Món “nợ đồng lần” giữa các ngân hàng

Ngày đăng : 30/11/2011 - 12:00 AM

Sau thông tin 4 ngân hàng thương mại ở Tp.HCM dây dưa trả món nợ vay trị giá 1.475 tỷ đồng trên thị trường liên ngân hàng cho một ngân hàng ở Hà Nội, giải thích với VnEconomy, một số lãnh đạo ngân hàng ở Tp.HCM nói rằng: họ vay ngân hàng này, nhưng ngân hàng khác lại nợ họ không chịu trả, nên kẹt!

 

 

Hiện, một số chủ nợ và con nợ đang thương thảo giãn nợ và kiến nghị Ngân hàng Nhà nước nên tổ chức một “hội nghị giữa con nợ và chủ nợ”, tìm hướng giải quyết.

Kẹt vì… “nợ đồng lần”!


Tổng giám đốc ngân hàng S. có khoản nợ gần 400 tỷ đồng của ngân hàng nói trên nói: “Không riêng gì ngân hàng tôi lâm vào khó khăn này mà tình trạng “nợ đồng lần” đang diễn ra ở nhiều ngân hàng khác. Chủ trương của Ngân hàng Nhà nước là ưu tiên giải quyết các khoản nợ cho thị trường dân cư và tổ chức (thị trường 1), còn các khoản nợ trên thị trường liên ngân hàng giữa các tổ chức tín dụng với nhau (thị trường 2) đành phải gia hạn và đương nhiên, phải chấp nhận lãi phạt của chủ nợ”.

Trao đổi thêm với tổng giám đốc ngân hàng ĐT, hiện đang có khoản nợ 130 tỷ đồng, ông này cho biết: “Vay tới vay lui trên thị trường liên ngân hàng là hoạt động bình thường. Lý do chưa trả được nợ là vì ngân hàng khác vay tôi nhưng khựng lại chưa trả nên ngân hàng tôi bị kẹt! Tình trạng cân đối giữa nguồn và sử dụng nguồn của ngân hàng tôi vẫn tốt. Chỉ vài tuần tới, sẽ thanh toán khoản nợ 130 tỷ nói trên cho ngân hàng bạn”.

Qua tìm hiểu, tình trạng nợ nần không chỉ diễn ra ở khối cổ phần mà lan sang cả một vài ngân hàng thương mại nhà nước. Đại diện của VietinBank tiết lộ, ngân hàng này đang có một số khoản nợ quá hạn đã lâu ở một số ngân hàng thương mại cổ phần nhưng vẫn chưa được thanh toán.

Một chủ nợ khác cho biết, lấy lý do Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo cho các đơn vị yếu thanh khoản “ưu tiên giải quyết các khoản nợ cho thị trường 1” như nói trên, các con nợ đã khất lần. Ông nói: “Chúng tôi đến đòi, họ nói là Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo như thế, và mặc dù là có tiền nhưng không chịu trả!”.

Vậy, tại sao Ngân hàng Nhà nước lại phân biệt trật tự ưu tiên trả  nợ cho thị trường 1 mà không phải cho cả thị trường 2? Bà Vũ Thị Kim Cúc, Tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB) nói: “Chúng tôi có biết tình trạng khó khăn thanh khoản hiện nay ở một số ngân hàng. Việc Ngân hàng Nhà nước chủ trương ưu tiên như trên là bởi cơ cấu tiền gửi thị trường dân cư chiếm tỷ trọng rất lớn; còn tiền vay trên thị trường liên ngân hàng chỉ chiếm tỷ trọng thấp hơn”.

Tuy nhiên, tổng giám đốc một ngân hàng lại không đồng tình với chủ trương này. Ông cho rằng: “Đã khó khăn thanh khoản thì thị trường nào cũng đáng lo ngại như nhau. Bởi lẽ, ngân hàng A cho ngân hàng B vay tiền thì A cũng huy động ở thị trường 1. Nếu B không trả đúng hạn thì A sẽ không có tiền trả cho dân cư và lúc đó cũng gặp khó khăn thanh khoản. Trong kinh doanh ngân hàng làm gì có chuyện đồng nào mua mắm, đồng nào mua muối!”.

Từ thực tế này, động thái đầu tiên ở các ngân hàng, kể cả ngân hàng thương mại nhà nước là thắt chặt cho vay lẫn nhau và điều kiện đưa ra khi cho vay là phải có tài sản đảm bảo; đồng thời, kêu khó với Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, câu trả lời từ Ngân hàng Nhà nước là “có tài sản đảm bảo thì cho vay còn nếu không thì thôi!”.

Mối lo thất tín


Trao đổi với VnEconomy, tổng giám đốc một ngân hàng cho rằng: cách thức sử dụng tài sản đảm bảo trên thị trường 2 như ở thị trường 1, để tránh chây ỳ nợ là không phù hợp vì những lý do sau.

Thứ nhất, lấy ví dụ với một ngân hàng có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng. Theo quy định hiện nay, giá trị tài sản cố định của ngân hàng không được phép quá 50% vốn điều lệ, có nghĩa, tài sản cố định ở ngân hàng trên chỉ tương đương 1.500 tỷ đồng. Trong cơ cấu 1.500 tỷ đồng nói trên, một tỷ trọng không nhỏ là phương tiện làm việc như máy móc thiết bị, hệ thống công nghệ thông tin; phần mềm lõi ngân hàng nhưng phải đáp ứng điều kiện “có thời gian sử dụng từ 1 năm trở lên; có giá trị 10 triệu đồng trở lên” như quy định tại Quyết định số 206/2003/QĐ-BTC ngày 12/12/2003 và Thông tư 203/2009/TT-BTC của Bộ Tài chính về “Quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định”.

Như thế, phần giá trị còn lại trong 1.500 tỷ đồng nói trên là chứng nhận quyền sử dụng đất tại hội sở, chi nhánh mới có thể đem thế chấp. Chưa kể, quá trình xử lý một hồ sơ vay vốn như ở thị trường 1 đòi hỏi phải trải qua 6 bước: lập hồ sơ vay, phân tích tín dụng; ra quyết định tín dụng, giải ngân, giám sát tín dụng và thanh lý hợp đồng, rất tốn kém thời gian.

Và như thế, sẽ không thể phù hợp vì giá trị tài sản đảm bảo không đủ so với quy mô vay mượn hàng nghìn tỷ đồng/lần với nhau; không đáp ứng kịp thời vì mỗi giao dịch xảy ra rất nhanh trong từng giờ, từng ngày.

Thứ hai, một loại tài sản khác có thể thế chấp là giấy tờ có giá (trái phiếu Chính phủ, tín phiếu Ngân hàng Nhà nước, trái phiếu hay kỳ phiếu ngân hàng), thậm chí là giấy tờ đảm bảo hay quyền đòi nợ của khách hàng đang vay vốn và thế chấp tại ngân hàng mình nhưng, phương án này cũng không khả thi.

Bởi lẽ, một là, nếu đã sở hữu trái phiếu Chính phủ, tín phiếu Ngân hàng Nhà nước thì ngân hàng sẽ mang lên giao dịch trên OMO, chứ ít khi thế chấp cho ngân hàng khác để vay vốn. Chưa kể, trong cơ cấu tài sản của những ngân hàng yếu thanh khoản thì loại tài sản này chiếm tỷ trọng rất thấp, nếu như không nói là không có, ngoại trừ trường hợp bắt buộc mua tín phiếu Ngân hàng Nhà nước như từng xảy ra năm 2008 theo Quyết định 346/QĐ-Ngân hàng Nhà nước của Ngân hàng Nhà nước.

Hai là, nếu có ngân hàng nào đã mua kỳ phiếu, trái phiếu ngân hàng của nhau thì họ mang thế chấp ngay tại ngân hàng mà mình cầm nợ để vay tiền, chứ không thể còn để mang thế chấp ở ngân hàng khác.

Ba là, đối với thế chấp bằng quyền đòi nợ hoặc giấy tờ đảm bảo của khách hàng vay vốn tại ngân hàng mình, cũng không ổn. Chẳng hạn, ngân hàng B muốn đem giấy chứng nhận quyền sử dụng thửa đất trị giá 10 tỷ đồng của khách hàng A đã thế chấp vay vốn tại ngân hàng mình, để đem thế chấp vay vốn của ngân hàng C thì trước hết, B phải xác nhận khoản vay của A là nợ tốt ở nhóm 1 và sau đó, phải được sự đồng ý của khách hàng A thì C mới đồng ý nhận vật thế chấp cho B. Đối với giấy tờ có giá là quyền đòi nợ cũng tương tự như vậy.

Trên thực tế, rất hiếm trường hợp A đồng ý cho B mang giấy tờ của mình đi thế chấp ở ngân hàng C vay vốn và giả định, A có đồng ý thì B cũng không thể làm như vậy vì sẽ mất uy tín với A và thị trường.

Xuất phát từ thực tế trên, những ngày này chủ nợ và con nợ đang thương thảo với nhau để tiếp tục giãn nợ hoặc trả dần; đồng thời, kiến nghị với Ngân hàng Nhà nước về tình trạng chung để nhà điều hành có giải pháp. Theo nhiều ý kiến, Ngân hàng Nhà nước không nên phân biệt: ưu tiên tái cấp vốn cho các khoản nợ thị trường 1 và coi nhẹ khoản nợ trên thị trường 2. Bởi xét cho cùng, khi yếu thanh khoản thì thị trường nào cũng đáng lo như nhau. Hơn nữa, một ngân hàng có khoản nợ 5 nghìn tỷ đồng, nếu được tái cấp vốn để trả 1 tỷ đồng cho thị trường 1 để giữ lời hứa, trong khi thất hứa với 4 nghìn tỷ đồng ở thị trường 2 thì hóa ra, đang có chuyện “tham bát bỏ mâm” ở đây. Có ý kiến đề nghị, một hành động sớm và dứt khoát của Ngân hàng Nhà nước lúc này sẽ vô cùng cần thiết, để loại bỏ ngay biểu hiện “thất tín” đang manh nha trong hệ thống ngân hàng và không để chúng nhiễm vào quan hệ giữa ngân hàng với người dân.

 

Nguyễn Hoài

VnEconomy.vn

Họ tên :

Email :

Nội dung :

Tin cùng chủ đề

Việt Nam đứng top đầu thế giới về nhận kiều hối

Ngày đăng : 29/11/2011 - 12:00 AM

Với khoảng 4 triệu người đang làm việc, sinh sống và học tập ở 101 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, Việt Nam nằm trong số 16 thị trường nhận kiều hối nhiều nhất thế giới.

 

Đó là thông tin do bà Drina Yue, Phó chủ tịch cấp cao kiêm Giám đốc điều hành Western Union khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, công bố ngày 29/11.
Mặc dù tình hình kinh tế thời gian vừa qua có nhiều khó khăn, nhưng lượng kiều hối do Western Union nhận ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương đã tăng 11%.
 
“Ở Việt Nam, kiều hối ổn định hơn một số nước trong khu vực vì khi kinh tế khó khăn, các công dân Việt Nam ở nước ngoài vẫn tiếp tục làm việc chăm chỉ để duy trì nguồn tài chính chuyểnvề cho gia đình họ,” bà Drina Yue cho biết.
 
Theo bà Nguyễn Thị Như Lý, Giám đốc khu vực Đông Dương của Western Union, đa số lượng kiều hối chuyển về Việt Nam là của đối tượng đi xuất khẩu lao động chủ yếu ở các quốc gia và lãnh thổ như: Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, và Malaysia.
 
Hiện nay, có khoảng hơn 400.000 lao động Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài nên nhu cầu chuyển tiền về nhà ngày càng tăng. Tuy nhiên, còn rất nhiều người lựa chọn các kênh chuyển tiền không chính thức, có rủi ro cao.
 
Bà Lý cũng nhận định, kiều hối về Việt Nam chủ yếu chảy về khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa nơi có nhiều lao động xuất khẩu. Nhu cầu gửi tiền về nhà của người dân ngày càng nhiều hơn. Trước đây, chủ yếu là tiền gửi để thăm hỏi người thân, nhưng hiện nay đã ngày càng nhiều người gửi tiền về nhà để xây dựng nhà cửa, đầu tư phát triển và hỗ trợ nhân đạo.
 
Western Union chính thức cung cấp dịch vụ chuyển tiền tại Việt nam từ năm 1994. Đến nay, Western Union đã hỗ trợ nguồn tiền chuyển vào Việt Namtừ 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên khắp thế giới.
 
Khách hàng tại Việt Nam có thể nhận tiền từ nước ngoài thông qua dịch vụ Chuyển tiền của Western Union tại khắp 63 tỉnh thành và hầu khắp các quận huyện trên cả nước thông qua 40 đại lý chính thức tại các ngân hàng, quỹ tín dụng dân dân, bưu điện và các doanh nghiệp tư nhân.
 
Được biết, năm 2010, Western Union đã thực hiện 214 triệu giao dịch cá nhân trên toàn cầu, giúp chuyển 76 tỷ USD trên toàn thế giới.
 
Theo Thảo Nguyễn
Dân trí

Phó chủ tịch LienVietBank: "Tôi đã bảo mẹ bán vàng gửi tiền"

Ngày đăng : 29/11/2011 - 12:00 AM

"Ngay cả trong hệ thống, nếu ngân hàng nào huy động 2 - 3 năm với lãi suất 14%/năm thì tôi sẽ gửi ngay” - ông Hưởng cho biết.

 

“Khi ngân hàng gặp khó thanh khoản cũng là lúc giá vàng cao nhất, tôi đã bảo mẹ bán vàng để gửi tiết kiệm và nay là lãi hơn nhiều" - Ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Thương mại Cổ phần Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank), chia sẻ với VnEconomy như vậy bên lề diễn biến thị trường thời gian qua.

Đó là thời điểm cách đây hơn một tháng, hệ thống ngân hàng có dấu hiệu khó khăn thanh khoản, khi lãi suất trên liên ngân hàng có những mức trên 30%/năm, trong khi thị trường vàng chứng kiến dòng người xếp hàng chen mua.

Những ngày qua cũng vậy. Dòng người chen lấn mua vàng tại cả Hà Nội và Tp.HCM. Lượng vàng các đầu mối dự tính bán ra bình ổn khoảng 5 tấn là “ổn”, nhưng phải bán tới hơn 16 tấn. Đi cùng với dòng người đó, ông Hưởng cho biết có hiện tượng người dân rút tiền gửi ở ngân hàng ra mua vàng, cả từ ngân hàng lớn lẫn ngân hàng nhỏ.

Phó chủ tịch LienVietPostBank nhìn nhận rằng, khó khăn thanh khoản của hệ thống vừa qua và hiện nay không phải do các ngân hàng đẩy mạnh cho vay nhu cầu thanh toán cuối năm như những năm trước. “Có cái vô lý. Như vừa qua, tiền cho vay ra hạn chế mà thanh khoản vẫn căng, căng hơn cả thời cho vay bình thường. Vì người dân rút tiền ra, do tâm lý, do có lo ngại và trú ẩn vào vàng. Họ mua vàng và lại cất giữ ở nhà”, ông Hưởng nói.

Thực tế, hai tháng liên tiếp huy động vốn của hệ thống ngân hàng sụt giảm; lượng vàng bán ra để bình ổn thị trường qua các đợt gần đây đều lớn hơn nhiều so với dự tính. Như ông Hưởng nói, một nguyên do ở đây là có tâm lý lo ngại trong dân cư, dẫn đến hiện tượng rút tiền.

Như phản ánh vừa qua, tâm lý đó một phần lớn xuất phát từ những thông tin dồn dập về tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, có những hoài nghi và đồn đoán trong dân cư tác động tiêu cực đến dòng tiền gửi.

“Tôi cho rằng ở vấn đề này cần thông tin đầy đủ hơn, như Thống đốc Ngân hàng Nhà nước vừa trả lời chất vấn trước Quốc hội. Cần phải hiểu quá trình đó diễn ra sẽ có sáp nhập nhưng không có phá sản. Theo đó, quyền lợi của người gửi tiền tại các ngân hàng vẫn được đảm bảo”, ông Hưởng nhấn mạnh.

Tại phiên trả lời chất vấn cuối tuần qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình nêu định hướng và quan điểm của tái cấu trúc là "đánh chuột không để vỡ bình": quá trình này được thực hiện theo phương châm không để tổ chức tín dụng nào đổ vỡ, đảm bảo tối đa quyền lợi của người gửi tiền và khách hàng của ngân hàng.

“Ở đây, cần phân biệt là nếu có phá sản thì sẽ có sự phân biệt giữa các khoản nợ của tổ chức tín dụng đó, trong đó có quyền lợi của người gửi tiền. Nhưng khi sáp nhập, mua lại thì người mua phải đảm bảo gánh hết các khoản nợ, nhận tất cả các nghĩa vụ và quyền lợi. Như vậy thì tiền gửi của người dân không bị ảnh hưởng, mà chỉ có thể là cổ đông của tổ chức tín dụng đó thôi. Mà Thống đốc cũng đã nói, tái cơ cấu không có giải thể phá sản mà chỉ sáp nhập”, ông Nguyễn Đức Hưởng giải thích thêm.

Để dẫn chứng cho sự “yên tâm” đó, Phó chủ tịch LienVietPostBank nói rằng, chính trong thời điểm người dân đổ xô mua vàng, chênh lệch giá vàng trong nước so với thế giới lên đỉnh điểm, ông đã bảo mẹ bán vàng gửi tiết kiệm, và theo ông đến nay là có lãi hơn nhiều.Theo quan điểm của vị lãnh đạo ngân hàng này, thị trường vàng là sân chơi của các “đại gia”, nhiều rủi ro đối với các cá nhân nhỏ lẻ và họ có sự thiệt thòi khi chịu chênh lệch lớn giữa giá mua vào - bán ra. Và trong giai đoạn hiện nay, gửi tiết kiệm là một lựa chọn tốt hơn.Tốt, bởi ông Hưởng nhìn nhận ở sự hấp dẫn của lãi suất 14%/năm. “Không dễ làm ra cái gì được lãi 14%/năm trong bối cảnh vừa qua và hiện nay. Ngay cả trong hệ thống, nếu ngân hàng nào huy động 2 - 3 năm với lãi suất 14%/năm thì tôi sẽ gửi ngay”.

Con số 14%/năm đó đi cùng với sự lạc quan ở kỳ vọng lạm phát. Trả lời trước Quốc hội, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng cho rằng đó là một mức tích cực, khi chỉ tiêu kiềm chế lạm phát năm 2012 đã được thông qua là dưới 10%. Tuy nhiên, rủi ro ở đây là việc thực hiện được chỉ tiêu trên thực tế, điều đã không thể thực hiện trong năm 2011.

Hiện tại, mức 14%/năm đó là hấp dẫn khi ông Hưởng dự báo lãi suất sẽ hạ trong vài tháng tới. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng đã đưa ra thông điệp, khi lạm phát trong tháng 11 này tăng thấp hơn 1% thì nhà điều hành có cơ sở để xem xét hạ trần lãi suất huy động, như là một giải pháp để tiếp tục giảm lãi suất cho vay.

Có thể, thông tin đó cũng sẽ một phần kích thích nguồn tiền gửi vào ngân hàng đi trước chính sách; huy động vốn của hệ thống theo đó có thể sẽ cải thiện hơn…


Theo Minh Đức
 VnEconomy

 


Lãi suất bình quân liên ngân hàng 12 tháng giảm 6,61%

Ngày đăng : 29/11/2011 - 12:00 AM

So với ngày 23/11, lãi suất bình quân kỳ hạn này giảm xuống còn 14,02%/năm.

 

Theo Ngân hàng Nhà nước, lãi suất bình quân liên ngân hàng ngày 25/11 tăng hầu hết các kỳ hạn so với ngày 23/11. Tăng mạnh nhất là lãi suất bình quân 1 tuần, tăng từ 13,73%/năm ngày 23/11 lên 15,44%/năm.

Lãi suất qua đêm liên ngân hàng tăng 1,65% lên 13,71%/năm. Lãi suất các kỳ hạn từ 2 tuần đến 3 tháng tăng từ 0,06% đến 0,71%.

Trong khi đó, lãi suất bình quân kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng giảm mạnh lần lượt 2,11% và 6,61%, xuống còn 14,01%/năm và 14,02%/năm.
  
Cũng theo Ngân hàng Nhà nước, doanh số giao dịch liên ngân hàng ngày 25/11 là 39.769 tỷ đồng. Trong đó, doanh số giao dịch kỳ hạn qua đêm đạt hơn 21.200 tỷ đồng, chiếm hơn 53% tổng doanh số.

                                      

                                                                                                                                                      Nguồn: SBV

Doanh số kỳ hạn 12 tháng ngày 25/11 đạt 100 tỷ đồng, doanh số kỳ hạn 6 tháng đạt hơn 3.000 tỷ đồng.

Theo NDHMoney, tuần từ 21-25/11, Ngân hàng Nhà nước đã bơm ròng 5.162 tỷ đồng trên thị trường mở, nối tiếp động thái bơm ròng hơn 2.700 tỷ đồng tuần trước đó.

Tính chung từ đầu tháng đến nay, lượng tiền bơm ròng trên thị trường mở lên trên 13.000 tỷ đồng.

 

SBV/DVT.vn


Vàng trong nước đắt hơn vàng thế giới 3,3 triệu đồng/lượng

Ngày đăng : 28/09/2011 - 12:00 AM

12h00

Tại Hà Nội, giá vàng SJC của Bảo Tín Minh Châu hiện giao dịch ở 44,4 - 44,85 triệu đồng/lượng, tăng 300 nghìn đồng mua vào và 200 nghìn đồng bán ra so với giữa buổi sáng. Giá vàng SJC của của SJC Hà nội điều chỉnh tương tự lên 44,45 - 44,75 triệu đồng/lượng.

Tại Tp. Hồ Chí Minh, giá vàng SBJ hiện là 44,06 - 44,54 triệu đồng/lượng, tăng 250 nghìn đồng mua vào và 150 nghìn đồng bán ra so với giữa buổi sáng. Giá vàng SJC lên 44,25 - 44,65 triệu đồng/lượng.

Với sự điều chỉnh này, giá vàng hiện đã về ngang mức của đầu giờ sáng, riêng vàng SBJ tăng 250 nghìn đồng và Vàng Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu tăng 100 nghìn đồng.

Trên thị trường thế giới, giá vàng sau khi điều chỉnh giảm mạnh giữa buổi sáng nay do USD tăng giá, cũng đã hồi phục trở lại, và hiện giao dịch quanh 1.640 USD/ounce. Quy đổi, vàng trong nước cao hơn vàng thế giới 3,3 triệu đồng/lượng.

Trong buổi sáng nay, giá vàng hạ xuống mức "lý tưởng" lại thu hút người dân trở lại thị trường. Các công ty kinh doanh vàng bạc cho biết, cứ khoảng 10 người đến giao dịch thì có 7 - 8 người mua. Tuy nhiên, thị trường vẫn thiếu vắng các nhà đầu tư lớn, chủ yếu là mua nhỏ lẻ vài chỉ đến vài lượng.

-----------

9h20

Giá vàng đang rơi không ngừng khi thị trường thế giới tiếp tục giảm. Vàng SJC tại Tp. Hồ Chí Minh hiện chỉ còn 44 - 44,4 triệu đồng/lượng, giảm 250 nghìn đồng so với cách đây 30 phút. Giá vàng SJC tại Hà Nội cũng xuống 44,1 - 44,5 triệu đồng/lượng. Vàng rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu hiện là 44,1 - 44,65 triệu đồng/lượng trong khi vàng SBJ của Sacombank hạ 200 nghìn đồng giá bán ra xuống 43,81 - 44,39 triệu đồng/lượng.

Trên thị trường thế giới, giá vàng vừa rơi mạnh xuống 1.629 USD/ounce nhưng hiện lại hồi lên 1.633 USD/ounce, vẫn thấp hơn 12 USD so với chốt phiên tại New York.

Với sự điều chỉnh mạnh tay hơn, khoảng cách vàng trong nước và vàng thế giới được co hẹp về 3,3 triệu đồng/lượng

--------------

8h40

Giá vàng trong nước hôm nay rút mạnh xuống dưới 45 triệu đồng/lượng, ngay cả khi giá vàng thế giới cao hơn hôm qua.

Tại Hà Nội, giá vàng SJC của công ty VBĐQ SJC Hà Nội mở cửa sáng nay 28/9 ở 44,3 – 44,7 triệu đồng/lượng, giảm 900 nghìn đồng so với chốt phiên hôm qua.

Vàng SJC và vàng Rồng Thăng Long của công ty VBĐQ Bảo Tín Minh Châu cũng điều chỉnh tương tự và niêm yết tại 44,2 – 44,75 triệu đồng.

Tại Tp. Hồ Chí Minh, giá vàng SJC của công ty VBĐQ Sài Gòn SJC niêm yết ở 44,25 – 44,65 triệu đồng/lượng, giảm 950 nghìn đồng giá mua vào và 1 triệu đồng bán ra so với cuối ngày hôm qua.

Giá vàng SBJ của Sacombank hiện tại là 43,81 – 44,59 triệu đồng/lượng, giảm 600 nghìn đồng so với cuối ngày hôm qua.

So với cùng thời điểm này sáng hôm qua, giá vàng đang thấp hơn khoảng 300 nghìn đồng/lượng. So với mức giá đỉnh của ngày hôm qua lúc 17h00, giá vàng hiện đã mất tới 1,3 triệu đồng/lượng.

Quy đổi theo tỷ giá USD trong ngân hàng, giá vàng trong nước hôm nay còn cách vàng thế giới 3,5 triệu đồng/lượng.


Diễn biến giá vàng trong nước tuần này (Nguồn: SJC)

 

Sau một ngày giao dịch sôi động, giá vàng hôm qua biến động chậm lại đã làm giảm sức hút người dân và nhà đầu tư vào thị trường. Nhiều người cũng bắt đầu ái ngại sau khi NHNN cảnh báo thận trọng trước diễn biến khó lường của thị truờng và tránh để bị lợi dụng bởi giới đầu cơ. Một số khác thì có tâm lý chờ đợi diễn biến tiếp theo của thị trường thế giới.

Trên thị trường thế giới, giá vàng đêm qua hồi phục mạnh sau 3 phiên liên tục giảm tổng cộng 11%, bởi đồng USD yếu, chứng khoán và hàng hoá lên cao trong khi sức mua từ các khách hàng châu Á mạnh. Đóng cửa phiên 27/9, giá vàng giao ngay tăng 1,4% lên 1.650,19 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 12 tăng 57,7 USD lên 1.652,5 USD/ounce.

Sáng nay trên thị trường châu Á, vàng lại đang quay đầu đi xuống vì nhà đầu tư tỏ ra ái ngại sau động thái xả gần 5 tấn vàng của quỹ SPDR đêm qua. Hiện vàng giao ngay ở 1.640 USD/ounce. So với sáng hôm qua, giá vàng hiện vẫn cao hơn 12 USD/ounce.

Tỷ giá USD bình quân liên ngân hàng do NHNN công bố áp dụng cho ngày 28/9 ở mức 20.628 đồng, không đổi suốt 1 tháng qua. Tỷ giá trần cho các NHTM là 20.834 đồng.

Tỷ giá tại các ngân hàng vẫn ổn định, với giá bán ra kịch trần và mua vào phổ biến từ 20.810 - 20.830 đồng. Đây là đợt tỷ giá ổn định lâu nhất kể từ ngày 11/2 - thời điểm NHNN điều chỉnh tỷ giá USD.

Trên thị trường tự do, sau mấy ngày sốt giá USD thì tình hình đã lắng dịu trở lại trong ngày hôm qua. Giá USD được mua bán phổ biến ở quanh mức 21.200 đồng. So với tỷ giá USD của ngân hàng, USD tự do vẫn cao hơn gần 400 đồng.

Thanh Bình


Dòng tiền vẫn sẵn sàng trở lại thị trường

Ngày đăng : 19/12/2010 - 12:00 AM

Dòng tiền vẫn sẵn sàng trở lại thị trường

Thị trường có phiên điều chỉnh có phần thái quá mà một phần nguyên nhân đến từ việc Moody’s hạ bậc tín nhiệm đối với VN. Trước diễn biến hiện tại, nhiều khả năng sự điều chỉnh của thị trường sẽ diễn ra mạnh hơn dự báo. Điểm sáng còn lại là dòng tiền vẫn ở lại với thị trường.

Điều chỉnh để tiến về sóng tăng tiếp theo (CTCK Sacombank-SBS)

Phiên điều chỉnh sang nay được cho là cần thiết khi thị trường đã tăng quá mạnh và nóng trong trong thời gian qua. Tuy nhiên, đây cũng là phiên giao dịch mà thị trường hấp thụ các tin tức không tích cực từ việc hạ bậc tín dụng của Moody đối với Việt Nam. Con sóng và các cổ phiếu lớn và ngân hàng hầu như bị dập tắt khiến nhiều cổ phiếu ngân hang giảm sàn và đưa thị trường giảm sâu. Theo SBS, lực bán từ các cổ phiếu lớn tạo ra các yếu tố dây chuyền khiến nhiều NĐT bán tháo các cổ phiếu khác.

Tuy nhiên, khối lượng và giá trị vẫn được duy trì ở mức cao cho thấy mức độ hưng phấn của nhiều NĐT khi nhiều ý kiến cho rằng thị trường hôm nay vẫn là cơ hội để mua cổ phiếu giá rẻ.

Dưới góc độ kỹ thuật, đây là phiên điều chỉnh của sóng 4 và thị trường có thể quay trở về kiểm định vùng hỗ trợ mạnh quanh 470-480 trước khi hoàn tất sóng tăng thứ 5. Dòng tiền mạnh vẫn đang tồn tại trong thị trường và đây là điểm sáng khẳng định xu hướng tăng của thị trường trong trung hạn. Vì vậy, chúng tôi tiếp tục chờ đợi lực mua và dòng tiền mạnh sẽ tiếp tục hỗ trợ đà tăng của thị trường trong những phiên tới.

Điều chỉnh hoàn toàn hợp lý (CTCK Vndirect-VND)

Nhóm bluechip, đặc biệt là cổ phiếu ngân hàng yếu đi, thậm chí một số giảm sàn khiến cho thị trường hôm nay giảm điểm mạnh, nhất là về phía cuối phiên. Trên bảng điện tử nhiều mã giảm sàn và không có dư mua. Thanh khoản của hai sàn vẫn đạt trên 3 nghìn tỷ, nước ngoài vẫn tiếp tục mua vào, tập trung ở các bluechip. Giao dịch của nhóm cổ phiếu chứng khoán, ngân hàng lớn, tuy nhiên vẫn chưa rõ dấu hiệu phân phối bởi khối lượng này vẫn chưa đáng kể so với tích lũy từ các phiên giao dịch trước.

Thị trường có những phiên điều chỉnh sau đợt tăng nóng là hoàn toàn hợp lý, tuy nhiên chúng tôi vẫn tin tưởng rằng VN-Index sẽ sớm phá mốc 500 điểm.

Thị trường tiếp tục trong đợt điều chỉnh của một chu kỳ lên. Với đà giảm như hiện tại, phiên giao dịch ngày mai Index có thể tiến về mốc 475 điểm đầu phiên, tức chạm MA 8, cũng là chạm đường xu thế tính từ nửa cuối tháng 11 đến nay. Khi chạm vào kênh xu thế, thị trường có khả năng bật lại mạnh tạo nên một phiên xanh điểm cuối ngày.

Lực cầu bắt đáy vẫn mạnh và niềm tin vẫn đang trong xu hướng đi lên (CTCK Phương Đông-ORS)

Hôm nay thị trường đón nhận làn sóng xả hàng mạnh mẽ khi các cổ phiếu thuộc khối NH đã không còn giữ được đà tăng. Có vẻ như thông tin gia hạn thời gian tăng vốn điều lệ của các NHTM đã được nắm bắt từ trước. Do đó, mặc dù đây là thông tin gây tác động mạnh đến thanh khoản của thị trường nhưng giá của nhiều cổ phiếu đã tăng từ trước khi thông tin được công bố, và gần như phản ánh hết vào mức giá hiện tại.

Theo đó, có thể nhận thấy thị trường khó có thể tiếp tục tăng mạnh, nhiều NĐT đã chọn giải pháp bán ra nhằm chốt lời và xu hướng này ngày càng mạnh khi thị trường bước vào giai đoạn đóng cửa.

Trong phiên giao dịch ngày mai, nhiều khả năng thị trường sẽ tiếp tục phải đón nhận nguồn cung hàng mạnh từ đầu phiên và vùng giá 475-480 sẽ phải test thêm một lần nữa trước khi có thể kết luận xu hướng mới của thị trường. Theo chúng tôi thì vùng giá này sẽ không bị dễ chinh phục trong phiên ngày mai khi mà lực cầu bắt đáy còn rất mạnh và niềm tin của NĐT vẫn trong xu hướng đi lên.

Dòng tiền vẫn sẵn sàng trở lại thị trường (CTCK FPT-FPTS)

Cổ phiếu ngân hàng điều chỉnh sau 3 phiên tăng liên tiếp, nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn cũng giảm mạnh khiến các chỉ số giảm sâu trong phiên hôm nay. Dù thanh khoản trên cả hai sàn vẫn sụt giảm nhưng tổng giá trị giao dịch vẫn đạt gần 3.000 tỷ đồng cho thấy kênh đầu tư chứng khoán tiếp tục thu hút sự đầu tư của nhiều nhà đầu tư.

Chúng tôi nhìn nhận ba phiên giảm điểm vừa qua chỉ là những phiên điều chỉnh. Dòng tiền sẵn sàng trở lại thị trường vẫn còn khá lớn và nhà đầu tư vẫn lạc quan với diễn biến thị trường trong những ngày còn lại của năm. FPTS dự báo khả năng phục hồi nhẹ của thị trường trong phiên giao dịch ngày mai, thanh khoản sẽ không có nhiều thay đổi.

Dòng tiền vẫn đang chờ đợi (CTCK Trí Việt-TVSC)

Thị trường có phiên điều chỉnh mang tính kỹ thuật, tuy vậy KLGD cũng không quá lớn và lượng bán tháo không cao. Khối ngành NH và CK đã chựng đà tăng giá sau thông tin Moody’s hạ bậc tín nhiệm đối với trái phiếu và tiền gửi ngoại tệ của 1 số ngân hàng Việt Nam. Đây là một sự điều chỉnh cần thiết trong quá trình đi lên còn nhiều nghi ngờ của thị trường. Thị trường có nhiều mốc hỗ trợ vững trong vùng 470-480 điểm và rất khó có khả năng điều chỉnh sâu vì dòng tiền vẫn đang chờ đợi. Việc lựa chọn đầu tư những cổ phiếu cơ bản tốt, thông tin hỗ trợ vẫn là hợp lý khi triển vọng thị trường năm 2011 được dự báo sẽ có nhiều tích cực.

Tuy vậy, có 1 tín hiệu cần quan sát đó là sự giảm sàn của nhóm cổ phiếu dẫn dắt thị trường-nhóm cổ phiếu chứng khoán. Nếu sự giảm sàn này còn tiếp tục trong ngày mai thì hưng phấn trên đà tăng của thị trường sẽ bị giảm sút đáng kể. Và điều này có thể sẽ khả năng phá lại mốc 498 trong trường hợp thị trường tăng trở lại vùng 475-480 điểm. Việc định hình lại một nhóm cổ phiếu dẫn dắt khác chưa thể diễn ra ngay và thông thường cần một quá trình tích lũy để tạo điều kiện cho sự phân hóa cổ phiếu và luân chuyển các dòng tiền.

Thị trường sắp tới nhiều khả năng sẽ gặp thử thách lớn (CTCK Bảo Việt-BVSC)

Diễn biến thị trường trong phiên giao dịch sáng nay đã diễn ra tiêu cực hơn nhiều so với dự báo của chúng tôi. Sau khi liên tục tăng mạnh trong những phiên gần đây, nhóm cổ phiếu tài chính NH bất ngờ quay đầu giảm điểm khiến NĐT mất phương hướng, dẫn đến việc đẩy mạnh bán ra cổ phiếu. Bên cạnh tâm lý tiêu cực đến từ sự điều chỉnh của nhóm cổ phiếu ngành tài chính ngân hàng, ám ảnh về 2 phiên phân phối mạnh vừa qua cũng gây hoang mang cho một bộ phận lớn nhà đầu tư.

Việc Moody’s hạ bậc tín nhiệm tiền gửi ngoại tệ của 6 NH Việt Nam và hạ bậc tín nhiệm đối với trái phiếu Chính phủ Việt Nam, theo chúng tôi sẽ không tác động nhiều đến tâm lý NĐT nước ngoài. Điều này cũng được chứng minh qua việc họ tiếp tục mua ròng trong phiên hôm nay. Nhưng tác động với NĐT trong nước thì có lẽ không hẳn như vậy, dẫn đến động thái bán ra mạnh.

Với diễn biến tâm lý NĐT tiêu cực như hiện tại, thị trường nhiều khả năng sẽ gặp thử thách lớn trong phiên sắp tới. Mặc dù chúng tôi vẫn đánh giá cao khả năng thị trường sẽ bật tăng trở lại nhờ lượng cầu đến từ NĐT có tổ chức nhưng phiên giảm điểm mạnh hôm nay mang đến rủi ro Vn-Index có thể điều chỉnh về những mốc sâu hơn dự báo.

Các tín hiệu kỹ thuật là khá tiêu cực (CTCK Beta-BSI)

Về mặt kỹ thuật, một số chỉ báo kỹ thuật trên sàn HOSE cho tín hiệu tiêu cực, khi có sự phân kỳ giảm của chỉ báo STO với đường giá và còn đường RSI quay đầu giảm từ vùng quá mua, cho tín hiệu bán. Điều tích cực là khối lượng giao dịch vẫn duy trì ở mức khá, cho thấy lực mua bắt đáy cũng khá mạnh, đây chính lực đỡ cho thị trường trong thời gian tới. Hiện nay, kênh tăng giá vẫn chưa bị phá vỡ, do đó khả năng thị trường tiếp tục giảm 1, 2 phiên nữa, trước khi tăng trở lại là có thể xảy ra.

Đối với sàn HNX, có sự phân kỳ giảm của đường STO, RSI với đường giá, cảnh báo khả năng tiếp tục giảm. Ba phiên gần đây, rất nhiều cổ phiếu đã giảm giá khá nhiều, sẽ kích thích dòng tiền vào lại những cổ phiếu này khi những cổ phiếu này tiếp tục giảm giá. Do đó, khả năng HNX-Index tiếp tục giảm về ngưỡng hỗ trợ 110 và tăng trở lại từ ngưỡng này là có thể xảy ra.

Thị trường chính thức đi vào điều chỉnh (CTCK Rồng Việt-VDSC)

Với những tín hiệu dự báo trước và diễn biến trong phiên hôm nay (16/12), chúng ta hoàn toàn có thể nhận thấy thị trường đã chính thức đi vào điều chỉnh. Những đợt giằng co hồi phục nhẹ chỉ diễn ra trong thời gian vài phút và sau đó thị trường đã thể hiện rõ xu hướng giảm điểm cho đến hết phiên. Giá giảm mạnh cộng với khối lượng giảm thấp, có thể chỉ mới bắt đầu cho đợt điều chỉnh khi mà NĐT vẫn còn đang do dự việc bán ra. Nếu trong vài phiên sắp tới, thị trường tiếp tục giảm điểm với khối lượng tăng dần thì đây là tín hiệu rất nguy hiểm và NĐT nên thận trọng.

Với công bố của Moody cho thấy sự sụt giảm tin tưởng về triển vọng kinh tế Việt Nam của tổ chức quốc tế và điều này phần nào đã ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý NĐT trong phiên giao dịch hôm nay.

Thị trường sẽ không giảm liên tục mà xen kẽ là những phiên phục hồi (CTCK BIDV-BSC)

Tín hiệu từ MACD đã rõ nét hơn trong việc xác định xu hướng điều chỉnh. Chúng tôi cho rằng thị trường sẽ không giảm điểm liên tục mà sẽ có xen kẽ những đợt tăng điểm. Với mức độ điều chỉnh như hiện nay, chưa có độ tin cậy tốt để cho khả năng phục hồi kéo dài đủ T+4. Do đó, chúng tôi cho rằng việc mua vào khi giá tiếp tục giảm chỉ phù hợp với NĐT có tỷ trọng cổ phiếu thấp, cơ hội thực sự nhiều khả năng chưa đến.

Ở chiều bán ra, chúng tôi cho rằng tiếp tục bán giá thấp trong điều kiện thị trường đã điều chỉnh khá nhiều sẽ không có lợi thế. NĐT nên chờ đợi đợt phục hồi để có giá tốt. Dù vậy, có thể cần một vài ngay để quay trở lại, và khá rủi ro nếu áp dụng cho các mã nhỏ thanh khoản yếu.

Khả năng xuyên thủng mốc 470 điểm nhiều khả năng sẽ xảy ra (CTCK Dầu khí-PSI)

Thị trường tiếp tục điều chỉnh giảm khá mạnh khi nhóm cổ phiếu ngân hàng bị chốt lời và những cổ phiếu còn lại tiếp tục giảm về sát mốc hỗ trợ. Theo phân tích kỹ thuật, khoảng trống giao dịch chưa bị lấp đầy trong phiên giao dịch hôm nay và chưa thể hiện sự kết thúc xu thế tăng giá.

Tuy nhiên, trong phiên giao dịch tiếp theo, nếu lực cầu không gia tăng, khả năng xuyên thủng mức 470 điểm sẽ xảy ra và cho thấy đợt hồi phục đã kết thúc. Đây là một phiên giao dịch quan trọng, có tác động lớn tới hướng đi tiếp theo của thị trường. Trong trường hợp sự hồi phục diễn ra, sức ép giao dịch hiện tại thậm chí sẽ giúp VN-Index vượt mức kháng cự 500 – 515 điểm. Do đó, nhà đầu tư chỉ nên mua vào nếu có sự hồi phục.

Thị trường vẫn đang trong giai đoạn điều chỉnh (CTCK Quốc tế Việt Nam-VIS)

Tất cả những lo ngại về công bố của Moody’s phản ánh vào giá cổ phiếu ngày hôm nay (16/12/2010), tâm lý nhà đầu tư từ thận trong đa chuyển sang lo sợ, khi mà giá cổ phiếu không ngừng lao dốc đặc biệt là các cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán bất ngờ giảm sàn hàng loạt với dư bán tràn ngập bảng điện tử. Dường như các cổ phiếu chủ chốt đang dần đuối sức và khó có thể tiến xa hơn nữa trong năm nay. Tuy nhiên, nhà đầu tư nước ngoài đa quay trở lại đóng vai trò nâng đỡ thị trường đang làm cho VNIndex có phần giảm bớt nguy cơ tiếp tục đi xuống và mốc 480 điểm của VNIndex vẫn giữ vững. Bên cạnh đó, việc giá vàng và ngoại tệ trong nước giảm mạnh trở lại là một tác động tích cực tới thị trường.

Thị trường vẫn đang trong giai đoạn điều chỉnh với diễn biến khá chậm chạp khi áp lực bán mạnh có thể xuất phát từ những nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chinh mua vào trong một số phiên về trước khiến cho lực cầu của bên mua không có cơ hội kiểm soát lại tình hình. Và vì vậy, thị truờng vẫn khó có thể bứt phá cho tới khi có các thông tin hỗ trợ tích cực đủ mạnh. Do đó, nhiều khả năng VNIndex sẽ tiếp tục giảm điểm trong phiên giao dịch cuối tuần khi áp lực bán ra trong ngắn hạn vẫn còn khá lớn.

Tâm lý lo ngại đang quay trở lại (CTCK Âu Việt-AVSC)

Moody’s hạ bậc tín nhiệm đối với trái phiếu của Việt Nam đồng thời cũng hạ xếp hạng tiền gửi ngoại tệ của 6 ngân hàng Việt Nam, ngoài ra, sau khi cam kết mức trần huy động VNĐ là 14% thì ngay hôm sau một số ngân hàng đã tăng lên 15%. Đây là một số thông tin phần nào đã tác động khá mạnh đến thị trường chứng khoán trong phiên giao dịch hôm nay.

Diễn biến của phiên hôm nay cho thấy tâm lý lo ngại và thận trọng đã quay trở lại với nhà đầu tư. Hoạt động bán ra gần như chiếm áp đảo trên hầu hết các cổ phiếu, nhất là vào thời điểm cuối phiên là một dấu hiệu không mấy tích cực.

AVS cho rằng, nhiều khả năng thị trường sẽ tiếp tục có sự điều chỉnh trong phiên giao dịch kế tiếp. Vùng hỗ trợ gần nhất với VN-Index là vùng 480 – 470 điểm và HNX-Index sẽ là vùng 115 – 110 điểm. Nếu lực cầu tại vùng này diễn ra tốt, nhà đầu tư có thể xem xét giải ngân. Những cổ phiếu có cơ bản tốt, có thanh khoản cao và có giá giảm mạnh trong những phiên vừa qua sẽ là một sự lựa chọn hợp lý.


 

Tin mới cập nhật