Năm 2012, “bong bóng” vàng sẽ nổ?

Ngày đăng : 09/01/2012 - 9:50 AM
Tâm lý sợ “thua đau” hay “vuột” mất cơ hội kiếm lời luôn chi phối các quyết định mua vào, bán ra.
 
Năm 2011, giá vàng lên đến mức kỷ lục khi vượt qua ngưỡng 1.900 USD/ounce (ở Việt Nam là 49 triệu đồng/lượng) vào đầu tháng 9. Đến đầu tuần lễ cuối cùng của năm 2011, giá vàng xuống dưới ngưỡng 1.600 USD/ounce (chính xác là 1.592,30 USD).

Năm 2012, vàng sẽ xuống từ từ hay xuống không thắng, hoặc có thể lên trở lại?
 
Quả thật “thần vàng” chưa bao giờ chói lọi như hôm thứ hai 5/9/2011 khi giá lên đến tột đỉnh 1.921 USD/ounce, trước khi xuống chạm ngưỡng 1.900 USD sáng hôm sau (xem biểu đồ). So với ngưỡng 1.400 USD/ounce hồi đầu năm, giá vàng tăng trên 500 USD/ounce.
 
Tượng con bò vàng và nỗi sợ hãi
 
Bầu không khí nợ nần và chứng khoán cứ thua lỗ ở châu Âu cũng như việc quốc hội lưỡng đảng Mỹ cù cưa không thỏa thuận nâng trần nợ được với nhau đã khiến bậc tín nhiệm của nước Mỹ bị S&P hạ thấp. Thế là tờ giấy bạc xanh càng bị chối bỏ.
 
Ngày thứ hai 5/9 đó, vàng đã trở thành “con bò vàng” mà ngày xưa dân Do Thái từng đúc tượng thờ trên đường di tản trong sa mạc Sinai vì mất đức tin nơi Thượng đế và “người dẫn đường” là tiên tri Moise. Nó “đá văng” USD, đồng tiền được sử dụng nhiều nhất trong thương mại quốc tế, trên các thị trường hối đoái và là trữ tệ nhiều nhất trên thế giới.
 
Tại các thị trường chứng khoán châu Âu, thiên hạ rần rần “bỏ của chạy lấy người” trước việc nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel, người đang được xem là “cứu tinh” của khu vực đồng euro, bị lung lay sau một cuộc bỏ phiếu ở Đức. Khi “người cứu chuộc” (nợ) xính vính, toàn thể các “con nợ” còn biết bám víu vào đâu? Thế là giá vàng vốn đã tăng vọt như “có cánh” từ mấy tháng qua cứ thế mà “thăng thiên” trước những tin tức xấu của nền kinh tế Mỹ.
 
Khi niềm tin đã bị mất sẵn từ cuộc khủng hoảng lần thứ nhất năm 2008 ở Mỹ, nay với cuộc khủng hoảng công nợ cả ở Mỹ lẫn châu Âu thì bất cứ tin xấu nào ở bên này hay bên kia Đại Tây Dương, thậm chí một vài tiếng giày trận vang lên từ Iran, cũng khiến thiên hạ sợ hãi, chối bỏ tờ giấy bạc xanh, tìm đến bức tượng “con bò vàng”.
 
Thế nhưng, việc dư luận sợ hãi trước những biến cố là một lẽ và là một điều hết sức tự nhiên. Song việc các “bàn tay lông lá” giật dây sự sợ hãi lại là một lẽ khác. Giáo khoa thư khoa học truyền thông gọi đó là “appeal to fear”, gieo rắc sự sợ hãi, làm chao đảo tờ giấy bạc xanh, đẩy giá vàng lên.
 
Một khi sự sợ hãi bị kích động đến kỳ cùng sẽ làm nảy sinh một tâm lý khác mà giáo khoa thư gọi là “wagon-band”: người ta lời quá xá, tại sao mình không theo với, trong chiều này hay trong chiều kia, tùy hoàn cảnh? Hai tâm lý đó tạo thành điều gọi là “tâm lý bầy đàn”, như nhận định về thị trường vàng Việt Nam của thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
 
Những thông tin trái chiều
 
Nếu nhìn vào biểu đồ giá vàng năm 2011 sẽ thấy chỉ trong vòng chưa đầy một tháng, từ hạ tuần tháng 9 đến thượng tuần tháng 10/2011, giá vàng thế giới đã tuột những 300 USD/ounce, từ ngưỡng 1.900 USD xuống còn 1.600 USD/ounce. Và từ đó, giá vàng cũng có những lúc “vùng vẫy” lên ngưỡng 1.800 USD/ounce rồi xuống lại ngưỡng 1.600 USD/ounce. Liệu giá vàng có trụ lại được ở “phòng tuyến” này?
 
Trước lễ Giáng sinh, giá vàng đã xuống thấp hơn ngưỡng 1.600 USD/ounce, coi như “phòng tuyến” này đã bị thủng! Báo chí thi nhau đưa tin theo các bình luận quốc tế: thị trường vàng hướng tới quý giảm giá đầu tiên. Có tờ báo đưa tin theo nguồn tin nước ngoài: “Giá vàng có thể giảm dưới 1.500 USD/ounce trong ba tháng tới”. Ngược lại, cũng có tờ đăng tin trái chiều: “Giá vàng sẽ tăng hai chữ số trong năm 2012”.
 
Trong “rừng” tin đó, thái độ cần có là gì? Giáo sư báo chí Beth Lane, tác giả của “Đọc báo là gì? Tại sao người sử dụng báo chí cần biết đọc (báo)”, từng căn dặn phải tự đặt các câu hỏi sau khi đọc một tin, bài kinh tế: “Thông điệp này nhắm đến ai? Ai muốn nhắm đến ai và vì sao? Hướng đến cái gì? Cái “lưỡi câu” xúc cảm nào đang được sử dụng để độc giả chú ý? Ai “đẻ” ra bài báo này và vì mục đích gì? Ai được lợi, ai mất mát? Cái nhìn nào đang được đốc thúc? Cái nhìn nào đang bị che đậy?”.
 
Không riêng thị trường vàng mà thị trường chứng khoán, địa ốc... đều tồn tại trên những làn sóng tâm lý đó! Vấn đề là ai hưởng lợi khi những thông tin đó được đưa ra.
 
Tâm lý sợ “thua đau” hay “vuột” mất cơ hội kiếm lời luôn chi phối các quyết định mua vào, bán ra. Việc những cụm từ như “hôm qua, nhiều người đã ào ào đem vàng ra bán chốt lời” hay “rồng rắn xếp hàng mua vàng”, rồi “giá vàng trong nước vẫn còn cao hơn giá vàng thế giới” hoặc “giá vàng trong nước còn thấp hơn giá vàng thế giới” cứ được lặp lại hằng ngày... vô hình trung kích động sợ hãi thua lỗ hoặc ham muốn kiếm lời, thúc giục có bao nhiêu vàng đem bán ra cho kịp “chốt lời” hoặc ngược lại!
 
Kết luận của Beth Lane: “Biết đọc báo không phải là bạn biết tin tức gì, mà là... bạn đặt câu hỏi gì từ những tin tức đó” có thể là kim chỉ nam cho việc đọc tin tức về vàng, chứng khoán, địa ốc...
 
Từ cách nhìn đó có thể tạm ghi nhận hai luồng tin và dự báo. Trước hết là vàng sẽ tuột giá, “bong bóng” sẽ nổ sau 11 năm được thổi căng. Song cũng có dự báo trái chiều như của Bloomberg hôm 2/11/2011: “Các nhà dự báo chính xác nhất nói rằng vàng sẽ tăng trở lại và đạt kỷ lục mới vào tháng 3 (năm tới) do trì trệ tăng trưởng kinh tế và cuộc khủng hoảng nợ của châu Âu không được hóa giải. Giá vàng đặt mua trước tại New York tăng 14%, đạt 1.950 USD/ounce cho cuối quý 1 năm tới, căn cứ theo các dự báo của 8/10 nhà phân tích được Bloomberg theo dõi từ tám quý qua”.
 
Thế nhưng, độ chính xác của các dự báo này lại là một vấn đề, nếu thật sự theo dõi. Ngày 23/12/2011, Kitco loan: “Vàng có lẽ sẽ có thể được bán trong khoảng 1.600-1.650 USD/ounce trong tuần tới, tuần lễ cuối cùng của năm”. Song thực tế của tuần lễ sau lễ Giáng sinh hoàn toàn đính chính dự báo đó: vàng xuống dưới ngưỡng 1.600 USD ngay từ đầu tuần như đã nêu ở trên.
 
Chẳng thể trách Kitco được vì chỉ dự báo “có lẽ” và cho một tuần lễ mà thôi. Mà thị trường vàng hay tài chính “sống” được là những tăng giảm theo hình “răng cưa” ngắn hạn, thậm chí từng giây như trên thị trường chứng khoán, để thiên hạ tùy nghi “lướt sóng”, chứ cứ tăng hay giảm một đường thẳng lấy gì “ăn”, đóng cửa mất!
 
Trong bối cảnh của những thông tin trái chiều đó, việc theo dõi các đánh giá bối cảnh toàn cục của thị trường trong chiều sâu và dài hạn sẽ cho phép tự mình ước tính hơn. Trong số các phân tích bối cảnh dài hạn và chiều sâu đó, đánh giá của Frank Giustra trên tờ Vancouver Sun đáng lưu ý: “Số tiền mà châu Âu và Mỹ cần đến để giải cứu nợ vào khoảng 10.000 tỉ USD. Số tiền đó hoàn toàn không có, mà chỉ có thể được nặn ra bằng cách in tiền ồ ạt. Khi các ngân hàng trung ương in tiền và tăng cung tiền, đồng tiền mất giá”.
 
Luận cứ của Frank Giustra dựa trên tổng nợ của Mỹ và châu Âu để dự báo rằng các ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục in tiền và vàng sẽ tiếp tục lên giá. Con số 10.000 tỉ USD công nợ gộp là một con số có thể kiểm chứng được, nên đây có thể là một chi tiết tham khảo để tự trả lời câu hỏi: thế giới đã, sắp, sẽ ra khỏi cuộc khủng hoảng nợ công này chưa và vàng ở đâu trong đó?
 
Theo Hữu Nghị
Tuổi trẻ

Họ tên :

Email :

Nội dung :

Tin cùng chủ đề

Barclays Capital: Giá vàng sẽ đạt 2.200 USD/ounce trong năm nay

Ngày đăng : 06/01/2012 - 10:33 AM

Vàng tuy nhiên có thể tìm đáy tại 1.400 USD/ounce trước khi chinh phục mức đỉnh trên 2.000 USD/ounce.

 

 

Trong một báo cáo nghiên cứu thị trường gửi tới khách hàng ngày 5/1, các nhà phân tích của Barclays Capital cho biết giá vàng sẽ giao dịch ở mức cao 2.200 USD/ounce trong năm nay còn giá bạc là 45 USD/ounce.

Theo Barclays, vàng sẽ tìm đáy tại 1.400 USD/ounce và đạt bình quân 1.875 USD/ounce trong năm nay. Hồi cuối năm 2011, Barclays dự báo giá vàng đạt đỉnh 2.075 USD/ounce vào khoảng quý 2/2012.

Các nhà phân tích của ngân hàng đầu tư này cho rằng, sau khi lập đỉnh trong năm ngoái, giá vàng quay đầu đi xuống do đồng USD mạnh lên, hoạt động bán kỹ thuật và di chuyển theo các tài sản rủi ro. Nhưng năm nay, tình hình sẽ cải thiện hơn rất nhiều vào khoảng nửa cuối năm. “Đầu tiên là việc các NHTW sẽ tiếp tục mua vàng, sự xuất hiện thêm các khách hàng mới; tiếp đó là thị trường tài chính vẫn bất ổn, nợ công leo thang; và cuối cùng là nhu cầu đầu tư mạnh, tất cả sẽ cùng nhau đẩy tăng giá vàng”, Barclays viết.

Ngoài ra, trong dài hạn, vàng vẫn có động lực lớn đó là môi trường lãi suất thực âm và áp lực lạm phát khi các ngân hàng bơm tiền vào hệ thống để hỗ trợ tăng trưởng. Barclays tin tưởng giá vàng sẽ dễ dàng vượt mốc 2.000 USD/ounce.

Trong trường hợp giá sụt mạnh, Barclays cho rằng vàng sẽ chạm mức thấp 1.400 USD/ounce, nhưng sau đó lực mua vàng vật chất sẽ bùng nổ và chặn đứng đà giảm của kim loại quý này.

Với giá bạc, Barclays cho rằng kim loại quý này sẽ lên 45 USD/ounce là đỉnh cao của năm và thấp nhất sẽ là 22 USD/ounce. Giá sẽ đạt bình quân 32,5 USD/ounce trong cả năm. Giá sẽ yếu hơn trong nửa đầu năm.

Năm ngoái, giá bạc lên mức cao gần 50 USD/ounce, đắt nhất trong 31 năm vì nhu cầu đầu tư lẫn nhu cầu công nghiệp tăng mạnh. Năm nay, Barclays cho rằng mặt hàng này sẽ “dễ bị tổn thương” vì triển vọng không mấy lạc quan về kinh tế.

 

Theo Nguyễn Hằng

TTVN/Reuters


 


5 yếu tố ảnh hưởng lớn tới đầu tư hàng hóa trong năm 2012

Ngày đăng : 05/01/2012 - 9:18 PM
Năm 2011 khép lại đầy khó khăn, thị trường bước vào năm 2012 với nhiều hy vọng về một nền kinh tế toàn cầu sáng sủa hơn và đầu tư hiệu quả hơn.
 
 
Các nhà phân tích đã chỉ ra 5 yếu tố quan trọng có ảnh hưởng nhất tới thị trường trong năm nay.
 
1. Kinh tế châu Âu
 
Một trong những vẫn đề lớn nhất với kinh tế toàn cầu là vấn đề nợ công ở châu Âu. Dưới góc độ kinh tế vĩ mô, kết quả giải quyết nợ công sẽ có tác động lên nhiều thị trường, không ngoại trừ hàng hóa.
 
Năm ngoái, các nhà lãnh đạo khu vực dù đã gặp gỡ nhiều lần nhưng một biện pháp dứt điểm và mạnh tay vẫn chưa được đưa ra. Nhiều cuộc “đấu đá” nội bộ giữa các nhà lãnh đạo khu vực, với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và cả với NHTW châu Âu xảy ra đã làm xói mòn lòng tin của nhà đầu tư. Kết quả cuối cùng là trái phiếu chính phủ Hy Lạp, Italia, Pháp và Ý đồng loạt lên cao.
 
Bởi những biến động kể trên, nhiều mặt hàng gắn liền nhu cầu công nghiệp như đồng đã bị rơi tự do. Riêng vàng kết thúc năm với mức tăng 10% vì nhà đầu tư tìm kiếm nơi trú ẩn an toàn từ khủng hoảng.
 
2. Các thị trường đang nổi tăng trưởng chậm lại
 
Một trong những điểm sáng của kinh tế toàn cầu là sự tăng trưởng nhanh của các thị trường đang nổi. Trong năm 2011, Trung Quốc, Braxin, Ấn Độ đã giúp thế giới giảm thiệt hại do sự suy sụp của các nền kinh tế châu Âu.
 
Tuy nhiên năm 2012, có nguy cơ rằng những rắc rối ở châu Âu sẽ lớn hơn và bắt đầu tác động đến các nền kinh tế thị trường đang nổi. Nếu điều này xảy ra thì sẽ là rắc rối lớn với hàng hóa, đặc biệt các mặt hàng công nghiệp như đồng và thép.
 
3. Xung đột vũ trang với Iran
 
Một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với thị trường năm nay là sự bất ổn ở khu vực Trung Đông, nơi chiếm hơn 40% trữ lượng dầu của thế giới và là nơi có thể xảy ra đối đầu quân sự giữa Mỹ và các đồng minh trong khu vực với Iran.
 
Ở thời điểm hiện tại, căng thẳng giữa Iran và phương Tây đang ngày một leo thang. Iran đã nhiều lần tuyên bố sẽ đóng cửa eo biển chiến lược Hormuz trong khi Mỹ đã ký thành luật biện pháp trừng phạt với NHTW Iran nhằm làm việc thanh toán tiền bán dầu khó khăn hơn. Châu Âu hôm qua 4/1 cũng đã có dự luật cấm nhập khẩu dầu của Iran, có thể thông qua vào cuối tháng này.
 
Giới phân tích cho rằng, việc đóng cửa eo biển Horbuz của Iran bằng thủy lôi, không kích, hoặc hải quân nằm hoàn toàn trong năng lực quân sự của nước này. Cuộc xung đột vũ trang nếu xảy ra có thể đẩy giá dầu lên 200 USD/thùng, sau khi đã tăng 8% trong năm 201.
 
4. Các quy định mới
 
Một trong các yếu tố quan trọng khác ảnh hưởng tới thị trường nói chung và hàng hóa nói riêng là các quy định của các chính phủ, các sở giao dịch. Kể từ khủng hoảng năm 2008, chính phủ Mỹ đã quan tâm đến việc điều chỉnh các luật nhằm ngăn chặn một cuộc khủng hoảng tương tự, với sự ra đời của đạo luật Dodd-Frank.
 
Ở Mỹ, nơi hàng hóa được giao dịch trên sàn nhiều nhất thế giới, cả Ủy ban chứng khoán và hối đoái lẫn Ủy ban giao dịch hàng hóa tương lai (CFTC) đều đang tích cực điều chỉnh các quy định thị trường cho chặt chẽ hơn. CFTC quyết định tăng yêu cầu ký quỹ, giới thiệu các biện pháp cưỡng chế khác chẳng hạn như các nhà đầu tư tham gia giao dịch phải đăng ký thành viên để tăng tính minh bạch cho thị trường. Quyết định này được đưa ra sau vụ phá sản lịch sử của công ty môi giới MF Global để lại nhiều hậu quả khôn lường.
 
Nếu các quy định quá nghiêm ngặt, thị trường hàng hóa sẽ đối mặt với tính thanh khoản giảm và hàng hóa sẽ giảm giá.
 
5. Các chính sách của NHTW
 
Các NHTW ở châu Âu và Mỹ đóng vai trò quan trọng trong các cuộc khủng hoảng; họ sẽ đưa ra một loạt các biện pháp để cứu vãn tình hình. Một trong những công cụ chính sách thường được các ngân hàng chọn là tăng cung tiền. Nếu các NHTW tiếp tục in thêm tiền, đó là dấu hiệu lạc quan cho các mặt hàng, đặc biệt là vàng, bởi nhà đầu tư sẽ đổ xô mua hàng hóa như một công cụ chống lại lạm phát và sự mất giá của đồng tiền.
 
Ngoài ra, nếu các ngân hàng trung ương tiếp tục mua vàng, như đã thấy trong năm 2011, thì giá vàng sẽ còn tăng tiếp.
 
Theo Ngọc Toàn
TTVN/Commodity

 


Nhà đầu tư vàng rục rịch chốt lời

Ngày đăng : 04/01/2012 - 9:37 PM

Giá vàng trong nước có một ngày biến động thất thường, nhiều thời điểm “bỏ qua” diễn biến giá thế giới, khi nhiều người dân tranh thủ mức giá cao mang vàng đi bán.

 

 

Giá USD tự do đã “âm thầm” vượt qua mức 21.300 đồng, cao hơn mức cuối năm 2011 trên 100 đồng.

Lúc 16h15 chiều nay, vàng SJC tại Tp.HCM được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá ở mức 43,3 triệu đồng/lượng (mua vào) và 43,6 triệu đồng/lượng (bán ra). Tại Hà Nội cùng thời điểm, vàng SJC được Công ty Phú Quý giao dịch ở các mức giá tương ứng là 43,37 triệu đồng/lượng và 43,62 triệu đồng/lượng.

Các công ty kim hoàn hôm nay khá bận rộn với việc thay đổi bảng giá vàng niêm yết. Đến hơn 15h, Công ty Sacombank-SBJ đã thay đổi giá vàng 10 lần. Tuy nhiên, khác với những ngày trước khi giá vàng thể hiện rõ xu hướng tăng hay giảm, giá vàng hôm nay biến động không rõ xu hướng.

Đầu giờ sáng, giá vàng lên 43,9 triệu đồng/lượng, rồi giảm liên tục, chạm đáy trong ngày ở 43,4 triệu đồng/lượng. Sau đó, giá vàng tiếp tục lên xuống thất thường trong buổi chiều.

Theo giới kinh doanh vàng, ngoài diễn biến khá phức tạp của giá vàng quốc tế, giá vàng trong nước hôm nay còn chịu ảnh hưởng bởi sự chuyển biến của tương quan cung-cầu trong nước.

“Nhiều người dân đã mang vàng đi bán chốt lời. Họ là những người mua vàng ở các mức giá 42-43 triệu đồng/lượng cách đây chưa lâu. Lo giá vàng thế giới có thể giảm, họ nhanh tay hiện thực hóa lợi nhuận”, ông Nguyễn Công Tường, Phó phòng kinh doanh của SJC, nói.

Tuy nhiên, mua vào vẫn đang là xu hướng chính trên thị trường vàng miếng. Nếu so với mức giá kỷ lục trên 49 triệu đồng/lượng vàng cách đây vài tháng, thì mức giá vàng hiện nay được không ít người xem là hợp lý để mua vàng tích trữ.

Tính đến gần 16h chiều nay, Công ty SJC mua vào được khoảng 2.000 lượng vàng và bán ra trên 3.000 lượng. So với thời điểm cuối năm 2011 khi mỗi ngày SJC chỉ mua được vài trăm lượng vàng, có thể thấy,  lực bán vàng đã mạnh lên nhiều.

“Những lúc người dân bán ra mạnh thì vàng trong nước sẽ chịu áp lực giảm giá, cho dù giá vàng quốc tế vẫn tăng. Ngược lại, ở thời điểm người dân mua nhiều, giá vàng trong nước sẽ được đẩy lên nhanh hơn giá quốc tế”, ông Tường lý giải.

Mặc dù vậy, với sự tăng lên của lực cung, giá vàng trong nước hôm nay đã cải thiện được độ vênh với giá vàng quốc tế. Tính đến 16h30 chiều nay, giá vàng SJC bán lẻ cao hơn giá vàng quốc tế quy đổi khoảng 2,4 triệu đồng/lượng, giảm so với mức chênh 3 triệu đồng/lượng vào chiều qua.

Giá USD tự do tại Hà Nội cuối giờ chiều nay phổ biến ở mức 21.290 đồng (mua vào) và 21.310 đồng (bán ra), giá mua tăng 20 đồng, giá bán tăng 10 đồng so với buổi sáng. Cuối năm 2011, giá USD bán ra dừng ở mức 21.200 đồng. Ngoại tệ này đã tăng giá liên tục từ cuối tuần trước tới nay.

Sau phiên giảm đáng kể vào buổi sáng tại châu Á, giá vàng quốc tế tăng giá nhẹ trở lại trong phiên chiều tại châu Ấu. Lúc 16h35 giờ Việt Nam, vàng giao ngay có giá 1.606,4 USD/oz, cao hơn 1,8 USD/oz so với giá đóng cửa đêm qua tại New York.

Sau phiên tăng mạnh nhất của giá vàng trong vòng hơn 2 tháng qua diễn ra tại New York vào đêm qua, giới phân tích vẫn đang lên tiếng cảnh báo về rủi ro mất giá trở lại của kim loại quý này. Trên phương diện kỹ thuật, vàng đã để mất mốc bình quân 200 ngày - ngưỡng hỗ trợ của giá vàng suốt hơn 3 năm qua. Mức giá bình quân 200 ngày của vàng hiện là mức 1.630 USD/oz.

Nhà đầu tư lừng danh Jim Rogers cho rằng, vàng sẽ còn giảm giá sâu hơn, vì kim loại này đã tăng giá suốt 11 năm qua. “Theo quan điểm của tôi, giá vàng có thể giảm về 1.200-1.300 USD/oz… Giá vàng đã tăng 11 năm liên tục, một chuỗi tăng giá dài bất thường đối với bất kỳ tài sản tài chính nào. Bởi thế, đã đến lúc vàng cần điều chỉnh”, ông Rogers nói trên Reuters.

 

Theo Kiều Oanh

 VnEconomy


 


Giá vàng lao dốc xuống thấp nhất 3 tháng vì bán tháo

Ngày đăng : 29/12/2011 - 10:17 AM
Giá vàng rớt 36 USD/ounce khi nhà đầu tư đổ xô tìm đến đồng USD. Giới phân tích kỹ thuật lo lắng mô hình hai đỉnh có thể kéo vàng xuống 1.425 USD/ounce.
 
Giá vàng giảm xuống 1.553,89 USD/ounce do đồng Euro suy yếu và hoạt động bán tháo sau khi hàng hóa và chứng khoán đồng loạt lún sâu. Vàng như vậy giảm ngày thứ 3 liên tiếp và hướng tới năm tăng ít nhất trong 3 năm trở lại đây.
 
Phiên hôm qua, kim loại quý lún sâu hơn sau khi thị trường chứng khoán phố Wall suy yếu, với chỉ số S&P 500 xóa sạch mức tăng của năm. Đồng Euro trở về mức thấp nhất của 11 tháng so với USD vì mối lo nợ công. Hoạt động giao dịch yếu trong kỳ nghỉ lễ càng làm cho tình hình trở nên căng thẳng.
 
Giới phân tích kỹ thuật cho biết, mô hình giảm giá từ hai đỉnh đã thiết lập trong tháng 8 và tháng 9 có thể kéo vàng xuống sâu hơn nữa trong thời gian tới. “Khi có nhiều người nghĩ rằng vàng là nơi trú ẩn an toàn, họ đẩy mạnh mua vào, còn giờ đây kim loại quý mất đi vai trò, đồng USD sẽ được chọn”, theo Rick Bensignor, chiến lược gia thị trường của Merlin Securities.
 
Đóng cửa phiên 28/12, giá vàng giao ngay còn 1.556,3 USD/ounce, so với 1.592,2 USD/ounce của phiên trước đó. Giá vàng giao tháng 2 trên sàn Comex giảm 31,4 USD còn 1.564,1 USD/ounce. Trong phiên, có lúc giá xuống đến 1.553,89 USD, thấp nhất kể từ 26/9.
 
Giá vàng thế giới sụt mạnh trong phiên 28/12 (Nguồn: Kitco)
 
Đầu phiên, giá vàng chỉ giảm nhẹ sau thông tin lợi suất trái phiếu ngắn hạn của Italia giảm một nửa trong phiên đấu giá sau khi chính phủ nước này thông qua kế hoạch thắt lưng buộc bụng mới. Thị trường sau đó bắt đầu lo lắng về phiên đấu giá trái phiếu dài hạn ngày 29/12 của Rome và nguồn cung dồi dào từ các mỏ vàng thế giới.
 
Đồng tiền của Mỹ tăng 1% so với rổ tiền tệ là sức ép lớn hơn cả đối với mọi thị trường, khiến nhà đầu tư đổ xô tìm đến USD và trái phiếu kho bạc Mỹ. Jason Schenker, chủ tịch quỹ Prestige Economics LLC nhận xét “Đồng USD được chọn chủ yếu do một số mối quan tâm đến vấn đề địa chính trị đang căng thẳng trên thế giới”.
 
Bensignor cho rằng, đồ thị kỹ thuật hàng tuần cho thấy vàng đã chọc thủng mức hỗ trợ tăng giá duy trì suốt 3 năm qua. Giá có thể xuống 1.425 USD/ounce, là sự điều chỉnh giảm theo mô hình hai đỉnh, dựa trên sự điều chỉnh từ 1.920 USD/ounce của ngày 6/9 xuống 1.534 USD/ounce hôm 26/9.
 
Theo Nguyễn Hằng
TTVN/Reuters

Hoạt động thanh lý kéo giá vàng xuống 1.592 USD/ounce

Ngày đăng : 28/12/2011 - 10:15 AM
Giá vàng giảm trong bối cảnh giao dịch thưa thớt, kỹ thuật xấu và hoạt động thanh lý, trong khi thiếu các tin kinh tế hỗ trợ kìm hãm nhu cầu mua cuối năm.
 
Hoạt động bán thanh lý quyền chọn tháng 1 trên sàn Comex đã kìm hãm đà tăng giá dù rằng giá dầu thô, ngũ cốc tăng mạnh còn đồng USD yếu. Những thông tin tốt xấu đan xen về niềm tin tiêu dùng Mỹ và giá nhà đất đã giữ nhà đầu tư đứng ngoài quan sát hơn là thực hiện mua bán.
 
Đóng cửa phiên, giá vàng giao ngay còn 1.592,2 USD/ounce, kém 0,8% so với phiên trước đó. Giá vàng giao tháng 2 trên sàn Comex mất 10,5 USD còn 1.595,5 USD/ounce. Khối lượng giao dịch chỉ đạt chưa đến 50.000 lots (1 lots = 100 ounce)– một trong các phiên ít nhất của năm nay nhưng cũng không kém nhiều so với cùng thời điểm này năm ngoái.
 
Từ đầu tháng 12 tới nay, giá vàng giảm 9% và hiện vẫn chưa về mức hỗ trợ kỹ thuật là bình quân 200 ngày duy trì suốt gần 3 năm qua. Nhiều người e ngại, thập kỷ tăng giá liên tục của vàng đã chấm dứt.
 
George Gero, phó chủ tịch của RBC Capital Markets thì cho biết, một số thương nhân phiên qua đã thanh lý trạng thái trước khi quyền chọn tháng 1 hết hạn sau giờ đóng cửa ngày 27/12.
 
Giá vàng đi xuống liên tục trong những ngày cuối năm (nguồn: Kitco)
 
Giá vàng giảm còn do tác động bởi thông tin cơ quan chức năng Trung Quốc cấm mở thêm các sàn giao dịch vàng ngoài 2 sàn đang hoạt động tại Thượng Hải. Bắc Kinh cũng nâng tỷ lệ ký quỹ với vàng trong dịp nghỉ lễ này. Trung Quốc và Ấn Độ hiện là hai nước tiêu thụ vàng vật chất nhiều nhất thế giới.
 
Carlos Perez-Santalla, nhà môi giới kim loại quý của PVM futures nhận xét, nếu vàng đóng cửa trên mức bình quân 200 ngày là 1.628 USD/ounce mới có thể hồi phục. “Thị trường sẽ có những biến động kỳ lạ trong tuần này khi nhiều nhà quản lý tiền tệ đóng trạng thái, để lại thị trường với các thương nhân riêng lẻ và yếu tố kỹ thuật nhạy cảm”, ông nói.
 
Trong năm nay, giá vàng vẫn tăng 12%, là một trong số ít các tài sản sinh lời trong một năm kinh doanh vô cùng khó khăn trước khả năng Mỹ rơi vào suy thoái và khủng hoảng nợ công châu Âu.
 
Theo Nguyễn Hằng
 
TTVN/Reuters

 

Tin mới cập nhật