Việc đặt kỳ vọng gói 29.000 tỷ đồng khi triển khai sẽ mang lại những tác động lớn đến DN, từ đó tác động tích cực đến TTCK là không thực tế.
Trong bản tin sáng ngày 18/5 gửi khách hàng, Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) nêu quan điểm, khả năng gói hỗ trợ 29.000 tỷ đồng không được thông qua khiến TTCK càng xuống thấp.
Phiên cuối tuần, VN-Index mất thêm gần 2% số điểm, kéo dài chuỗi ngày giảm điểm mạnh đến 8 phiên liên tiếp. “Niềm tin của các NĐT đã yếu lại càng yếu hơn do vẫn chưa chắc chắn Quốc hội sẽ thông qua gói hỗ trợ 29.000 tỷ đồng tại phiên họp bắt đầu từ ngày 21/05/2012”, VCSC viết.
Ở một góc nhìn khác, chuyên gia phân tích của Vietstock cho rằng, TTCK đã phản ứng một cách khá tiêu cực khi gói hỗ trợ không nhận được sự đồng thuận toàn bộ của Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội. Quan điểm của các thành viên Ủy ban này là chỉ đồng ý với đề xuất giảm thuế, nhưng không đồng ý với đề xuất miễn thuế. Vietstock cho rằng, tác động của việc miễn thuế là quá nhỏ, như năm 2011, số thuế được miễn giảm của những đối tượng thuộc diện này chỉ có 12 tỷ đồng.
Dù đã có những ý kiến đa chiều về gói hỗ trợ 29.000 tỷ đồng đưa ra TTCK, nhưng không thể phủ nhận một thực tế NĐT đại chúng bị ảnh hưởng tâm lý rất mạnh khi biết tin, gói này “có thể bị xem xét lại”. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của Người quan sát, bản chất gói 29.000 tỷ đồng mà Bộ Tài chính trình lần này không có nhiều điểm mới, bởi nhiều nội dung trong đó chỉ là thực hiện tiếp (trong năm 2012) những biện pháp đã thực hiện theo Nghị quyết 08/2011/QH13.
29.000 tỷ đồng của gói hỗ trợ được cấu thành bởi một số con số chính: khoảng 4.000 tỷ đồng là tiền thuế được giảm cho các DN sử dụng nhiều lao động trong lĩnh vực đặc thù như sản xuất, gia công, chế biến nông, lâm sản, thủy sản, dệt may, da giày, linh kiện điện tử; khoảng 4.100 tỷ đồng là tiền gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng của tháng 4, tháng 5 và tháng 6 thêm 6 tháng cho đối tượng DN theo Nghị quyết 08/2011/QH13; khoảng 3.500 tỷ đồng là phần gia hạn nợ thuế TNDN chưa nộp Ngân sách của năm 2011 trở về trước cho một số DN cũng theo Nghị quyết 08 và mở rộng thêm một số DN sản xuất sản phẩm cơ khí, vận tải đường thủy…; khoảng 3.000 tỷ đồng là khoản phí bảo trì đường bộ, xin lùi thời hạn thu đến hết 31/12/2012; ngoài ra con số 29.000 tỷ đồng này là kết quả cộng dồn của một số khoản nhỏ khác, như mở rộng diện giảm tiền thuê đất (800 tỷ đồng); giãn thời gian nộp tiền sử dụng đất, miễn thuế môn bài…
Những con số trên cho thấy, việc dư luận đặt kỳ vọng gói 29.000 tỷ đồng khi được triển khai sẽ mang lại những tác động lớn đến cộng đồng DN, từ đó tác động tích cực đến TTCK là không thực tế. Như đã nói trên, gói 29.000 tỷ đồng này chủ yếu là đề xuất xin thực hiện tiếp những chính sách ưu đãi mà Quốc hội đã ban hành năm 2011. Chính vì vậy, sự thất vọng thái quá của NĐT, đẩy TTCK xuống sâu liên tiếp khi có tin Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội không đồng thuận hoàn toàn với gói này là hiện tượng rất… “không bình thường”.
Liên quan đến NĐT, điều đáng lưu tâm hơn là để hỗ trợ NĐT, hỗ trợ sự phục hồi của TTCK, Quốc hội năm 2011 đã quyết việc miễn thuế thu nhập cá nhân đối với cổ tức và giảm 50% thuế thu nhập cá nhân với hoạt động chuyển nhượng chứng khoán, nhưng hiệu lực của quyết sách ưu đãi này chỉ kéo dài đến 31/12/2012. Sang năm 2013, chính sách thuế cho NĐT chứng khoán sẽ như thế nào? Đó là một câu hỏi ngỏ mà ĐTCK sẽ đề cập dần trong các số báo tiếp theo.
Theo Người quan sát
ĐTCK