô tốt, khung chính sách chắc chắn, ổn định thì nguồn ODA giảm nhưng Việt Nam sẽ tìm được nhiều nguồn tài chính khác, kể cả từ khu vực tư nhân trong nước và quốc tế."

Đó là khẳng định của bà Sri Mulyani Indrawati, Tổng Giám đốc điều hành Ngân hàng Thế giới (WB) tại cuộc họp báo trưa 3/12 tại Hà Nội.

- Hiện kinh tế Mỹ và châu Âu đang gặp khó khăn, điều này tác động thế nào đến sự phát triển của Việt Nam thưa bà?


Bà Sri Mulyani Indrawat: Việt Nam chuyển từ nước có thu nhập thấp sang nước có thu nhập trung bình cận dưới, chủ yếu là nhờ thương mại, đặc biệt là đẩy mạnh xuất khẩu. Như vậy mức độ dễ bị tổn thương, dễ bị rủi ro của Việt Nam đối với môi trường kinh tế thế giới là rất rõ ràng.

Cho nên tác động từ châu Âu và Mỹ với Việt Nam là nhu cầu giảm đi, trong khi đây là hai điểm đến lớn nhất của các sản phẩm từ Việt Nam. Thứ hai là ảnh hưởng tới tài chính và tài chính thương mại. Vì vậy Việt Nam cần phải lường trước những khó khăn đó và phải rất cẩn trọng về các tác động này, đồng thời cẩn trọng với tình hình suy thoái kinh tế thế giới.

- Với tình hình lạm phát cao hiện nay của Việt Nam (hơn 20%), bà có cho rằng mục tiêu lạm phát một con số trong năm sau là khả thi?

Bà Sri Mulyani Indrawat: Tôi cho rằng với tham vọng đã công bố, Chính phủ Việt Nam phải rất nhất quán và theo cách một cách chắc chắn, để làm sao giảm nhu cầu mà có thể khiến lạm phát bùng phát trở lại hoặc tăng lên trong năm sau.

Lạm phát của Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng do giá nhiên liệu và thực phẩm, vì vậy Việt Nam phải có kỳ vọng hết sức thực tế. Đồng thời Chính phủ phải đảm bảo khả năng của hệ thống tài chính để cung cấp tín dụng, quản lý chặt chẽ nhằm tránh tiêu cực đến chính sách ổn định.

Chúng ta cũng phải đảm bảo khả năng tài chính của hệ thống ngân hàng phải đảm bảo để cung cấp tín dụng và phải quản lýchặt chẽ để tránh được những tác động tiêu cực. Việc chúng ta quản lý tăng trưởng với chất lượng cao hơn, không làm ảnh hưởng tới đà duy trì của lạm phát thì phải đổi mới về mặt cơ cấu chứ không phải làmởrộng tín dụng.

WB cho rằng Việt Nam cần học hỏi các bài học kinh nghiệm của các nước khác, và đảm bảo các chủ thể trong nền kinh tế đều cảm thấy chính sách là nhất quán, mọi thứ nhịp nhàng và có thể kiềm chế được lạm phát.

- Việt Nam đang chuyển sang nước có thu nhập trung bình, vậy mức hỗ trợ tài chính của WB sẽ thay đổi như thể nào? Việc giảm đồng vốn ODA có gây áp lực cho đồng tiền Việt Nam hay không?

Bà Sri Mulyani Indrawat: Thực tế ở nhiều nước có thu nhập trung bình, họ có thể thu hút các nguồn tài chính mà không phụ thuộc hoàn toàn vào ODA. Không nên coi việc chuyển sang nước có thu nhập trung bình là bị yếu thế. Nếu Việt Nam có thể xác lập được vị thế của mình là nước có thu nhập trung bình vững chắc, có sự ổn định kinh tế vĩ mô tốt, khung chính sách chắc chắn, ổn định thì nguồn ODA giảm nhưng Việt Nam sẽ tìm được nhiều nguồn tài chính khác, kể cả từ khu vực tư nhân trong nước và quốc tế.

Như vậy trong lĩnh vực này thách thức của Việt Nam không phải làphụthuộc vào ODA mà quan trọng là chúng ta phải tăng cường được kinh tế vĩ mô và khung chính sách đảm bảo là chúng ta có được tiến bộ thực sự trong đổi mới về mặt cơ cấu và cái đó sẽ tạo ra niềm tin cho mọi người.

Việc Việt Nam chuyển sang nước có mức thu nhập trung bình thì có thể giúp các bên có thể tự tin hơn và thu hút được nguồn tài chính. Như vậy cái này không phải là một thách thức quá lớn trong việc giảm ODA, nếu Chính phủ tiếp tục nhất quán, đưa ra những chính sách chắc chắn và có những chương trình đổi mới hiệu quả thì sẽ không có vấn đề gì.

- Hiện nay tỷ lệ nợ công năm 2011 của Việt Nam vào khoảng trên 54% GDP và trong thời gian qua tỷ lệ nợ công của Việt Nam liên tục tăng cao. Vậy WB có lo ngại gì về tỷ lệ nợ công này hay không và theo đánh giá của bà tỷ lệ nợ công của Việt Nam nên dừng ở mức bao nhiêu GDP là vừa để không rơi vào tình trạng vỡ nợ như một số nước châu Âu đang gặp phải?

Bà Sri Mulyani Indrawat: Hiện nay chúng ta thấy tỷ lệ nợ càng cao thì Chính phủ càng phải quản lý nền kinh tế một cách cẩn trọng hơn. Việt Nam có thể tăng trưởng nhanh hơn mà không cần phải tích lũy nợ nhiều hơn nữa, nếu như Chính phủ có thể tái cơ cấu và cải cách nền kinh tế một cách cấp tiến và nhất quán.

Việt Nam có thể vẫn duy trì được mức tăng trưởng 6% hoặc hơn thế nếu như Việt Nam thực sự nhất quán trong việc đổi mới cải cách các doanh nghiệp Nhà nước, nâng cao hiệu suất nền kinh tế, giảm quan liêu, thủ tục rườm rà và đồng thời nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực.

Như vậy, vấn đề ở đây là làm sao chúng ta có thể cải thiện và duy trì được chất lượng tăng trưởng. Đây không phải là chúng ta vay thêm nợ, tỷ lệ nợ có thể giảm được một cách dần dần, nhiều nước trên thế giới họ cũng có kinh nghiệm giảm nợ công dần dần. Nếu chúng ta có được nền kinh tế bền vững và lành mạnh thì đây chính là thách thức cho Việt Nam trong thời điểm này.

Bên cạnh đó, chúng tôi hoàn toàn ủng hộ Chính phủ Việt Nam ưu tiên trong tái cơ cấu các doanh nghiệp Nhà nước và để có cơ chế thị trường vững chắc. Ưu tiên của WB là giúp khả năng cạnh tranh của Việt Nam thông qua đổi mới và thông qua chất lượng nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng, đây là những lĩnh vực mà WB đang thúc đẩy và hỗ trợ cho Chính phủ Việt Nam.

Theo Minh Thúy

Vietnam+


 

Tin mới cập nhật