Ngày đăng :
25/06/2012 - 6:16 PM
Chủ tịch Hiệp hội cao su Indonesia (Gapkindo) đã kêu gọi chính phủ nước này hợp tác ngăn chặn đà giảm giá cao su hiện nay với Malaysia và Thái Lan.
Theo Gapkindo, 3 nước sản xuất cao sự tự nhiên hàng đầu thế giới, chiếm tới 70% sản lượng toàn cầu là Indonesia, Malaysia và Thái Lan có thể thỏa thuận cùng thực hiện một số biện pháp để bình ổn giá cao su.
Chủ tịch Gapkindo cho rằng Indonesia, Malaysia và Thái Lan nên thiết lập một mức giá tối thiểu phù hợp đối với cả bên mua lẫn bên bán là 4 USD/kg. Ngoài ra, các bên có thể áp dụng những biện pháp khác như hạn chế xuất khẩu, lập kế hoạch quản lý nguồn cung, hay thống nhất về hạn ngạch xuất khẩu.
Mới đây, Bộ trưởng Thương mại Indonesia và Thứ trưởng Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan đã trao đổi về vấn đề này. Hai bên đã đồng ý sẽ thực hiện "các biện pháp thích hợp" để ngăn chặn đà xuống giá liên tục của cao su. Các quan chức nông nghiệp cấp cao Thái Lan cũng sẽ có cuộc gặp trao đổi tương tự với Bộ Trồng trọt và Hàng hóa Malaysia trong tuần này.
Gapkindo cảnh báo rằng nông dân có thể giảm khai thác mủ do giá cao su giảm mạnh, khiến sản lượng cao su của Indonesia sẽ giảm 9,7%, xuống 2,8 triệu tấn. Trong đó xuất khẩu chiếm 2,3 triệu tấn và 0,5 triệu tấn tiêu thụ nội địa, thấp hơn các mức dự báo 2,95 triệu tấn hồi đầu năm và 3 triệu tấn hồi tháng 2 của Hiệp hội.
Gapkindo cho biết, so với cùng kỳ năm 2011, sản lượng cao su quý I/2012 của Indonesia chỉ đạt 700.000 tấn, giảm 6%, trong đó xuất khẩu chiếm 564.320 tấn, giảm 10%, kéo theo giá trị xuất khẩu cũng giảm 34,94% xuống 1,98 tỷ USD. Trung Quốc hiện là khách mua cao su tự nhiên lớn thứ hai của Indonesia, chủ yếu để sản xuất lốp xe, sau Mỹ, ở mức khoảng 409.377 tấn/năm.
Giá cao su kỳ hạn giao tháng 10/2012 đã giảm 5,1%, đóng cửa ở mức 231,7 yen/ kg (khoảng 2,89 USD/kg), mức thấp nhất kể từ ngày 11/11/2009, tại Sở Giao dịch hàng hóa Tokyo, do các mối lo ngại suy thoái kinh tế toàn cầu sẽ làm giảm nhu cầu. Như vậy, trong quý II/2012 giá cao su kỳ hạn đã giảm tổng cộng 29%, mức giảm lớn nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Theo Vietnam+
|
Ngày đăng :
20/06/2012 - 8:53 AM
Hoạt động chốt lời của nhà đầu tư sau khi vàng đã tăng 3% trong 7 phiên trước cộng với sự dè dặt tham gia của nhiều người trước thềm phiên họp của FOMC khiến giá không thể tăng.
Giá vàng giảm trong phiên giao dịch ngày 19/6 bởi nhà đầu tư còn dè dặt trước thềm phiên họp chính sách của Ủy ban thị trường mở của Fed (FOMC).
Trước phiên này, vàng có 7 phiên tăng liên tiếp bởi nhu cầu trú ẩn an toàn trước các dấu hiệu ngày càng xấu của nợ công châu Âu. Tây Ban Nha ngày 19/6 đã phải trả mức giá cao kỷ lục cho việc bán các khoản nợ ngắn hạn, cho thấy vấn đề nơi đây thực sự nghiêm trọng hơn Hy Lạp.
Hoạt động chốt lời diễn ra sau khi giá đã tăng 3% trong những ngày qua cũng góp phần làm cho giá giảm.
Đóng cửa phiên 19/6, giá vàng giao ngay đứng ở 1.617,9 USD/ounce, giảm 0,7% so với phiên liền trước, vàng giao tháng 8 giảm 3,8 USD xuống 1.623,2 USD/ounce.
Khối lượng giao dịch phiên qua tiếp tục mỏng, chỉ bằng 60% so với bình quân 30 ngày.
Trong ngày hôm nay 20/6, Fed sẽ kết thúc phiên họp 2 ngày, với kỳ vọng sẽ có biện pháp hỗ trợ tăng trưởng. Adrian Day, chủ tịch quỹ Day Asset Management, cho biết dữ liệu việc làm đầu tháng này đã làm tăng niềm tin cho thị trường rằng Fed sẽ tung ra chương trình nới lỏng định lượng lần 3 (QE3). Các chuyên gia kinh tế tuy nhiên cho rằng Fed sẽ kéo dài chương trình hoán đổi trái phiếu nhằm giảm chi phí cho vay trong dài hạn, thay vì đưa ra QE3.
Giá vàng giảm sau khi tăng 7 phiên liên tiếp (nguồn: kitco)
Nguyễn Hằng
Theo TTVN/Reuters
|
Ngày đăng :
18/06/2012 - 3:41 PM
Tháng 5/2012, lượng thép xuất khẩu của cả nước đã đạt mức 500 ngàn tấn, tăng đến 46% so với tháng trước. Đây là giải pháp tình thế để các DN ngành Thép giải quyết lượng hàng tồn kho.
Thị trường bất động sản đóng băng kéo dài đã khiến các lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng ngưng trệ theo với lượng tồn đọng sản phẩm khá lớn. Theo thông tin từ ông Đỗ Duy Thái, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, sản lượng thép xây dựng sản xuất trong tháng 5 vừa qua chỉ đạt 410 ngàn tấn, tiếp tục giảm 50 ngàn tấn so với tháng trước.
Đến cuối tháng 5, lượng thép thành phẩm tồn kho cũng đã lên tới con số 320 ngàn tấn, tăng thêm 65 ngàn tấn so với tháng trước đó. Tình trạng này khiến nhiều nhà máy thép gặp khó khăn, chỉ chạy cầm chừng ở mức 50 – 60% công suất. Chưa hết, giá nguyên vật liệu, điện, xăng dầu… đều tăng cao đã đẩy chi phí sản xuất tăng, buộc các doanh nghiệp (DN) ngành thép phải giữ giá thành phẩm ở mức cao.
Sau nhiều tháng giữ ổn định, một số nhà sản xuất thép ở phía Bắc đã tăng giá bán thêm 100 ngàn đồng/tấn. Với sản phẩm thép tròn cuộn, giá bán ở khu vực phía Bắc cũng tăng 50-100 ngàn đồng/tấn và thép cây thông dụng tăng 50-200 ngàn đồng/tấn. Để giữ giá thép, nhiều nhà sản xuất đã thực hiện giảm phần chiết khấu bán hàng của đại lý. Tiêu thụ thép trong nước giảm mạnh, các DN cũng đã tìm hướng đẩy mạnh xuất khẩu.
Ông Thái cho biết, tháng 5 vừa qua lượng thép xuất khẩu của cả nước đã đạt mức 500 ngàn tấn, tăng đến 46% so với tháng trước. Mặc dù lợi nhuận của việc xuất khẩu thép vào thời điểm này rất thấp, nhưng đây là giải pháp tình thế để các DN ngành Thép giải quyết lượng hàng tồn kho
Theo ANTĐ
|
Ngày đăng :
15/06/2012 - 2:37 PM
Giá dầu thô tăng mạnh trong phiên giao dịch ngày 14/6 vì đầu cơ rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ sớm nới lỏng chính sách tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Bộ Lao động Mỹ hôm qua công bố báo cáo số đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần bất ngờ tăng 6.000 đơn lên 386.000 đơn và vượt xa dự báo 375.000 đơn của giới phân tích. Một báo cáo khác cho thấy chi phí cuộc sống của người dân trong tháng 5 thấp nhất 3 năm. Các thông tin này đến cùng lúc đã củng cố niềm tin Fed sẽ sớm thông qua gói kích thích kinh tế mới, có thể là ngay trong phiên họp chính sách vào tuần tới.
Chốt phiên 14/6, giá dầu WTI giao tháng 7 trên sàn Nymex tăng 1,29 USD, tức 1,6% - mức tăng mạnh nhất kể từ ngày 11/4 – lên 83,9 USD/thùng.
Giá dầu Brent giao tháng 8 trên sàn ICE trong khi đó tăng 0,5% lên 97,17 USD/thùng.
Ở phiên họp bán niên về hạn ngạch sản xuất của OPEC cùng ngày tại Áo, tổng thư ký OPEC ông Abdalla El-Badri cho biết hiện các nước trong khối sản xuất nhiều hơn 1,6 triệu thùng/ngày so với hạn ngạch 30 triệu thùng/ngày và có thể sẽ điều chỉnh cắt giảm sản xuất.
Dẫu vậy, cuộc họp kết thúc vào chiều muộn đã cho kết quả các thành viên sẽ giữ nguyên công suất vốn đã duy trì từ cuối năm 2008 tới nay.
Phương Thảo
Theo TTVN/Bloomberg
|
Ngày đăng :
14/06/2012 - 1:59 PM
Hầu hết các showroom tại Hà Nội đều vắng như chùa Bà Đanh. Một số chủ DN phải cho nhân viên tạm nghỉ việc vì không thể thanh toán tiền lương.
Từ đầu năm 2012 đến nay, lượng ô tô, xe máy bán ra giảm hẳn. Xe tồn nhiều trong các gara, showroom, nhà kho, bến bãi… Tình trạng ảm đạm trong thị trường dẫn đến ngân sách Nhà nước bị giảm sút nghiêm trọng, cuộc sống của công nhân, nhân viên trong ngành công nghiệp ô tô, xe máy còn non trẻ gặp không ít khó khăn. Nguyên nhân của tình trạng ô tô, xe máy ế ẩm không chỉ do phí và thuế…
Thị trường ô tô ảm đạm
Theo Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), thị trường ô tô đang rất khó khăn do sức mua ngày càng yếu. Tình trạng trên xuất phát từ nguyên nhân mức lệ phí trước bạ quá cao tại Hà Nội (20%) và TPHCM (15%). Bên cạnh đó, việc Bộ GTVT đề xuất thu phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân với mức giá "khủng khiếp" khiến bất cứ người dân nào cũng phải e dè, cân nhắc khi định mua ô tô. Đến thời điểm hiện tại, việc có thu phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân hay không vẫn đang bỏ ngỏ.
Ông Lâm Tăng Bình, GĐ Cty TM Nguyên Việt trên đường Lê Văn Lương kéo dài cho biết: "Giữa năm 2011, mỗi tháng Cty chúng tôi mua bán, trao đổi vài chục ô tô các loại. Từ đầu năm 2012, sức tiêu thụ giảm mạnh, giờ cả tháng bán được 1 - 2 xe là hạnh phúc rồi. Nhiều showroom còn không dám nhập xe, kể cả cũ và mới vì thị trường toàn người bán, người mua rất ít. Theo tính toán của tôi, giá ô tô hiện nay đã giảm hơn 10% so với cuối năm 2011 nhưng vẫn không bán được. Hiện chúng tôi chỉ dám mua về những loại xe thông dụng, chất lượng tốt, giá từ 500 - 600 triệu đồng đổ về để có tính thanh khoản cao. Có lẽ, đây là thời điểm tốt nhất để mua ô tô cũ vì giá đã xuống đáy".
Hầu hết các showroom tại Hà Nội đều vắng như chùa Bà Đanh. Một số chủ DN phải cho nhân viên tạm nghỉ việc vì không thể thanh toán tiền lương. Số khác cực chẳng đã cũng đóng cửa vì không chịu được "sức nóng" của khoản tiền thuê cửa hàng hàng chục triệu đồng mỗi tháng. Một nhân viên bán ô tô than thở: "Đã mấy tháng rồi nhiệm vụ của em là sáng mở cửa hàng, lau ô tô, tối đóng cửa hàng để mai lại bắt đầu như thế. Vì ô tô cũ ế quá nên ông chủ em không dám nhập, suốt ngày bỏ đi câu cá. Cách đây vài hôm mới bán được con Lexus RX 330 với giá hơn 800 triệu đồng. Con này cuối năm ngoái mua đúng 1 tỷ đồng".
Tình trạng xe máy không sáng sủa hơn
Ngó qua các HEAD, các cửa hàng bán xe máy trên đường Nguyễn Trãi, Giải Phóng, phố Nguyễn Lương Bằng, Khâm Thiên… nhiều người phải đặt câu hỏi: "Đâu rồi bộ mặt khinh khỉnh của những nhân viên bán xe Honda hơn một năm về trước?"...
Hiện, gió đã đổi chiều, khách hàng thực sự được coi là "thượng đế". Ngoài việc được chăm sóc, tư vấn kỹ lưỡng khi mua xe máy, khách hàng còn được giảm giá từ hãng, từ cửa hàng khi mua xe. Có thể thấy, trên thị trường hiện nay, hầu hết các loại xe máy bán ra đều dưới giá niêm yết. Ví dụ như: Honda PCX giá đề xuất là 59 triệu đồng, nhưng giá bán chỉ từ 53 - 54 triệu đồng/xe; xe Lead có giá 35,5 - 36,5 triệu đồng/xe tùy màu, nhưng giá bán thực tế hiện chỉ khoảng 34,5 - 35,5 triệu đồng/ xe; Vision, giá đề xuất từ 28,5 triệu đồng, nay chỉ bán từ 25,5 - 26,5 triệu đồng. Các loại xe của Yamaha như Luvias, Nouvo, Cuxi, Mio Classico… cũng giảm giá từ 1 - 3 triệu đồng/xe. Piaggio Việt Nam, chuyên các dòng xe thời trang cũng buộc phải giảm từ 1 - 3 triệu đồng/xe….
Nguyên nhân do đâu?
Tình trạng ô tô, xe máy ế ẩm là thực tế không thể phủ nhận. Tuy nhiên, nếu cho rằng nguyên nhân của tình trạng này chỉ xuất phát từ thuế và phí thì chưa thuyết phục. Bằng chứng là thuế và phí hiện tại chỉ "đánh" vào ô tô, xe máy mới, thu khi đi đăng ký chứ chưa "đánh" vào lượng xe cũ. Hơn nữa, vào thời điểm hiện tại, không chỉ ô tô, xe máy ế ẩm mà bất động sản và nhiều mặt hàng tiêu dùng không cấp thiết khác như thời trang, đồ nội thất gia đình, chi phí cho các chuyến đi du lịch cũng giảm mạnh…
Theo một số chuyên gia kinh tế, kinh tế Việt Nam đang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ việc thị trường bất động sản đóng băng. Hiện, một lượng tiền khổng lồ đang được "chôn" vào thị trường này. Nếu thị trường bất động sản được hâm nóng thì chắc chắn thị trường ô tô, xe máy cũng ấm dần. Tất nhiên, khi thị trường bất động sản chưa được cải thiện thì việc đưa mức thuế và phí ô tô, xe máy hiện tại về lại thời điểm trước 31-12-2011 là cần thiết để kích cầu tiêu dùng…
Theo M.Tuấn
PL&XH
|